Saturday, August 16, 2014

GỞI THƯ CHO TÙ NHÂN LƯƠNG TÂM


GỞI THƯ CHO TÙ NHÂN LƯƠNG TÂM

Huỳnh Ngọc Chênh

Thông Tin Đức Quốc - 15.08.2014 
Vừa qua tôi gặp một lần cả chị Dương Thị Tân vợ của nhà báo Điếu Cày vừa mới đi thăm chồng về và anh Lê Quốc Quyết, em trai luật sư Lê Quốc Quân cũng đã đi thăm anh trai trước đó hai tuần.

Ngay trong ngày 14.8, chị Tân cùng con trai là anh Nguyễn Trí Dũng bay ra Vinh rồi đón xe lên nhà tù số 6 cách đó mấy chục cây số. Đến trước cổng trại giam vào buổi trưa cùng ngày, hai mẹ con chị đã thấy một số anh chị trong Hội Bầu Bí Tương Thân Hà Nội có mặt tại đó để chờ cùng gia đình chị vào thăm anh Điếu Cày Nguyễn Văn Hải. Thế nhưng trại giam chỉ cho mỗi một mình anh Nguyễn Trí Dũng là con trai của anh Điếu Cày vào thăm. Chị Tân cũng không được vào.

Chị Dương Thị Tân cùng với anh Trương Văn Dũng, hội Bầu Bí Tương Thân bị giữ lại bên ngoài trại giam số 6- Ảnh Bạch Hồng Quyền

Theo như lời kể lại của Nguyễn Trí Dũng, anh Điếu Cày có gầy đi rất nhiều, anh cao đến 1,8m nhưng chỉ còn có 50 kg nên nhìn anh rất gày gò. Tuy nhiên, theo Dũng, tinh thần của anh Điếu Cày rất vững vàng. Anh dặn dò Dũng nhiều chuyện, trong đó khuyên gia đình vững tâm, đừng quá lo lắng về việc anh ở tù lâu hay may. Trong tù, qua chương trình thời sự của truyền hình nhà nước, anh cũng sàng lọc và nắm bắt được nhiều thông tin về sự thay đổi của tình hình bên ngoài.

 Anh cho biết chưa có dấu hiệu gì  từ nhà tù về việc anh được thả ra sớm, tuy nhiên anh hoàn toàn không trông mong vào điều đó. Ngoài quà của gia đình, anh Điếu Cày cũng nhận được quà của các tổ chức xã hội bên ngoài như Hội Bầu Bí Tương Thân...Chị Tân cho biết, anh Điếu Cày hoàn toàn không được phép nhận thư từ của gia đình cũng như của người thân quen, thư gởi đến cho anh đều bị giữ lại, điều nầy sai luật và vi phạm nhân quyền.


Bạch Hồng Quyền: Trong khi quà gởi vào cho anh Điếu Cày rất khó khăn thì gia đình nầy lại được mang cả quạt máy vào cho người thân của mình trong tù. Ảnh chụp tại trại tù số 6 Nghệ an.
 
