Saturday, April 26, 2014

Đinh Nguyên Kha bị khủng bố tinh thần và đã tuyệt thực trong trại giam Xuyên Mộc

Đinh Nguyên Kha bị khủng bố tinh thần và đã tuyệt thực trong trại giam Xuyên Mộc

Thạch Thảo
Từ ngày thăm nuôi vào ngày 24 tháng 3 cho đến nay Kha không viết thư và gọi điện về gia đình. Tôi và Mẹ đều tin rằng có chuyện không lành đối với Kha trong trại giam.

5h sáng ngày 24/4/2014, chúng tôi xuất phát từ Long An đi Xuyên mộc trong tâm trạng rất bồn chồn và lo lắng. Đi cùng gia đình chúng tôi là gia đình chị Oanh - những người bạn luôn quan tâm về hoàn cảnh của gia đình tôi. Biết chắc rằng trại giam sẽ không cho họ vào gặp Kha, nhưng họ vẫn đi. “Đi để tận mắt chứng kiến cảnh nhà tù khắc nghiệt giam cầm những người yêu nước. Đi để chứng kiến cảnh trại giam đối xử tệ hại với tù nhân. Và đi để nhìn Kha từ phía xa sau khung cửa sổ, một phần nào đó thông cảm và chia sẽ cùng Kha”. Đó là những gì mà gia đình chị Oanh đã tâm sự cùng tôi

10h sáng chúng tôi có mặt tại trại K3, Xuyên Mộc. Mẹ tôi vào làm thủ tục thăm gặp và xin cho gia đình chị Oanh cùng gặp. Và họ đã từ chối, đây là điều chúng tôi đã đoán được nên cũng không câu nệ. Gia đình chị Oanh đành phải ra đứng phía xa ngoài sân và nhìn vào từ khe cửa sổ đối diện.


Khoảng 15phút, Kha được dẫn ra từ phía sau. Nhìn từ xa, thấy Kha cười toe toét, tay còn xách theo cái bịch rau bước đi vội.

Lần này gặp mặt, tôi ngỡ ngàng khi nhìn lại đứa đứa em mình, khác hẳn. Mặt nó xanh nhạt, gầy teo, mắt lờ đờ thiếu sức sống. Mẹ tôi hỏi ngay:

- Có chuyện gì xảy ra với con trong này vậy? Cả tháng không viết thư và gọi điện về nhà.

- Con bị kỷ luật.

- Cái gì vậy? Sao lại bị kỷ luật?

- Con tuyệt thực 2 ngày nay để phản đối chế độ hà khắc vô lý của trại giam.

- Họ đã làm gì con?

- Họ khủng bố tinh thần con bằng mọi cách. Họ không cho con đọc sách báo của mẹ gửi vào tháng trước. Họ không cho con nhận xấp hình của gia đình mình gửi, không cho xem đĩa, TV, mặc dù mọi thứ đều có sẵn trong trại. Họ không cho con đi ra ngoài phòng đi lao động, mặc dù những người phòng bên cạnh được phép ra. Con thấy cách họ đối xử với tù nhân rất tệ, và vì quyền lợi của những người tù nên con đã phản đối họ gay gắt. Và con đã bị kỷ luật.

Đến đây, cán bộ trai giam đứng dậy cáo gắt ngắt lời Kha và anh ta quát tháo:

- Đi thăm gặp phạm nhân, gia đình nên hỏi thăm về sức khỏe, không nói những chuyện không liên quan. Gia đình có tin rằng chúng tôi cắt thăm nuôi, không cho thăm gặp nữa không?

Không thể chấp nhận được thái độ và lời nói của cán bộ trại giam, rất hung hăng, và lạm quyền. Mẹ tôi từ tốn hỏi:

- Vậy những thứ chúng tôi gửi vào tháng trước, các anh hứa sẽ chuyển đến cho Kha. Mà bây giờ các anh đã làm gì?

- Chúng tôi chưa kiểm duyệt xong mọi thứ. Một số ảnh chúng tôi sẽ tịch thu, mọi thứ khác chúng tôi sẽ gửi trả lại. Và anh Kha không đủ điều kiện để hưởng những thứ đó.

- Còn việc con tôi đòi hỏi quyền lợi chính đáng của tù nhân trong trại tù thì các anh lại thù hằng nó và khủng bố tinh thần nó như thế sao? Các anh cư xử với những người tù chính trị như thế sao? Lương tâm của các anh có cắn rức khi làm như vậy không?

