Thursday, December 11, 2014

Vụ Tử tù Nguyễn Văn Chưởng: Kỳ 1 2 3


Vụ Tử tù Nguyễn Văn Chưởng: Kỳ 1. Xác định tội ngay khi bắt đầu giai đoạn điều tra

NGUYỄN TƯỜNG THỤY


Đã hơn 7 năm nay, ông Nguyễn Trường Chinh và bà Nguyễn Thị Bích bỏ bễ việc làm ăn đi kêu oan cho con là tử tù Nguyễn Văn Chưởng. Ông bà đã đi khắp các cấp, các cơ quan có thẩm quyền từ địa phương đến trung ương, nhưng đến nay gần như tuyệt vọng.

Để tiện theo dõi, chúng tôi nêu vắn tắt một số thông tin chính về vụ án này như sau:

1.Nạn nhân: Thiếu tá Nguyễn Văn Sinh, công an phường Đông Hải quận Hải An Tp Hải Phòng bị giết vào khoảng hơn 21 giờ ngày 14/7/2007 khi đang đi tuần tra.

2.Các bị cáo: 

-Ba bị cáo bị truy tố về tội giết người và cướp tài sản:

Nguyễn Văn Chưởng: sinh năm 1983, trú quán phường Đông Hải, quận Hải An, Hải Phòng, quê ở xã Bình Dân, huyện Kim Thành, tỉnh Hải Dương; bị kết án tử hình.

Hai bị cáo: Đỗ Văn Hoàng, chung thân, Vũ Toàn Trung, 23 năm tù giam.

-Một bị cáo bị truy tố về tội che giấu tội phạm: Nguyễn Trọng Đoàn (em trai Chưởng), 2 năm tù giam;

-Một bị cáo tội không tố giác tội phạm: Nguyễn Thị Lan Phương, 12 tháng, án treo.

3.Có 5 đoàn luật sư tham gia bào chữa:

-Văn phòng luật sư Đức Quang, Hà Nội,

-Văn phòng luật sư Hà Đăng, Hà Nội,

-Văn phòng luật sư Việt Thành, Hà Nội,

-Văn phòng Luật sư Chu Văn Chiến, Hải Dương,

- Văn phòng luật sư Tân Long, Quảng Ninh,

4. Phiên tòa đã qua 3 cấp xử: sơ thẩm, phúc thẩm, giám đốc thẩm.

5. Nhiều tờ báo đã đăng bài về vụ án như Tiền Phong, Gia đình Pháp luật, Cựu chiến binh Việt Nam, Đời sống & Pháp luật… Báo Gia đình Xã hội đã đăng 7 kỳ về vụ kỳ án này. Ngoài ra còn rất nhiều báo điện tử như VTC New, Báomới.com, Việt Báo, Dân Việt, Xã hội, phunutoday…

Ông Nguyễn Trường Chinh và bà Nguyễn Thị Bích, bố mẹ của tử tù Nguyễn Văn Chưởng

Lên tiếng bảo vệ cho một tử tù là điều hết sức hệ trọng, đòi hỏi phải có lương tâm và trách nhiệm với thái độ khách quan. Vì nếu bênh vực sai tức là đồng lõa với tội phạm, bênh vực đúng, được cơ quan tư pháp lắng nghe để sửa án, minh oan là đã góp phần cứu một sinh mạng. Sinh mạng là cái quí nhất đối với mỗi người và với cộng đồng.

Tuy nhiên, qua tìm hiểu hồ sơ vụ án, chúng tôi thấy vụ án chưa được giải quyết thuyết phục. Nhiều tình tiết chưa được làm sáng tỏ, tử tù có nhiều nhân chứng xác nhận ngoại phạm và việc tra tấn bức cung dẫn đến những lời khai không thống nhất. Từ đó, mất đi tính khách quan của vụ án.

Vụ án hoàn toàn không xác định được vật chứng để xác định tội phạm mà chỉ căn cứ vào lời khai của một bị cáo và một nhân chứng rồi kết tội. Điểm mấu chốt trong vụ án này là, nếu xác định được trong thời điểm xảy ra án mạng, Nguyễn Văn Chưởng có mặt tại huyện Kim Thành (Hải Dương) thì Chưởng vô tội. Còn nếu không, vẫn phải xác định bằng các chứng cứ khác một cách công tâm, khách quan.

Vụ án này rất phức tạp. Chúng tôi không có tham vọng đề cập đến tất cả các khía cạnh mà chỉ đề cập mấy vấn đề nổi cộm nhất của vụ án. 

