Thursday, February 6, 2014

Nhà văn Võ Thị Hảo : mỗi người phải có trách nhiệm xã hội và công dân



Nhà văn Võ Thị Hảo : mỗi người phải có trách nhiệm xã hội và công dân


02/02/2014

Trần Quang Thành thực hiện
Nhà văn Võ Thị Hảo : mỗi người phải có trách nhiệm xã hội và công dân [ 27:51 ]

http://radiochantroimoi.com/tieng-noi-da-nguyen/nha-van-vo-thi-hao-moi-nguoi-phai-co-trach-nhiem-xa-hoi-va-cong-dan.html

Nhà văn Võ Thị Hảo : mỗi người phải có trách nhiệm xã hội và công dân

Năm cũ vừa qua, năm mới lại đến. Cứ mỗi độ Xuân về là mang thêm niềm hy vọng và sự khắc khoải. Khắc khoải về những gì đã xảy ra trong năm cũ, và hy vọng cho tương lai tươi sáng.
Trong chương trình hôm nay, đài CTM xin gửi đến quý thính giả tâm tình của  nhà văn Võ Thị Hảo về hiện tình đất nước trong năm vừa qua.
Nhà văn Võ Thị Hảo : “Năm đã qua là năm có nhiều chuyện buồn. Nhất là khi nhìn thấy tình hình chính trị và kinh tế của xã hội Việt Nam đã bị lũng đoạn tới mức không thể tưởng tượng được ….”

http://radiochantroimoi.com/tieng-noi-da-nguyen/nha-van-vo-thi-hao-moi-nguoi-phai-co-trach-nhiem-xa-hoi-va-cong-dan.html


ĐƠN KÊU CỨU VỀ CÁCH HÀNH XỬ VÔ NHÂN ĐẠO ĐỐI VỚI TÙ NHÂN LƯƠNG TÂM – VI ĐỨC HỒI.

Kính gửi:

- Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc
- Văn Phòng Cao Uỷ Liên Hiệp Quốc
- Các tổ chức nhân quyền trên toàn thế giới
- Các cơ quan truyền thông trong nước và quốc tế.

Tôi: Hoàng Thị Tươi (vợ tù nhân lương tâm Vi Đức Hồi )
Địa chỉ: Số nhà 80 đường 19/8, Khu An Thịnh, thị trấn Huyện Hữu Lũng, Tỉnh Lạng Sơn. ĐT: 0974348185; NR: 0253825457.
 Ngày 28 - 1 - 2013 vừa qua tôi và các em, con, cháu trong gia đình tổ chức chuyến đi thăm chồng tôi là Vi Đức Hồi bị nhà nước CS Việt Nam bỏ tù vì bất đồng chính kiến, bày tỏ lương tâm về những vấn đề xã hội. Hiện anh đang bị giam tại phân trại II, Trại giam Ba Sao, Nam Hà.
   Một ngày cuối năm, cận kề ngày Tết cổ truyền của dân tộc, tôi đã chuẩn bị cho chồng những món ăn ngày tết để anh đỡ nhớ nhà. Tuy nhiên khi đến nơi, chờ một lúc khá lâu mới thấy cán bộ trong khu nhà của lãnh đạo ra hỏi rằng: “Gia đình nhà Vi Đức Hồi đâu?”. 

Ngay lập tức tôi và em trai anh Hồi cùng đứng dậy và đồng thanh: “Đây ạ”. Rồi họ nói rằng gia đình có những ai? Chúng tôi chỉ cho họ tất cả những người cùng đi và nói rõ mối quan hệ của từng người với anh Hồi. Thể rồi họ quay sang tôi và nói: “Khi vào gặp, chị phải giữ bình tĩnh, không được lu loa hay làm ầm lên. Nếu không chúng tôi sẽ dừng cuộc thăm gặp tại đó”. Tôi giật mình nhưng không nói gì cả. Trong đầu tôi bắt đầu có rất nhiều luồng suy nghĩ và lo lắng, không biết điều gì đã xảy ra với chồng mình mà họ lại rào trước đón sau như vậy? Đến nơi họ bảo gia đình tôi lên đợi ở một căn phòng trên tầng 2 của ngôi nhà là nơi ở và làm việc của cán bộ trại, rồi họ đi dẫn giải chồng tôi đến.

 
   Trong khi chờ đợi cả gia đình tôi đều ra hành lang chờ để được nhìn thấy người thân ra từ cửa trại tù. Đang đi trên sân bỗng chồng tôi nói rất to: “Kể cả các ông không cho gặp gia đình cũng không sao, chẳng vấn đề gì cả”. Ngay lập tức 2 đứa cháu của tôi nói ngay: “Chắc là họ cũng nói với chú Hồi như nói với mình lúc nãy đây”. Khi lên đến nơi anh rất mừng vì có đông anh em con cháu đến thăm và ngay lập tức anh thông báo với tôi rằng: “Anh tiếp tục bị biệt giam thêm 6 tháng nữa”. 

Tôi hỏi anh: “Lý do vì sao mà họ tiếp tục làm vậy?” thì anh ấy nói rằng không có lý do gì cả. Nếu có thì chỉ là do anh không nhận tội mà thôi. Thậm chí họ còn nói trong thời gian 6 tháng kỉ luật vừa qua anh cũng chấp hành tốt không có vấn đề gì. Vậy mà họ vẫn tiếp tục giam riêng anh 6 tháng tiếp. Ngay sau khi có quyết định kỉ luật tiếp 6 tháng nữa anh có làm đơn trình bày sức khóe của anh không được tốt. Cụ thể trong mấy ngày cấp cứu, huyết áp không ổn định buổi sáng lên 160 nhưng buổi chiều lại tụt xuống còn 90. Đồng thời bệnh tim bị tái phát trở lại nên muốn về ở chung phòng với các anh em để nếu xảy ra vấn đề gì thì anh em gọi bác sĩ giúp thì lãnh đạo trại có đến làm việc với anh, nhưng đến giờ vẫn vậy thì chắc không được đáp ứng. 

Trong khi kể cho tôi nghe thì anh tỏ ra rất bức xúc vì tù nhân chỉ còn rất ít quyền lợi nhưng họ vẫn cố tình cắt hết cái quyền ít ỏi ấy của tù nhân. Ví dụ quyền được đọc báo Nhân dân nhưng thực tế không có, muốn có tí nước sôi để pha thuốc uống cũng không vv và vv… Tôi cũng không biết anh bị đối xử tệ đến mức nào nhưng chỉ hơn 1 tháng mà nhìn anh tôi vô cùng đau xót, anh gày và tiều tụy đến bất ngờ, bệnh tật nguy hiểm như vậy mà bị giam riêng một mình, có bị sao cũng không ai biết. Anh nhắn với tôi rằng nói với anh em tinh thần anh vẫn vậy, trước sau như một, anh mong làm sao quốc tế có thể đến trại gặp các anh để các anh được bày tỏ và có rất nhiều điều đế tố cáo.

    Là một người vợ tôi thấu hiểu chồng tôi – anh Vi Đức Hồi vốn dĩ là một người chân hiền ưa lẽ phải yêu công lý chỉ bày tỏ chính kiến, lương tâm của mình mà bị bỏ tù. Anh không hề có tội mà chính những kẻ bắt anh đang mang tội với nhân dân, với non sông đất nước Việt Nam, tội làm trái với luật pháp Việt Nam và luật pháp quốc tế. 

Chính vì vậy khi họ bắt và đưa anh ra xét xử nửa kín nửa hở, ngăn cản người thân bạn bè, nhân dân đến tham dự phiên tòa rồi bỏ tù anh một cách phi lý. Bỏ tù anh, họ vẫn chưa yên tâm vì anh không nhận tội nên mới có cách hành xử vô nhân đạo đối với anh như hiện nay để triệt hạ chính kiến và lương tâm của anh.

