Phải phạt cái tội làm hư dân
Vương Trí Nhàn
Trong Đại Đường Tây vực ký, nhà sư Đường Huyền Trang ghi lại ấn tượng sau khi đi qua 138 nước nằm giữa Trung Hoa và Ấn Độ (có thời gộp chung là Tây vực). Đoạn tổng thuật về địa khu Tốt Lợi kể: “Người Tốt Lợi phong tục kiêu ngoa, chuyên môn lừa đảo, tham lam hám lợi, giữa cha con với nhau cũng tính toán hơn thua chẳng cần người tốt kẻ xấu, cứ nhiều tiền là được quý trọng… Cư dân một nửa làm ruộng, một nửa chuyên đi trục lợi”.
Tôi ghi lại đoạn này bởi lẽ nó góp phần gạt đi trong đầu một phân vân khi nhận thức. Từ nhỏ bọn tôi đã được học rằng chỉ có các cá nhân (nói đúng và thật là: tư bản) xấu, chứ nhân dân lao động nơi đâu cũng tốt.
Hóa ra không phải vậy! Tùy hoàn cảnh mà con người biến đổi. Và là biến đổi trên diện rộng. Tục ngữ ta xưa cũng có câu “bạc như dân, bất nhân như lính”. Đọc lại lịch sử thấy nhận xét chua chát đó không hoàn toàn sai.
Thế còn bây giờ? Một lần, chập choạng tối, tôi đang đi trên đoạn đường gần ngã tư Hàng Chiếu – Đồng Xuân, Hà Nội thì gặp mưa, đành tính chuyện lánh tạm vào một mái hiên. Bất ngờ nghe người ở trong nhà nói hắt ra:
– Biến đi cho người ta còn bán hàng.
Trời ơi! Con người đô thị bây giờ càn rỡ và bất nhân ngoài sức tưởng tượng!
Ở các tỉnh xa, các vùng kinh tế, thì sự hư hỏng lại mang sắc thái khác. Có lần trên một tờ báo, đọc thấy tin ở huyện Tam Nông, Đồng Tháp nhiều người lấn chiếm đất công, rừng công, bất tuân pháp luật. Lần khác xem ti vi, lại thấy dân một xã của Quảng Trạch, Quảng Bình đua nhau chặt rừng phòng hộ ven biển bán cho tư thương, huyện xã đã tìm đủ cách ngăn chặn nhưng không nổi. Đủ chuyện đã xảy ra, dân ăn cướp, dân ăn cắp, dân ăn vạ, dân xà xẻo của công và tiếp tay cho kẻ xấu, dân làm hại lẫn nhau… thiên hình vạn trạng không xếp loại được.
Không phải chỉ trong sách vở nhà trường mới có lối khái quát vậy, mà sự thực là suốt thời chiến tranh, nhân dân lao động đã là những con người thuần hậu, chịu thương chịu khó, hướng về điều thiện và muốn sống theo pháp luật. Chắc chắn sự thay đổi diễn ra hôm nay “không thuộc về bản chất”. Vấn đề còn lại là cắt nghĩa tại sao lại xảy ra cái chuyện chẳng ai muốn đó?
Trở lại việc dân ở huyện Tam Nông, Đồng Tháp nói trên. Đọc kỹ các bài viết liên quan thì thấy trước khi dân hư có chuyện ông phó chủ tịch huyện phá rừng. Người dân chung quanh thấy ông cán bộ to hành xử như trên (chặt tràm đào ao làm thành lãnh địa riêng), bảo nhau ùa vào làm bậy.
Đây cũng là diễn biến thấy ở nhiều nơi khác. Trong phần lớn trường hợp, tình trạng dân hư liên quan tới hiện tượng nhức nhối là chuyện cán bộ kiếm chác vô nguyên tắc, tư lợi vô cảm, gộp chung là thoái hóa biến chất. Đáng lẽ phải gương mẫu tuân thủ pháp luật thì họ lại tự đặt mình cao hơn luật, phá luật để trục lợi.
