Đi
tìm công lý cho mẹ
Đoan Trang
TT Đức Quốc - 09.08.2014
Bo Trung trên truyền hình Hoa Kỳ.
Khi tôi gặp em lần đầu tiên là lúc em vừa bước ra khỏi xe, người
cao lêu nghêu, trên cổ lòng thòng cái máy ảnh bé tí, rụt rè câu “chào chị”. Vài
tiếng sau, tôi đã thấy em tung tăng trong khuôn viên đầy màu sắc và âm thanh
của Universal Studio trong một ngày tháng 8 nắng chói chang ở Los Angeles.
Trông thấy cái gì em cũng reo “đẹp thế, đẹp quá”, rồi lao đến tạo dáng, chụp
ảnh, rồi xem lại ảnh, ngắm nghía và thích thú. Những lúc đó, nhìn em, chắc
chẳng ai nghĩ trên vai em là cả một gánh nặng: Cha em đã mất, mẹ em đang ngồi
tù và là một trong những tù nhân lương tâm nổi tiếng ở Việt Nam hiện nay, còn
em đã đi từ Nam ra Bắc, và rồi sang cả trời Tây, để hy vọng đòi công lý cho mẹ.
Em là Bo Trung, tức Trần Bùi Trung, con trai của Bùi Thị Minh Hằng.
Trong văn học cũng như trong điện ảnh, mô-típ những đứa trẻ đi tìm
cha/mẹ trong thời loạn, thời chiến luôn làm người ta xúc động. Từ thế kỷ 19 đã
có Rémi lang thang cùng gánh hát rong trong “Không gia đình” của Hector Malot,
rồi em bé mồ côi Mario, chấp nhận nhường chỗ của mình cho cô bạn Julietta để
chết trong một vụ đắm tàu, được thuật lại trong “Những tấm lòng cao cả” (tác
giả Edmondo De Amicis). Khán giả Việt Nam các thế hệ trước hẳn có người vẫn còn
nhớ bộ phim “Em bé tìm cha” (đạo diễn Lev Golub) nổi tiếng của điện ảnh Liên Xô
năm 1959, v.v.
So với những nhân vật tưởng tượng đó, câu chuyện của Bo Trung có
điểm khác là mẹ em, bà Bùi Thị Minh Hằng, không phải là bị biến mất không tung
tích. Bà bị bắt vào ngày 11/2/2014, bị truy tố với tội danh “gây rối trật tự
công cộng” và hiện đang bị giam (ở trại An Bình, Đồng Tháp) chờ xét xử; phiên
tòa dự kiến tổ chức ngày 26/8/2014. Nhưng so với “Không gia đình”, “Những tấm
lòng cao cả”, “Em bé tìm cha”, chuyện của Bo Trung mới hơn nhiều, sống động hơn
nhiều, khốc liệt hơn nhiều. Nó đang diễn ra ngay tại Việt Nam, với nhiều tình
tiết có thật mà chúng ta không thể hình dung nổi: Vì sao đến tận bây giờ, những
chuyện như thế vẫn còn xảy ra ở đất nước của chúng ta?
Đêm nay mẹ không về
Trước ngày bà Hằng bị bắt, hai mẹ con bà sống ở Vũng Tàu. Cuộc
sống có lẽ cũng không mấy ổn định: Tuổi thơ của Bo Trung luôn xáo động bởi sự
di chuyển liên tục, khi thì ở với mẹ, khi thì ở với bố. 12 năm học, em chuyển
qua 7 tỉnh thành khác nhau. Tuy nhiên, giai đoạn bất an nhất hẳn phải là từ sau
năm 2011 khi mẹ em trở thành một gương mặt nổi bật trong các cuộc biểu tình
chống Trung Quốc ở Việt Nam. Tháng 11/2011, bà Bùi Thị Minh Hằng bị công an
bắt, đưa vào “cơ sở giáo dục” Thanh Hà (Vĩnh Phúc) theo lệnh của Chủ tịch TP.Hà
Nội Nguyễn Thế Thảo. Căn cứ vào lệnh đó của ông tỉnh trưởng thì bà Hằng phải bị
giam tới hai năm, tuy nhiên, tháng 4 năm sau, bà đã được “tha” sớm. Bà trở lại
Vũng Tàu và kể từ đó, các biện pháp mà chính quyền áp dụng đối với bà – một
công dân ngang bướng – đã có sự điều chỉnh theo hướng… bẩn thỉu hơn: Có những
kẻ lạ mặt thường xuyên nhắn tin điện thoại hoặc gửi thư trên FB chửi rủa, lăng
mạ bà, lời lẽ cực kỳ thô tục. Đêm đêm, chúng ném mắm tôm trộn dầu nhớt, chuột
chết, rác rưởi… vào sân nhà bà.
