Saturday, February 1, 2014

Tâm sự đầu năm Giáp Ngọ 2014





Tâm sự đầu năm Giáp Ngọ 2014

Kính thưa toàn thể Đồng bào Việt Nam trong và ngoài nước

Cái Tết truyền thống của Dân tộc lại trở về với tất cả chúng ta, dù chúng ta ở quốc nội hay hải ngoại, trên mảnh đất hình chữ S hay lưu lạc chân trời góc bể. Những giây phút thiêng liêng đầu năm mới này mời gọi chúng ta nhớ về Tổ tiên nguồn cội, nhớ về Quê mẹ dấu yêu, nhớ về Đồng bào ruột thịt cũng như nhớ về bao kỷ niệm thân thương trong gia đình. Và chúng ta ngày càng nhung nhớ những thực thể máu thịt ấy bởi lẽ có một cái gì đó phi tự nhiên đang bao trùm tất cả.

Cái phi tự nhiên ấy chính là Cộng sản dưới dạng chủ nghĩa, dưới dạng chế độ và dưới dạng
chính đảng đang hiện diện và thống trị trên đất nước 60 năm qua, làm cho Dân tộc chúng ta từ đó đến nay không hề hưởng được mùa xuân đích thực, cái Tết đúng nghĩa cũng như những hy vọng có nền tảng cho tương lai.

Thực thế thưa Quý Đồng bào. Sau bao năm dài chà đạp nhân quyền, coi thường pháp luật và thường xuyên xử dụng biện pháp tra tấn đối với thường dân hay tù nhân, trong tháng 11 năm rồi, nhà cầm quyền CS đã được ngồi ghế Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc vào ngày 12. Trước đó, hôm mồng 9, họ đã lập ra “Ngày Pháp luật VN”, và trước đó nữa, hôm mồng 7, họ đã ký tham gia Công ước chống tra tấn của Liên Hiệp Quốc. Ba biến cố đó làm lóe lên hy vọng nơi nhiều người, bởi lẽ đây là những cam kết có tính pháp lý không những đối với quốc dân  mà còn đối với quốc tế, liên quan đến danh dự của quốc gia và uy tín của nhà cầm quyền. Thế nhưng niềm hy vọng đó đã sớm bị dập tắt bởi nhiều sự kiện tiếp liền theo sau.

Đó là vào ngày 27-11-2013, thủ tướng Cộng sản ký nghị định 174 phạt tới một trăm triệu đồng những ai bị gán cái tội “tuyên truyền phản động”. Ngày 28-11, cái gọi là Quốc hội VN đã theo lệnh đảng CS thông qua bản Hiến pháp mới, một bản Hiến pháp chà đạp nhân quyền và dân quyền, vì dành cho đảng độc quyền cai trị đất nước và xã hội, độc quyền sở hữu đất đai và tài nguyên, độc quyền sử dụng công an và quân đội, rồi cả ưu quyền kinh tế với công ty nhà nước làm chủ đạo, ưu quyền tư tưởng với chủ nghĩa Mác-Lê làm thống soái. Đây cũng chính là sự chà đạp luật pháp đúng nghĩa vì lấy ý đảng thay cho lòng dân. Chưa hết, quanh ngày Nhân quyền Quốc tế 10-12, nhiều cuộc đàn áp nhân dân khốc liệt đã xảy ra trên nhiều miền đất nước: Hà Nội, Nghệ An, Đà Nẵng, Nha Trang, Sài Gòn… Nào tịch thu Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền, nào phá thối những cuộc dã ngoại về Nhân quyền, nào cướp bóc đánh đập tra tấn các chiến sĩ dân chủ. 

Đến ngày 17-12, Hà Nội lại ban hành Nghị định 208 cho phép lực lượng công an, vốn từ lâu là công cụ bạo lực của Nhà nước cộng sản- được nổ súng vào người dân bị cho là “có hành vi chống nhân viên công lực”. Mới nhất, hôm 19-01-2014, kỷ niệm 40 năm Tàu cộng xâm chiếm quần đảo Hoàng Sa, nhà cầm quyền CS -do thói đê hèn cố hữu trước Bắc phương- lại ngang nhiên xóa bỏ lễ kỷ niệm cấp nhà nước dự định tổ chức tại Đà Nẵng, ngang tàng phá thối cuộc kỷ niệm do nhân dân tổ chức tại Hà Nội, và ngang ngược giới hạn buổi kỷ niệm do nhân sĩ tổ chức tại Sài Gòn. Đó là chưa kể những vụ đàn áp và xét xử các dân oan đứng lên đòi lại đất đai, tài sản và phản đối ô nhiễm môi trường sống tại Sài Gòn, Hà Đông, Hà Nam, Hà Nội… Tất cả những biến cố đó như một gáo nước lạnh dội vào niềm hy vọng của toàn dân.

Thế nhưng, như ý chí sống còn bền bỉ của dân tộc, niềm hy vọng đó không hề tan biến. Bằng chứng là sự xuất hiện ngày càng nhiều tổ chức xã hội dân sự độc lập tại VN trong năm qua. Nào là Nhóm Trí thức 72 chuyên phản biện những vấn đề chính trị xã hội, Hội đồng Liên tôn chuyên lên tiếng cho công lý nhân danh niềm tin, nào Mạng lưới Blogger VN chuyên đòi tự do thông tin và ngôn luận trên internet, Hội Anh em Dân chủ chuyên gieo ý thức và tạo hiểu biết về dân chủ tự do, nào Phụ nữ Nhân quyền VN chuyên bênh vực giới chị em bị áp bức, Hiệp hội dân oan chuyên tranh đấu cho nông dân bị tước đoạt ruộng vườn, nào Hội Bầu bí Tương thân chuyên nâng đỡ cứu giúp các nạn nhân của Cộng sản… Rồi còn nhiều tổ chức dân sự khác đang chuẩn bị xuất hiện. Báo lề dân cũng ngày càng bùng nổ trên các mạng xã hội toàn cầu. Các cuộc đình công của công nhân ngày càng gia tăng, có phương pháp, và các cuộc biểu tình của nông dân ngày càng đông đảo, có sức mạnh. Tất cả là nhằm giải thể chế độ độc tài đảng trị, nhằm khôi phục các nhân quyền và dân quyền ở trong nước.

