Saturday, December 20, 2014

Tiến trình phát triển luật quốc tế nhân quyền


Tiến trình phát triển luật quốc tế nhân quyền

Nguyễn Văn Thân

Ngày 10 tháng 12 sắp tới đây đánh dấu 66 năm Bản Tuyên Ngôn Quốc  Tế Nhân Quyền được Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc thông qua (10 tháng 12 năm 1948). Đây cũng là dịp để nhìn lại lịch sử hình thành và phát triển về nhân quyền cũng như bộ luật quốc tế nhân quyền.

Nhân quyền dựa trên căn bản là mỗi cá nhân sinh ra có quyền bình đẳng như nhau,  không phân biệt màu da, phái tính, tôn giáo và đều có nhân phẩm đáng được tôn trọng. Nhân quyền có tính phổ quát (universal), bất khả xâm phạm (inalienable), không thể tách rời (indivisible), tương quan (interrelated) và phụ thuộc lẫn nhau (interdependent). Khái niệm nhân quyền không chỉ dựa vào triết lý tôn giáo mà được xem là nền tảng của hòa bình và sự phát triển của nhân loại.

Trụ Cyprus (539 BC)
Năm 539 trước Công Nguyên, Hoàng Đế đầu tiên của Persia là Cyprus Đại Đế sau khi chinh phục thành phố Babylon đã trả tự do cho giới nô lệ và tuyên bố mọi người được quyền chọn lựa tôn giáo. Lời tuyên bố này cùng với những chiếu chỉ khác của nhà vua đã được khắc lại bằng tiếng Akkadian trên cylanh đất sét nung thường được gọi là Trụ Cyprus (Cyprus Cylinder). Dữ kiện này đã được ghi nhận như là Bản Hiến Chương Nhân Quyền đầu tiên của nhân loại và có nét tương đồng với 4 điều khoản đầu tiên của Bản Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền.

Khái niệm nhân quyền phôi thai từ Babylon tràn sang Ấn Độ, Hy Lạp rồi tới La Mã, những nơi mà triết học của quy luật tự nhiên được hình thành và phát triển với những quan điểm tiến bộ như “mọi người đều bình đẳng”, “tự nhiên không sinh ra ai để làm nô lệ” hoặc “luật pháp của nhà nước là một thứ chuyên chế nếu chúng buộc con người phải hành động trái với bản tính hoặc lương tâm”.

Magna Carta (Đại Hiến Chương) 1215
Nhưng văn bản có ảnh hưởng quan trọng nhất tới khái niệm nhân quyền có lẽ là Bản Đại Hiến Chương Magna Carta được ban hành trong năm 1215. Khi trị vì, vua John của Anh Quốc tự cho mình đứng trên luật pháp và cai trị với bàn tay sắt. Trước đó, vua John đã mất nhiều đất tại Pháp dưới tay của vua Philip II. Vì nóng lòng muốn lấy lại lãnh thổ nên vua John tăng thuế rất cao để tiến hành chiến tranh. Nhưng chiến tranh thất bại và nhiều nhà quý tộc thời đó phải thiếu nợ nhà vua. Một số nhà quý tộc nổi dậy kháng cự và yêu cầu vua John ký kết Hiến Chương Tự Do (Charter of Liberty) mà Hoàng Đế Henry I đã công bố từ thế kỷ trước đó.

Để thỏa hiệp với giới quý tộc, vua John đã đồng ý ký Đại Hiến Chương Magna Carta trên bờ sông Thames gần Windsor vào ngày 15 tháng 6 năm 1215. Đây là một trong những văn bản pháp lý quan trọng nhất trong lịch sử Anh Quốc và văn kiện này đã góp phần đáng kể trong sự phát triển của chủ nghĩa tự do và nền dân chủ trên thế giới. 

Magna Carta bắt buộc nhà vua phải tuân theo luật pháp và công nhận một số quyền tự do của giai cấp bị trị (giới quý tộc thời đó) gồm có quyền không bị đánh thuế cao, quyền không bị truy bắt và giam giữ một cách tùy tiện (hoặc còn được gọi là quyền hoặc luật bảo thân habeas corpus – thân xác thuộc về người). Ngoài ra, nhà vua cam kết là sẽ không can thiệp vào nội bộ của nhà thờ, tôn giáo. Hiến Chương này có thể nói là văn kiện pháp lý đầu tiên chế tài quyền lực của nhà nước. Nó đã góp phần cho sự hình thành và phát triển của hệ thống thông luật (common law system) và các điều khoản về quyền tự do trong Hiến Pháp Hoa Kỳ.

