Việt
Nam 2013: Sôi sục bất ổn xã hội
Phạm Chí Dũng gửi RFA từ Việt Nam
2013-12-30
2013-12-30
- In trang này
- Chia sẻ
- Ý
kiến của Bạn
- Email
Mất ruộng người nông dân chuyển sang công nhân lao động...
AFP
Trong căn phòng u lạnh của trạm xá, Đỗ Thị Thiêm - một phụ nữ nông
dân chống cưỡng chế đất đai ở làng Trịnh Nguyễn, tỉnh Bắc Ninh bị băng trắng
phủ kín cả phần ngực và hai bên sườn. Vào khoảng giữa năm 2013, chị đã bị những
kẻ giấu mặt tạt axit. Nhiều dân làng Trịnh Nguyễn không hề hoài nghi về việc
nhóm thủ ác đối với chị Thiêm được chủ đầu tư và cả công an địa phương sai
khiến.
Chỉ vài tháng sau khi xuất viện, chị Thiêm lại bị công an tỉnh Bắc
Ninh bắt giữ liên quan đến vụ việc bà con nông dân làng Trịnh Nguyễn phải náu
mình đòi công lý dưới gầm cầu vượt.
Cảnh nạn phân tầng và phân hóa xã hội ở Việt Nam năm 2013 mới đắng
chát làm sao! Trong khí buốt tê tái lòng người vào những ngày cuối năm, một nỗi
bất an cùng cực cho năm sau vẫn siết lấy buồng tim những người nông dân mất
đất.
Đám mối
Giai tầng nông dân – vốn chiếm đến 60% dân số trong độ tuổi lao
động ở Việt Nam – đang lâm vào tình trạng bức bách về kế sinh nhai. Trong khi trên khắp mọi vùng đất nước vẫn hàng
ngày lê thê hình ảnh những đoàn dân oan lũ lượt kéo nhau đi đòi quyền lợi bị
đánh cắp, một hình ảnh tiêu biểu cho nạn suy thoái kinh tế lại đột phá đầy tính
tương hợp: nhiều nông dân phải trả ruộng, bỏ ruộng vì canh tác kém hiệu quả.
Hai hình ảnh liền mạch này lại dẫn đến một bức tranh tương phản:
thân gốc chính trị của chế độ “kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa”
đang mục ruỗng trên đám mối khổng lồ lan rộng và ăn sâu đến tận cùng.
Giải quyết đất... RFA files
Thân gốc chính trị của chế độ “kinh tế thị trường định hướng xã
hội chủ nghĩa” đang mục ruỗng trên đám mối khổng lồ lan rộng và ăn sâu đến tận
cùng.
Từ nhiều năm qua, đám mối ấy đã được hình thành từ vô số kẻ đầu cơ
trục lợi mà đến năm 2011, giới công luận ở Việt Nam đã chính thức đặt cho nó
cái tên là “nhóm lợi ích”.
Rất tương đồng với người bạn có tên “Bốn Tốt” đóng
đô ở Bắc Kinh, ích lợi của một chủng tộc đặc thù ở Hà Nội và các địa phương
được cấu kết bởi rất nhiều quan chức quen thói ăn vặt cùng số đại gia tăng
trưởng không ngừng nghỉ trong các lĩnh vực đầy đặn tính độc quyền quốc gia như
xăng dầu,
điện lực, viễn thông, cùng những kẻ đầu cơ mới nổi phất lên từ chuyện
kinh doanh hoàn toàn thiếu minh bạch về chứng khoán, bất động sản và vàng bạc.
Vào năm 2012, cơ quan cảnh sát điều tra đã bắt Nguyễn Đức Kiên - người
được coi là “bố già” trong nhiều lĩnh vực đầu cơ và có những tham vọng không
thèm che giấu đối với chính trường. Nhưng Kiên chỉ là một trong nhiều khối u ác
tính chưa phát lộ. Điều đáng nói là ở Việt Nam đã lâu nay xuất hiện nhiều “cá
mập” như Kiên – những kẻ thường chỉ chịu hạ mình ăn sáng với các quan chức tối
thiểu cấp thứ trưởng.
Ngay cả án tử hình năm 2013 dành cho kẻ có cái tên rất đẹp là
Dương Chí Dũng cũng chỉ có ý nghĩa như hành vi “diệt ruồi”, trong lúc vẫn chưa có
một con hổ nào được pháp luật chiếu cố.
Hố phân cách giàu nghèo cũng vì thế đã ngày càng trở nên không thể
chịu đựng nổi. Cách đây hai chục năm, báo chí chính thống của nhà nước đã tiết
lộ độ chênh lệch giữa 5% số người có thu nhập cao nhất với 5% số người có thu
nhập thấp nhất lên đến hơn 30 lần. Còn giờ đây, trong khi con số thống kê của
các cơ quan chính quyền chỉ thừa nhận khoảng phân hóa đó chưa đến 10 lần, giới
chuyên gia phản biện độc lập lại chắc mẩm rằng hố xa cách này phải lên đến
60-70 lần.
Giải quyết biểu tình... RFA files
Rất nhiều quan chức quen thói ăn vặt cùng số đại gia tăng trưởng không
ngừng nghỉ trong các lĩnh vực đầy đặn tính độc quyền quốc gia như xăng dầu,
điện lực, viễn thông
Những gì đang xảy ra ở Việt Nam thật ra chỉ là cái bóng của những
gì đã lộ ra ở Trung Quốc. Vào năm 2011, một nhà phản biện độc lập của Trung Hoa
là Vương Tiểu Lỗ đã thống kê độ chênh lệch giữa 5% có thu nhập cao nhất với 5%
có thu nhập thấp nhất lên đến 67 lần.
