Wednesday, March 26, 2014

Các nhà hoạt động "đưa nhân quyền VN ra thế giới"

Các nhà hoạt động "đưa nhân quyền VN ra thế giới" 
Cùi Các - Phạm Lê Vương Các


Trong một chiến lược đưa vấn đề nhân quyền Việt Nam ra thế giới, một trang tin bằng Anh ngữ mang tên Vietnamrightnow ra đời nhằm cung cấp và phổ biến thông tin về tình trạng nhân quyền tại Việt Nam vào đúng dịp Liên Hiệp Quốc kỷ niệm cho ngày của “Quyền được biết” 24/3.

Sự ra đời của trang tin nhân quyền này đúng vào ngày giỗ lần thứ 88 của cụ Phan Châu Trinh - người đã đề xướng tư tưởng nhân quyền và dân quyền đầu tiên tại Việt Nam.

Theo như tuyên bố, Vietnam right now được thành lập bởi một mạng lưới xuyên quốc gia của các nhà hoạt động và các tổ chức xã hội dân sự độc lập trong và ngoài nước.

Nói về lý do ra đời, Tiến sĩ Nguyễn Công Huân cho biết "chúng tôi đã thực hiện rất nhiều bài thuyết trình và báo cáo về nhân quyền trên các diễn đàn quốc tế, nhưng điều đó là không đủ để cho thế giới hiểu đầy đủ về những gì đang diễn ra ở đất nước chúng tôi".

Qua đó ông Huân nhận định, Vietnam right now sẽ đóng một vai trò quan trọng và cần thiết trong thời điểm này để cung cấp tin tức và tập hợp dữ liệu về tình hình nhân quyền Việt Nam, là một trong các quốc gia có tình trạng nhân quyền tồi tệ nhất thế giới.

Cảm hứng từ Irrawaddy

Qua việc phân tích dữ kiện và ghi nhận lại những gì đang xảy ra tại Việt nam, sau đó phổ biến bằng tiếng Anh ra thế giới, tiến sỹ Huân còn cho biết "chúng tôi hy vọng biến dự án này thành một nỗ lực chung của người Việt trên toàn thế giới nhằm khắc phục tình trạng vi phạm nhân quyền nghiêm trọng đang diễn ra trong nước."

Có cùng tiếng nói với tiến sỹ Huân, Luật sư Trịnh Hữu Long cho biết "các nhóm nhân quyền ở các nước Đông Nam Á đều có trang web tin tức và dữ liệu bằng tiếng Anh".

Lấy dẫn chứng từ trang Irrawaddy của Miến Điện mà luật sư Long đánh giá là "đã có đóng góp rất nhiều vào quá trình cải cách ở nước này”.

Được biết, Irrawaddy là một trang tin bằng Anh ngữ được thành lập vào năm 1993 bởi các nhà hoạt động trẻ của Miến Điện.
Những người này buộc phải chạy sang Thái Lan để trốn khỏi cuộc đàn áp của chế độ quân phiệt ở Miến Điện trong cuộc nổi dậy dân chủ năm 1988. Tại đây, các nhà hoạt động này đã thành lập Irrawaddy để loan báo với cộng đồng quốc tế về những tội ác xảy ra tại quê hương của họ.

Với sự năng động và lòng nhiệt huyết của các nhà hoạt động trẻ, tờ Irrawaddy nhanh chóng thu hút được sự chú ý của cộng đồng thế giới tập trung đến Miến điện vào thời điểm mà khu vực Đông Nam Á đang tồn tại khá nhiều chế độ độc tài toàn trị vi phạm nhân quyền đáng báo động.

Sau gần 20 năm ghi lại tất cả các vụ vi phạm nhân quyền của chính quyền Miến Điện để loan báo ra thế giới, họ đã góp phần làm nên lộ trình đi tới dân chủ cho Miến Điện như ngày hôm nay.

Đưa thế giới đến Việt nam

Sau khi Miến điện cải cách đi đến dân chủ, những nhà hoạt động ở Việt nam đang có hy vọng thu hút được sự chú ý của thế giới vào tình hình tại Việt Nam.
Vietnam right now được mở ra như là “cánh cổng đưa thế giới đến với Việt nam hiện tại”, bằng cách “cung cấp thông tin khách quan, chính xác, và kịp thời về tình hình chính trị-xã hội tại Việt Nam”.


