Monday, January 20, 2014

Tuyên ngôn về Quyền và Trách vụ của các cá nhân, đoàn thể và các cơ quan trong xã hội




Tuyên ngôn về Quyền và Trách vụ của các cá nhân, đoàn thể và các cơ quan trong xã hội nhằm thăng tiến và bảo vệ các Quyền con người cùng những Tự do căn bản được công nhận trên toàn thế giới

2013-12-10 | | Liên Hiệp Quốc

Tuyên ngôn


về Quyền và Trách vụ của các cá nhân, đoàn thể và các cơ quan trong xã hội nhằm thăng tiến và bảo vệ các Quyền con người cùng những Tự do căn bản được công nhận trên toàn thế giới

(gọi tắt là Tuyên ngôn Quốc tế Bảo vệ
những Người đấu tranh cho Nhân quyền
)

Quyết Nghị của Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc 53/144


Đại hội đồng,

Tái khẳng định rằng điều quan trọng là phải tuân thủ những mục đích và nguyên tắc của Hiến chương Liên Hiệp Quốc để thăng tiến và bảo vệ các quyền con người và tất cả các quyền tự do căn bản cho mọi người trong mọi quốc gia trên thế giới,

Tham chiếu Quyết nghị 1998/7 của Ủy hội Nhân quyền ngày 3.4.1998, xemCác tài liệu chính thức của Hội đồng Kinh tế và Xã hội, 1998, phần Bổ sung số 3, chương II, đoạn A., qua đó Ủy hội chuẩn y văn bản của Dự án Tuyên ngôn về Quyền và Trách vụ của các cá nhân, đoàn thể và các cơ quan trong xã hội nhằm thăng tiến và bảo vệ các Quyền con người cùng những Tự do căn bản được công nhận trên toàn thế giới,

Cũng tham chiếu Quyết nghị 1998/33 của Hội đồng Kinh tế và Xã hội ngày 30.7.1998, qua đó Hội đồng khuyến cáo Đại hội đồng thông qua dự án Tuyên ngôn,

Ý thức đến tầm quan trọng của việc chuẩn y dự án Tuyên ngôn trong bối cảnh Năm mươi năm Tuyên ngôn Nhân quyền Quốc tế theo Quyết nghị 217 A (III).,
1. Thông qua Tuyên ngôn về Quyền và Trách vụ của các cá nhân, đoàn thể và các cơ quan trong xã hội nhằm thăng tiến và bảo vệ các Quyền con người cùng những Tự do căn bản kèm trong phần phụ lục của Quyết nghị này ;

2. Thỉnh mời các chính phủ, các cơ quan và cơ cấu của Liên Hiệp Quốc và các tổ chức liên chính phủ và phi chính phủ tăng cường nỗ lực nhằm phổ biến Tuyên ngôn cũng như làm thăng tiến sự tôn trọng và hiểu biết trên cơ sở toàn cầu, và yêu cầu ông Tổng Thư ký ban hành văn bản Tuyên ngôn trong ấn bản sắp tới của tài liệu Nhân quyền : Vựng tập những văn kiện quốc tế.
Khóa họp khoáng đại lần thứ 85
9.12.1998

Tuyên ngôn Quốc tế Bảo vệ những Người đấu tranh cho Nhân Quyền


Phụ đính Tuyên ngôn về Quyền và Trách vụ của các cá nhân, đoàn thể và cơ quan trong xã hội nhằm thăng tiến và bảo vệ các quyền con người và những quyền tự do căn bản đã được công nhận trên toàn thế giới. Số tham chiếu E/CN.4/1998/L.18 Annexe.
Lời nói đầu

Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc

Tái khẳng định rằng điều quan trọng là phải tuân thủ những mục đích và nguyên tắc của Hiến chương Liên Hiệp Quốc để thăng tiến và bảo vệ các quyền con người và tất cả các quyền tự do căn bản cho mọi người trong mọi quốc gia trên thế giới,

