Ngô Thị Hồng Lâm
24/12/2014 tháp tùng cùng gia đình cô Nguyễn Thị Kim Liên đi thăm Đinh nguyên Kha ở Trại giam Xuyên Mộc.
Con đường vào trại hai bên đường những nương sắn bạt ngàn, cùng bạch đàn đã lên xanh tốt sau trọn một mùa mưa, do chính bàn tay và mồ hôi của những người tù khổ sai đổ xuống.
Vào đến trại, cô Kim Liên trình giấy chứng minh của tất cả những người có mặt trong gia đình có yêu cầu thăm gặp người tù yêu nước Đinh nguyên Kha cho một người tù mặc áo sọc.
Chúng tôi ngồi chờ đến lượt gặp Đinh Nguyên Kha, thì viên gác ngục đem trả lại hai giấy chứng minh của tôi và của một bạn đi cùng. Lý do là chúng tôi không có tên đăng kí trong sổ thăm gặp phạm nhân Đinh Nguyên Kha, và viên gác ngục này yêu cầu hai chúng tôi phải rời nhanh khu vực trại giam.
Trong lần thăm Đinh Nguyên Kha tháng trước, tôi có nhờ cô Kim Liên mẹ ruột người tù yêu nước Đinh Nguyên Kha, chuyển lời giúp, tôi muốn được nhận cháu là con nuôi. Bởi tôi rất ngưỡng mộ tấm lòng của cháu, của tuổi trẻ nói chung với đất nước, không chịu khuất phục ý đồ Bắc thuộc dân tộc Việt Nam một lần nữa của bọn tự cho mình là “thiên triều” cha thiên hạ.
Mẹ Kim Liên chỉ tay ra sân cho Kha thấy mẹ Lâm đang bị công an đuổi đi chỗ khác. Tôi chỉ kịp gọi với “Con ơi, mẹ Lâm đây”, thấy cháu gầy hơn nhiều so với ngày đầu nhập trại. Chúng tôi chỉ kịp vẫy tay chào Đinh Nguyên Kha đang đứng ở bên trong phòng thăm gặp và nói với nhau bằng ánh mắt nụ cười. Cu Kha gửi tặng mẹ Lâm của nó một bình bông hồng do cháu tự trồng trong trại.
Trại tù Xuyên Mộc hiện đang giam giữ 20 người tù lương tâm. Trong đó có con trai tôi Đinh Nguyên Kha, Trần Huỳnh Duy thức, Trần Vũ Anh Bình và Đặng Xuân Diệu.
Sau khi bị từ chối, Hai chúng tôi bèn ra ngoài căng tin ngồi chờ, được chừng 15 phút thì chính viên cai ngục chạy xe máy ra và đem theo cuốn sổ yêu cầu chúng tôi xuất trình CMND để ghi sổ.
Chúng tôi hỏi: “Hồi nãy anh đã trả lại CMND cho chúng tôi và từ chối cho thăm gặp người thân, nay không có gì để hỏi nữa? Anh đòi giấy CMND để làm gì?”. Viên gác ngục trả lời: “Ghi để biết. Nếu các anh chị không xuất trình CMND thì lần sau chúng tôi chỉ cho gia đình ngồi tại căng tin thôi”.
Trước yêu sách vô lý của viên coi ngục, tôi bảo: “Đó là việc của anh. Còn chúng tôi không có nghĩa vụ gì nữa trong việc này”.
Mặt lạnh như tiền, anh ta gấp sổ lại, không nói gì nữa mà lẳng lặng bỏ đi. Tưởng đã yên, ai ngờ, chỉ ít phút sau, một viên gác ngục khác đeo lon trung sĩ đến ngồi bên cạnh. Anh ta đến đây với ý đồ gì? Tôi ngẫm nghĩ một lúc rồi chậm rãi nói bằng ngữ điệu khá căng thẳng với gã coi tù mặt còn non choẹt ấy rằng, tôi đã từng là một người viết lịch sử Đảng CSVN.
Chồng tôi là một cựu tù thâm niên lâu nhất trong nhà lao Côn Đảo 20 năm. Bạn trai đi cùng là con của một cựu chiến binh có ba mươi năm tuổi đảng. Chúng tôi dứt khoát không phải “thế lực thù địch”. Nghe xong, anh ta vẫn giữ thái độ im lặng. Tôi ngán quá, cuối cùng, quyết định chơi bài ngửa: “Tôi già rồi nhưng vô cùng ngưỡng mộ tình thần yêu nước, sẵn sàng chấp nhận tù đầy của thế hệ trẻ Việt Nam, trong đó có người con nuôi của tôi là Đinh Nguyên Kha”.
Giống như viên cai ngục đứng tuổi, người quản giáo trẻ tuổi này, sau khi nghe tôi nói cũng lẳng lặng bỏ đi. Thật khó mà biết, trong đầu anh ta đang nghĩ gì.
Trở về nhà trời đã nhạt nắng!
N.T.H.L.
Tác giả gửi BVN
__._,_.___
________________________________________
Posted by: Dien bien hoa binh
No comments:
Post a Comment
Nhân quyền và bạo quyền