Wednesday, January 29, 2014

Nỗ lực vận động gia tăng trước cuộc kiểm điểm nhân quyền UPR của VN


Nỗ lực vận động gia tăng trước cuộc kiểm điểm nhân quyền UPR của VN 

Luật sư Nani Jansen, cố vấn luật cao cấp của Tổ chức Sáng kiến Bảo vệ Pháp lý Truyền thông

Trà Mi-VOA
27.01.2014 
Mục đích chính của hội thảo là thu hút sự chú ý của quốc tế về thực trạng nhân quyền tại Việt Nam. UPR là sự kiện kiểm điểm, đánh giá nhân quyền rất quan trọng
Nani Jansen
Các tổ chức bảo vệ nhân quyền quốc tế và Việt Nam nỗ lực mang tiếng nói của người dân trong và ngoài nước đến với Liên Hiệp Quốc trước khi Hà Nội báo cáo thành tích nhân quyền lần thứ nhì trước Hội đồng Nhân quyền Liên hiệp quốc tại kỳ Kiểm điểm Định kỳ Phổ quát (UPR) 4 năm một lần vào ngày 5/2/2014.

Một buổi hội thảo mang tên “Trách Nhiệm của Việt Nam trong vai trò thành viên Hội Đồng Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc” do liên minh các tổ chức phi chính phủ (NGO) gồm Hội Văn Bút Quốc Tế, Tổ chức bảo vệ Tự do Ngôn luận Article 19, Ủy ban Thụy Sĩ-Việt Nam COSUNAM, Tổ chức Sáng kiến Bảo vệ Pháp lý Truyền thông, Tổ chức Giám sát Liên hiệp quốc, Tổ chức Nhân quyền cho Việt Nam PAC, và đảng Việt Tân phối hợp tổ chức vào ngày 4/2 tại Geneva để vận động quốc tế thúc đẩy Việt Nam nghiêm túc cải thiện nhân quyền.

Luật sư Nani Jansen, cố vấn luật cao cấp của Tổ chức Sáng kiến Bảo vệ Pháp lý Truyền thông, nói với VOA Việt ngữ rằng bà kỳ vọng nỗ lực này sẽ đánh động sự quan tâm của thế giới, giúp tình hình nhân quyền Việt Nam thay đổi. 

Luật sư Jansen: Mục đích chính của hội thảo là thu hút sự chú ý của quốc tế về thực trạng nhân quyền tại Việt Nam. UPR là sự kiện kiểm điểm, đánh giá nhân quyền rất quan trọng. Chúng tôi, các tổ chức NGO cổ súy nhân quyền trên thế giới, họp mặt một ngày trước khi Việt Nam ra trước Hội đồng Nhân quyền Liên hiệp quốc kiểm điểm nhân quyền trong kỳ UPR năm nay để cho quốc tế biết rõ tất cả các vi phạm nhân quyền tiếp diễn nhưng thường bị phớt lờ tại Việt Nam.

VOA: Tham gia buổi hội thảo này, tổ chức Sáng kiến Bảo vệ Pháp lý Truyền thông muốn nói gì với chính quyền Việt Nam nhân kỳ kiểm điểm nhân quyền UPR của Hà Nội trước thế giới?

Luật sư Jansen: Chúng tôi muốn nói rằng Việt Nam phải tuân thủ các nghĩa vụ bảo vệ nhân quyền theo các Công ước quốc tế mà họ đã ký với thế giới trong đó có Công ước Quốc tế về các Quyền Dân sự và Chính trị đòi hỏi các nước phải tôn trọng các nhân quyền căn bản trong đó có quyền tự do ngôn luận của công dân. Chính phủ Việt Nam đã phớt lờ các nghĩa vụ của mình một cách có hệ thống. Chúng tôi đã và đang bênh vực cho nhiều trường hợp bị vi phạm nhân quyền trầm trọng tại Việt Nam. Trong số này có các blogger, các nhà tranh đấu bảo vệ nhân quyền, và những người khẳng khái chỉ trích nhà nước bị nhà cầm quyền bỏ tù. Chúng tôi muốn Việt Nam phải khắc phục và chấm dứt thực trạng này. Tại buổi hội thảo, các tổ chức NGO chúng tôi sẽ bày tỏ quan ngại của mình về thành tích nhân quyền tệ hại của Việt Nam và cố gắng thông tin liên lạc với các thành phần tham gia quá trình kiểm điểm UPR, yêu cầu họ chất vấn Hà Nội về những vi phạm đang diễn ra trong nước cũng như buộc nhà cầm quyền Việt Nam phải cam kết chứng tỏ cải thiện cụ thể.

VOA: Đây là lần đầu tiên tổ chức Sáng kiến Bảo vệ Pháp lý Truyền thông tham gia vào nỗ lực vận động nhân quyền Việt Nam trước sự kiện UPR, bà có những kỳ vọng như thế nào?

Luật sư Jansen: Chúng tôi hy vọng sẽ có những báo cáo quan trọng và sâu sắc từ cuộc kiểm điểm nhân quyền UPR lần này của Việt Nam vào ngày 5/2, nêu bật các khía cạnh mà nhà cầm quyền Hà Nội chưa làm đúng trách nhiệm bảo vệ nhân quyền cũng như đề ra các khuyến nghị cụ thể để có thể kiểm tra mức độ thực thi của Việt Nam khi Hà Nội trở lại kỳ UPR lần tới vào 4 năm sau. Tôi hy vọng các áp lực không ngừng gia tăng với nhà cầm quyền Việt Nam sẽ mang lại sự thay đổi. Dù trong 4 năm qua kể từ đợt UPR đầu tiên của Việt Nam tới nay chưa có một sự cải thiện đáng kể nào, nhưng chúng tôi mong rằng các nỗ lực liên tục cộng với các áp lực nhất quán trong việc phơi bày ra công luận quốc tế những vi phạm nhân quyền của Việt Nam sẽ giúp thay đổi tình hình tồi tệ hiện nay.
Bấm vào nghe bài tường trình và cuộc phỏng vấn luật sư Jansen

Cùng với các diễn giả quốc tế dịp này còn có phần trình bày của các nhân chứng đến từ Việt Nam mà danh tính cụ thể sẽ được ban tổ chức công bố một ngày trước khi diễn ra cuộc hội thảo.

Nội dung chính được thảo luận bao gồm nạn bạo hành của công an với người dân, việc trù dập các blogger và đe dọa quyền tự do Internet, tình trạng bắt giam tù nhân chính trị và giới hạn các quyền dân sự căn bản của công dân.

Buổi hội thảo ngày 4/2 của liên minh các NGO nằm trong loạt chương trình vận động bao gồm các cuộc gặp với giới chức Liên hiệp quốc và các nước thành viên bắt đầu từ ngày 28/1 để đề nghị một quy trình khảo sát nhân quyền Việt Nam hiệu quả hơn.

Khác với 4 năm trước, đợt kiểm điểm UPR của Việt Nam lần này chứng kiến sự phối hợp vận động của nhiều hội nhóm và tổ chức tranh đấu nhân quyền cả trong và ngoài nước, đặc biệt có sự trình bày của các nhân vật đến từ Việt Nam.

Một buổi thuyết trình và hội thảo tương tự do các nhóm dân sự độc lập tại Việt Nam cùng với VOICE, tổ chức thiện nguyện quốc tế của người Việt hải ngoại, phối hợp tổ chức cũng sẽ diễn ra tại trụ sở Liên hiệp quốc ở Geneva vào ngày 30/1.

Đoàn vận động đến từ Việt Nam bao gồm đại diện của Mạng lưới Blogger Việt Nam, No-U Việt Nam, Dân làm báo, Con đường Việt Nam, Phật giáo Hòa Hảo truyền thống, và Hội Ái hữu Tù nhân Chính trị-Tôn giáo.

Đây là chuỗi hoạt động nối tiếp sau khi phái đoàn kết thúc chuyến vận động tại Hoa Kỳ.

Các nỗ lực kêu gọi nhân quyền cho Việt Nam trước thềm UPR được thực hiện sau khi Hà Nội chính thức trở thành thành viên của Hội đồng Nhân quyền Liên hiệp quốc từ đầu năm nay.

Hội Đồng này duyệt lại tình hình nhân quyền của mỗi quốc gia thành viên trong phiên họp Kiểm điểm Định kỳ Phổ quát 4 năm một lần. Kỳ UPR của Việt Nam năm nay rơi vào ngày 5/2.

Giới vận động nói rằng Hà Nội phải chứng tỏ xứng đáng với chiếc ghế trong Hội đồng Nhân Quyền Liên hiệp quốc trên hết bằng việc tôn trọng các nguyên tắc căn bản, phổ quát về quyền con người ngay từ trong nước.
http://www.voatiengviet.com/content/no-luc-van-dong-truoc-cuoc-kiem-diem-nhan-quyen-upr-cua-viet-nam/1838375.html

18/2/2014 sẽ xử phúc thẩm Ls Lê Quốc Quân 
Phiên tòa phúc thẩm Luật sư Lê Quốc Quân sẽ diễn ra vào ngày 18.02.2014


Ls Lê Quốc Quân

VRNs (27.01.2014) -  Sài Gòn – Ngày 18.02.2014, lúc 8 giờ sáng, sẽ diễn ra phiên tòa phúc thẩm của Luật sư Lê Quốc Quân. Tòa án Nhân dân Tối cao Hà Nội đã gửi giấy báo cho Luật sư Hà Huy Sơn, luật sư bào chữa cho Luật sư Quân.

Tòa án Nhân dân Tối cao Hà Nội gửi thông báo số 392/ 2014/ PT do thẩm phán Nguyễn Văn Sơn ký, vào ngày 22.01.2014, với nội dung: “Đúng 8 giờ 00 phút ngày 18.02.2014, tại phòng xét xử II – Trụ sở Tòa Phúc thẩm Tòa án Nhân dân tối cao tại Hà Nội, Tòa phúc thẩm Tòa án Nhân dân tối cao tại Hà Nội sẽ đưa ra xét xử phúc thẩm vụ án Lê Quốc Quân phạm tội “trốn thuế”.”