   Tôi cùng các em, con cháu ra về rất xót đau và vô cùng lo lắng cho tính trạng sức khỏe, bệnh tật cũng như tính mạng của anh Hồi đang bị đe dọa bởi cách hành xử vô lý, vô nhân đạo như hiện nay.

  Vậy tôi viết đơn này kêu cứu tới Hội Đồng Nhân Quyền liên hiệp quốc, Văn Phòng Cao Uỷ Liên Hiệp Quốc, các tổ chức nhân quyền trên thế giới, các cơ quan truyền thông trong nước và quốc tế lên tiếng để nhà nước CSVN chấm dứt ngay việc hành xử một cách vô lý, vô nhân đạo đối với chồng tôi. Đồng thời yêu cầu nhà cầm quyền CSVN thực hiện đúng luật pháp Việt Nam cũng như luật pháp quốc tế về quyền con người mà họ đã cam kết, trả tự do cho chồng tôi một cách vô điều kiện.

Xin chân thành cảm ơn sự quan tâm và giúp đỡ của quý vị !

 Lạng Sơn, ngày 4 tháng 2 năm 2014.

Hoàng Thị Tươi.


Vận động giờ chót trước UPR Việt Nam

Nguyễn Hùng
BBC Việt ngữ, Geneva, Thụy Sỹ
Thứ tư, 5 tháng 2, 2014

Ông Leon Saltiel
ÔÔng Leon Saltiel từ UN Watch đòi 'đuổi' VN khỏi Hội đồng Nhân quyền
Ngay trước khi Việt Nam đăng đàn tại phiên họp kiểm định định kỳ thứ 18 của Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc, sức ép từ các tổ chức vận động nhân quyền đối với Hà Nội và cộng đồng quốc tế đang được đẩy lên.

Tại hội thảo mang tên ‘Trách nhiệm của Việt Nam trong vai trò thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc’ hôm 4/2, Phó Giám đốc tổ chức UN Watch thậm chí kêu gọi các nước thành viên Liên Hiệp Quốc hãy “khai trừ Việt Nam ra khỏi Hội đồng Nhân quyền”.

Hội thảo này do một số tổ chức vận động nhân quyền, trong đó có PEN International, UN Watch và Đảng chính trị Việt Tân, đồng chủ trì.

Ông Leon Saltiel nói chỉ có những nước tôn trọng nhân quyền ở mức cao nhất mới xứng đáng có chân trong Hội đồng Nhân quyền và Việt Nam lại đang tiếp tục vi phạm các quyền tự do bao gồm cả tự do ngôn luận và tự do hội họp.
“Việt Nam tham gia Hội đồng Nhân quyền không phải để thúc đẩy nhân quyền mà để bảo vệ họ và bạn bè khỏi bị chỉ trích,” ông Saltiel nói.

Đại diện của UN Watch, tổ chức phi chính phủ theo dõi các hoạt động ở Liên Hiệp Quốc, cũng nói thêm Libya cũng đã từng là thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc và đã bị khai trừ khỏi hội đồng này.

Khi phóng viên BBC chất vấn về chuyện Việt Nam đã được bầu vào Hội đồng Nhân quyền với số phiếu cao, ông Saltiel nói chuyện các nước thành viên Liên Hiệp Quốc dàn xếp và mặc cả với nhau để đổi chác sự ủng hộ là chuyện thường.
Ông Saltiel nhắc đến chuyện diễn giả Phạm Chí Dũng bị công an Việt Nam ngăn không cho ra khỏi Việt Nam để tới dự hội thảo và nói đây là ví dụ rõ nhất về chuyện Việt Nam không tôn trọng quyền của các cá nhân được tham gia vào các cuộc bàn thảo về nhân quyền.

Những người tổ chức hội thảo cũng cố gắng để nối Skype với ông Dũng nhưng đường truyền chập chờn nên không thể kết nối.

Cuối cùng họ phải bật đoạn thu hình từ trước của ông Dũng, người nhấn mạnh tầm quan trọng của các tổ chức phi chính phủ trong việc mang lại những thay đổi tích cực trong xã hội.

Số vụ '88 và 79' giảm

Người duy nhất từ Việt Nam không bị ngăn cản tham gia các hoạt động trước phiên Kiểm định Định kỳ Phổ quát UPR là luật sư Hà Huy Sơn.

Ông Sơn nói ông chưa bao giờ thắng bất kỳ vụ kiện nào liên quan tới các Điều 88 và 79 của Luật Hình sự về tội tuyên truyền chống nhà nước và tội lật đổ.

Nhưng ông cũng nói với BBC số vụ xử theo hai điều này có giảm xuống và các nhà hoạt động giờ thường bị khép vào những tội khác, chẳng hạn tội trốn thuế của luật sư Lê Quốc Quân.
Luật sư Hà Huy Sơn
ÔÔng Sơn nói ông bị đe dọa vì bảo vệ các nhà hoạt động tại tòa
HHội thảo hôm 4/2 diễn ra trong vòng hai tiếng với nhiều diễn giả
Bà Trang Huỳnh (đảng Việt Tân, thành viên ban tổ chức) nói hơn khoảng 100 người dự hội thảo
Khán phòng cũng có lúc trùng hẳn xuống khi nhà báo Trần Quang Thành, người từng làm báo trong nước và hiện sống ở Slovakia, kể về chuyện ông bị công an “chỉ điểm” cho những kẻ muốn trả thù ông vì viết bài chống tham nhũng để họ tạt a-xít vào mặt ông khiến ông bị thương tật tới 85%, một mắt mù và một mắt chỉ còn 1/10 thị lực. Vợ ông bị suy tim và mất ít lâu sau ông bị tấn công trong khi con trai và con gái ông lần lượt bị mất việc vì những bài báo của ông, nhà báo Thành nói.

Đại diện của Tổ chức Phóng viên Không Biên giới, ông Benjamin Ismail, cũng phát biểu tại hội thảo rằng tình hình nhân quyền Việt Nam đã tồi tệ thêm từ năm 2009, năm Việt Nam lần đầu tiên bị kiểm điểm về nhân quyền.

Ông Ismail nói lần cuối cùng tổ chức của ông tiếp xúc được với Việt Nam là hồi năm 2009 và cuộc gặp khi đó cũng không có gì tốt đẹp.

'Bị chặn hoàn toàn'

Tổng Giám đốc Đài Á châu Tự do Libby Liu cũng nói bà mong muốn được gặp gỡ các quan chức Việt Nam để có thể trao đổi với họ về dịch vụ của đài, vốn hiện bị chặn hoàn toàn ở Việt Nam theo lời bà nói.

Trước khi cuộc gặp diễn ra, BBC Tiếng Việt đã có cuộc phỏng vấn dài với bà Judy Taing, Giám đốc phụ trách Á châu của tổ chức Article 19 chuyên bảo vệ tự do ngôn luận.
Bà Taing, người điều phối một trong ba bàn tròn thảo luận của hội thảo, nói Việt Nam thậm chí không tôn trọng luật lệ của chính họ.

Bà nói Việt Nam cần tuân thủ luật của mình đề ra cùng các luật lệ quốc tế mà Việt Nam đã tham gia và cam kết thực hiện nhất là khi giờ Việt Nam đã là thành viên của Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc.
Bà Taing cả quyết rằng các tổ chức phi chính phủ chỉ muốn Việt Nam thực hiện đúng những gì họ đã hứa theo chuẩn quốc tế chứ không có ý nói xấu Việt Nam như Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh có ý nói.

