Friday, December 12, 2014

Nghệ An: Các bạn trẻ tổ chức Hội thảo về Nhân quyền 10/12

Nghệ An: Các bạn trẻ tổ chức Hội thảo về Nhân quyền 10/12

TNCG
Hôm nay ngày 10/12 là ngày Nhân Quyền Quốc Tế, anh em tại Nghệ an đã có cuộc gặp giỡ và Hội Thảo về Nhân Quyền tại giáo xứ Bình Thuận, giáo Phận Vinh.

Vào lúc 9 giờ 30 phút, các bạn trẻ khắp nơi trên địa bàn Nghệ an và cùng bà con giáo dân xứ Bình Thuận đã tập trung đầy đủ về Hội Trường giáo Lý xứ Bình Thuận.

Theo dự định, Nhà thơ Trần Đức Thạch (một TNLT, bị tòa án nhân dân thành phố Hà Nội kết án ba năm tù giam trong một phiên xử được cho biết chỉ kéo dài hai tiếng đồng hồ ngày 6 tháng 10 năm 2009, với tội danh tuyên truyền chống nhà nước CHXHCNVN) về tham dự và chia sẽ trong buổi thảo luận Nhân quyền lần này, nhưng phía an ninh Nghệ an đã túc trực canh chừng nhà ông và ngăn không cho ông ra khỏi nhà nên ông không thể tới tham dự được.

Vào chiều ngày 9/12/2014, Công an tỉnh Nghệ an và Công an huyện Nghi Lộc yêu cầu Ban Hành Giáo xứ Bình Thuận không cho tổ chức hội thảo Nhân quyền tại đây. Khi biết được công an tỉnh Nghệ an và công an huyện Nghi Lộc ngăn cản không cho tổ chức hội thảo thì Lm Antôn Đặng Hữu Nam liền điện thoại cho cho công an Huyện Nghi Lộc và nói: "Hội thảo về Nhân Quyền là việc làm tốt", linh mục Anton Trần Hữu Nam còn nói thêm “việc họ phổ biến pháp luật về quyền con người đó là họ giúp cho chính quyền, nếu họ làm gì sai thì các ông theo luật mà xử”, và Lm Nam cũng nói với chính quyền và công an: "ngày mai, ngày Quốc tế Nhân quyền 10/12 mời các ông đến tham gia cuộc hội thảo". 

Trong cuộc hội thảo anh em đã phổ biến 30 điều về Quền Con Người và đặc biệt nhấn mạnh quyền" không được xâm phạm nhân phẩm và quyền của người khác". 

Mặc dầu bị ngăn cản, nhưng cuộc Hội Thảo cũng đã diễn ra tốt đẹp với sự có mặt của bà con giáo dân xứ Bình Thuận và chính quyền cũng đã cử đại diện tới tham dự.
Buổi chiều cha xứ Bình Thuận đã dâng Thánh lễ cầu nguyện cho Nhân Quyền sớm được tôn trọng trên quê hương Việt Nam, cầu nguyện cho Công lý - Hòa bình và các TNLT.


 TNCG-VINH - 10/12/2014

Khẩn: Blogger An Đổ Nguyễn - Nguyễn Hoàng Vi bị an ninh, mật vụ tấn công

Châu Văn Thi
Bogger An Đổ Nguyễn sau khi bị đánh, Mẹ đã ra đỡ cô lên
Lúc 15h 30 phút ngày 9/12/2014, khi blogger An Đổ Nguyễn vừa đi bộ ra trước đầu hẻm 107 đường Phan Văn Năm, phường Phú Thạnh, quận Tân Phú, TpHCM thì bị 3 người nữ mặc thường phục xong vào túm tóc đánh và vu cho cô là "giựt chồng người ta".

Người dân chứng kiến vụ việc cho biết, khi sự việc xảy ra bao quanh là công an, dân phòng nhưng không hề can thiệp. Lúc mẹ cô là bà Nguyễn Thị Cúc chạy ra xem thì sự việc mới dừng lại và công an với dân phòng lên xe chạy mất.

Hiện gia đình cô gọi điện cho Cảnh sát khu vực nhưng không thấy xuống giải quyết.

Được biết hôm qua Mạng lưới blogger Việt Nam (mà An Đổ Nguyễn là một thành viên) vừa tổ chức những hoạt động mừng ngày quốc tế nhân quyền, kêu gọi ủng hộ chụp ảnh với biểu tượng Nhân quyền. Cô lúc nào cũng bị một lực lượng an ninh thường phục theo sát...

Một năm về trước, ngày 10/12/2013, Nguyễn Hoàng Vi cũng bị lực lượng an ninh tấn công khi Một đang đi cùng với blogger Mẹ Nấm đến địa điểm tổ chức lễ ra mắt cho MLBVN.

Điều 5 Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền: "Không một người nào phải chịu cực hình, tra tấn, hay bất kỳ hình thức đối xử, hoặc trừng phạt bất nhân, hay có tính cách lăng nhục."

Cập nhật lúc 16 giờ: An ninh chặn xe taxi chở Nguyễn Hoàng Vi, Phạm Lê Vương Các và mẹ Vi là bà Nguyễn Thị Cúc bắt chở vào đồn công an phường 10 quận 3.

Địa chỉ: 342 Cách Mạng Tháng 8, 10, 3, Hồ Chí Minh, Việt Nam
Số điện thoại: +84 8 3931 6457

* Cập nhật lúc 16h40:

Sau khi an ninh ép xe taxi vào đồn công an, một lúc sau họ tiếp tục ép xe taxi chở cô An Đổ Nguyễn về nhà. Hiện nay cô đã về nhà an toàn.



Hà Nội ngày QTNQ: Thánh lễ Tạ ơn dành cho các TNLT đến từ Nghệ An

JB Nguyễn Hữu Vinh
Ngày Quốc tế nhân quyền
Thánh lễ Tạ ơn tại Hà Nội của các tù nhân lương tâm từ Nghệ An,
gặp gỡ nhân ngày Quốc tế nhân quyền 10/12/2014.
Sau khi cùng với một linh mục đến thăm các trại tù để yêu cầu được thực hiện Quyền Con Người cho các tù nhân: Quyền Tự Do Tôn giáo. Nhưng những yêu đầu đơn giản đó đã không được đáp ứng.

