Tôn giáo CHXHCNVN.
VIỆT NAM - NHÂN QUYỀN -
Bài đăng : Thứ tư 19 Tháng Ba 2014 - Sửa đổi lần cuối Thứ năm 20 Tháng Ba
2014
Vụ xử người H’Mông Tuyên
Quang có dấu hiệu đàn áp ''tín ngưỡng''
Người H'Mông ở nhiều tỉnh phía Bắc về Hà Nội để tố cáo bị đàn áp với chính quyền trung ương, cuối tháng 10/2013. Ảnh : Facebooker Trần Thị Cảm Thanh.
DR
Trọng Thành RFI
Cuối năm 2013, dư luận xôn xao về vụ bắt giữ hàng loạt người H’Mông, theo « đạo » ông Dương Văn Mình, được biết đến chủ yếu như một người kêu gọi thực thi một « nếp sống mới » trong tập tục ma chay, mà nhiều người H’Mông tin và
làm theo. Bắt đầu từ giữa tháng 3/2014, những người bị bắt trong vụ án lần lượt bị đưa ra tòa. Vụ bắt bớ quy mô lớn, với những cái án nặng nề đã ban hay chuẩn bị ban ra, cho thấy chính quyền đang lúng túng,
chưa tìm ra được một lối ứng xử văn minh dựa trên đối thoại và tôn trọng nhân quyền trước một xã hội dân sự đang trưởng thành.
Ngày 14/3/2014, ông Hoàng Văn Sang, bị cáo đầu tiên, bị kết án 18 tháng tù giam. Hôm qua 18/3 phiên tòa xét xử bị cáo thứ hai, ông Thào Quán Mua, bị dời lại ngày 27/3, cùng
lúc với việc hàng trăm người H’Mông có mặt để phản đối trước tòa án huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang. Vào ngày mai 20/03, sẽ có phiên tòa xét
xử hai ông Dương Văn Tu và Lý Văn Dinh. Tất cả bốn bị cáo, do Luật sư Trần Thu Nam bào chữa, đều bị buộc tội theo điều 258 Bộ Luật Hình sự, điều luật thường được sử dụng để đàn áp quyền tự do ngôn luận, tự do tư tưởng. Ngoài ra, còn
có các ông Lý Văn Hầu, Hoàng Văn Páo
(cùng ở Tuyên Quang) và ông Vừ A Sự (Cao Bằng), bị bắt giữ từ cuối năm ngoái, cũng
sắp bị đưa ra xét xử.
Các vụ bắt bớ nói trên diễn ra từ tháng 10 đến tháng 11/2013,
tiếp theo đợt hàng trăm người H’Mông đồng loạt xuống Hà Nội, tố cáo lên chính quyền trung ương tình trạng trấn áp nặng nề mà họ phải chịu tại địa phương. Trước đó ít lâu, theo
chúng tôi được biết, có một công văn (ngày 07/06/2013) của Ban Tôn giáo chính phủ (Bộ Nội vụ), gửi lãnh đạo bốn tỉnh miền núi phía Bắc, Cao Bằng, Bắc Cạn, Tuyên Quang và Thái Nguyên yêu cầu ngăn chặn các hoạt động, đặc biệt là việc xây dựng các « nhà đòn » (tức nhà tang lễ), « trái pháp luật, trái phong tục tập quán của dân tộc Mông », của cái gọi là « tổ chức Dương Văn Mình », mà Ban Tôn giáo không thừa nhận là « tổ chức tôn giáo hợp pháp ».