Chiếc áo và thầy tu

Trao đổi với BBC cũng trong ngày 4/2, một loạt các nhà hoạt động nhân quyền từ Việt Nam đi thoát sang Geneva nói họ mong có những thay đổi ở Việt Nam để con em họ không bị tù đày, ngày Xuân họ được ở nhà ăn Tết với gia đình thay vì phải xa nhà đi vận động, báo chí không còn bị chỉ huy bởi những cuộc họp của quan chức Đảng và người Việt Nam được tự do đi lại và tham gia các hoạt động về nhân quyền thay vì bị cấm đoán.

http://www.bbc.co.uk/vietnamese/vietnam/2014/02/140205_vietnam_upr_the_day_before.shtml

Nhà hoạt động đáp lời ông Phạm Bình Minh

Thứ ba, 4 tháng 2, 2014

Media Player
Mở bằng chương trình nghe nhìn khác
Đại diện một tổ chức nhân quyền cho rằng Việt Nam chỉ chấp nhận khuyến nghị về nhân quyền thôi là chưa đủ.
Cô Judy Taing, phụ trách về Á Châu thuộc tổ chức Article 19 với chi nhánh ở New York, trả lời BBC tại Geneva trước ngày Kiểm điểm Định kỳ Phổ quát về Nhân quyền mà Việt Nam tham gia.

"Cái chính là trong bốn năm tới họ [Việt Nam] cần đưa ra các chính sách và xây dựng cơ sở hạ tầng để làm sao những đề nghị đó được thực hiện tới cùng bằng các biện pháp ý nghĩa, theo tiêu chuẩn quốc tế," cô Judy Taing trả lời khi được hỏi về ý kiến của ông Phạm Bình Minh rằng Việt Nam đã "làm tốt" trong vấn đề nhân quyền.

Cô cũng nhấn mạnh rằng các kêu gọi tăng cường nhân quyền đối với Việt Nam không phải do "không thích Việt Nam", mà mong Việt Nam "đứng lên bắt đầu giải quyết mọi việc".

Judy Taing cũng nói với BBC hôm 4/2 rằng "tiêu chuẩn về nhân quyền là như nhau trên cả thế giới".

Nguyễn Hùng và Bình Khuê thực hiện từ Geneva, Thuỵ Sĩ.
http://www.bbc.co.uk/vietnamese/multimedia/2014/02/140204_judy_taing_noi_ve_nhan_quyen_vietnam.shtml

Ls. Hà Huy Sơn: ‘Điều 79 và 88 được áp dụng tùy tiện’

BBC
Luật sư Hà Huy Sơn tại Geneve, Thụy Sĩ ngày 04-02-2014
Phát biểu tại Geneva, luật sư Hà Huy Sơn bày tỏ quan ngại về cách áp dụng các điều luật 79 và 88 trong Bộ Luật Hình sự (BLHS) và nói ông từng bị đe dọa.

Tham dự buổi Hội thảo về Trách nhiệm của Việt Nam trong Vai trò Thành viên Hội đồng Nhân quyền LHQ vào hôm 04/02/2013, Luật sư Sơn nói về những khó khăn khi đại diện cho những thân chủ trước tòa tại Việt Nam.

“Vai trò luật sư của tôi là rất hạn chế. Điều 79 và 88 hạn chế quyền bảo vệ cho người bị bắt. Không có ai tôi đại diện pháp l‎‎‎ý được tuyên vô tội.

“Một số trường hợp được trả tự do ngay tại tòa nhưng vẫn chịu án tù treo hoặc bị quản chế, hoặc bị tước đoạt một số quyền công dân.

“Theo thực tế của Việt Nam thì Hiến pháp mới năm 2013 cho rằng quyền lực nhà nước là thống nhất, kể như lập pháp, tư pháp và hành pháp không độc lập.

“Do đó các ý kiến của luật sư và người bị bắt không được xem xét khách quan và tòa khó có cơ sở độc lập với các bị cáo, " luật sư Sơn nói.

"Chủ quan và tùy tiện"

Luật sư Sơn cũng bình luận về việc hạn chế theo dõi phiên tòa xử những thân chủ của ông.

“Đối với các phiên tòa xét xử tội 79 và 88 nói xét xử là công khai nhưng thực tế là xét xử kín và người thân trong nhiều trường hợp không được dự phiên tòa.

“Nội dung hai điều 79 và 88 qui định không cụ thể và rõ ràng và công dân Việt Nam rất khó xác định gianh giới đâu là quyền của công dân và đâu là hành vi bị nhà nước cấm.

“Vì thực tế như thế nên các cơ quan tiến hành tố tụng dễ áp dụng hai điều này chủ quan và tùy tiện. Hai điều này hạn chế quyền công dân do chính Hiến Pháp Việt Nam qui định.

"Tại các phiên tòa các ý kiến bị cáo và luật sư không được hội đồng xét xử thường không chú ý quan điểm của họ và thường đồng tình với quan điểm của Viện Kiểm sát," luật sư Sơn nói.

“Bị đe dọa”

Luật sư Hà Huy Sơn cũng mô tả về điều ông gọi là “không thực hiện được đầy đủ được quyền luật sư qui định theo pháp luật.”

“Đôi khi tôi bị bắt lỗi và nhắc nhở và gây khó khăn cá nhân. Khi làm các vụ án cũng có nhận các cuộc điện thoại, tin nhắn đe dọa.

“Tôi không thể xác minh được thủ phạm là ai và không có chứng cứ để trình báo cơ quan nhà nước bảo vệ mình.

“Khi bảo vệ những bị cáo bắt vì điều 79 và 88 thì tôi bị xã hội xa lánh vì khi tiếp xúc với các luật sư như chúng tôi thì họ sợ bị ảnh hưởng.

“Những người có quyền lợi từ bộ máy nhà nước và các khách hàng có nhu cầu về tư vấn pháp luật cũng e ngại vì nếu tôi làm luật sư thì họ sẽ không được đối xử công bằng.

Trả lời câu hỏi rằng ông đã chuẩn bị tinh thần khi quay trở về Việt Nam sau sự kiện tại Geneva, luật sư Sơn nói:

“Việc tôi có sự hiện diện tại đây đã có sự quan tâm của chính quyền và tôi cũng đã nói với họ rằng tôi sang đây và sẽ nói về những thực tế về pháp luật Việt Nam và về thực tế nghề nghiệp của mình đã trải qua.

“Tôi hy vọng qua sự tiếp xúc sẽ có những điều tốt hơn với nghề nghiệp của tôi và nếu có thể tôi mong muốn có những điều tốt hơn cho đất nước Việt Nam.”

Ông Hà Huy Sơn là luật sư từng có thời gian thực tập và làm việc tại Văn phòng Luật sư Cù Huy Hà Vũ và từng bảo vệ cho nhiều nhân vật bị cáo buộc các tội theo Điều 88 và Điều 79 Bộ Luật Hình sự.

Vào tháng 11 năm 2013, luật sư Sơn gửi thư phản đối việc ông không được tham gia Đại hội Đoàn Luật sư Hà Nội.

Thư của LS Sơn viết: "Tôi cực lực phản đối hành vi xúc phạm danh dự, xâm phạm nghiêm trọng quyền, lợi ích hợp pháp của luật sư của Ban Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP Hà Nội nhiệm kỳ VIII".

"Tôi yêu cầu Ban Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP Hà Nội xin lỗi công khai."

nguồn: http://www.bbc.co.uk/vietnamese/vietnam/2014/02/140203


Phỏng vấn nhà báo Trần Quang Thành từ Geneve

Gia Minh - RFA
Nhà báo Trần Quang Thành
Nhiều người Việt Nam đang có mặt tại Geneve, Thụy Sĩ để chứng kiến kỳ Kiểm điểm Định Kỳ Phổ Quát đối với Việt Nam tại Hội đồng Nhân quyền Liên hiệp quốc.

Vào tối trước khi diễn ra sự kiện này, Gia Minh hỏi chuyện nhà báo Trần Quang Thành từ Slovakia đến Geneve. Ông là một nhà báo ở Hà Nội từng bị tạt acid trả thù do viết bài chống tham nhũng.