Đoàn gần 40 thân nhân tù nhân, các tù nhân lương tâm... đã đến Hà Nội và cùng tham dự Thánh lễ Tạ ơn của các Tù nhân lương tâm do linh mục Gioan Lưu Ngọc Quỳnh chủ tế. Sau đó. gặp gỡ anh chị em Hà Nội. 

Đến dự, có Gs Tiến Sĩ Nguyễn Quang A, Nghệ sĩ Kim Chi, Nhà văn Nguyễn Tường Thụy và một số anh chị em khác.

  





Trí thức gửi thư yêu cầu trả tự do cho nhà văn Nguyễn Quang Lập

Thư yêu cầu trả tự do cho nhà văn Nguyễn Quang Lập tức blogger Quê Choa

Kính gửi:
- Ông Trương Tấn Sang, Chủ tịch nước CHXHCNVN 
- Ông Nguyễn Tấn Dũng, Thủ tướng nước CHXHCNVN 
- Ông Trần Đại Quang, Bộ trưởng Công an nước CHXHCNVN

Chúng tôi ký tên dưới đây, những đồng nghiệp văn bút, những bạn đọc của nhà văn Nguyễn Quang Lập tức blogger Quê Choa, những người hoạt động trong các lĩnh vực văn hoá nghệ thuật, những người quan tâm đến quyền tự do tư tưởng, tự do ngôn luận của công dân và những quyền con người căn bản được Hiến pháp nước CHXHCNVN bảo vệ và được quy định trong Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền và Công ước Quốc tế về các Quyền Dân sự và Chính trị mà Việt Nam đã ký kết và tham gia,

Hết sức bất bình và lo lắng trước việc nhà văn Nguyễn Quang Lập tức blogger Quê Choa, một nhà văn và nhà biên kịch sân khấu, điện ảnh có nhiều cống hiến xuất sắc cho văn nghệ nước nhàđược đông đảo bạn đọc người Việt trong và ngoài nước hâm mộ, một chủ blog thông tin đa chiều có uy tín cao đối với cộng đồng mạng tiếng Việt trên khắp thế giới, đã bị An ninh TPHCM bắt đi vào ngày 6/12 theo điều 258 Bộ Luật Hình sự về “Tội lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân”.

Trong mấy ngày qua, vụ bắt giữ nhà văn Nguyễn Quang Lập đã gây xúc động mạnh mẽ trong nhiều giới quần chúng, từ trí thức văn nghệ sĩ đến cán bộ công chức, thanh niên, đồng nghiệp và bạn đọc yêu mến ông.

Tính chính đáng của việc bắt giữ đã bị nhiều người lên tiếng hoài nghi, xét từ nội dung trang blog Quê Choa vốn chỉ đưa những bài viết và tin tức có cách nhìn đa chiều, với mong muốn tiếp cận Sự Thật như chủ blog đã tuyên bố, nhìn chung mang tính phản biện ôn hoà đối với các chủ trương chính sách và việc làm của Nhà nước Việt Nam, có mục đích đóng góp vào quá trình cải thiện tình hình mọi mặt của đất nước; xét từ việc đột nhập một cách phi pháp vào nhà riêng của đương sự và sau đó tuyên bố “bắt quả tang” đương sự một cách mơ hồ, phi lý trong khi nhà văn Nguyễn Quang Lập đang viết tiểu thuyết trên máy tính của ông.

Việc giam giữ nhà văn Nguyễn Quang Lập còn gây xúc động hơn nữa vì tình trạng sức khoẻ của ông: liệt nửa người do di chứng chấn thương sọ não, đi lại, nằm ngồi cho đến vệ sinh cá nhân đều hết sức khó khăn phải có người giúp đỡ, cùng nhiều bệnh nặng khác. Đó là việc làm trái với tinh thần nhân đạo của luật pháp của bất cứ quốc gia văn minh nào.

Với những dữ kiện trên, việc bắt giữ nhà văn Nguyễn Quang Lập hoàn toàn không có sức thuyết phục, ngược lại chỉ gây ra phản ứng tiêu cực trong đông đảo quần chúng nhân dân Việt Nam và dư luận quốc tế, phá hoại nghiêm trọng lòng tin vào sự công minh của luật pháp Việt Nam, sự tôn trọng quyền công dân và quyền con người của Nhà nước Việt Nam, phá hoại đường lối tranh thủ sự trợ giúpcủa các nước dân chủ trong cuộc chiến đấu bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của nước ta.

Vì thế, chúng tôi yêu cầu:

1/ Trả tự do tức khắc cho nhà văn Nguyễn Quang Lập.

2/ Việc điều tra nếu tiếp tục thì phải tiến hành một cách công minh, đúng luật, có sự tham gia từ đầu của luật sư do nhà văn yêu cầu.

3/ Nhanh chóng trả tự do cho các blogger Trương Duy Nhất, Nguyễn Hữu Vinh, Hồng Lê Thọ và những blogger khác bị bắt với tội danh tương tự và chịu nhiều quy kết phi lý tương tự.

4/ Vụ bắt nhà văn Nguyễn Quang Lập và những vụ bắt bớ các blogger gần đây cho thấy cần gấp rút sửa các bộ Luật Hình sự và Luật Tố tụng hình sự theo hướng minh bạch, dân chủ; bãi bỏ các điều 258, 88 chứa đựng nhiều sự mơ hồ và phi lý dễ bị lợi dụng để triệt bỏ quyền tự do tư tưởng, tự do ngôn luận của công dân.

Để đất nước mau thoát khỏi thời kỳ khủng hoảng về mọi mặt, đối diện những nguy cơ chưa từng có, Nhà nước cần chân thành lắng nghe tiếng nói phản biện của trí thức văn nghệ sĩ và các giới quần chúng như các ông Chủ tịch nước và Thủ tướng Chính phủ nhiều lần khẳng định, thay thế cho việc đàn áp những ý kiến khác hoặc trái chiều.

Kính gửi các ông lời chào trân trọng.