Vào ngày 21.01 vừa qua, gia đình Luật sư Quân đi thăm nuôi ông. Trong chuyến thăm nuôi này,
ông Lê Quốc Quyết, em trai Ls Quân cho biết: “Sức khỏe của anh [Quân] tốt. Sau khi xử xong phiên tòa sơ thẩm, họ nhốt anh [Quân] trong căn phòng có tất cả 24 người, hơn một nửa là những người nghiện ngập. Anh Quân được đọc báo Nhân Dân và báo An Ninh, nhưng sách và Kinh Thánh thì họ vẫn không cho người nhà gửi vào. Gia đình được gửi nước sạch vào cho anh [Quân], mỗi tuần được 15 chai, mỗi chai có dung tích 500ml. Các nhu yếu phẩm phải mua ở trại nhưng giá cả thì rất đắt.”

Xin nhắc lại, vào năm ngoái, phiên tòa sơ thẩm Luật sư Quân theo dự kiến xảy ra vào ngày 09.07.2013, nhưng đã bị hoãn lại với lý do bà thẩm phán Lê Thị Hợp bị bệnh. Sau đó, hơn 2 tháng sau phiên tòa sơ thẩm Luật sư Quân mới được tái tục.

Trong phiên tòa sơ thẩm hồi ngày 02.10.2013 vừa qua, Luật sư Quân bị quy kết 30 tháng tù giam, truy thu 600 triệu tiền thuế và phạt 1,2 tỉ đồng VN. Luật sư Quân đã phản đối bản án này.
Ngay sau đó 1 ngày, Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Việt Nam đã ra tuyên bố như sau: “Chúng tôi quan ngại sâu sắc về việc chính phủ Việt Nam kết tội và tuyên án 30 tháng tù về tội trốn thuế đối với luật sư nhân quyền và blogger Lê Quốc Quân. Việc chính quyền Việt Nam sử dụng các điều luật thuế để bỏ tù những người chỉ trích chính phủ hoặc bày tỏ quan điểm chính trị của họ một cách ôn hòa là điều đáng lo ngại. Việc kết án này dường như không phù hợp với quyền tự do ngôn luận và những nghĩa vụ của Việt Nam theo Công ước Quốc tế về Các Quyền Dân sự và Chính trị cũng như các cam kết thể hiện trong Tuyên ngôn Nhân quyền Quốc tế…”

Theo VOA, trước khi phiên tòa sơ thẩm diễn ra, Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Hạ Viện Hoa Kỳ và 9 dân biểu khác đã ký thư gửi cho Chủ tịch nước Việt Nam Trương Tấn Sang, kêu gọi trả tự do cho Luật sư Lê Quốc Quân, nhà hoạt động nhân quyền bị bắt hồi tháng 12. 2012 về tội trốn thuế.
Trong thời gian vừa qua, nhiều tổ chức nhân quyền trên thế giới kêu gọi nhà cầm quyền trả tự do cho Luật sư Lê Quốc Quân.



PV.VRNs
http://www.chuacuuthe.com/2014/01/phien-toa-phuc-tham-luat-su-le-quoc-quan-se-dien-ra-vao-ngay-18-02-2014/


Nhiều tù nhân lương tâm khu giam riêng trại Z30A, Xuân Lộc tuyệt thực gần một tuần qua! 
VRNs (27.01.2014) – Sài Gòn 

Tối ngày 26 /01 /2014, được tin từ Chị Tường Mạnh đi thăm nuôi chồng là Đoàn Huy Chương cho biết là nhiều tù nhân lương tâm trong khu giam riêng tại phân trại 2 (trại Z30A – Xuân Lộc ) đã tuyệt thực gần 1 tuần qua để phản đối chính sách hà khắc của cai tù.

Theo được biết hiện nay tại phân trại 2, trại Z30A Xuân Lộc đã xây thêm 01 khu giam riêng để giam tù nhân chính trị, tù nhân lương tâm nhằm để cô lập thông tin và giám sát chặt chẽ hơn sau vụ nổi loạn tại phân trại 01 – Z30A, Khu giam riêng mới này có kết cấu giam khắc nghiệt hơn mỗi buồng giam chỉ giam từ 03 người trở lại, đặc biệt những buồng giam muốn liên hệ nói chuyện với nhau rất khó nghe bởi những tường bê tông rất cao … môi trường rất khắc nghiệt nóng bức thiếu không khí, nước sinh hoạt thiếu thốn, bị phèn cao độ …
Vừa rồi Mẹ của nhạc sỹ Việt Khang đi thăm nuôi về cũng cho biết bà hết sức bất ngờ khi gặp con mình mà nhận không ra!!!… nhìn thấy Việt Khang già đi rất nhiều (dù mỗi tháng đều thăm gặp) sắc da bị xạm đen... nhiều vẩy đồi mồi, nét mặt bơ phờ.. mệt mỏi! ….một bà mẹ khác cũng vừa thăm con (khu giam riêng Z30A – K2) cũng cho biết… con bà nhắn ra là nhờ sự giúp đỡ của bên ngoài giúp cho Anh Em tù chính trị được có 07 cái bình lọc nước phèn mỗi cái trị giá là 450 ngàn VNĐ để anh em tù chính trị sử dụng lọc nước cho từng buồng giam vì nước trong khu giam riêng này đang nhiễm phèn rất nặng!! … nhưng nếu đã có bình lọc nước thì CA trại giam họ có cho mang vào hay không là một chuyện khác” nhờ các kênh truyền thông giúp đỡ và lên tiếng cho anh em tù chính trị” đó là lời kêu cứu của một bà mẹ có con mình bị giam tại đây. http://danlambaovn.blogspot.com/2013/11/trai-giam-z30a-xuan-loc-mo-them-khu.html#.UuWWELQxXIU

Chị Tường Mạnh (vợ của anh Đoàn Huy Chương) cho biết thêm vào tối ngày 25 – 01 – 2014 trại giam đã chuyển 02 tù nhân là Sơn Nguyễn Thanh Điền và Nguyễn văn Phương (đi vào ban đêm) đến nay mọi người cũng không biết CA trại giam chuyển 02 tù nhân lương tâm này đi đâu?

Đoàn Huy Chương cũng cho biết thêm là Anh cũng sẽ bị chuyển đi nay mai gì đó thôi !.. vì họ sẽ trả thù sau những lần tuyệt thực. Chị Tường Mạnh cho biết khi thăm chồng thấy anh Chương ốm đi rất nhiều, đi không nổi … nhưng tinh thần thì rất tốt và khẳng định rằng sẽ tuyệt thực đến khi nào trại giam họ phải thực hiện đúng những gì người tù được phép, như sách vở để học, cải thiện môi trường…. và quy cách giam giữ mà CA trại giam không thực hiện đúng theo những gì họ đã đặ ra.
(Xin quý bạn đọc nghe lời Chị Tường Mạnh thuật lại khi vừa thăm nuôi Anh Đoàn Huy Chương) vào chiều ngày 26 /01 /2014.

Nguồn: http://www.chuacuuthe.com/2014/01/nhieu-tu-nhan-luong-tam-khu-giam-rieng-trai-z30a-xuan-loc-tuyet-thuc-gan-mot-tuan-qua/