Ngược lại với Điếu Cày, LS Lê Quốc Quân đang bị giam ở nhà tù An Điềm Quảng Nam, theo như lời kể của Lê Quốc Quyết, lại được nhận thư từ của tất cả mọi người từ bên ngoài gởi vào. Dĩ nhiên tất cả thư đều bị kiểm duyệt và có thư bị giữ lại nếu bị cho có nội dung "không phù hợp". Tuy nhiên theo anh Quyết, anh Lê Quốc Quân cũng được nhận thông báo về những là thư không đến được tay mình.
Theo anh Lê Quốc Quyết, những người tù rất cảm động và sẽ vững tâm hơn khi nhận được những lá thư thăm hỏi của bạn bè từ bên ngoài. Theo luật pháp, người tù được hưởng quyền nầy, quyền được nhận thư và gởi thư ra bên ngoài. Anh Trần Huỳnh Duy Thức đã viết nhiều là thư rất dài gởi ra ngoài cho cha mà blog nầy đã từng đăng lên như các bạn đã biết (xem đây và xem đây). Tuy nhiên hiện nay cũng còn nhiều nhà tù vi phạm điều nầy.
Qua gợi ý của chị Dương Thị Tân và anh Lê Quốc Quyết, tôi thấy rằng việc gởi thư vào các nhà tù cho các tù nhân lương tâm là điều rất cần thiết. Thư có thể đến hoặc không đến, nhưng chắc chắn người được gởi thư sẽ biết mình luôn có được sự quan tâm của mọi người.
Sau đây là địa chỉ của một số tù nhân lương tâm mà tôi mới tra tìm được qua mạng, xin được đăng lên đây để các bạn quen biết hoặc quan tâm đến ai thì viết thư về địa chỉ đó rồi gởi qua đường bưu điện. Danh sách nầy rất không đầy đủ, nên rất mong các bạn tra tìm và bổ sung thêm.
1  Đinh Nguyên Kha, SN 1988, 4 năm tù giam, Địa chỉ : Nhà tù Xuyên Mộc, tỉnh Bà rịa Vũng Tàu
2. Đoàn Huy Chương, SN1985, 7 năm tù giam. Địa chỉ: Nhà tù Xuân Lộc, Tỉnh Bình Dương (K2)
3.  Dương Thị Tròn, SN 1947, 9 năm tù giam. Địa chỉ: Nhà tù Thanh Xuân, Hà Nội.
4. Lê Quốc Quân, SN 1971, 2,5 năm tù giam. Địa chỉ: Nhà tù An Điềm, tỉnh Quảng Nam
5. Mai Thị Dung, SN 1969, 11 năm tù giam. Địa chỉ: Nhà tù Xuân Thành, Hà Nội
6. Ngô Hào, SN 1943 ,15 năm tù giam. Địa chỉ: Nhà tù Xuân Phước, tỉnh Phú Yên
7. Nguyễn Hoàng Quốc Hùng, SN 1982, 9 năm tù giam. Địa chỉ: Nhà tù Xuyên Mộc, tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu
8. Nguyễn Văn Hải (Điếu Cày), SN 1952, 12 năm tù giam. Địa chỉ: Nhà tù số 6, huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An
9. Nguyễn Văn Lía, SN 1940, 4,5 năm tù giam. Địa chỉ: Nhà tù Xuân Lộc, Tỉnh Đồng Nai (K2)
10.Linh Mục Nguyễn Văn Lý, 1946, 8 năm tù giam.. Địa chỉ: Nhà tù Nam Hà, tỉnh Hà Nam
11.Phạm Viết Đào, 1951, 15 tháng tù giam. Địa chỉ: Hà Nội
12. Tạ Phong Tần, 1968 , 10 năm tù giam. Địa chỉ:Nhà tù Yên Định, tỉnh Thanh Hóa
13. Trần Huỳnh Duy Thức,1965, 16 năm tù giam. Địa chỉ: Nhà tù Xuyên Mộc, tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu
14. Trần Vũ Anh Bình, 1974, 6 năm tù giam. địa chỉ: Nhà tù An Phước, tỉnh Bình Dương
15. Trương Duy Nhất, 1964, 2 năm tù giam. Địa chỉ: Trại giam số 6, huyện Thanh Chương, Nghệ An
16. Võ Minh Trí (NS Việt Khang),1978, 4 năm tù giam. Địa chỉ: Nhà tù Xuân Lộc, Tỉnh Đồng Nai (K2)
Nguồn: huynhngocchenh.blogspot.de


Thăm gia đình các tù nhân lương tâm

Hội Bầu Bí Tương Thân

Thăm hỏi và trao hỗ trợ của Hội Bầu Bí, trao quà của Quỹ Tù Nhân Lương Tâm tới gia đình TNLT Đặng Xuân Diệu ở Giáo xứ Xuân Mỹ, Giáo hạt Nhân Hoà, Giáo phận Vinh - 13/8/2014.


 Thăm hỏi và chuyển quà của Quỹ Tù Nhân Lương Tâm tới thân nhân TNLT Nguyễn Văn Duyệt 
ở Giáo xứ Yên Hoà, Giáo hạt Thuận Nghĩa, Giáo phận Vinh - 13/8/2014.


 Thăm hỏi thân nhân TNLT Hồ Đức Hoà tại tư gia ở Giáo xứ Yên Hoà, 
Giáo hạt Thuận Nghĩa, Giáo phận Vinh - 13/8/2014



Thăm hỏi và trao quà của Quỹ Tù Nhân Lương Tâm tới gia đình TNLT Thái Văn Dung - 13/8/2014


Thăm hỏi thân nhân TNLT JB Nguyễn Văn Oai tại tư gia ở Giáo xứ Yên Hoà, Giáo hạt Thuận Nghĩa, Giáo phận Vinh - 13/8/2014.