Với bản tính dữ dội, quyết liệt của mình, bà Hằng thẳng cánh chửi
lại và cũng chẳng tiếc lời rủa xả chúng. Quan điểm của bà rất rõ ràng: Với bọn
mất dạy, không việc gì phải nhẹ nhàng, ôn hòa. Kết quả là, theo lời Bo Trung:
“Mẹ em thì cứ chửi, còn em thì cứ nai lưng ra quét dọn sân. Mắm tôm đã kinh
rồi, mắm tôm pha nhớt còn kinh nữa. Hôi khủng khiếp. Mẹ em chửi còn em đi dọn
chứ ai”. Em nói và cười hi hi. Em không giận mẹ, cũng không đòi mẹ phải thôi
đi, chấm dứt đối đầu với chính quyền cho gia đình được yên ổn. “Em chỉ nói với
mẹ là, mẹ làm gì con cũng ủng hộ hết, vì mẹ là mẹ của con. Thế thôi”.
“Thế mày hoạt động cùng mẹ nhé? Ví dụ mẹ đi gặp gỡ, giúp đỡ bà con
dân oan đấu tranh đòi đất, thì con đi chụp ảnh, quay phim, viết bài, đưa tin?”
– không ít lần bà Hằng rủ con trai. Tuy nhiên, Trung đều từ chối tham gia sâu
hơn, không hẳn vì sợ mà vì tính em còn ham vui, không coi đấu tranh nhân quyền
như một công việc, một sự nghiệp, đòi hỏi sự nghiêm túc và nhất là tinh thần
dấn thân.
Sinh năm 1991, Trung không phải là con nít mới lớn, nhưng cũng chẳng
già dặn gì hơn đại đa số thanh niên cùng trang lứa ở Việt Nam. Thông minh và
học khá, có năm làm lớp phó học tập, nhưng em nghịch trổ trời và cũng không
thiết tha gì với việc học, nên bỏ ngang ĐH Kinh tế Quốc dân. “Bầy hầy”, đấy là
từ em mô tả về bản thân, một cách rất dân dã và “xì tin”, như cách giới trẻ
dùng từ: “Ối giời, em bầy hầy lắm. Ăn ở bừa bộn, dậy muộn, hút thuốc… Phòng em
như cái quán trọ ấy, mù mịt khói là khói”.
Mọi sự “bầy hầy”, “xì tin” dường như đã kết thúc vào cái ngày mẹ
em bị bắt, 11/2/2014, hai tuần sau Tết Nguyên đán.
Bà Bùi Hằng biết trước sẽ có ngày này (chỉ không biết đích xác là
khi nào), nên đã chuẩn bị kỹ, kể cả việc ký hợp đồng từ trước với luật sư bảo
vệ. Khi hai mẹ con sống cùng nhau ở Vũng Tàu, bà cũng nhiều lần đi suốt ngày
đêm, nên bữa ấy khi mẹ không về, Bo Trung cũng không quá hoảng sợ. Nhưng rất
nhanh chóng, em hiểu ra rằng: Thời kỳ thơ ngây phải chấm dứt rồi.
