Monday, March 3, 2014

Thấy gì từ hai cú lừa đầu năm



Thấy gì từ hai cú lừa đầu năm

 

Đặng Vũ Chấn

        Cùng tác giả:

         xem tiếp

Có hai sự kiện khá nổi bật vào đầu năm 2014 mà thoạt trông người ta thấy rất tích cực từ giới cầm quyền.
Trước tiên là thông điệp đầu năm của Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng. Thông điệp này nghe rất khoái lỗ nhĩ: nào là phải đổi mới thể chế phát huy mạnh mẽ quyền làm chủ của nhân dân; nào là Nhà nước pháp quyền phải thượng tôn pháp luật. Pháp luật phải bảo đảm được công lý và lẽ phải. …. Người dân có quyền làm tất cả những gì pháp luật không cấm và sử dụng pháp luật để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình. Cơ quan nhà nước và cán bộ, công chức chỉ được làm những gì mà pháp luật cho phép. Mọi quyết định quản lý của Nhà nước đều phải minh bạch…..Phải mở rộng dân chủ trực tiếp và hoàn thiện cơ chế bầu cử Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp. Sớm thực hiện thí điểm Nhân dân trực tiếp bầu Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã …. Đồng thời, phải hoàn thiện cơ chế phản biện xã hội, tăng cường sự tham gia của người dân vào quá trình xây dựng chính sách và lựa chọn cán bộ. Nâng cao chất lượng hoạt động chất vấn của Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp và trách nhiệm giải trình của người đứng đầu cơ quan hoạch định chính sách……Sự phối hợp giữa các cơ quan lập pháp, hành pháp, tư pháp phải trên cơ sở bảo đảm tính độc lập theo chức năng được phân công và yêu cầu kiểm soát lẫn nhau, bổ trợ cho nhau theo quy định của pháp luật….v.v…
Và cũng trong tháng 1/2014, lần đầu tiên, truyền thông lề đảng đồng loạt tung ra loạt bài có vẻ trìu mến vinh danh các chiến sĩ VNCH đã hy sinh trong trận hải chiến bảo vệ Hoàng Sa năm 1974, thậm chí phỏng vấn các quả phụ của họ và những chiến sĩ hải quân VNCH đã tham chiến và còn sống. Chánh quyền Đà Nẵng còn rầm rộ chuẩn bị lễ tưởng niệm trận Hoàng Sa 1974.

 
Những người nhiều kinh nghiệm với giới cầm quyền CSVN không mấy hồ hởi phấn khởi trước những sự kiện trên và đã cảnh giác nhau chuẩn bị tinh thần rằng coi vậy mà sẽ không phải vậy, vì đã quá biết khả năng chuyên nói một đằng làm một nẻo mà chính ông thủ tướng đồng chí X đã chứng minh qua những câu nói xanh rờn khi mới lên nhậm chức: “Tôi không thích sự giả dối,…. Nếu không trừ được tham nhũng tôi sẽ từ chức… “. Và người ta cũng không quên chiêu lừa bịp mới đây của nhà cầm quyền khi lên giàn giá cho dân góp ý sửa đổi Hiến Pháp thả giàn “không có vùng cấm” để rồi những góp ý xây dựng thẳng thắn của bao nhân sĩ trí thức đều bị lơ đi, thậm chí còn bị Tổng Bí Trọng lên án là tha hoá; và Hiến Pháp mới về cơ bản vẫn như cũ với lời khẳng định “đã được sự đồng tình của tuyệt đại đa số nhân dân” (Chắc chắn đến độ không cần bỏ phiếu thăm dò!)

 
Thế nhưng đây là lần đầu tiên một lãnh đạo CSVN nói đến chuyện cần phải đổi mới thể chế, một ý tưởng đụng vào vùng cấm cốt lõi của chế độ, và lần đầu tiên truyền thông lề đảng, và ngay cả chính thủ tướng CSVN, chính thức vinh danh sự hy sinh để bảo vệ biển đảo Hoàng Sa của các chiến sĩ hải quân Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa, một thành phần dân tộc mà từ trước đến nay CSVN vẫn coi và đối xử như là địch, ngụy, v.v.... Cho nên không ít người dân, dù không tin hẳn, nhưng vẫn không khỏi khấp khởi hy vọng về một thay đổi tích cực nào đó trong tư duy của giới cầm quyền.