Đóng góp vào những tiếng nói đầu tiên cho Vietnam Right Now, một nhà hoạt động nổi bật là Luật sư Lê Công Định trong một cuộc trả lời phỏng vấn hiếm hoi kể từ khi ra tù, phát biểu trên web này rằng: “Tại Việt Nam người giàu có thể mua công lý bằng cách trả tiền hối lộ cho các thẩm phán để có một kết quả của phiên tòa mà họ muốn thấy.... 

Phòng xử án bây giờ trở thành một nơi bán đấu giá, nơi mà bất cứ ai trả giá cao nhất thì sẽ có cơ hội tốt hơn để giành được chiến thắng pháp lý”.

Một khi hệ thống tư pháp không còn là nơi bảo vệ cho công lý, mà là nơi bao che và tiếp tay cho các hành vi chà đạp vào phẩm giá con người, thì tiếng gọi công lý sẽ được chuyển tải tới cộng đồng quốc tế.

Đây là một biểu hiện khách quan khi mà các tiếng nói đóng góp cho chính quyền không được tôn trọng.

Mở đầu cho chiến lược này là “Tuyên bố xóa bỏ điều luật 258” được các bạn trẻ trong nước mang đến Văn phòng Cao ủy Nhân quyền , cùng với đó là các cuộc gặp gỡ tiếp xúc với các cơ quan ngoại giao như EU, Thụy Điển, Đức... để loan báo thực trạng nhân quyền tại Việt Nam, qua đó vận động quốc tế áp lực lên chính quyền để xóa bỏ các điều luật nhằm hạn chế quyền con người.

Và cũng là lần đầu tiên các hội đoàn xã hội dân sự từ trong nước sang Gieneva đóng đóp tiếng nói của mình vào quá trình Kiểm điểm Định kỳ Phổ quát Nhân quyền dành cho chính quyền Việt Nam tại trụ sở của Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc.

Hay mới đây nhất là hai buổi “Cafe nhân quyền” diễn ra tại Sài Gòn và Hà Nội với sự tham dự của báo chí quốc tế và các cơ quan ngoại giao là chỉ dấu cho thấy thế giới đang cần thông tin, cũng như sự ủng hộ nhiệt thành cho các phong trào nhân quyền Việt Nam.

Bên cạnh đó, nhiều người đã biết đưa câu chuyện của mình lên báo chí quốc tế, cũng như sử dụng đến cơ chế nhân quyền của Liên Hiệp Quốc để bảo vệ cho các hoạt động nhân quyền của mình.
Từ các hoạt động này cho thấy, các phong trào nhân quyền đã biết vận dụng tối đa sự ảnh hưởng và hỗ trợ của cộng đồng quốc tế trong vấn đề thúc đẩy và bảo vệ nhân quyền cho Việt Nam.

Quốc tế đáp lời 

Sau nhiều năm, cộng đồng thế giới bắt đầu tỏ ra hoài nghi cho tính hiệu quả từ việc “đối thoại nhân quyền” với chính quyền Việt Nam qua con đường ngoại giao.

Các cam kết cải thiện nhân quyền được nhà cầm quyền đưa ra không đồng hành cùng các biện pháp tổ chức thực hiện, mà thay vào đó là sự bóp nghẹt các quyền tự do dân chủ của người dân.

Từ việc đối thoại, giờ đây thế giới đã có phần mệt mỏi cho quá trình này và đã bắt đầu tính đến việc “trừng phạt”.
Các "Dự luật nhân quyền ViệtNam" được đưa ra như là biểu thị thái độ quyết liệt đối với các hành vi vi phạm nhân quyền có hệ thống, được các dân biểu từ các quốc gia đệ trình lên Quốc hội nhằm trừng phạt chính quyền Việt Nam.

Trong đó tiêu biểu là Dự luật HR 4254 vừa mới được công bố, với các biện pháp trừng phạt nhắm vào các quan chức chính quyền bao gồm ngăn chặn tài sản, hạn chế hoặc cấm giao dịch tài chính cá nhân, và nhập cảnh vào Hoa Kỳ.

Dự luật này còn nêu rõ, không chỉ những quan chức có tên trong danh sách vi phạm nhân quyền bị trừng phạt, mà cả những người thân trong gia đình của họ có thể không được nhập cảnh hoặc di trú vào Hoa Kỳ, không được nhận nhập cư hợp pháp trong bất kỳ tình trạng nào, kể cả lý do du học hoặc đủ điều kiện tài chánh để định cư.