Nguồn: FB Ngô Duy Quyền


Về buổi làm việc giữa anh Đào Tiến Thi với an ninh sáng nay


Đào Tiến Thi

Theo FB Lã Việt Dũng

Anh Đào Tiến Thi, người đứng giữa, trong cuộc biểu tình phản đối Trung Quốc

Thông báo với các thầy, các bác, các anh chị em,

Sáng nay tôi đã làm việc với an ninh (AN). Thời gian chính thức có lẽ chỉ diễn ra khoảng 1 tiếng 15 phút. Lúc ra còn đứng nói chuyện thêm với hai cậu AN trẻ độ 10 - 15 phút nữa, như vậy tất cả độ tiếng rưỡi.

Tôi sẽ kể chi tiết sau. Giờ tạm nói vắn tắt. Đại để họ quay tôi 4 vấn đề:

1. Ký Thư ngỏ 61.
2. Xin gia nhập Văn độc độc lập.
3. Biểu tình chống Trung Quốc.
4.Viết bài đưa lên mạng xã hội.
* * *
1. Về Thư ngỏ, họ hỏi vì sao ký? Có tham gia soạn thảo không? Nếu không tham gia soạn thảo thì ai đưa? Tôi chỉ xác nhận là tôi ký, còn hai câu hỏi sau tôi từ chối trả lời.

2. Về Văn đoàn Độc Lập. Tôi nói tôi đăng ký tham gia vì tôn chỉ của nó đáp ứng nguyện vọng của tôi và tôi thấy nhiều nhà văn trong BVĐ đáng kính trọng, tin tưởng.

3. Về biểu tình, họ cố tình nhập nhằng biểu tình yêu nước với phá rối ở mấy tỉnh vừa rồi. Tôi bác bỏ và phê phán chính họ (chính quyền và CA) có tội khi để bọn phá hoại tung hoành. Không thể đổ lỗi cho người BT yêu nước được. Chính chúng tôi đã ký tên phản đối các cuộc phá hoại đó (bản tuyên bố do ông Huỳnh Tấn Mẫm thảo).

4. Về viết bài, họ nói chung chung, không nói bài nào nên tôi chỉ nói 2 ý: việc viết bài đưa lên blog không sai phạm gì và nội dung những bài của tôi cũng không có gì sai phạm.

Họ cố ép tôi vào sai phạm này nọ ở tất cả 4 nội dung trên nhưng tôi bác bỏ hết. Với các vị lãnh đạo cơ quan tôi, tôi k tranh luận trong cuộc làm việc này. Còn sau đây các vị họp đấu tố tôi như thế nào tôi cũng sẵn sàng.

Tôi không phải ký bất cứ văn bản nào.

Tôi đánh giá thái độ tốt của ba vị AN hôm nay. Nhưng tôi phản đối việc Đảng và Nhà nước đưa AN vào làm những việc như thế này, những việc thuộc về nhận thức, tư tưởng, tình cảm, chứ không phải an ninh quốc gia hay trật tự xã hội. Như thế là tạo dựng một xã hội công an trị, mang tính chất đe doạ, trấn áp, rất có hại cho chính Đảng và Nhà nước. Tôi sẽ viết nội dung này thành một lá thư gửi BCHTWĐ hoặc BCT.

Cảm ơn tất cả các thầy, các bác, các anh chị và các bạn đã quan tâm theo dõi sát sao và tư vấn, động viên, ủng hộ tôi suốt gần hai ngày qua.

Đào Tiến Thi


ĐỔ TIỀN XUỐNG BIỂN

Phạm Thành
Hôm nay truyền thông đưa tin chồng đại gia Diệu Hiền, ông Trần Văn Trí, Chủ tịch Công ty chế biển thủy sản chính thức có công văn đề xuất đóng mới 220 tàu đánh cá vỏ thép và nhập 3 máy bay để kinh doanh hải sản trên biển.

 
Trước đó, một đại gia trong ngành xuất nhập khẩu, bất động sản là ông Phạm Ngọc Lâm, Chủ tịch Công ty Đức Khải, cũng thông tin doanh nghiệp đang có dự định chi 1.500 tỷ đồng để đầu tư 100 tàu đánh cá và 2 trực thăng để cùng ngư dân bám biển.

