Wednesday, February 5, 2014

THƯ ĐIỀU TRẦN NHÂN QUYỀN TẠI VIỆT NAM

THƯ ĐIỀU TRẦN NHÂN QUYỀN TẠI VIỆT NAM

Vạch trần bộ mặt thật của đảng cộng sản Việt Nam

http://www.youtube.com/watch?v=s0R378Z2ksA

Kính gửi:                 
Hội đồng nhân quyền Liên hiệp quốc
Đồng kính gửi:        
Văn phòng Cao ủy nhân quyền Liên hiệp quốc (OHCHR)
- Tổ chức Giám sát nhân quyền Liên hiệp quốc (UN Watch)
- Ban tổ chức Hội thảo “Trách nhiệm của Việt Nam trong vai trò thành viên Hội Đồng Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc
                                
– Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ
 Vừa có thêm một bằng chứng sống động nữa về khoảng cách biệt khó che giấu giữa tư duy và cách hành xử về điều được coi là “luôn bảo đảm các quyền con người” của Nhà nước Việt Nam với những tiêu chí nhân quyền có giá trị thực tế hơn rất nhiều của Liên hiệp quốc.

Bằng chứng sống động đó vừa ứng vào trường hợp của tôi –  Phạm Chí Dũng, một nhà báo độc lập ở Việt Nam.

I. Nhận thư mời từ UN Watch, một tổ chức phi chính phủ Thụy Sĩ có chức năng giám sát các vấn đề nhân quyền và dân chủ thuộc Liên hiệp quốc, tôi đã làm thủ tục visa và đã có vé máy bay để đến Genève tham dự cuộc hội thảo “Trách nhiệm của Việt Nam trong vai trò thành viên Hội Đồng Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc” vào ngày 4/2/2014, bên cạnh cuộc Kiểm điểm định kỳ phổ quát về nhân quyền Việt Nam (UPR) diễn ra tại Genève vào ngày 5/2/2014.

Là một trong những diễn giả của cuộc hội thảo trên, bài tham luận của tôi sẽ đặt vấn đề về “Vai trò của các NGO nhằm thúc đẩy nhân quyền cho Việt Nam”, trong đó cần kíp xây dựng một mạng lưới liên kết giữa các NGO quốc tế và các nhóm dân sự Việt Nam nhằm thúc đẩy các vấn đề về quyền con người.
Thấu hiểu hoàn cảnh rất khó được xuất cảnh của tôi, ngày 29/1/2014, Văn phòng Cao ủy nhân quyền Liên hiệp quốc đã gửi văn thư cho Bộ Ngoại giao Việt Nam, đại diện thường trực của Chính phủ Việt Nam tại Genève và đại sứ Việt Nam tại Bangkok, đề nghị hỗ trợ đầy đủ cho chuyến đi của tiến sĩ Phạm Chí Dũng.

 Văn thư này cũng nêu rõ một trong những yêu cầu chủ yếu của cuộc Kiểm điểm định kỳ phổ quát về nhân quyền Việt Nam là sự tham gia của xã hội dân sự, và Liên hiệp quốc khuyến khích các nhóm dân sự và cá nhân Việt Nam tham dự cuộc kiểm điểm này.

 Những tin tức mà tôi nhận được cũng cho thấy Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã đề nghị Bộ Ngoại giao Việt Nam tạo thuận lợi cho chuyến đi Genève của tôi.
Trước tấm chân tình và những tương tác tiến bộ của cộng đồng quốc tế cùng giới hoạt động vì quyền con người ở Việt Nam, không thể khác là trong tôi mang nặng tình cảm xúc động và hàm ơn.

Nhưng bất chấp những vận động nhiệt tình và thiện ý của cộng đồng quốc tế, chuyến bay đi Genève của tôi vào ngày 1/2/2014 từ sân bay Tân Sơn Nhất đã bị ngăn chặn. Tại sân bay này, Cục quản lý xuất nhập cảnh của Bộ Công an và cơ quan an ninh của Công an TP. Hồ Chí Minh đã thông báo miệng với tôi rằng “hội thảo ở Thụy Sĩ có thể bị các thế lực thù địch lợi dụng nhằm xuyên tạc và nói xấu nhà nước Việt Nam”, đồng thời những cơ quan an ninh này lập biên bản thu giữ hộ chiếu của tôi.