Tái khẳng định rằng sự quan trọng của Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền cùng những Công ước quốc tế liên quan đến quyền con người, là những yếu tố chủ yếu cho những nỗ lực quốc tế nhằm thăng tiến sự tôn trọng phổ quát quyền con người và các tự do căn bản, cũng như sự quan trọng của các văn kiện khác liên quan đến quyền con người, do các cơ quan Liên Hiệp Quốc thông qua, cùng với những nỗ lực thực hiện ở cấp khu vực,

Nhấn mạnh rằng, cùng kết hợp chung nhau hay khi đứng riêng lẻ, tất cả mọi thành viên trong cộng đồng quốc tế phải làm hết nghĩa vụ trọng thể hầu thăng tiến và khuyến khích tôn trọng quyền con người và các quyền tự do căn bản cho mọi người, bất kể ai, nhất là không phân biệt đối xử vì chủng tộc, màu da, giới tính, ngôn ngữ, tôn giáo, chính kiến hay mọi quan điểm khác, nguồn gốc dân tộc hay xã hội, tài sản, dòng dõi hoặc các điều kiện khác, và đặc biệt tái khẳng định rằng điều quan trọng là thực hiện cuộc hợp tác quốc tế để hoàn thành nghĩa vụ này theo đúng Hiến chương Liên Hiệp Quốc,

Thừa nhận vai trò quan trọng của cuộc hợp tác quốc tế và sự nghiệp tuyệt đối hữu ích của các cá nhân, các nhóm và các hội đoàn trong việc loại trừ một cách có hiệu quả mọi vi phạm nhân quyền và các tự do căn bản đối với các dân tộc và tất cả mọi người, hiển nhiên nhất là những vi phạm nặng nề có hệ thống, như những vi phạm phát xuất từ chủ nghĩa apartheid, mọi hình thức phân biệt chủng tộc, chủ nghĩa thực dân, sự đô hộ hay ngoại bang chiếm đóng, sự xâm lược hay đe dọa chủ quyền quốc gia, sự thống nhất quốc gia hay toàn vẹn lãnh thổ, cũng như sự khước từ quyền tự quyết của các dân tộc, quyền của mỗi dân tộc sử dụng chủ quyền đầy đủ và toàn bộ trên tài sản và những tài nguyên thiên nhiên,

Thừa nhận, một mặt, là tương quan tồn tại trong hòa bình và an ninh thế giới, mặt khác, sự hưởng dụng các quyền con người và các tự do căn bản, và tự giác rằng sự thiếu vắng hòa bình và an ninh thế giới không là lý do thoái thác để không tôn trọng các quyền và tự do này, Nhắc nhở lại rằng các quyền con người và tất cả các tự do căn bản là phổ quát, không thể phân chia, tương quan và liên đới lẫn nhau, cần được thăng tiến và làm cho có hiệu lực một cách công minh, không gây tổn hại quyền này khi vận dụng quyền kia,

Nhấn mạnh rằng Quốc gia có trách nhiệm đầu tiên và có bổn phận làm thăng tiến cũng như bảo vệ các quyền con người và các tự do căn bản,

Thừa nhận rằng các cá nhân, nhóm và hội đoàn có quyền và trách nhiệm làm thăng tiến sự tôn trọng các quyền con người và các tự do căn bản, cũng như tuyên dương các quyền ấy trên bình diện quốc gia và quốc tế,
Tuyên bố

Điều 1

Mỗi người, tự cá nhân mình hay liên hợp với những người khác, đều có quyền thăng tiến việc bảo vệ và thực hiện các quyền con người và các tự do căn bản trên bình diện quốc gia và quốc tế.
Điều 2

1. Mỗi quốc gia có trách nhiệm và bổn phận trên hết để bảo vệ, thăng tiến một cách hiệu quả tất cả các quyền con người và tất cả các tự do căn bản, nhất là chấp nhận những biện pháp cần thiết để thiết lập những điều kiện xã hội, kinh tế, chính trị và những lĩnh vực khác, cũng như những bảo đảm pháp lý đòi hỏi để tất cả mọi người đặt dưới pháp chế quốc gia, tự cá nhân mình hay liên hợp với những người khác, có thể hưởng dụng trong thực tế tất cả các quyền và các tự do này.

