Sunday, July 27, 2014

Đối thoại Úc–Việt Nam về Nhân quyền



Khuyến nghị của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền
July 24, 2014

Chúng tôi soạn thảo khuyến nghị này nhân dịp đối thoại nhân quyền sắp tới giữa Úc và Việt Nam, được dự định diễn ra tại Hà Nội vào ngày 28 tháng Bảy năm 2014. Là cuộc đối thoại nhân quyền đầu tiên giữa hai nước được thực hiện dưới nội các chính phủ của Thủ tướng Abbott, đây là cơ hội quan trọng để Úc không chỉ thẳng thắn nêu rõ những vấn đề vi phạm nhân quyền cấp bách, mà còn cải thiện tính hiệu quả của đối thoại bằng cách xác lập rõ ràng những mốc tiến bộ cụ thể, đồng thời công bố kết quả thảo luận.

Chính quyền Việt Nam tiếp tục đàn áp một cách có hệ thống các quyền tự do ngôn luận, lập hội và nhóm họp ôn hòa. Những người cầm bút độc lập, các blogger và các nhà vận động nhân quyền từng lên tiếng chất vấn chính sách của chính phủ, phanh phui các vụ việc tham nhũng của quan chức, hay kêu gọi các giải pháp dân chủ thay thế cho chế độ độc đảng, thường xuyên bị đặt dưới sự theo dõi gắt gao của công an.

Những người phê phán chính quyền phải đối mặt với nhiều phương thức sách nhiễu của công an, trong đó có việc dọa nạt những người thân trong gia đình, tùy tiện ngăn cấm quyền đi lại trong nước và ra nước ngoài, và xử phạt hành chính. 

Chính quyền cũng tùy tiện giam giữ các nhà chỉ trích, không cho liên hệ với bên ngoài trong thời gian kéo dài, không được tiếp cận các nguồn trợ giúp pháp lý hay được gia đình thăm gặp. Nhiều người bị xét xử với các mức án tù nặng nề vì vi phạm các điều luật mơ hồ về an ninh quốc gia hay các điều luật hà khắc khác. Công an thường xuyên tra tấn nghi can để ép nhận tội và sử dụng bạo lực quá mức để trấn áp các cuộc biểu tình đông người phản đối việc cưỡng chế, tịch thu đất đai hay nạn bạo hành của công an.

Vào ngày 20 tháng Sáu năm 2014, tại phiên họp của Tổ Công tác thuộc Hội đồng Nhân quyền Liên hiệp quốc về Kiểm điểm Định kỳ Phổ quát hồ sơ thực thi nhân quyền của các quốc gia thành viên, Việt Nam nhấn mạnh việc đã chấp nhận 182 trong số 227 khuyến nghị được đưa ra.

 Tuy nhiên, chính quyền Việt Nam đã bác bỏ những khuyến nghị trọng yếu, bao gồm việc những chính phủ khác kêu gọi Việt Nam thả tù nhân và những người bị tạm giam vì lý do chính trị, thực hiện cải cách tư pháp nhằm chấm dứt việc kết án mang động cơ chính trị đối với những người thực hiện các quyền cơ bản một cách ôn hòa, sáng lập một tổ chức nhân quyền Việt Nam độc lập, và những bước khác nhằm thực sự thúc đẩy cơ hội tham gia chính trị bình đẳng cho người Việt Nam.

Mặc dù có hàng loạt các tệ nạn nghiêm trọng về nhân quyền ở Việt Nam, Tổ chức Theo dõi Nhân quyền khuyến nghị Úc tập trung vào ba nội dung chính sau đây trong cuộc đối thoại về nhân quyền. Đó là: những người đang bị bỏ tù hoặc tạm giam vì lý do chính trị và các quyền cơ bản bị đè nén; tình trạng đàn áp quyền tự do thực hành tôn giáo; và tình trạng cưỡng ép lao động trong các trung tâm quản chế người cai nghiện ma túy. Chúng tôi cũng đề nghị chính phủ Úc xác lập những mốc cải thiện cụ thể trong các lĩnh vực này, để tạo điều kiện cho việc theo dõi tiến bộ giữa các cuộc đối thoại được dễ dàng hơn.