Ở ngoài nước, đồng bào hải ngoại cũng góp phần củng cố niềm hy vọng lớn lao đó, cũng góp phần xây dựng mùa xuân đích thực cho Quê hương. Ngày càng phong phú hóa các cá nhân, các cộng đồng, các đoàn thể, các tổ chức tranh đấu trên mọi châu lục, ngày càng đa dạng hóa các sáng kiến, các hoạt động vì nhân quyền cho VN tại nhiều quốc gia. Không còn có cảnh người Việt nói với nhau cho nhau nghe mà nói với các tổ chức quốc tế và các chính phủ dân chủ. Nào gởi hồ sơ cho Liên Hiệp Quốc và các cơ quan nhân quyền, nào cùng nhau đến các Quốc hội để thông tin vận động, nào đưa người trong nước ra điều trần về sự vi phạm của Cộng sản, nào gia tăng các hình thức yểm trợ tài lực cho quốc nội tiền tuyến….

Kính thưa toàn thể đồng bào, chế độ CSVN đang bước vào thoái trào, đang tiến dần đến chỗ bị đào thải, vì với bao nhiêu sai lầm và tội ác 60 năm qua, nó chỉ gieo nỗi tuyệt vọng, nó chỉ mang lại mùa đông u ám và buồn thảm. Nó khiến cho sức sống kiêu hùng và ý chí bất khuất của Dân tộc bùng lên. Chúng ta nhất định phải khơi dậy niềm hy vọng cho đất nước và đem lại mùa Xuân đích thực cho dân tộc. 

Kính chúc toàn thể Đồng bào hồn xác an mạnh, ý chí kiên vững và đoàn kết rộng rãi trong năm mới để thực hiện tất cả những ước vọng cao đẹp này.

Phát biểu từ Huế ngày 23 tháng chạp năm Quý Ty.
Chúng tôi, linh mục Phê-rô Phan Văn Lợi


Món quà cảm động đầu năm

FB Đặng Xương Hùng

FB Đặng Xương Hùng

 

TUYÊN BỐ RA KHỎI ĐẢNG

Kính gửi: Văn phòng Đảng ủy Bộ Ngoại giao.

Tôi tên là  Đặng Xương Hùng
Sinh ngày 13/9/1961
Vào đảng ngày 28/2/1986

Tôi viết thư này để thông báo tôi từ bỏ đảng Cộng sản Việt Nam.

Tôi đã từng hy vọng cùng với những diễn biến mới đây, đảng Cộng sản Việt Nam sẽ chấp nhận bỏ điều 4 trong Hiến pháp, chấp nhận một sự cởi mở dù là nhỏ trong chính trị, để đưa đất nước ra khỏi vòng luẩn quẩn. Áp dụng một chế độ như Ông Lý Quang Diệu đã làm ở Singapore.

Đấy cũng là hy vọng chung của đông đảo người dân Việt Nam.

Nhưng bất chấp, đảng vẫn tiếp tục sao chép - hoặc bị ép buộc tuân theo láng giềng tàn ác phương Bắc : chủ nghĩa Mác - Lê nin và tư tưởng Hồ Chí Minh.

Gần đây những bí mật của ông Hồ Chí Minh đã bị phơi bày. Chúng tôi, hầu hết là đảng viên, vẫn thường vui vẻ đùa cợt có những bài vè chế giễu, nhưng rất đúng về nhân vật này. Ông Hồ Chí Minh đã bị nghi ngờ là một người Trung quốc, có tên là Hồ Tập Chương, do Quốc tế cộng sản dựng lên, thay thế cho Nguyễn Ái Quốc, người đã chết năm 1932.

Mọi niềm tin đã bị đánh cắp. Tôi tuyên bố ra khỏi đảng.

Ngày 5/12/2013
Đặng Xương Hùng

Nguồn: FB Đặng Xương Hùng



Ăn Tết Giáp Ngọ ở Genève

Blog / Bùi Tín / VOA


Những ngày giáp Tết Giáp này, mọi tấm lòng Việt Nam yêu nước, thương dân, yêu dân chủ, chuộng dân quyền đều hướng tới Genève, Thụy Sĩ, một trung tâm chính trị-ngoại giao- tài chính-du lịch quốc tế nổi tiếng.

Vì sao vậy? Vì ngày 30/1/2014, cũng là ngày Ba mươi Tết cổ truyền, tại Lâu đài các Quốc gia (Palais des Nations) giữa Genève sẽ có cuộc họp trù bị của một số tổ chức Việt Nam và quốc tế quan tâm đến vấn đề nhân quyền để chuẩn bị cho cuộc họp Kiểm điểm Định kỳ Tổng quát về Nhân quyền của Liên Hiệp Quốc (Universal Periodic Review – UPR) sẽ diễn ra tại đây vào ngày 5/1 tới.

Cuộc họp UPR diễn ra 4 năm 1 lần. Năm nay đến lượt Việt Nam được “lên mâm“ (sur le plateau) để tự kiểm điểm và trả lời những phê bình nhận xét, góp ý, chất vấn của các nước về vấn đề Nhân quyền là một giá trị cơ bản của tổ chức quốc tế cao nhất này. Điều đặc biệt năm nay là VN là thành viên Hội Đồng Nhân quyền LHQ, có trách nhiệm làm gương mẫu về mặt này.

Năm nay có 14 nước được lần lượt “ lên mâm” trong gần 2 tuần lễ, từ 27 tháng 1 đến 7 tháng 2; ngày 5 tháng 1 dành riêng cho VN.

Được biết năm nay theo thủ tục rút thăm, 3 nước sẽ làm trọng tài điều khiển cuộc UPR về VN là Kenya thuộc châu Phi, Kazakhstan ở Châu Âu, và Costa Rica ở châu Mỹ.

