Saturday, July 5, 2014

Không muốn đất nước bị lệ thuộc



Nhà đấu tranh Lư Văn Bảy mãn hạn tù 
Tường An - RFA


Ông Lư Văn Bảy tại phiên tòa ngày 22/8/2011
ở Kiên Giang. -Courtesy toaan.gov.vn

Ngày 26 tháng 6 vừa qua, lại có thêm một nhà hoạt động nữa vừa được trả tự do sau 4 năm tù. Đó là ông Lư Văn Bảy, Thông tín viên Tường An gửi những thông tin về nhà hoạt động này như sau:

Chỉ thực hiện quyền tự do ngôn luận

Cùng một ngày ra khỏi tù với nhà hoạt động công đoàn Đỗ Thị Minh Hạnh là một nhà đấu tranh thầm lặng ít được biết đến hơn, đó là ông Lư Văn Bảy. Ông được giảm án 2 lần = 9 tháng và ra tù ngày 26/6 vừa qua.

Sinh năm 1952, quê tại Kiên Giang, ông Lư Văn Bảy nguyên là chuyên viên kỹ thuật không quân trước năm 1975. Sau thời gian tù cải tạo, ông về quê làm ruộng. Tháng 9 năm 1977, ông tham gia “Mặt Trận Liên Tôn” bị bắt vào tháng 12 cùng năm đó, bị kết án 6 năm tù. Mãn hạn tù giam, ông trở về nhà vào tháng 9 năm 1983.

Những tưởng sẽ an bình với cuộc đời làm ruộng, nhưng rồi, bức xúc trước sự xâm lấn ngang ngược của Trung Quốc trên lãnh hải Việt Nam, từ năm 2006 ông đã bắt đầu viết những bài viết dưới những bút hiệu khác nhau như: Chánh Trung, Nguyền Hoàng, Hoàng Trung Việt, Hoàng Trung Chánh… gửi đến các mạng truyền thông nước ngoài, có những bài ông gửi thẳng cho Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, đại sứ Việt Nam tại Hoa Kỳ Lê Công Phụng, cho Quân đội Nhân dân Việt Nam hoặc cho ông Nguyễn Cao Kỳ. Ông cho biết lý do thôi thúc ông, từ một người nông dân chỉ quen với ruộng vườn trở thành tác giả của những bài viết với chủ đề nhạy cảm như: dân chủ đa nguyên, chủ quyền lãnh hải…v.v

“Tình cờ tôi đọc được trong một cuốn sách “Sự thật về chiến tranh biên giới năm 1979” do đó tôi được biết được những cảnh tàn ác của Trung Quốc, do đó lòng yêu nước của tôi, lòng thương dân tộc của tôi trỗi dậy. Tiếp theo đó là tôi coi được đoạn phim về đảo Gạc Ma, nó ngang nhiên chiếm năm 1988 và tôi cũng đã nhìn thấy cảnh 64 chiến sĩ hải quân ở đó, nó dàn hàng ngang nó bắn từng người. Còn trong nước thì hàng hoá của Trung Quốc là chất độc mà biểu tình thì không được, lên tiếng nói Trung Quốc cũng không được. Do tự do ngôn luận của tôi, tôi mới viết những bài, trước nhất là để lên án Trung Quốc đồng thời phản đối chính quyền Việt Nam quá mềm yếu đối với Trung Quốc.”

Tháng 1 năm 2008, ông bị công an tịch thu máy tính với nhiều bài vở. Sau đó ông được thả với lời hứa sẽ không viết nữa. Tuy nhiên, một thời gian sau, bức xúc trước sự xâm lấn của Trung quốc và chính sách mềm yếu của nhà cầm quyền Cộng sản Việt Nam, ông lại tiếp tục viết dưới bút hiệu khác là Trần Bảo Việt với nội dung kêu gọi một nền Dân chủ đa nguyên, lên án Trung Quốc xâm lược, xin chút tình thương cho Người tù xuyên thế kỷ Nguyễn Hữu Cầu, người tù Trương Văn Sương… Về nội dung của những bài viết này, ông khẳng định:

“Tôi chỉ viết ra những bài về nền Dân chủ Đa nguyên thôi chứ tôi không chủ trương lật đổ chính quyền, tôi cũng không chủ trương chống đối chính quyền gì hết mà tôi chỉ thực hiện quyền tự do ngôn luận theo điều 69 của tôi là thực hiện một chế độ đa nguyên để đất nước có một sự đoàn kết toàn dân, nhưng mà chuyện thực hiện đa nguyên bây giờ ở Việt Nam lại rơi vào điều 88 là tuyên truyền chống nhà nước.”

Không muốn đất nước bị lệ thuộc


Chân dung tù nhân lương tâm Lư Văn Bảy
qua nét vẽ của hoạ sĩ Trần Lân - Paris.
Courtesy Hoạ sĩ Trần Lân.
Ngày 26/3/2011 ông lại bị bắt và trong phiên tòa kéo dài nửa ngày tại tỉnh Kiên Giang ngày 22/8/2011, ông bị kết án 4 năm tù và 3 năm quản chế với tội danh “Truyền truyền chống nhà nước XHCNVN” theo điều 88 bộ luật hình sự Việt Nam. Ông bị Thẩm phán tòa án Kiên Giang buộc tội đã viết trên 10 bài kêu gọi đa nguyên đa đảng đăng trên các mạng truyền thông hải ngoại từ năm 2007 đến 2011. Mặc dù trước áp lực của tòa án, ông Bảy đã nhận việc mình làm là không đúng với luật pháp Việt Nam nhưng ông vẫn tin rằng việc lên tiếng cho một xã hội đa nguyên là phù hợp với điều 69 về Tự do Ngôn luận của pháp luật Việt Nam. Ông bày tỏ:

“Trước phiên tòa tôi cũng nói là tôi không quen biết bất cứ một ai, tôi cũng không tham gia bất cứ một tổ chức nào mà tôi chỉ thực hiện cái quyền tự do, cái quyền của một người công dân của tôi thôi. Trong phiên tòa đó thì họ nói là tôi “Truyền truyền chống nhà nước XHCNVN”, điều 88. Họ nói tôi viết những bài lên án như vậy tức là không đi đúng theo đường lối của nhà nước, nói xấu nhà nước. Trong lúc làm việc với công an điều tra, tôi nói rằng tôi chỉ thực hiện quyền 69, trong đó có quyền tự do ngôn luận, quyền tự do chính trị. Nhưng bây giờ bắt tôi vi phạm điều 88 thì tôi cũng chịu thôi tại vì tôi quá cô đơn, tôi không có ai bênh vực, tôi chỉ bộc phát cá nhân của mình thôi. Nhưng nói đúng ra, họ đối xử với tôi cũng đàng hoàng, có sao tôi nói vậy, tôi là một phật tử. Cái quan trọng của tôi, là một con người, tôi không muốn đất nước của mình phải bị lệ thuộc, nhất là lệ thuộc một bọn bá quyền Trung Quốc.”