1. Những người bị bỏ tù hoặc tạm giam vì lý do chính trị và tình trạng các quyền cơ bản bị đè nén

Việt Nam tiếp tục đàn áp bất đồng chính kiến ôn hòa và trừng phạt những người bất đồng chính kiến vì họ thành lập những tổ chức bị chính quyền coi là đi ngược lại lợi ích của nhà nước. Chính quyền nghiêm cấm mọi đảng phái chính trị, công đoàn và tổ chức nhân quyền hoạt động độc lập với nhà nước hay Đảng Cộng sản Việt Nam. Người lao động ở Việt Nam không được thành lập công đoàn độc lập tách ra khỏi liên đoàn lao động do chính phủ quản lý. 

Có các quy định của nhà nước để xử phạt những người lao động tham gia đình công “trái phép” nếu không được chính quyền thông qua và các quan chức địa phương có quyền ép buộc những người đang đình công phải trở lại làm việc. Những nhà hoạt động từng công khai tuyên bố việc thành lập các công đoàn độc lập ở Việt Nam bị bắt giữ, bỏ tù, sách nhiễu, đe dọa, đánh đập và trong một số trường hợp, bị “mất tích.” Lê Trí Tuệ, một trong những người sáng lập Công đoàn Độc lập đã bị làm mất tích từ tháng Năm năm 2007. Các nhà hoạt động vì quyền lợi người lao động bị trừng phạt với các mức án tù nặng nề, ví dụ như Nguyễn Hoàng Quốc Hùng và Đoàn Huy Chương bị kết án tù vào năm 2010.

Việt Nam thường sử dụng các điều luật về an ninh quốc gia và các tội danh khác có ngôn ngữ mơ hồ và có thể diễn giải tùy tiện trong bộ luật hình sự để xử tù những người bất đồng chính kiến ôn hòa về chính trị và tôn giáo. 

Trong số đó bao gồm các tội danh “hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân” (điều 79, khung hình phạt cao nhất là tử hình); “phá hoại chính sách đoàn kết dân tộc” (điều 87, khung hình phạt tới 15 năm tù); “tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam” (điều 88, khung hình phạt tới 20 năm tù); “phá rối an ninh” (điều 89, khung hình phạt tới 15 năm tù); “trốn đi nước ngoài hoặc trốn ở lại nước ngoài nhằm chống chính quyền nhân dân” (điều 91, khung hình phạt tới án tù chung thân); “hình phạt bổ sung” tước bỏ một số quyền của những người từng bị xử tù về các tội “an ninh quốc gia,” buộc họ phải chịu quản chế tới năm năm và có thể bị tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản (điều 92); và “lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân” (điều 258, khung hình phạt tới 7 năm tù).

Trong năm 2013, Việt Nam đã sử dụng các điều luật hà khắc này để kết án tù ít nhất là 65 blogger và các nhà hoạt động ôn hòa vì đã thực hành quyền của họ. Trong năm tháng đầu năm 2014, có ít nhất 10 nhà chỉ trích và hoạt động khác đã bị tống giam, trong đó có các blogger Trương Duy Nhất và Phạm Viết Đào. Vào tháng Năm năm 2014, nhà cầm quyền đã bắt giữ blogger nổi tiếng Nguyễn Hữu Vinh (còn gọi là Anh Ba Sàm) và đồng sự của ông là bà Nguyễn Thị Minh Thúy với cáo buộc theo điều luật 258.

Tệ kỳ thị các sắc dân thiểu số có nền văn hóa, và trong nhiều trường hợp, ngôn ngữ riêng, khiến tình cảnh tù nhân người dân tộc thiểu số còn tồi tệ hơn trong điều kiện nhà tù vốn dĩ đã khủng khiếp.

Trong số những tù nhân chính trị này có thể kể: 1) Trần Huỳnh Duy Thức (bị xử 16 năm tù); 2) Ngô Hào (15 năm); 3) Hồ Đức Hòa (13 năm); 4) Đặng Xuân Diệu (13 năm); 5) Nguyễn Văn Hải (bút danh Điếu Cày; 12 năm); 6)Nguyễn Công Chính (11 năm); 7) Phạm Thị Phượng (11 năm); 8) Tạ Phong Tần (10 năm); 9) Nguyễn Hoàng Quốc Hùng (9 năm); 10) Trần Thị Thúy (8 năm); 11) Nguyễn Đặng Minh Mẫn (8 năm); 12) Phùng Lâm (7 năm); 13) Đoàn Huy Chương (7 năm); 14) Phạm Văn Thông (7 năm); 15) Nguyễn Ngọc Cường (7 năm); 16) Nguyễn Xuân Nghĩa (6 năm); 17) Trần Vũ Anh Bình (6 năm); 18) Nguyễn Kim Nhàn (5 năm sáu tháng); 19) Hồ Thị Bích Khương (5 năm); và 20) Phan Ngọc Tuấn (5 năm).