Ngày Nhân quyền thế giới 10/12/2014

Những người khởi xướng:
1. Nguyên Ngọc, nhà văn, Hội An
2. Bùi Chát, nhà thơ, TPHCM
3. Bùi Minh Quốc, nhà thơ, Đà Lạt
4. Châu Diên (Phạm Toàn), nhà văn, nhà giáo dục, Hà Nội
5. Chu Hảo, TS, nguyên Thứ trưởng Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường, Hà Nội
6. Dương Tường, nhà thơ, dịch giả, Hà Nội
7. Đào Tiến Thi, nhà nghiên cứu ngôn ngữ, Hà Nội
8. Hà Sĩ Phu, TS, Đà Lạt
9. Hiền Phương, nhà văn, TPHCM
10. Hoàng Dũng, PGSTS, nhà nghiên cứu ngôn ngữ, TPHCM
11. Hoàng Hưng, nhà thơ, dịch giả, TPHCM
12. Hoàng Minh Tường, nhà văn, Hà Nội
13. GB. Huỳnh Công Minh, linh mục Tổng Giáo phận Sài Gòn, TPHCM
14. Huỳnh Kim Báu, nguyên Tổng Thư ký Hội Trí thức yêu nước TPHCM, TPHCM
15. Huỳnh Tấn Mẫm, bác sĩ, nguyên Chủ tịch Tổng hội Sinh viên Sài Gòn (trước 1975), Đại biểu Quốc hội khóa 6, Ủy viên Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TPHCM
16. Kha Lương Ngãi, nhà báo, nguyên Phó Tổng biên tập báo Sài Gòn giải phóng, TPHCM
17. Lê Công Giàu, nguyên Phó Bí thư thường trực Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh Thành phố Hồ Chí Minh, nguyên Phó Giám đốc Tổng công ty Du lịch Thành phố (Saigontourist), TPHCM
18. Lê Phú Khải, nhà báo, nguyên phóng viên Đài Tiếng nói Việt Nam, TPHCM
19. Lưu Trọng Văn, nhà văn, nhà báo, TPHCM
20. Ngô Thị Kim Cúc, nhà văn, nhà báo, TPHCM
21. Nguyễn Đình Đầu, nhà nghiên cứu, TPHCM
22. Nguyễn Huệ Chi, GS, nhà nghiên cứu văn học, Hà Nội
23. Nguyễn Quang A, TS, Hà Nội
24. Nguyễn Quốc Thái, nhà thơ, TPHCM
25. Phaolô Nguyễn Thái Hợp, Giám mục Giáo phận Vinh
26. Nguyễn Trung Dân, nhà báo, TPHCM
27. Nguyễn Xuân Diện, TS, nhà nghiên cứu Hán-Nôm, Hà Nội
28. Phạm Đình Trọng, nhà văn, TPHCM
29. Phạm Nguyên Trường, dịch giả, Vũng Tàu
30. Phạm Xuân Nguyên, nhà phê bình, Chủ tịch Hội Nhà văn Hà Nội, Hà Nội
31. Phan Thị Hoàng Oanh, TS, TPHCM
32. Trần Trung Chính, nhà văn, họa sĩ, Hà Nội
33. Từ Quốc Hoài, nhà thơ, TPHCM
34. Võ Thị Hảo, nhà văn, Hà Nội
35. Ý Nhi, nhà thơ, TPHCM