Lãnh sự Ngoại giao nói về UPR
Mặc Lâm, biên tập viên RFA
2014-01-27 

Ông Đặng Xương Hùng 
Hình do ông Hùng gửi RFA 

Mới đây một bài viết của tác giả Đặng Xương Hùng, nguyên Lãnh sự Việt Nam tại Geneve Thụy sĩ, Vụ phó Bộ Ngoại giao Việt Nam viết cho phái đoàn trong nước sắp sang điều trần trong phiên họp Kiểm điểm Định kỳ Phổ quát (Universal Periodic Review - UPR) của Liên Hiệp Quốc vào ngày 5 tháng Hai sắp tới, với những lời lẽ chân thành kêu gọi sự thay đổi thái độ của họ. Mặc Lâm có cuộc phỏng vấn ông Đặng Xương Hùng tác giả bức thư để làm sáng tỏ thêm về việc làm ý nghĩa này.
Mặc Lâm: Thưa ông, xin ông cho biết động lực nào thúc đẩy ông viết bức thư gửi cho những người trong nước sắp tham gia vào buổi kiểm điểm định kỳ hoạt động nhân quyền của Việt Nam sắp tới tại Liên Hiệp Quốc. Chắc chắn rằng bức thư sẽ gặp phản ứng dữ dội từ nhà nước mặc dù ông tuyên bố đã bỏ đảng và chấp nhận tỵ nạn chính trị. Ông có thể chia sẻ thêm về việc làm này của ông hay không?
Đặng Xương Hùng: Tôi là người trong cuộc. Tôi là lãnh sự Việt Nam tại Geneve và thấy rằng dấu hiệu biến chuyển trong tình hình vừa rồi nhất là chuyện mà họ khăng khăng giữ lại điều 4 hiến pháp. Họ làm cho Quốc hội trở thành một chi bộ của đảng Cộng sản thì tôi nghĩ rằng mình phải ra đi. Việc tôi ra đi tôi chỉ chống lại Đảng cộng sản thôi chứ tôi không chống lại con người.
Tôi là người trong cuộc. Tôi là lãnh sự Việt Nam tại Geneve và thấy rằng dấu hiệu biến chuyển trong tình hình vừa rồi nhất là chuyện mà họ khăng khăng giữ lại điều 4 hiến pháp.
- Ông Đặng Xương Hùng
Tôi thấy đồng nghiệp của tôi là những người rất thông minh, rất giỏi họ được đào tạo và được ra nước ngoài, được tiếp xúc với bên ngoài họ hiểu thế nào là thế giới văn minh và tất nhiên họ cũng biết sự vô lý của chủ nghĩa Mác Lênin. Họ chưa thể có quyết định trong lúc này bởi vì cái thế của họ rất khó cho việc đó.
Cái hướng của tôi tập trung vào thái độ của những người hiện nay ở Bộ ngoại giao cũng như các bộ khác. Bởi vì các đoàn từ trong nước sang gồm rất nhiều bộ ngành. Với 11 bộ ngành và khoảng 30 người. Những cuộc họp ở trong nước đã rất cụ thể rồi và sự chuẩn bị của họ cũng chỉ lập lại bài bản như ngày xưa thôi nhưng lần này vai trò có khác vì Việt Nam đã ở trong Hội đồng Nhân quyền rồi và đó cũng là một yếu tố thuận lợi cho chúng ta.
Mặc Lâm: Ông nghĩ sao về các cá nhân từ Việt Nam sang kết hợp với những đoàn thể từ nhiều nước đang vận động để Liên Hiệp Quốc chú ý về việc kiểm điểm của Việt Nam vào ngày 5 tháng 7 sắp tới?
Đặng Xương Hùng: Đã có phái đoàn của những chàng trai cô gái tôi thấy rất thông minh, dõng dạc. Họ đưa ra những thông số, những dữ liệu về những vi phạm nhân quyền trong Việt Nam, như thế là tốt rồi. Còn việc làm ở đây làm sao cho nó hiệu quả thì phải theo dõi thái độ của đoàn Việt Nam. Nếu có cơ hội tiếp xúc thì nên giải thích cho họ rằng việc làm của họ chỉ có tác dụng bao che cho những tội lỗi, những vi phạm nhân quyền của Đảng Cộng sản Việt Nam thôi chứ chả có tác dụng gì cho nhân dân Việt Nam cả. Chỉ càng kéo dài thời gian mong đợi của người dân cho một nước Việt Nam dân chủ, nhân quyền và tiến bộ đối với cộng đồng Quốc tế.
Mặc Lâm: Theo ông thì phái đoàn này nên làm gì với đoàn của chính phủ Việt Nam và qua kinh nghiệm của mình ông góp ý với cả hai phía trong và ngoài nước như thế nào?
Đặng Xương Hùng: Thái độ của họ trong kỳ này nên bớt đi sự o bế các nước Troika. Có ba nước Troika làm như trọng tài, ba nước ấy được bốc thăm. Việt Nam bốc thăm ra ba nước Troika là Keyna, Kazakhstan và Costa Rica. Họ dùng đại sứ và ngoại giao để o bế, mặc cả các nước này bằng cách mời cơm rồi trao đổi rằng các ông dễ dãi cho Việt Nam thì về sau này tới phiên các ông kiểm điểm nhân quyền thì Việt Nam sẽ làm tương tự trở lại. Tức là có sự mặc cả. Đó là việc chúng ta cần tác động.
Cần phải gặp các phái đòan của Keyna của Kazakhstan, Costa Rica để nói với họ đừng chấp nhận những cái gợi ý nhỏ nhen của đoàn Việt Nam. Các nước Troika cần giữ vai trò trọng tài của mình, hết sức vô tư trong vai trò trọng tài cho Việt Nam này. Chúng ta cần họ vô tư vì thời gian rất có hạn do đó nếu sự trình bày của ba nước Troika này có hướng dành cho đoàn trong nước thì thời gian dành cho phái đoàn bên ngoài có khả năng làm thay đổi thái độ và sức mạnh ép được nhân quyền Việt Nam không đủ thời gian để lên tiếng trình bày sự đàn áp nhân quyền của Việt Nam.
Mặc Lâm: Nhận xét của ông về yếu tố tác động phương Tây hiện nay để họ chú ý hơn về tình hình đàn áp nhân quyền Việt Nam đủ mạnh hay chưa và nếu không thì làm cách nào để thay đổi?
Đặng Xương Hùng: Nhân tố các nước có thể làm thay đổi được tình hình nhân quyền và dân chủ cho Việt Nam là nhân tố nước lớn. Khi tôi sang đây tôi nhận thấy rằng các bản tin của Châu Âu nói chung là rất xao nhãng tình hình của Việt Nam. Thí dụ như Việt Nam thông qua hiến pháp và những gì xảy ra tại Việt Nam nói chung. Tất nhiên không phải ta là người Việt mà lại tô vẽ Việt Nam không có nhân quyền nhưng đó là sự thiếu thông tin và xao nhãng của các nước phương Tây đối với tình hình Việt Nam. Hiện nay họ còn rất nhiều những quan tâm nào là căng thẳng Trung Nhật, rồi Bắc Triều tiên, Syria hay Iran, Ukraine…tất cả những thứ đó khiến họ quan tâm hơn do đó họ xao nhãng đối với Việt Nam.
Mặc Lâm: Quay lại với bức thư ông gửi cho những người sắp sang tham dự buổi kiểm điểm nhân quyền. Xin ông cho biết nội dung quan trọng nhất của ông muốn chuyển tải tới họ là gì?
Đặng Xương Hùng: Bạn bè tôi những người trong đoàn có rất nhiều người tôi kính trọng và khâm phục. Tôi chỉ phân tích cho họ thay đổi thái độ thôi. Thái độ thay đổi là rất quan trọng để cho họ hiểu rằng tại sao Quốc tế người ta bắt các nước phải kiểm điểm nhân quyền của từng nước trên toàn cầu trong những kỳ như hiện nay như đối với Việt Nam.
Bên kia người ta không biết vì khi về luôn luôn đoàn báo cáo là thành công. Là các nước phản ứng rất hạn chế đối với nhân quyền Việt Nam. 
- Ông Đặng Xương Hùng
Bởi vì con người và quyền của con người là quan trọng nhất đối với thế giới văn minh. Đây mục tiêu của cả nhân loại chứ không phải chỉ nhằm vào Việt Nam mà thôi. Họ không cố đưa ra để kiểm điểm Việt Nam và tạo sức ép để Việt Nam thay đổi mà đây là cái chung. Nếu các anh các chị cứ tiếp tục theo lối cũ là soạn ra một bài đọc rồi cố mà chống đỡ để giảm nhẹ những việc đàn áp nhân quyền của mình là không thể được.
Mặc Lâm: Theo kinh nghiệm riêng xin ông cho biết trong khi ra trình bày trước Liên Hiệp Quốc như vậy thì phái đoàn có hỏi xin ý kiến hay báo cáo nhanh nhất về những diễn tiến trong buổi kiểm điểm tới cấp cao nhất trong Bộ chính trị hay không? và khi về nước thì các báo cáo này sẽ gửi như thế nào?
Đặng Xương Hùng: Bên kia người ta không biết vì khi về luôn luôn đoàn báo cáo là thành công. Là các nước phản ứng rất hạn chế đối với nhân quyền Việt Nam. Chúng ta đi chuyến này đã bảo vệ được, vẫn giữ được cái điều thế giới phương Tây không thể áp đặt giá trị nhân quyền của phương Tây cho Việt Nam bởi vì dân trí của Việt Nam vẫn còn thấp.
Xong rồi làm bản báo cáo, báo cáo lên trên thì trên lại tiếp tục đàn áp. Thế thì cái lỗi này là lỗi của người đang thi hành nhiệm vụ tức là mình không ghi chép thái độ của các nước khác để mà ghi vào báo cáo mà lại gửi bản báo cáo cho lãnh đạo không thể hiện được cái sùng sục cũng như ý của các nước phương Tây đối với vấn đề nhân quyền Việt Nam. Nó không thể hiện trong báo cáo đó. Đoàn này cũng gặp ông lãnh đạo, đoàn kia tô vẽ kéo thành công về phía mình, đưa ra những dữ liệu báo cáo lên trên là chúng tôi đã có sáng kiến này, có sáng kiến kia.
Mặc Lâm: Vâng, xin cám ơn ông Đặng Xương Hùng. 
Vừa rồi là cuộc phỏng vấn ông Đăng Xương Hùng, nguyên là Lãnh sự Việt Nam tại Geneve Thụy sĩ, Vụ phó Bộ Ngoại giao Việt Nam. Chúng tôi sẽ trở lại với một câu chuyện khác của ông khi chính thức từ bỏ đảng Cộng sản mà ông đã theo trong nhiều chục năm, mời quý vị đón xem.
http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/foreign-consular-talk-ab-upr-ml-01272014122305.html
Thư ngỏ gửi các bạn tham dự Phiên họp Kiểm điểm định kỳ toàn cầu về nhân quyền  ở Việt Nam diễn ra vào ngày 5/2/2014 tại Genève - Thụy sĩ.

Genève, ngày 19/1/2014,
http://diendanctm.blogspot.de/2014/01/vien-chuc-bo-ngoai-giao-tuyen-bo-bo-ang.html

Bao nhiêu năm rồi còn mãi ra đi… 
Song Chi 

Ngay sau khi chiến tranh VN kết thúc chưa được bao lâu, khi “phe thắng cuộc” còn đang ngây ngất trong “hào quang chiến thắng” và thế giới còn đang nhìn vào đảng cộng sản VN với ít nhiều khâm phục thì người dân, chủ yếu là từ miền Nam, bắt đầu ồ ạt bỏ nước ra đi…

Mặt trái của tấm huy chương lộ ra dần dần theo những thông tin, hình ảnh về những thuyền nhân bị hãm hiếp, bị cướp bóc tàn nhẫn hay vĩnh viễn nằm lại dưới lòng biển sâu trong quá trình chạy trốn khỏi nước Cộng hòa XHCN VN đi tìm bến bờ tự do, được đăng tải rộng rãi...