2. Mỗi quốc gia chấp nhận những tiêu chuẩn luật pháp, hành chính cùng những tiêu chuẩn cần thiết khác, để theo dõi xem các quyền và các tự do mà tuyên ngôn này nhắm tới có được bảo đảm một cách có hiệu lực hay không.
Điều 3

Những quy định trong luật pháp quốc gia phù hợp với Hiến chương Liên Hiệp Quốc và những nghĩa vụ quốc tế của quốc gia ấy trên lĩnh vực nhân quyền và các tự do căn bản được dùng làm khung pháp lý, hầu thể hiện sự thực thi những quyền con người và các tự do căn bản, cũng như tất cả mọi hoạt động được nhắm tới trong bản tuyên ngôn này, y theo mục tiêu làm thăng tiến, bảo vệ và thực hiện có hiệu lực cho các quyền và các tự do ấy.
Điều 4

Không một quy định nào trong bản tuyên ngôn này được lý giải nhằm gây thiệt hại cho những mục đích và những nguyên tắc của Hiến chương Liên Hiệp Quốc, hay cấu thành một sự hạn chế hoặc một vi phạm đối với những quy định trong bản Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền, trong những Công ước liên quan đến nhân quyền và những văn bản cững như những cam kết quốc tế khác áp dụng trong lĩnh vực này.
Điều 5

Nhằm thăng tiến và bảo vệ quyền con người và các tự do căn bản, mỗi người, tự cá nhân mình hay liên hợp với những người khác, đều có quyền trên bình diện quốc gia hay quốc tế :
a) Hội họp và tụ tập một cách thuần hòa ;

b) Thành lập những tổ chức, những hội đoàn hay những nhóm phi chính phủ, gia nhập và tham dự vào những tổ chức, những hội đoàn, những nhóm phi chính phủ ấy ;

c) Thông báo với những tổ chức phi chính phủ hay liên chính phủ.

Điều 6

Mỗi người, tự cá nhân mình hay liên hợp với những người khác, đều có quyền :
a) Lưu giữ, tìm kiếm, thu đạt, nhận và bảo quản những thông tin về tất cả các quyền con người và tất cả các tự do căn bản, nhất là được toàn quyền tiếp xúc với những thông tin liên quan đến cách ứng dụng các quyền và các tự do qua những hệ thống lập pháp, tư pháp hay hành chính quốc gia ;

b) Xuất bản, thông báo cho người khác hay phổ biến tự do mọi ý kiến, mọi thông tin và mọi kiến thức về các quyền con người và các tự do căn bản, y theo sự quy định của những văn bản quốc tế liên quan đến các quyền con người và những văn bản quốc tế khác có thể áp dụng ;

c) Nghiên cứu, thảo luận, đánh giá và lượng định sự tôn trọng, trên pháp lý cũng như trong thực hành, tất cả các quyền con người và tất cả các tự do căn bản, và làm cho công chúng chú ý đến vấn đề này bằng cách này hay mọi cách thích hợp khác.

Điều 7

Mỗi người, tự cá nhân mình hay liên hợp với những người khác, đều có quyền dự kiến những nguyên tắc mới và những ý kiến trong lĩnh vực nhân quyền, thảo luận về nhân quyền và làm thăng tiến sự hiểu biết về nhân quyền.
Điều 8

1. Mỗi người, tự cá nhân mình hay liên hợp với những người khác và trên căn bản không phân biệt đối xử, đều có quyền tham gia hữu hiệu vào chính quyền nước họ và vào việc quản lý việc công.