Điều mà dự luận còn nóng là đại gia Diệu Hiền có tiếng nổi như cồn về chi tiền lương, thưởng và vay tiền của ngân hàng để rồi hiện đang còn nợ ngân hàng, nợ người bán hàng cho đại gia hàng trăm tỷ đồng.

Còn Phạm Ngọc Lâm được tiếng là tuổi trẻ tài cao dự định chi tới 1.500 tỷ đồng mua cả trăm tàu đánh cá mà trong túi của đại gia chỉ có vài chục tỷ.

Chẳng biết các bạn nghĩ sao chứ tôi thì nhận ra tiền của của đất nước lại sắp bước vào thời kỳ đổ xuống sông xuống biển.
Vì ở Việt Nam ai ngu gì tôi không nhớ, không biết nhưng cái chất hóng hớt “đi trước đón đầu” thì tôi biết có nhiều đại gia bén nhạy lắm. Nó là hệ quả của đường lối “đi trước đón đầu” của đảng ta mà các đại gia đã thuộc nhừ nhoèn.

Họ biết muốn có nhiều tiền bây giờ phải đi câu trên biển vì đảng và chính phủ đã có chủ trương chuyển hướng đầu tư cho công dân bám biển, làm ăn trên biển, giầu mạnh từ biển để chứng tỏ sức mạnh của một quốc gia biển và bảo vệ chủ quyền mà cái bảo vệ chủ quyền thì xưa nay không thể tính bằng tiền được; cũng là còn bởi các đại gia đã câu đến khánh kiệt, tanh bành tài nguyên trên cạn cảu đất nước cả rồi, khó có dự án nào ngon xơi, dễ có lời lãi lớn và đặc biệt là vay được thật nhiều tiền của ngân hàng để đầu tư cho phát triển đất nước. Vay được nhiều tiền, điều này chỉ có được dễ dàng khi các đại gia làm dự án, lên phương án làm ăn trên biển.

Đó là lý do để tiền của của đất nước bước vào thời kỳ đổ xuống sông xuống biển.

Một Vinashin, Vinaline đã đổ xuống sông xuống hàng ngàn, hàng ngàn tỷ đồng vẫn chưa đủ nặng làm bài học nhãn tiền thì đương nhiên phải xuất hiện hàng chục, hàng trăm Vinashin, Vinaline xuất phát từ các làng chài ven biển hay nơi đồng bằng, rừng rậm, núi cao … sẽ hăng hái “đi trước đón đầu” tìm mọi cách để nhanh chóng đổ tiền của của đất nước xuống sông, xuống biển.
Các bạn cứ chờ xem.
P.T
ViệtNamThời Báo



Sự mỉa mai của lịch sử

Nguyễn Trần Sâm

Georg Hegel và Friedrich Engels, hai triết gia Đức vĩ đại, thường nhắc đến cụm từ “sự mỉa mai (hay sự trớ trêu) của lịch sử” (irony of history), với ngụ ý rằng mục đích của những cuộc cách mạng xã hội đặt ra ban đầu thường không thực hiện được. Thay vào đó, cuộc cách mạng có thể có “hiệu ứng ngược”, dẫn tới những hậu quả trái ngược với dự tính.

Sự mỉa mai của lịch sử cũng có thể gọi là bi hài kịch của “cách mạng”. Bi hài kịch của cách mạng ở nước nào sẽ là bi hài kịch của nước đó.
Ông Nguyễn Tấn Dũng và Ủy viên Quốc vụ Trung Quốc Dương Khiết Trì nhân chuyến thăm Việt Nam trong tháng 6 vừa qua.