- Tôi cảnh cáo chị, chị nói vi phạm quy định. Ở đây không có tù chính trị và chị không được phép gọi là tù nhân và nhà tù. Chị phải gọi là phạm nhân và trại giam còn tù chính trị phải gọi là (anh ta chạy vào trong, giở sách ra xem và đưa cho một anh khác rồi chỉ vào sách nói) tội xâm phạm an ninh quốc gia.

- Các anh lại lạm quyền và áp đặt, tôi dân nhà quê, con tôi bị ở tù thì tôi gọi là tù. Nó bị bắt tội có liên quan chính trị thì tôi gọi là tù chính trị. Các anh có kê súng vào đầu tôi tôi cũng nói như thế. Và rõ ràng các anh đang kỳ thị và phân biệt. Những người tù khác được thăm gặp ở ghế đá ngoài phòng thăm gặp, rất dễ dàng và hầu như không có sự cản trở nào. Còn chúng tôi thì sao? 

Không khí phòng thăm gặp bắt đầu trở nên căng thẳng bởi những lời tranh luận gay gắt của hai bên. Phía trại giam họ luôn tìm cách tránh né những câu hỏi trực diện về quy định ăn ở, lao động và giải trí của tù nhân. Họ luôn trả lời theo những cách áp đặt và hăm dọa. Những người thăm nuôi khác bị đuổi ra ngoài, họ đứng cùng gia đình chị Oanh bên cửa sổ lắng nghe cũng căm phẫn lắm mà không dám lên tiếng.

- Nếu họ cứ tiếp tục như thế này, con sẽ đấu tranh đòi quyền lợi đến cùng. Mặc dù cách họ làm sẽ khiến cho con bị điên trong khoảng vài tháng nữa. Mẹ tìm cách chuyển trại cho con, từ trại tù qua trại tâm thần.

- Vậy chúng tôi sẽ cho anh đi phụ hồ, anh không làm được thì tính gì với tụi tui.


- Các anh lại dùng quyền lực hăm dọa nữa rồi. Các anh phải có chế độ đào tạo và hướng dẫn nghề cho "phạm nhân" và hướng họ lao động để hòa nhập sau này. Các anh anh đã không có trách nhiệm và các anh đã thất bại. Các anh không cải tạo nỗi những người tù để họ tốt hơn, ngược lại, các anh càng làm cho họ tệ hại hơn. Các anh đã thất bại. Các anh phải thay đổi và làm cho mọi chuyện tốt đẹp hơn về sau. Và chúng tôi không hề muốn tranh luận với các anh về vấn đề như thế này nữa trong những lần thăm nuôi kế tiếp.

Cả phòng yên lặng, gia đình tôi nhìn Kha, đau xót lắm. Kha đưa cho mẹ tôi một bịch vài cọng rau đã úa màu, trong đó còn có một trái dưa hấu cuốn đã héo và nhũn nước. Kha đưa cho ba tôi một chiếc xe đạp tự làm bằng cách ghép những thứ phế phẩm nhặt được từ trại giam. “ Rau con trồng, và thứ này con làm để tặng gia đình”. Mẹ tôi như chết lặng, nghe đâu đó có tiếng thút thít của những người nép ngoài cửa sổ, rồi to dần.

Cuộc thăm gặp ngắn ngủi rồi cũng trôi qua. Kha đứng dậy ôm mọi người chào tạm biệt. Mẹ tôi bần thần rồi đột nhiên bật dậy, nắm với lấy tay Kha và nói như ra lệnh ”Con phải giữ sức khỏe và làm những việc cho là đúng, chuyện bên ngoài, để Mẹ”. Kha gật đầu rồi quay lưng, tay xách bịch đồ thăm nuôi bước lững lờ rồi khuất dần qua lớp cửa trại giam kiên cố.

Chứng kiến buổi thăm gặp từ đầu đến cuối, một người đứng ngoài cửa sổ thốt lên: “Chúa ơi, tội nghiệp thằng bé. Việt Nam ơi, quyền con người của chúng con ở nơi đâu”?

