Lê
Công Định: 'Tôi không đổi lý tưởng'
Cập nhật: 09:27 GMT - thứ hai, 3 tháng 2, 2014
Luật sư Lê Công Định vẫn đang chịu quản thúc tại nhà
Tròn một năm sau ngày được thả khỏi tù nhưng vẫn bị quản
chế (06/2/2013), từ Sài Gòn, luật sư đấu tranh dân chủ, ông Lê Công Định lần
đầu tiên lên tiếng chính thức và dành cho BBC cuộc trả lời phỏng vấn đầu Xuân.
Luật sư Định nói vụ việc ông bị chính quyền bỏ tù bốn năm về
trước không làm ông thay đổi lý tưởng và mong muốn giúp cho Việt Nam xây dựng
một "quốc gia pháp trị và xã hội dân sự".
Các bài liên quan
- Luật sư Lê Công Định ra tù
- Blogger Lê Anh Hùng được về
nhà
- Lê Thăng Long muốn ‘chuyển
hóa Đảng’
Chủ đề liên quan
Cựu tù nhân chính trị đang chịu quản chế ba năm nói ông
"chưa bao giờ hối tiếc" về những việc mà ông đã làm và về những gì đã
xảy ra với ông khi những việc đó là hệ quả của "lý tưởng" của ông.
Tuy nhiên, ông cũng bày tỏ rằng ông "bị dằn vặt vì cảm thấy
có lỗi với người thân" vì đã gây nên những điều "phiền muộn, đau khổ
và mất mát" cho những người mà ông cám thấy phải "có trách
nhiệm."
Cựu tù nhân lương tâm cũng thuật lại những trải nghiệm chính của
ông trong thời gian bị bắt giữ, tù đầy và nói ông thích việc được nhà chức
trách và giới chức điều tra gọi tên là "tội phạm tư tưởng" hay
"tù nhân tư tưởng", và nói ông đã được đối xử đặc biệt, khác với các
tội phạm khác.
Cựu Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP Hồ Chí Minh cho rằng Việt Nam
đang trong một giai đoạn đặc biệt của một quá trình quy luật xã hội mà ông khái
quát là "vật cùng tắc biến".
Đồng thời chia sẻ rằng, đối với cá nhân những người đang tranh
đấu cho một sự chuyển đổi ở Việt Nam thì, họ nên cố gắng đừng để bị ảnh hưởng
tới thoái chí hoặc sao lãng mục tiêu bởi cả những lời ca ngợi hay chê trách
nào.
"Khi sự kiện Đông Âu diễn ra, tôi xác định phải làm gì đó để thay
đổi đất nước theo hướng xây dựng một quốc gia pháp trị và xã hội dân sự. Hơn 20
năm nay vẫn như vậy, không lý do gì để biến cố của 4 năm vừa qua có thể thay
đổi lý tưởng của tôi"
Luật sư Lê Công Định, sinh năm 1968, bị bắt ngày 3/6/2009 và bị
Tòa án Nhân dân TP Hồ Chí Minh trong phiên sơ thẩm ngày 20/01/2010 xét xử theo
Điều 79 của Bộ Luật hình sự với tội danh "hoạt động nhằm lật đổ
chính quyền nhân dân". Cùng bị kết án với ông có các bị cáo khác là các
ông Trần Huỳnh Duy Thức, Lê Thăng Long và Nguyễn Tiến Trung.
Ông Định nhận mức án 5 năm tù giam, 3 năm quản chế, và được ra
thả tù sớm hơn thời hạn vào ngày 06/2 năm ngoái.
Mở đầu cuộc trao đổi với BBC, luật sư trả lời câu hỏi "Lê
Công Định bây giờ và Lê Công Định trước đây có gì khác nhau
không?".
'Trả giá khá đắt'
LS. Lê Công Định: Về lý tưởng, trước đây và bây giờ tôi vẫn không thay đổi. Từ năm
lên 7 tuổi, tôi đã bắt đầu quan tâm đến chính trị. Năm lên 14 tuổi, tư tưởng
tôi dần định hình. Đến năm 20 tuổi, khi sự kiện Đông Âu diễn ra, tôi xác định
phải làm gì đó để thay đổi đất nước theo hướng xây dựng một quốc gia pháp trị
và xã hội dân sự. Hơn 20 năm nay vẫn như vậy, không lý do gì để biến cố của 4
năm vừa qua có thể thay đổi lý tưởng của tôi.