2. Nhất là quyền này bao hàm quyền, tự cá nhân mình hay liên hợp với những người khác, đệ trình các cơ quan và các thiết chế quốc gia, cũng như các cơ cấu đảm lãnh việc công, những phê phán và những đề nghị nhằm cải thiện sự tiến hành các cơ quan này và báo hiệu về mọi mặt công tác của họ có nguy cơ gây trở ngại hay ngăn cản sự thăng tiến, bảo vệ và thực hiện nhân quyền cùng các tự do căn bản.
Điều 9

1. Trong việc thực thi nhân quyền và các tự do căn bản, kể cả quyền thăng tiến và bảo vệ nhân quyền mà tuyên ngôn này nhắm đến, mỗi người, tự cá nhân mình hay liên hợp với những người khác, đều có quyền thượng tố hữu hiệu và được bảo vệ khi các quyền này bị xâm phạm.

2. Cùng với mục tiêu này, mọi người khi bị vi phạm các quyền hay các tự do, đều có quyền khiếu nại, hoặc tự cá nhân họ hoặc qua trung gian của một người đại diện được luật pháp cho phép, và đòi cứu xét nhanh chóng đơn khiếu nại trước cử tọa công cộng của tòa án hay trước bất cứ cơ quan quyền lực được luật pháp thiết chế, cơ quan này phải độc lập, không thiên vị và có thẩm quyền, để cơ quan quyền lực ấy lấy quyết định chiếu theo luật pháp dự kiến cho việc sửa sai, kể cả việc bồi thường tổn hại, nếu đã thực tình vi phạm các quyền hay các tự do của họ, cũng như áp dụng không trì hoãn thái quá khi có quyết định và sự tuyên xử.

3. Cùng với mục tiêu này, mọi người, tự cá nhân mình hay liên hợp với những người khác, đều có quyền nhất là :
a) Khiếu nại chính sách và hành động của các viên chức và các cơ quan Nhà nước đã vi phạm các quyền con người hay các tự do căn bản, bằng cách gửi kiến nghị hoặc bằng những phương tiện thích hợp khác đến các cơ quan quyền lực tư pháp, hành chính hay lập pháp quốc gia có thẩm quyền, hay đến mọi cơ quan quyền lực có thẩm quyền khác thuộc hệ thống tư pháp Quốc gia. Các cơ quan quyền lực này phải lấy quyết định cho đơn khiếu nại mà không được trì hoãn thái quá ;

b) Được tham dự các phiên tòa, các trình tự tố tụng và các buổi xử án công cộng, để có thể đánh giá sự tuân thủ các luật pháp quốc gia cùng sự áp dụng những nghĩa vụ và những cam kết quốc tế ;

c) Được mời hay nhờ một phụ tá pháp lý chuyên nghiệp hay ai khác cố vấn và yểm hộ thích đáng để bảo vệ các quyền con người và các tự do căn bản.

4. Cũng với mục tiêu này, và y theo các thủ tục và các văn bản quốc tế được áp dụng, mọi người, tự cá nhân mình hay liên hợp với những người khác, đều hoàn toàn có quyền gửi tới những cơ quan quốc tế có thẩm quyền nói chung hay đặc biệt để thu nhận và cứu xét những thông báo liên quan đến nhân quyền, và được tự do truyền đạt tới các cơ quan này.

5. Quốc gia phải điều tra nhanh chóng và không thiên vị hay chăm chú theo dõi để cho thủ tục thẩm cứu được khởi sự khi có những lý do tin rằng vi phạm nhân quyền và các tự do căn bản đã xẩy ra trên toàn lãnh thổ đặt dưới pháp chế của mình.
Điều 10

Không ai có quyền tham gia vào việc vi phạm nhân quyền và các tự do căn bản, bằng cách can thiệp, hoặc tránh can thiệp khi hoàn cảnh bắt buộc, và không ai bị trừng phạt hay bị quấy nhiễu vì đã từ chối vi phạm các quyền và các tự do này.
Điều 11