Ngày 4/2, trước ngày họp chính thức của UPR một ngày, nhằm ngày mồng 5 Tết âm lịch - Ngày kỷ niệm Đại thắng Đống Đa - sẽ có cuộc hội thảo quan trọng của phiá các tổ chức dân chủ và nhân quyền VN và các tổ chức quốc tế cùng nhau góp ý cho cuộc họp UPR. Cuộc họp mặt sơ bộ ngày 30 Tết là bước chuẩn bị thật tốt cho cuộc họp này. Đã có nhiều tổ chức quốc tế đăng ký tham gia và góp tham luận trong cuộc hội thảo ngày 4/1, như: Human Rights Watch, Freedom House, Frontline Defenders, the International Commission of Jurists, the Committee to Protect Journalists, Southeast-Asia Press Alliance, Reporters Without Borders…

Điều nổi bật năm nay là đoàn đại biểu cho phía dân chủ và nhân quyền VN cùng bạn bè là các tổ chức quốc tế dân chủ và nhân quyền khá là đông đảo. Trước hết và quan trọng hơn hết là đoàn dân chủ và nhân quyền VN đến từ trong nước, đại diện cho một xã hội dân sự đang phát triển trong đàn áp khốc liệt như: Hiệp hội Dân Oan VN, Mạng lưới Bloggers VN, Hội Ái hữu tù nhân chính trị và tôn giáo, Con đường VN, mạng Dân Làm Báo, Trung tâm Chúa Cứu Thế, tổ chức No-U, chưa kể một số chừng một chục người bị chặn không cho xuất cảnh.

Sự xuất hiện của ông Trần Văn Huỳnh, thân sinh anh Trần Huỳnh Duy Thức, của các bà mẹ các anh Lê Quốc Quân, Đinh Nguyên Kha, mẹ của cô Đỗ Thị Minh Hạnh cũng như sự có mặt của cô Đoan Trang, anh Nguyễn Anh Tuấn … tại Capitol – trụ sở Quốc hội Hoa kỳ, trực tiếp phát biểu như là những nhân chứng sống, là một sự kiện tuyệt vời. Họ đã phải lên đường theo chiến thuật du kích, “vượt biên “ chính thức lẻ tẻ rồi hội tụ với nhau, làm nên việc lớn. Năm vị Dân biểu Hoa Kỳ đã nhận đỡ đầu cho năm chiến sỹ dân chủ đang bị giam cầm ở VN cũng là một sự kiện nổi bật.

Hầu hết các đại biểu từ trong nước đều ghé qua New York thăm trụ sở LHQ, rồi bay qua châu Âu, làm việc tại thủ đô Bỉ, Brussels, nơi đóng các cơ quan của khối Liên Âu, hiện đã tới Genève, ráo riết mở chiến dịch vận động cho dân chủ và nhân quyền ở VN.

Sự phối hợp trong và ngoài nước giữa các chiến sỹ dân chủ và nhân quyền thật đáng khâm phục. Theo tin của nhiều trang mạng, luật sư Trịnh Hội thuộc VOICE, một tổ chức đã có nhiều nỗ lực giúp bà con tỵ nạn cũng như nạn nhân cơn bão Hải Yến ở Philippin, cùng nhà truyền thông Đỗ Phủ đã và đang góp phần quan trọng cho một chiến dịch tấn công trên mặt trận ngoại giao nhân dân non trẻ rất năng động này. Họ bắt tay làm việc từ những việc nhỏ nhất, với kế hoạch sát thực tế, có khi âm thầm kín đáo, với một loạt nam nữ cộng tác viên tình nguyện trong và ngoài nước rất trẻ, giỏi ngoại ngữ, am hiểu thế giới hiện đại, nhằm vào hiệu quả công việc trong một thời gian ngắn.

Họ đọ sức với ai ? Với một chính quyền độc đảng, biên chế quan liêu nặng nề, với một nền ngoại giao phụ thuộc, trong cơn suy thoái thê thảm.

Để đối phó với cuộc Kiểm điểm UPR ngày 5/2/2014 tới, Bộ Ngoại giao Hà Nội đã cử đi một đoàn 30 cán bộ. Họ sẽ dùng những thủ đoạn cũ, mớm lời cho một vài luật sư, nhà kinh doanh, các chức sắc thuộc đủ tôn giáo, sắc tộc, trí thức ở nước ngoài, lấy hiện tượng nhằm xoá nhòa bản chất, dùng ngụy biện để nói lấy được kiểu lý sự cùn. Cũng không loại trừ khả năng họ dùng tiền bạc, quà cáp, biếu xén để mua chuộc đại biểu một số nước, nhất là ba nước trọng tài để nhờ bênh che, hoặc là chiếm thời gian phát biểu, để lấp liếm tội lỗi của họ.

Nền ngoại giao giáo điều đang độ suy thoái cầm đầu bởi một bộ trưởng trẻ còn non tay, không có một quyền uy nào vì mới là ủy viên Trung ương dự khuyết mới lên chính thức, không có mặt trong Bộ Chính trị, chỉ là một viên chức bị Bộ Chính trị và Ban Bí thư sai bảo, nay phải đối phó gần như trực diện với một nền ngoại giao nhân dân non trẻ, mang chính nghĩa dân tộc, mang giá trị dân chủ và nhân quyền của thời đại, được phối hợp trong và ngoài nước khá nhịp nhàng.

Đúng vào lúc nền ngoại giao hụt hơi, viên Lãnh sự Đặng Xương Hùng ở Genève rời bỏ nhiệm sở, tuyên bố công khai với các đài quốc tế và mạng Dân Làm Báo (ngày 22/1/2014) rằng ông chính thức rời bỏ đảng CS, ông còn kêu gọi cán bộ của Hà Nội tham dự UPR hãy trung thực đứng về phía nhân dân, nói lên sự thật về nhân quyền bị chà đạp ra sao. Ông sẵn sàng giúp ý kiến cho đoàn đại biểu nhân dân đang ở Genève.

Năm Giáp Ngọ sắp mở đầu. Cứ như đoàn ngoại giao nhân dân không đáp máy bay, mà cưỡi ngựa chiến, những dũng mã thời Quang Trung để sang tận châu Âu mở Chiến dịch Dân chủ và Nhân quyền, dồn thế lực toàn trị phản dân chủ chà đạp nhân quyền ra trước một kiểu vành móng ngựa xét xử theo luật lệ quốc tế. Để xem họ chống chế, cãi tội của họ ra sao.