Trước hết nói về bằng chứng ngoại phạm của Nguyễn Văn Chưởng: 

Nhiều người dân ở xã Bình Dân xác nhận tối hôm có án mạng, Nguyễn Văn Chưởng về quê cùng với một người bạn (Trịnh Xuân Trường) cùng nơi cư trú ở Hải Phòng. Thế nhưng nhiều nhân chứng đã bị khủng bố để rút lời khai và nhiều nhân chứng không được triệu tập đến tòa.

-Bà Nguyễn Thị Bích, mẹ Chưởng: Đơn kiến nghị bà viết ngày 5/8/2014 có xác nhận của UBND xã Bình Dân viết tối hôm xảy ra án mạng ở HP thì Chưởng có rủ thêm một người bạn là Trịnh Xuân Trường về nhà vào lúc 20 giờ 15 phút. Ngày 5/10/2008, trong đơn gửi Tòa án tói cáo bà vẫn khẳng định như thế.

Thế nhưng bản án sơ thẩm ngày 12/6/2008 ghi: “Nguyễn Thị Bích khai tại Cơ quan điều tra khẳng định ngày 14/7/2007 bị cáo Nguyễn Văn Chưởng không có mặt ở Kim Thành, Hải Dương”. Khi hỏi lại, bà cho chúng tôi biết không hiểu sao họ lại viết sai cho bà, như vậy là trắng trợn vu khống, nói sai sự thật cho tôi. Ông Chinh cho biết thêm, khi đến cơ quan điều tra, bà Bích bị chửi mắng, sỉ nhục rất thậm tệ.

-Theo bản án sơ thẩm, Nguyễn Thị Bảy (vợ Chưởng) khai: tối ngày 14/7/2007, Chưởng đi đâu về đến hơn 1 giờ sáng. Khi về, chị thấy quần áo Chưởng bị ướt, cùng đi với Chưởng có Trung và Phương. Trung, Phương đến ngủ tại quán nhà chị, đến 8 giờ sáng ngày 15/7/2007, Chưởng và Trường về quê ở Kim Thành, Hải Dương.

Về việc này, ông Nguyễn Trường Chinh nói: Cháu nói với tôi ban đầu cháu khai tối 14/7/2007, lúc 18 giờ Chưởng về quê. Nhưng công an bảo mày phải ghi theo thế này, nếu không tao đánh lòi con mày ra, tao nhốt mày ở đây cả đôi luôn (lúc đó, Chị Bảy đang mang thai cháu Nguyễn Thị Thanh Hải được 5 tháng, nay cháu đã 8 tuổi). Con có chửa mà ở tù thì con sợ lắm nên con phải viết theo công an để được thả ra.

Đến khi ra tòa, Nguyễn Thị Bảy đã bác bỏ lời khai trên.

Cháu Nguyễn Thị Thanh Hải khi bố bị bắt còn đang nằm trong bụng mẹ, lớn lên đi đi kêu oan cho bố

-Nhân chứng Trịnh Xuân Trường là người cùng về xã Bình Dân với Chưởng xác nhận lúc 18h30, Trường về cùng Chưởng, về đến nơi vào khoảng 8h15 tối. Bố của Trường là ông Trịnh Xuân Rinh xác nhận Chưởng có vào nhà ông xin phép cho Trường về quê chơi, lúc đi là gần tối.

-Vũ Văn Cương là bạn học của Đoàn, sau khi đi dự phiên tòa nói: “Tôi thấy lời khai của Trường, Đoàn, Bảy là không đúng sự thật vì khoảng 6 giờ sáng ngày 15/7, tôi đến nhà Đoàn báo Đoàn chiều đi đám ma thì đã thấy anh Chưởng đang ngồi nói chuyện với anh Đoàn tại nhà, còn Trường thì đang ngủ trên giường nhà anh Chưởng tại xã Bình Dân”.

-Sau khi anh Nguyễn Quang Tuất làm giấy xác nhận sự có mặt của Chưởng ở xã Bình Dân vào tối 14/7/2007 thì bị ép viết lại vì anh sợ bị bắt tù. Để đe khủng bố tình thần anh Tuất, công an đã xích tay anh vào ghế, dọa bắt giam, làm việc căng thẳng suốt một ngày. Ông Chinh kể: Họ dắt Đoàn ra với bộ dạng mặt mũi sưng vù, đe anh Tuất: Mày nhìn thằng Đoàn mà khai cho chính xác”. Cuối cùng, đến 6 giờ chiều anh Tuất phải viết “không nhớ rõ thời gian gặp Chưởng”. Ông Chinh cho biết hai ngày sau, anh Tuất có gọi điện cho ông xin lỗi, nói cháu rất ân hận vì mình muốn làm đúng mà bị người ta bóp méo, cháu rất sợ, xin bác tha lỗi cho cháu…

