Nạn nhân thứ 11 của công an Việt
Nam bị đánh vỡ sọ trong năm 2014
Những sự thật không thể chối bỏ
(phần 4)
https://www.youtube.com/watch?v=XwRlWdNaAyQ
STBN - Thêm một cái chết bất thường do bị công
an đánh tại Việt Nam. Nạn nhân là người đàn ông tên Nguyễn Hữu Thâu, 43 tuổi,
cư dân thôn Xuân Tây, Phú Xuân, huyện Krông Năng tỉnh Đắk Lắk.
Theo người nhà nạn nhân kể lại, ông Thâu bị tình
nghi là ăn trộm, nên bị công an Lê Viết Hùng 57 tuổi, cùng 3 người khác là lực
lượng tự quản của thôn đưa về hội trường thôn Xuân Hòa để làm việc.
Ông Thâu sau đó đã ngủ lại tại hội trường thôn
mà không về nhà. Bà Võ Thị Kim Quê, vợ ông Thâu cho biết tối xảy ra sự việc, bà
cùng một người cháu ruột lên hội trường thôn để tìm hiểu sự tình thì ông Thâu
vẫn bình thường, tỉnh táo.
Công an thôn bảo đang yêu cầu ông Thâu viết
tường trình, nên mời bà Kim Quê về và hẹn sáng mai lên sẽ làm việc. Sáng hôm
sau, người nhà ông Thâu và cơ quan chức năng xã đến hội trường thôn, thì phát
hiện ông Thâu nằm bất động trên nền nhà, mồm, mũi chảy máu, toàn thân ướt sũng,
chân tay cứng đơ, liền đưa nạn nhân đi cấp cứu tại Bệnh viện huyện Krông Năng,
các bác sĩ chẩn đoán nạn nhân bị chấn thương sọ não.
Thấy tình trạng sức khỏe của ông Thâu nguy ngập,
người nhà đã xin chuyển ông tới bệnh viện Chợ Rẫy để cấp cứu, tuy nhiên xe mới
tới địa phận tỉnh Đắk Nông thì nạn nhân tử vong.
Gia đình nạn nhân Nguyễn Hữu Thâu
Trường hợp tra tấn giết người này, công an huyện
Krông Năng đã không kịp vu khống cho nạn nhân tự tử được. Ông Nguyễn Hữu Thâu
là nạn nhân thứ 11 của Công an CSVN chỉ mới 7 tháng đầu của năm 2014. Riêng
tháng 6, có tới 3 nạn nhân chết vì sự tra tấn của Công an CSVN, dù chế độ Hà
Nội đã ký tên vào Công ước Quốc tế Chống Tra Tấn từ tháng 11-2013.
Công an là cánh tay mặt của CSVN trong việc cai
trị, khủng bố thường dân, cho nên họ mới được phép mặc sức lộng quyền như vậy.
Có thể nói, công an là lực lượng đang đi ngược lại lòng dân do quyền lợi gắn
chặt với chính quyền CSVN. (T. Lan)
***
Chết sau khi làm việc với công an, nghi...lạm
quyền?
Mi An
(Baodatviet) -
“Giữ lại qua đêm” tại trụ sở công an xã với tội danh như “nghi trộm cắp tài
sản”, nhiều mạng người đã bị tước bỏ.
Một công an viên ở Đắk Lắk vừa bị bắt khẩn cấp
vì nghi đánh chết người sau một đêm giữ nạn nhân ở lại hội trường thôn. Những
cái chết này không lạ, không mới và sẽ còn tiếp tục xảy ra, nếu căn nguyên chưa
được chữa trị.
Ngày 8.7, đại tá Nguyễn Văn Bôn, Phó Thủ trưởng
Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Đắk Lắk, xác nhận cơ quan này đã bắt khẩn cấp ông Lê
Viết Hùng (57 tuổi, công an viên thôn Xuân Hòa, xã Phú Xuân, huyện Krông Năng).
Đám tang của ông Nguyễn Hữu Thâu- người mới chết
nghi do công an viên đánh.
Trước đó, tối 3.7, nghi ông Nguyễn Hữu Thâu trộm
cắp tài sản nên công an viên Lê Viết Hùng và một số người trong ban tự quản
thôn đã đưa ông Thâu về hội trường thôn làm việc và giữ lại qua đêm.
Đến sáng 4.7, vợ ông Thâu lên hội trường thấy
ông Thâu nằm bất động dưới đất, mặt mày tím tái, miệng, mũi chảy nhiều máu nên
đưa đi cấp cứu. Bệnh viện đa khoa tỉnh Đắk Lắk chẩn đoán ông Thâu bị chấn
thương sọ não. Sau đó nạn nhân được người nhà đưa đi Bệnh viện Chợ Rẫy TPHCM
nhưng tử vong trên đường đi.
Sẽ là những hình ảnh ghê người nếu bạn dùng công
cụ tìm kiếm với từ khóa “chết tại trụ sở công an”, “bị dùng nhục hình tới
chết”, trang mạng tìm kiếm sẽ cung cấp ngay cho bạn hàng loạt những vụ việc,
những con số, những phận người đau lòng.
Rất nhiều vụ việc trong số đó, nạn nhân đều đã
bị đánh cho đến chết, hoặc đến viện thì chết, sau khi bị triệu lên trụ sở công
an xã vì những lý do “nghi trộm cắp tài sản” hay “gây rối trật tự công cộng”.
Những lý do khiến các nạn nhân khi bị “giữ lại
qua đêm” tại trụ sở công an xã có gây nguy hiểm và cấp thiết cho xã hội hay
không? Chắc chắn là không, nhưng chỉ vì những tội danh như “nghi trộm cắp tài
sản”, nhiều mạng người đã bị tước bỏ, bằng cách bị dùng vũ lực cho tới chết.