 
Rồi những gì xẩy ra sau đó, chúng ta đã biết.

Khi sát tới ngày tưởng niệm hải chiến Hoàng Sa, truyền thông lề đảng được lệnh tắt tiếng về chủ đề này. Tại Đà Nẵng lễ tưởng niệm trận Hoàng Sa tưởng là sẽ trang trọng, ngày chót bị huỷ bỏ. Sinh hoạt tưởng niệm của người dân tại công viên Lý Thái Tổ bị phá đám bởi công an chiếm trước công viên, giả dạng thợ cắt đá bụi tung mù. Nhà nước tuỳ tiện cấm ông Phạm Chí Dũng xuất cảnh để tham dư hội thảo quốc tế tại Liên Hiệp Quốc theo lời mời của UN Watch, dù ông này không vi phạm một luật lệ nào cả và không có luật nào cấm ông xuất cảnh. Các bloggers và khuôn mặt đấu tranh vẫn bị hạch sách tuỳ tiện áp giải vào đồn công an, người dân vẫn bị cấm và ngăn chặn vào tham dự các phiên toà được gọi là công khai mở ra cho quần chúng; v.v…

 
Sự ứng xử của Đảng và Nhà nước CSVN ở trên càng củng cố niềm tin của người dân vào câu nói nổi tiếng của cựu tổng thống VNCH Nguyễn Văn Thiệu: "Đừng nghe những gì CS nói mà hãy nhìn những gì CS làm”. Người dân bây giờ không còn ngạc nhiên mà coi đó là chuyện bình thường đương nhiên khi thấy Đảng và Nhà Nước nói một đàng làm một nẻo. Điều này có thể làm cho những người chống cộng vui khi thấy càng ngày càng nhiều người hoàn toàn mất tin tưởng vào đảng và nhà nước CSVN, đến độ coi sự dối trá, lật lọng của CS là chuyện bình thường.

 
Nhưng nếu nhìn trên quan điểm Canh Tân con người và đất nước về lâu về dài, thì đây lại là điều đáng lo ngại phải cảnh giác. Khi mà ta coi sự tráo trở dối trá, nói một đàng làm một nẻo, dù của bất cứ ai, là chuyện bình thường đến độ làm ta dửng dưng, thì có nghĩa là ta đang dần chấp nhận nó và đang dần thay đổi giá trị luân lý đạo đức của mình theo chiều hướng tiêu cực đi xuống. Và khi sự bình thường hoá này trở thành phổ quát lâu dài, sự tráo trở dối trá len lỏi vào rồi trở thành một đặc tính văn hoá dân tộc. Cho nên nếu không muốn dân tộc Việt ta có những nét văn hoá suy đồi tha hoá, thì không thể coi thái độ ứng xử nói một đàng làm một nẻo của CSVN là chuyện bình thường mà là chuyện đáng phẫn nộ phải lên án. Và nếu vì lý do nào đó không thể hay không dám bày tỏ sự phẫn nộ bất bình của mình, thì ít nhất ta cần truyền đạt với con cháu trong nhà rằng sự gian dối tráo trở như đảng CSVN là những hành vi phản đạo đức làm xấu con người

 
Ngoài ra khi nhìn lại hai cú lừa đầu năm trên, ta thấy dù giới cầm quyền CSVN làm một nẻo khác với gì họ nói, nhưng ít ra họ đang phải nói theo những gì người dân đã từng hô hào cổ võ từ bấy lâu nay: đổi mới thể chế và vinh danh các chiến sĩ VNCH quyết thủ Hoàng Sa. Đây là những điều mà họ vẫn cố thủ coi là vùng cấm, nhạy cảm. Đang từ tư thế một đảng và Nhà nước luôn đóng vai trò chủ đạo bắt dân đi theo mình, không phải tự dưng mà họ lại biết ít nhất nói theo những gì người dân muốn nghe. Đây chính là kết quả, dù mới sơ khởi, của bao nỗ lực đồng loạt lên tiếng qua nhiều hình thức khác nhau của những người dân đã vượt thắng được sự sợ hãi bạo lực chuyên chế để tạo áp lực lên chế độ. Thực thế ta đang thấy người dân không còn chờ đợi sự chỉ đạo hay cho phép của nhà cầm quyền mà đang vượt lên trước nhà nước khiến bên cầm quyền bắt đầu phải chạy theo đối phó hay vuốt theo. Điều này được thấy rõ qua sự nẩy sinh gần đây của nhiều nhóm xã hội dân sự không cần xin phép nhà nước và qua mặt trận truyền thông. Báo đài lề đảng nhiều lúc đã phải thích ứng chạy sát theo bên lề dân vì không thể không đề cập đến nhiều vấn đề “nhậy cảm” mà trước đây họ đã bưng bít tránh né. Điều trên cho thấy dân ta có khả năng làm chủ thật sự đất nước mình vì có tiềm năng kéo nhà cầm quyền theo hướng dân muốn dù có tất nhiên gặp cản lực của bộ máy đương quyền. Thấy rõ được tiềm năng này, chúng ta sẽ tự tin hơn để mà rủ nhau đông đảo thực hành tinh thần “Người Dân Phải Đi Trước, Nhà Nước sẽ theo sau, Đổi Thay Tất Mau Tới”.