Gia Minh: Ông đang có mặt tại Geneve để tham dự kỳ Kiểm điểm Phổ quát Định kỳ đối với Việt Nam, xin ông cho biết tình hình chung đáng chú ý ở đó là gì?
Nhà báo Trần Quang Thành: Tình hình đặc biệt Kiểm điểm Phổ quát Định kỳ đối với Việt Nam sau bốn năm vào năm nay sôi động hơn nhiều so với lần thứ nhất bốn năm về trước. Có lẽ đặc biệt vì Việt Nam mới tham gia Hội đồng Nhân quyền Liên hiệp quốc nên phải kiểm điểm sâu sắc hơn đối với Việt Nam. Việt Nam đang vi phạm nhân quyền rất nghiêm trọng kể cả từ ngày họ mới tham gia đến nay. Đặc biệt nhất là người được mời đến hội nghị này là nhà  báo độc lập Phạm Chí Dũng bị cấm. Ông này bị cấm đoán không được đến, còn bị tịch thu hộ chiếu ngay tại phi trường. Đó là tin mới nhất về việc Việt Nam vi phạm và khiêu khích quốc tế về vấn đề nhân quyền.

Gia Minh: Ở ngay tại chỗ ông thấy sự quan tâm đặc biệt đó được thể hiện qua điều gì, sự có mặt của các đoàn nào?
Nhà báo Trần Quang Thành: Chưa bao giờ lực lượng bà con Việt Nam đông đảo tại Geneve để tham dự sự kiện quan trọng như thế này. Rất đông, không chỉ những người ở Geneve mà những người ở các nơi tại đất nước Thụy Sĩ; không chỉ ở Thụy Sĩ mà còn ở Pháp, ở Bỉ, ở Anh, ở Canada, ở Mỹ, ở Australia, rồi Na Uy , Đan Mạch, Thụy Điển; có người từ Liên Xô sang nhưng không xin được visa đành phải chịu ở lại. Đông lắm! Rất đông đến nỗi hôm nay tại hội trường diễn ra sự kiện trước UPR không còn chỗ để ngồi. Người Việt Nam phải nhường chỗ cho các đại biểu quốc tế.

Gia Minh: Những cuộc hội thảo đó gồm các diễn giả nào, vấn đề gì và người ta quan tâm ra làm sao thông qua những câu hỏi chất vấn?
Nhà báo Trần Quang Thành: Người ta quan tâm đến vấn đề nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam đàn áp rất thô bạo tự do dân chủ, tự do biểu tình, tự do hội họp. Họ quan tâm đến vấn đề đàn áp tôn giáo một cách trắng trợn, không một tôn giáo nào là không phải nạn nhân của chủ nghĩa cộng sản. Hôm nay họ còn đề cập đến vấn đề dân sinh, vấn đề cướp mất ruộng đất của người dân, người lao động bị đàn áp, những người bảo vệ người lao động thì bị tù đày.

Tại đây tính đến hôm nay đã có ba cuộc hội thảo khác nhau: một cuộc hội thảo do VOICE và nhiều tổ chức khác tiến hành diễn ra cách đây mấy ngày vào ngày 30 tháng giêng. Hôm nay có hai cuộc hội thảo liên tiếp: cuộc hội thảo về vấn đề tự do- dân chủ do một số tổ chức quốc tế cùng Đảng Việt Tân đứng ra tổ chức, rồi cuộc hội thảo về tự do tôn giáo do ông Võ Văn Ái thuộc Ủy ban Bảo vệ Quyền Làm người Việt Nam đứng ra tổ chức.

Diễn giả rất nhiều người, trong đó ví dụ cuộc hội thảo do VOICE tổ chức có nhiều diễn giả từ trong nước ra như nhà báo Đoan Trang, các blogger như blogger Nguyễn Anh Tuấn, mẹ của tù nhân lương tâm Lê Quốc Quân, mẹ của tù nhân lương tâm Đỗ thị Minh Hạnh. Tại cuộc hội thảo về dân chủ- nhân quyền tại Việt Nam hôm nay có luật sư Hà Huy Sơn, có tôi là nhà báo nạn nhân của cuộc đàn áp những người bảo vệ công lý và đấu tranh chống tham nhũng.
Gia Minh: Câu hỏi ông nhận được từ phía người tham dự mà ông tâm đắc nhất là gì?

Nhà báo Trần Quang Thành: Họ quan tâm nhất về điều nhà cầm quyền Việt Nam nói thực thi nghiêm túc và rất có hiệu quả tôn trọng quyền tự do – dân chủ và quyền con người; thế nhưng khi thấy ‘bộ mặt’ của tôi và những điều luật sư Hà Huy Sơn trình bày thì họ thấy ngược lại. Đó là tất cả những gì cộng sản nói, không phải là những gì họ làm. Nhất là khi nghe thông tin phó thủ tướng kiêm bộ trưởng ngoại giao Phạm Bình Minh trả lời đã thỏa mãn 80 trên 123 câu hỏi của những người tham gia; còn những câu hỏi khác thì ông ta cho rằng cố tình gán ghép những sai lầm. Nhưng ông ta có dám trả lời đâu mà nói là cố tình gán ghép.

Ngày mai vào khoảng 2:30 giờ Geneve sẽ có cuộc điều trần Kiểm điểm Phổ quát của Việt Nam tại Hội đồng Nhân quyền Liên hiệp quốc. Độ khoảng vài trăm bà con Việt Nam từ khắp nơi thế giới tập trung về để biểu tình lên án nhà cầm quyền Việt Nam vi phạm nhân quyền một cách nghiêm trọng và đòi hỏi nhà cầm quyền Việt Nam phải thực thi những điều họ đã hứa với Liên hiệp quốc.
Gia Minh: Bản thân ông sẽ vào trong để chứng kiến phiên điều trần đó?
Nhà báo Trần Quang Thành: Ngày mai tôi sẽ chứng kiến.
Gia Minh: Trước khi diễn ra sự kiện đó, ông chia xẻ kinh nghiệm tại chỗ của ông?
Nhà báo Trần Quang Thành: Chưa bao giờ một sự kiện nhân quyền tại Việt Nam được quốc tế quan tâm và được bạn bè quốc tế chia sẻ như thế. Khi tôi trình bày xong ra, bạn bè quốc tế từ người Mỹ, người Anh, bà con Việt Kiều, những người từ các xứ lân cận Châu Âu này- người Bỉ ôm tôi khóc và chia sẽ những đau thương mà tôi phải gánh chịu trong nhiều năm qua dưới chế độ cộng sản. Tôi rất xúc động về sự quan tâm và chia xẻ đó.
Gia Minh: Ngoài sự quan tâm và chia sẻ họ còn có những ý kiến gì khác hơn để giúp cải thiện tình hình đó?
Nhà báo Trần Quang Thành: Họ nói rằng đã đến ngày chúng ta phải đoàn kết lại với nhau, phải lên tiếng một cách mạnh mẽ hơn nữa trước công luận quốc tế và phải áp lực mạnh mẽ đòi hỏi nhà cầm quyền Việt Nam phải bằng những hành động cụ thể thực thi những quyền con người mà họ đã hứa chứ không phải chỉ nói những lời ‘tô son, trát phấn’ mà chẳng làm gì cả.
Gia Minh: Cám ơn nhà báo Trần Quang Thành.
nguồn: http://www.rfa.org/vietnamese/

 

Tôi: một người dân xin bỏ đảng!

Nhất Nam
Hôm ngày 3/2/2014. Tròn 84 năm Đảng CSVN ra đời. 84 năm qua là 84 năm của 3 thế hệ gia đình tôi và bản thân tôi luôn trung thành và đi theo Đảng. Trong đó hơn 40 năm bản thân tôi đã sống và tin yêu Đảng. Hơn 40 năm đó, tôi chưa từng là một Đảng viên nhưng nếu trừ đi 5 năm thơ ấu chưa biết bước đi vững vàng: Tôi từ một Đội viên nhi đồng, một Đội viên thiếu niên rồi một Đoàn viên Đoàn TNCS HCM. Tôi đã luôn là một người trung thành tuyệt đối đi theo sự lãnh đạo của Đảng, luôn thực thi đầy đủ mọi nghĩa vụ theo bất cứ chính sách nào của Đảng!