Sau đó vì day dứt lương tâm nên anh khai lại như lúc đầu ở nhiều bút lục khác. Anh còn chủ động đến báo Tiền Phong gặp các phóng viên trình bày về sự có mặt của Nguyễn Văn Chưởng tại xã Bình Dân tối hôm xảy ra vụ án một cách rất tỉ mỉ. Các phóng viên còn cảnh báo: Nếu trình bày sai sự thật, anh phải chịu trách nhiệm hình sự thì anh quả quyết: “Em khẳng định những điều em trình bày là đúng sự thật” và viết giấy cam đoan để lại.

Anh Tuất kể: “Nịnh không được, họ còng tay tôi vào ghế, tay kia bắt viết tường trình. Thấy tôi chưa viết theo đúng ý, 3 người lấy cung đấm liên tục vào đầu tôi. Họ chửi bới, dọa bắt cả nhà tôi bắt bỏ tù nếu không viết theo ý họ” (Theo Đời sống & Pháp luật)

Những người làm chứng cho sự có mặt của Chưởng ở quê vào tối hôm 14/7/2007 còn có Phạm Văn Khương, Bùi Xuân Chung, vợ chồng chị Lục Thị Nhiễu, Vũ Thị Mến. Vì chị Nhiễu và chị Mến cũng bị đe dọa nhưng không gan bằng anh Tuất nên đã nhận “không nhớ rõ thời gian gặp Chưởng” nên được về sớm. 

Những người gặp Chưởng tối hôm 14/7/2007 kể khá tỉ mỉ các tình tiết như “hôm đó là 1/6, tôi có đưa cho vợ tôi 10 nghìn đồng tiền cũ bảo mua cái gì đó để thắp hương”; “khoảng 20 giờ 30, cháu Đoàn có vào quán tôi để xem tin nhắn trên mạng, sau đó một lúc thì cháu Chưởng đến tìm em” (Lời ông Phạm Văn Khương); “khoảng 20h30’ ngày 1/6/2007 âm lịch, tôi có gặp anh Nguyễn Văn Chưởng tại sân mẫu giáo thôn 2, trong lúc tôi đang cho các cháu thiếu niên tập…” (lời nhân chứng Bùi Xuân Chung)

Ông Chưởng nói với chúng tôi: Việc cháu Chưởng về tối hôm ấy cả làng rất nhiều người biết chứ không chỉ bấy nhiêu. Ông có đề nghị Tòa triệu tập Trịnh Xuân Trường, Bùi Quang Tuất, Bùi Xuân Trung, Nguyễn Văn Khương và Bùi Văn Cương nhưng không được chấp nhận (trong bản án không thấy ghi có nhân chứng nào).

Như vậy, về những người làm chứng, ban đầu họ xác nhận là có gặp Chưởng về quê tối hôm xảy ra vụ án. Sau đó, do bị đe dọa mà họ phải thay đổi lời khai. Có người ân hận mà sau lại khai lại như ban đầu. Mặc dù thế, Tòa vẫn căn cứ vào những lời khai lại theo hướng buộc tội để bác bỏ những lời khai trở lại như lúc đầu.

Nếu cơ quan điều tra có thái độ khách quan, trên tinh thần tìm ra đâu là sự thật thì điều tra viên đã không khủng bố tinh thần những người làm chứng, bắt người làm chứng khai theo ý mình. Nếu vì nể gia đình mà họ xác nhận thì cơ quan điều tra không thiếu gì nghiệp vụ để bác bỏ. Chẳng hạn tách họ ra, hỏi riêng từng người, hỏi lắt léo, qua đó sẽ tìm ra mâu thuẫn nếu họ làm chứng sai để đấu tranh với họ một cách thuyết phục. “Đường đi hay tối, nói dối hay cùng”, việc tìm ra mâu thuẫn giữa các lời khai gian dối là một việc làm không khó đối với nghiệp vụ của công an điều tra. Hà cớ gì mà phải tìm mọi cách để bắt nhân chứng khai theo ý mình. Quá đó, có thể thấy, cơ quan điều tra đã áp đặt tội cho Nguyễn Văn Chưởng ngay từ khi bắt đầu giai đoạn điều tra.


3/12/2014

NTT
(Còn tiếp)

=========

Ps: Bài viết sử dụng tài liệu vụ án, báo chí và thông tin do gia đình tử tù cung cấp.

Vụ Tử tù Nguyễn Văn Chưởng: Kỳ 2.