Trước đây vào tháng 8/2012, tôi cũng đã bị Công an TP. Hồ Chí Minh khuyến cáo “không nên đi” khi tôi được mời dự Hội thảo mùa hè ở Singapore về cải cách kinh tế Việt Nam. Việc không đồng ý với khuyến cáo của cơ quan an ninh cũng được hiểu là đương sự hoàn toàn có thể bị ngăn chặn tại sân bay nếu vẫn giữ nguyên kế hoạch xuất cảnh.
Gần đây nhất vào giữa tháng Giêng năm 2014, một blogger ở TP. Hồ Chí Minh là Thành Nguyễn đã bị cơ quan an ninh cửa khẩu ngăn chặn chuyến bay tới Mỹ, dù blogger này đã được tòa lãnh sự Hoa Kỳ cấp visa. Theo blogger Thành Nguyễn, phía cơ quan an ninh chỉ đưa ra một lý do rất mơ hồ trong việc ngăn chặn là “bảo vệ an ninh quốc gia và trật tự an toàn xã hội’.

Theo thống kê sơ bộ của giới hoạt động dân chủ và nhân quyền ở Việt Nam, từ đầu năm 2013 đến nay đã có khoảng 10 trường hợp cá nhân bị ngăn chặn xuất cảnh tại các cửa khẩu, tương tự vụ việc của tôi.

Cũng có thông tin trong giới hoạt động dân chủ và nhân quyền ở Việt Nam cho biết hiện đang tồn tại một danh sách lên đến khoảng 2,000 người bị cơ quan an ninh cấm xuất cảnh, trong đó nhiều trường hợp bị ngăn chặn thuộc về các cựu tù nhân lương tâm và những người bất đồng chính kiến.

II. Ngay trước thềm UPR diễn ra ngày 5/2/2014 tại Thụy Sĩ, hành động các cơ quan an ninh Việt Nam ngăn chặn việc xuất cảnh đối với tôi đã vi phạm nghiêm trọng quyền tự do đi lại của công dân – được ghi nhận tại điều 12 của Công ước Quốc tế về các quyền dân sự và chính trị mà Việt Nam đã tham gia từ năm 1982; vi phạm nghiêm trọng Điều 23 của Hiến pháp Việt Nam có hiệu lực từ ngày 1/1/2014 mà theo đó “Công dân có quyền tự do đi lại và cư trú ở trong nước, có quyền ra nước ngoài và từ nước ngoài về nước. Việc thực hiện các quyền này do pháp luật quy định”.

Với tư cách một công dân, tôi không vi phạm bất cứ quy định nào về pháp luật xuất nhập cảnh ở Việt Nam. Tôi cũng chưa từng được cơ quan an ninh thông báo về cá nhân tôi không được xuất cảnh.
Vô tình hay hữu ý, hành động ngăn chặn xuất cảnh như trên đã làm xấu đáng kể hình ảnh của Nhà nước Việt Nam trước cộng đồng quốc tế, chứng minh không thể sinh động và cập nhật hơn về việc Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam – một thành viên vừa được bầu của Hội đồng nhân quyền Liên Hiệp quốc – lại vừa ngang nhiên vi phạm các cam kết về nhân quyền của Liên hiệp quốc, vi phạm Công ước quốc tế mà Việt Nam đã tham gia, đồng thời vi phạm hiến pháp của chính nhà nước này.

Tuy vấn đề xuất cảnh của cá nhân tôi chỉ rất nhỏ bé, song vụ việc ngăn chặn xuất cảnh đối với tôi lại lồng trong khung cảnh nhiều chủ đề về quyền con người ở Việt Nam về dân sinh, dân quyền và chính trị vẫn còn thụt lùi sâu sắc, bất chấp rất nhiều hứa hẹn “sẽ cải thiện” từ phía một nhà nước luôn tuyên xưng “của dân, do dân và vì dân”.
Trong trường hợp cần thiết, tôi sẵn lòng phác tả về bức tranh nhân quyền mang sắc màu u ám trong một Việt Nam đương đại.

Lồng trong khung cảnh thụt lùi sâu sắc về nhân quyền như thế, nhiều công dân Việt Nam như tôi đang khắc khoải mong đợi những tác động đủ mạnh và đủ ý nghĩa từ cộng đồng nhân quyền quốc tế, đặc biệt là cuộc UPR sắp tới, hầu mong có thể phần nào cải thiện não trạng và cải hóa hành vi đối xử nhân quyền của nhà nước và các cơ quan an ninh Việt Nam.
Hơn lúc nào hết, ý nghĩa của những tác động quốc tế khó có thể tách rời tương lai định chế Hiệp định đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP) mà Nhà nước Việt Nam có thể được chấp thuận tham gia hay không, lồng trong bối cảnh quốc gia này đã chìm trong cơn suy thoái kinh tế kéo dài hơn 6 năm và phía trước là một cuộc khủng hoảng rất khó tránh thoát.