Mấy chục năm qua là giai đoạn bi hài kịch của nước Việt. Những mục tiêu cơ bản được dự tính ban đầu về tương lai dân tộc, được nêu thành những khẩu hiệu kêu xoang xoảng, thành những thứ “lý luận”, “nghị quyết”, “văn kiện”,… đều bị đảo lộn theo cách vừa thê thảm, vừa nực cười, và theo cách nào đó là khá “ngoạn mục”. Kèm theo đó, những tính chất mà ban đầu được coi là “thuộc tính” của cái “hệ thống” vừa được thiếp lập, theo thời gian ngày càng tỏ ra bị ngộ nhận.
*
Một trong những mục tiêu không thành hiện thực được thể hiện bởi khẩu hiệu “Người cày có ruộng”. Ở miền Bắc, chỉ 2 năm sau khi hoàn thành “cải cách ruộng đất”, mà ban đầu được phổ biến là lấy đất của địa chủ, phú nông chia cho bần-cố nông, những người nông dân đã bị “lùa” vào hợp tác xã (nông nghiệp). Đây là hình thức hợp tác xã bắt buộc. 100% đất canh tác ở miền Bắc, nếu không thuộc sự quản lý của các nông trường quốc doanh, đều là đất của hợp tác xã. Gia đình nào “ngoan cố” không chịu vào hợp tác xã đều bị chính quyền o ép đến sống dở chết dở, con cái không được đi học, ra ngoài không có bạn chơi. Trong nhiều trường hợp, hợp tác xã tự ý cho người đến canh tác trên đất của gia đình “ngoan cố”, nếu nhà kia chống lại thì bị đám đông đánh đập, cuối cùng cũng phải vào hợp tác xã. (Một điều khá khôi hài là mặc dù dùng hình thức cưỡng bức để bắt mọi gia đình vào hợp tác xã, nhưng cấp trên vẫn sản xuất một thứ “thơ” để tuyên truyền rằng vào hợp tác xã sẽ sung sướng tuyệt đỉnh, làm ra vẻ hợp tác xã hình thành là do bà con đọc thứ “thơ” đó và “thấm nhuần”, nên tự nguyện vào hết!)

Vì hợp tác xã chỉ dẫn đến đói nghèo, vào cuối những năm 1980, người ta buộc phải để cho “thành phần kinh tế cá thể (hay tư nhân gì đó)” hình thành, và ngay lập tức, tất cả các hợp tác xã nông nghiệp đều tan rã!

Tuy nhiên, điều vừa nói không có nghĩa là ước mơ “người cày có ruộng” đã thành hiện thực. Vì quá ít đất, vì không có cách nào để thoát khỏi tình trạng canh tác lạc hậu, lại chịu đủ các thứ thuế khóa, thu nhập từ mảnh ruộng của người nông dân với con cái và cha mẹ già của họ không đủ cho họ có được cuộc sống bình thường. Nhiều gia định buộc phải bán “quyền canh tác” trên mảnh ruộng để đi vào thành phố, đến các khu công nghiệp tìm việc.

Mặt khác, không chỉ nông dân, mà ở đất nước này, với luật đất đai quy định đất là “sở hữu toàn dân” bất cứ ai cũng không thể trở thành chủ nhân thực sự của một tấc đất nào. Vì vậy, giấc mơ “người cày có ruộng” hoàn toàn và tuyệt đối là ảo mộng, không có nền tảng pháp lý nào để thành hiện thực. Hơn thế, bất cứ ai, vào bất kỳ giây phút nào, cũng có thể bị tống cổ khỏi ngôi nhà và mảnh đất mình đang ở ra đường, nếu không phải là các nhà hoạch định các dự án xây dựng hoặc có quan hệ mật thiết với những người này theo kiểu nào đó.
*
Một sự đảo lộn khác xảy ra trong tương quan giữa hai “phe”. Vào những năm 1950-1960, người ta bảo dân rằng nước ta là nước nằm trong “phe dân chủ”, cùng với hai nước đàn anh như Liên Xô, Trung Quốc và các nước bạn khác. Đối kháng với “phe dân chủ” là “phe đế quốc” hay “phe phản động”, gồm những bọn thối tha như Mỹ, Anh, Pháp,… Đến khoảng 1985-1986, “phe dân chủ” tiến hành “dân chủ hóa”, hóa ra lại làm những cái hơi giống như “phe đế quốc”. “Dân chủ hóa” làm ta từ chỗ rất xa với “đế quốc” tự nhiên xích lại gần nó mới hay chứ! (Giống như đang ở miền đất gần xích đạo, bảo nhau ở đây mát lắm, còn trên phía bắc kia nóng lắm, đến khi quyết định di cư cho mát hơn thì lại thấy chỗ ở mới nằm gần đường chí tuyến; bấy giờ mới biết phía bắc thực ra mát hơn nhiều, thậm chí mát lạnh.)
Điều người ta nói về ưu thế của CNXH hóa ra cũng là nói xạo. Ưu thế chi mà cái “phe dân chủ” đó mới hình thành hơn 4 thập niên đã sụp đổ tan tành. (Tất nhiên cũng có vị “to như rứa” bảo đó chỉ là tạm thời thôi. Cuối cùng thì CNCS cũng toàn thắng trên trái đất này, he he!)
*
Thêm một ví dụ về sự đảo lộn trong tiến trình “cách mạng” – cái này thì khía cạnh hài trội hơn. Đó là “tình hữu nghị Việt-Trung-Xô”. Dân ta, theo sự định hướng từ bên trên, đã từng coi Liên Xô, Trung Quốc không chỉ là bạn, là anh em ruột, mà còn coi là bậc thầy luôn luôn và tuyệt đối sáng suốt. Đã có rất nhiều bài viết về sự ngây thơ, ấu trĩ của người Việt ta vào thời kỳ cách hơn đây nửa thế kỷ.