Mọi người, tự cá nhân mình hay liên hợp với những người khác, đều có quyền y theo luật pháp thực hiện việc riêng mình hay nghề nghiệp. Bất cứ ai, vì nghề nghiệp hay việc riêng mình, xúi phải xâm phạm phẩm giá con người, các quyền con người và các tự do căn bản của người khác, thì phải biết tôn trọng các quyền và những tự do ấy, và y theo các tiêu chuẩn thích đáng trong việc cư xử hay đạo đức học nghề nghiệp của quốc gia hay quốc tế.
Điều 12

1. Mỗi người, tự cá nhân mình hay liên hợp với những người khác, đều có quyền tham gia các hoạt động hòa bình để đấu tranh chống mọi vi phạm nhân quyền và các tự do căn bản.

2. Quốc gia sử dụng mọi biện pháp cần thiết để theo dõi việc các nhà chức trách có thẩm quyền phải bảo vệ mọi người khi các người này, tự cá nhân họ hay liên hợp với những người khác, trong khuôn khổ thi hành chính đáng các quyền mà bản tuyên ngôn này nhắm tới, chống lại các bạo động, đe dọa, hành động trả thù, phân biệt đối xử trong thực tế hay theo pháp lý, gây áp lực hoặc dùng các hành động võ đoán khác. Về phương diện này, mọi người, tự cá nhân họ hay liên hợp với những người khác, đều được quyền bảo vệ hữu hiệu bằng luật pháp quốc gia khi mà bằng những phương tiện hòa bình, cá nhân này chống lại những hoạt động và những hành vi, kể cả những hoạt động và những hành vi sơ xuất, mà Nhà nước phạm phải, dẫn đến những vi phạm nhân quyền và các tự do căn bản, cũng như chống lại những hành vi bạo động mà các nhóm hay các cá nhân phạm phải làm cản trở sự thi hành các quyền và các tự do căn bản.
Điều 13

Mỗi người, tự cá nhân mình hay liên hợp với những người khác, đều có quyền xin, nhận và sử dụng tài nguyên cho mục đích minh bạch để, bằng phương tiện hòa bình, làm thăng tiến và bảo vệ nhân quyền và các tự do căn bản, y theo điều 3 trong tuyên ngôn này.
Điều 14

1. Quốc gia có trách nhiệm xử trí với những biện pháp thích hợp trên bình diện lập pháp, tư pháp, hành chính hay mọi biện pháp khác nhằm gây ý thức về các quyền dân sự, chính trị, kinh tế, xã hội và văn hóa cho mọi người đặt dưới pháp chế quốc gia.

2. Những biện pháp này bao gồm, nhất là :
a) Xuất bản với quyền sử dụng rộng rãi những văn bản luật pháp cùng những pháp quy quốc gia và những văn bản quốc tế căn bản thích dụng liên quan đến nhân quyền ;

b) Trên căn bản bình đẳng, được quyền tham khảo trọn vẹn các tài liệu quốc tế trên lĩnh vực nhân quyền, kể cả những phúc trình thường kỳ do Quốc gia cung cấp cho các cơ quan được thiết lập y theo các văn bản quốc tế liên quan đến nhân quyền mà quốc gia ấy tham gia, cũng như những báo cáo phân tích do các cơ quan này thực hiện sau khi khảo sát những phúc trình đệ nạp, cũng như những phúc trình chính thức của các cơ quan ấy.

3. Khi được thỏa thuận, Quốc gia khuyến khích và yểm trợ việc thiết lập và phát triển những thiết chế quốc gia có tính độc lập, nhằm thăng tiến và bảo vệ nhân quyền cùng các tự do căn bản trên toàn quốc thuộc pháp chế quốc gia. (Việc này được thực hiện) qua một người trung gian hòa giải, một ủy hội nhân quyền, hay các mô hình thiết chế nào khác của quốc gia.
Điều 15