Nguyễn Tưởng Thụy, viết từ Hà Nội
2014-12-09
Email
Ý kiến của Bạn
Chia sẻ
In trang này
Tử tù Nguyễn Văn Chưởng nói chuyện với phóng viên Người đưa tin
Tử tù Nguyễn Văn Chưởng nói chuyện với phóng viên Người đưa tin
Ảnh do gia đình tử tù cung cấp
Cơ quan điều tra lập hồ sơ bằng cách tra tấn, nhục hình
Tử tù Nguyễn Văn Chưởng nói chuyện với phóng viên Người đưa tin

Việc dụ cung, mớm cung, ép cung thậm chí tra tấn để lập hồ sơ theo ý muốn của cơ quan điều tra không còn gì lạ. Ngược lại, phạm nhân không bị đánh, được đối xử tử tế mới là điều khó hiểu. Trường hợp Nguyễn Văn Chưởng và các bị cáo trong vụ án này cũng chỉ là một trong rất nhiều nạn nhân của sự bạo hành. Tuy nhiên chúng tôi viết ra để bạn đọc suy ngẫm vì sao lại có chuyện các bản cung trước sau mâu thuẫn, và để bạn đọc nào có nghe, có thấy thì cũng không có gì lạ, nếu chưa từng nghe nói đến.

Như đã nói ở kỳ trước, đến nhân chứng là anh Trần Quang Tuất cũng còn bị đe dọa, bị đánh, bị hành cho suốt một ngày không chịu được phải khai theo ý công an thì những bị cáo còn bị tra tấn, nhục hình như thế nào. Nguyễn Trọng Đoàn (em Chưởng) là người bị kết án 2 năm vì tội che giấu tội phạm bị bắt khi đưa đơn của mẹ (bà Bích) kêu cho Chưởng. 

Ngày 10/8/2014, vào lúc 8 giờ sáng, Nguyễn Trọng Đoàn đến Phòng CSĐT CA HP thì bị bắt ngay.

Ông Chinh kể họ tra tấn con tôi và những người khác rất tàn bạo. Đêm công an thay nhau đánh liên tục, ngày thì bỏ đói khát. Nguyễn Trọng Đoàn cũng khai trước tòa bị công an trói lại rồi tập trung đánh rất mạnh vào đầu vào ngực, bắt nhận: “Anh mày về sáng 15/7 chứ không phải về tối 14/7. Nếu không nhận chúng tao đánh chết, mai mẹ mày xuống chúng tao bắt nốt. Nếu mày nhận viết ra giấy anh mày về sáng 15/7 thì mẹ mày không bị bắt và mày cũng được thả cho về”. Vì không chịu được đòn và hiểu biết kém nên Đoàn buộc phải khai theo ý của công an.

Trả lời đài RFA, Nguyễn Trọng Đoàn cho biết, điều tra viên tên Vũ nói: “Mày nhìn xem xung quanh là bao nhiêu giấy khen, bằng khen các thứ của chúng tao đây. Thế mà bọn dân đen lại chống được cả cơ quan pháp luật của thành phố này à? Thì cứ người ra rồi lại người vào, cứ hỏi em rồi lại lấy tay đánh và đấm vào đầu em. Nói chung họ đánh rất nhiều, vừa đánh vừa đe nẹt, xích tay em ra phía sau, bóp tay em, lấy cả gậy đánh em. Xong rồi, còn chỉ em nói rằng là “vết máu dính trên cửa là máu của anh mày. Thằng anh mày nó to như thế mà còn không chịu được, liệu mày có chịu được không?”.

Đoàn nhận xét: “Em không ngờ được rằng một cơ quan pháp luật của Nhà nước VN này lại đánh người dã man còn hơn xã hội đen ở ngoài xã hội”…

Đỗ Văn Hoàng bị án tù chung thân. Ra tòa, Hoàng kêu là bị tra tấn đau quá nên phải nhận bừa. Trong đơn gửi Hội Cựu chiến binh Việt Nam, ông Nguyễn Trường Chinh (bố Chưởng) viết: Trước tòa phúc thẩm, ngày 21/11/2008, Đỗ Văn Hoàng đã tố cáo công an dùng bút bi kẹp vào khe các ngón tay của hai bàn tay, hai công an bóp thật mạnh, cùng lúc đó, bộ phận sinh dục cũng bị đốt nóng, không chịu được thì nhận bừa chứ Hoàng không giết người cướp của. 7 tháng trước ngày xảy ra vụ án, Hoàng không gặp Chưởng lần nào”.