Qua những bài viết của ông, người ta nhận thấy ở đó một con người luôn luôn đau đáu trước vận mệnh đất nước, một người yêu nước thầm lặng và chấp nhận trả giá cho lòng yêu nước đó bằng những ngày tù tội. Thân sinh ông chết trước ngày ông ra tù 3 tháng, hậu quả của 4 năm tù là một người vợ bệnh hoạn vì tần tảo nuôi ông trong những năm tháng bị giam cầm. Vẫn không ân hận về những việc đã làm, ông nói:

“Hối hận thì tôi không hối hận đâu, nhưng mà bản án quá nặng, tại vì tôi không biết bất cứ một tổ chức nào hết mà tôi cũng không tham gia một tổ chức nào hết, cũng không ai xúi dục tôi hết mà tôi chỉ bộc phát cá nhân của tôi thôi, nhưng mà cái bộc phát cá nhân của tôi mà cái bản án này thì nó quá nặng. Đối với đất nước, đối với tổ quốc, đối với nhân dân thì tội không thẹn với lương tâm của mình. Bản án 4 năm tù, tôi thấy quá nặng đối với tôi, nhưng mà tôi cũng không ân hận vì tôi đã nói lên được tiếng nói của mình mặc dầu tiếng nói của tôi quá bé nhỏ, nó không đủ sức để cảm hoá ai hết, nhưng mà đối với đất nước tôi cũng chỉ làm được thế thôi, biết sao bây giờ !”

Sau 4 năm, tình thế hình như có nhiều thay đổi, đã có những lên tiếng mạnh mẽ hơn từ phía nhà cầm quyền, mặc dù vẫn còn những ngần ngại đâu đó. Những thông tin từ báo chí nhà nước đã cho ông một chút hy vọng:

“Khi tôi ra tù, tôi nói với mấy anh công an như thế này: Trước đây khi Trung Quốc lấn lướt chúng ta mà chính phủ có những hành động như bây giờ thì tôi không ở từ. Và bây giờ tôi hy vọng rằng tất cả những lời nói của ông Nguyễn Tấn Dũng, của chủ tịch nước Trương Tấn Sang và của tất cả những nhà lãnh đạo Việt Nam là đúng sự thật. Tôi rất mong rằng những lời nói của mấy ông này không phải là lời nói suông. Tôi hy vọng rằng những lời nói này sẽ biến thành sự thật, tôi rất mừng. Nhưng nếu những lời nói đó chỉ là những lời nói suông thì nói thật, tôi không biết những gì sẽ xảy ra…”

Khi mà mọi quyền uy chỉ tập trung vào một cá nhân, khi mà một nhóm độc tài lăm le đem quê hương ra làm miếng mồi để thủ lợi. Để được an toàn, người dân chỉ còn biết thể hiện lòng yêu nước trong những giấc mơ. Từ Kiên Giang, người chiến sĩ thầm lặng gửi đến quý thính giả đài Á châu Tự do một niềm ước vọng:

“Tôi xin cám ơn tất cả những người đã quan tâm đến tôi trong thời gian tôi ở tù, và tôi gửi đến tất cả quý khán thính giả của Đài Á Châu Tư Do những lời chúc tốt đẹp và tôi mong rằng đất nước Việt Nam của chúng ta thoát khoải sự xâm lăng của Trung Quốc.”

nguồn: http://www.rfa.org/vietnamese/



SAIGON - HỌP MẶT XÃ HỘI DÂN SỰ VỀ CÔNG ĐOÀN ĐỘC LẬP. 


Khách tham gia cuộc họp dành một phút tưởng niệm những người đã hy sinh cho Tổ quốc Việt Nam thân yêu.

Hôm nay, 04/07/2014 tại Chùa Liên Trì, Q2, Sài Gòn, các nhóm hội xã hội dân sự (XHDS) có buổi họp mặt với chủ đề chính là bàn thảo về Công đoàn Độc lập.

Cuộc họp được bắt đầu lúc 08:45 và dự kiến kết thúc lúc 11:30. Nội dung cuộc họp bao gồm:
- Chào mừng sự ra đời của Hội Nhà báo Độc lập Việt Nam
- Chào đón cô Đỗ Thị Minh Hạnh trở về.
- Bàn thảo về Công đoàn Độc lập.
- Quyền tự do lập hội - tụ họp ôn hòa.


Được biết, đây là cuộc họp mặt thường kỳ của các nhóm hội XHDS. Kỳ họp lần này do Con Đường Việt Nam điều phối. Trong nội dung cuộc họp, có bàn đến quyền tự do lập hội và tụ họp ôn hòa. Tuy nhiên, theo chúng tôi được biết đã có một số cá nhân không thể ra khỏi nhà vì bị cơ quan công quyền dùng lực lượng an ninh, trinh sát ngoại tuyến, công an khu vực chặn cửa.

Danh sách bị chặn chưa cập nhật đầy đủ bao gồm:
- Bác sĩ Nguyễn Đan Quế. Ông bị canh nhà từ chiều 3/7. Sáng nay, khi bước ra khỏi nhà, ông liền bị đẩy vào nhà bằng sức mạnh và số đông.
- Ông Phạm Bá Hải. Ông Hải ngoài việc bị chặn còn bị gửi giấy triệu tập lên trụ sở CA làm việc ngay lập tức
- Chánh trị sứ Hứa Phi và các tín đồ Cao Đài bị chặn và câu lưu tại Lâm Đồng.
- Anh Hoàng Văn Dũng bị chặn tại nhà riêng.

Trước chùa Liên Trì, Quận 2, có hàng chục trinh sát ngoại tuyến, an ninh... canh gác và quay phim, chụp hình. Tuy nhiên, cuộc họp vẫn đang diễn ra...

Danh sách các Hội nhóm:
1. Diễn Đàn Xã Hội Dân Sự
2. Hội Tù Nhân Lương Tâm
3. Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất
4. Cao Đài
5. Phật Giáo Hòa Hảo
6. Tin Lành
7. Bạch Đằng Giang Foundation
8. Hội Phụ Nữ Nhân Quyền
9. Hội Anh Em Dân Chủ
10. Hội Nhà báo Độc lập
11. Mạng Lưới Blogger Việt Nam
12. Con Đường Việt Nam
13. Hội Bầu Bí Tương Thân
14. Truyền Thông Dòng Chúa Cứu Thế
15. Liên Đới Dân Oan
16. Hiệp Hội Dân Oan
17. Hội Ái Hữu Tù Nhân Chính Trị & Tôn Giáo
18. No - U Saigon