Đánh đồng hoạt động thay đổi phong tục của những người tin theo ông
Mình với hoạt động của một tổ chức tôn giáo « chưa được công nhận », cơ quan chuyên trách
về tôn giáo của chính quyền Việt Nam đã cung cấp thêm một trong các văn bản pháp lý định hướng và hợp thức hóa cho các trấn áp nhắm vào các hoạt động của những người tin theo ông Dương Văn Mình. Theo một số nhà quan sát, bằng việc tự dành cho mình quyền xác định phong tục nào là « tốt đẹp », phong tục nào không, hệ thống chính trị ở Việt Nam đã và đang
can thiệp sâu rộng vào đời sống xã hội dân sự nhằm điều khiển nó theo ý chí và
chủ trương của những người cầm quyền. Quyền tự do tin tưởng và tự do của các công dân
liên hiệp thành các nhóm dân sự độc lập, tự quản, tự quyết, bị khống chế và được nhào nặn làm sao có lợi cho giới lãnh đạo. Những người H’Mông tin theo ông Dương Văn Mình, tự cải tổ phong tục, tập quán mà không
thông qua sự chỉ đạo của hệ thống chính quyền từ trên xuống, bị nhìn nhận như những kẻ đối địch với Nhà nước.
Ở đây, một số nhà nghiên cứu ghi nhận sự bất bình đẳng vô cùng lớn giữa công dân thuộc dân tộc đa số, người Kinh, với công dân thuộc các dân tộc thiểu số. Trong lúc, Nhà nước để cho các hoạt động tập thể mang tính « tâm linh » hay « tín ngưỡng » ở người Kinh diễn ra một cách hết sức thoải mái, sôi động, đến mức các tệ nạn bùng phát không thể kiểm soát nổi (đặc biệt tại nhiều tụ điểm tín ngưỡng truyền thống nổi tiếng hay nạn « ngoại cảm » đầy tai tiếng...), thì đối với nhiều dân tộc ít người, cụ thể như trong trường hợp người H’Mông, chính quyền lại không khoan thứ cho một quá trình cải tổ phong tục mang tính ôn
hòa, vì lo ngại mất khả năng kiểm soát. Hệ thống pháp luật về tôn giáo, tín ngưỡng ở Việt Nam hiện đang dung dưỡng những tình trạng bất bình đẳng nghiêm trọng, giữa dân tộc đa số với các dân tộc thiểu số, giữa các tổ chức tôn giáo « thân chính quyền » và các tổ chức tôn giáo « độc lập », giữa các tổ chức tôn giáo lớn với các nhóm tín ngưỡng hay tâm linh mới ra đời… Pháp lệnh tôn giáo, tín
ngưỡng (năm 2004) có mở ra một đột phá tạo điều kiện cho một số tổ chức tôn giáo lâu đời được « đăng ký » hay được « công nhận », nhưng về bản chất vẫn là một công cụ cai quản, hơn là một nền tảng pháp lý bảo đảm cho quyền tự do « tín ngưỡng » của mỗi công dân. Trong khi đó, khái niệm « tín ngưỡng » thường xuyên được giải thích như là các thực hành thờ cúng tập thể mang tính truyền thống lâu đời, hơn là niềm tin hướng về cái thiêng liêng ở mỗi con người, mà ở đó nhiều niềm tin được gây dựng trên cơ sở đoạt tuyệt với cái cũ.
Vụ bắt bớ quy mô lớn, với những cái án nặng nề đã ban hay chuẩn bị ban ra, nhắm vào một nhóm người H’Mông ở đây – dường như không làm điều gì quá đáng, ngoài việc mong muốn tự chọn cho mình một lối sống mà họ cảm thấy phù hợp - cho thấy chính quyền đang lúng túng, chưa tìm ra được một lối hành xử văn minh dựa trên đối thoại và tôn trọng nhân quyền đối với một xã hội dân sự đang trưởng thành, không chấp nhận núp bóng các thế lực chính trị, muốn tiếp tục tìm mọi cách duy trì quyền cai quản trên toàn xã hội.
RFI đặt câu hỏi với Luật sư Trần Thu Nam, Trưởng Văn phòng luật sư Tín Việt và cộng sự (Hà Nội), và ông Lý Văn
Dũng (Tuyên Quang), một người tin và làm theo « nếp sống mới » do ông Dương Văn Mình truyền bá:
|
« Hình sự hóa » sai phạm hành chính, can thiệp vào quyền tự do tin tưởng
RFI : Xin Luật sư cho biết các quan điểm của cơ quan tố tụng về vụ án những người H’Mông theo ông
Dương Văn Mình, cũng như tinh thần chính trong phần bào chữa của Luật sư ạ ?