Những tù nhân là người dân tộc thiểu số gồm có: 1) Rmah Hlach (tên khác: Ama Blut; bị xử 12 năm); 2) Siu Hlom (12 năm); 3) Siu Ben (tên khác: Ama Yôn, 12 năm); 4) Nơh (12 năm); 5) A Tách (tên khác Bă Hlôl; 11 năm); 6) Đinh Yum (11 năm); 7) Rung (10 năm); 8) Siu Nheo (10 năm); 9) Siu Wiu (10 năm); 10) Siu Brơm (10 năm); 11) Siu Thái (tên khác: Ama Thương; 10 năm); 12)Nhi (tên khác: Bă Tiêm; 10 năm); 13) Rôh (10 năm); 14) Rưn (9 năm); 15) Rơ Mah Plă (tên khác Ama Em; 9 năm); 16) Rah Lan Mlih (9 năm); 17) Rơ Mah Pró (9 năm); 18) Rah Lan Blom (9 năm); 19) Siu Kơch (tên khác: Ama Liên; 9 năm); 20) Kpuil Mel (9 năm); 21) Rơ Lan Jú (tên khác: Ama Suit; 9 năm); 22) Pinh (9 năm); 23) Jơnh (tên khác Chình; 9 năm); 24) Kpuil Lễ (8 năm); 25) Kpă Sinh (8 năm); 26) Rơ Mah Klít (8 năm); 27) Am Linh (tên khác: Bă Blưng; 8 năm); 28) Chi (8 năm); 29) Yưh (tên khác: Bă Nar; 8 năm); 30) Rơ Mah Then (8 năm); 31) Byưk (8 năm); 32) A Hyum (tên khác Bă Kôl; 8 năm); 33) Siu Tinh (8 năm); và nhiều người khác.

Khuyến nghị
Trong cuộc đối thoại nhân quyền này, Úc cần công khai kêu gọi chính phủ Việt Nam:
  • Phóng thích tất cả những người bị bỏ tù hoặc tạm giam vì lý do chính trị, bao gồm tất cả những người bị kết án hoặc bắt giữ vì đã thực thi các quyền tự do ngôn luận, tự do nhóm họp, tự do đi lại hay các hoạt động chính trị và tôn giáo khác.

  • Sửa đổi hoặc hủy bỏ các điều trong bộ luật hình sự và các bộ luật khác có nội dung hình sự hóa các hành vi bất đồng chính kiến ôn hòa bằng cách quy kết lệch lạc thành các tội danh về “an ninh quốc gia,” như các điều 79, 87, 88, 89, 91, 92, và 258 của bộ luật hình sự.

  • Với mục đích tạo dựng lòng tin ngay lập tức, chính quyền Việt Nam cần cho phép gia đình, những người trợ giúp pháp lý, và những quan sát viên của Úc và các tổ chức nhân quyền và nhân đạo quốc tế tiếp xúc với những người đang bị bỏ tù hoặc tạm giam.
  • Cung cấp thông tin về tình trạng của những tù nhân là người dân tộc thiểu số đang thụ án về các tội “phá hoại chính sách đoàn kết dân tộc” (điều 87) và “phá rối an ninh” (điều 89).
  • Sửa đổi luật báo chí và các bộ luật khác cho phù hợp với điều 19 của Công ước Quốc tế về các Quyền Dân sự và Chính trị.
  • Cho phép các tờ báo và tạp chí tư nhân, độc lập được xuất bản không phải qua kiểm duyệt.
  • Chấm dứt việc kiểm duyệt thông tin, theo dõi và các hạn chế khác trên Internet, và phóng thích những người đang bị giam giữ vì đã phát tán ý kiến cá nhân một cách ôn hòa trên mạng.
Úc cũng cần kêu gọi Việt Nam phóng thích ngay lập tức những người bị cầm tù hoặc tạm giam vì lý do chính trị có vấn đề sức khỏe nghiêm trọng để họ được khám chữa bệnh đầy đủ. Vào tháng Tư năm 2014, blogger Đinh Đăng Định qua đời không bao lâu sau khi được ân xá, khi mới 51 tuổi. Và vào tháng Bảy năm 2014, cựu tù nhân chính trị Huỳnh Anh Trí cũng qua đời ở tuổi 42, chỉ sáu tháng sau khi mãn hạn mười bốn năm tù. Một số trường hợp khẩn cấp nhất gồm:

Cha Nguyễn Văn Lý, 68 tuổi, bị Tòa án Nhân dân tỉnh Thừa Thiên-Huế xử ngày 30 tháng Ba năm 2007 về tội “tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam” theo điều 88 bộ luật hình sự. Ông đã nhiều lần bị đột quỵ trong trại giam kể từ năm 2009, để lại di chứng gây liệt chân và tay phải. Vào năm 2010, ông được cho tại ngoại chữa bệnh trong 16 tháng và bị quản chế tại gia, nhưng đến tháng Bảy năm 2011 cha Nguyễn Văn Lý bị đưa trở lại nhà tù để thi hành nốt phần còn lại của bản án 8 năm.

Nhà hoạt động Phật giáo Hòa Hảo Mai Thị Dung, 45 tuổi, người đang chịu mức án 11 năm tù. Trong đợt đàn áp các nhóm Phật giáo Hòa Hảo độc lập vào năm 2005, chính quyền truy tố bà Mai Thị Dung về tội gây rối trật tự công cộng theo điều 245 bộ luật hình sự và kết án bà năm năm tù giam. Năm 2007, trong khi đang ngồi tù, bà bị Tòa án Nhân dân tỉnh Vĩnh Long xử về hành vi tham gia biểu tình cùng với các nhóm Phật giáo Hòa Hảo độc lập vào năm 2001 và kết án bà thêm sáu năm tù nữa, cũng với tội danh theo điều 245. Hiện nay, bà rất ốm yếu, bị liệt hai chân và sỏi mật cùng nhiều căn bệnh khác.

Một số tù nhân chính trị khác được cho biết là có những vấn đề sức khỏe nghiêm trọng, bao gồm các nhà hoạt động tôn giáo Ngô Hào và Nguyễn Công Chính, nhà vận động về quyền đất đai Hồ Thị Bích Khương, các blogger Nguyễn Văn HảiTạ Phong Tần và Đặng Xuân Diệu. Úc cần thúc đẩy Việt Nam lập tức phóng thích các tù nhân này để họ có thể được hưởng sự chăm sóc y tế đầy đủ.

2. Đàn áp tự do tôn giáo
Tháng Giêng năm 2013, Nghị định 92 do thủ tướng ký bắt đầu có hiệu lực, gia tăng thêm quyền kiểm soát đối với các nhóm tôn giáo. Trong quá trình thực thi việc kiểm soát, chính quyền theo dõi, sách nhiễu và đôi khi dùng vũ lực đàn áp các nhóm tôn giáo hoạt động bên ngoài các tổ chức tôn giáo có đăng ký chính thức và do chính quyền quản lý. Trong năm 2013, các đối tượng bị đặt vào tầm ngắm gồm có các chi phái không được công nhận của đạo Cao Đài, Phật giáo Hòa Hảo, các nhà thờ Tin lành và Công giáo tại gia ở Tây Nguyên và các nơi khác, các chùa Phật giáo Khmer Krom độc lập và Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất.

Vụ xét xử và kết án 14 người, hầu hết trong số đó là các nhà hoạt động Công giáo tại Toà án Nhân dân tỉnh Nghệ An vào tháng Giêng năm 2013 mở màn cho đợt gia tăng đàn áp của chính quyền nhằm vào những người chỉ trích chế độ. Lần này phương tiện được sử dụng là điều 79 bộ luật hình sự, được áp dụng với các hành vi nhằm “lật đổ chính quyền,” dù 14 nhà hoạt động nói trên chỉ thực thi các quyền con người cơ bản, như tham gia các hoạt động thiện nguyện của nhà thờ hay các cuộc biểu tình chính trị ôn hòa. 

Cũng vào tháng Giêng năm 2013, tòa án tỉnh Phú Yên đã xét xử 22 thành viên của nhóm có tên là Hội đồng Công luật Công án Bia Sơn, kết án họ tới hàng trăm năm tù giam, từ thấp nhất là 10 năm tới cao nhất là chung thân. Báo chí nhà nước dán cho nhóm này nhãn tổ chức “phản động chính trị” bất bạo động, có mục đích “lật đổ chính quyền nhân dân.” Tám người trong số 10 nhà hoạt động bị kết án trong năm tháng đầu tiên của năm 2014 bị trừng phạt vì đã tham gia vào các nhóm tôn giáo độc lập không được chính quyền chấp thuận.