Đợt 2:
36. Giáng Vân, nhà thơ, nhà báo, Hà Nội
37. Phan Đắc Lữ, nhà thơ, TPHCM
38. Phạm Duy Hiển, GS, nghiên cứu khoa học hạt nhân, Hà Nội
39. Phạm Thị Minh Đức, nhân viên Trung tâm Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICE), Hà Nội
40. Trần Tiến Đức, nhà báo, đạo diễn phim tài liệu và truyền hình, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục - Truyền thông, Ủy ban Quốc gia Dân số và Kế hoạch hóa Gia đình, Hà Nội
41. Phạm Gia Minh, TS, Hà nội
42. Hoàng Lại Giang, nhà văn, TPHCM
43. Vũ Thế Khôi, nhà giáo ưu tú, nguyên Trưởng khoa Tiếng Nga Đại học Hà Nội, Hà Nội
44. Nguyễn Đăng Quang, Đại tá, nguyên cán bộ Bộ Công an, Hà Nội
45. Đinh Gia Hưng, dịch giả, giảng viên tiếng Anh, TP Đà Nẵng
46. Hà Dương Tường, nguyên giáo sư Đại học Compiègne, Pháp
47. Nguyễn Nguyên Bình, hội viên Hội Nhà văn Hà Nội, Hà Nội
48. Lê Mạnh Đức, kỹ sư, TPHCM
49. Trần Minh Khôi, kỹ sư điện toán, CHLB Đức
50. Thuỳ Linh, nhà văn, Hà Nội
51. Đặng Xuân Thảo, Directeur de recherche, CNRS (Viện Khoa học Quốc gia), Pháp
52. Thanh Thảo, nhà thơ, nhà báo, Quảng Ngãi
53. Hoàng Văn Khẩn, TS sinh hoá học, Thụy Sĩ
54. Trần Thị Tươi, nghề nghiệp tự do, Tân Bình, TPHCM
55. Trần Hải Yến, TS, Viện Văn học, Hà Nội
56. Đặng Đình Cung, kỹ sư tư vấn, Pháp
57. Đặng Thị Hảo, TS, nguyên Phó trưởng phòng Văn học Cổ cận đại, Viện Văn học, Hà Nội
58. Phạm Tư Thanh Thiện, nhà báo, Pháp
59. Nguyễn Ngọc Giao, nhà giáo, Pháp
60. Tạ Duy Anh, nhà văn, cán bộ biên tập nhà xuất bản Hội Nhà văn, Hà Nội
61. Chân Phương, nhà thơ, dịch giả, Hoa Kỳ
62. Trần Hải Hạc, nguyên PGS trường Đại học Paris 13, Pháp
63. Lê Minh Hà, nhà văn, CHLB Đức
64. Trần Văn Bang, kỹ sư, cựu chiến binh chống Tàu, TPHCM
65. Dương Văn Tú, nghiên cứu sinh, Đại học Leuven, Vương quốc Bỉ
66. Nguyễn Đức Hiệp, Atmospheric Scientist, Australia
67. Vũ Ngọc Thăng, dịch giả, Canada
68. Hà Dương Tuấn, nguyên chuyên gia Công nghệ thông tin, Pháp
69. Trần Huy Quang, nhà văn, Hà Nội
70. Lại Nguyên Ân, nhà nghiên cứu, Hà Nội
71. Tô Nhuận Vỹ, nhà văn, nguyên Tổng biên tập tạp chí Sông Hương, Huế
72. Tống Văn Công, nguyên Tổng biên tập báo Lao động, TPHCM
73. Nguyễn Trọng Tạo, nhà thơ, nhạc sĩ, nhà báo, Hà Nội
74. Bùi Như Hương, nhà nghiên cứu phê bình mỹ thuật, Hà Nội
75. Đinh Đức Long, TS, bác sĩ, TPHCM
76. Khánh Phương, viết văn, Hoa Kỳ
77. Văn Giá, hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, Hà Nội
78. Phạm Anh Tuấn, dịch sách, viết báo, dạy học, Hà Nội
79. Lê Bá Diễm Chi (tức Song Chi), đạo diễn phim và nhà báo tự do, Na Uy
80. Văn Sáng, họa sĩ, Hà Nội
81. Trương Anh Thụy, nhà văn, Hoa Kỳ
82. Nguyễn Đình Đăng, TS khoa học & nghiên cứu vật lý hạt nhân, hoạ sĩ, Nhật Bản
83. Đinh Thị Thùy Mai, Nhật Bản
84. Nguyễn Đắc Xuân, nhà nghiên cứu lịch sử văn hóa, Huế
85. Trần Công Thạch, nhà giáo nghỉ hưu, TPHCM
86. Trần Nghi Hoàng, nhà văn, Hoa Kỳ
87. Trương Hồng Liêm, tin học, Pháp
88. Thụy Khuê, nhà nghiên cứu văn học, Pháp
89. Trần Quang Thành, nhà báo, Slovakia
90. André Menras, Hồ Cương Quyết, nhà giáo, cựu tù chính trị chế độ cũ, Pháp
91. Hoài Việt, nhà văn, cựu giáo sư trường Cao đẳng, Pháp
92. Antôn Lê Ngọc Thanh, linh mục Dòng Chúa Cứu thế Sài Gòn
93. Nguyễn Thanh Hằng, dược sĩ, Pháp
94. Trần Ngọc Sơn, kỹ sư, Pháp
95. Tiêu Dao Bảo Cự, nhà văn tự do, Đà Lạt
96. Mai Thái Lĩnh, nhà giáo, nhà nghiên cứu độc lập, Đà Lạt
97. Hồ Ngọc Nhuận, nguyên chủ bút nhật báo Tin Sáng, TPHCM
98. Lê Đăng Doanh, TS, chuyên gia kinh tế, Hà Nội
99. Phạm Xuân Yêm, Giám đốc Nghiên cứu Vật lý (CNRS), Đại học Paris 6, Pháp
100. Bùi Thanh Hiếu, blogger, CHLB Đức
101. Nguyễn Đồng, TS, Giám đốc Chương Trình Thanh Lọc Nước Bẩn DESAL, Hoa Kỳ
102. Bùi Xuân Bách, giáo viên về hưu, Hoa Kỳ
103. Nguyễn Tường Thụy, Hội viên Hội Nhà báo Độc lập Việt Nam, Hà Nội
104. Trần Thị Hường, CHLB Đức
105. Đoàn Nam Sinh, nghiên cứu tự do, Đà Lạt
106. Vũ Thế Cường, TS, kỹ sư cơ khí, CHLB Đức
107. Nguyễn Xuân Nghĩa, TS, TP HCM
108. Nguyễn Khắc Phê, nhà văn, nhà báo, Huế
109. Hà Thúc Huy, PGSTS, giảng dạy đại học, TPHCM
110. Nguyễn Mai Oanh, chuyên gia nông nghiệp, TPHCM
111. Vũ Nhật Khải, nguyên vụ trưởng Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Hà Nội
112. Huỳnh Phi Long, cán bộ hưu trí, TPHCM
113. Đỗ Hoàng, nhà thơ, nguyên Trưởng ban Thơ Tạp chí Nhà văn - Hội Nhà văn Việt Nam, Hà Nội
114. Nguyễn Thị Bình, PGSTS, nguyên giảng viên Đại học Sư phạm Hà Nội, Hà Nội
115. Nguyễn Đức Tùng, M.D., Canada
116. Tạ Trọng Trí, họa sĩ, Hà Nội
117. Nguyễn Phương Chi, biên tập viên chính, cán bộ Viện Văn học (đã nghỉ hưu), Hà Nội
118. Trần Đình Nam, nguyên Trưởng ban biên tập Nhà xuất bản Kim Đồng (đã nghỉ hưu), Hà Nội
119. Nguyễn Đan Quế, bác sĩ, TPHCM
120. Phạm Chí Dũng, nhà báo độc lập, TPHCM
121. Ngô Minh, nhà văn Việt Nam, Huế
122. Võ Văn Tạo, nhà báo, Nha Trang
123. Nguyễn Duy, nhà thơ, TPHCM
124. Trần Minh Thảo, viết văn, Bảo Lộc, Lâm Đồng
125. Đinh Phương Thảo, giáo viên, Hà Nội
126. Nguyễn Thanh Giang, TS Địa Vật lý, Hà Nội
127. Nguyễn Đức Mậu, TS Văn học, Hà Nội, Việt Nam
128. Lê Văn Tâm, nguyên Chủ tịch Hội Người Việt Nam tại Nhật Bản, Nhật Bản
129. Nguyễn Văn Nhượng, kỹ sư, Thụy Sĩ
130. Nguyễn Thị Kim Chi, nghệ sĩ ưu tú, Hà Nội
131. Vũ Linh, nhà giáo về hưu, Hà Nội
132. Trần Đồng Minh, nhà giáo về hưu, Hà Nội
133. Huỳnh Sơn Phước, nhà báo, Hội An
134. Nguyễn Thị Khánh Trâm, nghiên cứu viên văn hóa, TPHCM
135. Ngô Kim Hoa, nhà báo tự do, TPHCM
136. Lại Thị Ánh Hồng, nghệ sĩ, TPHCM
137. Trần Kỳ Trung, nhà văn, Hội An
138. Nguyên Giác Phan Tấn Hải, nhà báo, Hoa Kỳ
139. Nguyễn Quang Thân, nhà văn, TPHCM
140. Dạ Ngân, nhà văn, TPHCM
141. Nguyễn Văn Dũng, nhà giáo về hưu, Huế