Tuy nhiên, về hành động, tôi đã khác trước. Bây giờ tôi điềm
tĩnh, kiên nhẫn và lắng nghe nhiều hơn.
BBC: Từ một luật sư có triển vọng bỗng chốc tiêu tan sự
nghiệp, gia đình ly tán, bản thân phải ngồi tù. Phải nói ông đã trả
một cái giá khá đắt. Ông có hối tiếc về điều đó không?
Ông Lê Công Định bị bắt khẩn cấp ngày 13/6/2009 ở Sài Gòn.
LS Lê Công Định: Quả thật, so với nhiều người cùng cảnh ngộ, tôi đã trả
một cái giá khá đắt. Dù vậy, tôi chưa bao giờ hối tiếc những gì đã làm và
về sự việc đã xảy ra, nhất là khi điều đó xuất phát từ lý tưởng của mình. Điều
tôi ân hận nhất là hành động của mình đã gây nên phiền muộn, đau khổ và mất mát
lớn cho những người thân yêu mà cuộc đời của họ tôi có trách nhiệm, có những
điều không thể cứu vãn được. Tuy hậu quả tôi phải gánh chịu, song đó là điều
tôi bị dằn vặt vì cảm thấy có lỗi với người thân của mình.
BBC: Từ ngày ra tù đến nay, ông có theo dõi tình hình
đất nước và thế giới không? Ông có thấy sự thay đổi gì so với trước
không?
LS. Lê Công Định: Tôi vẫn luôn theo dõi tình hình kinh tế, chính trị và xã
hội trong và ngoài nước kể cả khi ở trong tù, dù thông tin vô cùng hạn chế. Thế
giới và Việt Nam đã khác trước nhiều.
Sự kiện “Mùa xuân Ả Rập” cho thấy không thành trì nào không thể
sụp đổ trước lòng căm phẫn của người dân. Cái chết của nhà độc tài Gaddafi ở
Libya là tấm gương lớn cho những ai cùng chung ảo tưởng với ông. Trước khi bị
sát hại, ông vẫn tin và tuyên bố không ngượng rằng chế độ của ông là do lịch sử
và nhân dân Libya lựa chọn. Song lịch sử và nhân dân đã chọn một cách khác cho
ông mà chúng ta đều đã chứng kiến.
Việt Nam cũng đã thay đổi. Thời “sự im lặng của bầy cừu” không
còn nữa. Trước đây, đôi lúc tôi cảm thấy cô đơn khi lên tiếng về những vấn đề
chính trị và xã hội của đất nước. Bây giờ, xung quanh nhiều người can đảm và
mạnh mẽ hơn tôi nhiều, nhất là giới trẻ. Công nghệ thông tin, mặt khác, đã tạo
nên chuyển biến lớn trong nhận thức chung của xã hội ngày nay. Nhãn quan của
người dân không bị che phủ bởi bức màn sắt nữa. Sự đoàn kết và khích lệ lẫn
nhau ngày càng gia tăng. Tuy nhiên, tôi thật sự quan ngại về tình hình kinh tế,
cả vĩ mô lẫn vi mô. Đời sống của các gia đình có thu nhập thấp sẽ ra sao trong
cơn khủng hoảng vô tiền khoáng hậu này? Tôi cảm thấy đau xót.
'Trải nghiệm trong tù'
BBC: Trong tù ông được đối xử như thế nào?
LS. Lê Công Định: Về đời sống và sinh hoạt, cũng như bao nhiêu người tù
khác, tôi đã chạm đến ranh giới giữa con và người. Về cách đối xử, trước mặt
tôi, các cán bộ quản giáo tỏ ra tôn trọng tôi. Tôi nhớ hồi mới bị bắt giam, các
nhân viên an ninh điều tra thường nói rằng vì chúng tôi là những người phạm tội
“tư tưởng”, nên sẽ được đối xử khác với các tù nhân thường phạm.
Ông Lê Công Định bị xét xử cùng các bị cáo khác cùng vụ án tại
phiên sơ thẩm hôm 20/01/2010.