 
Bảo tồn những giá trị luân lý đạo đức dân tộc thời trước Cộng sản, và xây dựng củng cố sự tự tin vào khả năng ép kẻ nắm quyền theo ý hướng của dân tức cũng là vun đắp nền móng cho một xã hội dân chủ thực sự và cho công cuộc canh tân đất nước mai sau.

Đặng Vũ Chấn


Chôn xuống rồi lại đào lên!


                 Khai tử báo Sài Gòn Tiếp Thị rồi khai sinh một tờ cùng tên khác

SÀI GÒN  (NV) - Tờ bán tuần báo Sài Gòn Tiếp Thị ở Sài Gòn vừa bị khai tử nhưng lại được cho sống lại với một “cơ quan chủ quản” mới và một bộ biên tập mới. Điều này gây ra các cuộc tranh
luận sôi nổi về số phận một tờ báo thuộc loại hàng đầu ở thành phố này.

Ông Nguyễn Xuân Minh, quyền tổng biên tập, đọc quyết định đình bản báo SGTT trước toàn thể nhân viên, phóng viên vào sáng 28.2.2014 - (Hình: Blog Tễu)

Ngày 28/2/2014, quyền tổng biên tập tờ Sài Gòn Tiếp Thị (SGTT) là Nguyễn Xuân Minh họp toàn thể nhân viên đọc quyết định ra lệnh đình bản sau khi đã hoàn tất số báo cuối cùng đề ngày 28/2/2014 với các lời chia tay độc giả và các sự chia sẻ của độc giả, thân hữu cũng như khách hàng quảng cáo.

Tờ Sài Gòn Tiếp Thị có “cơ quan chủ quản” là Trung Tâm Xúc Tiến Thương Mại và Đầu Tư của UBND thành phố Sài Gòn hoạt động phục vụ thông tin thời sự từ năm 1995 đến nay vừa nhận cái lệnh “thu hồi giấy phép hoạt động báo chí” của Bộ Thông Tin và Truyền Thông (TTTT). Lệnh bắt đình bản này của Bộ TTTT (còn gọi là 4T) ký ngày 26/2/2014 được quyền tổng biên tập Nguyễn Xuân Minh đọc cho toàn thể khoảng 100 nhân viên của tờ báo mà nhiều người không cầm được nước mắt.

Lý do rút giấy phép hoạt động được ông thứ trưởng Bộ 4T Trương Minh Tuấn ký trên văn bản  viện dẫn là “do cơ quan chủ quản Báo đề nghị cho phép ngừng hoạt động vì không đủ điều kiện tài chính”. Tức là cái bộ của ông “vô can” khi khai tử nó trong khi có nhiều lời bàn tán về nguyên ủy chính trị của quyết định.

Tuy nhiên, cùng với việc khai tử tờ báo này thì tờ Thời Báo Kinh Tế Sài Gòn loan tin “Báo Sài Gòn Tiếp Thị sẽ tiếp tục xuất bản và số đầu tiên của bộ mới sẽ ra mắt độc giả vào ngày 3 tháng 3 sau số cuối cùng của bộ cũ phát hành vào hôm nay 28-2. Sáng nay 28-2, UBND thành phố đã công bố giấy phép của Bộ Thông tin và Truyền thông ký ngày 26-2, cho phép Nhóm Thời báo Kinh tế Sài Gòn tiếp tục xuất bản ấn phẩm Sài Gòn Tiếp Thị, với tần suất 3 số mỗi tuần như trước (thứ Hai, thứ Tư và thứ Sáu).”