Nguồn: Con Đường Việt Nam



Trằn trọc tháng bảy (tiếp theo)
Hà Sĩ Phu


5. Kiện hay không kiện?
Có ba vấn đề khác nhau:
- Về đường lưỡi bò chiếm 80% Biển Đông thì Trung Quốc vô lý hoàn toàn, Việt Nam dứt khoát phải cùng với các nước vừa kiện vừa có biện pháp hữu hiệu để ngăn chặn như liên kết với Hoa Kỳ, lập liên minh phòng thủ Biển Đông, vân vân, Việt Nam không có lý do gì lảng tránh việc này.
- Về những giàn khoan ngang ngược, cũng giống như việc đường lưỡi bò nhưng phức tạp hơn vì ranh giới chồng chéo và cũng liên quan đến Hoàng Sa - Trường Sa, có thể phát sinh nhiều luận điểm, tuy nhiên vẫn phải kiện, và đừng quên nếu không có sức mạnh thực tế thì cũng không đẩy được chúng đi. Nói chung, việc kiện ra các tòa án quốc tế, dù hiệu quả ít hay nhiều vẫn phải tiến hành, để vạch rõ chính nghĩa, vì danh dự dân tộc hoặc tạo hồ sơ giải quyết sau này.
- Riêng Hoàng Sa (và có thể cả Trường Sa) thì khó khăn hơn nhiều, dân đã có kiến nghị yêu cầu nhà nước phải kiện Trung Quốc, nhưng nhà nước thì lưỡng lự, chập chờn, không chuẩn bị gì, bây giờ quyết định không kiện gì hết (?), mà chỉ tuyên truyền (chắc là để xoa dịu cho dân yên tâm) [theo thông tin mới nhất thì Thủ tướng đã giao các cơ quan củng cố hồ sơ để báo cáo lãnh đạo Đảng, Nhà nước cân nhắc việc đấu tranh pháp lý về Biển Đông; xem ở đây – BVN]! Ở đây có nhiều điều cần thảo luận.
Trước hết phải đau lòng thừa nhận rằng việc Hoàng Sa - Trường Sa nếu kiện ra Liên Hiệp Quốc thì khả năng thua nhiều hơn thắng. Tại sao? 
Đồng ý rằng về pháp lý công hàm Phạm Văn Đồng (trả lời Bản tuyên bố ngày 4 tháng 9 năm 1958 của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, trong đó họ khẳng định Hoàng Sa - Trường Sa là của Trung Quốc) không có giá trị “mua bán”, vì người ta không thể bán cái không có trong tay mình, vì không có sự đồng thuận của chính phủ ở nửa nước miền Nam, hoặc vì chưa thông qua Quốc hội, vân vân.
Nhưng trách nhiệm của Công hàm Phạm Văn Đồng lại nguy hại ở ý nghĩa khác. Đối với Hoàng Sa - Trường Sa công hàm Phạm Văn Đồng tuy không có giá trị pháp lý của một giao kèo mua bán hay sang nhượng, nhưng có giá trị của một bản tuyên bố chính thức, minh định nhận thức và lập trường của chính phủ Việt Nam, để Trung Quốc và thế giới được rõ, rằng Hoàng Sa - Trường Sa là của Trung Quốc (đã là của Trung Quốc thì đương nhiên không phải của Việt Nam, Việt Nam chúng tôi không liên quan gì đến các quần đảo đó!)
Một người khách quan đọc bản công hàm ấy ắt phải hiểu như thế. Nếu có kẻ nào còn mơ hồ tưởng lầm Hoàng Sa - Trường Sa là của Việt Nam thì hãy xem thêm các bản đồ và sách giáo khoa của Việt Nam sẽ rõ! Phạm Văn Đồng đã giúp Trung Quốc chu đáo đến thế là cùng. 
Trong công hàm Phạm Văn Đồng không cần có nửa lời về Hoàng Sa - Trường Sa là đương nhiên, vì đã minh định Hoàng Sa - Trường Sa là của Trung Quốc thì cũng như các đảo Bành Hồ, Trung Sa… chứ liên quan gì đến Việt Nam đâu mà phải đề cập? Đã của Trung Quốc, không phải của Việt Nam thì Trung Quốc cứ tự nhiên sử dụng, cần gì đến chuyện “mua bán” hay sang nhượng? 
Một sự phủ định chủ quyền thản nhiên và sạch trơn như vậy còn tai hại hơn một giao kèo bán đất rất nhiều, vì nếu “bán” thì trước khi bán Hoàng Sa - Trường Sa vẫn còn là của Việt Nam, sau này còn có thể chuộc lại, nhưng khẳng định như Phạm Văn Đồng có nghĩa là từ trước chí sau Hoàng Sa - Trường Sa không liên quan gì đến Việt Nam cả. Chu đáo đến thế thì con cháu bây giờ hết chỗ cựa (nếu cãi lại sẽ sẽ phạm luật estoppels). 
Là người Việt Nam dù với chính kiến nào, không ai muốn hải đảo nước mình rơi vào tay Trung Quốc, nhưng giải pháp “khôn ngoan” muốn hạ thấp trách nhiệm của công hàm Phạm Văn Đồng để vừa thoát khỏi ràng buộc với Trung Quốc mà vẫn bảo vệ được uy tín cho Đảng Cộng sản e rằng bất khả thi.
Bây giờ, sau nửa thế kỷ mới trưng các bản đồ lịch sử ra, xét về tình, thế giới có thể thông cảm, nhưng về lý, mình đã trói mình quá chặt thì cũng khó gỡ ra, ấy là chưa kể lẽ phải luôn thuộc về kẻ mạnh. 
Tự chối bỏ chủ quyền thì còn tai hại hơn bán chủ quyền. Vì thế, đối với Hoàng Sa - Trường Sa kiện thì cứ kiện, nhưng chỉ có thể giải quyết trong một giải pháp trọn gói, chống lại toàn bộ sự xâm lấn của Trung Quốc cả ở biển đảo và trên đất liền. 
Thật vậy, việc xâm chiếm Việt Nam đâu chỉ giới hạn ngoài biển đảo? Nào ai biết đã có bao nhiêu văn bản ký kết tạo điều kiện cho Trung Quốc chiếm dần lãnh thổ Việt Nam, đi đôi với việc xâm lấn nhân sự vào các cấp lãnh đạo từ tỉnh huyện đến Trung ương? Muốn thoát khỏi cái ách Trung Quốc đã quàng rất nhiều vòng vào cổ dân tộc này, tức là muốn “Thoát Trung” chỉ có một con đường duy nhất là từ bỏ thể chế cũ một cách thật sự, để một nhà nước mới, một nhà nước dân chủ, mới có tư cách nhân danh nhân dân chối bỏ những ràng buộc mà chế độ cũ đã ký kết, phương hại đến đất đai, chủ quyền của Tổ quốc Việt Nam. 
6. Thoát Trung chủ yếu là thoát về chính trị, không phải văn hóa
Lịch sử đưa đẩy hai nước Việt Trung vào cùng một “đại gia đình Cộng sản” là tạo ra cơ hội bằng vàng, nhốt con thỏ và con sói vào cùng một chuồng thành hai anh em ruột, chị em ruột. Thế là toàn bộ chương trình dài hơi nhằm nô dịch Việt Nam, biến Việt Nam thành chư hầu kiểu mới của Trung Quốc được thiết kế trên cái nền Cộng sản, trong đó “quyền đảng” được nâng lên tối đa và “quyền dân” thực tế bị hạ xuống tối thiểu, khiến cho hai đảng cứ tự do làm việc ngầm với nhau, quyết định mọi việc trong quan hệ cá lớn nuốt cá bé, trong khi nhân dân bị đứng ngoài cuộc. Vậy đây là một cuộc cờ chính trị “vĩ đại”, yêu cầu thoát Trung chẳng qua là thoát khỏi sự kìm kẹp chính trị cộng sản khủng khiếp ấy.