Luật sư Trần Thu Nam : Tôi nhận định trong vụ án này có nhiều sự liên quan, tuy là
các vụ án độc lập, nhưng tất cả đều là người H’Mông, và đều liên quan đến cái mà Nhà nước gọi là « tổ chức Dương Văn Mình ». Và họ bị khởi tố sau khi xây dựng các « ngôi nhà đòn », ngôi nhà bé mà người dân tộc để những đồ thờ cúng. Sau khi xây
dựng những cái đó xong,
thì họ có chống đối Nhà nước (khi bị cưỡng chế - ndr)… Ngoài ra, còn liên quan đến một số vấn đề như phát triển, chính sách kinh tế…, như không nhận thóc giống trợ cấp của Nhà nước, rồi không cho học sinh đi học, rồi không nhận tiền trợ cấp cho học sinh… Vì vậy, Nhà nước cho rằng đấy là chống đối, gây mâu thuẫn trong các chính
sách của Nhà nước với các dân tộc, chia rẽ đoàn kết nội bộ… Đấy là các cáo buộc của Nhà nước.
Về phần mình, tôi cho rằng, việc mọi người làm như thế, nếu có sai, nó chỉ liên quan đến sai trong hành
chính, trong việc sử dụng đất đai thôi, chứ không có sai về hình sự. Việc xây dựng tuy nhiên là chưa có giấy phép, và đất đai không phải của những người xây dựng, mà do xã quản lý.
Còn việc theo một tín ngưỡng, theo một đạo nào đó, thì đấy là quyền của họ, quyền tự do của họ thôi. Còn việc xây những cái nhà như vậy, không mang tính chất trục lợi, hoặc nhằm thu một lợi nhuận nào, tôi nghĩ đấy chỉ là một « nếp sống mới » thôi.
Quan điểm của hai bên là như vậy.
« Nếp sống mới » của ông Dương Văn Mình đi trước « Nếp sống mới » của Nhà nước
RFI : Về quan điểm « nếp sống mới », thì dường như bản thân Nhà nước cũng có một quan điểm về « nếp sống mới », mà nó cũng không khác xa lắm với quan điểm của những người theo ông Dương Văn Mình, vậy thì vì sao lại có một sự « xung khắc » như vậy ?
Luật sư Trần Thu Nam : Việc này liên quan đến chuyện ông Dương Văn Mình đưa ra một số hành động, mà ông gọi là « nếp sống mới », bỏ ma để mà làm những việc « văn hóa hơn » so với nếp sống cũ. Tuy nhiên,
Nhà nước cho rằng tín ngưỡng của ông ấy chưa được công nhận, cho nên là khi
(người H’Mông) theo tín ngưỡng của ông ấy, thì có sự chống đối, không cho con
em đi học, không nhận thóc giống, rồi mất đoàn kết với nhau…
Mỗi bên suy nghĩ một khác, không đơn thuần chỉ là việc xây dựng « trái phép » cái nhà đòn, mà liên quan đến câu chuyện « chính sách » của Nhà nước. Bên Tòa án, bên
Viện (Kiểm sát) và bên Công an cho rằng như thế là rất nguy hiểm.
Còn tôi, tôi nghĩ đơn giản, họ vi phạm đến đâu, xử lý đến đó. Họ vi phạm xây dựng, thì chỉ xử lý xây dựng, còn những câu chuyện kia, thì những người đang bị xét xử này, họ đâu có nghĩ ra những cái đạo đó ?! Chuyện họ theo cái đạo nào, thì họ có quyền lựa chọn thôi !
Ở đây, nói về « đạo » (hiểu theo nghĩa tổ chức « tôn giáo ») thì cũng
chưa đúng, nói về « tín ngưỡng » thì cũng không đúng, vì ông Dương Văn Mình có « khai » là đây không phải là một tín ngưỡng (có tổ chức - ndr), cũng
không phải là một cái đạo (hay « tổ chức tôn giáo »), mà là một số thủ tục mới mà ông ấy nghĩ ra, ai theo
thì theo, không theo thì thôi. Ông ấy nói thế, những người này họ tin những điều ông ấy nói, cho nên họ làm theo, nếu xử họ… (theo luật hình sự - ndr) thì tôi cho là quá nặng so với những việc mà họ làm.