Tại sao vừa khai tử rồi lại khai sinh ngay một tờ báo cùng cái tên như vậy? Chôn xuống rồi lại đào lên ngay tức thì, phải có những lý do bên trên những gì được giải thích.

Theo tin tức, toàn bộ nhân viên từ trên xuống dưới của tờ SGTT (gọi là bộ cũ) từ biên tập đến trị sự, quảng cáo, sẽ bị thất nghiệp trừ một người duy nhất được cho làm ở tờ SGTT (bộ mới). Người ta đặt dấu hỏi là nếu vì lý do tài chính thua lỗ, tại sao không cho khai tử luôn mà lại  giao cái tờ báo này cho một “cơ quan chủ quản” khác, tức là giao cho Sở Công Thương của thành phố.

Từng có những lời bình luận trên các diễn đàn điện tử về lý do muốn loại bỏ toàn bộ những người làm ở tờ SGTT (bộ cũ) vì bị coi là bọn “cứng đầu”. Dù là một tờ báo có cái tên như thuần túy thông tin thương mại, lại có nhiều bài viết nhạy cảm chính trị, đụng cả tới ông thủ tướng hoặc cả mối quan hệ Việt Nam với Trung quốc.

Trong cuộc phỏng vấn của tờ Thanh Niên hôm Thứ Sáu 28/2/2014, ông Nguyễn Xuân Minh nhìn nhận trước đây “có dư luận” như vậy, nhưng khi ông tổng biên tập Nguyễn Tâm Chánh bị mất chức mà ông lên thay thì “đội ngũ của SGTT cũng ngồi lại, rút ra bài học để tự điều chỉnh chuyện này”.

Về chuyện tài chính, theo ông Minh nói trong cuộc phỏng vấn, trước đây thì có lỗ và mang số nợ 50 tỉ đồng mà hàng tháng phải trả tiền lời với lãi suất có khi lên đến 24% nên “mình làm bao nhiêu ngân hàng, nợ giấy, nợ in nuốt đến đó” dù “mấy năm gần đây báo có lãi”.

Tin tức cho hay nhóm điều hành tờ SGTT đã đề nghị bán tài sản là trụ sở của tờ báo tậu mãi được nhờ những năm khấm khá thời trước nhưng lại không được chấp thuận. Trong cuộc phỏng vấn, ông Minh cho hay “Thời Báo Kinh Tế Sài Gòn đang giữ phương án tái cấu trúc của chúng tôi và có lẽ theo hướng đó”.

Nếu đúng vậy, người ta hiểu việc khai tử rồi lại khai sinh ngay tờ SGTT với một “cơ quan chủ quản” khác thật sự chỉ là muốn loại trừ những người đang làm tờ báo này. Hồi Tháng 10-2012, có tin tờ SGTT bị “thanh tra toàn diện” bị gọi là “làm rõ: thực hiện tôn chỉ, mục đích của  báo”.

Năm 2009, nhân dịp kỷ niệm 30 cuộc chiến biên giới Việt Trung, tờ SGTT đăng tải bài ký sự “Biên Giới Tháng Hai” của tác giả Huy Đức. Bài viết gồm hai phần thì mới lên được phần đầu đã bị lệnh phải rút xuống. Toàn bộ 2 bài được tác giả bỏ lên blog Osin của ông. Hai tháng sau thì ông lại “đụng” gia đình ông thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khi viết về cưỡng chế đất trồng cao su ở tỉnh Bình Dương, trong đó dính đến bà Tâm là “chị hai của thủ tướng”. Đến tháng 8/2009 thì Huy Đức bị ép nghỉ việc và bị thu hồi thẻ ký giả.

Không riêng gì Huy Đức, một số bài viết của các tác giả khác cũng đụng vào những vấn đề “nhạy cảm” khi đứng về phía quần chúng bị trị, không phải những ông bà quan quyền cậy thế. Khi bùng nổ vụ anh em ông Đoàn Văn Vươn bắn súng hoa cải đầu năm 2012, tờ SGTT cũng giống như hầu hết các tờ báo “lề phải” đưa thông tin vụ việc chứng tỏ nhà cầm quyền từ xã tới huyện và thành phố đã cưỡng chế trái luật, đẩy người dân vào cùng đường đến nỗi phải phản ứng.

