ĐƠN XIN TẠI
NGOẠI
Kính gửi: Cơ quan An
ninh điều tra, Công an thành phố Hồ Chí Minh
Tôi là Hồ Thị Hồng, vợ
của nhà văn Nguyễn Quang Lập: người – bị cơ quan An ninh điều tra, Công an TP
HCM, đưa ra khỏi nhà và bị giam giữ từ lúc 14:00 ngày 6-12-2014.
Chồng tôi, như cơ quan
điều tra chứng kiến, là một người tàn tật, bị liệt nửa người lại còn chịu nhiều
di chứng và bệnh tật khác, sống trong điều kiện bình thường đã hết sức khó
khăn, huống chi chịu cảnh tù đày, giam giữ. Vì vậy, tôi viết đơn
này, xin cho chồng tôi – nhà văn Nguyễn Quang Lập – được tại ngoại trong thời
gian điều tra.
Thưa cơ quan An ninh
điều tra:
Tháng 5-2001, chồng
tôi – nhà văn Nguyễn Quang Lập – trong một tai nạn giao thông, bị chấn thương
sọ não, liệt nửa người bên trái, hôn mê sâu trong ba tháng, sau đó nằm bất
động. Sau nhiều năm tập luyện, anh Lập mới có thể tự đứng và đi lại
được, trong điều kiện vẫn phải chống gậy, chập chững một chân với chân còn lại
và nửa người bên trái bị liệt hoàn toàn.
Nhiều năm đi lại trong
tình trạng như vậy, khớp gối bên phải của anh bị thoái hóa; phần móng chân cái,
do áp lực của những bước đi không bình thường, móng quặp vào thịt, việc di
chuyển của anh ngày một khó khăn; và, ngay trong điều kiện bình thường cũng
phải chịu nhiều đau đớn. Chồng tôi còn bị áp-xe gan, áp huyết cao và
đục thủy tinh thể, cuộc sống hàng ngày phải sử dụng nhiều loại thuốc.
Với cơ thể tàn tật và
nhiều bệnh như vậy, mọi sinh hoạt cá nhân của anh Lập đều phụ thuộc vào gia
đình. Việc vệ sinh thân thể, tắm rửa, mặc áo quần đều phải có người làm giúp.
Anh Lập không thể ngồi xổm được nên phải dùng hố xí bệt. Chồng tôi còn bị huyết
áp cao nên hằng ngày đều phải sinh hoạt theo thời khóa biểu đặc biệt.
Khi cơ quan điều tra bắt
và tạm giữ chồng tôi thì anh đang trong tình trạng cơ thể suy nhược, da bị lở
loét. Lúc chuẩn bị hành lý cho anh, do không được phép mang nhiều, nên hơn nửa
ba lô là đựng các loại thuốc khác nhau.
Với những lý do trên,
tôi và các con làm đơn này, xin được bảo lãnh chồng tôi – nhà văn Nguyễn Quang
Lập – được tại ngoại hầu tra.
Tôi xin cam đoan, nếu
chồng tôi được tại ngoại, anh ấy sẽ thường xuyên cư trú tại căn hộ B 505-B2-
Chung cư Hoàng Anh Gia Lai – 37 Nguyễn Văn Hưởng – Phường Thảo Điền – Quận 2 –
Thành Phố Hồ Chí Minh và sẽ có mặt khi có yêu cầu của cơ quan An ninh điều tra.
Tôi xin hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về những cam đoan này.
TIN ANH LẬP.
Sáng nay chị Hồng vào
thăm nuôi anh Lập, đưa thêm những vật dụng cần thiết và thuốc bệnh, cơ quan
công an tạo thuận lợi, nhận từ tay chị Hồng đơn xin tại ngoại cho anh Lập do
bệnh tật hiểm nghèo theo quy định của pháp luật về những điều kiện có thể “thay
đổi biện pháp ngăn chặn”.
Tất nhiên không gặp được anh Lập.
