Những bài học trong chốn
lao tù (Kỳ 12): Chuyển buồng
Nguyễn Trung Tôn (Danlambao) - Vào khoảng nửa đầu tháng 4/2011, Võ Văn
Quang bị đưa về huyện Tân kỳ để xét xử và chuyển đi nơi khác thi hành án. Quản
giáo Thành đưa một người khác từ buồng 4 sang buồng 9 để làm buồng trưởng.
Người này tên là Nguyễn Văn Ý, quê ở Đô Lương. Trước đây cậu là cầu thủ của đội
tuyển U17 bóng đá Sông Lam Nghệ An. Từ khi còn học lớp 4 cậu và người anh trai
đã lọt vào mắt của các chuyên gia bóng đá của Nghệ An, vì vậy được gia đình cho
chuyển về thành phố Vinh để vừa học văn hóa vừa được đào tạo để trở thành cầu
thủ của đội bóng xứ Nghệ.
Nhưng khi sự nghiệp bóng đá bắt đầu đưa tên tuổi
của anh em cậu đến với công chúng cũng là lúc cả hai anh em đều bị sa thải vì
có sử dụng ma túy.
Buồn chán vì sự nghiệp dang dở lại xấu hổ với
bạn bè và gia đình nên Nguyễn Văn Ý đã không trở về với gia đình mà đi lang
thang khắp nơi, rồi sau đó tham gia vào một đường dây chuyên trộm cắp xe máy.
Cậu bị bắt đi tù, ra tù không được bao lâu, Ý cưới vợ. Vợ Ý quê ở huyện Yên
Thành, cô ấy rất yêu thương Ý và cố gắng nỗ lực giúp chồng cai nghiện. Vợ Ý đã
đưa Ý về nhà bố mẹ vợ để tạm trú; tách cậu ấy ra khỏi đám bạn bè xấu để cai
nghiện và làm lại cuộc đời. Nhưng tại quê vợ Ý vẫn không thể nào thoát ra khỏi
những cơn nghiện cứ thúc ép tâm trí của cậu. Để có tiền cho việc thỏa mãn thèm
khát của mình, Ý đã ra đường chặn xe khách trên tuyến đường đi từ Đô Lương ra
Hà Nội, ngang qua huyện Yên Thành để “xin tiền”. Ý đã làm vậy nhiều lần, vì
trước đây có thời Ý làm “cò” bến ở bến xe Đô Lương các nhà xe tuyến Đô Lương –
Hà Nội đều biết Ý, vậy nên khi Ý vẫy xe xin tiền thì họ đều dừng lại đưa cho Ý
mấy trăm.
Vào một hôm gần Tết Nguyên đán Ý bị công an Yên
Thành phục sẵn trên một chiếc xe khách, đợi Ý nhảy lên xe xin tiền, chủ xe vừa
đưa cho Ý 500.000 đồng, thì bị công an bắt quả tang. Vậy là Ý lại phải ngồi nhà
giam từ đó, qua tết Ý bị đưa xuống trại tạm giam công an tỉnh Nghệ An và giam ở
buồng 4 nhà A1a. Ý được chuyển lại buồng 9 sống chung với tôi cùng Nguyễn
Trường Giang và Nguyễn Văn Thành. Ý là người theo đạo Công giáo, nên cậu vẫn
thường hay đọc kinh ngày 2 lần, sáng và tối. Gặp tôi là người Tin Lành cũng
thường cầu nguyện ngày 2 lần sáng tối và tạ ơn Chúa mỗi bữa ăn. Thấy tôi có
cùng niềm tin vào Chúa Giê-su nên Ý rất quý tôi, hàng ngày Ý hay nói chuyện với
tôi về niềm tin tín ngưỡng và những bất lực của loài người.
Ý cho rằng cậu đã
quá tự tin vào tiềm năng bóng đá của mình, cậu đã sa đà vào nghiện ngập vì muốn
trải nghiệm cảm giác thăng hoa… cho nên cuộc đời cậu đã rẽ vào tăm tối! Đối với
cậu; tia hy vọng cuối cùng của cậu là đặt tất cả vào Thiên Chúa. Tôi cũng khuyên
cậu hãy bám lấy Chúa mà cầu nguyện để Ngài kéo Ý ra khỏi “màn đêm tăm tối”. Ý
không phải là buồng trưởng khó tính, nhưng cậu cũng hay bầy trò để trêu ghẹo
Thành vì cậu Thành có giọng nói như con gái nên Ý hay bảo Thành đóng giả người
mẫu. Bằng cách lấy dậy buộc vào dương vật của Thành, lôi quật ra phía sau rồi
cột lên cổ và bảo Thành biểu diễn như những thí sinh đi thi người mẫu.Thành
cũng thích chơi trò đó nên họ thường làm vậy để mua vui. Chúng tôi đang sống ổn
định trong buồng 9 như vậy thì vào trung tuần tháng 5, lúc gần đóng cửa buồng
giam buổi chiều tối, quản giáo gọi tôi và Nguyễn Trường Giang gấp hành lý để
chuyển buồng.