DienDanCTM
nguồn: https://www.facebook.com/dinhquynh.nhu.9
 *
THĂM ĐINH NGUYÊN KHA
Oanh Anna

(Tôi xin phép gia đình Chị, Kim Liên Mẹ Uy Kha, để được chia sẽ với mọi người trong chuyến đi thăm ĐINH NGUYÊN KHA )
ĐINH NGUYÊN KHA
Sài Gòn, 24/04/2014

Gia Đình tôi đồng hành cùng Gia đình chị Kim Liên đến Xuyên Mộc để vào thăm Đinh Nguyên Kha, một sinh viên yêu nước mà tôi luôn quý trọng. Sau nhiều lần xin đi cùng nhưng chị Liên đều từ chối.

Chị nói rằng dù có đi cùng thì khi vào trại giam họ cũng không cho vào thăm, chỉ tốn công sức và thời gian đi lại. Nhưng hôm nay, gia đình tôi quyết liệt đòi đi theo mặc cho họ có đối xử như thế nào. Chúng tôi đi để tận mắt chứng kiến cảnh nhà tù khắc nghiệt giam cầm những người yêu nước. Đi để chứng kiến cảnh trại giam đối xử tệ hại với tù nhân như mọi người từng kể tôi nghe. và đi để nhìn Kha từ phía sau khung cửa sổ, một phần nào đó thông cảm và chia sẽ cùng Kha.

Chúng tôi đến trại giam K3 Xuyên Mộc vào buổi sáng khoảng 10h. Sau hơn 4h ngồi xe cộng với cái nắng cháy da ở một vùng đất khô cằn khắc nghiệt làm tôi uể oải. qua cửa kính xe, tôi thấy hàng đoàn người mặc áo sọc trắng đen, một số thì cởi trần đầu không có nón lúi cúi đốn cây, đào bới gì đó trên cánh đồng khô cháy. Họ là tù nhân của trại K3 đang lao động dưới sự giám sát của cán bộ trại mặc áo xanh ngồi trong bóng cây gần đó. Sao lại bắt tù nhân lao động giữa trời nắng khắc nghiệt như thế, tôi lại thắc mắc nhưng không có câu trả lời.

Vào đến phòng thăm gặp tù nhân của trại, tôi vào xin gặp mặt Kha cùng gia đình chị Liên nhưng bị từ chối. Tôi đứng sát cửa sổ cũng bị đuổi ra và phải ngồi băng ghế đá phía bên ngoài. Khoảng hơn 10 phút chờ đợi, Kha được dẫn ra từ phía sau, tôi nép bên phía bức tường gọi Kha và vẫy tay chào em. Em cũng tươi cười chào lại tôi vui vẽ. Mặc dù tôi chưa gặp em bao giờ và em cũng thế, tôi cảm thấy em rất gần gũi như người thân của mình. 

Kha ngồi trên băng ghế của phòng thăm gặp, rộng thênh thang vì mọi người khác đều bị đuổi ra ngoài. Có lẽ họ sợ mọi người khác nghe được, thấy được những lời trao đổi của gia đình và Kha. Tôi nép sau bức tường đối diện, có cái cửa sổ nhỏ, nhón nhân nhìn vào để trông thấy Kha và nghe em trao đổi cùng gia đình. Bên tôi còn có nhiều người hiếu kỳ và cố nhìn vào, lắng nghe xem đó là ai mà bị đối xử đặc biệt như thế. Tôi bảo với họ”đó là Đinh Nguyên Kha, tù chính trị, một sinh viên yêu nước giỏi và can đảm.”

Đứng bên ngoài, tôi quan sát mọi thứ xung quanh. Có gì đó không ổn lắm trong cách hành xử của cán bộ trại giam đối với từng gia đình khi thăm gặp. Này nhé, có người thì thăm người nhà trong phòng riêng, có người thăm ngoài băng ghế đá bên ngoài mà không có cán bộ quan sát. Họ mặc sức làm gì cũng được. Còn Kha thì có đến 4 cán bộ kè theo sát, quát tháo đủ điều trong những lần trao đổi và ngồi một mình trong phòng thăm nuôi. Tôi hỏi mọi người khác cũng đi thăm nuôi, họ nói tháng nào cũng đi thăm, thăm ngày nào cũng được còn Kha thì 1 tháng thăm 1 lần đúng ngày 24. Gia đình họ gửi gì vào cũng được, người nhà của họ được ra ngoài lao động, được đọc sách báo, được xem tivi và phim ảnh từ đĩa DVD. Còn Kha thì cái gì cũng không được.