Nhất định chính nghĩa sẽ thắng lợi. Chỉ là thắng với mức độ nào. Xin chúc các bạn ở tiền tuyến Genève vui, mạnh, ăn Tết Giáp Ngọ thật ngon lành, đầy hứng khởi, mang nhiều quà tinh thần về nước, mở màn cho năm Giáp Ngọ đầy triển vọng.

Tôi tin rằng đông đảo bà con Việt Nam ta ở trong và ngoài nước đang ăn Tết hướng sang Genève với các bạn thân yêu, theo dõi tường tận từng đường đi nước bước của các bạn.

Sáu mươi năm là một Giáp hoàn chỉnh. Lịch sử rất kỳ lạ đến mức tuyệt vời. Có những ngẫu nhiên tình cờ mang tính tất yếu. Năm Giáp Ngọ trước là năm 1954, năm nay là Giáp Ngọ 2014, cách nhau 60 năm tròn.

Năm 1954 sau Chiến dịch Điện Biên Phủ, cuộc họp quốc tế ở Genève là một thất bại nặng nề, lâu dài. Đất nước bị chia cắt làm hai, cho đến nay tuy có hòa bình, có thống nhất về hình thức nhưng lòng người còn ly tán, vết chia cắt chưa liền da.

Phải chăng Xuân Giáp Ngọ Genève 2014 là sự kiện lịch sử bắt đầu xóa bỏ nỗi uất hận chia cắt đất nước sau đúng 60 năm, nỗi uất hận của năm Giáp Ngọ 1954, để toàn dân ta khôi phục trọn vẹn chủ quyền lãnh thổ quốc gia, đi đến hòa hợp dân tộc mãi mãi bền vững.

Thêm một lý do để năm nay Tết Giáp Ngọ toàn dân ta vui Tết ở Genève.



Phút giao thừa của tù nhân lương tâm VN

BBC
Biểu tình đòi thả tù nhân lương tâm Việt Nam ở hải ngoại

Blogger Điếu Cày tức Nguyễn Văn Hải bị đau dạ dày và tiếp tục gửi các kháng nghị mà không được hồi đáp, Tiến sỹ Cù Huy Hà Vũ bị chuyển sang phòng giam mới nơi ông phải nằm sàn xi măng, luật sư Lê Quốc Quân bị tước giấy bút viết và Kinh Thánh, bị giam chung với 'tù nghiện', theo người nhà các tù nhân lương tâm này từ Việt Nam.

Hôm 30/01/2014, nhân dịp Việt Nam sắp chào đón Tết cổ truyền và năm mới Giáp Ngọ, BBC đã liên hệ với một số gia đình tù nhân lương tâm và cựu tù nhân để cập nhật tình hình Tết này của họ.

Hôm thứ Năm, bà Dương Thị Tân, vợ cũ của blogger Điếu Cày cho BBC hay mặc dù tình hình sức khỏe của ông Hải không tốt, ông vẫn bị giam giữ đặc biệt, không được điều trị bệnh viêm loét dạ dày, cũng như các di chứng từ các lần ông tuyệt thực đề lại.

"Ngày 20/12, cháu vào thăm, ông nói rằng là ông không được đi ra ngoài, ông không ra khỏi bốn
bức tường giam ông ấy, vì không được đi ra thể dục, không được đi ra lao động, giống như một cái biệt giam, tuy là có giam chung với hai người khác, hai người đó thì được đi làm, nhưng cháu lại nói với tôi là ông rất gầy và đen,

"Thì tôi nghĩ tình trạng sức khỏe của ông ấy, cộng với thời tiết khắc nghiệt ở cái miền rừng núi đó, nó làm cho ông tím tái và có vẻ không khỏe như là như thế,

"Hơn nữa bao tử của ông ấy, sau hai lần tuyệt thực như thế, nó đã bị loét rất trầm trọng, ông đã nói là ông làm đơn để xin khám bệnh, tức là những yêu cầu về y tế nhiều lần, nhưng người ta không có đáp ứng."

Bà Tân cũng cho hay tới nay yêu cầu của ông Hải đòi nhà chức trách phải gửi văn bản bản án, cùng một số giấy tờ thuộc hồ sơ vụ án "trốn thuế" của ông cho đại diện gia đình đã không được thực hiện.

Bà Tân cho hay Tết này gia đình rất lo lắng cho ông, nhưng chưa thu xếp bay từ miền Nam ra thăm ông được vì chi phí đắt đỏ, nhưng nhấn mạnh bệnh tình của ông Hải cần được điều trị kịp thời và cho rằng việc chính quyền hành xử như là 'trả thù' với ông là đáng lên án và phải chấm dứt.

 

'Phải nằm sàn xi măng'

Bà Dương Hà nói sau sự kiện VTV tung ra phóng sự về chồng bà
 trong tù, gần đây ông đã bị chuyển phòng giam.

Cũng hôm thứ Năm, Luật sư Dương Hà, vợ của tù nhân lương tâm, Tiến sỹ Cù Huy Hà Vũ, cho BBC hay gần Tết bà và gia đình đã vào thăm chồng bà, trước đó, ông Hà Vũ đã bị chuyển sang một phòng giam khác với điều kiện 'khắc nghiệt' hơn.

Bà nói: "Hôm 26 Tết, tôi có vào thăm chồng tôi, anh ấy đã bị chuyển sang phòng giam mới với điều kiện tệ hơn rất nhiều, chúng tôi không biết lý do vì sao, nhưng phòng giam mới rất ẩm thấp, lạnh, điều kiện vệ sinh rất tồi,

"Chồng tôi phải nằm sàn xi măng và khi chuyển buồng, thậm chí không được mang theo chiếu để nằm, các sách vở, bản thảo mà chồng tôi viết lách đều bị họ giữ,

"Anh ấy có lần còn bị bỏ đói, người hiện bị phù thũng rất nặng, các bệnh tim bẩm sinh không thuyên giảm và bệnh huyết áp cao thường xuyên hoành hành."

Bà Dương Hà nói huyết áp của ông Hà Vũ có lúc lên rất cao ở mức 184/100 và tình hình sức khỏe rất đáng lo ngại.

"Chồng tôi và bản thân chúng tôi vẫn luôn luôn khẳng định anh ấy vô tội, nhưng hiện chúng tôi chưa thể biết khi nào thì anh ấy mới có thể được trao trả tự do," bà nói với BBC.