Trong tiến trình ràng buộc có sử dụng sự ràng buộc kinh tế, ràng buộc tư tưởng, ràng buộc văn hóa - xã hội, nhưng tất cả chỉ là phương tiện nhằm cái đích nô dịch chính trị. Chính trị là cái nút thắt, cũng là nơi để chiếc chìa khóa mở ra. Nếu hiểu lý thuyết rằng văn hóa hoặc kinh tế là nền móng rồi dồn sức vào các lĩnh vực mênh mông là văn hóa hoặc kinh tế thì chỉ luẩn quẩn mãi trong rừng rậm không có lối ra, có khi gây tác dụng ngược, cuối cùng vẫn bị yếu tố chính trị thắt lại, vì chính trị nhanh tay hơn, ma mãnh hơn văn hóa và kinh tế rất nhiều. 
Thật vậy, về văn hóa, ảnh hưởng của văn hóa Trung Quốc đối với Việt Nam tuy có những điều bất lợi nhưng nhìn tổng thể cũng là điều bình thường xưa nay, trong đó có xấu có tốt, có thể điều chỉnh, có yếu tố đã trở thành sức mạnh của Việt Nam. Thế giới có khoảng 200 quốc gia nhưng con số những nền văn hóa lớn thì ít hơn rất nhiều, mỗi nền văn hóa lớn thường tỏa rộng ảnh hưởng ra các quốc gia xung quanh, tạo nên những vùng “địa văn hóa”, “cụm văn hóa” gồm nhiều quốc gia lân cận. Quan hệ quốc tế hiện nay làm cho ranh giới “địa văn hóa” mờ dần đi, ngày càng thâm nhập vào nhau một cách đa phương nên muốn dùng độc quyền văn hóa làm công cụ nô dịch cũng không dễ dàng như trước. Trái lại những giá trị văn hóa dù hình thành ở đâu cũng là thành quả chung của loài người để dùng chung như ta dùng lửa, dùng điện, dùng Internet vậy. Không có gì phải mặc cảm khi một quốc gia nằm trong cụm văn hóa Hy-La hay văn hóa Trung Hoa…
Mặt khác, vì xã hội luôn có hai thành phần tương sinh tương khắc là nhân dân và tầng lớp thống trị nên nền văn hóa nào cũng cấu thành bởi hai nhân tố xung khắc ấy, vừa có mặt nhân văn tích cực của nhân dân, lại có mặt phản dân chủ mà giới cầm quyền khéo dùng làm công cụ để nô dịch dân mình và nô dịch cả dân nước khác, đồng thời tất cả vẫn nằm trong dòng tiến hóa từ lạc hậu đến ngày một văn minh hơn. Khi du nhập những nét văn hóa tích cực luôn phải thanh lọc những yếu tố nô dịch tiêu cực hoặc không phù hợp với tập quán dân tộc mình. Điều này dân tộc Việt Nam đã làm, làm khá thành công nên sau 1000 năm Bắc thuộc mà vẫn không bị đồng hóa. Tóm lại, thái độ đối với văn hóa là sàng lọc, đồng hóa hoặc tẩy trừ từng phần chứ không nhất thiết phải xử lý trọn gói. Tấm gương biết sàng lọc văn hóa không ai bằng cụ Phan Châu Trinh, xuất thân Nho học, tiếp tận Âu Tây mà biết sàng lọc rất trúng, vừa chống “hủ Nho” vừa chống “hủ Âu” trở thành nhà dân chủ, nhà cách mạng đầu tiên của nước nhà [*]. Cụ chẳng vì chuộng Âu mà phải thoát Á, vì khi đã lệch về một phía thì dễ thiên vị, quên sàng lọc mà tôn sùng cả cái xấu của người ta.
Điều oái oăm với văn hóa Việt Nam là trong khi dòng chảy văn hóa đang từng bước tự hoàn thiện thì có sự du nhập “một nền văn hóa trọn gói” nặng tính ngoại lai và áp đặt, là “văn hóa vô sản” thực chất là “văn hóa cộng sản”, “văn hóa đảng”. Nói văn hóa Cộng sản có tính “trọn gói” vì nó tách biệt hẳn ra thành một khối, không kế thừa, dính vào đâu là nó hủy diệt các giá trị truyền thống ở đó, nên không có khả năng hòa đồng vào bất kỳ nền văn hóa nào. Vì bản chất là phi dân chủ nhưng lại nhân danh dân chủ nên văn hóa cộng sản cộng hưởng ngay với chất mị dân của chủ nghĩa thân dân phong kiến, mà thực chất là vương quyền áp đặt, tôn sùng minh quân, đồng thời làm mất gốc dân chủ và tương thân tương ái của văn hóa bản địa, thay bằng thứ tình yêu giai cấp vừa chật hẹp giữa con người lại vừa mở rộng phi lý vượt biên cương.
Chính nền chuyên chính độc đảng toàn trị Cộng sản đã làm cho quan hệ “quỳ lạy-xin cho” tiêu cực của văn hóa phong kiến trỗi dạy và làm tha hóa xã hội đến mức bệnh hoạn. Tôi hiểu đấy chính là lý do khiến nhà báo Lê Phú Khải phải kịch liệt phê phán thứ “văn hóa quỳ lạy” đang chế ngự xã hội. Một nét tiêu cực của văn hóa phong kiến như thế tưởng đã qua đi, nay gặp môi trường mới thích hợp lại nảy nở thành một tệ nạn, chứ đạo Nho chỉ khuyên người ta đứng thẳng, không khuất phục trước uy vũ (uy vũ bất năng khuất) và con người phải biết tự trọng thì người khác mới trọng mình (nhân tự trọng nhi hậu nhân trọng chi, nhân tự khinh nhi hậu nhân khinh chi), Khổng giáo không khuyên người ta quỳ lạy.
Văn hóa Khổng Mạnh vừa sinh ra Phan Châu Trinh rất dân chủ, vừa sinh ra tên vua Khải Định thích dân quỳ lạy. Cho nên Cụ Phan viết thư hạch tội vua Khải Định 7 điều, trong đó tội thứ nhất là quá tôn quân quyền, cậy quyền thế mà ép dân, tội thứ nhì là không công bằng và tội thứ ba chính là “Chuộng sự quỳ lạy”!
Ngày nay một lực lượng vũ trang ăn lương của dân mà coi dân như cỏ rác, ngang nhiên thách thức “chỉ biết còn Đảng còn mình”, tất nhiên nịnh trên mà nạt dưới, thì chắc chắn người đưa ra khẩu hiệu rất “quỳ lạy” đó không hề đọc sách Khổng Mạnh mà chỉ nhiễm “văn hóa Đảng” thôi. 
Nhiều người dân vào đồn công an bị đánh đến phải quỳ lạy, nơi “quỳ lạy” ấy không hề có đạo Khổng, chỉ có “6 điều Bác dạy” (mặc dù lời dạy cũng có câu “với dân phải kính trọng, lễ phép”).
Thuở nước nhà sơ khai, các trí thức chịu ảnh hưởng đạo Nho và văn hóa Trung Hoa rất nhiều, nhưng những Giang Văn Minh, Mạc Đĩnh Chi, Nguyễn Trãi, Lý Thường Kiệt đã dùng chính chữ Nho làm vũ khí chống lại Tàu, sức mạnh Nho giáo đã thành sức mạnh dân tộc. Trong khi Lê Chiêu Thống, Trần Ích Tắc lại dùng chữ Nho để theo Tàu phản bội Tổ quốc, còn khối kẻ hàng Tàu bây giờ đâu có biết một chữ Nho bẻ làm đôi? Vậy hèn mạt hay anh hùng ít khi do nền văn hóa, chủ yếu do nhu cầu chính trị, vì chính trị gắn với quyền lợi và nhu cầu sinh tồn.