 Chỉ xin dẫn một vài câu mà một vị bề trên dặn dò hạ cấp: “Các chú các cô không (nên) sợ người ta kêu mình kém tri thức, ít lý luận. Họ kêu thì bảo họ rằng tôi lú nhưng chú tôi khôn. Chú tôi là Stalin, Mao Trạch Đông…” hay: “… trung ương (ta) có thể sai, nhưng Mao Chủ Tịch không bao giờ sai.”

Riêng về quan hệ Việt-Trung thì có thể nói đến giờ đã thấy một sự đảo lộn 100%. Chỉ còn lại một nhóm người vì lý do “gì đó” còn muốn níu kéo nó. Cùng lúc, quan hệ Việt-Mỹ, bất chấp cản trở “ý thức hệ”, đang ngày một cắm rễ sâu. Về chuyện này, đã có người nói vui rằng chữ “Hoa” trong câu “Mối tình hữu nghị Việt-Hoa – Vừa là đồng chí vừa là anh em” được người nói ra ngầm gán cho một nghĩa đầy “thâm ý”, là nói về Hoa Kỳ (chứ không phải Trung Hoa)!!!
Cùng với sự đảo lộn này, Việt Nam ta đang từ vai trò “tiền đồn của phe XHCN” biến dần thành “tiền đồn chống chủ nghĩa bành trướng Đại Hán”. Với những chuyến đi kiểu ngoại giao con thoi, Mỹ, Nhật, Úc, Phi Luật Tân đang cố gắng đưa VN vào quỹ đạo để VN thực hiện sứ mạng này. Hy vọng rằng trong lần làm “tiền đồn” này, VN sẽ không bị Mỹ, Nhật đối xử theo kiểu hai ông anh trước đây, bởi tình thế bây giờ đã khác trước, và Mỹ, Nhật không phải là “đồng chí”, đồng thời VN không phải tiền đồn duy nhất.
*
Trở lại với “sự mỉa mai của lịch sử”. Vì sao chuyện như vậy thường xảy ra? Không có cách giải thích nào khác, ngoài lý do là vì những người khởi xướng cách mạng thiếu một tầm nhìn vừa xuyên lịch sử, vừa thấu hiểu những quy luật vận động của tâm lý quần chúng và tâm lý cá thể, trong đó có tâm lý của những kẻ cầm quyền. Họ đã ngây thơ cho rằng chỉ cần tổ chức giành được chính quyền, rồi nêu ra những điều giáo huấn, răn dạy đạo đức cho cấp dưới và cho quần chúng, nêu ra những mục tiêu rõ đẹp đẽ bằng các khẩu hiệu, nghị quyết, thì một xã hội tuyệt hảo sẽ hình thành trong một thời gian ngắn và ngày càng phát triển, ngày càng tươi đẹp. Họ đã không nêu ra được một cơ chế để bảo đảm sự phân lập, tránh tập trung quyền lực vào một cá nhân hoặc một nhóm người không có đối lập.

Chính vì muốn tránh đưa ra những mục tiêu và phương pháp cách mạng thiếu thực tế mà F. Engels đã để cho các đại biểu đại hội Quốc Tế Đệ Nhất, do Karl Marx và ông sáng lập, giải tán nó và lập ra Quốc Tế Đệ Nhị với những mục tiêu khác đi mà những người cộng sản sau này không muốn nhắc đến. Tuy nhiên, QT Đệ Nhị cũng đã thất bại.