Một trong những cuộc di dân lớn nhất trong thế kỷ XX bắt đầu và kéo dài nhiều năm sau đó.
Điều đáng nói là cho mãi đến bây giờ, gần 40 năm sau, người Việt vẫn đang tiếp tục tìm đường ra đi, bằng cách này cách khác.

Người nghèo thì chủ yếu đi bằng con đường bán sức lao động, dưới danh nghĩa đi lao động hợp tác, còn gọi là “xuất khẩu lao động”-một trong những khái niệm mới có dưới chế độ ưu việt
của đảng ta. Khi các nước thuộc khối XHCN cũ còn tồn tại, thì VN “xuất khẩu” người lao động sang các nước này, và khi khối XHCN bị sụp đổ thì lại “xuất” sang môi trường các nước tư bản, lên đến hàng chục ngàn người mỗi năm.

Cách làm này đã đem lại cho nhà nước VN một món ngoại tệ không nhỏ hàng năm, cộng với số tiền của kiều bào gửi về, khiến VN mấy năm gần đây liên tục lọt vào danh sách các quốc gia có lượng kiều hối cao trên thế giới. Thực chất, đây là nạn buôn người một cách công khai và VN cũng đã bị nhiều tổ chức nhân quyền trên thế giới cảnh báo về điều này.

Người viết bài này đã từng tiếp xúc, trò chuyện với nhiều người đi xuất khẩu lao động tại một số quốc gia ở Đông Âu như Đức, Tiệp Khắc, Ba Lan… Hầu hết đều có hoàn cảnh khó khăn, phải cầm cố ruộng vườn nhà cửa, vay nợ ngân hàng để có tiền đóng cho các công ty môi giới lao động. Vì vậy khi sang đến nơi họ phải “cày” ngày “cày” đêm, ăn uống sinh hoạt hết sức tằn tiện, vừa dành tiền trả nợ, nuôi gia đình, tiết kiệm mong để dành được chút vốn sau này về nước làm ăn.

Dù làm việc vất vả, sống eo hẹp nhưng vẫn còn là… may mắn. Cực khổ, rủi ro hơn nhiều là những người đi sang nước khác bằng hộ chiếu du lịch rồi ở lại làm lao động “chui”.

Chẳng hạn, có rất nhiều người đi du lịch sang Nga rồi nhờ đường dây đưa sang Đức sang Tiệp, đi đường bộ, đường rừng. Biết bao nhiêu hiểm nguy bất trắc rình rập, còn với phụ nữ thì khó mà thoát khỏi nạn bị cưỡng hiếp dọc đường, không phải chỉ một lần.

Vì không có giấy tờ, họ chỉ có thể làm việc cho những người chủ Việt, bị bóc lột nặng nề trong những điều kiện vô cùng tồi tệ mà không kêu cứu được ai.

Đôi khi chúng ta lại đọc thấy những tin tức như một xưởng may ở Nga bị cháy (tháng 9.2912), nhiều công nhân VN bị chết, hóa ra đó là một xưởng may hoạt động bất hợp pháp và các công nhân có thể đã bị đưa đi xuất khẩu lao động “chui”; hay “Một người Việt ở Nga bị bắt vì sử dụng 700 lao động Việt như nô lệ” (Vietinfo), “Cảnh báo rủi ro lao động Việt Nam đi làm việc chui ở Philippines” (Báo mới), “Góc khuất về người lao động VN ở Angola” (VOV)…

Ngay các nước Bắc Âu như Na Uy, Đan Mạch, Thụy Điển… bây giờ cũng có nhiều người đi du lịch rồi ở lại. Nhiều cặp vợ chồng bỏ lại con nhỏ cho ông bà nội ngoại nuôi, biền biệt làm ăn cả chục năm chưa về nước là chuyện bình thường!

Liều lĩnh hơn nữa, mới đây báo chí VN đưa tin nhiều người đi du lịch theo tour rồi bỏ trốn, chấp nhận vứt luôn cả hộ chiếu, sống hoàn toàn không giấy tờ trên nước người. (“Khắp nơi cảnh giác du khách Việt: xuất ngoại rồi bỏ trốn”, VietnamNet).

Tất cả cũng chỉ vì quê hương không còn là “chùm khế ngọt” nên con người phải tha hương nhọc nhằn kiếm sống.

Nhiều cô gái trẻ ở nông thôn, đặc biệt là vùng đồng bằng sông Cửu Long thì chọn con đường đổi đời bằng những cuộc hôn nhân thông qua các tổ chức môi giới, với những người chồng đến từ Đài Loan, Hàn Quốc. Những cuộc hôn nhân vội vàng chớp nhoáng, lệch pha, mà bản thân các cô gái và gia đình chỉ nhận được một món tiền rẻ mạt, đa phần không tìm được hạnh phúc. Thậm chí kết thúc bằng cái chết.

Từ chuyện một cô dâu Việt mới bước qua tuổi 20 chưa lâu (sinh năm 1993) bị người chồng Hàn Quốc bóp cổ đến chết mới đây, báo Dân Trí có bài “Sự sỉ nhục nhìn từ những cô dâu Việt bị giết”.

Bởi đây không phải là lần đầu tiên, các bậc cha mẹ khi tiễn con gái đi lấy chồng xa cứ nghĩ là đời con mình sẽ sung sướng vì được lấy chồng “ngoại”, chẳng bao lâu sau đã phải đón con về trong những bình tro cốt giá lạnh. Những cái chết tức tưởi, bị đánh, bị đâm, hay quẫn trí quá mà nhảy lầu tự sát ôm theo con…

Vậy mà theo bài báo: “Phụ nữ lấy chồng Hàn Quốc, Đài Loan bị đánh đập, hành hạ, bị giết, nhưng tỉ lệ thấp hơn và ít rủi ro hơn lấy chồng Trung Quốc. Tình trạng lấy chồng Trung Quốc, sau đó bị ngược đãi, bị làm vợ tập thể, bị sang tay và vứt ra đường khá phổ biến.
Cuối năm 2013, ba cô dâu Việt Nam là Tô Thị Hà, Trịnh Thị Hoa, Mai Thị Sư được điều trị tại Bệnh viện thần kinh thành phố Phúc Châu, tỉnh Kiến Phúc – Trung Quốc. Cả ba người đều là nạn nhân của lấy chồng Trung Quốc, bị đày đọa nhiều năm cho đến khi thân tàn thì đuổi khỏi nhà…Có nhiều trường hợp bị đẩy vào động mại dâm, bị khai thác như súc vật cho đến khi bệnh tật, bị chết hoặc điên dại.”

Đó là chưa kể đến những cô gái Việt bán phấn buôn hương trong những địa điểm ăn chơi cho đến những ổ chứa gái rẻ tiền trên đất Thái, Phi, Cambodia, Malaysia…

Nếu như các cô gái nông thôn ở phía Nam hoặc các tỉnh sát biên giới phía Bắc thường lấy chồng Đài, Hàn, Trung qua con đường môi giới thì các cô gái ở các thành phố lớn, có ăn học, có nhan sắc, nhất là có chút tiếng tăm nếu hoạt động trong giới showbiz Việt như người mẫu, ca sĩ, diễn viên… lại có xu hướng lấy chồng ngoại quốc hoặc Việt kiều từ Mỹ và các nước phương Tây.

Nói vậy không có nghĩa là mọi cuộc hôn nhân có yếu tố “ngoại” đều tính toán, vẫn có những cuộc hôn nhân xuất phát từ tình yêu, do cả hai đều có cơ hội và thời gian chọn lựa hơn. Nhưng với một tỷ lệ không nhỏ và ngày càng tăng những cuộc hôn nhân như vậy trong giới showbiz vẫn khiến người ta tự hỏi phải chăng cái quốc tịch của các đức ông chồng (và cả các cô vợ) là một ưu điểm lớn?

Những người gia đình trung lưu, khá giả thì đầu tư cho con cái đi du học tự túc rồi tìm cách ở lại. Trước kia cha mẹ thường cho con đi học sau khi tốt nghiệp phổ thông, nhưng càng ngày người ta càng cho con đi sớm hơn, từ khi mới lớp 9,10, 11. Riêng ở Hoa Kỳ, hiện tại “VN đứng thứ 8 về số du học sinh ở Mỹ” "với hơn 16.000 sinh viên tại các trường đại học và cao đẳng trên toàn nước này” (VNExpress).

Nhưng không phải cuộc đầu tư cho con đi học nào cũng thành công, nếu không có sự chuẩn bị tốt về ngoại ngữ, kiến thức, một nền tảng giáo dục tốt từ gia đình và một mục đích rõ ràng. Những cô cậu học sinh, sinh viên hoặc theo không nổi, học là phụ chơi là chính, sau này về nước chỗ làm đã có cha mẹ “dọn” sẵn, điều này dễ thấy với dạng con ông cháu cha. Hoặc dễ chệch hướng, sa ngã.

Đám quan chức và những kẻ thủ lợi nhiều nhờ chế độ này, miệng thì chửi bới Mỹ và các nước “tư bản giãy chết” nhưng hỏi ra đều đã tính đường “hạ cánh an toàn” cả. Phần lớn đều có con cái, nhà cửa, cơ sở kinh doanh ở Mỹ hay một nước phương Tây, có trương mục trong các ngân hàng uy tín nhất thế giới. Đám này sướng từ trong nước đến khi ra nước ngoài vẫn tiếp tục nhàn nhã nhờ vào những đồng tiền mà chúng tham nhũng, ăn cướp từ nhân dân.

Và vẫn chưa hết, cảnh vượt biên bằng đường biển, đường bộ…Úc là một trong những điểm đến được nhắm tới trong những năm gần đây của thuyền nhân Việt và các nước khác. Nhưng với chính sách mới cứng rắn của chính phủ Úc, người Việt vượt biển sẽ không bao giờ được định cư ở Úc mà nếu được xét là người tỵ nạn thực sự, họ cũng chỉ được định cư tại đảo Papua New Guinea mà thôi.