Khi theo đuổi con đường sinh kế, từ giã mọi vai trò tham gia các tổ chức các tổ chức chính trị của Đảng, làm một người dân, cho đến hôm nay tôi cũng chưa hề có bất cứ lý tưởng chính trị nào khác ngoài Đảng CSVN.

Hôm nay, hoàn toàn không vì một thù hận, bất mãn cá nhân. Cũng không vì bất cứ ảnh hưởng nào khác ngoài nhận thức của mình. Tôi xin chia sẻ cùng bạn bè, anh em.. tất cả những người thân quen, từng gặp hoặc chưa gặp rằng: Tôi chính thức tuyên bố là người dân bỏ Đảng! Từ đây, tôi sẽ không tin và không ủng hộ bất cứ điều gì liên quan Đảng CSVN.

Lý do của tôi. Tôi cho rằng:


Một chính Đảng, một chế độ hình thành phải được kiến tạo trên tối thiểu là 4 điều kiện cơ bản:

1 - Có các thành viên, người ủng hộ để hình thành cơ cấu tổ chức. Ở đây là nhân dân, dân tộc. 
2 - Xác lập ranh giới địa chính trị rõ ràng trong phạm vi hoạt động cụ thể. Ở đây là quốc gia. 
3 - Có mục tiêu chính trị, có các cam kết và hành động thực thi nghĩa vụ chính trị với các thành viên, với nhân dân một cách nghiêm túc. Ở đây là chính sách, trách nhiệm đối với quốc gia, dân tộc.
4 - Mục tiêu chính trị phải có tư tưởng mới, thúc đẩy sự phát triển tiến tới một xã hội tốt đẹp hơn với các tư tưởng chính trị hiện tại.
...

Trong đó: Điều kiện 1 là cơ sở hình thành, 2; 3 là cơ sở tồn tại, 4 là cơ sở phát triển.

Qua tìm hiểu lịch sử và những trải nghiệm thực tế trong cuôc đời cá nhân tôi:

Đảng CSVN ra đời tới nay tròn 84 năm. Đã trở thành lực lượng chính trị duy nhất, lãnh đạo và tổ chức ra cấu trúc quyền lực nhà nước của xã hội Việt Nam. Thế nhưng:

1 - Các cam kết chính trị mà Đảng đưa ra không được thực thi một cách nghiêm túc.

- Cam kết "người cày có ruộng" giờ đây thực tế người dân không có ruộng vì tất cả ruộng đất tập trung về tay nhà nước. Các loại đất 5%, 15% chia cho dân đã bị thu hồi cách đây gần 20 năm. Chưa nói các giá trị tài sản liên quan quyền sử dụng đất đai được chính pháp luật thừa nhận cũng bị xâm hại mà các dân oan mất đất là minh chứng rõ ràng!

- Cam kết "xây dựng chủ nghĩa xã hội" với: "Độc lập - tự do - ấm no - hạnh phúc..".. không được tôn trọng và thực thi đầy đủ với đa số nhân dân. Cuộc sống kinh tế ngày càng khó khăn, sự tụt hậu so với các nươc; vấn nạn lệ thuộc và thất bại dẫn đến mất đất, mất đảo về tay Trung Quốc là minh chứng cho điều này.

- Cam kết xác lập chế độ "dân chủ, công bằng, văn minh.." cũng không được thực hiện! Cụ thể là xã hội Việt Nam ngày nay phân chia giàu nghèo một cách bất bình đẳng vì người giàu chiếm đa số được hình thành từ tham nhũng, lợi dụng quyền lực, trục lợi trên các hành vi gian dối, lừa đảo... chứ không phải từ những phương cách làm giàu minh bạch, làm ăn đàng hoàng.

- Các chế độ, chính sách được ghi rõ trong Hiến pháp và Luật lệ không được tôn trọng:

Các quyền tự do tối thiểu như: Tự do ngôn luận, tự do đi lại, tự do mưu cầu hạnh phúc.v.v. bị xâm hại nghiêm trọng. Việc chế độ nhà nước không cho tự do báo chí, ngăn chặn và bắt bờ, trấn áp những người có ý kiến bất đồng. Bắt tay với Trung Quốc trong thương mại dẫn đến tàn phá các ngành nghề sản xuất, cho lao động TQ ồ ạt vào Việt Nam làm việc.. khiến người lao động lâm vào tình trạng thất nghiệp. Mất cơ hội việc làm là những ví dụ cho sự thật này.

2 - Cam kết lãnh đạo đất nước, xây dựng đất nước, bảo vệ chủ quyền quốc gia.

- Mục tiêu xây dựng xã hội chủ nghĩa sau 84 năm lãnh đạo của Đảng đến nay chưa có bất kỳ khả năng nào khả thi! Tiêu tốn cơ hội, tiền bạc, xương máu của nhân dân quá lớn. Những gì đạt được bề mặt phát triển thực tế nhỏ hơn so với chỉ một phần rất nhỏ những thất thoát từ tham nhũng, thiệt hại do chính sách gây ra. Bài toán giá trị hạ tầng kinh tế, những giá trị phục vụ xã hội hiện hữu đem so với những thất thoát từ các vụ án tham nhũng, lừa đảo, thua kiện, các dự án cấp quốc gia bị thua lỗ v.v... là minh chứng không thể chối cãi!

- An ninh và mối đe dọa lệ thuộc, mất chủ quyền vào tay Trung Quốc ngày càng lớn: Việc các chính sách kinh tế gây tranh cãi làm mất cân bằng cấu trúc kinh tế xã hội. Sự lệ thuộc do cán cân thương mại với Trung Quốc đối với nên kinh tế. Các đe dọa, tổn thất quyền lợi và chủ quyền biển đảo ngày càng nhiều, phạm vi chủ quyền biên giới ngày càng bị thu hẹp trên biển. Các tuyên bố đe dọa xuất phát từ Trung Quốc ngày càng rõ ràng nhưng Đảng không có chính sách lãnh đạo hiệu quả, minh bạch rõ ràng để người dân tin tưởng!

3 - Định hướng xã hội ngày càng sai lầm và thụt lùi chứ không có phát triển:

- Định hướng văn hóa, giáo dục xã hội sai lầm khiến nền giáo dục ngày càng kém chất lượng. Ở cấp cao thì sau 84 năm giờ đây người dân phải đi học bằng tài liệu, phương tiện học liệu của Trung Quốc. Về phía người dân thì trình độ học sinh, sinh viện chỉ có cái bằng nhưng thiếu hẳn kỹ năng sống và kiến thức thực tế khiến hiện tượng sinh viên ra trường không có việc làm, không áp dụng được kiến thức vào đời sống. Tỷ lệ bằng cấp gia tăng nhưng hiệu quả giá trị chất xám ngày càng nghèo nàn.

- Đạo đức, văn hóa dân tộc bị tàn phá. Tư duy lệch lạc và tệ nạn bùng phát ngày càng mạnh. Hành xử thô bạo, tàn nhẫn dần thay thế cho đạo đức và ứng xử công bằng.

- Bất bình đẳng trong việc người dân phải đóng góp quá nhiều nhưng lại không được hưởng các chế độ, chính sách tương xứng ở mức tối thiểu.

...

Từ những lý do trên. Tôi tự nhận thấy rằng: Tôi không thể ủng hộ và tiếp tục tin tưởng, chấp nhận tư tưởng chủ nghĩa cộng sản cũng như đường lối lãnh đạo của Đảng cộng sản Việt Nam.