Có thể nhiều quan chức Việt nam cho rằng đây là những Dự luật “dở hơi” vì một đời họ và người thân của mình không cần đến Mỹ. Nhưng dù gì thì nó cũng sẽ là một gánh nặng tâm lý và đè bẹp thanh danh đến muôn đời.

Nếu Liên minh Châu Âu cùng chung tay góp sức như Dự luật này, thì điều đó đồng nghĩa với việc các quan chức Việt Nam vi phạm nhân quyền sẽ “kết thúc hy vọng đi tới tương lai”, cũng như cánh cổng bước vào thế giới văn minh sẽ bị đóng lại đối với họ.

Qua đó minh chứng cho một điều xác thực rằng, tương lai của cộng đồng nhân loại sẽ không dung thứ cho bất kỳ hành vi vi phạm nhân quyền nào mang tính hệ thống từ quan chức chính quyền nhắm vào người dân.

nguồn: http://cuicac.blogspot.dk/2014/03/


Thăm anh Nguyễn Hữu Cầu 
 Thân Văn Trường 

Mục sư Phạm Ngọc Thạch đã tới bệnh viện Bình An, nằm trên đường Nguyễn Trung Trực, TP. Rạch Giá vào 16h ngày 25/3/2014, để thăm cựu tù lương tâm Nguyễn Hữu Cầu. Cùng ngồi với chúng tôi bên anh Cầu là nhiều cán bộ an ninh mặc thường phục, nhưng theo lời giới thiệu của anh Cầu, các cháu CA đây là người nhà! 

Anh Cầu rất vui mừng tiếp rước chúng tôi, đang khi anh truyền nước biển. Anh Cầu đại úy, tôi thiếu úy, dù anh Quốc gia, còn tôi Việt cộng, nhưng tôi nói vui vậy anh là "sếp"của tôi, hôm nay tới thăm sếp tạm tai qua, nạn khỏi. Chúng tôi cùng cả cười trong niềm vui hòa bình, hòa giải và hòa hợp dân tộc. Thay mặt 3 triệu bộ đội miền bắc, tôi thành thật xin lỗi anh Cầu, về tai nạn gần 40 năm ngồi tù của anh.

Anh Cầu kể cho chúng tôi, lệnh đặc xá của anh, là thừa lệnh chủ tịch Trương Tấn Sang, khi ông
gọi về từ Nhật, để dọn đường cho VN vào TPP. 

Chúng tôi xin phép chụp chung vài tấm hình kỷ niệm sự đoàn tụ kẻ bắc, người nam và được cả nhà anh cầu vui vẻ đồng ý. Nhưng chưa kịp bấm máy, thì y tá đến cấm chụp làm tình hình căng thẳng. Nhóm an ninh và bác sĩ quây lại vào hùa cấm. Anh Thư (con gái anh Cầu) lớn tiếng phản đối lệnh cấm chụp hình bằng miệng. Và rồi có vẻ như tốp an ninh biết sợ và phần nào hiểu được nỗi bức xúc của thân nhân người tù xuyên thế kỉ, họ đành lòng vậy cho chúng tôi chụp một kiểu. 

Một viên an ninh trẻ trai và mang kính như sinh viên, lân la tiếp cận cuốn Kinh Thánh tôi vừa tặng anh Cầu. Chúng tôi cho an ninh biết họ tên mình, dù các anh khiếm nhã tiếp cận chúng tôi mà không hề giới thiệu danh tánh. Ms. Thạch cũng tặng cho 2 viên an ninh sách Jesus và khuyên lơn các anh an ninh sớm tin nhận Chúa.

Anh Cầu hát tặng chúng tôi một Linh khúc do anh sáng tác trong tù. Dù không nhạc đệm, nhưng anh hát bằng cả tấm lòng, làm chúng tôi xúc động muốn khóc. Chúng tôi cầu nguyện cho anh chia tay vì muốn để anh được nghỉ ngơi.
Dù gặp anh rất ít ỏi lại trong hoàn cảnh an ninh vây hãm, nhưng chúng tôi rất thỏa lòng vì chiến cuộc qua đi đã lâu mà nay anh em kẻ bắc, người nam mới được bắt tay nhau. 

Chúng tôi tiếp tục cầu nguyện cho anh và gia đình kinh nghiệm hạnh phúc đoàn viên.