Cũng hôm 30 Tết Giáp Ngọ, ông Lê Quốc Quyết, em ruột của luật sư bất đồng chính kiến Lê Quốc Quân, người đang bị giam sau khi bị tòa sơ thẩm ở Hà Nội tuyên là phạm tội 'trốn thuế' cho hay anh ruột của ông đang phải đối diện với những điều kiện giam giữ căng thẳng hơn.

"Hôm 21/1 này, chúng tôi vào thăm anh ấy, anh Quân nói là anh ấy đã bị người ta lấy đi giấy bút, cũng như Kinh Thánh,

"Anh ấy cũng nói là hiện đang bị giam chung với nhiều thường phạm, trong đó có những người nghiện ngập,"

Ông Quyết nói với BBC bản thân ông trong thời gian vận động tự do cho anh trai của mình cũng đã bị những người mà ông tin là "an ninh" đánh đập, xách nhiễu, bị cản trở ra đi lại và xuất cảnh.

"Tết này nhà tôi cũng rất buồn, cả nhà, trừ mẹ chúng tôi, đều bị hạn chế xuất cảnh, bản thân tôi bị một số người mà tôi chắc là an ninh theo dõi chặt chẽ, tôi cũng bị hành hung".

Ông Quyết cho biết ngày 18/02/2014, vụ án của ông anh ruột ông sẽ được đem ra phúc thẩm.

 

'Ra tù rồi cũng bị sách nhiễu'
Ông Phạm Văn Trội nói nhà cầm quyền muốn cách ly, cô lập và vô hiệu hóa ông

Hôm 30/01, ông Phạm Văn Trội nói với BBC ông là một trong số nhiều cựu tù nhân lương tâm bị chính quyền liên tục cô lập, sách nhiễu và khủng bố, dù đã được trả tự do.

Trước hết, ông Trội nói về việc đón Tết của gia đình ông.

"Gia đình nhà tôi cũng chuẩn bị tết năm nay cũng giống như mọi năm thôi, nói chung là cũng không khí buồn, không vui lắm. Trước đấy mây hôm, an ninh đã rất nhiều lần họ dằn mặt gia đình tôi, về vấn đề đi lại, tết nhất, trong dịp Tết này, chắc là khó khăn trong vấn đề đi lại."

Ông Trội cho hay tư khi ông ra tù tới nay đã hơn một năm, an ninh thành phố cũng như ở địa phương đã liên tục đe dọa, hành hung, sách nhiễu những người đến thăm nhà riêng của ông, thậm chí đánh đập 'dã man' một số người như trường hợp của ông Huỳnh Ngọc Tuấn trong lần nhà vận động nhân quyền này cùng nhóm của luật sư Lê Thị Công Nhân đến thăm.

"Họ tìm mọi cách để ngăn cản tôi tiếp xúc với những người đấu tranh ở Việt Nam, họ nhằm mục đích những kinh nghiệm của tội không thể đến được với những người bắt đầu tham gia đấu tranh".

Ông Trội cho hay ông hiện bị cô lập, không thể có hoạt động kinh tế nào mà buộc phải phụ thuộc vào thu nhập từ đồng lương của vợ ông, trong lúc hai vợ chồng còn có hai con nhỏ phải nuôi nấng.

 

'Thông điệp gửi UPR ở Thụy Sỹ'


Hôm thứ Năm, ông Trội, một người có chuyên môn về lĩnh vực "quản lý xã hội" nói với BBC ông hy vọng cuộc kiểm điểm định kỳ phổ quát về nhân quyền đối với các quốc gia trong đó có Việt Nam (UPR) sẽ có tác động chấm dứt những tệ nạn trấn áp, vi phạm nhân quyền ở Viêt Nam.

Ông nói: "Tôi mong muốn lần điều trần này ở Thụy Sỹ sẽ diễn ra nghiêm túc và các thông tin về nhân quyền ở Việt Nam được gửi tới nhà chính trị ở các nước, để họ thấu hiểu về tình hình nhân quyền Việt Nam, và có những biện pháp, bước đi cụ thể để đáp ứng tinh thần và đòi hỏi về nhân quyền của nhân dân Việt Nam, và chỉ có như thế, tôi nghĩ Việt Nam mới cường thịnh được."

Cũng nhân dịp sự kiện này, từ Sài Gòn bà Dương Thị Tân, vợ cũ của blogger Điếu Cày bày tỏ và gửi gắm thông điệp.

Bà nói: "Chúng tôi mong muốn một sự giám sát của Tổ chức Nhân quyền Quốc tế về những điều mà Việt Nam đã, đang và sẽ làm với đất nước, nhân dân và những người tranh đấu như chúng tôi, vì chính những thành viên của Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc đã bỏ phiếu để Việt Nam, chính phủ Việt Nam vào Hội đồng nhân quyền Liên Hiệp Quốc"

"Thì họ phải có trách nhiệm với lá phiếu của họ. Họ phải có cách để giám sát Việt Nam, cho nhà cầm quyền Việt Nam biết được rằng là họ làm như thế có xứng đáng không, đấy là lời nói từ sự bức xúc của gia đình tôi, nhưng tôi cũng nghĩ chắc chắn một điều là những người đấu tranh trong nước, cũng như nhân dân chúng tôi đang rất cần những sự giám sát, những chế tài đó," vợ cũ của blogger Điếu Cày nói với BBC.



Xuân nầy Ông không về!

Ông của Cháu đã không về với Cháu rồi!


Cháu thưa:
- Quý Tổ Chức Nhân Quyền Thế Giới;
- Quý Ông/ Bà cộng đồng người Việt ở trong nước và ở nước ngoài.
Cháu tên là: Trần Phan Yến Nhi; là cháu nội của Ông Nguyễn Hữu Cầu, người đã ở tù hơn 1/3 thế kỷ.


Hôm 14/01/2014 cháu đang học ở trường lúc đó 11h40, cha cháu đến rước cháu về và bảo là con về có hai người công an gặp con. Sau đó hai Bác công an gặp cháu và hỏi rằng: ai đã viết thư gửi đến tổ chức nhân quyền thế giới cùng với Ông/ Bà ở trong nước vả ở nước ngoài? Cháu trả lời là cháu viết. Có ai xúi giục không? Cháu trả lời là không. Viết thư với mục đích gì?