Kiến Nghị Quyền Hạn (Petition of Rights 1628)
Sau khi James I băng hà, vua Charles I nối ngôi và yêu cầu Quốc Hội Anh cung cấp 700,000 pounds để tiếp tục chiến tranh với Vua Christian IV của Đan Mạch. Quốc Hội không đồng ý và chỉ cấp cho 112,000 pounds. Charles bèn áp dụng biện pháp cho vay cưỡng bách. Người nào không tuân lệnh cho nhà vua vay tiền thì sẽ bị bắt bỏ tù. Ngoài ra, nhà vua cũng ép dân chứa chấp và cung cấp thức ăn cho lính vì thiếu thốn tài chánh. Khi có nhiều người đứng lên phản đối thì Charles phản ứng bằng cách ban hành thiết quân luật khắp mọi nơi trên toàn quốc.

Sau một thời gian, vua John nhận thức được những biện pháp trên không có hiệu quả và quay lại năn nỉ Quốc Hội chuẩn chi kinh phí chiến tranh. Luỡng Viện Quốc Hội gồm có Viện Thường Dân (House of Commons) và Viện Quý Tộc (House of Lords) sau nhiều cuộc tranh luận đã đề ra nghị quyết là nhà vua phải công nhận một số quyền hạn của thần dân Anh Quốc. 

Vua Charles xuất hiện trước Quốc Hội và chính thức chấp nhận Kiến Nghị Quyền Hạn vào lúc 4 giờ chiều ngày 2 tháng 6 năm 1628 gồm có 4 nguyên tắc căn bản: (1) Nhà vua không được đánh thuế mà không có sự đồng thuận của Quốc Hội; (2) Không được tùy tiện bắt giam dân nếu không có lý do chính đáng (xác nhận lại nguyên tắc habeas corpus); (3) Không được ép dân cung cấp chỗ ở và thức ăn cho lính; (4) Không được ban hành thiết quân luật trong thời bình.

Kiến Nghị Quyền Hạn được xem là một trong những văn bản hiến pháp quan trọng nhất của nước Anh ngang hàng với Đại Hiến Chương Magna Carta. Nó được áp dụng không chỉ tại Anh Quốc mà tại các thuộc địa gồm có Úc Đại Lợi và Tân Tây Lan. Nó cũng có tầm ảnh hưởng to lớn đối với Hiến Pháp Hoa Kỳ ví dụ như các điều khoản liên quan tới habeas corpus và không được ép dân nuôi lính đều được áp dụng tương tự trong Hiến Pháp Hoa Kỳ.

Hiến Pháp Hoa Kỳ (1787) và Đạo Luật Nhân Quyền (1791)
Hiến Pháp Hoa Kỳ ra đời vào năm 1787 và là văn bản hiến pháp đầu tiên của thế giới. Văn bản này ấn định trách nhiệm và quyền hành của các cơ quan quyền lực nhà nước cũng như trách nhiệm và quyền hạn công dân.

Mười Tu Chính Án đầu tiên hay còn được gọi là Đạo Luật Nhân Quyền (Bill of Rights) có hiệu lực từ ngày 15 tháng 12 năm 1791. Đạo Luật này ngăn cấm chính quyền ban hành luật vi phạm quyền của công dân, thường trú nhân và của những người ngoại quốc khi thăm viếng Hoa Kỳ.

Đạo Luật Nhân Quyền bảo vệ quyền tự do ngôn luận, tự do tín ngưỡng, quyền được sở hữu và mang súng, quyền tự do hội họp và quyền tự do kiến nghị. Hiến Pháp cũng ngăn cấm mọi hình thức tra tấn hoặc ép buộc nhận tội. Hiến Pháp cấm Quốc Hội Hoa Kỳ ban hành luật thiết lập tôn giáo hoặc câu lưu nghi phạm mà không thông qua một thủ tục hợp pháp (due process). Thủ tục hợp pháp này gồm có cảnh báo nghi phạm về quyền giữ im lặng, chính thức truy tố bị cáo trước tòa và tiến hành xét xử tội trạng trước một bồi thẩm đoàn vô tư và độc lập có sự chứng kiến của công chúng.

Tuyên Ngôn Nhân Quyền và Dân Quyền (1789)
Cuộc Cách Mạng Pháp (1789-1799) là một sự kiện quan trọng trong lịch sử Pháp và lịch sử dân chủ cộng hòa của thế giới. Cuộc Cách Mạng này đã chấm dứt chế độ phong kiến tại Pháp và biến thần dân thành công dân của Đệ Nhất Cộng Hòa Pháp. Chỉ 6 tuần sau cuộc phá ngục Bastille, Quốc Hội Pháp đã thông qua Tuyên Ngôn Nhân Quyền và Dân Quyền để khởi đầu cho Bản Hiến Pháp Cộng Hòa Pháp.

Tuyên Ngôn Nhân Quyền và Dân Quyền quy định mọi người sinh ra trong tự do và bình đẳng. Chính quyền có trách nhiệm bảo vệ tự do, tài sản và an ninh của công dân cũng như chống lại mọi hình thức áp bức. Tự do không có giới hạn trừ khi luật pháp quy định. Luật pháp chỉ có thể ngăn cấm hành động nào có hại cho xã hội. Cái gì luật không cấm thì mọi người có quyền làm và không có ai có thể bị ép làm bất cứ việc gì trừ khi luật pháp bắt buộc. 