RFI : Thưa Luật sư, còn chuyện nhiều người H’Mông theo ông
Dương Văn Mình không nhận lúa giống, không cho học sinh đi học… thì có đúng là
đã xẩy ra không ?
Luật sư Trần Thu Nam : Có danh sách những học sinh bỏ học, rồi không nhận… Nhưng bà con người ta nói rằng, đấy là do Nhà nước tuyên truyền, nói nhiều quá, họ nhức đầu, rồi là « nói xấu » họ, nên họ không nhận. Có những sự việc này một phần nào, nhưng đó là do những bất đồng giữa… với bà con thôi. Chứ nó không liên quan gì đến chuyện đạo cả ! Tôi nghĩ như thế.
RFI : Xin anh cho biết về cái gì ở ông Dương Văn Mình khiến nhiều người H’Mông đi theo ?
Anh Lý Văn Dũng : Dân tộc H’Mông này, thì từ thời xa xưa trước năm 1989, chưa hề biết gì về đạo. Ngày xưa, dân tộc H’Mông có thờ cúng ma, và khi
có người chết, thì phải mổ trâu bò, phải cúng 7 ngày, 7 đêm. Con cháu phải ngồi xung quanh với xác chết để ăn và ngửi mùi hôi thúi trong 7 ngày, 7 đêm mới đem xác chết đi chôn. Đến năm 1989, chú Dương Văn Mình phổ biến và đổi mới cho bà con H’Mông rằng là « hết thế kỷ thờ cúng ma » rồi, bà con không
nên thờ cúng ma nữa, tang gia không nên mổ trâu bò cho người chết, mà chỉ nên để lại người chết trong vòng 24 tiếng, rồi đưa đi chôn. Và phổ biến cho bà con rằng là mọi người nên biết yêu thương nhau và không
nên phân biệt dân tộc, kỳ thị dân tộc khác.
Nhưng về phía chính quyền, thì chính quyền cho rằng chú Dương Văn Mình dạy cho bà con như vậy, bỏ cái phong tục cổ hủ, không thờ cúng ma, thì chính quyền cho rằng đó là một « tà đạo », một tổ chức bất hợp pháp, nên dùng lực lượng cưỡng khống chế bà con trong suốt 25 năm qua. Bắt những người H’Mông phải ký giấy bỏ đạo và không được tin theo đạo ông Dương Văn Mình phổ biến, bắt bà con phải quay lại mổ trâu bò và những thủ tục cổ hủ như ngày trước, thì bà con không chịu.
Chính quyền muốn người H’Mông quay lại « một phần » tập quán cũ
RFI : Xin anh cho biết thêm, trong thời gian vừa qua, chính quyền Việt Nam cũng có
chính sách phổ biến nếp sống mới trong việc cưới việc tang đến nhiều khu vực, không biết rằng chính sách đó
có đến với vùng H’Mông mình
không ?
Anh Lý Văn Dũng : Những cái đó chính
quyền cũng có phổ biến đến, nhưng đi chậm hơn cái Đổi Mới của chú Dương Văn Mình.
Đáng lý ra thì chú Dương Văn Mình phải được khen thưởng, nhưng lại bị chính quyền bắt đi tù (trong
khoảng thời gian từ 1990 đến 1995). Từ năm 1989, chính quyền chưa hề có cái thông
tin và điều khoản giảng dậy cho bà con là việc tang và lễ phải rút gọn, không nên kéo
dài trong nhiều ngày.
Những chính sách đó (của Dương Văn Mình) đi đúng theo chính quyền, nhưng mà đúng ra là
chú Dương Văn Mình phổ biến trước, nói chung là chú ấy đi trước, đáng nhẽ phải được « bằng khen », nhưng mà lại bị xử phạt.