Trước mặt người dân lúc ấy, lý tưởng như bị xúc phạm. Người ta không thể thờ ơ và dễ bảo mãi. Về mặt triết học có thể bảo con người bắt đầu rơi vào hư vô. Chúa đã chết rồi! Ai muốn làm gì thì làm! Bởi cảm thấy trên đời này không còn cái gì là thiêng liêng, họ rơi vào liều lĩnh phá phách một cách hung hãn. Những cái xấu sẵn có mà bấy lâu họ kìm nén, được lúc vùng lên quẫy lộn. Tự cho phép mình hư! Nhìn nhau để yên tâm mà hư! Khuyến khích nhau hư thêm, càng đông người hư càng thích! Sự bùng nổ lúc này là theo lối dây chuyền, không gì có thể giữ con người lại nữa.
Ta chưa có thói quen đánh giá bộ máy quan chức nên tưởng là khó. Sự thực khá đơn giản. Muốn biết giới quan chức một địa phương ra sao, cứ xem dân ở đấy thì biết. Dân ngoan làm ăn tử tế tức là bộ máy làm việc tạm gọi là chấp nhận được, người ta còn tin. Còn dân hư, nhất định là những người quản lý họ có vấn đề, không tham nhũng thì cũng kém cỏi trong quản lý. Chỉ cần chịu tìm sẽ thấy ai có lỗi.
Tòa án thường chỉ xét những tội cụ thể. Nhưng tôi tưởng tất cả các quan chức một khi hư hỏng, ngoài hành vi phạm pháp, còn phải xét thêm một tội nữa: Tội ngấm ngầm thúc đẩy dân làm bậy. Tội làm hư dân.
Quý I năm nay, NXB Tri thức đã cho in một cuốn sách thuộc loại kinh điển. Đó là cuốn Chính thể đại diện của John Stuard Mill (nguyên bản được viết từ năm 1861). Ở trang 82, tôi đọc được một câu đại ý như sau “Người ta phán xét một chính thể thông qua tác động của nó lên con người. Cụ thể là có thể và nên xét xem nó tạo nên những công dân như thế nào, nó làm cho dân tốt lên hay xấu đi”. Đúng là có liên quan tới vấn đề chúng ta đang bàn.
V.T.N.
Phát huy truyền thống Quân đội anh hùng bốn tôi tớ ngoại bang!
Quân đội của Đảng hay của Nhân dân?
Đặng TrungGửi tới BBC từ Tp HCM
- 22 tháng 12 2014
Nhà thơ - kịch tác gia Lưu Quang Vũ đã mất do tai nạn không lâu sau khi hoàn thành vở kịch “Lời thề thứ chín”. “Lời thề thứ chín” ở đây là một trong mười lời thề danh dự của quân nhân Quân đội nhân dân Việt Nam, có nội dung:
“Khi tiếp xúc với dân sẽ làm đúng ba điều răn: "không lấy của dân" – "không dọa nạt dân"- "không quấy nhiễu dân" và ba điều nên: "kính trọng dân" – "giúp đỡ dân" – "bảo vệ dân", để gây lòng tin cậy đối với dân chúng, thực hiện quân dân nhất trí giết giặc cứu nước”.
Vở kịch nói về những người chiến sỹ sau khi vi phạm lời thề thứ chín (cướp đồ của người đi đường) đã trốn khỏi chiến trường. Trớ trêu là khi về quê một đồng đội, họ lại gặp cảnh quan chức cướp đất của dân và giam cầm người cha vô tội.
Không thể chịu nổi cảnh bất công này, những người chiến sỹ đã bắt giam tên quan chức địa phương để giải cứu cha của đồng đội.
Đau đớn ở chỗ, người bị những các chiến sỹ kia cướp đồ và đang cùng các sỹ quan chỉ huy đi truy lùng những kẻ bỏ trốn thì lại là quan chức địa phương đã hoàn toàn xa cách quần chúng để xảy ra những sự việc bắt bớ người dân vô tội.
Những người truy lùng hô hào những người lính bỏ trốn phải ra đầu hàng vô điều kiện và chịu hình phạt tội cướp của dân. Còn những người lính lại ra điều kiện phải xử tội tên quan chức đã ăn cướp và bỏ tù dân oan ức.
Đôi bên đều có người phạm tội và đôi bên đều đòi công lý. Những cái xấu cuối cùng cũng không thể lẩn tránh và phải đối đầu với nhau trong những việc sai trái liên quan đến nhau.