Rạch giá, ngày 25/3/2014

Mục sư Thân Văn Trường

Tác giả gửi đến DienDanCTM



Ký sự - Viếng thăm Thầy Đinh Đăng Định 
Ký sự của Hồng Trung 

Xuống xe tại thị trấn Kiến Đức (tỉnh Đăk Nông) tôi nhìn đồng hồ là 2h30 sáng. Ngã ba trung tâm thị trấn chỉ còn lại vài quán bán ăn khuya bên vỉa hè dành cho khách vãng lai. 

Tôi chọn một quán vắng khách hơn, ngồi ăn khuya và nghĩ cách tìm vào nhà thầy Định một cách an toàn thuận lợi nhất. Qua video-clip trên mạng danlambao.com, trong đầu tôi còn ghi lại địa chỉ 214 Nơ Trang Long – khối phố 4. 

Ở giữa cái thị trấn mênh mông, khuya vắng, tôi không phán đoán được vị trí nhà thầy Định ở hướng nào để tôi bắt đầu đi tìm, vả lại xe hon đa ôm cũng không còn hoạt động.


Tôi biết, những thông tin liên quan tới thầy Định là rất nhạy cảm ở những tụ điểm trung tâm này, nên chỉ hỏi nhỏ cô chủ quán về tên con đường và khu phố 4. Sau khi trả lời, cô chủ quán còn hỏi lại tò mò muốn biết là tôi đi tìm nhà ai giữa lúc đêm tối khuya. Vì cần kiểm chứng địa chỉ nên tôi trả lời: “Nhà thầy giáo Định“. Đang rửa bát, nhưng cô vẫn quay lên nhìn tôi như nhìn những người khách khác biệt gì và nói “Thầy Định à!”.

 Cô nói tiếp: ”Thầy Định làm chính trị, chống đối nhà nước làm bô – xít nên bị công an bắt xử tù. Nghe nói là vào tù công an đánh nhiều lắm nên bị bịnh nặng nên nhà nước cho về nhà rồi và anh là gì của thầy Định?”. Tôi giả vờ không nghe để khỏi bị trả lời những câu hỏi bất lợi giữa chốn tai mắt của công an mật vụ và đúng lúc này bàn nhậu bên kia cũng bắt đầu im lặng lắng nghe cuộc chuyện bên này.

Tôi tìm cách thoát ra khỏi sự chú ý của mọi người vì ngại những trắc trở có thể xãy đến cho tôi - người khách lạ độc hành giữa đêm khuya vắng. Tôi bước đi nhưng trong lòng vẫn có chút niềm vui, vì có lẽ người dân ở nơi đây vẫn còn những bậc phụ học sinh xưng gọi thầy giáo Định bằng chữ “Thầy“ bằng thái độ biết “tôn sư trọng đạo“.

Dưới ngọn đèn cao áp, tôi cứ đi bộ chậm rãi mon men theo đường Nơ Trang Long để chống lại cái lạnh rét, lần dò theo số nhà bên chẳn theo thứ tự tăng dần và mong chờ trời sáng. Khoảng 4h, sự hoạt động của con người bắt đầu trở cho ngày mới. Người tập thể dục đi bộ, kẻ đi chợ lấy hàng về bán lẻ qua lại, lại qua, lòng tôi cũng giảm dần sự bất an vì bóng tối.

Cuối cùng tôi đến trước cổng một căn nhà gỗ, có diện mạo giống như căn nhà tôi xem trong video-clip, nhìn trông vào bên trong số nhà vẫn chưa thấy rõ vì tầm nhìn trên 10m, nhưng tôi vẫn đoán chắc là nhà của thầy Định. 

Căn nhà gỗ nhỏ, lụp xụp ở cuối con đường ngoài khu vực đông dân cư trông rất thôn dã. Ngồi chờ đến 5h giờ sáng, tôi mới gọi cửa. Bé Thảo (con của thầy) mới mở cửa để tôi vào nhà (vì đã được anh Trương Minh Đức báo trước là sẽ có tôi lên thăm).

Đưa tôi vào nhà, trong sự rón rén nhẹ nhàng để không ảnh hưởng đến giấc ngủ của cô thầy và những người khác. Tôi vào thẳng bên trong chỗ thầy nằm. Căn bệnh quái ác đã hành hạ thầy đau đớn, nên thầy không ngủ được nằm trăn trở và rên rỉ suốt đêm.