Tôi và Giang khẩn trương gấp quần áo, khăn mặt
và sẵn sàng để chuyển đi nơi ở mới. Quản giáo mở cửa và bảo Giang ra trước rồi
chuyển cậu sang buồng 10 (buồng Si bi ri), quản giáo nói sẽ chuyển tôi sang
buồng 8. Biết tôi sang buồng 8 nên Ý vội vàng nhét vào bao quần tôi mấy vê
thuốc lào và một viên đá lửa đã bật gần hết và nói: Anh cầm sang đó cho thằng
Sơn đen Đô lương, sang đó nói là em gửi cho nó nhé! Ý hẹn tôi khi nào tới Đô
lương nhớ ghé vào nhà cậu ấy chơi.
Tôi ôm tư trang và đi theo quản giáo Thành. Cửa
buồng 8 mở ra, tôi bước vào, chào mọi người, dù bây giờ tôi mới bước chân vào
buồng 8, nhưng mọi người ai cũng đã biết tôi, vì tôi ở nhà A1a này đã lâu và
mỗi khi đi cung tôi thường đi qua buồng 8. Khi đi cung trở về, kiểu gì tôi cũng
xin điều tra viên mấy điếu thuốc lá, đi qua buồng 7 và buồng 8 là ném cho họ,
nên họ rất quý tôi. Cánh cửa buồng 8 đóng lại, buồng giam tối đen như mực, từ
khi bị giam ở nhà giam này, tôi ở trong buồng 9 là buồng có bóng điện sáng thâu
đêm, nên khi sang buông 8 không có điện tôi thấy rất khó chịu.
Khi trời tối hẳn, bóng điện ngoài hành lang bật
lên, qua ô thoáng trên cửa sắt, có một tia sáng hắt vào chiếu lên tường buồng
giam, là luồng ánh sáng duy nhất mà chúng tôi được thừa hưởng từ nguồn điện
sáng của trại giam. Tôi hỏi ở đây ai là Sơn đen? Mọi người chỉ vào một người
cao to nhưng da đen như củ chuối và nói: Đây! Sơn đen đây! Tôi đưa cho Sơn gói
thuốc lào mà Ý gửi cho cậu và nói: Ý nó gửi cho em đấy.
Cả buồng reo mừng vì
lại có thêm thuốc lào để hút. Anh Hùng buồng trưởng hỏi tôi: Mày có “Sỏi” Không
(tức có đá lửa không?) Tôi nói có một chút đây. Anh Hùng bảo: Phú trèo lên Cẩu
(ô thoáng phía sau buồng giam) lấy công nông xuống đây! Phú đứng lên vai của
Sơn hai người kiệu nhau và phú móc trong ô thoáng ra một cục dẻ rách trong đó
có một cái bật lửa ga nhưng không còn ga và đá (Trong tù họ gọi bật lửa còn ga
là xe, còn bật lửa hết ga mà bật bằng bông là Công nông, buồng nào không có
Công nông mà phải cắm đá lửa vào bàn chải đánh răng để mài vào xi măng lấy lửa
thì họ gọi là Máy ủi).
Khi lấy “Công nông” xuống anh Hùng bảo tôi: Tôn đưa sỏi
cho thằng Phú sáng mắt nó cài vào. Phú hí hoáy tháo bánh xe bật lửa ra, kéo lò
xo cho thật căng rôi bỏ đá vào. Họ bắt đâu chuẩn bị “đèn”, một người cầm “đóm”
(một mẩu giấy vệ sinh xoắn lại được tẩm bằng dầu ăn trong gói mì tôm) Một người
cầm “Xăng” (Một chút bông vải lấy ra từ trong chăn hoặc gối, xé thật tơi) để
bật lửa.
Người bật lửa một tay cầm bật lửa, một tay cầm cục bông đã tơi ghe sát
vào tia lửa, bật mạnh để tia lửa phát ra thật nhiều, gặp bông tới vậy là bắt
cháy, nhưng người cầm “đóm cũng phải nhanh tay, thấy bông cháy là lập tức phải
châm ngay, nếu không hết bông lửa sẽ tắt đầu của “đóm” phải xòe ra cho dễ châm,
nhưng thân đóm phải xoắn chặt để cháy được lâu, tẩm thêm dầu ăn thì cháy mới
tốt. Khi châm được lửa rồi thì đưa ngay sang “đèn”.