“Tên tuổi của SGTT gắn với đội ngũ những người khai sinh và gầy dựng tờ báo từ năm 1995 và SGTT đã luôn được bạn đọc tin cậy và đón nhận. Chúng tôi sẽ tiếp tục phát huy thế mạnh đó”, bà Trần Thị Ngọc Huệ, tổng biên tập tờ Thời Báo Kinh Tế Sài Gòn, tờ báo được giao cho làm tờ SGTT “bộ mới” được dẫn lời nói khi loan tin thay đổi bộ biên tập.

Trên các tấm hình khai tử tờ SGTT “bộ cũ”, người ta thấy có một số vòng hoa tang phúng viếng cái chết của một tờ báo được độc giả quý mến. Các trang mạng loan tin này với rất nhiều lời bình luận của độc giả, thân hữu bùi ngùi và thương cảm cho những người làm báo ở Việt Nam không thể đứng thẳng lưng nếu muốn bưng bát cơm ăn ngày hai bữa. (NT)



Ông Trương Duy Nhất không có tội!

Ls Nguyễn Văn Đài


nhà báo tự do Trương Duy Nhất

Ngày 4 tháng 3 tới đây, nhà báo tự do Trương Duy Nhất sẽ bị Tòa án thành phố Đà Nẵng đưa ra xét xử sơ thẩm. Viện kiểm sát tối cao đã truy tố ông với tội danh “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân” được qui định tại điều 258, khoản 2 của bộ luật Hình sự.

Được khen, không được chê?

Sau khi đọc kỹ bản cáo trạng được đăng tải trên Internet, với kiến thức và kinh nghiệm của một luật sư đã hoạt động nhiều năm trong lĩnh vực nhân quyền. Tôi đưa ra những đánh giá riêng của mình về vụ án này như sau: 

Thứ nhất, các quyền tự do, dân chủ mà ông Trương Duy Nhất sử dụng là quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí. Các quyền này được qui định tại điều 69 Hiến pháp 1992 và tại điều 25 của Hiến pháp 2013. Bởi vậy, đây là các quyền hiến định của công dân. Công dân Việt Nam có quyền sử dụng các quyền để bày tỏ sự tin tưởng, quan điểm ủng hộ các chính sách, đường lối của Đảng Cộng sản, Chính phủ nếu họ cho là đúng và phù hợp.

Đồng thời mọi công dân cũng có quyền sử dụng các quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí để bày tỏ sự không tin tưởng hay phê phán, đả kích, chính sách, đường lối của Đảng, Chính phủ nếu họ thấy không phù hợp. Dù là ủng hộ hay phê phán thì đó là quyền hợp hiến và hợp pháp của công dân.

Thông thường, nếu mọi công dân đều sử dụng quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí để bày tỏ quan điểm ủng hộ Đảng và Chính phủ thì sẽ không bao giờ bị sách nhiễu và trừng phạt, thậm trí còn được khuyến khích và ban thưởng. Do vậy không cần thiết phải qui định quyền các quyền tự do, dân chủ này trong Hiến pháp.

Thực tế, đa số công dân sử dụng các quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí để bày tỏ sự không tin tưởng, quan điểm phản đối, phê phán Đảng và Chính phủ, Nhà nước. Bởi vậy, các quyền tự do, dân chủ này được Hiến pháp qui định và bảo vệ tức là bảo vệ những người muốn bày tỏ các quan điểm không tin tưởng và không ủng hộ chính quyền.

Khi các công dân sử dụng các quyền hiến định của mình để bày tỏ quan điểm ủng hộ hay phản đối một cách công khai thì không thể bị gọi là “lợi dụng” như trong điều 258 của bộ luật Hình sự đã qui định. Điều 258 qui định “Người nào lợi dụng các quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí,…xâm phạm lợi ích của Nhà nước, ...” là không phù hợp và trái với Hiến pháp Việt Nam.