Trong các bị cáo, Nguyễn Văn Chưởng bị đánh đau nhất. Trước tòa, Chưởng kêu bị tra tấn rất dã man. Ông Chinh kể Chưởng bị trói quặt hai tay ra sau lưng rồi treo ngược lên. Ba công an cùng lúc đánh mạnh vào đầu, đầu gối, mắt cá chân và những chỗ khác, dọa “nếu không nhận thì bắt nốt mẹ mày”. Họ treo Chưởng lên, năm bảy ngày ngày không cho uống nước. 

Đến khi họ mang cốc nước, dứ dứ trước mặt để Chưởng thèm khát nhưng lại rót ra ngoài, chỉ còn giọt cuối cùng mới cho vào miệng Chưởng, khi ấy Chưởng thấy sung sướng quá. Xem cách dùng nhục hình này mới hiểu được cái nghĩa đen của chữ thèm khát như thế nào. Do không chịu nổi tra tấn, ngược đãi nên Chưởng buộc phải nhận tội để sống đã. Luật sư cho biết, trong nhiều bản lấy cung Chưởng, có ký hiệu EC (ép cung).
Thơ kêu oan của Chưởng thêu bằng tăm lên áo
Thơ kêu oan của Chưởng thêu bằng tăm lên áo
Trong thư viết từ trại giam gửi ra cho gia đình ngày 7/4/2009, Chưởng kể như sau: Khi bị bắt về H88 (biệt đội hình sự) Công an Hải Phòng, họ hỏi có quen biết người này, người nọ không. Chưởng xác nhận có biết. Chỉ đợi thế, họ đánh Chưởng tới tấp, không để cho nói câu nào. Họ dùng còng số 8 treo cánh vắt tay (gọi là treo cánh tiên), chỉ có 2 đầu ngón chân chạm đất. 

Xong họ cho ngồi ghế, lấy xích xiết quấn chặt người vào ghế rồi xỏ cùm que nóng vào chân Chưởng, đấm, tát, lấy đầu gậy tre chọc thẳng vào ngực. Khi Chưởng trả lời không đúng ý họ thì chân họ đạp, giận xuống xiềng nên xiềng xiết rất mạnh vào mắt cá chân. Chưởng kêu gào thảm thiết, ngất lên ngất xuống “không biết bao nhiêu lần”.

Họ khảo cung với những lý lẽ hết sức kỳ quặc, đúng kiểu giang hồ:
Chưởng: Sao các chú đánh cháu, cháu có làm gì đâu?
Điều tra viên (ĐTV): Không làm gì thì tao mới đánh chứ làm gì thì đã không bị đánh (!?)

ĐTV: Thế mày chịu nhận chưa hay phải đánh nữa?
Chưởng: Cháu không giết người sao nhận tội được.
ĐTV: Thế mày biết thằng nào giết người?
Chưởng: Cháu có giết người đâu mà biết.
ĐTV: Thế thì mày là thằng giết người (!?)
Chưởng kể tiếp, khi Chưởng đau quá la hét thì bị lấy tất nhét vào mồm rồi lại bị “treo cánh tiên”. Họ bật điều hòa thật lạnh, “dùng nhục hình bỉ ổi vào bộ phận sinh dục” (nguyên chữ Chưởng viết). Máu mồm Chưởng hộc ra, đái cả ra sàn.
Trước khi nghỉ tay, họ bảo: “Mày rắn lắm nhưng không chịu được lâu đâu. Hôm nay kiểu này mai còn nhiều kiểu khác, mày không nghe lời tao thì còn nhiều cách bắt mày phải nhận tội”.
Đêm Chưởng ngủ trong phòng tra tấn bật máy lạnh, trong khi chỉ có một cái áo mỏng, còn cởi truồng. Khát nước, xin thì họ cho một chén con, xin nữa thì bị nhổ vào mặt. Lúc ấy là 5 giờ sáng. Đến 7 giờ Chưởng bị đánh tiếp đến hơn 11 giờ trưa.
Đấy là chuyện Chưởng bị tra tấn mới chỉ trong ngày đầu đến trưa hôm sau.
Khi chuyển đến trại Trần Phú, Chưởng bị thương tích quá nặng. Chưởng bảo con như người sắp chết, không tự nằm hoặc đang nằm mà ngồi dậy, đang ngồi mà muốn dậy thì phải dựa vào tường, tay không cầm nổi thìa hay bút viết. Trại giam sợ Chưởng chết nên phải làm biên bản xác định thương tích. Sau quản giáo bảo Chưởng cố viết ra xem bị ai đánh, đánh bằng dụng cụ gì?
Trong tù, Chưởng dùng tăm thêu thơ kêu oan lên áo rồi gửi ra cho bố. Ông Chinh đọc như sau:
"Án oan ôm hận nhờ Chính phủ
Giải oan hận này cho dân đen
Tấm lòng trong sạch thiên địa biết
Trả lại công bằng cho dân thường
Sao để quan sai hành hạ dân
Luật pháp Việt Nam là rất đúng
Đừng để oan sai giáng hạ cho dân lành".
Thơ kêu oan của Chưởng thêu bằng tăm lên áo