Tôi đứng ngoài cửa sổ lắng nghe và chứng kiến toàn bộ buổi gặp gỡ của gia đình chị Liên. Tôi bức xúc lắm với cách hành xử thô bạo lạm quyền lực của cán bộ quản giáo. Họ luôn quát tháo và cấm đoán mọi thứ mà không cần lý do. Nhìn Kha, khuôn mặt gầy guộc nhưng trong ánh mắt chứa đầy nghị lực và cương nghị. Em đã tuyệt thực 2 ngày trước khi thăm nuôi để phản đối chế độ bất công hà khắc trong nhà tù. 

Em đã bị cán bộ trại khủng bố tinh thần theo nhiều cách khác nhau và sức khỏe, tinh thần em đã bị xâm hại nghiêm trọng.Những lý lẽ của Kha và gia đình Kha đưa ra để tranh luận về việc đối xử tệ với tù nhân thật thuyết phục, nó như những đòn hiểm đánh vào cán bộ quản giáo mà họ không thể chống đỡ. Họ luôn sử dụng những từ ngữ cùn kèm theo sự hăm dọa thách thức để giải quyết từng câu hỏi. Kha rất kiên cường và mạnh mẽ, em không có dấu hiệu gì để cho thấy rằng mình đang sợ hãi cã. Và gia đình chị Liên là một gia đình tuyệt vời, họ chiến đấu mãnh liệt vì quyền lợi của con mình và quyền lợi của những người tù khác. Trong từng lời nói, trong từng hành động, trong từng chứng cứ họ đưa ra đều chỉ ra những cái sai của nhà tù và buộc họ phải câm lặng.

Gần hết giờ thăm gặp, Kha đưa cho chị Liên 1 cái bịch cũ kỹ và nói là rau và dưa hấu mà Kha trồng trong trại. Kha móc trong túi áo (loại áo sọc trắng đen của tù nhân mà Kha chỉ mặc ngang rốn vì áo quá nhỏ so với em) một chiếc xe đạp em tự làm trong trại tù để tặng cho ba của mình. “ Rau con trồng và thứ này con làm để tặng gia đình”, Kha nói vui vẽ. Thế mà chúng tôi, kẻ đứng người ngồi không hề vui vẽ chút nào. Em làm cho sóng mũi tôi cay rồi rơi lệ, những người xung quanh tôi cũng thế. Chúng tôi không nói được gì, cũng không biết phải nói gì. Tôi chỉ muốn thét lên “ các ông thật quá nhẫn tâm, các ông có phải còn là con người nữa không?”. Nhưng cổ họng tôi nghẹn ngào, nấc lên từng hồi không điều khiển được. Kha chào tôi để vào lại phòng giam trao khi tôi vẫn đứng đó lặng thinh, vô thần.

Tôi đã từng nghe nhiều người kể về chuyện tù đày và sự bất công trong trại giam. Tôi nghĩ đó chĩ là sự thậm xưng quá đáng để gây sự chú ý hoặc để kể cho vui. Nhưng nay, tôi đã chứng kiến tận mắt, nghe tận tai những gì mình còn nghi ngại. Nó là sự thật, một sự thật khó có thể chấp nhận nhưng nó đã diễn ra công khai ở một xã hội văn minh của loài người tại thế kỹ 21 này. Khi mà nơi đây, con người bị đạp xuống tận đáy xã hội, sống vất vưỡng và bị hành hạ như một con vật. Và tình người với người bị tha hóa và biến chất đi như loài quỹ dữ. Xin Chúa hãy ban cho Kha và gia đình chị Liên sức mạnh để dành lấy chiến thắng. Thượng đế ơi, xin hãy che chỡ cho những người con nước Việt kiên cường.

Và một lần nữa, con nài xin Chúa và Mẹ hãy phù hộ và cứu những người con của Chúa, là Đinh Nguyên Kha cùng những Anh, Chị, Em tù nhân lương tâm khác ra khỏi tay của Ác thần. chỉ vì họ Yêu nước, yêu dân tộc mà bị cầm Tù.

Và tôi cũng xin mọi người cùng đồng hành với gia đình chị Kim Liên trong mọi hoàn cảnh.

Theo: Fb Oanh Anna.

__._,_.___

No comments:

Post a Comment

Nhân quyền và bạo quyền

VTV-[Trang Lê Mới Nhất] chửi từ nhà ra phố, Trọng Lú sợ vỡ mật

https://www.youtube.com/results?search_query=Trang+L%C3%AA+%28B%C3%A0+Ngo%E1%BA%A1i%29

Featured Post

Bản Tin cuối ngày-19/11/2024

Popular Posts

My Blog List