Đó cũng là lý do vì sao mà Trung Quốc đang có đến 200 nhà tỷ phú
đô la, nhảy lên bậc trọc phú danh dự trên thế giới. Không chịu kém cạnh, Việt
Nam cũng đang len dần vào trang lót của tạp chí Forbes với khoảng 300 đại gia
có tài sản trên 100 triệu USD tính theo đầu người.
Oán hận
Vào năm 2012, giới chính khách Việt đã phải chính thức thừa nhận
một cụm từ mới: nhóm thân hữu. Tính chất hết sức đặc biệt của khái niệm này chính
là sự gắn kết rất hữu cơ và “bền vững” giữa một số chính khách có thực quyền
với nhau và với nhóm các đại gia trong nhiều lĩnh vực kinh tế.
Quá dung dưỡng cho các nhóm lợi ích lộng hành, nhóm thân hữu đã
trở thành quan tòa để phán quyết về số phận của đại đa số tầng lớp cùng khốn dưới
đáy. Nghịch lý “nước giàu dân nghèo” ở Trung Quốc đang tái hiện rất nhanh ở đất
nước có lịch sử “ngàn năm Bắc thuộc” và đến nay vẫn còn chịu nhiều phụ thuộc
không che giấu vào Trung Nam Hải.
Giải quyết giao thông... RFA files
Không chỉ lệ thuộc đến 90% vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu dùng
cho sản xuất, giới tuyên giáo Việt Nam vẫn đang là tấm gương phản chiếu một sự
chung đụng rập khuôn đáng hổ thẹn với kẻ mà người dân gọi là “thiên triều”.
Khi 2013 kết thúc, cuộc suy thoái kinh tế ở Việt Nam đã trải qua
đúng 6 năm. Tuy nhiên, thời gian đó vẫn như chưa đủ để ứng với điểm kết thúc của
một chu kỳ suy thoái thường thấy, mà tất cả hầu như mới chỉ phác ra giai đoạn
đầu tiên của một chu kỳ khủng hoảng kinh tế có thể kéo dài đến hàng chục năm
hoặc hơn, và hầu như chắc chắn có thể dẫn quốc gia hình chữ S vào ít nhất một
thập kỷ mất mát không tránh khỏi.
Nhiều nông dân và cả trí thức Việt Nam đang biểu lộ phản ứng có
tính đối đầu với lực lượng công quyền. Tâm lý thù ghét người giàu và giới quan
chức cai trị ngày càng ăn sâu vào não trạng của lớp nông dân mất đất, bị nghèo
hóa và bị đẩy vào cảnh bần cùng
Tuy thế, vẫn chưa một lần các nghị quyết của đảng cầm quyền ở Việt
Nam thừa nhận câu chuyện đất nước này đang lâm vào một cuộc khủng hoảng toàn
diện và sâu sắc - điều đã được giới nghiên cứu và truyền thông quốc tế tìm cách
mở mắt cho họ từ suốt mấy năm qua.
Kinh tế luôn có thói quen quyết định đến chân đứng chính trị và cả
vận mệnh của các chính khách. Với Việt Nam - nơi nền kinh tế còn phải dựa phần
lớn vào sản xuất nông nghiệp, bi kịch của nông dân chắc chắn sẽ dẫn đến đến
thảm cảnh của chế độ. Bỏ đất, mất đất, và ngay cả trong lúc Việt Nam được khá
nhiều ưu ái của cơ chế WTO và lượng xuất khẩu gạo của nước này đứng thứ hai
trên thế giới, giá xuất gạo vẫn giảm tương đối và nông dân vẫn thực lỗ…, tất cả
những trái khoáy ghê gớm như thế không chỉ bày biện một khuôn mặt điều hành
kinh tế chằng chịt sẹo, mà còn khiến cho cơ thể ý thức hệ trở nên tàn tạ hầu
như toàn diện những tư tưởng của nó.
Mục ruỗng tư tưởng lại dẫn đến biến thái hành vi. Tháng 9/2013,
một nông dân Thái Bình đã xả súng bắn chết vài quan chức điều hành quỹ đất của
tỉnh này. Suy thoái kinh tế kéo dài và bế tắc kéo theo những mầm mống khủng
hoảng xã hội đang mau chóng lộ diện và có thể bùng nổ trong vô thức. Phần lớn
sự lộ hình này đến từ nông thôn miền Bắc - những địa phương có truyền thống
cách mạng trong các cuộc kháng chiến chống ngoại xâm và cả khởi nghĩa nông dân.
Gần tương tự không khí ở Trung Quốc, nhiều nông dân và cả trí thức
Việt Nam đang biểu lộ phản ứng có tính đối đầu với lực lượng công quyền. Tâm lý
thù ghét người giàu và giới quan chức cai trị ngày càng ăn sâu vào não trạng
của lớp nông dân mất đất, bị nghèo hóa và bị đẩy vào cảnh bần cùng. Mối dắt dây
liên tục và hầu như không tránh khỏi như thế sẽ có thể khiến cho chế độ cầm
quyền lâm vào ngõ cụt chỉ trong 3-4 năm nữa, một khi khủng hoảng kinh tế công
khai trưng diện cái thảm cảnh quay quắt của nó.
Nhà báo Phạm Chí Dũng, Việt Nam 30-12-2013
*Nội dung bài viết không phản ảnh quan điểm của RFA
No comments:
Post a Comment
Nhân quyền và bạo quyền