Bùi Minh Hằng ghi lại lý lịch của mình

Nguyệt Quỳnh 
Chúng ta 
Tự tay ghi vào lý lịch 
Định mệnh của dân tộc mình 
Chúng ta - Những kẻ bội thu, - Đỗ Trung Quân”
  
Trong bài thơ “Chúng ta - Những kẻ bội thu”, nhà thơ Đỗ Trung Quân viết về một điều không mới, dường như ai cũng biết rồi, thế nhưng ông đã làm người đọc rúng động! Ông viết: chính sự thờ ơ của chúng ta tạo nên định mệnh khắc nghiệt cho mình và cho dân tộc mình. “Chúng ta gieo mầm dửng dưng nên gặt về lạnh nhạt, chúng ta thờ ơ với con người nên gặt về con vật.

Bài thơ mạnh. Mạnh về ý lẫn lời. Và điều làm người ta rúng động là Sự Thật, là những gì đang xảy ra hàng ngày trong xã hội chúng ta đang sống. Phải chăng mọi sự việc xảy ra đều có lý do, mọi hậu quả chúng ta nhận lãnh đều có nguyên nhân của nó !?

***

Chúng ta thờ ơ với con người nên gặt về con vật. Câu thơ làm ta liên tưởng đến những chuyện xảy ra quanh mình, những hành động gần như thiếu hẳn tính người,
như: chuyện cả làng hùa nhau đánh chết hai thanh niên trộm chó; chuyện người lái xe chở bia gặp nạn van xin những kẻ hôi của vô cảm; hay nụ cười đểu của viên quản giáo khi ngợi khen những hình ảnh nhục mạ kỹ sư Đặng Xuân Diệu do gã tù hình sự vẽ trên tường trại giam … Những giọt nước mắt uất nghẹn của tù nhân Trương Minh Tam cùng các hình ảnh bị vẽ nửa người nửa chó của người thanh niên mộ đạo, thành viên của nhóm Bảo Vệ Sự Sống, sẽ khắc ghi vào ký ức chúng ta một thời đại đen tối nhất của xã hội và của quyền con người trên đất nước Việt Nam.

Trong khi những giá trị về nhân quyền đã được các quốc gia trên thế giới tôn trọng và ngay cả nhà cầm quyền VN cũng công khai thừa nhận, thì người VN vẫn tiếp tục phải sống trong khổ đau, đoạ đày và áp bức. Người dân vẫn tiếp tục bị cướp đất, bị ép cung, bị đánh chết trong các đồn công an, bị chà đạp nhân phẩm trong các trại tù, bị bắt giam vô cớ... Mới đây, để tránh né sự trơ trẽn trước thế giới, lãnh đạo đảng vừa cho dời phiên toà xử chị Bùi Thị Minh Hằng, chị Thúy Quỳnh, và anh Nguyễn Văn Minh qua ngày 12/12/14 tức là sau ngày Quốc Tế Nhân Quyền. Họ biết rằng các lý cớ để giam giữ các anh chị trên chỉ làm trò cười trước mắt nhân loại. Chẳng có một chính phủ đúng nghĩa nào lại bày cái trò "cản trở lưu thông" như một cái cớ để mà bắt giam, để nhốt tù người dân trong nhiều tháng trời. Ngay cả các chế độ thực dân, đế quốc cũng còn đủ tự trọng để không làm những việc như vậy.

Các trò hèn kém đó chỉ khiến cho công luận VN và quốc tế thấy rõ những kẻ nắm quyền đang bí lối và bối rối đến mức độ nào. Mọi loại biện hộ để chà đạp các quyền đương nhiên của con người đều không còn lừa bịp được ai. Người dân VN ngày nay thừa kiến thức và thừa khả năng để vạch ra sự thật về tiêu chuẩn nhân quyền của nhân loại mà nhà cầm quyền VN đã long trọng ký kết. Chị Bùi Minh Hằng là một trong những người đã miệt mài quảng bá để người dân Việt biết đến các quyền của họ là gì và ai đang cướp trắng các quyền đó của họ.

Nhưng … có thực bên cạnh những con người đang bị hành hạ vì đấu tranh cho nhân quyền, đấu tranh chống Trung Quốc, chúng ta luôn nhìn thấy sự thờ ơ, dửng dưng, và ích kỷ của đại đa số quần chúng chung quanh không? Tôi cho rằng không hẳn thế.

Mặc dù không nói ra, hầu như ai ai, cả những người đang phục vụ trong bộ máy cầm quyền đều bức xúc trước các vấn đề của xã hội, các vấn nạn của đất nước. Có lẽ nên nói rằng xã hội của chúng ta bao gồm phần lớn những con người hoang mang, thụ động, sợ hãi, đánh mất chính mình thì đúng hơn. Nhưng càng hoang mang, càng sợ hãi thì chính chúng ta lại trở thành nạn nhân của chính mình.

Trong hoàn cảnh sợ hãi tràn lan đó, đã có những người chọn cho mình một thái độ khác. Sau kết quả của phiên toà sơ thẩm, với những bản án khắc nghiệt được tuyên cho chị Bùi Hằng, chị Thuý Quỳnh và anh Minh, Ls Trần Thu Nam kể lại rằng: chị Bùi Hằng đã phản ứng rất bình tĩnh, chị điềm đạm nở một nụ cười trên môi, chị hát một bài hát gì đó về Đức Mẹ khi đi từ vành móng ngựa ra xe tù. Cô Thúy Quỳnh thì im lặng tỏ ra bình tĩnh, khi đón nhận kết quả. Còn anh Văn Minh quay lại nói với vợ rằng: không có vấn đề gì cả, 2 năm 6 tháng cũng nhanh thôi. Sự thật thì đó là một bản án với mục tiêu khủng bố tinh thần những người đấu tranh, nhưng các anh chị trên và hầu hết những người đấu tranh hiện nay đều chấp nhận vì họ tin vào những việc mình đang làm. Họ hiểu rằng cái giá của nhân quyền, dân chủ không hề nhỏ. Nhưng nếu chúng ta không dũng cảm, không chấp nhận hy sinh để giành được nó, thì cái giá mà chúng ta phải trả còn đắt hơn gấp trăm lần. Tất cả đang miệt mài gieo những hạt giống mới cho đất nước mình, cho thân phận mình.