Khuyến nghị
Trong cuộc đối thoại nhân quyền này, Úc cần công khai kêu gọi chính phủ Việt Nam:
  • Cho phép các tổ chức tôn giáo độc lập được tự do tiến hành các hoạt động tín ngưỡng ôn hòa phù hợp với các tiêu chuẩn luật pháp quốc tế.
  • Chấm dứt cản trở các hoạt động hoặc nhóm họp ôn hòa của các nhóm tôn giáo không đăng ký với chính phủ, như các chi phái của Phật giáo Hòa Hảo không được nhà nước công nhận, của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất,của các nhóm Cao Đài, Công giáo và Tin lành độc lập. Chấm dứt việc ép buộc các nhóm này gia nhập các giáo hội đã đăng ký với nhà nước.

  • Chấm dứt các hành động sách nhiễu và theo dõi của công an đối với các chức sắc và tín đồ tôn giáo.
  • Tạo điều kiện cho các tổ chức tôn giáo chưa được công nhận có được tư cách pháp nhân chính thức, và cho phép hoạt động độc lập với các tổ chức tôn giáo đã đăng ký tùy theo sự lựa chọn của họ.
  • Chấm dứt tệ kỳ thị tồn tại lâu nay đối với người Cơ đốc thuộc dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên và Tây Bắc, người Phật giáo Khmer ở đồng bằng sông Cửu Long và cho phép các tổ chức phi chính phủ, các cơ quan Liên hiệp quốc, các nhà ngoại giao và báo chí tự do giám sát điều kiện thực tế tại các vùng sâu, vùng xa nói trên.

3. Cưỡng ép lao động trong các trung tâm cai nghiện ma túy tập trung

Những người nghiện ma túy có thể bị quản chế trong các trung tâm cai nghiện của chính phủ, nơi họ bị ép buộc làm các công việc nặng nhọc dưới danh nghĩa “lao động trị liệu,” đơn thuốc chính của phương pháp điều trị cai nghiện ở Việt Nam. Tính đến đầu năm 2011, trên toàn quốc có 123 trung tâm đang quản chế khoảng 40,000 người. Việc quản chế những người này không phải qua một trình tự pháp lý thích hợp hay chịu sự giám sát pháp lý dưới bất kỳ hình thức nào, và thường kéo dài đến bốn năm. Nếu vi phạm các nội quy của trung tâm – trong đó có quy định về lao động bắt buộc – học viên bị đánh bằng dùi cui, chích điện bằng dùi cui điện, và bị giam trong các phòng kỷ luật với khẩu phần ăn uống bị cắt giảm. 

Trẻ em sử dụng ma túy cũng bị đưa vào các trung tâm này, và cũng phải tham gia “lao động trị liệu,” bị đánh đập và lạm dụng. Các cựu học viên cai nghiện cho biết họ từng bị ép buộc làm việc trong dây chuyền chế biến hạt điều và các việc nông nghiệp khác (trong đó có trồng khoai tây và cà phê), may mặc, xây dựng; và các ngành nghề sản xuất khác (như gia công mây tre đan). Theo luật Việt Nam, các công ty khai thác sản phẩm từ các trung tâm này được miễn thuế. Một số sản phẩm là kết quả của quá trình lao động cưỡng ép nói trên đã tìm được đường vào dây chuyền cung tiêu của các công ty xuất khẩu cung cấp hàng ra các thị trường ngoài nước. Tổ chức Theo dõi Nhân quyền tin rằng có những sản phẩm là kết quả của lao động cưỡng ép đã được nhập khẩu vào Úc.