Giữa muôn trùng vây
Người ta nói, những đứa trẻ sinh ra trong chiến tranh phải lớn
nhanh gấp đôi trẻ con thời bình. Riêng tôi thì nghĩ: Những đứa trẻ sinh ra
trong các gia đình nghèo khó và/hoặc gia đình của những người bất đồng chính
kiến, trong thời loạn, phải lớn nhanh gấp đôi, gấp ba trẻ con thường. Những
ngày sau đó, suy nghĩ của Bo Trung già đi hàng chục tuổi. Tin tức về vụ bắt mẹ
em đã lan khắp mạng xã hội FB, nhưng thông tin cụ thể là mẹ đang ở đâu, ai bắt,
vì sao bị bắt, sức khỏe mẹ ra sao, thì tuyệt nhiên không có. Công an không
thông báo gì, cứ như thể họ đang ráo riết bàn tính xem nên khép tội gì cho hợp
lý vậy. Cũng giống như hồi TS. luật Cù Huy Hà Vũ bị bắt: Chỉ trong một ngày, lý
do bắt thay đổi liên tục: từ vi phạm hành chính, đến mua bán dâm, thậm chí có
lúc là buôn bán ma túy, cuối cùng mới dừng lại ở tội “tuyên truyền chống nhà
nước” theo Điều 88 BLHS (!).
Hãy thử tưởng tượng: Một đứa trẻ, bố mất, mẹ bị công an bắt đột
ngột vì điều ai cũng thấy rất rõ ràng là một mưu đồ chính trị; đứa trẻ ấy sẽ
phải làm gì? Biết tin ai, nghe ai và dựa được vào ai trong số hàng chục, hàng
trăm người xung quanh nó, cả trên mạng và ngoài đời, với đủ loại ý kiến: từ
thông cảm, sẻ chia, đến huấn thị, răn dạy, xoa đầu; từ dọa dẫm, răn đe, đến
lăng mạ, sỉ nhục?
Điều đáng nói là, nhiều người trong số họ có cái tâm lý tự
cho mình là đúng, mình mới là người tốt và thật lòng khuyên nhủ thằng bé vì
muốn điều tốt cho nó và mẹ nó, còn thằng kia/ con kia, lão đó/ con mụ đó đều là
loại cơ hội, lưu manh, chỉ lợi dụng chuyện nhà thằng bé mà thôi, v.v.
Có những người có vẻ như tuổi cũng không còn trẻ, thuộc hàng cha
chú của Bo Trung, nhưng cũng không ngần ngại làm cái việc mà Trung gọi là “thấy
người ta ngã xuống hố thì đạp thêm một cái cho chết hẳn”. Một vị như vậy đã
chụp ảnh màn hình Facebook Bo Trung, mang về Facebook mình kèm lời bình: “…
Tiếc cho BH, bạn bè và con cái không được sắc bén lắm…”.
Một rừng những lời răn
dạy, chê trách, đổ ụp vào đầu Bo Trung, bủa vây em bốn phía suốt nửa năm nay.
Đó là chưa kể lực lượng dư luận viên thả sức chửi rủa Bo Trung bằng những lời
lẽ bẩn thỉu nhất chúng có thể nghĩ ra. Thật là không có gì sung sướng bằng việc
chửi bọn phản động thoải mái mà chúng không làm gì được, vì luật pháp và các
chú công an sẽ luôn đứng về phía ta – hẳn là các dư luận viên quá biết điều đó.
23 tuổi, không nghề nghiệp, không bằng cấp, không quan hệ xã hội,
càng không có cái mà người ta gọi là “kinh nghiệm chính trị”, Bo Trung như
chiếc lá chơi vơi giữa dòng nước lũ. Nỗi lo đầu tiên là chuyện ăn ở.
Như mọi
thanh niên nghèo, độc thân ở thành thị, em vạ vật cơm hàng cháo chợ cho xong
bữa, còn lại, lên mạng cả ngày tìm kiếm thông tin và kết nối, hy vọng kiếm được
người giúp mình cứu mẹ ra. Trong cái rủi cũng có cái may, giữa muôn ngàn cái ác
cũng có điều tốt: Rất nhiều người giấu tên tuổi, giấu mặt, đã bí mật gửi tiền
cho em, nuôi em và hỗ trợ bà Bùi Hằng.