                                      Thăm Thầy Đinh Đăng Định (Ảnh: Hồng Trung)

Khi biết tôi đến thăm, thầy cố gắng gượng ngồi dậy nhìn tôi chưa nói được gì thì đã ra hiệu lấy bô cho thầy nôn mửa. Khoảng hơn một lít bệnh phẩm thầy ói ra, tôi thấy hoàn toàn là nước dịch dạ dày và máu hãy còn đỏ tươi. Thầy thốc ruột ói mửa từng cơn đau đớn. 

Thảo và cô Dinh ôm thầy mà khóc mà khiến tôi cũng não ruột. Sau khi được bé Thảo làm vệ sinh thân thể, thầy cầm tay tôi,nhìn tôi như muốn nói nhiều nhưng không nói được nhiều ngoài mấy lời mà tôi nhớ như in những giọng nói trong sự nấc quản: ”....Cảm ơn anh em đến thăm, nhưng... nhưng...an ninh không tốt đâu, hãy cẩn thận “... rồi thầy nằm xuống trở lại mà còn mang theo nỗi lo lắng an ninh cho tôi khi đến thăm thầy.

Tôi ngồi cạnh thầy, vừa xoa nắn tay thầy vừa quan sát bên trong căn nhà vừa ngẫm nghĩ. Căn nhà gỗ lợp tôn, vừa nhỏ vừa thấp như thế này thì sức nóng từ mái tôn tỏa nhiệt xuống thì làm sao thầy có thể nằm để an dưỡng bịnh. Cũng may, là ai đó trong gia đình sáng kiến nghĩ ra cách giảm nhiệt bằng những tấm xốp, cạc-tông chèn áp trên mái tôn. Gia tài, hiện vật trong nhà cũng chẳng có gì đáng giá hơn là kệ sách trong phòng thầy nằm. 

Chiếc ti vi, đời thượng cổ, chiếc xe máy hỏng hóc như cục sắt nằm choáng diện tích cả một góc nhà cũng chẳng đáng giá là bao. Vì tất cả vật dụng trong nhà đều cũ kỹ, nên cũng dễ dàng nhận ra chiếc tủ lạnh và chiếc quạt còn mới tinh chưa tróc tem, tôi cũng đoán biết là anh em, người thân hay ai đó đã hảo tâm quyên góp tặng thầy sử dụng những ngày còn lại cuối cùng trong đời.

Dù thầy không nói chuyện được gì nhiều, nhưng qua ánh mắt, biểu cử của thầy cùng với tâm sự của cô Dinh và bé Thảo, tôi biết là thầy gia đình không hề hối tiếc ân hận những gì thầy đã làm cho sự nghiệp đấu tranh dân chủ hóa đất nước, nhất là đồng thanh lên tiếng phản đối chính sách chủ trương cho Tàu khai thác Bô- xít Tây Nguyên; và bây giờ là bằng chứng thiệt hại kinh tế, môi trường và đe dọa an ninh quốc gia trước hiểm họa xâm lược Trung Quốc. 

Vợ và các con của thầy cũng đồng cảm với thầy mà không hề than vãn trách móc mà chỉ thấy xót thương khi nhìn thấy bố bị cơn đau hành hạ thể xác. Thầy chỉ mong sao, cuộc đấu tranh dân chủ sớm thành công để thế hệ con em mai sau được sớm hưởng được chính sách an sinh xã hội trong một nhà nước thật sự có nền dân chủ - tự do.

Ra khỏi cổng nhà, tôi nhìn lại căn nhà thầy và nhìn cả dãy nhà lân cận nơi cuối phố để làm phép so sánh mà lòng miên man nhưng suy nghĩ đến cuộc sống thanh bần của người nhà giáo đạo đức chân chính của thời xưa, và người nhà giáo của ngành giáo dục hôm nay mà báo chí vẫn thường phê phán. Thầy tuy nghèo nhưng thật giàu lòng nhân ái.

Viết từ Gia Lai (VN) ngày 24-3-2014
Hồng Trung (ĐVDVN)

                    Khung cảnh nhà của Thầy Đinh Đăng Định. Tháng 3/2014 (Ảnh VRNs)
Nguồn: www.dangvidan.net



No comments:

Post a Comment

Nhân quyền và bạo quyền

VTV-[Trang Lê Mới Nhất] chửi từ nhà ra phố, Trọng Lú sợ vỡ mật

https://www.youtube.com/results?search_query=Trang+L%C3%AA+%28B%C3%A0+Ngo%E1%BA%A1i%29

Featured Post

Lisa Pham Vlog -25/4/2024

Popular Posts

My Blog List