Tuyên bố này mang tính biểu thị quan điểm cá nhân của một công dân. Không phải là một Đảng viên nên không có nơi nhận cụ thể, vì vậy tôi không đưa thông tin chi tiết cá nhân nhưng sẵn sàng cung cấp thêm chi tiết đầy đủ với bất kỳ ai, cơ quan, tổ chức nào cần thiết nếu thấy thông tin trên hồ sơ của tôi chưa thỏa mãn!

Các anh em, bạn hữu có tư tưởng khác vui lòng không biểu thị các phát ngôn mang tính tục tĩu, thiếu văn hóa do bất đồng với tôi. Xin cảm ơn!

SG 03/02/2014.

nguồn: https://www.facebook.com/nhatnam.9615/posts/735028023176837

Nỗi niềm của một nguyên đảng viên “thôi sinh hoạt Đảng”

Đỗ Như Ly
TÔI VÀ ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM

Nhân ngày 03-02 năm nay, tôi chẳng dám kính thưa kính gửi gì cả mà chỉ là có dịp giãi bày những nỗi niềm của một “nguyên” đảng viên đảng Cộng Sản Việt Nam (ĐCSVN).

Tôi hướng tới Đảng Cộng sản Việt Nam

Tuổi ấu thơ niên thiếu, ai chẳng được ông bà cha mẹ… dạy bảo hướng theo một lối sống lẽ đời, để khi trưởng thành là người lao động có ích cho gia đình, người tốt có cống hiến cho xã hội, gọi là thành tài thành danh. Tôi cũng may mắn được nằm trong số đó. 

Khi đã biết, nhớ được, tôi đã được dạy bảo “cháu không được dối trá, tham lam, phải thương người nghèo khó”….; “con không gây gổ, phải nhường nhịn, dĩ hòa vi quý”… 

Lớn hơn, ông bà chẳng còn, bố phải trốn chạy Đội Cải cách ruộng đất vào Sài gòn, sợ chết oan trong các cuộc đấu tố. Tôi thoát khỏi cuộc sống trong gia đình một cách bất đắc dĩ.Thời 1954, hàng ngày đến trường luôn được nghe: “Thế giới đại đồng, không còn chiến tranh…, xã hội cộng sản chủ nghĩa làm theo năng lực hưởng theo nhu cầu” và “đấu tranh giai cấp, tiêu diệt giai cấp bóc lột địa chủ, tư sản….” 

Lớn hơn lại được rao giảng“chuyên chính vô sản”, “Nhà nước xã hội chủ nghĩa dân chủ gấp triệu lần nhà nước tư bản chủ nghĩa”, “nói dối có lợi cho cách mạngvẫn cứ làm”… Đấy là lý luận.

Còn thực tế thì bao nhiêu gương trong suốt sáng láng từ những người chịu đựng lao tù, chiến sĩ hy sinh thân mình trong chiến đấu, nhà tư bản không tiếc tài sản, nhà trí thức không màng cuộc sống giàu sang xứ người… đến cả có người không hề nghĩ đến cuộc sống riêng tư, bôn ba khắp năm châu bốn biển để “tìm đường cứu nước”, cả đời cống hiến cho “lý tưởng cộng sản”…. luôn luôn, thường xuyên ghi vào bộ não ít nếp nhăn trong điều kiện người dân nghe BBC phải lén lút, vụng trộm… (mà có phải ai cũng có cái “đài” đâu, “người trong biên chế nhà nước bậc trung” hàng năm mới được nhà nước phân phối bán cho một cái “Xiên-Mao” hay Orionton bị thu gọn băng tần chỉ nghe được đài Tiếng nói Việt Nam thôi) thử hỏi làm sao tôi không “nhiễm” tư tưởng, “lý tưởng cộng sản” do ĐCSVN “tuyên truyền giáo dục”! (Thực tế đã chỉ ra, không “nhiễm”, anh sẽ bị gạt ra ngoài xã hội, ngoài đội ngũ tức thì, đừng hòng được sống bình thường chứ nói chi đến được sống là người tử tế, có nhân phẩm – tự do – bình đẳng. Cuộc đời của Hoàng Minh Chính, Nguyễn Kiến Giang, Nguyễn Hữu Đang, Nguyễn Mạnh Tường, Hữu Loan, Tuân Nguyễn, Trần Xuân Bách, Trần Độ… không đủ chứng minh sao?!). 

Thế là cậu bé 12, 13 tuổi cầm cờ đỏ sao vàng hồ hởi đi đón “đoàn quân trở về” năm nào “tích cực” trong mọi công việc của nhà trường để được đeo khăn quàng đỏ “mảnh tam giác phía sau tượng trưng cho Đảng, hai mảnh phía trước lần lượt tượng trưng cho Đoàn (Thanh niên Lao động, cánh tay đắc lực của Đảng), cho Đội Thiếu niên Tiền phong theo thứ tự lớn nhỏ. Cũng vì “không xuất sắc, tiến bộ” nên không được chuyển lên đoàn TNLĐ khi hết tuổi thiếu niên, lại phải “phấn đấu” hơn hai năm mới được kết nạp vào đoàn TNLĐ. 

Ra đời kiếm sống, không dám “phấn đấu” trở thành đảng viên ĐCSVN nữa vì biết thân phận mình bị “án treo” – con địa chủ đi Nam, nhưng trong ý nghĩ vẫn “chủ nghĩa cộng sản là mùa xuân của nhân loại”, vẫn thường xuyên hát “đảng cho tôi sáng mắt sáng lòng…”, hình ảnh người đảng viên ĐCSVN vẫn là những thần tượng mà tôi muốn noi theo,vươn tới. Tôi biết, hướng tới “lý tưởng cộng sản”, ĐCSVN như vậy đó!

Tôi “phấn đấu”, hờ hững vào ĐCSVN

Sau khi bản thân được “THẦY TÔI” (bài số 391 trên DĐXHDS) giải oan, niềm tin vào chân lý, vào con người, vào công bằng, lẽ phải… như được sống lại trong tôi, tôi sống hết mình chỉ cho công việc chẳng phút giây nghĩ đến cấp bậc, lương bổng, địa vị, “phấn đấu” vào ĐCSVN…. Tôi sống, làm việc chỉ theo bản năng trách nhiệm, danh dự, tính quy củ, kỷ luật, chịu khó chịu khổ… tự nhiên như lẽ trả nghĩa cho đời, trả ơn cho nhiều người đã thương, yêu, thông cảm, sẵn lòng giúp đỡ, bao bọc, cưu mang, nâng đỡ… tôi mà quy tụ, đỉnh cao là thầy tôi.

 Thế thôi! Hơn 20 năm sống dưới chế độ cộng sản, gần chục năm sống, quan hệ với người dân thành phố “phồn hoa giả tạo”, nhất là những tin tức từ các nước Tiệp Khắc, Ba lan, Đông Đức qua bạn bè, người thân dội về làm tôi thờ ơ, hờ hững việc “phấn đấu” trở thành đảng viên ĐCSVN. Tuy nhiên trong ý nghĩ của tôi “sự lãnh đạo của ĐCSVN” vẫn là đương nhiên, mặc định. Đảng vẫn là “niềm tin tất thắng”… Có lẽ vì thế các đảng viên trong công ty, đã báo cho tôi, làm “Đơn Xin vào Đảng”. Tôi không còn cảm giác hớn hở của đứa bé được vào Đội Thiếu niên Tiền phong đợt đầu trong trường học của thủ đô vừa được giải phóng 1954. Tôi cũng chẳng có cảm giác thỏa mãn, tự hào của tuổi 18 khi được kết nạp vào “đội hậu bị của đảng”. 