Khi bị tạm giữ, anh Lập vẫn mang theo cây gậy chống- rất cảm động vì nhiều anh em bạn bè lo lắng sợ không được mang theo gậy chống thì anh Lập sẽ không đi lại được.
Anh Lập cũng đã bỏ thuốc lá.
Cây gậy của Bọ Lập
Tuấn Khanh (Blog)
Trong buổi tối ngày
6-12, khi ngồi ngẫm nghĩ về Bọ Lập, điều tôi thắc mắc là người ta có cho ông
mang theo cây gậy của mình hay không. Đơn giản vì đôi chân của ông đã rất yếu,
ngay cả khi có cây gậy kề bên, cũng ít khi nào người nhà để ông đi một mình.
Bọ Lập, tức nhà văn
Nguyễn Quang Lập, một trong những nhà văn hiếm hoi của “bên thắng cuộc” mà tôi
giữ quan hệ với tình thương mến như đối với một nhân sĩ. Ngoài việc viết xướng,
có lẽ chất giang hồ trong con người Bọ Lập còn khiến cho công việc quan sát
cuộc sống của ông trở nên tự do, đa chiều hơn, chia sẻ hơn.
Tôi nhớ đến cây gậy của
ông, với dáng đi khập khiễng và nụ cười đầy sảng khoái. Những ngày tháng cuối
cùng mà người Việt còn vượt thoát được những hàng rào công an chằng chịt để
xuống đường chống Trung Quốc đưa giàn khoan xâm lấn trên biển,
Bọ Lập hăm hở đi
từ nhà ở Thảo Điền đến trung tâm Sài Gòn rất sớm. Đoàn người sải bước quá, bỏ
quên lão già ở sau. Thậm chí bạn bè cũng không ai đợi. Cuối buổi, Bọ Lập chống
gậy khập khiễng đi về một mình, vừa cười ha hả, vừa mắng “mấy thằng không ra
gì, ỷ chân khoẻ đi nhanh, bỏ tau ở lại một mình”.
Những người biết Bọ Lập,
ai cũng nhớ rằng các rắc rối đến với ông rất sớm, từ đầu thập niên 2000, chẳng
hạn như từ kịch bản phim “Không có Eva”. Hội đồng duyệt do bà Nguyễn Thị Hồng
Ngát chủ trì đã phê không duyệt cho kịch bản này được dựng thành phim vì cho
rằng tác giả đã mô tả một khung cảnh đời quá u tối và bi quan. Chuyện kể này
nhằm để làm rõ lời bàn tán của rất nhiều người rằng Bọ Lập khôn ngoan, gần đây
chọn một phương thức phản kháng để “hợp thời”.
Khi tôi viết những dòng
này, Bọ Lập với căn bệnh tiểu đường có thể đang nằm đâu đó trong phòng tạm
giam, lạnh lẽo và không thể tiện nghi như ở nhà của ông. Tôi từng chăm sóc mẹ
mình nhiều ngày. Bà bị bệnh tiểu đường nặng và chân rất yếu. Ngay cả khi chống
gậy vẫn phải có người trông. Ở trong phòng tạm giam đó, tôi ngẫm nghĩ, giống
như mẹ tôi, rằng ai sẽ giúp cho Bọ Lập đi vệ sinh, ngay cả khi ông có cây gậy
quen thuộc của mình.
Hồi giữa năm nay, Bọ Lập
gọi tôi ra quán. Ông sợ tôi không đến vì biết rõ tính tôi không thích đám đông,
nên gọi bắt nhà thơ Đỗ Trung Quân làm cam kết phải đưa tôi ra cho bằng được.
Anh Quân gọi, mắng “thằng quỷ, mày làm gì mà để cho ông Lập ép cả tao”.
Lý do
của buổi gặp mặt đó, chỉ là cớ để ông nhắc cho tôi biết rằng có “nhiều người
quan trọng” khó chịu mấy bài phóng sự về bạo loạn ở Bình Dương của tôi. Khi đưa
bài của tôi lên blog Quê Choa, ông nhận được điện thoại giọng lạnh lùng, bảo phải
tháo xuống ngay nếu không muốn gặp rắc rối. Dặn tôi cẩn thận rồi lại giúi cho
mấy cuốn sách của ông đã ký tặng sẵn. Bọ Lập ra về – cũng dáng đi khập khiễng
và cây gậy ấy.