Nhân tiện, xin lạm bàn đôi chút, tôi thích khái niệm “tội phạm
tư tưởng” hay “tù nhân tư tưởng” mà chính các nhân viên điều tra của Bộ Công an
đã sử dụng khi làm việc với chúng tôi, vì điều đó cho thấy chúng tôi bị bắt do
có tư tưởng khác. Thật lý thú, bởi khác với hầu hết các nước, luật pháp Việt
Nam vẫn bảo vệ một đường lối tư tưởng độc tôn, mà bản Hiến pháp mới sửa đổi là
một minh chứng.
Do suy nghĩ khác với đường lối đó và không chấp nhận sự áp đặt
tư tưởng, nên tôi đã muốn thay đổi hệ thống luật pháp này. Để một đạo luật hay
hệ thống luật bất hợp lý được thay đổi, trước hết phải vi phạm nó, tất nhiên
một cách ôn hòa. Một người dấn thân vì tự do tư tưởng như chúng tôi mà không vi
phạm những Điều 79, 88 và 258 của Bộ Luật Hình sự Việt Nam thì quả nhiên lạ,
phải không? Tôi phải vi phạm và cũng đã nói rõ điều đó từ khi bị bắt giam đến
lúc ra tòa. Tôi cũng đã trình bày đầy đủ mọi sự việc với cơ quan điều tra, bởi
không có gì cần phải giấu diếm cả.
Thông điệp từ sự bất tuân luật pháp của tôi đơn giản chỉ là:
“Hãy thay đổi luật pháp!” Từ năm 2007, khi biện hộ cho chị Lê Thị Công Nhân và
anh Nguyễn Văn Đài, tôi từng nói:
“Nếu tại một nơi nào và ở một thời điểm nào mà luật pháp xem
lòng yêu nước là tội phạm, thì thay vì trừng phạt những nhà yêu nước, hãy thay
đổi luật pháp ấy.”
Tất nhiên, tôi đã trả giá đắt vì điều đó, nhưng tôi chấp nhận và
đã đi đến tận cùng những gì lương tri mình tin là đúng.
Tấm gương lớn của tôi chính là Rosa Parks, người phụ nữ Mỹ da
đen vĩ đại của nước Mỹ. Vào ngày 1 tháng 12 năm 1955 tại Montgomery, Alabama,
Parks, khi đó 42 tuổi, Rosa Parks đã từ chối lời đề nghị của người lái xe buýt
James Blake yêu cầu nhường chỗ cho một hành khách da trắng để xuống ngồi phía
cuối xe theo luật định. Khi cảnh sát đến nói rằng bà đã vi phạm luật, Rosa
Parks chấp nhận bị bắt. Hành động của bà đã trở thành biểu tượng của phong trào
dân quyền hiện đại. Nước Mỹ sau đó đã thay đổi luật để tôn trọng nhân quyền
hơn.
'Lời khuyên, chia sẻ'
"Nếu bạn đã xác tín nội tâm điều mình làm là đúng đắn, thì dù ai
đàm tiếu vì không hiểu hành động của bạn, hãy mặc họ và không lùi bước, vì suy
cho cùng mỗi mình bạn phải tự chịu trách nhiệm về những gì bạn làm mà thôi"
BBC: Thời gian ở trong tù là thời gian mà con người có thể
chiêm nghiệm rất nhiều. Với ông, ông đã chiêm nghiệm điều gì và rút
ra được những gì?
LS. Lê Công Định: Không ai thích ở
tù để chiêm nghiệm, song tôi đã tranh thủ thời gian đó để chiêm nghiệm nhiều
điều bổ ích cho riêng mình, nhất là về nhân sinh. Hầu hết những điều đó liên
quan đến triết học, mà không phải ai cũng thích nghe ở đây. Tôi chỉ muốn nói
rằng tôi đã học được cách tha thứ để đạt được sự bình an trong tâm. Ngày xưa tôi
đã “biết” như vậy rồi, nhưng chưa “làm” được. Đôi khi người ta phải trải qua một
biến cố lớn lao mới có thể thu hẹp được khoảng cách giữa tri và hành.