Họ là ai thì chúng ta không thể biết được và cũng không nên biết,
khi mà ở Việt Nam, việc “nhận tiền để đi hoạt động” vẫn bị an ninh coi là tội
lỗi; và đám an ninh vẫn cố gán ý nghĩ ấy vào đầu người dân Việt Nam, trong một
nỗ lực nhằm không ngừng phá hoại xã hội dân sự đang nhen nhóm trong nước.
“Em đi đấu tranh”
Bo Trung đủ bản lĩnh để hiểu rằng mẹ em bị bắt đơn giản vì mẹ em
đã tham gia hoạt động nhân quyền, và đó là điều mà chính quyền căm ghét. Mẹ em
vô tội, mà kể cả có tội như cáo trạng nêu thật, thì “gây rối trật tự công cộng”
chỉ có thể bị xử lý cùng lắm bằng hình thức phạt hành chính, không thể nào bị
bắt đi tù tới hàng tháng. Luật pháp toàn thế giới là như vậy, chỉ có luật pháp
của công an Việt Nam là không thế.
Bo Trung cũng nhanh chóng ý thức được rằng em là con trai của một
tù nhân lương tâm, và em phải hành xử sao cho xứng đáng với điều đó, xứng đáng
với mẹ em. Từ một thằng bé ham chơi, nghịch trổ trời, em trở thành một thanh
niên cư xử chững chạc và khiêm nhường, một điều dạ hai điều thưa “Dạ, con cảm
ơn các cô các bác”, “mong mọi người quan tâm giúp đỡ”.
Từ những thông tin thu được trên mạng, Bo Trung bắt đầu nghĩ tới
việc phải ra nước ngoài, vận động quốc tế lưu tâm đến tù nhân lương tâm ở Việt
Nam, trong đó có trường hợp của mẹ em. Việc một thanh niên 9x lần đầu tiên bước
chân ra thế giới, bập bẹ những câu tiếng Anh “thank you, I will try”, cho thấy
một nỗ lực vươn lên rất lớn của em.
Chưa kể, chỉ riêng những cố gắng của Bo
Trung nhằm thoát ra khỏi hàng tiểu đội an ninh kèm chặt suốt ngày đêm để ra
khỏi Việt Nam và sang được Mỹ cũng đã là cả một câu chuyện ly kỳ mà sau này,
đến lúc nào đó khi Việt Nam đã thay đổi, có thể được dựng thành phim.
Tôi nghĩ tên bộ phim ấy có thể là “Adventure for Justice”, hành
trình tìm công lý. Hoặc đơn giản là “My Mother Is Innocent”, mẹ tôi vô tội.
Nhưng Việt Nam chưa thay đổi, và những chuyện ta nghe kể ngày hôm
nay từ Bo Trung, Nguyễn Trí Dũng (con trai Điếu Cày), hay từ bạn bè, người thân
của Anh Ba Sàm, v.v. đều vẫn còn rất nhiều chi tiết phải giữ kín, chứ đừng nói
là có thể viết thành sách hay đưa lên phim.
Nên chúng ta sẽ phải đấu tranh để Việt Nam sớm tới ngày đó. Riêng
tôi, tôi mong sẽ lại có dịp thấy Bo Trung chạy tung tăng bên hồ nước long lanh
nắng, chụp ảnh dưới hình nộm con King Kong to đùng, ôm vai “xác ướp Ai Cập”,
dạo chơi trong vườn khủng long và xuýt xoa: “Bao giờ Việt Nam mình được như thế
này”.
Tôi mong chúng tôi sẽ có dịp đi chơi như thế, trong một xứ sở thần
tiên đẹp như thế… ở Việt Nam.
Nguồn: phamdoantrang.com
__._,_.___
No comments:
Post a Comment
Nhân quyền và bạo quyền