Thư điều trần này được gửi đến Hội đồng nhân quyền Liên hiệp quốc và các tổ chức quốc tế liên quan, với lòng kính trọng những điều mà quý vị đang cống hiến cho nền dân chủ và nhân quyền trên toàn cầu.

Việt Nam ngày 2 tháng 2 năm 2014
Nhà báo độc lập Phạm Chí Dũng
(đã ký) 

Tuyên bố của Diễn đàn Xã hội Dân sự

Phản đối việc công an thành phố Hồ Chí Minh ngăn cản Ts. Phạm Chí Dũng xuất cảnh

Ngày 1-2-2014 Ts. Phạm Chí Dũng ra sân bay Tân Sơn Nhất để lên đường đi dự Hội thảo về nhân quyền và dân chủ, bên cạnh cuộc Kiểm điểm định kỳ phổ quát về nhân quyền Việt Nam tại Geneve theo lời mời của tổ chức UN-Watch đã bị công an thành phố Hồ Chí Minh ngăn cản không cho xuất cảnh.

Hành động này của công an thành phố Hồ Chí Minh đã vi phạm nghiêm trọng Điều 23 của Hiến pháp vừa có hiệu lực từ 1-1-2014 mà theo đó “Công dân có quyền tự do đi lại và cư trú ở trong nước, có quyền ra nước ngoài và từ nước ngoài về nước. Việc thực hiện các quyền này do pháp luật quy định”; đã vi phạm nghiêm trọng quyền tự do đi lại của công dân được ghi nhận tại điều 12 của Công ước Quốc tế về các quyền dân sự và chính trị mà Việt Nam đã tham gia từ năm 1982; đã bôi nhọ danh dự của Việt Nam trước cộng đồng quốc tế vì nó cho thấy Cộng hòa xã hội Chủ nghĩa Việt Nam một thành viên vừa mới được bầu của Hội đồng nhân quyền của Liên Hiệp quốc đã trắng trợn vi phạm nhân quyền, vi phạm công ước quốc tế mà Việt Nam đã tham gia, vi phạm hiến pháp của chính mình.

Biên bản số 166/BB-A72-TSN ngày 1-2-2014 đã viện đến đề nghị của Công an thành phố Hồ Chí Minh không cho Ts. Phạm Chí Dũng xuất cảnh dựa vào Nghị định số 136/2007/NĐ-CP ngày 17-7-2007 của Chính phủ.
Điều 21 của Nghị định 136/2007/NĐ-CP quy định: “Công dân Việt Nam ở trong nước chưa được xuất cảnh nếu thuộc một trong những trường hợp sau đây:
1. Đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc có liên quan đến công tác điều tra tội phạm.
2. Đang có nghĩa vụ chấp hành bản án hình sự.
3. Đang có nghĩa vụ chấp hành bản án dân sự, kinh tế; đang chờ để giải quyết tranh chấp về dân sự, kinh tế.
4. Đang có nghĩa vụ chấp hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính, nghĩa vụ nộp thuế và những nghĩa vụ khác về tài chính trừ trường hợp có đặt tiền, đặt tài sản hoặc có biện pháp bảo đảm khác để thực hiện nghĩa vụ đó.
5. Vì lý do ngăn chặn dịch bệnh nguy hiểm lây lan.
6. Vì lý do bảo vệ an ninh quốc gia và trật tự an toàn xã hội.
7. Có hành vi vi phạm hành chính về xuất nhập cảnh theo quy định của Chính phủ”.
Theo Điều 21 rõ ràng các điểm từ 1 đến 5 và điểm 7 không áp dụng được trong trường hợp này và  chỉ có thể viện vào “lý do bảo vệ an ninh quốc gia” một nửa của điểm 6 mà thôi.
Điểm 3 của Điều 12 của Công ước về quyền dân sự và chính trị nêu rõ các quyền này sẽ “không phải chịu bất kỳ hạn chế nào, trừ những hạn chế do luật định và là cần thiết để bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự công cộng, sức khoẻ hoặc đạo đức xã hội hoặc các quyền tự do của người khác, và phải phù hợp với những quyền khác được Công ước này công nhận.”