Đất nước như một con tàu lớn đang chìm dần trong khi những người cầm lái thì vẫn tiếp tục mù quáng, chưa tỉnh thức, buộc lòng nhân dân, mạnh ai nấy phải tìm cách nhảy ra khỏi con tàu đắm vậy.

Như một câu hát của nhạc sĩ họ Trịnh: “Bao nhiêu năm rồi còn mãi ra đi…” (bài “Một cõi đi về”). Có lẽ chỉ đến khi chế độ này sụp đổ và thay đổi theo hướng tự do dân chủ, mới hết cảnh người Việt bỏ nước ra đi, hết những bi kịch đầy máu và nước mắt đằng sau những cuộc trốn chạy khỏi thiên đường XHCN VN.

Nguồn: https://www.facebook.com/songchi09



Trí óc Việt Nam cần được giải phóng

MS Nguyễn Trung Tôn

Khi tôi còn rất nhỏ, chắc chỉ khoảng 3 hay 4 tuổi gì đó, khi mà cuộc chiến tranh hai miền Nam – Bắc vẫn đang tiếp diễn, trẻ con chúng tôi đã được nghe rất nhiều những câu chuyện với đại ý: cả những con vật vô tri cũng biết căm thù “Mỹ - Ngụy”. Tôi còn nhớ từ những chuyện “Trâu cũng biết đánh giặc” tới chuyện phân biệt kiến ta kiến địch. Người lớn nói với chúng tôi rằng loài kiến đen là kiến cộng sản, loài kiến đỏ là kiến “Ngụy”. Kiến đen là của phe mình  không cắn đốt ai cả. Kiến đỏ là kiến của “Mỹ - Ngụy” nên chúng thường hay cắn đốt người. Tôi và chắc hầu hết bạn bè tôi đều ngây thơ tin tất cả những câu chuyện này. Mỗi khi tôi nghịch bị kiến đốt là tôi lại thấy rất căm thù “Mỹ - Ngụy”.

Những câu chuyện thời trẻ con tương tự như vậy đã in đậm trong suy nghĩ của tôi. Tôi căm thù “Mỹ - Ngụy” đã giết chết những người thân của tôi cùng bao nhiêu đồng bào khác nữa.


Cho tới năm 1981, lúc này tôi đã 10 tuổi, tôi được bố tôi đưa vào Sài Gòn thăm gia đình bác ruột tôi. Người anh này của bố tôi đã bỏ xứ ra đi từ bao giờ tôi không rõ. Bác tôi đã lấy vợ sinh con, và sống tại Sài Gòn. Bác tôi có một người con lớn. Trước năm 1975 anh ấy học trong một trường sĩ quan quân lực Việt Nam Cộng Hòa (VNCH). Sau khi Miền Nam thất trận, anh bị bắt đi "học tập cải tạo". May nhờ bố tôi làm giấy tờ xác nhận gia đình tôi là gia đình “có công cách mạng” nên anh được rút ngắn thời gian cải tạo. Năm 1981 khi tôi vào Nam thì bác tôi đã qua đời. Anh trai cả của bác là người đón tiếp chúng tôi.

Mặc dù mới mười tuổi nhưng lúc này trong tôi đã có nhiều thắc mắc rất lạ. Sao trước đây tôi nghe người lớn kể rằng “Ngụy” rất xấu xa độc ác nhưng lúc đó tôi thấy anh tôi lại rất hiền lành và tình cảm với chúng tôi. Cũng nhờ mối quan hệ gia đình ở Sài Gòn nên có dịp vào đây một hai lần, gặp gỡ những người mà trước đây tôi vẫn gọi là “Ngụy”, tôi mới được biết và sau đó mới thấu hiểu tấm lòng của họ. Họ cũng như tôi, cũng là người Việt Nam, cũng máu đỏ da vàng, thậm chí cùng là họ hàng máu mủ của tôi. Ấy vậy mà trước đây sao tôi lại căm thù họ tới vậy! Tôi bắt đầu thay đổi suy nghĩ của mình về cuộc chiến tranh đầy đau khổ này.

Vì cuộc chiến tranh đó mà gia đình tôi phải ly tán. Vì nó mà máu đồng bảo tôi ở cả hai miền phải đổ ra quá nhiều. Tôi không còn căm thù những người mà trước đây tôi xem là “Ngụy” nữa. Ngược lại, tôi biết họ chính là đồng bào, bà con, họ hàng, ruột thịt của tôi.

Xin lỗi quý độc giả tôi hơi miên man một chút trước khi đi thẳng vào vấn đề. Điều thắc mắc lớn còn lại trong lòng tôi đến ngày nay là tại sao những người cộng sản, hay nói đúng hơn là các lãnh đạo CSVN, vẫn còn hằn thù những người lính VNCH và gia đình họ tới như vậy - những người mà họ không ngừng gọi là “Ngụy”. Tại sao thù hằn tới độ đập phá nghĩa trang Biên Hòa? Tại sao thù hằn đến độ gây sức ép lên cả chính quyền Indonêxia để đập bỏ bia tưởng niệm các thuyền nhân Việt Nam - mà họ dán nhãn là "gia đình Ngụy"- đã bỏ mạng trên biển? và còn nhiều dẫn chứng khác nữa.

Ngày 19/1/2014 vừa qua, tức ngày kỷ niệm 40 năm cuộc Hải chiến Hoàng sa, tại tượng đài Lý Thái Tổ ở Hà Nội, một số công dân mang tính đại diện cho bà con khắp nơi muốn công khai bày tỏ tấm lòng tri ân đối với những người đã hy sinh tính mạng vì sự toàn vẹn của đất nước. Đây là một việc làm rất đáng được trân trọng và hoàn toàn nằm trong tập tục, văn hóa Việt Nam, cũng như đúng với truyền thống anh hùng chống giặc ngoại xâm của dân tộc. Thế nhưng họ đã không thể làm được như tâm nguyện trước sự quấy phá bằng nhiều hình thức của những lực lượng nhân danh cái gọi là “chính quyền”. Chắc quý vị đã đọc nhiều bài tường trình của những người có mặt tại chỗ.

Kính thưa quý vị, một chính quyền của dân, do dân và vì dân thì không bao giờ lại có những hành động thiếu văn hóa, vô đạo đức, thất nhân tâm như vậy. Đến gỗ đá cũng phải đau lòng! 

Tôi nghiệm thấy nguyên nhân chính đã đẩy lãnh đạo đảng tới tận cùng của sự tối tăm đó chính là ý thức hệ, rồi họ buộc cả nước phải đi theo. Kết quả là cả dân tộc này đang bị trói buộc làm nô lệ cho chủ nghĩa Mác-Lê giữa lòng nhân loại ở đầu thế kỷ 21. Chủ nghĩa này đã ngang nhiên chiếm ngự mọi mặt từ đời sống hàng ngày tới lề lối suy tư của người dân trên cả nước Việt Nam, bất kể thực tế là nó đã bị nhiều dân tộc loại bỏ ở khắp Đông Ân và ngay tại nước sản sinh ra nó là Liên Xô. Ở Việt Nam, với tình trạng suy thoái mọi mặt của xã hội, sợi xích vô hình này càng cần phải gỡ bỏ ngay lập tức. Nhưng thật đáng thất vọng khi ngay cả bước đầu tiên và chỉ mới mang tính lý thuyết là việc bỏ điều 4 - một điều quá nghịch lý, nghịch thời - ra khỏi bản Hiến pháp mới mà vẫn không dám làm. Lãnh đạo đảng phê phán rất rõ và rất hăng các căn bệnh trầm trọng của xã hội, từ lạm quyền đến tham nhũng, và cũng thấy rất rõ bài thuốc để chữa tận gốc. Nhưng khi đến khâu đưa giải pháp vào thực hiện thì lãnh đạo đảng đều run rẩy lùi bước và lại đưa lợi ích của cá nhân mình và phe nhóm lên trên tất cả.

Thế là các chủ nghĩa mang tính bùa ếm đó tiếp tục làm cho con người Việt Nam ngày càng ít tính nhân bản và càng trở nên tàn nhẫn, độc ác với nhau. Nó tiếp tục tạo lằn ranh chia cắt tình huynh đệ, nghĩa đồng bào. Và quan trọng hơn cả, nó tiếp tục làm dân tộc ta suy úy, mở ra cơ hội cho Trung Quốc xâm chiếm dần từ lãnh thổ, lãnh hải đến kinh tế và văn hóa. Nếu không thoát được cái vòng “Kim cô” đang kềm hãm cả dân tộc Việt này, thì việc mất luôn những đảo còn lại tại Trường Sa chỉ còn là vấn đề thời gian và tiến trình biến Việt Nam thành một tỉnh của Trung Quốc sẽ không còn chận lại được nữa trong thập kỷ tới.

Muốn xây dựng một xã hội công bằng dân chủ văn minh thật sự và nhất là muốn giữ lấy Tổ Quốc Việt Nam thì điều đầu tiên dân tộc Việt Nam phải làm là phải tìm cách giải phóng chính mình ra khỏi sợi xích vô hình mà lãnh đạo đảng không đủ can đảm để đụng đến. Một khi đại khối dân tộc chúng ta không còn lề thói suy nghĩ dưới bóng chủ nghĩa Mác-Lê nữa, thì những người cần được giải phóng kế tiếp chính là những người trong Quân đội và Công an, để các anh không còn phải “Trung thành với đảng trước rồi tổ quốc sau” hay “Chỉ biết còn Đảng còn mình”. Chính nhân phẩm các anh được phục hồi.

Bởi quy luật tất yếu của xã hội đã được cả nhân loại chứng minh: Khi trí tuệ con người không còn bị kềm hãm thì độc tài nhất định phải bị triệt tiêu để nhường chỗ cho một xã hội dân chủ, công bằng, và tự chữa được bệnh tật để đi lên.