Như ông Nguyễn Hữu Thâu kể trên.
Sự lạm quyền, lạm dụng vũ lực của công an viên,
những người thừa hành pháp luật ở cấp xã, cấp gần dân nhất đã trở nên đáng báo
động trong thời gian gần đây. Tình trạng này xảy ra ở rất nhiều địa phương,
khiến người dân thấp cổ bé họng cảm thấy uất ức, phẫn nộ. Báo chí phản ánh,
nhưng đâu vẫn hoàn đó. Vậy thì nguyên nhân vì đâu?
Trong bài trả lời phỏng vấn báo Pháp luật Thành
phố Hồ Chí Minh, ông Đỗ Đức Vĩnh- Kiểm sát viên cao cấp Viện Kiểm sát nhân dân
Tối cao tại TP.HCM cho biết: “Theo quy định, tiêu chuẩn công an viên chỉ cần
hết trung học cơ sở hoặc hết tiểu học (ở vùng sâu, vùng xa). Tiêu chuẩn này quá
thấp so với sự phát triển của xã hội hiện nay… Khi anh không có kiến thức pháp
luật mà giao quyền đụng chạm đến quyền con người rất dễ bị lạm quyền”.
Thông tin này có đáng gây sốc không thưa bạn đọc?
Tiêu chuẩn để được tuyển vào làm công an viên chỉ là học hết cấp 2 ở khu vực
đồng bằng và hết tiểu học ở vùng sâu vùng xa. Chính chuyên gia trong ngành tư
pháp cũng phải thừa nhận: “Tiêu chuẩn này quá thấp so với sự phát triển của xã
hội hiện nay”.
Tôi không thể hình dung một người mới chỉ tốt
nghiệp cấp 1, cấp 2 mà lại được quyền đại diện cho pháp luật để làm việc với
công dân. Một người có trình độ như vậy, ngay cả quyền lợi của bản thân của họ
ra sao chưa chắc họ đã biết đủ, vậy mà lại có quyền để đại diện pháp luật? Thật
hãi hùng.
Bởi thế cho nên chúng ta sẽ chẳng thấy ngạc
nhiên khi gần đây, hàng loạt những vụ bạo hành nghi phạm xảy ra, nhẹ thì đi
viện cấp cứu, nặng thì dẫn đến chết người. Chúng ta có thể đòi hỏi gì hơn ở
những công an viên mới ở trình độ thoát nạn mù chữ như vậy?
Với trình độ có thể gọi là mức “i tờ” như thế,
nhưng công an cấp xã được quyền thực hiện nhiều nhóm công việc, trong đó có
nhiệm vụ giữ an ninh trật tự trên địa bàn. Công an xã được quyền thẩm tra, xác
minh, phân loại các tin tức về an ninh trật tự, an toàn xã hội. Công an xã được
phép lập hồ sơ, lấy lời khai ban đầu. Ông Đỗ Đức Vĩnh cho biết: “Như vậy, trong
một số trường hợp, công an xã đã làm công tác “tiền tố tụng”, làm công việc của
điều tra viên”.
Tôi đọc những thông tin này mà thấy lạnh gáy,
đây phải chăng chính là mấu chốt của vấn đề, là căn nguyên của tình trạng nhiều
người đã chết oan khi bị triệu lên làm việc với công an viên?
Một người mới tốt nghiệp cấp 1 hoặc cấp 2, mà
lại được pháp luật trao quyền cho như một điều tra viên, để lập hồ sơ, lấy lời
khai ban đầu của nghi can các vụ án liên quan đến an ninh, trật tự trên địa
bàn. Với trình độ “i tờ” thì các bộ luật tố tụng, các điều khoản pháp luật liên
quan đến quyền và lợi ích hợp pháp của công dân có lẽ chỉ là con số không vô
nghĩa. Bảo sao mà không phải dùng vũ lực, bảo sao mà không ra tay cho thỏa cơn
thú tính trỗi lên trong người.
Mọi công dân trong xã hội đều đã đóng thuế- như
một cách thực hiện nghĩa vụ công dân để duy trì hoạt động của bộ máy hành chính
từ trung ương đến địa phương. Vậy thì người dân hoàn toàn có quyền đòi hỏi một
trình độ tương xứng của công chức mà dân đã bỏ tiền ra “thuê” để giải quyết
công việc cho mình.
Tôi hay bạn, chúng ta có quyền đòi hỏi được làm
việc với những điều tra viên, những công an viên được đào tạo chính quy, có đầy
đủ kiến thức pháp luật, chứ không thể là một người chỉ có trình độ tốt nghiệp
cấp 1, cấp 2, viết một câu cho đúng ngữ pháp và chính tả e là còn khó.
Ai sẽ phải chịu trách nhiệm về việc tại sao tiêu
chuẩn và trình độ công an viên lại thấp lè tè như vậy? Nực cười thay, khi mà
trên bảng thống kê, Việt Nam hiện có đến 24.300 tiến sĩ? Và quý hóa thay, tự
hào thay, nếu tính từ hàm Thứ trưởng trở lên, số người có trình độ tiến sĩ ở
Việt Nam cao gấp 5 lần Nhật Bản.
Sẽ còn tiếp tục lạm quyền, sẽ còn tiếp tục những
cái chết sau khi bị triệu lên làm việc với công an nếu như không có một cải
cách mạnh tay để nâng cao tiêu chuẩn của đội ngũ công an viên trên toàn quốc.
Đã quá nhiều những cái chết oan uổng, đã quá
thừa những mạng người bị tước đoạt, bởi những công an viên chỉ có trình độ “i tờ”.
Mi An
No comments:
Post a Comment
Nhân quyền và bạo quyền