BBC: Ông có lời khuyên gì dành cho những người cũng đang
dấn thân vào con đường tranh đấu giống như ông?
LS. Lê Công Định: Tôi không muốn khuyên ai vì chưa xứng đáng làm như vậy,
chỉ mong chia sẻ một kinh nghiệm rằng nếu bạn đã xác tín nội tâm điều mình làm
là đúng đắn, thì dù ai đàm tiếu vì không hiểu hành động của bạn, hãy mặc họ và
không lùi bước, vì suy cho cùng mỗi mình bạn phải tự chịu trách nhiệm về những
gì bạn làm mà thôi. Lời ca tụng hay chê trách chỉ giúp mình suy ngẫm thêm, song
cố gắng đừng để bị ảnh hưởng mà thoái chí hoặc sao lãng mục tiêu.
BBC: Con đường Việt Nam là phong trào do ông là người
đồng khởi xướng, thế nhưng đến giờ sao ông vẫn chưa lên tiếng gì về
phong trào này để mọi người hiểu thêm về nó? Nếu nói thì ông sẽ
nói gì?
Ông Định từ chối bình luận về phong trào 'Con đường VN' mà ông
Lê Thăng Long (trong ảnh) đồng chủ xướng.
LS. Lê Công Định: Tôi chưa muốn nói về vấn đề này vào lúc này.
BBC: Ông nghĩ thế nào về lập trường của ông Lê Thăng
Long muốn ‘chuyển hóa Đảng’ và ‘ôm hôn kẻ thù’?
LS. Lê Công Định: Mỗi người có một sự lựa chọn. Dù thế nào, tôi vẫn yêu quý
và kính trọng Lê Thăng Long, Trần Huỳnh Duy Thức và Nguyễn Tiến Trung, bởi
chúng tôi đã chia sẻ hoạn nạn với nhau.
Tôi thích từ ‘vượt bỏ’ hơn ‘chuyển hóa’. ‘Vượt bỏ’ (thuật ngữ do
Bùi Văn Nam Sơn dịch từ ‘aufheben’ của tiếng Đức) là một khái niệm trong triết
học biện chứng của Hegel khi ông bàn về sự vận động. Đối với tôi, phong trào cộng
sản nói chung và đảng cộng sản nói riêng là một phần của lịch sử đã qua, mà tôi
thì chỉ quan tâm đến hiện tại để chuẩn bị cho tương lai. Tôi không xem họ là kẻ
thù. Vì thế, chưa bao giờ tôi muốn chống lại và không có ý định “ôm hôn”.
'Vật cùng tắc biến'
BBC: Ông có niềm tin vào tương lai đất nước không? Với
tình hình hiện nay thì theo ông tương lai đất nước sẽ như thế nào?
"Nhiều người bi quan về thực trạng xã hội hiện giờ. Tôi nghĩ
khác, “vật cùng tắc biến”, Lão Tử đã nói như thế và lịch sử ở mọi thời đại cũng
đã chứng minh như vậy. Mọi sự đang diễn ra như cùng đi đến một kết cuộc. Do đó,
tôi luôn có niềm tin vào tương lai tươi sáng sắp gần đến của đất nước"
LS. Lê Công Định: Nhiều người bi quan về thực trạng xã hội hiện giờ. Tôi
nghĩ khác, “vật cùng tắc biến”, Lão Tử đã nói như thế và lịch sử ở mọi thời đại
cũng đã chứng minh như vậy. Mọi sự đang diễn ra như cùng đi đến một kết cuộc.
Do đó, tôi luôn có niềm tin vào tương lai tươi sáng sắp gần đến của đất nước
hơn bao giờ hết.
Ở trong tù, tôi làm nhiều thơ về các nhân vật lịch sử của nước
ta, mà sự nghiệp của họ để lại nhiều bài học cho thế hệ ngày nay. Tôi muốn ghi
lại đây một bài thơ về Hồ Quý Ly, người đã đặt dấu chấm hết cho triều đại nhà
Trần. Vương triều ấy đã khởi đầu bởi Trần Thủ Độ và kết thúc bởi Hồ Quý Ly, đều
một cách đẫm máu, ân oán trả đủ. Thật đáng tiếc! Tôi mong tương lai chúng ta
không đến nỗi như vậy.