Chúng ta cùng giúp nhau và giúp dân tộc gỡ bỏ cái vòng kim cô hiểm độc này ra khỏi trí óc của mình.

Thanh Hóa ngày 24/1/2014
Nguyễn Trung Tôn

ĐT: 01628387716



Bỏ Hoàng Sa, Bỏ Cả Biển Đông? 
Lê  Minh Nguyên 


Phạm Bình Minh


Trong Diễn đàn Kinh Tế Thế Giới ở Davos, Thụy Sĩ, từ ngày 22/1 đến 25/1/2014, ông Phạm Bình Minh, Phó Thủ Tuớng, Bộ trưởng Ngoại giao CSVN trả lời câu hỏi của chủ tọa cuộc thảo luận về tranh chấp lãnh thổ trong vùng, về việc Trung Quốc muốn đàm phán song phương với nước có tranh chấp thay vì đàm phán với khối ASEAN, ông PBMinh nói “Nếu tranh chấp là giữa Việt Nam và Trung Quốc thì việc đàm phán là song phương”. 

Về đa phương hay dùng khối ASEAN để đàm phán với Trung Quốc ông nói “…tranh chấp tại Trường Sa thì có nhiều hơn một nước tuyên bố chủ quyền. Do đó ASEAN sẽ mạnh hơn nếu đàm phán như một khối”. 

Điều này có nghĩa là Hoàng Sa, Vịnh Bắc Bộ, các vùng biển Việt Nam trong phạm vi đặc quyền
kinh tế EEZ 200 hải lý và thềm lục địa kéo dài thì Việt Nam sẽ đàm phán song phương với Trung Quốc, còn Trường Sa thì đàm phán qua ASEAN và ông hy vọng một ASEAN mạnh và đoàn kết, hai yếu tố gần như không thể có của ASEAN. 

Có lẽ vì theo chính sách “Song-Không, Đa-Chờ” về Biển Đông, tức song phương thì không dám đặt thành vấn đề với Trung Quốc, và đa phương thì chờ khối ASEAN mạnh và đoàn kết, cho nên khi Tư Lệnh Hạm Đội Nam Hải của Trung Quốc, tướng Tưởng Vĩ Liệt, một tuần truớc cuối tháng Giêng 2014 đi tuần tra Biển Đông đã lên từng hòn đảo hay bãi đá hiện do lực lượng Trung Quốc chiếm đóng để xem xét “tình hình sẵn sàng chiến đấu của đơn vị đồn trú” ở Hoàng Sa và Trường Sa, đặt chân lên đảo Gạc Ma mà họ chiếm năm 1988 và chính quyền CSVN hoàn toàn im lặng. 

Ông PBMinh thay vì dùng cụm từ Biển Đông – như một số lãnh đạo đã dùng tại các hội nghị và diễn đàn quốc tế – thì ông đã dùng cụm từ Biển Nam Trung Hoa khi nói về tranh chấp lãnh thổ tại Trường Sa. 

Có hai điểm đáng nói trong việc trả lời của ông PBMinh: 

1. Ông nói “Nếu tranh chấp là giữa Việt Nam và Trung Quốc thì việc đàm phán là song phương.” 
Điều này có nghĩa là CSVN hoàn toàn từ bỏ Hoàng Sa để nhượng cho Trung Quốc, vì đơn giản là Trung Quốc không cho Hoàng Sa vào bàn hội nghị hay bất cứ nghị trình nào khi thảo luận song phương về biển đảo với Việt Nam. Hoàng Sa đã mất, đã mất rồi và Đảng CSVN sẵn sàng cho mất luôn nên chọn giải pháp đàm phán song phương. Họ đã gạt ra ngoài hai giải pháp còn lại là vũ lực và pháp lý. 

2. Ông dùng cụm từ Biển Nam Trung Hoa trên diễn đàn quốc tế, có mặt khoảng 30 nguyên thủ quốc gia và trên 2,500 các nhà ngoại giao cao cấp và các chuyên gia thế giới, thay vì Biển Đông như trước đây. 

Điều này cho thấy một sự thụt lùi thua thiệt hơn nữa trước sự bành trướng có tính cách xâm lược của Trung Quốc để thực hiện chủ quyền đường chín nút. Chính quyền CSVN với 16 chữ vàng và 4 tốt sẽ đưa một quốc gia biển đến chổ chỉ còn lại bờ. 

Hôm 22/1/2014, trong cuộc điện đàm giữa Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng bí thư Đảng CSVN Nguyễn Phú Trọng, ông Trọng cam kết đôi bên đồng ý giải quyết tranh chấp thông qua thương thuyết song phương và thảo luận hữu nghị để duy trì hoà bình, ổn định ở Biển Đông, không lâu sau khi các qui định mới của Bắc Kinh về nghề cá ở nơi này được công bố ngày 3/12/2013. 

Hôm 3/1/2014, trên báo chí lề phải đăng tuờng trình của Bộ Ngoại Giao về “kết qủa hoạt động đối ngoại năm 2013 cùng với những kỳ vọng cho ngành ngoại giao trong năm mới”. Ông PBMinh nói “Về vấn đề Biển Đông, trong năm 2013, chúng ta tiếp tục duy trì được môi trường ổn định ở Biển Đông. Trong năm 2013, một mặt chúng ta đấu tranh bảo vệ vùng đặc quyền kinh tế, đồng thời đấu tranh chống lại các biện pháp ngăn cản ngư dân của chúng ta trên các vùng biển của Việt Nam.” Trong khi cùng ngày đó, một tàu đánh cá của ngư dân Lý Sơn đã bị lính Trung Quốc tấn công dã man và cướp phá tài sản. Suốt năm 2013 luôn luôn có những vụ tấn công và hút chìm tàu ngư dân, sao ông Minh nỡ lòng nào quay lưng với ngư dân như vậy? 

Ông Phạm Bình Minh là con của ông cố Ngoại Trưởng Nguyễn Cơ Thạch (Phạm Văn Cương) mà trong Đại Hội VII năm 1991 đã bị loại ra khỏi Bộ Chính Trị và mất chức Bộ Trưởng Ngoại Giao do hậu quả của Hội Nghị Thành Đô 1990 mà đảng ta xin làm chư hầu Trung Quốc. 

Ông Nguyễn Cơ Thạch tuy mất chức mất quyền nhưng đã để lại vết son trong lịch sử là một nhà ái quốc, lo cho quyền lợi quốc gia dân tộc. Ai có đọc hồi ký của ông Thứ Trưởng Ngoại Giao Trần Quang Cơ thì sẽ vừa cảm thấy đau lòng về Hội Nghị Thành Đô vừa cảm thấy thương cho ông Nguyễn Cơ Thạch. 

Vì danh lợi và quyền hành mà ông Phạm Bình Minh đã trở thành người con bất hiếu. Nhà văn Vũ Thư Hiên đã phải than rằng linh hồn ông Nguyễn Cơ Thạch nếu thấy được cách hành xữ của ông PBMinh thì sẽ phải thốt lên rằng “Thằng này không phải con tao!” 

Con thua cha cả nhà vô phước
Đảng theo Tàu đất nước tan hoang

Lê Minh Nguyên
Nguồn: http://www.chuacuuthe.com/2014/01/bo-hoang-sa-bo-ca-bien-dong/


Tổng thống Yanukovych bãi bỏ luật chống biểu tình tại Ukraina 

Tổng thống Ukraina Viktor Yanukovych

27.01.2014 
Tổng thống Ukraina Viktor Yanukovych đồng ý bãi bỏ các đạo luật chống biểu tình vốn đã gây ra một số các cuộc biểu tình chống chính phủ thêm phần bạo lực tại Kyiv.

Loan báo về việc này được đưa ra hôm thứ Hai sau một cuộc họp giữa Tổng thống và các nhà lãnh đạo đối lập.

Bộ trưởng Tư pháp nói rằng những đạo luật duyệt lại sẽ được gửi tới quốc hội và sẽ phù hợp với những tiêu chuẩn của Phương Tây.

Ông Yanukovych đã bác bỏ việc ân xá cho những người biểu tình bị cầm tù trừ phi những người biểu tình từ bỏ tất cả các tòa nhà họ đã chiếm giữ.

Những người ủng hộ phe đối lập đã chiếm các trụ sở của chính phủ tại 10 trong số 25 vùng của Ukraina.

Và nhà lãnh đạo đối lập Arseniy Yatsenyuk đã chính thức bác bỏ đề nghị của Tổng thống Yanukovych bổ nhiệm ông làm Thủ tướng, và các cuộc biểu tình dự kiến sẽ tiếp tục.