Đèn mà chúng tôi sử dụng là
một chiếc nắp nhựa của chai nước mắn được đổ dầu ăn vào, dùng vỏ hộp kem đánh
răng hoặc hộp sữa tươi, gấp lại, lật phía có thiếc ra ngoài, tạo thành một
chiếc “cầu” bắc ngang qua nắp chai, dùng răng cắn thủng một lỗ nhỏ, xâu chút
bông vào làm bấc, vậy là đã thiết kế xong chiếc “đèn”. Nhưng bắc cầu như vậy
khỉ thắp được một lúc, cầu nóng lên nó làm cho nắp nhựa bị nóng theo làm hỏng
đèn. Vì vậy chúng tôi lại phải “thiết kế chiếc cầu đèn hình chóp nón rồi bỏ hẳn
vào phía trong của nắp nhựa, dù có nóng thì nắp chai cũng không đến nỗi chảy
méo ra. Khi lửa đã lên đèn, buồng có chút ánh sáng, họ bắt đầu vê thuốc lào
hút, hút xong lại phải lấy cái ống giấy của cuộn giấy vệ sinh để chụp cái đèn
lại cho đỡ bị cán bộ phát hiện mình dùng đèn.
Anh Hùng buồng trưởng bắt đầu “nồi” và nhiên
liệu nấu nước sôi, vẫn bằng vỏ chai nhựa làm nồi, túi ni lông làm nhiên liệu,
nước sôi xong pha trà nhấm nháp tâm sự chuyện cho nhanh hết thời gian. Buồng
giam số 8 rộng hơn nhiều so với buồng 9 từ cửa đi vào, phía bên tay phải là một
bục nằm lớn chiều rộng bục nằm khoảng 2 m, chiều dài khoảng 4 m, có thể nằm
được 6 người, phía trong bục nằm là hố vệ sinh, phía tay trái là Xa lộ rộng
khoảng 0,8m, bên trong Xa lộ là bể nước, đựng được khoảng hơn 1 m khối. Hôm tôi
vào buồng thì buồng chỉ có 5 người.
Sau khi nước nôi xong, bắt đầu sơ qua cho mọi
người biết về những hoạt động của tôi ngoài xã hội. Mọi người cũng tâm sự với
tôi về những câu chuyện của họ. Đan xen trong nhưng câu chuyện, anh Nguyễn Sỹ
Hùng có dặn tôi: Chú mày vào ở nhà này khá lâu rồi nên anh không phải nói nhiều,
nhưng sang buồng này chú nhìn anh em mà sống. Làm sao để không bị cán bộ soi,
nếu chú làm gì để cán bộ soi mà buồng bị cắt thuốc lào là chú đừng trách anh.
Khi gặp gia đình nhớ gửi cho cán bộ 500.000 đồng, đây là “quy định” dành cho
tất cả những ai vào buồng này. Tôi nói với anh Hùng: Anh yên tâm về vấn đề giữ
kỷ luật nhà giam, còn vấn đề quà gửi cho cán bộ thì chắc em không làm được. Mà
có thể cán bộ cũng sẽ không nhận quà do gia đình em gửi cho ông ấy đâu, hơn nữa
gia đình em cũng chẳng bao giờ làm vậy.
Anh Hùng nói, mày làm sao thì làm, đừng
để ảnh hưởng tới anh em. Nghe cách nói của anh Hùng tôi bắt đầu thấy “không khí
ngột ngát” bao trùm buồng giam, (mặc dù buồng giam này rộng hơn buồng 9). Tôi
suy nghĩ về những ngày tiếp theo xem mình nên làm gì và phải ứng phó ra sao với
tay buồng trưởng này đây. Tôi biết anh Hùng là một người tù đã lâu với bản án
trung thân về tội giết người, do anh đã trốn trại, năm 2011 và bị bắt trở lại.
Đối với một người đã ở tù gần 20 năm mà lại là tù hình sự giết người, chắc anh
ta rất có nhiều chiêu trò trong cách đối xử với anh em tù khác.
Đèn dầu cũng chỉ sáng được khoảng chừng 30 phút
là tắt vì không còn dầu. Buồng giam lại tối đen như mực mọi người mắc màn đi
ngủ.
Tôi ngồi cầu nguyện nho nhỏ để mọi người không
nghe thấy. Tôi cầu xin Chúa hướng dẫn tôi để tôi phải sống trong môi trường mới
này sao cho phù hợp với mình với người. Tôi rất yên tâm khi nhớ lại lời Chúa đã
hứa “Nầy Ta ở cùng ngươi, ngươi đi đâu ta sẽ theo gìn giữ đó và đem người về
xứ nầy; vì Ta không bao giời bỏ ngươi cho đến khi Ta làm xong những điều Ta đã
hứa cùng ngươi” được chép trong Thánh kinh Sáng Thế ký đoạn 28 câu 15.
Tôi biết rằng Chúa không hề lìa bỏ tôi, Ngài là Đấng chăn dắt tôi.
(Còn nữa!)
Thanh Hóa ngày 17/07/2014
Nguyễn Trung Tôn
ĐT: 0162.8387.716
Email: nguyentrungtonth@gmail.com
No comments:
Post a Comment
Nhân quyền và bạo quyền