Khuyến nghị
Trong cuộc đối thoại nhân quyền này, Úc cần công khai kêu gọi chính phủ Việt Nam:
  • Đóng cửa tất cả các trung tâm cai nghiện tập trung.
  • Phóng thích mọi trại viên trong các trung tâm cai nghiện tập trung và cho phép họ được tiếp cận dịch vụ cai nghiện tại cộng đồng.
  • Chỉ đạo Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội bãi bỏ chế độ cưỡng ép lao động trong tất cả các trung tâm do bộ này quản lý, trong đó có các trung tâm cai nghiện tập trung.
  • Nhanh chóng triển khai các cuộc điều tra độc lập và kỹ lưỡng về điều kiện lao động ở các cơ sở cai nghiện tập trung và các hình thức trung tâm khác, về các hành vi cưỡng ép lao động, vi phạm pháp luật của Việt Nam và quốc tế. Truy cứu trách nhiệm pháp lý về các hành vi lạm dụng và tội ác để buộc những người đã có các hành vi phạm tội hoặc xâm hại trại viên phải chịu xử lý (kể cả truy tố hình sự) theo quy định của pháp luật Việt Nam.
  • Công bố danh sách tất cả các hình thức công việc mà trại viên phải tham gia, các sản phẩm được chế biến bằng sức lao động của trại viên trong các trung tâm nói trên, và các công ty có sản phẩm được chế biến bằng sức lao động của trại viên trong các trung tâm.
  • Chỉ đạo Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đền bù thỏa đáng cho các trại viên và cựu trại viên về các công việc họ từng bị cưỡng bức lao động trong thời gian ở trung tâm.
  • Nhanh chóng phê chuẩn và thực thi hữu hiệu Công ước ILO số 105 (Bãi bỏ Cưỡng ép Lao động).
  • Thực thi trách nhiệm của chính phủ Việt Nam theo Công ước ILO số 29 bằng cách ngay lập tức sửa đổi bộ luật hình sự để bổ sung các tội danh cụ thể về cưỡng ép lao động.
Dù chính quyền Việt Nam phải chịu trách nhiệm về các vi phạm nhân quyền xảy ra trong các trung tâm cai nghiện tập trung ở Việt Nam, Tổ chức Theo dõi Nhân quyền tin rằng sự tham gia của các tổ chức bên ngoài, như các nhà tài trợ và các Tổ chức Phi Chính phủ trong vai trò đơn vị thực thi, cũng gây quan ngại nghiêm trọng về đạo đức, thậm chí trong một số trường hợp còn gián tiếp tạo điều kiện cho các vi phạm về nhân quyền. AusAID  có tài trợ cho một số trung tâm ở Việt Nam, trong đó có các khoản hỗ trợ tổ chức CARE triển khai hoạt động tại một số trung tâm ở An Giang và Cần Thơ, và tổ chức HAARP (Chương trình phòng chống HIV/AIDS ở Khu vực) hoạt động ở ba trung tâm tại miền bắc Việt Nam. AusAID tuyên bố “ủng hộ mạnh mẽ các quyền chính trị và dân sự trong suốt các hoạt động trợ giúp của mình” và “thúc đẩy tối đa lợi ích nhân quyền trong tất cả các hoạt động hỗ trợ phát triển.” 

Tuy nhiên, dù có triển khai dự án tại các trung tâm về cơ bản là các cơ sở cưỡng bức lao động, cả AusAID và CARE của Úc đều phát biểu rằng không biết gì về các vi phạm nhân quyền đối với trại viên ở các trung tâm nói trên. Tổ chức CARE của Úc đã tuyên bố với Tổ chức Theo dõi Nhân quyền rằng, dù các dự án của họ có được định hướng bằng nhiều quy phạm đạo đức, nhưng các quy phạm đó không quy định cụ thể về xử lý các trường hợp nghi có vi phạm nhân quyền khi cán bộ dự án chứng kiến hoặc nhận được thông tin về các vi phạm đó trong khi triển khai dự án.

Tổ chức Theo dõi Nhân quyền tiếp tục kêu gọi chính phủ Úc rà soát lại các chương trình tài trợ, hợp tác và các hoạt động nhằm hỗ trợ các trung tâm cai nghiện tập trung ở Việt Nam để đảm bảo không một khoản tài trợ nào được dùng vào việc hỗ trợ các chính sách hay chương trình có vi phạm pháp luật quốc tế về nhân quyền, trong đó có điều khoản nghiêm cấm tùy tiện quản chế, cưỡng bức lao động và tra tấn hay bạo hành, đối xử hoặc trừng phạt một cách tàn tệ và vô nhân.






No comments:

Post a Comment

Nhân quyền và bạo quyền

VTV-[Trang Lê Mới Nhất] chửi từ nhà ra phố, Trọng Lú sợ vỡ mật

https://www.youtube.com/results?search_query=Trang+L%C3%AA+%28B%C3%A0+Ngo%E1%BA%A1i%29

Featured Post

Bản Tin cuối ngày-19/11/2024

Popular Posts

My Blog List