Bởi chính vì chúng ta sợ hãi và im lặng nên thiểu số lãnh đạo mới dám làm chuyện đem bán tài nguyên đất nước làm của riêng. Chúng ta có dửng dưng, thờ ơ thì họ mới dám bán từng phần chủ quyền quốc gia từ ngoài khơi xa xăm đến sâu trong đất liền và cùng khắp đất nước. Chúng ta vô cảm trước giá trị con người thì họ mới dám mạnh miệng tuyên bố rằng lý do phải trì hoãn nhân quyền là vì dân trí thấp… Chắc chắn sẽ không có một sự nhượng bộ nào từ những kẻ cai trị nếu chúng ta, những người bị cai trị, tiếp tục giữ thái độ cam chịu.

Nhưng rõ ràng bất cứ một sự phản kháng lớn hay nhỏ nào của người dân lúc này đều làm cho kẻ cầm quyền run sợ vì họ biết họ đang cản bánh xe tiến hóa của nhân loại. Hãy xem sự cuống cuồng của lãnh đạo đảng khi phải ra lịnh "bắt quả tang" một người đang ngồi viết văn; "bắt khẩn cấp" một nhà văn kiêm blogger hiền lành, điềm đạm, cao tuổi lại đang bị bệnh liệt nửa người. Đó là Nguyễn Quang Lập tức Bọ Lập, chủ trang blog nổi tiếng Quê Choa. Nhìn cảnh ông Lập bị công an kéo đi, lòng ta tự hỏi những kẻ cầm quyền này sẽ hành xử ra sao nếu bên cạnh nhà văn Nguyễn Quang Lập là sự góp mặt của hàng trăm, hàng ngàn người khác?

Tôi tin rằng có rất nhiều người khác cũng có cùng câu hỏi đó trong lòng mỗi khi nhìn các blogger bị bắt. Bằng chứng là càng ngày càng có nhiều người dấn thân bước tới sau các vụ bắt bớ. Đúng như bài giảng của Linh Mục Giu-se Nguyễn Văn Toản tại Dòng Chúa Cứu Thế vào đầu tháng 12.2014. Dù là người ngoại đạo, tôi đã nhìn thấy hình ảnh vác thập giá của chúa Giêsu. Đây là lời tự hứa phải tuyên chiến với sự dối trá. Linh mục Toản đang theo chân chúa Giêsu vác thập giá giữa cuộc đời nhiễu loạn này cho chính mình và cho tha nhân. Còn ai nữa muốn đứng nhanh lên để cùng đi với Linh mục Toản?

Nếu đất nước chúng ta may mắn, tôi tin rằng ngay trong thập niên trước mặt thôi, người ta sẽ quên dần những năm tháng đen tối này mà chỉ nhớ đến với lòng biết ơn sâu xa những con người can đảm, những con người chịu đau đớn, chịu bách hại, chịu trả giá để nhân quyền có mặt tại VN.

Nhưng dù với sự hy sinh cao cả đó, chuyện đẩy lùi được bóng tối trên đất nước này vẫn không thể thực hiện được nếu chỉ do một nhóm người nỗ lực. Đẩy lùi bóng tối, tuyên chiến với sự giả dối, với cái ác chắc chắn cần sự góp mặt của tất cả chúng ta.

Xin hãy giúp nhau vực lại niềm tin, vực lại bản sắc của chính mình trong mỗi con người Việt Nam. Chúng ta sẽ tự tay ghi một lý lịch mới cho chính mình và cho định mệnh cả dân tộc.

Nguyệt Quỳnh


'Nhân quyền VN còn kém cả Campuchia'

  • 11 tháng 12 2014
Tiến sỹ Vannarith Chheang
Nhân quyền 'không nguy hiểm' cho an ninh quốc gia theo nhà nghiên cứu TS. Vannarith Chheang.
Nhân quyền của Việt Nam 'còn kém' cả Campuchia và nhà nước Việt Nam cần chấp nhận nhân quyền 'không phải là nguy hiểm' cho an ninh quốc gia 'mà ngược lại', theo nhà nghiên cứu từ Campuchia nói với Tọa đàm trực tuyến của BBC Nhân ngày Nhân quyền LHQ (10/12) năm nay.
Khi được yêu cầu so sánh giữa Việt Nam và Campuchia, ở đâu mà chính quyền và nhà nước 'nghiêm chỉnh, nghiêm túc' hơn đối với vấn đề nhân quyền, từ Phnom Penh, Tiến sỹ Vannarith Chheang, Giám đốc Viện Nghiên cứu Hợp tác và Hòa bình, nói với cuộc Tọa đàm hôm 11/12/2014.
"Hệ thống chính trị hai nước khác nhau, ở Campuchia có hệ thống bầu cử đa đảng từ năm 1993. Từ 1993 đến nay, Campuchia về dân chủ và nhân quyền có tiến bộ và phát triển khá, so với Việt Nam thì hệ thống chính trị khác nhau.
"Về tự do chính trị, tự do ngôn luận, Campuchia cao hơn nhiều so với Việt Nam, về phê phán chính phủ hay vấn đề xây dựng đất nước, như vậy đó cũng là một vấn đề, nhưng so với Việt Nam là tốt hơn, nó không nghiêm trọng bằng Việt Nam."
Nhà nghiên cứu chính trị Việt Nam, khu vực Đông Nam Á đưa ra lời khuyên với nhà nước Việt Nam về vấn đề nhân quyền, ông nói:
"Đối với nhà nước Việt Nam, nhà nước Campuchia và các nước khác, nhà lãnh đạo, nhà chính trị phải chấp nhận những vấn đề nhân quyền không phải là nguy hiểm đến an ninh quốc gia, đên sự phát triển xã hội và kinh tế.
"Ngược lại nhân quyền là một vấn đề giúp cho sự phát triển, ổn định xã hội và ổn định chính trị.

"Như vậy đó là thực chất của vấn đề nhân quyền.
"Tôi nghĩ chính phủ của các nước trên thế giới phải thúc đẩy sự tôn trọng nhân quyền vì lợi ích của con người và lợi ích của nhà nước."