Chú Dương Văn Mình chỉ giảng dậy bà con không uống rượu, không hút thuốc, không cờ bạc, cũng theo đúng như những lời giảng dậy của chính quyền. Thì họ lại cho rằng chú Mình là một tà đạo, một phái đạo bất hợp pháp, không có giấy phép để làm theo đạo đó. Hiện nay, chính quyền mới dùng biện pháp truyền thông trên loa
đài rằng, bà con bỏ hết phong tục tập quán của dân tộc, tin theo « mê tín dị đoan » của ông Dương Văn Mình, thì chính quyền bắt phải quay lại một phần các tập tục cũ, thờ cúng lại tổ tiên, rồi mổ trâu bò. Họ (chính quyền) nói ra mồm thì thành chính sách, còn như đồng bào nói ra thì coi như không có.
RFI : Xin
anh cho biết việc chính quyền bắt quay lại một phần tập tục cũ, thì cụ thể việc này ai đứng ra hướng dẫn, và ai thực hiện ?
Anh Lý Văn Dũng : Họ in thành văn bản, và họ nói rằng (…) đạo Dương Văn Mình không
thể để tồn tại, và những kẻ nào tin theo ông Dương Văn Mình sẽ bị xử lý theo pháp luật của Nhà nước. Những người dân tộc H’Mông đã Đổi Mới, mà không thờ cúng ma, thì hiện nay khi chính quyền đưa ra chính sách như vậy, dân tộc đồng bào chắc chắn sẽ không quay lại phong tục cổ hủ mổ trâu giết bò nữa.
Thực chất đạo của Dương Văn Mình là
chỉ dậy con người sống lành mạnh và yêu thương nhau, dựa trên lòng bác
ái, vì có con đường trước mặt đi theo làm đúng, con người không nên làm
cái ác, mà nên làm cái thiện. Cái của Dương Văn Mình chỉ dậy có như vậy thôi. Nhưng mà chính quyền nói ông Mình là một người « lừa đảo », một người nọ, người kia… Thực tế mà bà con bốn tỉnh phía Bắc mà bỏ các phong tục cổ hủ đi, thì hiện nay đó là văn
minh nhất cho người H’Mông. Nên là người H’Mông sẽ không bao giờ bỏ cái đạo đó, mà vẫn luôn tin, và đi
theo con đường đó, và khiếu nại một cách ôn hòa với chính quyền Việt Nam.
Mong ước bác ái và giấc mơ về một thế giới không tiếng oán thán
RFI : Trong
« đạo » mình, thì có sách vở hướng dẫn hay không, hay chỉ là truyền miệng ?
Anh Lý Văn Dũng : Trong việc tang lễ, thì có một cây thập tự, một con chim én, một con cóc và một con ve sầu, làm bằng gỗ, để đưa tiễn người chết. Và có những bài hát để đưa tiễn, tượng trưng cho nỗi nhớ của con cháu, với tiếng khóc, tiếng oán than để đưa tiễn người chết và chầu linh hồn.
Cây thập tự, như em được biết, chỉ là một cái cung tiễn ma (tức linh hồn). Con chim én là
phục vụ cho biểu tượng đưa linh hồn người chết về Trời. Còn con cóc biểu tượng thay cái trống, con ve sầu thì tượng trưng cho tiếng kêu, tiếng khóc để đưa tiễn người chết. Chỉ có như vậy thôi, xin thưa.
RFI : Nói xa hơn, thì những người theo đạo của ông Dương Văn Mình nghĩ
như thế nào về cái thế giới bên kia đó ?
Anh Lý Văn Dũng : (…) Quan niệm của mình thì người chết về với Chúa. Nói chung
đạo của chú Dương Văn Mình thì
cũng phổ biến (phổ quát hay hướng đến tất cả mọi người - ndr), gần như Kitô giáo, nhưng không phải Kitô giáo, gần như Công giáo, nhưng không phải Công giáo. (…) Hình dung về Chúa trời, thì (…) theo lời của chú ấy, chú ấy nói rằng làm thế này để bà con tiến triển hơn, văn minh hơn, còn người ta khi chết thì chim én đưa linh hồn về Trời với Chúa, về một thế giới không có một tiếng khóc oan ức, không có một tiếng oán thán, sẽ là một cuộc sống bình yên, không
như ở cái thế giới này. Nghe chú ấy phổ biến như vậy.