Vịnh Hồ Quý Ly
"Trí vượt đương thời xướng cách tân, Vua suy bỏ ước thúc
quân thần. Nền san Minh Đạo, thay lề cũ, Thủ đắp Tây Đô, tránh họa gần. Triều
trước cướp ngôi, oan chất hận, Buổi tàn trả nợ, oán quên ân. Thời gian dời đổi
anh hùng xuất, Sử chẳng u mê mãi “chọn” Trần."
‘Không loại trừ
chiến tranh ở châu Á’
Cập nhật: 10:22 GMT - thứ hai, 3 tháng 2, 2014
Năm nay đã 90 tuổi, ông Henry Kissinger vẫn tiếp tục phát
biểu về nhiều chủ đề quốc tế quan trọng
Nói về an ninh toàn cầu, cựu Ngoại trưởng Hoa Kỳ, ông
Henry Kissinger, cho rằng “châu Á đang ở vào tình thế giống như thế kỷ
19 và không loại trừ được khả năng có xung đột quân sự”.
Phát biểu tại một diễn đàn an ninh toàn cầu ở Munich
cuối tuần qua, ông Kissinger, người cũng từng giữ chức Cố vấn an ninh
của tổng thống Hoa Kỳ và chỉ đạo đàm phán tại Hòa đàm Paris về
chiến tranh Việt Nam, bày tỏ quan điểm về căng thẳng Trung – Nhật.
Các bài liên quan
Chủ đề liên quan
Ông nói rằng với thế giới bên ngoài, điều quan trọng là
làm sao không để Nhật Bản hay Trung Quốc bị “lôi kéo vào khả năng
dùng vũ lực để giải quyết vấn đề”.
Trước ông Kissinger, bà Phó Oánh, cựu Thứ trưởng Ngoại
giao hiện là chủ tịch ủy ban đối ngoại Quốc hội Trung Quốc phát
biểu tại Munich rằng “quan hệ với Nhật Bản là tồi tệ nhất từ trước
tới nay”.
Lịch sử phủ bóng
Bà Phó Oánh cũng nói “Trung Quốc sẽ có hành động để
duy trì ổn định trong vùng” và đổ lỗi cho phía Nhật Bản “chối bỏ
tội ác chiến tranh” trong lịch sử, theo Bloomberg.
Đáp lại, Ngoại trưởng Nhật Bản Fumio Kishidanói với hội
nghị rằng Nhật đã có những nhìn nhận nghiêm túc về quá khứ chiến
tranh và thời chiếm thuộc địa.
Ông cũng nói Nhật Bản “muốn tiếp tục đối thoại với
Trung Quốc về chủ đề an ninh”.
Năm nay, hội nghị thường kỳ về an ninh quốc tế tại
Munich, Đức tụ họp chừng 300 nhân vật có ảnh hưởng, gồm các vị Ban
Ki-Moon, Sergeu Lavrov, Catherine Ashton, Henry Kissinger, John Kerry, Chuck
Hagel, Susan Rice và Fogh Rasmussen.
Ông Tập Cận Bình từng long trọng đón tiếp cựu ngoại
trưởng, học giả Henry Kissinger
Tại hội nghị ở Bayerischer Hof Hotel hôm thứ Bảy 1 tháng
2/2014 cũng đã xảy ra tranh cãi giữa Ngoại trưởng Nga, Sergei Lavrov và
các quan chức EU cùng Hoa Kỳ liên quan đến tình hình Ukraine.
Các chủ đề khác được bàn đến gồm tình hình
Afghanistan, Ai Cập, chương trình nguyên tử của Iran và cả các tiết lộ
của ông Edward Snowen về chương trình nghe lén toàn cầu của Hoa Kỳ.
Ông Henry Kissinger, năm nay 90 tuổi, đã từng dàn dựng
chuyến thăm nổi tiếng đến Trung Quốc của Tổng thống Richard Nixon, gặp
Mao Trạch Đông năm 1972, tạo chuyển biến trong quan hệ Trung Quốc và Hoa
Kỳ.
Sau Chiến tranh Lạnh, ông thường được chính quyền Trung
Quốc mời sang phát biểu về các vấn đề quốc tế với thái độ tôn
kính đặc biệt.