'Nhân quyền trên giấy?'

Mới đây, một nhà nghiên cứu về luật Hiến pháp và quyền con người, quyền công dân, Giáo sư Nguyễn Đăng Dung, từ Đại học Quốc gia Hà Nội nói với BBC rằng bản Hiến pháp sửa đổi năm 2013 của Việt Nam 'đã có tiến bộ' với hẳn một chương riêng được soạn thảo về quyền con người.
Nhà nghiên cứu này cũng cho hay năm tới đây, Việt Nam đang 'đặt trên bàn' để cân nhắc sửa đổi toàn hệ thống luật pháp.
Theo ông Dung, việc này không chỉ hạn chế ở một số điều luật nhất định như các điều 258, 79 và 88 trong Bộ luật hình sự và lý do là để phù hợp hơn với Hiến pháp sửa đổi và công ước, các văn bản luật pháp quốc tế mà Việt Nam đã tham gia ký kết.
Hôm thứ Năm, nhà hoạt động xã hội Nguyễn Lân Thắng bình luận với Tọa đàm của BBC về khoảng cách giữa chính sách, luật pháp và thực tiễn nhân quyền ở Việt Nam.
Từ Đồng Tháp, nơi ông đang chuẩn bị theo dõi vụ xét xử với bà Bùi Thị Minh Hằng và một số nhà hoạt động nhân quyền khác, Kỹ sư Lân Thắng nói:

"Mọi điều luật cũng chỉ nằm trên giấy, điều quan trọng nhất là mỗi chúng ta phải biết quyền của mình, bảo vệ quyền của mình và cùng hợp tác với những người khác để có thể giữ được quyền của mình không bị ai xâm phạm. Đấy mới là điều quan trọng.
"Chứ còn bất cứ điều luật, bất cứ điều hay rồi bất cứ tuyên bố của các chính trị gia như thế nào đều vô nghĩa hết, nếu như những người nhỏ bé trong xã hội cũng như những người ở một địa vị cao, họ bị vi phạm nhân quyền thì đấy là điều không thể chấp nhận được."

'Bắt bớ bloggers'

Bộ công an Việt Nam mới đây cập nhật về vụ bắt nhà văn Nguyễn Quang Lập (tức blogger Bọ Lập - Quê Choa) với một thông báo trên trang tin của Bộ này nói ông Lập đã 'xin được khoan hồng' và cam kết 'từ nay chỉ viết về văn học, nghệ thuật', thạc sỹ Nguyễn Tiến Trung từ Sài Gòn bình luận:
"Tôi không rõ thực hư như thế nào, nhưng dù có chuyện gì xảy ra, tôi lúc nào cũng yêu mến nhà văn Nguyễn Quang Lập.
"Và tôi biết rằng mỗi người có điều kiện, hoàn cảnh khác nhau, cho nên tùy thuộc hoàn cảnh đó mà chúng ta sẽ chọn một cách hành xử khi trong hoàn cảnh như vậy.
"Bản thân tôi lúc nào cũng ủng hộ nhà văn Nguyễn Quang Lập và bản thân tôi cũng có mối quan hệ tình bạn với nhà văn Nguyễn Quang Lập," thạc sỹ Trung nói với Tọa đàm.
Trong vòng một tuần, từ ngày 29/11 tới ngày 6/12, hai blogger được nhiều người biết tới là ông Hồng Lê Thọ (chủ blog Người Lót Gạch) và ông Nguyễn Quang Lập đã bị công an bắt giữ mà có ý kiến cho là lý do bắt "tạm giữ hình sự" có thể đều liên quan tới điều 258 của Bộ luật Hình sự.

Kỹ sư Lân Thắng bình luận với Tọa đàm:
"Tôi nghĩ rằng giới blogger trong cả nước rất là quan tâm tới hai bloggers này. Và tôi nghĩ việc bắt họ cho đến giờ này, tôi nghĩ có lẽ là một đòn thăm dò đối với giới hoạt động.
"Đồng thời cũng có sự tranh đấu, sự tranh giành nào đó trước kỳ Đại hội Đảng và đấy là lý do chính để bắt nhà văn Nguyễn Quang Lập."

'Hành xử lạ lùng'

Các vụ bắt hai bloggers diễn ra chỉ trong vòng một tuần trước ngày nhân quyền Liên hiệp quốc năm nay, ngày mà hôm thứ Tư, 10/12/2014, Tổng Thư ký LHQ Ban Ki-moon nhấn mạnh thông điệp "Nhân quyền 365" được hiểu là quanh năm 365 ngày, ngày nào cũng là ngày của quyền con người, ngày để 'lên tiếng.'
Bình luận về các vụ bắt giữ tại thời điểm này, Tiến sỹ Nguyễn Quang A, nhà quan sát xã hội Việt Nam từ Hà Nội nói với Tọa đàm: "Tôi cũng ngạc nhiên về một sự hành xử hết sức lạ lùng của chính quyền Việt Nam, bắt Giáo sư Lê Hồng Thọ trước, rồi cách ngày Nhân quyền Quốc tế có 3-4 ngày, thì bắt một nhà văn rất nổi tiếng, một blogger rất có tiếng ở Việt Nam.
"Anh Nguyễn Quang Lập có hàng trăm ngàn người hâm mộ và thực sự cả hai anh đều hoạt động hết sức ôn hòa và mang tính xây dựng. Nhưng người ta vẫn vu cho họ những tội hết sức vu vơ, và bắt họ tôi nghĩ là điều gì đấy mà tôi nghĩ là khó hiểu. Và người ta khó mà đánh giá, lý giải tại sao họ lại làm những việc mà nhiều người cho rằng là rất ngớ ngẩn và ngu ngốc như vậy. Nguyên nhân của nó là gì không cai có thể biết rõ được, nhưng chỉ có thể nêu ra những giả thuyết để tìm cách lý giải mà thôi.