Mọi người bình đẳng trước luật pháp và mọi công dân có quyền tham gia và nắm giữ các chức vụ công chức nhà nước dựa trên khả năng. Tất cả mọi bị cáo được coi như vô tội trừ khi bị phán là có tội. Mọi người có quyền tự do nói, viết nhưng phải chịu trách nhiệm cho những lời phát biểu của mình theo luật pháp quy định. Không ai có quyền tước đoạt tài sản của công dân trừ khi luật pháp quy định và phải có bồi thường thỏa đáng.

Công Ước Geneva Thứ Nhất (1864)
Trong năm 1864, 16 quốc gia Châu Âu và một vài tiểu bang Hoa Kỳ tham dự và ký kết Công Ước Geneva tại Thụy Sĩ. Công Ước quy định đối xử nhân đạo với những người lính bị thương tại chiến trường và với tù binh cũng như bảo vệ thường dân trong thời chiến. Henri Dunant, người đã chứng kiến thảm họa khủng khiếp của chiến tranh giữa Pháp và Áo ở Trận Solferino năm 1859 đã đóng góp rất nhiều trong việc thành lập Công Ước. Cũng chính Henri Dunant đã đóng vai trò chủ lực trong việc thành lập Hội Hồng Thập Tự Quốc Tế (International Committee of the Red Cross) vào ngày 9 tháng 2 năm 1863.

Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền (1948)
Sau Đệ Nhị Thế Chiến, các quốc gia trên thế giới tiến hành thành lập Liên Hiệp Quốc vào năm 1945 với mục đích bảo vệ hòa bình và phòng ngừa chiến tranh trong tương lai. Để vĩnh viễn loại trừ thảm họa chiến tranh thì điều kiện tiên quyết là phải bảo vệ và tôn trọng phẩm giá của mọi con người, không phân biệt chủng tộc hay tôn giáo. Trong năm 1946, một Ủy Hội Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc (Commission on Human Rights) gồm có 18 thành viên đại diện cho các quốc gia trên thế giới dưới sự chủ tọa của Eleanor Roosevelt (góa phụ của Tổng Thống Roosevelt) đã được giao trọng trách soạn thảo Bản Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền. Văn bản này được Liên Hiệp Quốc thông qua vào ngày 10 tháng 12 năm 1948.

Bản Tuyên Ngôn có 30 điều khoản quy định, gồm có: “Mọi người sinh ra đều được tự do và bình đẳng về nhân phẩm và quyền. Mọi người đều được phú bẩm về lý trí và lương tâm và vì thế phải đối xử với nhau trên tinh thần bác ái. Mọi người đều được hưởng tất cả những quyền và tự do được công bố trong Bản Tuyên Ngôn này và không có một sự phân biệt nào, như chủng tộc, màu da, phái tính, ngôn ngữ, tôn giáo, quan điểm chính trị hay tất cả quan điểm khác, quốc tịch hay nguồn gốc xã hội, tài sản, nơi sinh, hay tất cả những hoàn cảnh khác… Mọi người đều có quyền sống, quyền tự do và an toàn cá nhân. Không ai bị cưỡng bức làm nô lệ hay tôi đòi. Chế độ nô lệ và buôn bán nô lệ dưới mọi hình thức đều bị nghiêm cấm. Không một người nào phải chịu cực hình, tra tấn, hay bất kỳ hình thức đối xử, hoặc trừng phạt bất nhân, hay có tính cách lăng nhục.Tất cả mọi người đều bình đẳng trước pháp luật, và phải được bảo vệ một cách bình đẳng, không kỳ thị phân biệt…. Mọi người đều có bằng nhau quyền được phân xử công khai và công bằng, trước một tòa án độc lập và vô tư, để được phán quyết về các quyền lợi và nhiệm vụ của mình, hay về những tội phạm mà mình bị cáo buộc”.

Công Ước Quốc Tế về các Quyền Dân Sự và Chính Trị (International Covenant on Civil and Political Rights – ICCPR) và Công Ước Quốc Tế về các Quyền Kinh Tế, Xã Hội và Văn Hóa (International Covenant on Economic, Social and Social Rights – ICESR) 1966-1976

Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền là lý tưởng mà các quốc gia theo đuổi nhưng tự nó không có giá trị ràng buộc. Tới năm 1976, Liên Hiệp Quốc tiến hành thông qua Công Ước Quốc Tế về các Quyền Dân Sự và Chính Trị và Công Ước Quốc Tế về các Quyền Kinh Tế, Xã Hội và Văn Hóa. Công Ước Quốc Tế về các Quyền Dân Sự và Chính Trị chú trọng vào quyền được sống, quyền tự do ngôn luận và tự do tín ngưỡng. Trong khi đó thì Công Ước về các Quyền Xã Hội và Văn Hóa nhắm vào quyền lao động và gia nhập công đoàn, quyền an sinh xã hội và giáo dục. Hai Bản Công Ước này cùng với Bản Tuyên Ngôn trở thành “Bộ Luật Quốc Tế Nhân Quyền”. Ngoài ra, một Ủy Ban cũng được thành lập để giám sát và bảo đảm các quốc gia thành viên tuân thủ Luật Quốc Tế Nhân Quyền. Công tác của Ủy Ban gồm có duyệt xét báo cáo của các quốc gia thành viên mỗi 5 năm, đánh giá và đưa ra đề nghị cải thiện. Ủy Ban cũng có quyền điều tra khi có người hoặc tổ chức tố cáo là quốc gia thành viên vi phạm nhân quyền của họ với điều kiện là trước đó, họ phải sử dụng mọi thủ tục pháp lý trong quốc gia đó.

Cơ Chế Quốc Tế Nhân Quyền
Nhân quyền là một đề tài được thảo luận sâu rộng tại các diễn đàn quốc tế từ năm 1945. Đệ Nhị Thế Chiến tàn khốc đã đánh động lương tâm của nhân loại về nhu cầu vĩnh viễn loại bỏ thảm họa chiến tranh và bảo vệ các quyền tự do căn bản của con người. Điều 1 của Hiến Chương Liên Hiệp Quốc ghi rõ việc bảo vệ và phát huy tinh thần tôn trọng nhân quyền và các tự do căn bản không phân biệt chủng tộc, giới tính, tôn giáo, ngôn ngữ là một trong những mục đích hàng đầu của Liên Hiệp Quốc.

Bản Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền được thông qua vào ngày 10 tháng 12 năm 1948 là một bước tiến đầu tiên. Nhưng đa số các quốc gia không muốn văn bản này có giá trị pháp lý ràng buộc. Đến năm 1966 thì Ủy Hội Nhân Quyền (Commission on Human Rights) mới soạn thảo xong hai bản Công Ước Quốc Tế về các Quyền Dân Sự và Chính Trị và Công Ước Quốc Tế về các Quyền Kinh Tế, Xã Hội và Văn Hóa. Nhưng phải mất thêm 10 năm thương thuyết thì hai Công Ước này mới có hiệu lực vào năm 1976 mở ra một trang sử mới trong tiến trình pháp lý và thiết lập các cơ chế quốc tế nhân quyền.

Cơ chế quốc tế nhân quyền được chia làm 3 cấp: cấp quốc tế thuộc Liên Hiệp Quốc, cấp khu vực gồm có các châu lục và cấp quốc gia. Ở cấp quốc tế thì có 2 loại: Cơ Chế dưa trên Hiến Chương (Charter Bodies) và Cơ Chế dựa trên Công Ước (Treaty Bodies). Cơ Chế dưạ trên Công Ước gồm có 9 Ủy Ban Giám Sát cho 9 Công Ước căn bản về quyền con người. Các Ủy Ban này có nhiệm vụ theo dõi, giám sát và thẩm định việc các quốc gia ký kết có tuân thủ đầy đủ trách nhiệm của họ đối với các Công Ước hay không. Mỗi Ủy Ban có từ 10 tới 23 chuyên gia được các quốc gia thành viên đề cử và bầu chọn. 

Quan trọng nhất là Ủy Ban Giám Sát Công Ước Quốc Tế về các Quyền Dân Sự và Chính Trị hoặc còn được gọi là Ủy Ban Nhân Quyền (Human Rights Committee – ICCPR).

Cơ Chế dựa trên Hiến Chương gồm có Hội Đồng Nhân Quyền (Human Rights Council) – tiền thân của Ủy Hội Nhân Quyền, Ủy Ban Tư Vấn (Human Rights Council Advisory Committee) và Văn Phòng Cao Ủy Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc (The Office of UN High Commissioner for Human Rights).

Hội Đồng Nhân Quyền
Ủy Hội Nhân Quyền được thành lập từ năm 1946 gồm có 53 quốc gia thành viên. Ủy Hội đã có nhiều đóng góp đáng kể gồm có soạn thảo Bản Tuyên Quốc Tế Nhân Quyền và hai bản Công Ước Quốc Tế về các Quyền Dân Sự và Chính Trị và Công Ước Quốc Tế về các Quyền Kinh Tế, Xã Hội và Văn Hóa. Ngoài ra, Ủy Hội cũng đề ra phương thức hoạt động và thành lập các “Thủ Tục Đặc Biệt” (Special Procedures) gồm có việc bổ nhiệm các đặc phái viên hoặc chuyên gia nhân quyền điều tra và báo cáo về những tình trạng vi phạm nhân quyền khắp nơi trên thế giới.