Không chỉ các lãnh đạo như Đặng Tiểu Bình lắng nghe ông
mà cả các nhân vật thế hệ sau như Tập Cận Bình cũng long trọng đón
tiếp ông Henry Kissinger, tác giả nhiều cuốn sách về ngoại giao quốc
tế.
Hoạt động nhân quyền
Việt Nam ở LHQ
Cập nhật: 17:08 GMT - thứ hai, 3 tháng 2, 2014
Media Player
Vào chiều thứ Tư ngày 5/2 giờ Geneva, Hội đồng Nhân quyền Liên
Hiệp Quốc sẽ có phiên Kiểm định Định kỳ Phổ quát – UPR – để nhìn lại tình hình
nhân quyền Việt Nam kể từ lần kiểm điểm trước và cũng là lần đầu tiên vào năm
2009.
Điểm đặc biệt của lần kiểm điểm này là Việt Nam vừa mới trở
thành thành viên của Hội đồng Nhân quyền hôm 1/1/2014.
Trước phiên UPR, Việt Nam đã công bố báo cáo 20 trang về chuyện
tình hình nhân quyền ở Việt Nam được cải thiện với số lượng cơ quan báo chí
tăng so với hồi năm 2009, các quyền con người được đảm bảo về luật pháp và
trong thực tiễn.
Một trong những bằng chứng về chuyện người dân được tham gia
đóng góp ý kiến đối với mọi vấn đề hệ trọng của đất nước là chuyện có tới 26
triệu lượt đóng góp ý kiến cho quá trình sửa đổi Hiến Pháp.
Việt Nam nói họ luôn coi trọng quyền con người của người dân
nhưng luôn bị những người “có dụng ý xấu” tuyên truyền không đúng về Việt Nam.
Tường thuật của Nguyễn Hùng, Bình Khuê.
"Làm sao có thể
chuyển đổi êm dịu?"
Cập nhật: 17:40 GMT - chủ nhật, 2 tháng 2, 2014
Media Player
Xã hội Việt Nam đang diễn ra các dòng chuyển động và biến đổi
khó lường trước.
Việt Nam khó có thể đạt được một sự 'chuyển đổi' mà không để xảy
ra 'đột biến' như kỳ vọng và quan điểm của một số học giả trong nước, khi mà
nhiều điểm nóng trong quan hệ chính quyền và nhân dân, nhiều vấn đề căn bản và
nguyên tắc về dân quyền, dân sinh trong xã hội không được giải quyết tận gốc.
Đó là quan điểm của nhà phân tích, Tiến sỹ kinh tế Phạm Chí
Dũng, khi bình luận về một vài khía cạnh trong quan điểm của Giáo sư BấmTrần Ngọc Thêm chia sẻ với BBC gần đây khi nhà văn hóa
học này nói về khả năng, kịch bản và mô hình biến đổi xã hội, thể chế và văn
hóa của Việt Nam.
Hôm 02/2/2014, Tiến sỹ Dũng nói mô hình giải quyết điểm nóng của
chính quyền từ nhiều năm về trước, hiện không còn phát huy tác dụng và ông bày
tỏ quan ngại rằng nhiều vụ xung đột với số đông người dân, dân oan tham gia có
thể trở thành các thách đố thực sự với chế độ từ nay trở đi.
Ông nói: "Tôi có cảm giác rằng chưa có một kịch bản hoàn
hảo nào từ phía chính quyền được đặt ra để giài quyết những điểm nóng như vậy,
"Mặc dù lý thuyết về điểm nóng, giải quyết xung đột về điểm
nóng đã đặt ra từ năm 2000, đặc biệt để giải quyết những phong trào đất đai, về
dân oan đất đai, nhưng thực tế đã chứng nghiệm rằng lý thuyết giải quyết điểm
nóng của các cơ quan chính quyền Việt Nam là không thành công."
"Trí thức nào thì trí thức, cũng phải có lương tâm, và nếu xét về
góc độ lương tâm, có khi một người nông dân, một người dân thường, một người
dân đen, họ còn có lương tâm nhiều hơn là một trí thức"
Theo Tiến sỹ Dũng trong năm vừa qua đã có những phong trào đấu
tranh của người dân, với con số chỉ từ một ngàn người tham gia, như tại một
huyện ven biển thuộc tỉnh Quảng Ngãi, đã buộc ban lãnh đạo của tỉnh này phải
trực tiếp xuống địa phương đối thoại với dân.