Ngay chuyện bây giờ, khi ta nói sở dĩ Đảng Cộng sản Việt Nam phải lệ thuộc Tàu là do Ý thức hệ cộng sản thì cũng chỉ đúng một phần. Đâu có phải cứ hai nước cùng chung Ý thức hệ Cộng sản thì thôn tính nhau? Vấn đề là nước Cộng sản nhỏ muốn tiến hành chiến tranh, rồi lại muốn chống xu thế dân chủ để tiếp tục nắm quyền độc trị thì phải dựa vào nước Cộng sản lớn giúp đỡ, nước lớn vốn rắp tâm xâm lược nên sử dụng sự giúp đỡ làm cái bẫy để bắt Đảng Cộng sản nhỏ bán dần chủ quyền, mặc dù đến nay cả hai bên chẳng ai xây dựng chủ nghĩa Cộng sản gì hết, chẳng ai còn tin vào cái bánh vẽ “thế giới đại đồng”. Vậy bản chất sự lệ thuộc Tàu là do ràng buộc chính trị trong môi trường Cộng sản, như một hệ quả đau đớn của việc chọn con đường Cộng sản, chứ không phải do sự thấm nhuần Ý thức hệ. Ý thức hệ chỉ là yếu tố bắt nguồn lúc đầu. Những kẻ theo Tàu hiện nay là do nhu cầu chính trị, do quyền lợi chứ chẳng vì lý tưởng giai cấp vô sản gì hết.
Lại so sánh chế độ miền Bắc và chế độ miền Nam trước đây về hai mặt Thoát Trung và Khổng học. Miền Nam còn giữ Khổng học rất nhiều, từ sách vở đạo đức, đến quan hệ xã hội nhưng họ dứt khoát Thoát Trung, biểu hiện ở việc chống Trung Quốc xâm lược Hoàng Sa năm 1974, và quy định một số nghề người Hoa không được làm để phòng người Tàu chi phối kinh tế và quốc phòng.
Trong khi miền Bắc khi đó bài trừ Khổng học, coi Khổng học là phong kiến phản động nên phá hết văn chỉ, đem câu đối làm cầu ao, chuồng lợn, đấu tố Nho học, thì lại ôm chân Tàu rất rõ, dập khuôn Tàu, phụ thuộc Tàu đến nỗi sinh ra nguy cơ Bắc thuộc hiện nay. Vậy không phải chống Khổng học thì Thoát Trung mà có khi ngược lại, vì nhiều nét của Khổng học đã được người Việt đồng hóa để thành vốn liếng văn hóa của chính người Việt.
Cuối cùng, xin cảm ơn việc khơi ra cuộc thảo luận Thoát Trung, đã huy động được sự đóng góp từ nhiều phía, làm cho một vấn đề rất hệ trọng được sáng ra, lần đầu tiên được đề cập một cách hệ thống, thiết tưởng là một sáng kiến đóng góp rất hữu ích cho công cuộc Thoát Trung hiện nay.
7. Nghĩ về mấy ngụy biện trong việc chống Tàu xâm lược
* Ngụy biện về đoàn kết và phân ly: 
Như quy luật của muôn đời, sự đấu tranh để dân chủ hóa luôn luôn là cuộc đấu tranh giữa giới cai trị và giới bị trị, giữa chủ và thợ, nước nào cũng có, ở những mức độ khác nhau. Nhưng Đảng Cộng sản muốn phủ định, coi như cuộc đấu tranh ấy không có trong xã hội ưu việt này, nên dùng khẩu hiệu “ý Đảng lòng dân” để đúc hai khối “cai trị và bị cai trị” thành một khối đồng nhất (nhưng đầy mâu thuẫn bên trong). Dân mà “có ý kiến khác” tức tách khỏi khối đúc ấy thì không phải là dân, Đảng coi là kẻ xấu hay là địch đấy! 
- Nay trước tình trạng bị nước Cộng sản lớn xâm lược đang xuất hiện ngụy biện: “Bây giờ phải tập trung chống xâm lược, cả nước phải một lòng, đứng dưới sự lãnh đạo mà chống giặc, trong nước mà còn đấu tranh với nhau là mắc mưu chia rẽ của phản động đấy!”. Lời hô hào nghe cảm động ghê, đoàn kết cả với kẻ nội xâm, nội gián sẵn sàng “mở cửa thành” cho giặc hả?
- Lập trường đúng đắn của Đảng ta là làm bạn với tất cả mọi người, không liên minh với nước này để chống lại nước kia! Nghe sao đạo đức quá, thế sao trước đây lại dựa hẳn vào Liên Xô - Trung Quốc để đánh “Mỹ-Ngụy”, sao bây giờ chỉ liên kết chiến lược toàn diện, thiết lập cả đường dây nóng với quân xâm lược, để đề phòng nhân dân ư?...
Ngụy biện này là để giải thích vì sao Việt Nam không liên minh chiến lược với Hoa Kỳ, nhưng nội bộ Đảng giải thích với nhau nếu liên minh với Hoa Kỳ thì mất Đảng! Vẫn biết nếu liên minh với Hoa Kỳ thì sẽ không mất nước, nhưng thà mất nước còn hơn là mất Đảng! Thế là rõ!
- Nhiều nhà nghiên cứu, bình luận cứ phát hiện “con đường cho Việt Nam”, “lối thoát cho Việt Nam”, “giải pháp tối ưu cho Việt Nam” mà không biết rằng bây giờ làm gì có “Việt Nam” như một khối thống nhất. Như ông Lê Hồng Hà nhận xét “Đảng bây giờ chỉ còn mỗi chức năng là cản trở sự phát triển của dân tộc”, vậy thì bài toán cho chính quyền Việt Nam và bài toán cho nhân dân Việt Nam là hai bài toán đáp số ngược nhau, đáp số tối ưu cho bên này sẽ là tai họa cho bên kia, làm gì còn khái niệm “Việt Nam” chung chung? 
* Ngụy biện về cương và nhu
Bất đắc dĩ phải tuyên bố công khai mâu thuẫn với Trung Quốc (về lãnh hải thôi, còn những mâu thuẫn khác vẫn giấu biệt), nhưng không cho dân bộc lộ sự phẫn nộ, mà khuyên “phải bình tĩnh, chuyện lâu dài không nóng vội, mâu thuẫn như anh em trong nhà, mình phải chung sống lâu dài với nước bạn, bát nước đổ đi khó bốc lại, ta cần mềm dẻo giữ hòa bình để phát triển kinh tế…”. 
Ai cũng biết cương quá hay nhu quá đều không tốt, nhưng lúc cần nhu lại cương, lúc cần cương lại nhu thì thật quái đản.
Có một danh ngôn “kẻ nào chấp nhận nhục nhã để tránh chiến tranh cuối cùng sẽ lãnh đủ cả hai thứ đó”. Có cứng rắn, không sợ chiến tranh mới tránh được chiến tranh. Chính sự hèn nhát là thủ phạm rước chiến tranh vào nhà! Còn tình nghĩa anh em ư, nó đập vào mặt, nó nhục mạ cả dân tộc, nó xâm lăng rành rành, nó tè vào cái bát nước hữu nghị, còn anh em nữa ư?
* Ngụy biện về lòng thương dân
Người ta đang giải thích phải chịu nhún nhường Tàu Cộng hết cỡ vì sợ đánh nhau thì nhân dân khổ! Chỉ thương dân thôi! 
Ôi chao, cảm ơn! (Giá nói 50 năm trước đây thì hơn).
Sao một bảng thống kê về điều tra, chỉ xếp nhân dân Việt Nam thuộc loại hạnh phúc thứ nhì thế giới thôi nhỉ, chắc vì lúc ấy cơ quan điều tra chưa được “quán triệt” chủ trương rất cảm động này.
H. S. P. (2-7-2014) 
- - -
[*] “Nhân vật Phan Châu Trinh và những bài học cho hôm nay/ Sàng lọc và kết hợp văn hóa Đông Tây”: http://www.hasiphu.com/baivietmoi_12.html
Nguồn: Bauxite Việt Nam