Lời thề thứ nhất
Lời thề quan trọng nhất, đứng đầu trong Mười lời thề danh dự của quân nhân Quân đội nhân dân Việt Nam là đề tài được nhiều người nhắc đến gần đây. Nội dung nguyên bản của nó năm 1944 là: “Hy sinh tất cả vì tổ quốc Việt Nam, chiến đấu đến giọt máu cuối cùng để tiêu diệt bọn phát xít Nhật-Pháp và bọn Việt gian phản quốc, làm cho nước Việt Nam trở nên một nước độc lập và dân chủ ngang hàng với các nước dân chủ trên thế giới”.
Nhưng sau này đã được sửa thành: “Hy sinh tất cả vì tổ quốc Việt Nam; dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, phấn đấu thực hiện một nước Việt Nam hòa bình, độc lập và xã hội chủ nghĩa, góp phần tích cực vào cuộc đấu tranh của nhân dân thế giới vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và chủ nghĩa xã hội”.
Đây là cơ sở để các phương tiện truyền thông đại chúng khi nhắc đến Quân đội Nhân dân Việt Nam, thay vì “Trung với nước, hiếu với dân” thì lại nói “Trung với Đảng, hiếu với dân”.
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng mới đây cũng khẳng định lại: “Chỉ có Đảng Cộng sản Việt Nam là tổ chức duy nhất lãnh đạo Quân đội nhân dân Việt Nam. Sự lãnh đạo quân đội không thể phân chia cho bất kỳ một cá nhân nào, một lực lượng chính trị nào khác.
“Phi chính trị hoá quân đội là thủ đoạn cực kỳ nham hiểm của thế lực thù địch nhằm chống phá cách mạng nước ta, tách rời quân đội ra khỏi sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, làm cho quân đội không còn là công cụ bạo lực sắc bén, lực lượng chính trị tin cậy của Đảng và Nhà nước”
Hình như không có ai nói cho Tổng bí thư Trọng rằng: Người dân là những người lập nên đảng phái, đảng phái chỉ thể hiện ý chí nguyện vọng của nhân dân mà thôi. Nếu ý chí người dân đổi khác, họ có thể giải tán đảng hoặc lập ra một đàng mới tiến bộ hơn.
Cái ý muốn Quân đội chỉ để phục vụ một đảng phái thật nguy hiểm. Nếu một lúc nào đó nhân dân không muốn theo đảng nữa thì quân đội sẽ cầm súng bắn vào người dân chăng?
Quân đội sẽ biến mất theo Đảng Cộng sản ư? Không! Quân đội là để bảo vệ đất nước và bảo vệ nhân dân chứ không phải bảo vệ Đảng. Đến lúc đó, ý nghĩa nguyên bản của Quân đội mới thấy rõ.
Hãy thử hình dung, nếu một lúc nào đó Quân đội nhân dân được Đảng điều đi để dập tắt một cuộc biểu tình của nhân dân. Trong cuộc biểu tình do không chịu nổi sự áp bức của giai cấp thống trị đó, có cả những người cha người mẹ, người anh người chị của những người lính trong hàng ngũ Quân đội nhân dân. Điều này có thể xảy ra lắm chứ, vì những sai trái diễn ra khắp mọi nơi.
Những người quân nhân đó sẽ làm gì, nghe theo Đảng và cầm súng bắn vào người thân của mình ư? Hay giống như trong vở kịch “Lời thề thứ chín”, người lính sẽ thực thi công lý cho người dân, cầm súng bỏ tù những người đã hành hạ người thân của họ?
Nếu làm theo cách thứ hai thì vẫn còn may cho Đảng, vì Đảng còn có cơ hội ăn năn. Còn nếu quân đội vẫn còn là “công cụ bạo lực sắc bén” tiêu diệt tất cả những ai chống lại Đảng, và nếu cả mấy chục triệu người dân Việt Nam đều đứng dậy và ngã xuống trước đầu súng của Quân đội nhân dân, đến lúc ấy sẽ chỉ còn Đảng và Quân đội sống với nhau trên dải đất hình chữ S này mà thôi.
Bài viết thể hiện văn phong và quan điểm của tác giả.
__._,_.___
Posted by: Dien bien hoa binh
__._,_.___
Posted by: Dien bien hoa binh
No comments:
Post a Comment
Nhân quyền và bạo quyền