Tất cả mọi người, chỉ cần ai có niềm tin thì đều được đến cái thế giới đó. (…) Đạo mình không hề có nghi thức gì, chú ấy chỉ nói rằng, tất cả mọi người ở trên thế giới này sinh ra đều là con của Chúa, chú ấy chỉ nói như vậy thôi. (…) Lúc em
bắt đầu hiểu biết, em có nghe chú ấy nói một câu rằng, "trên Trời có 9 con rồng, dưới Đất có 7 con hổ, mong rằng mọi người trên thế giới này đều dựa trên lòng bác ái
để yêu thương nhau, giúp đỡ lẫn nhau, để giúp cái thế giới này không bị lật đổ và biển không dâng".
Hiện nay, chú ấy đương bị bệnh và đương điều trị ở Hà Nội. Tâm nguyện của chú ấy là tất cả những người như mục sư, hay giám mục, hay những người đi đạo, mà hiểu biết về đạo, thì chú ấy mong họ tới gặp và chú ấy sẽ trao đổi về cái đạo của chú ấy, để những người ấy thực sự biết là Dương Văn Mình là như thế nào. Cái tâm nguyện đó không biết có được hoàn thành hay không.
Người H’Mông có thể kiện, cái khó là tư pháp ở Việt Nam không minh bạch
RFI : Xin
luật sư cho biết thêm, liệu các bị cáo và những người H’Mông theo ông
Dương Văn Mình có thể khiếu nại lại các cấp chính quyền trong vụ án này không ?
Luật sư Trần Thu Nam : Đối với vụ án hình sự, nếu như xác định là không có tội, thì chúng ta có
quyền khởi kiện để chứng minh là không có tội, để yêu cầu bồi thường thiệt hại đã gây ra. Nhưng ở Việt Nam, thì ta biết rồi, đối với một số vụ án, thì có thể khởi kiện được, chứng minh được. Còn những vụ án theo « đường lối, chính sách », thì tôi e rất là khó làm được việc ấy. Bởi vì khởi kiện thì phải khởi kiện ra tòa án, mà ở Việt Nam có một nguyên tắc là có sự phối hợp giữa các cơ quan tiến hành tố tụng, mà tòa án thì
cũng phải theo sự chỉ đạo của Đảng. Nói chung là việc đó khó có thể thực hiện được.
RFI : Luật sư nói rất rõ, đây có thể là một vụ án hình sự hóa một vi phạm hành chính. Nhưng có thể nói, bên lề của vụ án này, thì rất nhiều người dân theo ông Dương Văn Mình, họ ghi nhận một thực tế, tức là họ bị phân biệt đối xử, và họ bị truy bức (cưỡng bức từ bỏ) về niềm tin. Như vậy, song song với việc phản đối vụ án này, họ có thể khởi kiện riêng để phản đối việc đối xử của các cơ quan chính quyền đối với họ được không, nếu căn cứ trên pháp luật Việt Nam hiện hành ?
Luật sư Trần Thu Nam : Nói chung là họ có quyền làm bất cứ điều gì họ muốn, nhưng còn kết quả đi đến đâu, thì tôi chưa dám khẳng định được. Ở Việt Nam mọi cái nó không rõ
ràng minh bạch được, nên tôi nghĩ rằng mọi cái đều khó cả.
RFI : Như vậy, vấn đề là sự minh bạch, mọi thứ lại quy về chuyện đó, có đúng
không ạ ?
Luật sư Trần Thu Nam : Đúng rồi.
RFI xin chân thành cảm ơn Luật sư Trần Thu Nam và anh
Lý Văn Dũng.
No comments:
Post a Comment
Nhân quyền và bạo quyền