Điều 258 bộ luật Hình sự là một điều luật hết sức mơ hồ, nhằm trừng phạt những công dân khi họ sử dụng các quyền tự do, dân chủ để bày tỏ các quan điểm chính trị đối lập với Đảng Cộng sản. Đó là sự phân biệt đối xử về chính trị, luật pháp với công dân Việt Nam có quan điểm đối lập với chính quyền.

Điều 258 của bộ luật Hình sự đã vi phạm Hiến pháp, xâm hại và hạn chế đến các quyền tự do, dân chủ của công dân Việt Nam. Do vậy, theo Hiến pháp Việt Nam 2013, những điều luật vi hiến đó phải bị loại bỏ. Trong khi chưa kịp loại bỏ thì không được áp dụng để gây bất lợi cho công dân Việt Nam.

'Có quyền chỉ trích Đảng'

Thứ hai, Đảng Cộng sản cầm quyền, Chính phủ, các quan chức Nhà nước đều phải chịu sự giám sát của mọi công dân. Các chính sách, đường lối của Đảng, Chính phủ, Nhà nước có thể phù hợp, đem lại lợi ích cho một số công dân nào đó và được họ tin tưởng, ủng hộ nhưng lại có thể gây thiệt hại cho rất nhiều công dân khác, hoặc những công dân đó thấy không phù hợp, thì đương nhiên họ có quyền sử dụng các quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí để bày tỏ sự không tin tưởng hay phê phán, chỉ trích.

Đảng Cộng sản, quan chức Chính phủ, Nhà nước có thể được một số nhóm công dân tin tưởng và ủng hộ. Nhưng cũng có rất nhiều nhóm công dân khác, trong đó có ông Trương Duy Nhất và tôi không còn tin tưởng và ủng hộ. Chúng tôi cho rằng Đảng Cộng sản, quan chức Chính phủ, Nhà nước không đủ năng lực, uy tín để quản lý và điều hành đất nước. Chúng tôi có quyền sử dụng quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí để phê phán, chỉ trích. Đó là quyền của chúng tôi do Hiến pháp qui định. Trên thế giới này, không có đảng cầm quyền nào, chính phủ, nhà nước nào hoàn hảo tới mức được 100% người dân tin tưởng và ủng hộ.

Thứ ba, thực tế là trong cả thập kỷ vừa qua, Đảng Cộng sản, Chính phủ và Nhànước Việt Nam đã và đang lãnh đạo, quản lý đất nước rất yếu kém trong mọi lĩnh vực. Những hậu quả đang diễn ra mà bất kỳ ai cũng có thể thấy được như: tham nhũng là quốc nạn; quy hoạch, xây dựng giao thông không phù hợp dẫn đến ách tắc, tai nạn giao thông làm chết và bị thương hàng chục ngàn người dân mỗi năm; năng lực yếu kém trong quản lý, kiểm soát hàng hóa tiêu dùng, thực phẩm giả, kém chất lượng, có chứa các chất độc hại làm thiệt hại đến tính mạng, sức khỏe của mọi người dân, mỗi ngày có 200 người chết vì ung thư;… - không thể liệt kê hết được những yếu kém của Đảng Cộng sản và Nhà nước Việt Nam.

Bởi vậy, ông Trương Duy Nhất sử dụng quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí để phản ánh, phê phán, chỉ trích những yếu kém trong quản lý và điều đất nước của Đảng Cộng sản và chính quyền là hoàn toàn phù hợp với thực tế khách quan đã và đang diễn ra ở Việt Nam. Đó không chỉ là quyền hợp hiến, hợp pháp của ông Trương Duy Nhất mà ông còn thể hiện lương tâm và trách nhiệm của ông với nhân dân và Tổ quốc Việt Nam.

Bởi vậy, Viện KSTC căn cứ vào 12 bài viết của ông Trương Duy Nhất để truy tố ông theo điều 258 bộ luật Hình sự là không phù hợp và trái với Hiến pháp Việt Nam năm 1992 và 2013.




No comments:

Post a Comment

Nhân quyền và bạo quyền

VTV-[Trang Lê Mới Nhất] chửi từ nhà ra phố, Trọng Lú sợ vỡ mật

https://www.youtube.com/results?search_query=Trang+L%C3%AA+%28B%C3%A0+Ngo%E1%BA%A1i%29

Featured Post

Lisa Pham Vấn Đáp official 30/4/2024

Popular Posts

My Blog List