Trang blog Quê Choa đem
lại cho ông không ít phiền phức. Trước khi vào phòng tạm giam theo lệnh chính
thức của công an, Bọ Lập cũng đã làm quen với một sự giam hãm không tuyên bố từ
rất lâu trước đó. Các mục viết thường xuyên của ông trên báo nhà nước đột nhiên
bị cắt bỏ, thôi không cho cộng tác nữa. Các nơi làm việc bỗng lơ là và mất dần
một cách khó hiểu. Nhà văn Thuỳ Linh ở Hà Nội kể rằng các kịch bản có tên tác
giả Nguyễn Quang Lập bị từ chối liên tục. Đến mức, chị phải khuyên rằng nếu chỉ
để làm nghề, thôi thì Bọ Lập thử lấy tên khác xem. Quả nhiên, kịch bản mang tên
vô danh tiểu tốt nào đó thì lại được duyệt ào ào.
Trước và sau khi Bọ Lập
bị bắt, không khí văn nghệ Việt Nam nói chung, và Sài Gòn nói riêng, mỗi lúc
một căng thẳng. Những người bị bắt dù không lạ nhưng vẫn làm cho buổi cơm chiều
của giới trí thức bị thảng thốt, ngàn ngạt. Đã có lúc tin đồn trên mạng bảo
rằng có một danh sách đang được countdown từng ngày.
Mọi người kháo nhau và
cười rất kiêu bạc rằng Solzhenitsyn mô tả Quần đảo Gulag và nơi này không khác
nhau là mấy. “Nghe đồn cái phòng để sẵn đề tên tui, vừa thay bảng tên ông đó nghe”,
Đỗ Trung Quân cứ hay trêu Huỳnh Ngọc Chênh theo kiểu đó.
Những lúc như vậy Bọ Lập
lại cười ha hả và nâng ly bia. Trang blog của ông vẫn là một trong những nơi mà
hàng chục ngàn người tìm đến mỗi ngày, sức hút không thua gì một tờ báo tiền tỉ
của nhà nước, nhưng lại rất gần gũi vì chỉ đưa những gì con người muốn nói với
nhau, chia sẻ với nhau. Được và mất thật mong manh, nên đâu có gì quan trọng
nữa.
Một
ngày sau khi Bọ Lập bị tạm giam, có bài báo đánh với theo ông già đi không
vững. Người viết nặc danh ghi rằng Bọ Lập là một nhà văn không có phẩm hạnh khi
dám chỉ trích tổng bí thư. Tôi thì chỉ nghĩ rằng rất nhiều các nhà văn trên
toàn thế giới xã hội chủ nghĩa luôn ca ngợi các tổng bí thư, cũng không có mấy
ai trong số họ giới thiệu được chút phẩm hạnh nào của mình. Bọ Lập chắc cũng
không màng loại phẩm hạnh đó.
Bao giờ thì Bọ Lập quay
về nhỉ? Khi biết tin Bọ Lập bị bắt, tôi lại nhớ Việt Khang, Trần Vũ Anh Bình…
Lẽ nào con người hát và viết, nói điều mình nghĩ lại có thể là tội phạm? Hơn
nữa, đó lại là những con người yêu nước. Buổi chiều dừng chân trú cơn mưa ở vỉa
hè, chợt thấy nơi đó bày bán những cây gậy bằng tre. Tôi nhìn địa chỉ và ghi
lại. Biết đâu Bọ Lập khi bước ra, ông vẫn cần một cây gậy mới để đi cùng, trong
vòng vây thương mến của mọi người chào đón ông.
T.K
Nguồn:https://nhacsituankhanh.wordpress.com/
__._,_.___
No comments:
Post a Comment
Nhân quyền và bạo quyền