Tuy nhiên, Ủy Hội cũng thường bị chỉ trích là bị chính trị hóa thể hiện qua hình thức một số quốc gia liên kết với nhau để dùng cơ chế này tấn công các quốc gia khác. Một số nghị quyết của Ủy Hội không có tính khả thi vì không có phương tiện theo dõi hoặc giám sát. Ủy Hội được một số quốc gia đánh giá là thiếu tính vô tư, chuyên nghiệp và đáng tin cậy. Vì vậy, Tổng Thư Ký Liên Hiệp Quốc đã đề nghị tiến hành giải thể Ủy Hội và thay thế bằng một cơ chế khác. 

Do đó, Hội Đông Nhân Quyền ra đời vào năm 2006 với mục đích là thúc đẩy các hoạt động giáo dục, nghiên cứu, dịch vụ tư vấn, trợ giúp kỹ thuật, thúc đẩy việc thực thi đầy đủ các trách nhiệm nhân quyền ở các cấp quốc gia và tạo diễn đàn đối thoại về nhân quyền. Ngoài ra, Hội Đồng cũng thực hiện các công tác đánh giá định kỳ, báo cáo hàng năm và cung cấp đề nghị cải thiện với Đại Hội Đồng (General Assembly) về tiến trình phát triển luật quốc tế nhân quyền.

Hội Đồng Nhân Quyền có 47 quốc gia thành viên được bầu trực tiếp với nhiệm kỳ 3 năm. Bất cứ quốc gia nào cũng có thể ứng cử chớ không chỉ dành riêng cho các nước có uy tín tốt về tôn trọng nhân quyền hoặc đã phê chuẩn các Công Ước liên quan tới nhân quyền. Nhưng khi gia nhập thì các quốc gia đều hứa hẹn sẽ cải thiện tình trạng nhân quyền hoặc sẵn sàng hợp tác với các cơ chế nhân quyền Liên Hiệp Quốc và nếu cần thiết sẽ cải tổ hệ thống tư pháp để bảo vệ nhân quyền.

 Thành viên nào vi phạm nhân quyền trầm trọng thì có thể bị đình chỉ tư cách thành viên ví dụ như Lybia bị đình chỉ tư cách thành viên Liện Hiệp Quốc từ tháng 3 đến tháng 11 năm 2011. Các nước thành viên của Hội Đồng Nhân Quyền được phân chia theo khu vực chẳng hạn như Châu Phi và Châu Á mỗi châu có 13 ghế, Châu Mỹ La Tinh có 8 ghế, Đông Âu 6 ghế và 7 ghế còn lại dành cho Tây Âu và các nơi khác. Một quốc gia chỉ có thể làm thành viên Hội Đồng trong 2 hai nhiệm kỳ liên tiếp. Hội Đồng nhóm họp thường xuyên mỗi năm ít nhất là 3 lần.

Một trong những công tác quan trọng của Hội Đồng là thực hiện chương trình Kiểm Điểm Định Kỳ Phổ Quát (Universal Periodic Review) cho tất cả 193 quốc gia thành viên Liên Hiệp Quốc (chớ không chỉ 53 thành viên của Hội Đồng). Chương trình này được thực hiệm bởi Nhóm Thực Hiện (UPR Working Group) gồm có tất cả các thành viên của Hội Đồng dưới quyền chủ tọa của vị chủ tịch. 

Mỗi năm có 42 quốc gia được kiểm điểm. Tài liệu kiểm điểm đến từ 3 nguồn gồm có báo cáo của quốc gia được kiểm điểm (không quá 20 trang), tổng hợp thông tin của Văn Phòng Cao Ủy Liên Hiệp Quốc (không quá 10 trang) và bản tóm tắt chi tiết cũng do Văn Phòng Cao Ủy thực hiện từ những nguồn tin do các cơ quan phi chính phủ cung cấp (không quá 10 trang). 

Chương trình kiểm điểm sẽ tiến hành tại Geneva qua một phiên họp điều trần kéo dài khoảng 3 tiếng đồng hồ. Sau đó, Nhóm Thực Hiện sẽ sọan thảo báo cáo gồm có các vấn đề được thảo luận và hứa hẹn của quốc gia được kiểm điểm cùng với những đề nghị của Nhóm. Nói chung, tiến trình này dựa trên căn bản là các quốc gia trao đổi ý kiến và khuyến khích nhau cải thiện tình trạng nhân quyền chớ không có tính cưỡng chế hoặc ràng buộc. Nhiều lắm là quốc gia có thành tích xấu sẽ bị mất mặt trước công luận quốc tế.

Trong trường hợp khẩn cấp, Hội Đồng có thể nhóm họp và gửi đặc phái viên tiến hành điều tra các cáo buộc vi phạm nhân quyền ví dụ như khi Do Thái tấn công Dải Gaza vào năm 2009 và xung đột vũ trang tại Syria vào năm 2011. Trong những trường hợp khác, Hội Đồng cũng có thể thành lập các ủy hội tiến hành điều tra tình trạng vi phạm nhân quyền trầm trọng ví dụ như trường hợp của Bắc Hàn vào năm 2013. 