Cháu trả lời là không mục đích nào khác ngoài việc viết thư kêu gọi các Quý Tổ Chức Nhân Quyền Thế giới cùng các Quý Ông/ Bà ở trong và ngoài nước lên tiếng cứu giúp cho Ông Nội cháu được thả vì Ông ở tù lâu quá rồi hơn nữa Ông mang rất nhiều bệnh tật.
 

Sau đó hai Bác công an bảo là: Cháu cứ an tâm, ông cháu sẽ về trong tuần sau ăn tết với gia đình cháu vì đang chờ cấp trên xem xét ký lệnh tha cho Ông Nội cháu. Ông cháu sẽ về trước tết… 

Cháu nghe hai Bác công an nói cháu mừng không thể nào tả nổi. 

Cháu chờ đúng 1 tuần vẫn chưa thấy Ông của cháu về tức là ngày 21/01. Rồi cháu lại chờ thêm 1 tuần sau tức ngày 28/01 nhưng cháu chẳng thấy Ông đâu, tiếp theo đến ngày 29 lại qua ngày 30 tết, ngày giao thừa thế là hết…16 ngày chờ đợi cháu thấy nó dài thê thảm quá vậy mà 38 năm ở tù của Ông không biết nó dài ra sao? Mỗi lần cháu nghe chuông điện thoại của Cha cháu reo là cháu hồi hộp vì chắc có lẽ đó là có người báo cho Cha và cháu để đi đón Ông về, nhưng lần nào cũng tuyệt vọng.
 

Từ lúc cháu gặp và nghe hai Bác công an nói vậy không đêm nào cháu ngủ được yên giấc vì trông Ông về và thương cho Ông cháu quá. Cháu và Mẹ đã chuẩn bị bánh tét, chuối khô và đặc biệt là cốm dẹp Ông cháu rất thích ăn, nhưng bánh tét và chuối khô Ông cháu ăn được còn cốm dẹp thì chắc Ông ăn không được vì Ông chỉ còn 1 chiếc răng làm sao Ông ăn được. Tội cho Ông quá Ông ơi, mỗi lần cháu nhìn những thứ này cháu không cầm được nước mắt, cháu nhất định sẽ chờ Ông về cùng ăn với cháu.
 

Cháu nhớ như in những lời hai Bác công an nói là Ông sẽ về trước tết nhưng lúc đó có lẽ cháu mừng quá cho nên cháu quên hỏi hai Bác công an là: “ Trước tết năm nào Ông cháu mới về…? ” 
Cháu đi học thầy, Cô bảo là không được nói dối, cháu đã không biết nói dối nhưng tại sao cháu lại phải nhận được lời nói dối.
 

Vậy nay cháu viết thư này gửi đến Quý Tổ Chức Nhân Quyền Thế Giới; cùng Quý Ông/ Bà cộng đồng người việt ở trong nước và ở nước ngoài được biết là Ông của cháu chưa được thả “Trước tết”. Cháu cầu mong Quý Tổ Chức Nhân Quyền Thế Giới; cùng Quý Ông/ Bà cộng đồng người Việt ở trong nước và ở nước ngoài tiếp tục lên tiếng để giúp cho Ông của cháu được về với cháu, chứ trông Ông về trước tết là cháu không biết “Trước tết năm nào nữa rồi” cháu rất tuyệt vọng.
 

Nhân dịp năm mới cháu kính chúc Quý Ông/ Bà ở Tổ Chức Nhân Quyền Thế Giới; cùng Quý Ông/ Bà cộng đồng người Việt ở trong nước và ở nước ngoài một năm mới An Khang Thịnh Vượng! Dồi dào sức khỏe.
 

“Trước tết”, ngày 30/01/2014
                                                                                   
Cháu chào Quý Ông/ Bà
                                                                                       
Cháu,
Trần Phan Yến Nhi
( Địa chỉ email của cha cháu:  demlangthang20071973@gmail.com)