Thực tình tôi hờ hững, phân vân. Nhưng, cuối cũng tôi đã viết cái đơn xin xỏ đó, thứ nhất để muốn thanh minh cho cái “lý lịch gia đình” sinh ra tôi chẳng chính trị chính em gì cả và càng không có tội lỗi gì với dân với nước; thứ hai có điều kiện trình bày phải trái, đấu tranh với những việc chưa hẳn đúng (theo ý nghĩ của tôi), không công bằng cho những người không là đảng viên ĐCSVN trong đơn vị; thứ ba để khẳng định mình trong đơn vị trước xã hội, trước Đảng. Chẳng hề có chút ý nghĩ để “tiến thân” như bao người muốn vào ĐCSVN hiện nay. Và lời thề trong đơn “trung thành tuyệt đối với Đảng, với chủ nghĩa cộng sản” càng như là một dòng chữ vô hồn, như mẫu viết sẵn, chẳng hề tâm huyết như ba lý do trên. 

Đến nỗi, trong buổi họp Chi bộ xét chuyển tôi trở thành đảng viên chính thức, tôi thực thà: “cả đêm qua, tôi suy nghĩ có nên làm đơn chuyển chính thức hay không?”. Vì vậy, ở Chi bộ và ở cả Đảng Ủy số phiếu đồng ý chuyển tôi thành đảng viên chính thức chỉ là “đồng thuận cao”, chứ không là “tuyệt đối 100%” như nhiều trường hợp khác. Có lẽ tôi không thành “đảng viên trung kiên” bắt nguồn là vậy?! 

Trong công ty, tôi vẫn làm việc như xưa, tận tụy, công tâm, chẳng nề hà việc khó việc dễ… nên hơn một tuổi đảng, tôi đã được Chi bộ bầu vào Cấp ủy và lần đó nếu tôi tự bầu cho mình thì đã là Bí thư Chi bộ cơ quan, một Chi bộ “đầu não” của toàn công ty. Oai chưa?! Trưởng thành nhanh chưa?! Lực lượng kế cận xứng đáng chưa?!… Tuy nhiên, con đường hoạt động chính trị không phải là mơ ước, sở trường của tôi. 

Tôi sinh hoạt Đảng chỉ vì tôi đã ở trong một tổ chức. Tôi cảm thấy khổ khi phải ngồi nghe học tập đường lối, chính sách, nghị quyết này, chỉ thị nọ, nhất là những buổi nghe tuyên huấn, tuyên giáo nói chuyện về tình hình thời sự trong, ngoài nước. 

Danh hiệu đảng viên của tôi chẳng làm tôi vinh dự, ưỡn ngực xưng tên với ai; nhưng khái niệm về “lý tưởng cộng sản”, hình ảnh về những con người cộng sản, nhất là lãnh tụ tiền bối cộng sản VN, vẫn còn khá đậm màu huyền thoại trong tôi; song tôi vẫn là tôi, người lao động có kỹ năng, trách nhiệm, kỷ luật… Nhưng…

Tôi dằn vặt, đau đớn “Thôi sinh hoạt Đảng”

Bận rộn việc công, việc tư để “tồn tại” trước thời buổi nhà nhà nuôi heo, kỹ sư phải đi bán hột gà tự mình nuôi… , sự chán nản, ngờ vực trong tôi cứ âm thầm như những siêu vi ngày càng lan rộng trong cơ thể, để đến khi về hưu sinh hoạt trong chi bộ với sự khác biệt trình độ, chênh lệch nhận thức tư duy… của các đảng viên; cùng sự phát triển như bão tố của Internet, bao nhiêu thông tin ào ạt, nhảy xổ vào bộ não nhòe nhoẹt về “lý tưởng cộng sản” của tôi. 

Những ngờ vực về kinh tế chính trị học Mác-Lê thời sinh viên tôi phải thi lại vì lần đầu viết theo nhận thức của tôi khác với bài giảng của cán bộ giảng dạy, có thời cơ trỗi dậy. Những tài liệu của đảng CS Liên xô được bạch hóa, những tư tưởng mới của ngay các cán bộ gạo cội cộng sản trong nước… đã hoàn toàn thuyết phục tôi một cách khách quan, tự giác, tự nhiên… chứ chẳng chút nào miễn cưỡng như các báo cáo, nghị quyết, chủ trương nghe phát ớn phát oải, chỉ buồn ngủ khi phải bị nghe…

Đấy là “ní nuận”! Còn thực tế, sự sụp đổ của Liên Xô, bức tường Berlin bị xô đổ, các nước đông Âu rã tan, hiện tượng “mèo trắng mèo đen” ở Trung Quốc, Việt Nam phải vĩnh biệt với nền “kinh tế kế hoạch, chỉ huy” để chuyển sang nền “kinh tế thị trường” tuy còn cái đoạn ruột dư “định hướng XHCN”… đã dần giúp tôi hiểu rõ thực chất về “lý tưởng cộng sản”. 

Nhất là thực tế xã hội đã làm tôi không tiêu hóa nổi cái “lý tưởng cộng sản”, trong khi đời sống của các tầng lớp nhân dân sau mấy năm được hưởng gió lành “đổi mới” của ĐCSVN được dễ thở một chút, còn sau đó càng ngày càng khó khăn, cơ cực đi. Hồi “cải cách ruộng đất”, tôi còn dễ dàng “ní giải” an ủi “thôi thì coi như nhà mình làm phúc cho các người nghèo hơn” khi đất thổ vườn giữa làng bị Đội chia cho 6 “bần cố nông” và một phần làm trường Mẫu giáo của thôn.

 Nhưng nay, những đại diện cho các tập đoàn này, phe cánh kia đã ngang ngược tuyên bố với dân làng tôi: “các ông, các bà có bán (ruộng đất) cho chúng tôi thì mới xây được nhà cửa (quy hoạch) được; còn không, chẳng khi nào các ông các bà xây được nhà đâu”. Đấy! Tầng lớp đại, đại, đại chủ đất hiện ra lù lù, sờ sờ giữa xã hội của ĐCSVN, còn “địa chủ” chỉ là danh từ còn trên sách báo mà thôi. Sai ở đâu? Phải chăng không là từ “đất đai là của toàn dân do nhà nước quản lý” mà nguồn gốc là từ cái “lý tưởng cộng sản” của đảng CSVN hay sao?

Chỉ vì cái “lý tưởng cộng sản” mà ĐCSVN đã giấu diếm, bưng bít, bán đứng quần đảo Hoàng Sa và một phần quần đảo Trường Sa cho nước “anh em cùng hệ tư tưởng” nên những năm qua đã gây oan khiên cho bao người nói lên sự thật trái ý ĐCSVN, đã đang và còn gây bao mất mát, khổ đau hoặc sự chịu đựng nhục nhã cho ngư dân miền Trung nói riêng, người dân Việt nói chung. 

ĐCSVN đã là tổ chức đầu tiên trong lịch sử nước ta làm mất đất đai, biển đảo của Tổ tiên dày công lập nước với bao máu xương đồng bào, đã ngang nhiên phớt lờ ý kiến của hơn 90 triệu dân Việt (ngay cả, hơn 3 triệu đảng viên chắc gì đã 100% đồng ý với cách xử lý của những người cầm đầu của ĐCSVN). ĐCSVN đã không đủ dũng cảm sám hối vì tội lỗi này với Dân tộc, Tổ quốc. 

ĐCSVN có đủ trí tuệ để đưa đất nước hình chữ S này tiến kịp các nước lân bang không, chúng ta cũng đã hình dung được! Xã hội bị tha hóa, đồi trụy, sa đọa về mọi mặt, những người điều hành đất nước phần lớn thì ăn cắp, ăn cướp, chia chác nhau với hệ thống chằng chịt nên họ bảo vệ, che đậy cho nhau như mèo giấu của quý! 