"Trong mọi trường hợp, đấy là một sự vi phạm nhân quyền hết sức trắng trợn của nhà cầm quyền và rất đặc biệt là sau khi Việt Nam đã trở thành thành viên của Hội đồng nhân quyền quốc tế của Liên hợp quốc, sau khi Việt Nam đã vượt qua cuộc sát hạch UPR (kiểm định định kỳ phổ quát về nhân quyền), tháng Hai và tháng Sáu năm nay.
"Và trước ngày Nhân quyền Quốc tế có vài ngày, mà họ làm những việc như thế thì gây ra sự phẫn nộ hết sức là lớn ở trong nước Việt Nam và các trí thức, các nhà văn, cũng như những người yêu mến anh Lập đã vừa mới có một đòi hỏi nhà cầm quyền phải trả ngay tự do lại cho anh Nguyễn Quang Lập cũng như trả tự do cho Giáo sư Lê Hồng Thọ, thả ngay anh Trương Duy Nhất, anh Nguyễn Hữu Vinh và những người khác.
"Tôi nghĩ rằng đấy là một diễn biến rất là buồn về nhân quyền ở Việt Nam trong những ngày mà cả thế giới kỷ niệm về nhân quyền," Tiến sỹ Quang A nói với Tọa đàm.

'Không thể đảo ngược'


VN đã chấp nhận gần 80% các khuyến nghị về nhân quyền tại phiên kiểm định 2014 ở Geneva.
Hôm thứ Năm, Thạc sỹ công nghệ thông tin Nguyễn Tiến Trung, người từng bị kết án 7 năm tù vì tội 'hoạt động chống phá chính quyền' trong vụ án với Luật sư Lê Công Định và kỹ sư, doanh nhân Trần Huỳnh Duy Thức và những người khác, bình luận với Tọa đàm của BBC về xu hướng nhân quyền, dân chủ ở Việt Nam.

Nhắc lại lời được cho là của chính Thủ tướng Việt Nam, ông Nguyễn Tấn Dũng, thạc sỹ Tiến Trung nói:
"Ông nói nhân quyền, tự do và dân chủ là xu hướng không thể đảo ngược và là đòi hỏi khách quan của xã hội loài người, Việt Nam không phải ngoại lệ. Và như vậy trong Hiến pháp, pháp luật và chính sách đều nêu rõ dân chủ và nhân quyền vừa là mục tiêu, vừa là động lực cho sự tăng trưởng và phát triển của Việt Nam.
"Như vậy chứng tỏ phía những người lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam nhận thức rõ vấn đề là phát triển nhân quyền tốt cho sự phát triển của đất nước, là bởi vì từng cá nhân khi bảo đảm các quyền của mình thì có cơ hội để phát triển toàn diện, để tối đa hóa tiềm năng của chúng mình.

"Khi từng cá nhân được tối đa hóa tiềm năng của chính mình và phát triển toàn diện thì khi đó đất nước mới phát triển toàn diện được. Tuy nhiên, trong bất kỳ quốc gia dân chủ nào đều có luật pháp và chuẩn mực.
"Thì luật pháp đó phải do Quốc hội do toàn dân bầu ra, có nhiều nhóm khác nhau để trong Quốc hội để ban hành đạo luật nó phải công bằng, phải chuẩn mực, như vậy mới bảo đảm được nhân quyền, chứ không thể nào ngụy biện như giới báo chí trong nước (nói) là 'nhân quyền hay tự do quá chớn sẽ gây hại, thì cái đó hoàn toàn không phải.
"Bởi khi đó còn có vấn đề pháp luật bảo vệ nhân quyền và bảo vệ quyền của người này sẽ không xâm phạm quyền của người khác. Nhưng vấn đề là pháp luật ở Việt Nam do một đảng làm ra nên nó sẽ bảo đảm quyền của cái đảng đó thôi," thạc sỹ Tiến Trung nói với Tọa đàm.

'Thông điệp hy vọng'

Hôm thứ Năm, Tiến sỹ Jonathan London, nhà nghiên cứu xã hội học và chính trị từ Đại học Thành thị Hong Kong nêu quan điểm tại Tọa đàm đánh giá tình hình nhân quyền ở Việt Nam.
Ông nói: "Tiến bộ đối với nhân quyền vẫn còn quá chậm so với những gì mà chúng ta mong muốn, nhưng việc chúng ta đang có những thảo luận công khai như thế này, việc có những bloggers như Nguyễn Quang A, Nguyễn Quang Lập, Nguyễn Hoàng Vy v.v... thì người ta đang tiếp tục cho một quá trình mà có những tiến bộ quan trọng về nhân quyền.

"Và tôi hy vọng trong thời gian tới, có thể là (nhiều) tháng, (nhiều) năm, hy vọng rằng trong tương lai Việt Nam, mỗi người đều nỗ lực hơn nữa, để có một Việt Nam (mà) quyền con người sẽ (đạt) được, đó là một thông điệp tôi gửi tới những người Việt Nam.
Về vị trí của nhân quyền trong quan hệ Mỹ - Việt, nhà nghiên cứu người Mỹ đang giảng dạy tại Hong Kong nói:
"Tôi nghĩ rằng nhân quyền ở Việt Nam rất quan trọng đối với quan hệ giữa Mỹ và Việt Nam, chưa rõ làm sao gần đây có những người bloggers bị bắt, nhưng tôi hy vọng những người ở Việt Nam, đặc biệt những lãnh đạo muốn thực sự có một quan hệ với Mỹ,
"Thì dù Mỹ, cũng có những vấn đề về nhân quyền, chẳng hạn hành động của CIA..., nhưng nhiều người ở Mỹ muốn... đặc biệt giới lãnh đạo ở Việt Nam, có thể có một sự dũng cảm, để có bước đi quyết định, cho phép tình trạng nhân quyền ở Việt Nam có tiến bộ,
"Và nếu thế, tôi nghĩ là quan hệ giữa hai nước Mỹ - Việt sẽ tiến bộ rất nhanh, thì đó sẽ mang lợi cho cả hai nước," Tiến sỹ Jonathan London nói với BBC.


No comments:

Post a Comment

Nhân quyền và bạo quyền

VTV-[Trang Lê Mới Nhất] chửi từ nhà ra phố, Trọng Lú sợ vỡ mật

https://www.youtube.com/results?search_query=Trang+L%C3%AA+%28B%C3%A0+Ngo%E1%BA%A1i%29

Featured Post

Lisa Pham Vấn Đáp official-16/1/2025

Popular Posts

My Blog List