Cơ hội cho Việt Nam

Vũ Hoàng & Nguyễn Xuân Nghĩa, RFA
2014-01-30

000_Hkg9311350-305.jpg
Một tiệm bán lịch Tết ở Hà Nội hôm 27/12/2013.
AFP photo

Như mục Diễn đàn Kinh tế đã trình bày nhiều lần trong năm qua, việc các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài triệt thoái dần dần khỏi thị trường Trung Quốc đang mở ra cơ hội cho nhiều quốc gia khác. Nhưng Việt Nam lại có thể để lỡ những cơ hội này.
Vũ Hoàng: Xin kính chào ông Nguyễn Xuân Nghĩa. Thưa ông, trong một chương trình phát thanh ngày 14 Tháng Tám năm ngoái, chúng tôi đã nêu vấn đề như trên đây để nói đến những cơ hội mới khi các doanh nghiệp quốc tế triệt thoái khỏi thị trường Trung Quốc. Bước qua năm 2014, và trước khi qua năm Giáp Ngọ, sự thể ấy đã rõ rệt nên chúng ta có gắng nhìn lại toàn cảnh và cả cơ hội cho Việt Nam, ông nghĩ sao?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: Chúng ta biết là phải nêu vấn đề và còn nhắc lại nhiều lần mỗi khi có dịp vì quả thật là thế giới đang bước qua hoàn cảnh mà nhiều người có thể gọi là "thoái Trung" là triệt thoái khỏi Trung Quốc. Mình sẽ bắt đầu từ đó rồi tìm hiểu xem là nếu rút khỏi Trung Quốc thì giới đầu tư quốc tế sẽ tìm đến nơi nào khác, theo điều kiện gì.
Vũ Hoàng: Chúng ta khởi sự từ chuyện "thoái Trung" này vì tuần qua thì tạp chí chuyên đề về kinh tế là tờ The Economist của Anh đã đưa một chủ đề lên trang bìa của số báo là Trung Quốc mấy sự hấp dẫn và các doanh nghiệp nước ngoài khó làm ăn hơn xưa. Vì sao lại như vậy?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: Hiện tượng này đã có từ nhiều năm qua mà chương trình chuyên đề của chúng ta liên tục nhắc nhở, với nhiều đánh giá rất bi quan về thực trạng và tiềm lực kinh tế của Trung Quốc khi thiên hạ vẫn nói về phép lạ của xứ này. Đến năm qua thì đa số dư luận đã thấy ra những điều ấy. Thứ nhất, đà tăng trưởng của Trung Quốc thiếu phẩm chất và không thể kéo dài. Thứ hai là họ phải chuyển hướng để tránh khủng hoảng và thứ ba, thế giới thấy Trung Quốc hết là hãng xưởng cho các ngành ráp chế nhờ nhân công nhiều và rẻ như trước.
Vì vậy, khi doanh nghiệp đầu tư lần lượt rút chạy thì ta phải hỏi là chạy đi đâu? Và làm sao các nước có thể thu hút được nguồn cung cấp tư bản và kỹ thuật đang rút chạy của thiên hạ làm sức đẩy cho mình? Như mọi nước nghèo vừa bước vào giai đoạn khởi phát hay "cất cánh", Việt Nam cần vốn và kỹ thuật nên phải huy động từ bên ngoài. Các quốc gia khác, kể cả Trung Quốc, đều trải qua giai đoạn ấy. Khi đó, vấn đề chủ yếu là ta có gì hấp dẫn hơn xứ khác để thu hút đầu tư?
Như mọi nước nghèo vừa bước vào giai đoạn khởi phát hay "cất cánh", Việt Nam cần vốn và kỹ thuật nên phải huy động từ bên ngoài.
- Nguyễn-Xuân Nghĩa
Vũ Hoàng: Thưa ông, kỳ này thì ta sẽ tập trung vào những điều kiện ông gọi là hấp dẫn đó và nói đến một ngành sản xuất quan trọng cho Việt Nam là dệt sợi và may mặc.
Nguyễn-Xuân Nghĩa: Tôi thiển nghĩ đấy là một thí dụ tiêu biểu nhất cho thấy Việt Nam có thể đã để lỡ cơ hội vì trong khi thiên hạ đang rút vốn khỏi Trung Quốc và tìm nơi đầu tư có lợi hơn thì năm qua ngành may mặc để xuất khẩu của Việt Nam lại sa sút vì yếu kém nội tại của mình.
Trước tiên, ngay trong ngắn hạn là năm nay thì Việt Nam cần thấy trước nhiều rủi ro biến động trên thế giới khi toàn cầu đang bước qua giai đoạn điều chỉnh và luồng tư bản có thể chảy ngược. Một cách cụ thể thì nền kinh tế phải có quân bình vĩ mô mà Việt Nam lại chưa có vì mắc nợ nước ngoài quá nhiều, dự trữ ngoại tệ quá mỏng, thuộc loại thấp nhất Đông Nam Á.
Điều kiện thứ hai là phải có hạ tầng cơ sở bền vững để tiếp nhận đầu tư về tư bản lẫn kỹ thuật. Hạ tầng cơ sở ấy gồm có nhiều loại. Là vật chất như đường xá cầu cống và cả hệ thống bảo vệ môi sinh, hủy thải phế vật và giữ gìn điều kiện lao động lành mạnh cho công nhân. Hạ tầng đó cũng gồm có bộ máy hành chính công quyền hữu hiệu và liêm minh và hệ thống ngân hàng có thể giải quyết các dịch vụ cần thiết cho sản xuất và xuất khẩu. Trong cả chu trình sản xuất thì hạ tầng cơ sở còn có ý nghĩa tiếp liệu là lấy nguyên nhiên và vật liệu ở đâu để có sản phẩm hoàn tất tung ra thị trường nội địa hay xuất cảng? Và sau cùng, hạ tầng cơ sơ vô hình mà quan trọng nhất là nền tảng luật lệ công khai minh bạch để bảo đảm sân chơi bình đẳng cho mọi doanh nghiệp.