Ngoài ra, Hội Đồng cũng tận dụng Thủ Tục Đặc Biệt bằng cách gửi Đặc Phái Viên đến tận quốc gia có vấn đề để xem xét và báo cáo, ví dụ như trong tháng 7 năm 2014 thì Hội Đồng đã gửi Đặc Phái Viên Heiner Beilefeldt tới Việt Nam để tìm hiểu và báo cáo về tình trạng tự do tôn giáo tại Việt Nam. Những bán báo cáo của các đặc phái viên thường có tầm ảnh hưởng lớn vì nó có tính cụ thể và dễ dàng thu hút dư luận quốc tế.

Ủy Ban Tư Vấn
Ủy Ban Tư Vấn gồm có 18 chuyên gia nhân quyền được thành lập để đóng vai trò “think-tank” cho Hội Đồng. Thành viên của Ủy Ban Tư Vấn cũng được bầu chọn từ các Châu lục gồm có 5 thành viên từ Châu Á, 5 từ Châu Phi, 2 từ Đông Âu, 3 từ Châu Mỹ- La Tinh và 3 thành viên còn lại từ Tây Âu và những nơi khác. Nhiệm kỳ của họ là 3 năm và chỉ được bầu lại một lần. Quốc gia có quyền đề cử nhưng các chuyên gia phải giữ tư thế độc lập và sinh hoạt đóng góp với tư cách cá nhân.

Văn Phòng Cao Ủy Liên Hiệp Quốc
Kể từ ngày Bản Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền ra đời thì Liên Hiệp Quốc đã tìm cách thành lập cơ chế đốc thúc mỗi quốc gia thành viên thực thi quyền con người ngay tại trong nước của họ. Trong thập niên 60 thì Costa Rica đã đề nghị thành lập văn phòng cao ủy nhân quyền nhưng vì lý do chính trị nên không được hưởng ứng. Mãi tới năm 1993 tại Hội Nghị Thế Giới về Nhân Quyền ở Vienna thì Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc mới thông qua nghị quyết 48/141 thành lập Văn Phòng Cao Ủy Nhân Quyền. Cao Ủy đầu tiên là José Ayala Lasso từ Ecuador. Cao Ủy đương nhiệm là Hoàng Tử Zei bin Ra’ad từ Jordan vừa mới nhậm chức từ ngày 1/9/2014.

Nhiệm vụ của Văn Phòng Cao Ủy là thúc đẩy và bảo vệ nhân quyền bằng cách điều hợp mọi công tác của các cơ chế nhân quyền của Liên Hiệp Quốc. Văn Phòng Cao Ủy chịu trách nhiệm trực tiếp và phải gửi báo cáo thường niên về những hoạt động trong năm cho Đại Hội Đồng. Công tác của Văn Phòng bao gồm 3 lãnh vực chính: ấn định tiêu chuẩn nhân quyền, giám sát việc tôn trọng nhân quyền và hỗ trợ các quốc gia thực thi trách nhiệm ngay tại nước của họ. Văn Phòng có trụ sở tại Geneva Thụy Sĩ, có khoảng 1000 nhân viên làm việc với ngân sách hàng năm khoảng 120 triệu Mỹ kim.

Các cơ chế khu vực
Song song với các cơ chế nhân quyền của Liên Hiệp Quốc thì Châu Âu, Châu Mỹ và Châu Phi cũng thành lập cơ chế áp dụng trong khu vực của họ. Chỉ có Châu Á là chưa làm được. Châu Âu là khu vực đi đầu và có cơ chế tiên tiến nhất. Công Ước Châu Âu Bảo Vệ Nhân Quyền và các Quyền Tự Do Căn Bản (The European Convention for the Protection of Human Rights and Fundamental Freedoms) đã được thông qua từ năm 1950 và có hiệu lực từ 1953. Để thực thi Công Ước thì Châu Âu đã thành lập 3 cơ chế gồm có Ủy Ban Nhân Quyền Châu Âu, Ủy Ban các Bộ Trưởng của Hội Đồng Châu Âu và đặc biệt là Tòa Án Nhân Quyền Châu Âu.

Tòa Án Nhân Quyền có số lượng thẩm phán tương đương với số quốc gia thành viên. Thẩm phán của tòa do các quốc gia đề cử nhưng hoạt động độc lập. Bất cứ công dân Châu Âu nào cũng có quyền khiếu kiện lên tòa sau khi đã đi qua thủ tục kiện tụng trong nước của họ. Từ khi thành lập, Tòa đã ban hành hơn 10,000 phán quyết mà đa số (khoảng 2/3) kết quả là xử thắng cho nguyên đơn dẫn đến việc các quốc gia thành viên phải thay đổi luật lệ hoặc bồi thường tài chánh cho nguyên đơn.