Những người biểu tình tuần hành xuống đường hồi cuối tháng 11 khi ông Yanukovych rút khỏi một hiệp định tự do mậu dịch với Liên hiệp châu Âu và muốn có quan hệ chặt chẽ hơn với Nga.

http://www.voatiengviet.com/content/tong-thong-yanukovych-bai-bo-luat-chong-bieu-tinh-tai-ukraina/1838912.html


Nông dân Lào biểu tình chống bán đất cho doanh nghiệp Trung Quốc 

Sòng bạc Kings Romans tại Đặc khu Kinh tế Tam giác vàng ở tỉnh Bokeo, miền Bắc Lào. 
DR
Tú Anh 
Trong chương trình « phát triển » vùng Thượng Lào, khoảng 1000 hecta ruộng đồng của nông dân ở tỉnh Bokeo sẽ biến thành phi trường phục vụ khu sòng bạc do doanh nhân Trung Quốc đầu tư. Bất bình vì tiền bồi thường quá thấp, hơn 50 nông dân đã quyết liệt bảo vệ đất đai làm cho lực lượng công an phải lùi bước.
Theo bản tin của Asia News, bằng hành động « bất phục tùng dân sự » hiếm hoi tại nước Lào, hàng chục gia đình nông dân đã dứt khoát chống cự lại công an võ trang thi hành quyết định cưỡng chế.
Tuần qua, công an Lào đã đến huyện Tonpheung, tỉnh Bokeo (miền Bắc Lào) đọc lệnh cưỡng chế, buộc nông dân phải nhượng đất lại cho tập đoàn mang tên Dok Kham Ngiew. Khu vực này từ lâu nay là trung tâm xung khắc giữa nông dân và chính quyền địa phương từ khi một công ty Trung Quốc, được chính quyền Lào ủng hộ, dành quyền khai thác để xây phi trường và « đặc khu kinh tế » gồm khách sạn hạng sang và khu giải trí, cờ bạc để phục vụ khách hàng Trung Quốc.
Ngày 25 vừa qua, nông dân Lào đã nắm tay lập hàng rào người, ngăn chận trước đầu các xe ủi đất. Tập đoàn Trung Quốc phải gọi công an can thiệp. Tuy nhiên, khi lực lượng an ninh võ trang tiểu liên AK 47 kéo đến thì gặp phải sự kháng cự ôn hòa nhưng quyết liệt. 
Bị nông dân chất vấn : « Tại sao công an cảnh sát Lào không bảo vệ nhân dân của mình mà lại tuân theo lệnh của bọn phản quốc bán đất cho Trung Quốc ? Một khi họ lấy hết đất trồng lúa thì chúng ta còn gì ?», cuối cùng lực lượng công an phải rút lui để tránh xung đột với nông dân.
Theo nguồn tin của AsiaNews, các nhà nông ở khu cưỡng chế, tổng cộng gồm 6 ngôi làng, thay phiên nhau canh chừng ruộng đất ngày và đêm bên cạnh một chiếc đồng hồ.
http://www.viet.rfi.fr/chau-a/20140127-nong-dan-lao-bieu-tinh-chong-ban-dat-cho-doanh-nghiep-trung-quoc

Việt Nam cần một chính sách Biển Đông minh bạch và dứt khoát 


Biểu tình tại Hà Nội ngày 19/01/2014 nhân kỷ niệm 40 năm ngày Trung Quốc đánh chiếm Hoàng Sa. Biểu ngữ nêu ba sự kiện : 19/01/1974 - Chiếm Hoàng Sa; 17/02/1979 - Tấn công biên giới phía bắc; 14/03/1988 - Chiếm một số đảo ở Trường Sa. 
REUTERS/Kham
Trọng Nghĩa 
Bước leo thang mới nhất của Trung Quốc tại Biển Đông là quyết định buộc tàu cá nước ngoài phải xin phép khi vào Biển Đông. "Vùng cấm tàu cá" là bước tiếp theo trong chiến lược thôn tính Biển Đông mà Bắc Kinh khởi sự từ năm 1974 khi xua quân đánh chiếm quần đảo Hoàng Sa từ tay Việt Nam. Theo giới phân tích, muốn chặn mưu đồ của Trung Quốc, Việt Nam phải có một chính sách Biển Đông rõ ràng, công khai và dứt khoát để được hậu thuẫn của khu vực và quốc tế.
Ngay từ cuối năm 2013, giới chuyên gia quốc tế đã nhận định rằng Biển Đông đang dậy sóng trở lại vì các hành động hung hăng áp đặt chủ quyền của Trung Quốc. Thực tế đầu năm 2014 này đã xác minh nhận các nhận xét đó, với một loạt động thái quyết đoán của Bắc Kinh tại Biển Đông, bất chấp phản ứng của các láng giềng như Việt Nam hay Philippines, cũng như của Mỹ và Nhật.
Đối với các nhà quan sát, bước leo thang quan trọng mới nhất của Trung Quốc tại Biển Đông là quyết định - được trình bày là của tỉnh Hải Nam, nhưng thực ra là của ê kíp Tập Cận Bình – thông qua vào cuối năm 2013, nhưng bắt đầu có hiệu lực từ đầu tháng 01/2014.
Theo các quy định này, thì kể từ nay, tàu bè nước ngoài, nếu muốn vào hoạt động đánh cá hay nghiên cứu thủy sản trong vùng Biển Đông mà Trung Quốc cho là thuộc chủ quyền của họ, đều phải xin phép trước, bằng không sẽ bị chặn bắt, công cụ bị tịch thu, chủ tàu bị phạt nặng.
Trung Quốc tung tàu tuần duyên và tàu hải quân xuống tuần tra và tập trận ở Biển Đông
Về hình thức thì luật lệ mới này không có gì đáng nói, nhưng vấn đề then chốt là vùng biển mà Trung Quốc cho là của họ lại bao trùm gần như toàn bộ Biển Đông, nằm bên trong đường lưỡi bò mơ hồ mà họ đơn phương vẽ ra để đòi quyền kiểm soát, bất chấp các tuyên bố chủ quyền ngược lại của các láng giềng.
Và để cho thấy là họ thực sự là chủ nhân vùng Biển Đông, chính quyền Trung Quốc liên tiếp cho tàu lớn nhỏ xuống tuần tra tại vùng Biển Đông, cả tàu tuần duyên lẫn tàu quân sự, không chỉ ở vùng quần đảo Hoàng Sa gần Hải Nam mà cả tại khu vực Trường Sa. Hải quân Trung Quốc cũng liên tục tập trận thị uy trong vùng 
Ví dụ mới nhất là chuyến tuần tra – và tập trận – tại Biển Đông từ ngày 20/01 đến ngày 25/01/2014 của một đội tàu bao gồm ba chiến hạm hiện đại của Hải quân Trung Quốc, do Tư lệnh Hạm đội Nam Hải đích thân chỉ huy.
Các hành động quyết đoán trên đây của Trung Quốc dĩ nhiên đã bị nhiều nước phản đối, đặc biệt là Philippines và Việt Nam, hai quốc gia thường xuyên bị Bắc Kinh đánh giá là « kỳ đà cản mũi » đối với chiến lược bành trướng của Trung Quốc tại Biển Đông.
Tuy nhiên nếu Philippines đã có những phản ứng dứt khoát, tức thời trước các động thái của Bắc Kinh, thì cách phản đối của Việt Nam lại chậm và thận trọng hơn. Phải hai ngày sau khi có thông tin về quy định của tỉnh Hải Nam liên quan đến tàu cá nước ngoài, Việt Nam mới có phản ứng.
Ngày 10/01/2014, Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Việt Nam Lương Thanh Nghị cho rằng hành động của Trung Quốc « bất hợp pháp và vô giá trị, xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam ở Biển Đông ». Phía Việt Nam do đó đã yêu cầu Trung Quốc « hủy bỏ những việc làm sai trái nói trên ».
Hé mở cánh cửa cho kỷ niệm 40 năm ngày Hoàng Sa bị Trung Quốc chiếm đóng
Ngoài phản ứng ngoại giao nhắm thẳng vào Trung Quốc kể trên, giới quan sát đặc biệt ghi nhận sự kiện chính quyền Việt Nam hé mở cánh cửa cho việc kỷ niệm 40 năm trận đánh Hoàng Sa vào năm 1974, khi Trung Quốc xua quân chiếm nốt phần quần đảo do chính quyền Việt Nam Cộng Hòa vào lúc ấy kiểm soát.
Gọi là hé mở vì các sinh hoạt kỷ niệm đã bị hạn chế, thậm chí lễ kỷ niệm dự trù tại Đà Nẵng, nơi có huyện đảo Hoàng Sa, đã bị hủy vào giờ chót vì lý do « kỹ thuật ». Bên cạnh đó, có tin là một số bài phân tích về sự kiện này cũng bị từ chối đăng, cho dù báo chí đã được quyền công khai đề cập đến sự kiện này.
Đối với Giáo sư Ngô Vĩnh Long, một quan sát viên kỳ cựu về Trung Quốc và Biển Đông thuộc Đại học Maine Hoa Kỳ, phản ứng của Việt Nam trước các động thái mới nhất của Trung Quốc tại Biển Đông quá thận trọng, nếu không muốn nói là yếu ớt so với tầm mức nghiêm trọng của tình hình.
Trong một bài phỏng vấn dành cho Ban Việt Ngữ RFI vào cuối năm ngoái, Giáo sư Long đã từng tỏ ý quan ngại về sự kiện Biển Đông bắt đầu dậy sóng trở lại sau một thời gian ngắn yên tĩnh, đặc biệt là đối với Việt Nam.
Phải chứng tỏ rằng Việt Nam là nước tôn trọng luật quốc tế chứ không như Trung Quốc
Đối với giáo sư Ngô Vĩnh Long, hành động leo thang tranh chấp mà Bắc Kinh vừa thể hiện qua quyết định nhắm vào tàu cá nước ngoài đi vào Biển Đông nằm trong một chiến lược rộng lớn hơn của Trung Quốc nhằm thôn tính cả vùng biển rộng lớn này, mà nước bị thiệt hại nhiều nhất chính là Việt Nam.
Để đối phó với âm mưu ngày càng lộ rõ của Trung Quốc, các phương thức đấu tranh thận trọng hiện hữu sẽ không mang lại hiệu quả, mà Việt Nam cần phải dứt khoát hơn, minh bạch hóa và công khai hóa chính sách Biển Đông của mình, chứng tỏ rõ ràng với thế giới rằng Việt Nam là một quốc gia tôn trọng luật lệ quốc tế, trái với các hành vi phi pháp của Trung Quốc.
Trả lời phỏng vấn của RFI, Giáo sư Long đã lấy làm tiếc rằng phía Việt Nam đã không khéo tranh thủ dịp kỷ niệm 40 năm ngày Trung Quốc dùng võ lực chiếm Hoàng Sa để tố cáo trước quốc tế ý đồ của Bắc Kinh sử dụng vùng lãnh thổ bị họ cưỡng chiếm làm địa bàn khai triển chiến lược khống chế toàn khu vực, nêu rõ là Hoàng Sa không đơn thuần là là một vấn đề song phương Việt Nam Trung Quốc, mà liên quan đến an ninh toàn khu vực và thế giới.
http://www.viet.rfi.fr/viet-nam/20140127-de-chong-trung-quoc-tai-bien-dong-viet-nam-can-chinh-sach-minh-bach-va-dut-khoat