Phụ thuộc Trung Quốc

000_Hkg9407802-250.jpg
Vũ Hoàng: Ông nêu ra những điều kiện hay tiêu chuẩn hấp dẫn từ nền tảng để thu hút đầu tư trong khi nhiều người cứ nghĩ rằng Việt Nam có sự hấp dẫn riêng là nhân công tương đối còn rẻ. Sự thật thì có như vậy hay chăng?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: Tôi nghĩ là nên hỏi lại rằng "rẻ so với cái gì"? Thí dụ như phải rẻ nếu so với tay nghề hay hiệu năng cao thấp của công nhân thợ thuyền trong một môi trường ổn định và so với công nhân của các thị trường khác. Một cách thiết thực thì ta có thể so mức lương tối thiểu hàng tháng của công nhân các nước. Giả dụ như đang ở khoảng 100 đô la một tháng tại một xứ bất ổn bên cạnh Việt Nam là Cam Bốt, hoặc chưa tới 40 đô la ở tại Bangladesh, chưa tới 80 đô la bên Lào và khoảng 130 đô la ở Việt Nam. So với quãng 250 hay 300 đô la tối thiểu phải trả cho công nhân Trung Quốc thì Việt Nam có lợi thế rẻ hơn thật, nhưng vẫn kém Lào hay Bangladesh.
Ngoài ra, mình còn phải xét đến nhiều tiêu chuẩn khác trong cả chu trình sản xuất. Hãy tạm nghĩ rộng ra phí tổn của các phương tiện sử dụng là đất đai, máy móc thiết bị, và nguyên nhiên vật liệu lẫn gánh nặng thuế khóa. Người ta cứ cho là nếu giảm thuế hay giữ mức lương thấp thì sẽ thu hút được đầu tư của nước ngoài. Sự thật thì thuế suất cao thấp và trong thời hạn dăm ba năm đầu không là tiêu chuẩn đáng quan tâm nếu công chức tham nhũng và công nhân kém tay nghề và thiếu kỷ luật. Quan trọng hơn cả trong chu trình sản xuất là chuyện lấy vật liệu ở đâu?
Vũ Hoàng: Riêng về chuyện ấy thì ngành may mặc của Việt Nam vẫn phải nhập khẩu vật liệu chính là vải vóc từ Trung Quốc nên thật ra kiếm lời rất ít. Ông nghĩ sao về sự kiện này?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: Tôi cho rằng đấy là nhược điểm tiêu biểu của hệ thống lãnh đạo.
Xin bắt đầu từ việc phân định ra từng công đoạn sản xuất thí dụ như áo quần để bán cho các thị trường Âu Mỹ theo kiểu dáng và mẫu mã của họ. Qua mỗi công đoạn thì ta có thêm một phần trị giá gia tăng, rồi tổng cộng lại ngần ấy trị giá đóng góp thì mình mới có mức lời về kinh tế cho quốc gia và kinh doanh cho doanh gia. Muốn sản xuất áo quần thì ta không chỉ cần mẫu mã, máy móc hay tay nghề rất rẻ của công nhân mà còn cần nguyên liệu, cơ bản như bông vải chẳng hạn.
Việt Nam thiếu cả khu vực phù trợ ngành sản xuất hàng may mặc, cụ thể là bông nội địa chỉ đủ cho 1% của yêu cầu và vải nội địa chỉ đủ cho 10% nên vẫn phải nhập. Nguồn cung cấp chính yếu lại là Trung Quốc. Từ bông sang vải qua tới áo quần đạt tiêu chuẩn của quốc tế thì Việt Nam chỉ nắm được công đoạn cuối nên hưởng phần trị giá gia tăng rất giới hạn. Ngoài ra, phải nói thêm rằng bông vải do Việt Nam sản xuất lấy vẫn kém về phẩm chất và thật ra lại đắt hơn bông vải của Trung Quốc nên doanh nghiệp làm gia công của Việt Nam vẫn ưa nguyên liệu Trung Quốc hơn và ngành may mặc của Việt Nam vì vậy vẫn lệ thuộc vào Trung Quốc.
Vũ Hoàng: Nhưng vì sao ông lại cho rằng đó là nhược điểm tiêu biểu của hệ thống lãnh đạo?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: Người ta cứ nói rằng lãnh đạo là tiên liệu, lãnh đạo Việt Nam không biết tiên liệu nên chẳng thúc đẩy sự hình thành của cả khu vực phù trợ các ngành sản xuất hàng tiêu dùng có khả năng tuyển dụng cao. Chính quyền và các tập đoàn kinh tế nhà nước không mấy thiết tha xây dựng cả chu trình sản xuất qua từng bước cải tiến vì tay chân của nhà nước kiếm ra bổng lộc quá ít trong từng công đoạn ấy, thí dụ như từ trồng bông đến xe chỉ và dệt vải. Họ dồn sức vào các dự án lớn loại Vinashin hay Vinalines vì kiếm được nhiều tiền hơn mà quên hẳn số phận của cả triệu nông dân và công nhân ở dưới.
Ngoài ra, khi nhìn qua viễn ảnh phát triển ngoại thương nhờ hiệp định đối tác Xuyên Thái bình dương TPP có hy vọng thành hình trong năm nay thì ta không quên là các nước trong khối TPP đều nhìn vào xuất xứ của sản phẩm được lọt ải thuế quan. Hàng hóa Việt Nam mà có tỷ trọng xuất xứ quá lớn từ một nước bên ngoài khối TPP như Trung Quốc thì sẽ bị gạt ra ngoài. Chuyện ấy quả là đáng buồn cho Việt Nam và lãnh đạo xứ này phải duyệt lại chính sách của họ.
Vũ Hoàng: Thưa ông, chúng ta còn vài ngày nữa là bước qua năm Giáp Ngọ. Nếu có vài lời tâm nguyện hay cầu chúc cho Việt Nam trong năm mới thì ông muốn gửi gấm những gì?
Người ta cứ nói rằng lãnh đạo là tiên liệu, lãnh đạo Việt Nam không biết tiên liệu nên chẳng thúc đẩy sự hình thành của cả khu vực phù trợ các ngành sản xuất hàng tiêu dùng có khả năng tuyển dụng cao.
- Nguyễn-Xuân Nghĩa
Nguyễn-Xuân Nghĩa: Nói về năm Ngọ và con ngựa thì tôi nghĩ rằng trong gần trăm năm qua, Việt Nam phạm một sai lầm lớn là mặc nhiên làm con ngựa chiến thành Troy cho Trung Quốc. Ngựa chiến thành Troy là một truyền thuyết của Hy Lạp thời cổ khi một phe để lại con ngựa gỗ, bên trong có những chiến binh nửa đêm bước ra ngoài mở cổng thành cho địch xâm nhập.
Việt Nam đã gây cảnh tương tàn Quốc Cộng rồi Nam Bắc trong ba chục năm, tới khi chiến tranh kết thúc thì mới thấy Trung Quốc chiếm lợi rất lớn và chiếm luôn chủ quyền trên đất liền và biển đảo ngoài khơi qua nhiều đợt xung đột vào các năm 1974, 1979 và 1988. Trong lĩnh vực kinh tế ngày nay, Việt Nam tiếp tục làm con chiến mã cho Trung Quốc khi doanh nghiệp Việt Nam mua hàng Trung Quốc và dán nhãn "Made in Vietnam" lên trên để bán cho thiên hạ.
Thế giới có thiện cảm với dân tộc Việt Nam nên sẵn sàng nâng đỡ kinh tế xứ này nhưng sẽ ngần ngại nếu Việt Nam tiếp tục sai lầm cũ. Ta cũng không quên rằng Á Châu còn nhiều quốc gia khác ngoài Trung Quốc và giới trẻ tại Việt Nam có tiềm năng hợp tác và học hỏi từ các quốc gia này chứ sẽ không mãi mãi cúi đầu. Vì vậy, lời cầu chúc đầu năm của tôi là người Việt sớm thoát khỏi cái kiếp trâu ngựa cho một xứ lân bang có quá nhiều ảnh hưởng lên lãnh đạo ở Hà Nội.
Vũ Hoàng: Xin cảm tạ ông về cuộc phỏng vấn này và kính chúc ông qua năm mới được an lạc.


No comments:

Post a Comment

Nhân quyền và bạo quyền

VTV-[Trang Lê Mới Nhất] chửi từ nhà ra phố, Trọng Lú sợ vỡ mật

https://www.youtube.com/results?search_query=Trang+L%C3%AA+%28B%C3%A0+Ngo%E1%BA%A1i%29

Featured Post

Bản Tin buổi sáng-20/11/2024

Popular Posts

My Blog List