Hội Nhà báo Độc lập Việt Nam: Dấn thân cho quyền tự do ngôn luận
 04.07.2014 
VRNs (04.07.2014) – Sài Gòn – Hôm 04.07.2014, Hội Nhà báo Độc lập Việt Nam (HNBĐLVN) đã chính thức thành lập giữa bối cảnh các tổ chức ‘xã hội dân sự độc lập Việt Nam’ đang phát triển với gần 20 tổ chức, như ông Phạm Chí Dũng, cựu cán bộ Thành Ủy Tp.Hồ Chí Minh và là cựu đảng viên Cộng sản trong hơn 20 năm mô tả.
Theo Tuyên bố thành lập HNBĐLVN, ông Phạm Chí Dũng giữ vai trò chủ tịch Hội. Vị chủ tịch HNBĐLVN cũng nhận định về tình hình báo chí tại Việt Nam. Ông nói: “Báo chí nhà nước với hơn 800 tờ báo, chiếm số đông và vượt hẳn về mặt số lượng so với lề dân và truyền thông xã hội, tuy nhiên lại tỉ lệ nghịch với chất lượng phản biện xã hội của lề dân”.

Ông Phạm Chí Dũng, chủ tịch HNBĐLVN đang thuyết trình trước các hội viên
Theo Đài Á Châu Tự Do, tổ chức RSF (tức Phóng Viên Không Biên Giới) đã xếp hạng Việt Nam đứng thứ 174/180 quốc gia trên thế giới, trong phúc trình mang tên Chỉ Số Tự Do Báo Chí 2014 công bố vào tháng Hai vừa qua tại Washington.
Điều này đồng nghĩa với việc tổ chức RSF đánh giá Việt Nam đang theo đuổi chính sách kiểm duyệt báo chí và cấm đoán Internet một cách gắt gao.
Cũng trong bản phúc trình, tổ chức trên cho biết Việt Nam đang giam giữ 34 người viết blog để thể hiện quan điểm của mình.
Ông Dũng, tiến sĩ kinh tế và hiện là nhà báo độc lập nói tiếp: “Việc thành lập Hội Nhà báo Độc lập Việt Nam là ý nguyện của đa số các nhà báo, không chỉ các nhà báo tự do mà kể cả những nhà báo nhà nước”.
Ông cho rằng trong số hơn 17.000 nhà báo nhà nước hiện nay, ‘cũng phải đến vài chục phần trăm đồng ý với tư cách độc lập của báo chí Việt Nam, thoát khỏi vòng kim cô của ban Tuyên giáo Trung Ương để thể hiện sự đa nguyên, dân chủ, tự do và không thể có sự tuyên truyền một chiều’.
Gần 40 cá nhân, đa số trong nước đã ghi danh gia nhập Hội Nhà báo Độc lập Việt Nam.
Tổ chức này tự miêu tả mình “độc lập về quan điểm, nhân sự, tài chính …”

Việt Nam Thời báo
Ông Phạm Chí Dũng cho biết thêm, ‘tạo ra quyền tự do ngôn luận của các nhà báo độc lập, bằng cách xây dựng những diễn đàn ngôn luận’ là hoạt động quan trọng nhất trong 3 hoạt động chính của HNBĐLVN.
Hoạt động thứ hai là trang báo ‘Việt Nam Thời báo’, và hoạt động thứ ba là đào tạo ‘những cây viết trẻ kế thừa chuyên nghiệp’.
Ông Ngô Nhật Đăng, ủy viên ban lãnh đạo HNBĐLVN cũng nói: ‘Việt Nam Thời báo ước mong và cố gắng trở thành một tờ báo đại diện cho toàn dân’, ‘một nền báo chí của sự thật’ giữa sự ‘định hướng từ phía nhà nước hoặc tài phiệt’ ngay cả ở những đất nước dân chủ.
Tháng 9 năm 2012, Tòa án Việt Nam đã kết án 3 blogger là ông Nguyễn Văn Hải, tức Điếu Cày; bà Tạ Phong Tần và ông Phan Thanh Hải tổng cộng 26 năm tù giam vì tội ‘Tuyên truyền chống Nhà nước’.
Theo tờ Công an Nhân dân, 3 nhân vật này cũng như nhiều blogger khác vào năm 2007, đã thành lập ‘Câu lạc bộ nhà báo tự do’.
Đứng trước nguy cơ có thể bị truy tố bởi nhà cầm quyền tương tự như trường hợp trên, ông Ngô Nhật Đăng khẳng định: “Anh Hải Điếu Cày, Phan Thanh Hải, chị Tạ Phong Tần là những người đi bước đầu tiên. Đó là tấm gương mà chúng tôi noi theo”.
“Việc ra một tờ báo [độc lập] trong giai đoạn hiện nay là rất cần thiết. Những người có trách nhiệm công dân phải gánh trách nhiệm đấy, và tất nhiên làm những việc đấy thì chúng tôi chấp nhận tất cả mọi thứ hệ lụy và coi chuyện như thế là tất nhiên”.