Trước tòa, bị cáo kêu bị tra tấn nhục hình thì được HĐXX bác bỏ như sau: trong biên bản đối chất “không có chỗ nào thể hiện các bị cáo bị tra tấn nhục hình, bị ép cung, mớm cung”. Thử hỏi, khi ấy, nếu các bị cáo kêu thì liệu có được ghi vào biên bản không, các bị cáo có quyền ghi biên bản không? Không bị tra tấn thì tại sao, Chưởng về trại Trần Phú với thân hình tiều tụy như vậy? Hay là chuyện giám định thương tích ở trại Trần Phú và và tra tấn những người khác là gia đình Chưởng và luật sư bịa ra?

Về việc này, luật sư Phạm Hoàng Việt cho biết, các bản cung không có luật sư. Riêng biên bản đối chất, luật sư tham gia nhưng công an không giới thiệu đó là luật sư, phạm nhân không biết, tưởng cán bộ điều tra nên sợ không dám kêu oan.

Ngoài tra tấn, cơ quan điều tra còn dùng thủ đoạn ly gián, gây nghi kỵ lẫn nhau để kích động bị cáo khác đổ bừa tội cho nhau như bảo Hoàng: Thằng Trung, thằng Chưởng nó khai hết rồi, nó bảo mày chém làm Hoàng tức lên lại đổ cho Chưởng và Trung chém.

Vì bị đánh đau quá mà phải khai bừa dẫn đến nhiều vụ án oan sai. Những vụ án oan được báo chí nêu ra chỉ chiếm một tỉ lệ rất nhỏ. Án tù vẫn còn có cơ hội sống, mặc dù một ngày tù bằng nghìn thu ở ngoài. Nhưng còn án tử hình lại là chuyện bị tước đoạt mạng sống một cách oan ức và kẻ tước đoạt không được coi là kẻ giết người và nghiêm nhiên là vô tội nếu án oan không được tìm ra.
Ông Nguyễn Trường Chinh kể về việc cơ quan điều tra tra tấn các bị cáo
6/12/2014
NTT


Thứ Hai, ngày 08 tháng 12 năm 2014

Vụ Tử tù Nguyễn Văn Chưởng: Kỳ cuối -. Còn nhiều vấn đề chưa được làm sáng tỏ

NGUYỄN TƯỜNG THỤY

Những nghi vấn đặt ra đối với các cơ quan tư pháp:

Xin trở lại đôi dòng chuyện các nhân chứng xác nhận bằng chứng ngoại phạm cho Nguyễn Văn Chưởng. Chúng tôi để ý thấy lời xác nhận của mấy nhân chứng khá thuyết phục. Đơn của ông Bùi Văn Chung trình bày cụ thể, trong đó có đoạn “tôi đang cho các cháu thiếu niên tập bài thể dục với gậy thì cháu My (người phụ trách) bị anh Chưởng đuổi, cháu nấp sau lưng tôi để cầu cứu. Khi Chưởng tới nơi tôi có mắng “Để yên cho nó dạy” rồi Chưởng có xin thuốc lá của tôi…”. Cháu My cũng xác nhận điều này.

Đặc biệt là việc xác minh bảng chấm công của anh Khoa, người nhận công trình và trực tiếp thuê anh Tuất và Sơn lăn sơn ngôi nhà ở đường Văn Cao (Tp Hải Phòng) thể hiện ngày 14/7 hai anh cùng có tên trong bảng, đó cũng là ngày duy nhất trong tháng ấy, Tuất và Sơn làm việc tại Hải Phòng. Vì thế không thể có chuyện Tuất nhớ nhầm sang ngày khác. Phóng viên báo Tiền Phong cho biết trước đó, Công an Hải Phòng cũng đã đến gặp anh Khoa xác minh bảng chấm công này, nên có thể coi đây là chứng cứ khách quan. Tuy nhiên, lời những nhân chứng này cũng như nhiều nhân chứng khác đã bị bỏ qua.

Các luật sư cho biết, một số tài liệu không có trong hồ sơ vụ án. Đó là lời khai lại của nhân chứng Trần Quang Tuất và chị Mai vợ anh; giấy tờ giám định thương tích của Nguyễn Văn Chưởng; bản cung của bị cáo Hoàng ngày 23/9/2007. Còn BL số 461 ngày 10/8/2007 ghi lời khai và chữ ký của Nguyễn Trọng Đoàn là chữ ký giả.