Ủy Ban Nhân Quyền Châu Mỹ ra đời trong năm 1959 và tới năm 1969 thì Công Ước và Tòa Án Nhân Quyền Châu Mỹ được thành lập áp dụng cho 24/35 quốc gia thành viên. Tính tới năm 2010 thì Tòa đã ban hành 220 phán quyết. Con số tương đối thấp này cho thấy mức độ yếu kém so với Tòa Án Nhân Quyền Châu Âu. Tuy nhiên, một hình thức hữu hiệu mà Tòa sẵn sàng áp dụng là ban hành án lệnh tạm thời nhằm bảo vệ nạn nhân của những trường hợp vi phạm nghiêm trọng.

Hiến Chương Châu Phi về Quyền Con Người (African Charter on Human and Peoples’ Rights) và Ủy Ban Nhân Quyền Châu Phi được thông qua và có hiệu lực từ năm 1981. Nhưng Tòa Án Châu Phi về Quyền Con Người chỉ mới ra đời vào năm 2004. Tuy nhiên, Hiến Chương kèm theo nhiều hình thức giới hạn và Tòa Án chỉ thụ lý hồ sơ khiếu kiện từ cấp quốc gia thành viên hoặc Ủy Ban Nhân Quyền Châu Phi. Cá nhân không có tư cách nguyên đơn.

Cho tới nay thì Châu Á chưa có cơ chế nhân quyền áp dụng cho toàn khu vực. Một phần vì nó là một châu lục lớn nhất với dân số hơn phân nửa nhân loại và có quá nhiều khác biệt về văn hóa, lịch sử, tôn giáo, chính trị và kinh tế. Các quốc gia to lớn có nhiều ảnh hưởng như Trung Quốc thì vẫn chưa thoát được tư tưởng phong kiến trong đường lối cai trị với bàn tay sắt. Việt Nam cũng nằm trong cái bóng đó của Trung Quốc. Đa số các Vương Quốc Á Rập vẫn còn duy trì các tập tục lạc hậu từ những thế kỷ trước. Khái niệm bình đẳng giai cấp, giới tính và tôn giáo vẫn hãy còn quá xa vời.

Kết luận
Từ khi Công Ước Quốc Tế về các Quyền Dân Sự và Chính Trị và Công Ước Quốc Tế về các Quyền Kinh Tế, Xã Hội và Văn Hóa có hiệu lực thì đã có thêm hơn 20 Công Ước khác ra đời gồm có Công Ước chống Tra Tấn, Công Ước về Ngăn Ngừa và Trừng Trị Tội Diệt Chủng, Công Ước bảo vệ Người Tỵ Nạn, Công Ước chống phân biệt đối xử với Phụ Nữ, Công Ước về Quyền của Trẻ Em…Thế nhưng, tình trạng vi phạm nhân quyền và chà đạp nhân phẩm vẫn tiếp tục diễn ra hàng ngày ở nhiều nơi. 

Trong cuộc chiến tại A Phú Hãn trong năm 2007, có hơn 3000 thường dân vô tội bị sát hại. Cũng trong năm đó tại Ba Tây, cảnh sát bắn và giết chết 1260 người. Tại Uganda, mỗi tuần có khoảng 1500 người chết trong các trại tỵ nạn và có hơn 20000 trẻ em bị bắt cóc và đem bán nô lệ tình dục. 

Tại Việt Nam, có hơn 75000 nạn nhân của ma túy và mãi dâm bị giam trong 71 trại cải tạo mà không được cung cấp thuốc men chữa trị và hàng trăm tù nhân lương tâm gồm có các vị lãnh đạo tinh thần, các nhà báo tự do, nhạc sĩ và bloggers đang bị giam giữ với những bản án tù dài hạn.

Lý tưởng nhân quyền đã được theo đuổi trong suốt nửa thế kỷ qua. Nhưng những cơ chế hiện hành của Liên Hiệp Quốc vẫn còn lỏng lẻo và dựa trên những nguyên tắc căn bản là khuyến khích và tự nguyện cho nên việc thực thi và phát huy giá trị nhân quyền còn kém hiệu quả. Khi nào Liên Hiệp Quốc tiến hành thành lập Tòa Án Nhân Quyền Quốc Tế có đầy đủ thẩm quyền tài phán tương tự như Tòa Án Nhân Quyền Châu Âu thì mới hy vọng là các quốc gia thành viên nghiêm chỉnh tuân thủ và thực thi các Công Ước liên quan tới nhân quyền.

Trong khi xã hội đã có những tiến bộ vượt bực về mặt khoa học, thông tin và sự phát triển của internet đã kéo thế giới lại gần nhau cũng như các khoa học gia đã chế tạo được người máy đáp xuống sao chổi nhưng giá trị nhân phẩm con người vẫn còn bị coi thường ở nhiều nơi trên thế giới.