Các nhà báo và blogger là hội viên của HNBĐLVN. (Từ trái sáng) Nhà báo Huỳnh Ngọc Chênh, tu nhân lương tâm Phạm Bá Hải, nhà thơ Bùi Minh Quốc, nhà báo Phạm Thành, nhà báo Nguyễn Tường Thụy, nhà báo Ngô Nhật Đăng
Lớp trẻ Việt Nam ‘rất thiếu thông tin’
Khuyến khích giới trẻ, ông Đăng cho biết tiếp: “Tất cả mọi sự đổi mới, thay đổi xã hội, nói rộng hơn nữa là tất cả các cuộc cách mạng thì lực lượng chính đó là lớp trẻ”.
“Chúng tôi là lớp người đi trước, chúng tôi nguyện làm những viên gạch lót đường để cho lớp trẻ đi lên. Và tương lai đất nước, có tự do dân chủ hay không thì phần quyết định chính là trong tay các bạn trẻ”.
Bà Vũ Thị Phương Anh, tiến sĩ Giáo dục học và có gần 30 năm làm việc trong môi trường nhà nước cũng góp lời, trong vai trò là nhà giáo: ‘Tôi thấy thanh niên và sinh viên nói chung rất thiếu thông tin. Họ rất non nớc so với [lớp trẻ] cùng lứa tuổi trong khu vực.’
Bà Anh nói: “Một trong những lý do mà họ thiếu thông tin là vì báo chí của mình bị kiểm soát quá kỹ. Giáo dục và truyền thông báo chí chỉ phản ánh có một quan điểm, không đầy đủ”.
Vì thế, bà Anh cho biết bà tham gia HNBĐLVN “để có một kênh nói lên sự thật và nói lên một quan điểm khác”.
“Làm việc lâu năm trong hệ thống [giáo dục] thì thấy cũng có nhiều cái mà mình cần phản biện”, bà nói thêm.
Đức Thiện, VRNs                                                                                                                                                          Ảnh Phạm Đức Hiệp, VRNs
http://www.chuacuuthe.com/2014/07/hoi-nha-bao-doc-lap-viet-nam-dan-than-cho-quyen-tu-do-ngon-luan/


Hội Nhà báo Độc lập Việt Nam chính thức ra mắt
Gia Minh, PGĐ Ban Việt ngữ RFA
2014-07-03 

Hội Nhà báo Độc lập Việt Nam chính thức ra mắt hoạt động vào ngày 4 tháng 7 năm 2014. 
Courtesy HNBĐLVN 

Hội Nhà báo Độc lập Việt Nam là một tổ chức mới được hình thành và chính thức ra mắt hoạt động vào ngày 4 tháng 7 năm 2014.
Một tiếng nói độc lập
Tiến sĩ Phạm  Chí Dũng, một trong những thành viên sáng lập, có cuộc nói chuyện với Đài Á Châu Tự Do về những thông tin liên quan hội này trong ngày chính thức ra đời. Trước hết ông cho biết:
TS Phạm Chí Dũng: Ngày hôm nay là một ngày vui và theo một số anh em thì đó là ngày lịch sử của Việt Nam vì lần đầu tiên Hội Nhà báo Độc lập Việt Nam ra đời.
Có thể nói đây là một tiếng nói độc lập với công luận, độc lập với các hội đoàn dân sự. Có một sự thú vị, một sự ngạc nhiên thú vị, như anh Bùi Minh Quốc nói, là ngày thành lập Hội Nhà báo Độc lập Việt Nam lại rơi đúng vào ngày 4 tháng 7- ngày của Bản Tuyên Ngôn Độc lập của Hoa Kỳ năm 1776, và điều đó quá xứng đáng cho tính chất độc lập của Hội Nhà báo Độc Lập Việt Nam, đặc biệt trong bối cảnh chủ quyền quốc gia bị xâm phạm nghiêm trọng như thế này.
Gia Minh: Vừa qua đã có Hội Nhà Văn Độc Lập ra đời, nay có Hội Nhà Báo Độc Lập ra đời thì sẽ có những hoạt động khác với Hội Nhà Văn Độc Lập cũng như các tổ chức xã hội dân sự ra đời trong thời gian vừa qua như thế nào?
Chúng tôi là một hội nghề nghiệp, và phục vụ cho các nhà báo, cũng như các cộng tác viên báo chí độc lập, và kể cả những nhà báo quốc doanh. 
-TS Phạm Chí Dũng
TS Phạm Chí Dũng: Chắc cũng có một số khác biệt nhất định. Trước hết chúng tôi là một hội nghề nghiệp, và phục vụ cho các nhà báo, cũng như các cộng tác viên báo chí độc lập, và kể cả những nhà báo quốc doanh muốn tham gia vào trong hội của chúng tôi.
Thứ hai chúng tôi hướng đến những hoạt động thực chất thay cho tính chất hình thức của những hội đoàn dân sự mà vẫn bị dư luận phàn nàn trong thời gian gần đây. Thực chất có nghĩa là chúng tôi sẽ hướng đến những hoạt động cụ thể như tạo ra diễn đàn tự do ngôn luận cho các hội viên. Diễn đàn này sẽ được thể hiện bằng các cuộc tọa đàm, hội thảo, hội nghị liên quan đến một số chủ đề và vấn đề nóng bỏng của đất nước như luật lập hội, luật biểu tình, luật trưng cầu dân ý, và một số vấn đề khác liên quan đến vấn đề thời sự rất nóng bỏng trong tình hình hiện nay là vấn đề truyền thông và vấn đề thoát Trung.
Hoạt động thứ hai là chúng tôi phải có ngay một trang báo để phục vụ cho nhu cầu của độc giả; và chúng tôi kỳ vọng trong 10 năm, nó phải trở thành một tờ báo có đẳng cấp quốc tế trong khu vực Đông Nam Á và ít nhất có thể sánh ngang với tờ Bangkok Post và có thể tiến lên so sánh với tờ  Strait Times của Singapore.
Đồng thời chúng tôi cũng tổ chức đào tạo cho các phóng viên trẻ vốn xuất thân từ giới blogger hiện nay. Đó là một hoạt động hết sức quan trọng vì đó là lớp kế thừa, kế cận cho lớp nhà báo lớn tuổi hiện nay.