Ông đặt vấn đề, nếu không có phương thức giải quyết thỏa đáng,
những con số "một ngàn" như vậy có thể mở rộng thành "hàng chục
ngàn" như ở Campuchia, và thậm chí tăng triển thành "cả triệu
người" như ở Thái Lan, thì vấn đề sẽ thực sự trở nên rất khó giải quyết
hơn cho chính quyền.
'Trí thức ở đâu?'
Về vấn đề thái độ, vai trò của trí thức với tình hình của đất
nước, điều cũng được GS Trần Ngọc Thêm đề cập, Tiến sỹ Dũng cho rằng giới này
hiện đang bị phân chia thành ba bộ phận là 'cận thần', 'trung dung' và 'dấn
thân - phản biện'.
Trong đó, lớp "trí thức cận thần" được hưởng nhiều đặc
quyền, đặc lợi nhưng ít được người dân lắng nghe, tin cậy và hài lòng vì họ
thường 'thiên vị quyền lợi của nhà nước'.
Nhóm thứ hai là "trí thức trung dung", chiếm tới
khoảng 80% tầng lớp trí thức và có thái độ "bàng quan", thậm chí
"vô cảm", không gần nhà nước nhưng cũng không quan tâm tới người dân,
đặc biệt là bất công xã hội... Nhóm này, theo nhà quan sát này, có đặc điểm "dễ
đón gió", "dễ xoay chiều" khi có cơ hội.
Nhóm thứ ba được ông Dũng đề cập đến là "trí thức dấn
thân" hay "trí thức phản biện", nhóm này có trách nhiệm và lương
tri với dân, với nước, nhưng theo nhà quan sát 'rất tiếc' vẫn còn hạn chế về số
lượng.
Ông Phạm Chí Dũng (trái) tại đám tang của luật gia Lê Hiếu Đằng.
Bày tỏ quan điểm của mình về tư cách và nghĩa vụ của trí thức
nói chung với đất nước, ông Dũng nói: "Trí thức nào thì trí thức, cũng
phải có lương tâm, và nếu xét về góc độ lương tâm, có khi một người nông dân,
một người dân thường, một người dân đen, họ còn có lương tâm nhiều hơn là một
trí thức."
Theo ông Dũng, người trí thức hiện nay trước tiên cần xác định
để có lập trường "độc lập", để không bị cuốn vào các cuộc "tranh
giành giữa các phe phái chính trị", mà nên lấy dân sinh, dân quyền, dân
trí "làm chủ đạo" cho con đường của mình.
Ngoài ra, họ nên bày tỏ "một chút dấn thân", hoặc cao
cả hơn theo ông là "hy sinh một chút" cho xã hội và tạm quên đi
"quyền lợi cá nhân của mình một chút". Ông kỳ vọng:"Nếu mỗi
người trí thức đều có được một chút suy nghĩ như thế, thì tôi nghĩ xã hội dần
dần sẽ được nhiều chút, và lúc đó mọi chuyện sẽ tiến bộ nhanh chóng hơn là bây giờ,
"Còn hiện nay tình trạng vô cảm không chỉ lan tràn trong
giới quan chức quản lý nhà nước mà còn cả trong giới trí thức trung dung và
giới trí thức cận thần, mà đó là một tình trạng mà vô hình chung tạo ra một sự
phân cách xã hội vô cùng lớn."
Mở đầu cuộc trao đổi hôm Chủ Nhật, Tiến sỹ Dũng bình luận biến
đổi gần đây trong nội bộ giới trí thức trong nhà nước, theo đó có sự đề cập
nhiều hơn tới các "ý kiến đa chiều", mặc dù chưa nhắc đến "đa
đảng", và ông cho rằng đang có sự xích lại gần nhau giữa các nhóm ý kiến,
quan điểm ở nhiều tầng lớp, các "lề" và các nhóm khác nhau trong xã hội
Việt Nam.
__._,_.___
No comments:
Post a Comment
Nhân quyền và bạo quyền