Quốc gia có trách nhiệm thăng tiến và tạo điều kiện dễ dàng trong việc giáo dục nhân quyền cùng các tự do căn bản ở mọi cấp học đường, và khuyến khích các chuyên gia đưa vào chương trình huấn luyện những yếu tố tương ứng với giáo dục nhân quyền trong việc đào luyện các luật sư, các người phụ trách thi hành luật pháp, các nhân viên quân đội và các viên chức nhà nước.
Điều 16

Các cá nhân, các tổ chức phi chính phủ và các thiết chế có thẩm quyền đóng vai trò trọng yếu trong việc làm cho công chúng nhạy cảm về những vấn đề liên quan đến nhân quyền và các tự do căn bản, đặc biệt trong phạm vi công tác giáo dục, huấn luyện và nghiên cứu trên các lĩnh vực này, nhất là nhằm củng cố sự hiểu biết, khoan dung, hòa bình cùng những liên hệ thân hữu giữa các quốc gia, cũng như giữa các nhóm chủng tộc và tôn giáo, lượng theo sự dị biệt trong xã hội, trong các cộng đồng mà họ công tác.
Điều 17

Trong khi thực hành các quyền và các tự do mà tuyên ngôn này nhắm tới, mỗi người, tự cá nhân mình hay liên hợp với những người khác, phải phục tùng những hạn định quy chiếu theo các tiêu chuẩn quốc tế hiện hành và do luật pháp thiết lập, nhằm bảo đảm sự công nhận và tôn trọng nhân quyền và các quyền tự do của người khác, hầu thỏa mãn những đòi hỏi chính đáng của đạo đức, của trật tự công cộng và của phúc lợi chung trong một xã hội dân chủ.
Điều 18

1. Mỗi người đều có nghĩa vụ đối với cộng đồng, nơi cá tính họ được tự do và phát triển hoàn mãn.

2. Các cá nhân, các nhóm, các thiết chế và tổ chức phi chính phủ đóng vai trò trọng yếu trong việc bảo vệ dân chủ, thăng tiến nhân quyền và các tự do căn bản, trong việc đóng góp làm thăng tiến và tiến hóa cho xã hội, cho các thiết chế và các tiến trình dân chủ, cũng như trong trách vụ nhắm tới các phương diện này.

3. Trong cùng ý tưởng ấy, các cá nhân, các nhóm, các thiết chế và các tổ chức phi chính phủ, tùy theo sự thỏa thuận, đóng vai trò quan trọng trong việc thăng tiến quyền cho mọi người được hưởng một trật tự xã hội và kinh tế, trong đó các quyền và các tự do căn bản tuyên xưng trong Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền và trong những văn bản khác liên quan đến nhân quyền, có thể thực hiện trọn vẹn, cũng như trách vụ hoán thành ở bất cứ trường hợp nào.
Điều 19

Không một quy định nào trong bản tuyên ngôn này được lý giải khiến cho một cá nhân, một nhóm hay một cơ quan xã hội, hay một Quốc gia, có quyền tiến hành một hoạt động hay một hành vi nhằm phá hoại nhân quyền và các tự do căn bản mà bản tuyên ngôn này nhắm tới.
Điều 20

Cũng không một quy định nào trong bản tuyên ngôn này được lý giải nhằm cho phép các Quốc gia hậu thuẫn hay khuyến khích những hoạt động của các cá nhân, các nhóm, các thiết chế hay tổ chức phi chính phủ đi ngược với những quy định trong Hiến chương Liên Hiệp Quốc.



Bị chú : Văn bản được in trong phần phụ đính của dự án Quyết Nghị E/CN.4/1998/L.18 của Ủy hội Nhân quyền, được thông qua không bỏ phiếu ngày 3.4.1998.



No comments:

Post a Comment

Nhân quyền và bạo quyền

VTV-[Trang Lê Mới Nhất] chửi từ nhà ra phố, Trọng Lú sợ vỡ mật

https://www.youtube.com/results?search_query=Trang+L%C3%AA+%28B%C3%A0+Ngo%E1%BA%A1i%29

Featured Post

Lisa Pham Vấn Đáp official-16/1/2025

Popular Posts

My Blog List