Tiến sĩ Phạm Chí Dũng, một trong những thành viên sáng lập trả lời phỏng vấn VRNs, tháng 7 năm 2014. Screen Capture.
Gia Minh: Để có thể trở thành tờ báo có thể so sánh với những tờ như Bangkok Post và Strait Times mà ông vừa mới nói, thì ai là người viết đóng góp cho tờ báo (của Hội Nhà báo Độc Lập)?
TS Phạm Chí Dũng: Hiện nay chúng tôi bắt đầu từ con số không tròn trĩnh, nhưng như anh biết để có thể tạo ra một tờ báo chuyên nghiệp và có đẳng cấp quốc tế thì phải có những cây viết và những nhà làm báo chuyên nghiệp. Mà muốn có những cây viết và những nhà làm báo chuyên nghiệp thì phải đào tạo. Có hai nguồn có thể tiếp sức cho Hội Nhà Báo Độc Lập Việt Nam và trang báo độc lập này, chúng tôi hy vọng nhất là nguồn các tay viết có kinh nghiệm từ giới báo chí quốc doanh. Đó là những người viết mà theo chúng tôi là những người có trình độ, có năng lực, có nhu cầu để thể hiện nhưng chưa có nhu cầu để thể hiện. Và chúng tôi hy vọng trong thời gian tới họ có điều kiện để tham gia và để thể hiện trên trang báo độc lập này.
Thứ hai là nguồn đào tạo từ lớp trẻ. Đây là nguồn mà báo chí Việt Nam từ lề phải lẫn lề trái đều đang thiếu hụt trầm trọng và thậm chí đang bị khủng hoảng. Chúng tôi sẽ cố gắng đào tạo.
Thứ ba, chúng tôi cố gắng gửi những người trẻ được đào tạo đi nước ngoài để học hỏi dựa vào một số tổ chức phi chính phủ quốc tế về báo chí như Tổ chức Phóng viên Không Biên giới, hay Tổ chức Bảo vệ Ký giả Quốc tế, hay Văn bút Quốc tế, hoặc Freedom House…
Chúng tôi hy vọng với tất cả những biện pháp, giải pháp như vậy, chúng tôi có thể làm cho tờ báo có tiếng nói không chỉ là tự do và độc lập mà còn nâng cao về mặt chuyên môn của nó và dần dần có thể vượt ra ngoài biên giới Việt Nam.
Không phân biệt thành phần hội viên
Gia Minh: Đó là những cây bút, như ông nói, ở trong nước. Hiện trên khắp thế giới có những người Việt Nam sinh sống, lâu nay có những người đã viết và có đưa bài lên mạng, vậy lực lượng đó có được sử dụng cho tờ báo của Hội Nhà Báo Độc Lập không?
Theo điều lệ của hội không phân biệt người trong nước và người ngoài nước. Tất có thể trở thành hội viên, và chúng tôi dự kiến có thể xây dựng một vài chi hội của Hội Nhà báo Độc Lập VN ở nước ngoài. 
-TS Phạm Chí Dũng
TS Phạm Chí Dũng: Đó là những cây viết đáng giá nhưng chúng tôi không dám hy vọng họ tham gia vào hội một cách toàn phần. Có lẽ họ còn chờ chúng tôi hoạt động và chứng tỏ hiệu quả như thế nào. Tuy nhiên theo điều lệ của hội không phân biệt người trong nước và người ngoài nước. Tất có thể trở thành hội viên, và chúng tôi dự kiến có thể xây dựng một vài chi hội của Hội Nhà báo Độc Lập Việt Nam ở nước ngoài nếu có điều kiện. Cho tới nay đã có vài ba anh chị là nhà báo ở nước ngoài tham gia Hội Nhà báo Độc Lập. Chúng tôi hy vọng từ những người đó sẽ lan tỏa ra và sẽ thu hút một lực lượng cây viết hải ngoại đóng góp cho trang báo và cho Hội Nhà báo Độc lập Việt Nam.
Gia Minh: Qua kinh nghiệm lâu nay, bao giờ có những trang web và đặc biệt bây giờ tờ báo tên Việt Nam Thời báo của Hội Nhà báo Độc lập ( Việt Nam) ra đời, đều bị sự đánh phá từ phía chính quyền; vậy hội có những biện pháp gì để có thể đưa tờ báo đến độc giả thường xuyên, không bị gián đoạn do những hoạt động đánh phá như thế?
TS Phạm Chí Dũng: Trong Ban lãnh đạo Hội đã giao cho nhà báo độc lập, linh mục An Tôn Lê Ngọc Thanh, Dòng Chúa Cứu Thế Sài Gòn phụ trách về trang báo và cùng với anh Ngô Nhật Đăng, cũng là một nhà báo độc lập trị sự trang báo này.
Chúng tôi cũng đã tính tới những phương án kỹ thuật chặt chẽ và có mối quan hệ, liên hệ chặt chẽ với hệ thống Facebook. Và vấn đề kỹ thuật, nếu cần thiết thì anh có thể hỏi thêm linh mục An Tôn Lê Ngọc Thanh vì đây là người nắm chắc vấn đề kỹ thuật và làm sao bảo đảm trang báo không bị xâm nhập, không bị hack trong quá trình hoạt động và vẫn chó thể phục vụ được cho độc giả.
Gia Minh: Là một trong những thành viên của ban biên tập và thành viên của ban sáng lập Hội Nhà báo Độc lập, trong ngày ra mắt ông muốn nhắn gửi gi đến người đọc và người xem tại Việt Nam và trên thế giới?
TS Phạm Chí Dũng: Tôi chỉ xin nói ngắn gọn là chúng tôi sẽ cố gắng làm thế nào để Hội Nhà báo Độc lập Việt Nam hoạt động một cách có thực chất và đại diện cho tiếng nói độc lập của báo giới Việt Nam, không chỉ trong nước mà còn quốc tế. Và làm thế nào để những hội viên của Hội Nhà báo Độc Lập Việt Nam trong tương lai không xa có thể và hoàn toàn có quyền tự hào rằng họ là những nhà báo độc lập đầu tiên của Việt Nam và có tiếng nói quốc tế, được quốc tế nể trọng.
Gia Minh: Cám ơn Tiến sĩ Phạm Chí Dũng, một trong những thành viên khởi xướng Hội Nhà báo Độc Lập Việt Nam, trong ngày ra mắt có những chia sẻ với khán thính giả của Đài chúng tôi.
http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/1-ever-indep-journ-ass-come-act-in-vn-gm-07032014121902.html


No comments:

Post a Comment

Nhân quyền và bạo quyền

VTV-[Trang Lê Mới Nhất] chửi từ nhà ra phố, Trọng Lú sợ vỡ mật

https://www.youtube.com/results?search_query=Trang+L%C3%AA+%28B%C3%A0+Ngo%E1%BA%A1i%29

Featured Post

Bản Tin cuối ngày-19/11/2024

Popular Posts

My Blog List