Những tài liệu này mang nội dung gỡ tội cho bị cáo. Vậy tại sao, vì mục đích gì mà lại hủy hoặc bỏ nó ra ngoài hồ sơ?

Theo luật sư, căn cứ để khép tội bị cáo là căn cứ gián tiếp. Hội đồng xét xử chỉ căn cứ vào lời khai của hai con nghiện là Vũ Toàn Trung và Trần Thị Lan Phương. Mặt khác, lời khai của hai người này rất mẫu thuẫn nhau thể hiện ở các bút lục. Vì thế, các luật sư đề nghị 2 bị cáo này có mặt tại phiên tòa phúc thẩm để đối chất với Chưởng đã không được chủ tọa chấp nhận. Ngay cả khi Phương có mặt tại tòa, luật sư xin hỏi để làm rõ một số tình tiết nhưng Tòa không cho hỏi. Gia đình Chưởng cũng đề nghị triệu tập các nhân chứng nhưng không được tòa chấp nhận.

Tại sao bị cáo Nguyễn Văn Chưởng xin được khôi phục các cuộc điện thoại của Chưởng (số máy 0974863087) tối ngày 14/7 và sáng 15/7, xác định tọa độ các cuộc gọi để làm rõ Chưởng có mặt hay không có mặt ở Hải Phòng khi xảy ra vụ án đã không được cơ quan điều tra chấp nhận. Khi cung cấp bảng kê họ cũng lờ đi. Chưởng nói với phóng viên Người đưa tin:

“Em thấy bất công, tại phiên tòa họ không triệu tập nhân chứng nào và khi bị cáo Phương (người yêu Trung - PV) có mặt tại tòa, họ lại không cho đối chất với em. Đặc biệt phía điều tra không hề để ý đến những bằng chứng khách quan do người thân và làng xóm cung cấp. Đặc biệt vào thời điểm xảy ra vụ án, có rất nhiều cuộc gọi đến và đi từ số điện thoại 0974863087 của em. Khi cung cấp bảng kê họ cũng lờ đi.

Lời khai của Vũ Toàn Trung trong các bản cung, trong kết luận điều tra, trong cáo trạng đều thể hiện Chưởng không chém nạn nhân. Vì thế, tại sao vẫn kết luận Chưởng là người tổ chức, cầm đầu. Chính tội tổ chức cầm đầu đã ghép Chưởng vào án tử hình.

Cơ quan điều tra còn chậm trễ và gây khó khăn trong việc cấp giấy chứng nhận Người bào chữa. Các luật sư tham gia bào chữa cho biết, phần lớn thời gian điều tra không có sự tham gia của luật sư vì việc cấp giấy chứng nhận Người bào chữa rất chậm trễ (hơn 3 tháng so với thời gian theo qui định là 3 ngày), các luật sư phải đi lại rất vất vả. Vì vậy rất nhiều biên bản lấy lời khai được lập không có mặt luật sư.

Luật sư cũng chỉ ra, về vật chứng có nhiều uẩn khúc, không được cơ quan điều tra làm rõ như:

-Các vết bầm tím trên người nạn nhân chưa được làm rõ ai đánh, không phù hợp với tang vật.

-Hung khí giết người không có. Cán bộ điều tra chỉ vẽ sẵn rồi đưa cho bị cáo ký xác nhận.

-Thanh đoản kiếm được thu giữ chưa làm rõ là của ai.

Luật sư cũng đặt câu hỏi: Tại sao lại hủy quần dài và quần lót của nạn nhân, lẽ ra đó là tang vật của vụ án.

Thủ phạm có thể đã thoát khỏi lưới pháp luật?

Vụ án hé lộ một số tình tiết cho phép nghi vấn thủ phạm có thể đã thoát khỏi lưới pháp luật. Trong bản Giám định pháp y, có ghi có vết thương do vật tày gây nên nhưng trên thực tế hung khí lại là dao, kiếm, không có hung khí nào là vật tày, và hành vi đuổi đánh chém đăng sau không thể tạo nên những thương tích trên người nạn nhân. 

Đồng thời, vật chứng thu được là áo cảnh sát của nạn nhân có vết rách dài bên ngực trái nhưng trên cơ thể không có vết thương nào phù hợp với vết rách này. Đôi dép để lại hiện trường không làm rõ là của ai (Có thể kẻ chém nạn nhân đã bỏ chạy).