Những người cầm trịch nhà nước, người thanh liêm một chút (cũng có thể do “sạch vì chưa nhìn thấy bẩn”) thì bảo thủ, xơ cứng, máy móc, sách vở, giáo điều, lý thuyết tăm tối, chắp vá, “đầu Ngô mình Sở”, lý luận cùn xơ, suy nghĩ hủ lậu, hành xử thô thiển, hèn hạ, bỉ ổi…; người có vài lời “chém gió” thì tham lam, ích kỷ, nhân cách có hạn… chưa nói đến trí tuệ, tri thức toàn diện của nguyên thủ quốc gia còn hạn hẹp. Hiện thực đó là những “nhân chứng” hùng hồn cho cái xã hội tương lai của “lý tưởng cộng sản” ở đất nước mà tôi từ thuở ấu thơ, họ hàng tôi, đời ông cố tôi về trước là nông dân đang hướng tới, mơ ước ư?

Tôi day dứt, dằn vặt loay hoay với ý tưởng ra đảng, chỉ vì tôi còn nghĩ tới động cơ, hoài bão nghĩ đến Dân tộc, Tổ quốc của những người cộng sản tiền bối, cho dù họ đã lầm lẫn trong phương pháp, một lối đi; những người cộng sản lớp sau ngây thơ đã ngã xuống một cách ngoan ngoãn, hiến thân vì “lý tưởng cộng sản”. Và rồi, cái thằng “Anh tờ nét” là thủ phạm đã giúp tôi quyết định làm đơn “Thôi sinh hoạt đảng” (04-4-2011). 

Hắn đã cung cấp cho tôi bao nhiêu sự thật, bao điều trước đây tôi bị che đậy, lừa dối. Vào giai đoạn đó, điểm đỉnh là vụ xử án “hai bao cao su đã qua sử dụng”… đó là… đó là… Nên nhận thức của tôi cũng mới chỉ đến đó, mới là “thôi”, để trưởng ban Tổ chức Quận ủy còn lo “nhỡ sau này chú lại xin sinh hoạt lại thì sao?” chứ chưa được rứt khoát như một số bầu bạn của tôi đã thẳng thừng “bảng đỏ” (bỏ đảng) cho dù đã từng “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước…”, “về Nam giải phóng quê hương”, đã từng là “biệt động Sài Gòn”, đã từng bị chế độ Cộng hòa Sài Gòn “cho sống và sanh con ở nhà tù Côn Đảo”… Qua đó tôi mới thấm thía được một khái niệm rất đơn giản: nhận thức đòi hỏi một quá trình, phụ thuộc vào hoàn cảnh xã hội, đời sống của mỗi người, phụ thuộc vào nguồn thông tin và cả khả năng (não bộ) của từng người… Và nhận thức luôn luôn đi ngược với sự trung thành. 

Song, nhận thức chỉ làm người ta vươn lên đỉnh cao, chứng tỏ người ta sáng suốt, tinh tường hơn mà thôi, tất nhiên nhận thức tiến bộ hơn chắc chắn là sự nhận thức lại một khái niệm, một quan điểm… Vì vậy, những ai còn vấn vương với trung thành có cần thiết lăn tăn, mất ngủ nữa không? Còn với ai vẫn muốn “giữ con ngươi của đôi mắt” thì sao không nghĩ sâu thêm giữ “con ngươi” cuối cùng là để làm gì, nếu không phải vì giữ con người

Phải đặt cuộc sống của con người lên trên bất cứ lý thuyết viển vông, ảo tưởng nào khác mà ĐCSVN đang “mò mẫm”và phải thừa nhận một cách cay đắng, xót xa “… đến hết thế kỷ này ,không biết đã có CNXH hoàn thiện ở Việt nam hay chưa…”. Nhiều người hiện nay cứ trách móc các cụ lão thành cách màng là thế này thế nọ, tôi cho rằng như vậy hơi khắt khe và không hiểu cho các cụ. Tôi dám cả quyết thời các cụ “nóp với gươm”, “cùng nhau đi Hồng binh” hay “quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh” chưa hề biết rạch ròi về cộng sản như chúng ta ngày nay. (Cảm ơn sự tiến bộ của nhân loại, khoa học kỹ thuật truyền thông, nếp sống của các nước tiên tiến đã mở mắt cho tôi). 

Thế thì chúng ta cứ phải tăng cường đối thoại để tất cả mọi người sẽ “ngộ” ra!, “nói phải củ cải cũng nghe”. Thời đại nay, lý lẽ và thực tế cuộc sống mới thuyết phục được mọi người, mới thu phục được lòng dân, ai không thấy điều đó mà cứ hành xử theo lối mòn của hàng trăm năm trước chỉ là nhũn não mà thôi!

Sau khi tôi “thôi sinh hoạt Đảng” (cũng phải hơn 5 tháng với mấy thủ tục nhiêu khê, có dịp tôi sẽ kể sau) tôi cảm thấy nhẹ nhõm, hoàn toàn thoải mái; tuy việc “được kết nạp vào Đảng” của tôi khó gấp ba lần người bình thường khác. Tôi đã thực sự từ bỏ được “lý tưởng cộng sản”! Bye! Bye! Cộng sản!

Mấy lời cuối

Tôi biết bài viết này, tối thiểu có người khó chịu, có người chau mày, đập bàn… tuy tôi không nổi tiếng, là người của công chúng như ông Lê Hiếu Đằng, TS Phạm Chí Dũng, nhà văn Phạm Đình Trọng… nhưng rất có thể tôi cũng vẫn có thể sẽ gặp ít nhất là một số phiền toái, còn cao hơn nữa là gì chắc các bạn cũng hình dung ra. Tôi dự đoán như vậy, vì chỉ mấy bài viết như bài Tập làm văn của học sinh trung học về những kỷ niệm riêng tư, suy nghĩ cá nhân gửi cho Diễn Đàn Xã Hội Dân Sự mà Công an khu vực đã đến “thăm sức khỏe chú” tại nhà riêng và yêu cầu khai “Lý lịch cá nhân” theo mẫu B18 sặc mùi tội phạm (“các mối quan hệ có liên quan phạm pháp, tiền án, tiền sự”) và ngày mọi người đưa Ông Lê Hiếu Đằng về “miền yên tĩnh” cũng lại bị hỏi “chú có đi đưa tang không?”. 

Vâng! Nghiệp vụ của công an, họ cứ làm; nhưng chẳng lẽ tôi là một người dân nước Cộng Hòa Xã hội Chủ Nghĩa Việt Nam, Độc lập, Tự do, Hạnh phúc mà ĐCSVN đang “lãnh đạo triệt để, toàn diện” xây dựng XHCN tiến lên Cộng sản chủ nghĩa, có sự tự do “gấp triệu lần các nước…” mà lại không được mở miệng nói những suy nghĩ của mình ư? Họ thích cấm tôi suy nghĩ, cấm tôi nói ra những điều khác ý họ. 

Cấm tôi nói thì họ làm được, vì họ sẽ “khâu” miệng tôi lại, bằng đủ mọi cách do họ có cả “hệ thống chính trị” đầy quyền lực. 

Còn cấm tôi suy nghĩ thì các bạn nghĩ họ có “đạo đức, văn minh”, có thông minh, thực tế và làm được không? Thế đó! Họ hành xử với tôi và những người khác như thế nào, đấy chính là họ tự lột cái mặt nạ dân chủ, tự do, hạnh phúc mà tự họ tô vẽ mỹ miều để lộ ra cái gì thì chúng ta đủ nhận ra (độc tài, toàn trị, độc ác).

Thực tế cuộc sống sẽ soi rọi ra cả những cái kim nằm dưới đáy biển, chẳng thế lực nào giấu diếm, che đậy, bóp méo mãi chân lý được!

Sài gòn, Xuân con ngựa 2014


nguồn: http://diendanxahoidansu.wordpress.com/2014/02/02


No comments:

Post a Comment

Nhân quyền và bạo quyền

VTV-[Trang Lê Mới Nhất] chửi từ nhà ra phố, Trọng Lú sợ vỡ mật

https://www.youtube.com/results?search_query=Trang+L%C3%AA+%28B%C3%A0+Ngo%E1%BA%A1i%29

Featured Post

Bản Tin buổi sáng-17/1/2025

Popular Posts

My Blog List