Điều 12 của Hiến pháp quy định “Nước cộng hòa xã hội Chủ nghĩa Việt Nam … tuân thủ Hiến chương Liên hiệp quốc và điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên…” Như thế, những sự hạn chế quyền tự do đi lại phải do luật định mà Nghị định 136/2007/NĐ-CP không phải là luật và không thể viện dẫn đến Nghị định này để cản trở Ts. Phạm Chí Dũng hay bất cứ công dân khác nào xuất cảnh.

Ngay cả giả như có thể áp dụng Nghị định 136/2007/NĐ-CP thì hành động ngăn cản này cũng đã vi phạm thủ tục của chính Nghị định đó.  Khoản 1 của Điều 22 Nghị định trên quy định thẩm quyền quyết định chưa cho công dân xuất cảnh như sau: chỉ có Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, tòa án hay cơ quan thi hành án có thể quyết định chưa cho xuất cảnh theo các khoản 1,2 và 3 của Điều 21; Bộ trưởng và chủ tịch ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố quyết định chưa cho xuất cảnh theo khoản 4 Điều 21; Bộ trưởng Bộ Y tế theo khoản 5; Bộ trưởng Bộ Công an theo khoản 6; và Thủ trưởng cơ quan Quản lý xuất nhập cảnh – Bộ Công an quyết định chưa cho xuất cảnh đối với những người nêu tại khoản 7 của Điều 21 nêu trên.  

“Đề nghị của công an thành phố Hồ Chí Minh” như được viện dẫn trong biên bản 166/BB-A72-TSN (đã nêu trên) không phải là quyết định của công an thành phố Hồ Chí Minh (trong trường hợp này công an thành phố Hồ Chí Minh cũng chẳng có thẩm quyền ấy mà chỉ Bộ trưởng Bộ công an mới có thẩm quyền), thế nhưng  người ký quyết định chưa cho xuất cảnh trong biên bản trên lại là thượng tá Phạm quốc Hùng, phó trưởng Đồn công an của khẩu Tân sơn Nhất. Như thế quyết định nêu trong biên bản 166/BB-A72-TSN là một quyết định hành chính hoàn toàn trái pháp luật.

Vì những lý do trên Diễn đàn Xã hội Dân sự cực lực lên án công an thành phố Hồ Chí Minh đã phạm pháp trong việc cản trở Ts. Phạm Chí Dũng xuất cảnh và yêu cầu:
Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ công an nghiêm trị những kẻ đã có hành vi phạm pháp đối với Ts Phạm Chí Dũng cũng như đã ngăn chặn xuất cảnh một cách trái pháp luật đối với một số người khác.
Ts. Phạm Chí Dũng hoàn toàn có quyền kiện công an thành phố Hồ Chí Minh đã phạm pháp trong trường hợp này và trong trường hợp đó chúng tôi yêu cầu tòa án xử nghiêm minh.

Ts. Phạm Chí Dũng hoàn toàn có quyền kiện Cộng Hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam ra trước Hội đồng Nhân quyền (HRC) của Liên Hiệp Quốc về sự vi phạm này, tương tự như các vụ Peltonen kiện nhà nước Phần Lan (mã số 4922/92) hay vụ Celepli kiện nhà nước Thụy Điển(mã số 456/91) vv… và trong trường hợp này chúng tôi yêu cầu HRC xét xử nghiêm minh.
Trong mọi trường hợp, Diễn đàn Xã hội Dân sự bày tỏ sự đoàn kết với Ts. Phạm Chí Dũng và kêu gọi tất cả mọi người ủng hộ Ts. Phạm Chí Dũng và mạnh mẽ lên án sự phạm pháp của công an thành phố Hồ Chí Minh, lên tiếng yêu cầu Chính phủ Việt Nam nghiêm trị những kẻ phạm pháp, tôn trọng công ước quốc tế, tôn trọng hiến pháp và có những biện pháp thích đáng để không xảy ra những vụ  phạm pháp tương tự với mọi công dân Việt Nam.

Ngày 2-2-2014
Diễn đàn Xã hội Dân sự



No comments:

Post a Comment

Nhân quyền và bạo quyền

VTV-[Trang Lê Mới Nhất] chửi từ nhà ra phố, Trọng Lú sợ vỡ mật

https://www.youtube.com/results?search_query=Trang+L%C3%AA+%28B%C3%A0+Ngo%E1%BA%A1i%29

Featured Post

Bản Tin cuối ngày-18/1/2025

Popular Posts

My Blog List