Vì thế, các luật sư cho rằng, trước khi nạn nhân bị tấn công bằng dao kiếm và vật sắc nhọn thì nạn nhân đã có xô xát từ trước. Vậy sinh hoạt của nạn nhân trước đó như thế nào, làm gì, tiếp xúc với ai? Những chi tiết này hoàn toàn không được cơ quan điều tra làm rõ. 

Chính những nghi vấn chưa được làm sáng tỏ nên các luật sư luật sư đều đề nghị hủy án để điều tra làm rõ, thế nhưng VKS và HĐXX cho là không cần.

Trong thư Chưởng viết cho gia đình có đoạn “Con nghĩ rằng con đã được sắp đặt trước để thế thân cho thằng giết người, một kẻ dám làm, không dám chịu”. Thư Đỗ Văn Hoàng gửi cho Chưởng cũng viết “em cũng mong sao sự việc này sớm được làm sáng tỏ. Cái cảm giác mình không làm mà phải gánh hậu quả cho thằng khác nó mới cay đắng làm sao”.

Trong bản kiến nghị gửi Chủ tịch nước ngày 15/5/2012, các luật sư cũng đặt nghi vấn “Phải chăng kẻ giết người thật đang còn nhớn nhơ ngoài vòng pháp luật?

Lời cuối 

Bố mẹ và con gái Nguyễn Văn Chưởng bên ngoài phiên tòa chị Cấn Thị Thêu và 2 dân oan Dương Nội

Nguyễn Văn Chưởng bị bắt khi kiểm tra căn cước về hành chính, sau đó chuyển sang giam giữ vì nghi tham gia giết người. Vụ án này do Dương Tự Trọng, khi ấy là Phó thủ trưởng Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an Hải phòng ký quyết định khởi tố. Sau này, Dương Tự Trọng bị kết án 17 năm 3 tháng tù vì tội “Tổ chức cho người khác trốn ra nước ngoài”. Vụ này cũng khá ầm ỹ trên công luận.

Cho đến nay, Nguyễn Văn Chưởng một mực kêu oan. Chưởng không làm đơn xin được ân xá vì Chưởng đinh ninh mình không có tội.

Trong hơn 7 năm đi kêu cho con, gia đình ông Nguyễn Trường Chinh đã lâm vào cảnh hết sức bi đát, gia tài khánh kiệt. Ông nói với phóng viên Đài RFA: “Chúng tôi thuê luật sư mà nhà chúng tôi rất nghèo, bán hết đất, hết vườn, cầm hết nhà để thuê luật sư nhưng luật sư bảo rằng VN không có luật. Nếu thực hiện đúng luật thì chúng tôi có thể cãi cho ông. Luật như các nước khác thì chúng tôi cãi được còn VN không có luật nào cả. Luật của ‘chúng nó’ nên chúng tôi chịu thua”.

Vụ án cho thấy, các cơ quan tư pháp, từ điều tra, công tố đến xét xử đã vi phạm nguyên tắc tố tụng hình sự rất nghiêm trọng. Tôi hay nghe nói đến chỉ tiêu phá án, khoán thời gian phá án, bằng khen đỏ chói các cơ quan công an, rằng cơ quan điều tra Việt Nam giỏi nhất thế giới. Nhưng để đạt được chỉ tiêu thi đua mà làm ẩu, dùng tra tấn nhục hình theo hướng tội danh đã định sẵn, chỉ cần lập hồ sơ sao cho thống nhất thì thật là khủng khiếp. Có thể nói, nếu một ai đó không dính dáng gì đến vụ án mà bị tra tấn, nhục hình như Nguyễn Văn Chưởng, cuối cùng thì cũng phải đầu hàng. Một vụ trọng án, đặc biệt là có án tử hình cần phải được cân nhắc kỹ lưỡng. Nếu những người có chức quyền cố tình hoặc vô tình mà đẩy người vô tội vào cõi chết, nó sẽ ám ảnh các vị suốt đời và khó tránh được luật nhân quả. Trường hợp tử tù Nguyễn Văn Chưởng cần phải hoãn thi hành án để điều tra lại.




Ông Nguyễn Trường Chinh cắt tay lấy máu viết đơn kêu oan cho con

8/12/2014

NTT

__._,_.___

Posted by: Dien bien hoa bin

No comments:

Post a Comment

Nhân quyền và bạo quyền

VTV-[Trang Lê Mới Nhất] chửi từ nhà ra phố, Trọng Lú sợ vỡ mật

https://www.youtube.com/results?search_query=Trang+L%C3%AA+%28B%C3%A0+Ngo%E1%BA%A1i%29

Featured Post

Lisa Pham Vấn Đáp official-16/1/2025

Popular Posts

My Blog List