'Ngân hàng VN đang ngoài vòng pháp luật'
Thứ hai, 27 tháng 1, 2014 


Huỳnh Thị Huyền Như nhận án tù chung thân.
Tòa tại Việt Nam vừa tuyên án tù với hàng chục bị cáo trong vụ án Huỳnh Thị Huyền Như, được gọi vụ lừa đảo lớn nhất trong lịch sử ngành ngân hàng Việt Nam.
Chuyên gia tài chính Bùi Kiến Thành bình luận về phán quyết này cũng như tình trạng mà ông gọi là hệ thống ngân hàng Việt Nam đang hoạt động ngoài vòng pháp luật.
BBC: Ông có ngạc nhiên khi tòa ra phán quyết trách nhiệm cá nhân thay vì trách nhiệm ngân hàng với lập luận là ngân hàng “không biết” [hoạt động lừa đảo]?
Theo tôi thì ngân hàng [VietinBank] hoàn toàn có trách nhiệm chứ làm sao nói rằng đó là chuyện cá nhân được. Ngân hàng phải có nhiệm vụ quản lý nhân sự của mình. Một người thực sự là giám đốc của một chi nhánh mà làm những việc như thế thì thanh tra kiểm tra ở đâu mà để xảy ra những việc như vậy. Bây giờ nói là việc cá nhân là không được. Nền tư pháp Việt Nam phải làm tốt hơn nữa.
"Việt Nam thì nói là không có tam quyền phân lập. Thế thì nghĩa là tư pháp phải nghe theo lệnh của ông khác để xử."
Sẵn đây cũng nói là hiện ở Việt Nam việc tổ chức nhà nước chưa được hoàn chỉnh. Việt Nam thì nói là không có tam quyền phân lập. Thế thì nghĩa là tư pháp phải nghe theo lệnh của ông khác để xử lý thì như vậy sao được.
Tư pháp, hành pháp và lập pháp không thực sự phân lập ra để khi xử lý một việc lớn thì có tính khách quan trong đấy. Tòa án ở Việt Nam có nhiều vấn đề lắm, không riêng gì vụ này. Tòa án Việt Nam chưa có hoàn toàn độc lập. Còn riêng về vụ này mà các ông xử thế thì các ông nên suy nghĩ lại, nghiên cứu lại về cơ sở pháp l‎ý về hoạt động của ngân hàng chứ còn nói như vậy là không có chính xác.
BBC: Nhìn rộng ra VietinBank cũng chịu sự quản lý và kiểm tra của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) thì phải chăng NHNN cũng có trách nhiệm liên đới?
Mở bằng chương trình nghe nhìn khác
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam có trách nhiệm theo dõi đôn đốc quản lý của các ngân hàng thương mại, không chỉ riêng VietinBank mà còn bao nhiêu ngân hàng thương mại khác đều chịu sự kiểm soát, kiểm tra thanh tra của NHNN, mà các nước khác gọi là ngân hàng trung ương, thì việc đấy rõ ràng là có vấn đề.
Vai trò ngân hàng trung ương quản lý ở đâu? Còn VietinBank là ngân hàng lớn thì anh làm sao lại để việc lớn như vậy xảy ra với nhân viên của anh. Ra tòa anh từ chối thì chuyện từ chối trách nhiệm là chuyện không thể chấp nhận được. Cho nên phải xem lại cả hệ thống ngân hàng chứ không riêng gì VietinBank.
Trong 10 năm nay hoạt động của hệ thống ngân hàng Việt Nam hoàn toàn không có sự quản lý chặt chẽ. Lãi suất huy động mười mấy, hai chục phần trăm, rồi cho các doanh nghiệp vay tới hai mươi mấy phần trăm là không thể chấp nhận được. NHNN phải quản lý mặt bằng lãi suất như thế nào cho nền kinh tế phát triển ổn định bền vững chứ không thể bơm lãi suất độc hại như thế để giết chết doanh nghiệp, do đó phải nghiêm túc và nhanh chóng hoàn chỉnh việc quản lý hệ thống ngân hàng.
BBC: Thủ tướng Việt Nam cũng nói về điều ông gọi là tái cơ cấu hệ thống ngân hàng Việt Nam, theo ông động thái đó có đi đến điều mà người ta mong muốn hay không?
 "Trách nhiệm ở Trung ương là thế nào, trách nhiệm của Chính phủ là sao, trách nhiệm của nhà cầm quyền tối cao là Bộ Chính trị là như thế nào? Anh có biết hay anh không biết? Nếu anh không biết thì cực kỳ nguy hiểm và nếu anh biết mà anh vẫn để xảy ra như thế thì lại còn nguy hiểm hơn."
Chuyên gia Tài chính Bùi Kiến Thành
Tôi là chuyên gia chứ không phải chính trị gia. Ông Thủ tướng nói thế là với tính chất Thủ tướng Chính phủ, một nhà chính trị lãnh đạo của một đất nước. Hai việc đấy nó khác nhau. Còn nếu hỏi tôi về phương án tái cấu trúc hệ thống ngân hàng Việt Nam như hiện nay thì tôi có thể trả lời thẳng thắn, với tư cách là một chuyên gia, là chúng ta chưa làm một cái gì cả, chúng ta chưa đạt được cái gì cả. Hệ thống ngân hàng Việt Nam hiện nay đang hoạt động ngoài vòng pháp luật, không tôn trọng điều khoản của luật về vấn đề lãi trần cho vay, vân vân.
Mọi chuyện rất đáng trách, NHNN ở đâu mà không xử lý các việc vi phạm của cả hệ thống ngân hàng như thế? Đưa đến nợ xấu tràn lan, chiếm tới 15%-17% tổng dư nợ là như thế nào? Đồng thời tạo điều kiện để giết chết hàng vạn, hàng chục vạn doanh nghiệp với lãi suất độc hại hai mươi mấy phần trăm là như thế nào?
Tức là anh có biết rõ trách nhiệm và quyền hạn của một ngân hàng trung ương hay không? Hay là anh không biết? Không thể nào lại có ngân hàng trung ương mà để xảy ra hoạt động trong hệ thống ngân hàng thương mại mà chúng ta thấy như thế trong cả 10 năm nay được. Do vậy quản lý ngân hàng ở Việt Nam nó có vấn đề từ gốc của nó chứ không phải là một trường hợp riêng lẻ.
BBC: Giới quan sát nói rằng một trong các nhóm lợi ích chính là ngân hàng vì ngân hàng đẻ ra ra các công ty hay doanh nghiệp “sân sau” hay còn gọi là sở hữu chéo. Vậy nếu không xử lý những vấn đề nhùng nhằng thì làm sao có thể giải quyết được bình ổn kinh tế vĩ mô?
"Ở Việt Nam ai chẳng biết có sở hữu chéo, ai chẳng biết những ngân hàng nhỏ nhỏ đang làm loạn lên và đưa nền kinh tế đến suy thoái kinh khủng."
Tình trạng ấu trĩ của hệ thống ngân hàng Việt Nam là một. Việc thiếu nghiêm túc, thiếu thanh tra kiểm tra của ngân hàng nhà nước thì mới để xảy ra những việc như thế thì chúng ta phải xem lại xem trách nhiệm ở đâu và phải xử lý người nào có trách nhiệm đấy.
Ở Việt Nam ai chẳng biết có sở hữu chéo, ai chẳng biết những ngân hàng nhỏ nhỏ đang làm loạn lên và đưa nền kinh tế đến suy thoái kinh khủng.
Tất cả các việc đấy là việc của NHNN quản lý mà anh lại không quản lý để đưa đến tình trạng kinh tế bất ổn rồi đấm lưng nhau rồi vỗ ngực nhau khen thưởng nhau trong lúc cả nền kinh tế đang chết thì thế là như thế nào. Phải xem lại các việc làm từ mấy năm nay và cần coi lại tại sao để lãi suất cao ngất ngưởng như vậy. Và từ cấp tối cao cho những cấp ở dưới phải xem lại tại làm sao để có những việc như thế.
Ai chịu trách nhiệm? Trách nhiệm ở đâu? Trách nhiệm ở Trung ương là thế nào, trách nhiệm của Chính phủ là sao, trách nhiệm của nhà cầm quyền tối cao là Bộ Chính trị là như thế nào? Anh có biết hay anh không biết? Nếu anh không biết thì cực kỳ nguy hiểm và nếu anh biết mà anh vẫn để xảy ra như thế thì lại còn nguy hiểm hơn.
Do đó chúng ta nên nhân cơ hội này đặt lại cả vấn đề là trách nhiệm của ai trong việc hoạt động không có tôn trọng luật pháp, không tôn trọng qui định của thế giới về hoạt động ngân hàng, không tôn trọng quyền lợi của nhân dân Việt Nam và cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam rằng họ cần phải phát triển. Anh để xảy ra những việc như thế là sao? Ai trách nhiệm đây? Đó là những vấn đề ta cần phải suy nghĩ và đặt câu hỏi.
http://www.bbc.co.uk/vietnamese/business/2014/01/140127_phong_van_bui_kien_thanh.shtml

No comments:

Post a Comment

Nhân quyền và bạo quyền

VTV-[Trang Lê Mới Nhất] chửi từ nhà ra phố, Trọng Lú sợ vỡ mật

https://www.youtube.com/results?search_query=Trang+L%C3%AA+%28B%C3%A0+Ngo%E1%BA%A1i%29

Featured Post

Lisa Pham Vấn Đáp official-16/1/2025

Popular Posts

My Blog List