Giới lãnh đạo của một số quốc gia không tôn trọng nhân quyền thường hay lý luận rằng dù họ có cải thiện nhân quyền tới đâu thì vẫn bị chỉ trích hoặc vì tiến trình phát triển khác nhau nên họ không cần phải tôn trọng nhân quyền đúng mức. Nhưng thật ra thì tất cả mọi chính phủ trên thế giới gồm có các quốc gia tôn trọng nhân quyền nhất tại Châu Âu, Úc Đại Lợi hoặc Hoa Kỳ vẫn thường bị chỉ trích khi có thiếu sót. Phát biểu ý kiến, phê bình và chỉ trích là quyền hạn và trách nhiệm của mỗi công dân. 

Một chính quyền có trách nhiệm thì không chỉ muốn được ca tụng mà khi bị phê bình thì sẽ nghiêm chỉnh xem xét lại cơ chế và chính sách quốc gia có vị phạm nhân quyền hay không. Nếu có thì họ sẽ sửa sai và phục thiện. Quan trọng hơn nữa là bằng chứng không thể chối cãi được tại các quốc gia tân tiến có chính sách và cơ chế tôn trọng nhân quyền thì xã hội được phát triển tốt đẹp. Nơi nào chà đạp nhân quyền thì quốc gia kém phát triển. 

Vì vậy, có thể nói nhân quyền là nền tảng của sự phát triển. Nơi nào chính quyền biết tôn trọng nhân quyền thì nơi đó người dân mới có điều kiện phát huy hết tiềm năng và có cơ hội đóng góp cho quốc gia và xã hội. Nói một cách khác, nước nào có giới lãnh đạo không biết tôn trọng nhân quyền thì quốc gia đó không có cơ hội vươn lên hoặc sẽ bị kẹt trong cái vòng luẩn quẩn nghèo nàn và lạc hậu.

Có một sự kiện đáng chú ý là trong tháng 11 năm 2014 vừa, Đặc Phái Viên Liên Hiệp Quốc Marzuki Darusman đã đệ trình báo cáo về hành vi vi phạm nhân quyền trầm trọng tại Bắc Hàn, chẳng hạn như giới lãnh đạo Bắc Hàn thường xuyên tra tấn, bỏ đói và hành quyết thô bạo và tùy tiện công dân của họ như thời Đức Quốc Xã. Bắc Hàn giam giữ khoảng 120000 tù nhân chính trị và gia đình của họ có lúc bị trừng phạt tới 3 đời. 

Ủy Ban Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc đã thông qua nghị quyết đề nghị truy tố giới lãnh đạo Bắc Hàn gồm có Kim Jong-un ra trước Tòa Án Công Lý Quốc Tế. Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc sẽ cứu xét đề nghị này trong tháng 12. Nếu Đại Hội Đồng chấp thuận đề nghị này của Ủy Ban Nhân Quyền và chính thức truy tố giới lãnh đạo Bắc Hàn trước Tòa Án Công Lý Quốc Tế thì đó sẽ là một sự kiện lịch sử và là bài học răn đe cho mọi lãnh tụ hoặc chính phủ độc tài khi họ ngang nhiên chà đạp nhân phẩm con người của chính công dân trong quốc gia của họ.

Lý tưởng dân chủ được gửi gắm qua Điều 21 của Bản Tuyên Ngôn: “Mọi người đều có quyền tham gia vào việc điều hành xứ sở của mình, một cách trực tiếp hay qua các đại biểu được tuyển chọn một cách tự do. Mọi người đều có quyền đón nhận những dịch vụ công cộng của quốc gia một cách bình đẳng. Ý muốn của người dân phải là nền tảng của quyền lực chính quyền. Ý muốn này phải được thể hiện qua các cuộc bầu cử định kỳ và thực sự, bằng phiếu kín, qua phương thức phổ thông và bình đẳng đầu phiếu, hay các phương thức tương đương của bầu cử tự do.” Nhưng cho đến nay, ước vọng này vẫn còn là giấc mơ quá xa vời với nhiều dân tộc trên thế giới trong đó có Việt Nam.

N.V.T
Tác giả gửi BVN
Tài liệu tham khảo
Jack Donnelly “Universal Human Rights: In Theory and Practice” Third Edition Cornell University Press 2013
Daniel Moeckli, Sangeeta Shah & Sandesh Sivakumaran “International Human Rights Law” Oxford University Press 2014
Philip Alston & Ryan Goodman “International Human Rights” Oxford University Press 2013

__._,_.___

Posted by: Dien bien hoa binh 

No comments:

Post a Comment

Nhân quyền và bạo quyền

VTV-[Trang Lê Mới Nhất] chửi từ nhà ra phố, Trọng Lú sợ vỡ mật

https://www.youtube.com/results?search_query=Trang+L%C3%AA+%28B%C3%A0+Ngo%E1%BA%A1i%29

Featured Post

Lisa Pham Vấn Đáp official-16/1/2025

Popular Posts

My Blog List