Trong khi đó, ở một số quốc gia mà tiêu biểu là Pháp và Hoa Kỳ, người ta đã nêu ra và hiện thực hóa hệ thống “tam phân” (tripartite system), còn gọi rõ hơn là “tam quyền phân lập”, một cơ chế thực tế để ngăn chặn sự tập trung quyền lực vào một nhóm người. Bên cạnh đó, những bậc thầy về cách mạng cũng không mơ hồ vẽ ra những bức tranh tương lai toàn màu hồng, kiểu như “làm theo năng lực, hưởng theo nhu cầu”.

 Thực tiễn hơn hai thế kỷ qua cho thấy sức sống mãnh liệt và tính cách mạng thực sự của mô hình quyền lực đó.

Ở Việt Nam ngày càng thấy rõ rằng chỉ có đi theo con đường mà các nước văn minh đã đi qua mới có cơ hội thoát khỏi tấn bi hài kịch của mấy chục năm qua.
Nguồn: Quê Choa

CSVN lạm dụng FB

Việt Nam lạm dụng chức năng báo cáo của Facebook để bóp nghẹt những ý kiến đối lập

Tech Dirt

Timothy Geigner
Hoàng Thuyên lược dịch
Ngày 1 tháng 8, 2014

Thật là buồn cười khi thấy những nhà nước độc đoán, trên lý thuyết có thể vượt qua lề thói quan liêu khiến các xứ cộng hòa dân chủ chậm lụt, vậy mà đã không thể phản ứng nhanh chóng khi không kiểm soát internet được và cũng không biết lùi như thế nào. 

Thỉnh thoảng chúng ta lại thấy những ví dụ của nhà cầm quyền dùng các biện pháp toàn trị đối với dân của họ trên internet và các mạng xã hội, rồi sau đó thấy rằng các biện pháp đó không hữu hiệu, để rồi thay vì thoái lùi họ lại chỉ nhích xa một chút.

 Một ví dụ điển hình gần đây là Ukraine, khi họ cố gắng theo dõi và đe dọa những người biểu tình qua tin nhắn nhanh và qua công an, trước khi phải dẹp bỏ vụ tin nhắn nhanh, và rồi cuối cùng phải đầu hàng trước cuộc cách mạng làm thay đổi chế độ.

Việt Nam có vẻ đang trong tiến trình học cùng bài học. Quốc gia này thích tự khoác cho mình là một xã hội tự do, vậy mà họ mướn những người được gọi là "dư luận viên" trong hàng ngũ của cán bộ nhà nước. Công việc của họ là xem xét 25 triệu trang Facebook để tìm những ai có ý kiến đối lập và sau đó báo cáo các tài khoản này đến Facebook, mà dường như Facebook tuân theo bằng cách đóng các tài khoản này lại. Chuyện báo cáo này chỉ là một việc có tầm vóc nhỏ của nỗ lực ngăn chận của nhà nước.

Với sự tham gia của 25 triệu người dùng, Facebook đã trở thành mạng xã hội chính yếu tại quốc gia này. Kể từ ngày Facebook cất cánh tại Việt Nam năm 2009, giới chức trách đã thất bại trong nỗ lực kềm chế sự phát triển vượt bực của Facebook đang đóng vai trò làm môi trường cho tự do ngôn luận. Những nỗ lực ban đầu của giới chức trách để ngăn chận Facebook đã thất bại và chỉ khuyến khích giới cư dân mạng học cách vượt tường lửa và trở nên quen thuộc về việc bất tuân dân sự.

Thật là trớ trêu. Bạn cố gắng gây khó khăn cho người sử dụng internet và điều này chỉ làm cho họ rành hơn trong việc qua mặt bạn. Đấy là chuyện bình thường chứ không phải ngoại lệ. Nhưng thay vì rút tỉa từ bài học, nhà nước lại đi theo hướng độc đoán đóng tài khoản và cỏ vẻ như có sự tuân thủ của Facebook. Cần nói cho rõ, chủ nhân các tài khoản chỉ nói lên những điều bất bình chứ không là những người khủng bố.

Vào năm 2013, Đinh Nhật Uy, 30 tuổi, được biết đến là nhà hoạt động đầu tiên bị bắt giam vì các hoạt động của anh trên Facebook. Anh bị tuyên án là "lợi dụng các quyền tự do dân chủ" qua các cập nhật tình trạng (stt) kêu gọi thả người em trai của mình đã từng dùng mạng xã hội để nói lên những ý kiến đối lập. Việc giam giữ anh Uy đã gây nhiều chú ý, nhưng vẫn không làm giảm đi sự ưa chuộng dùng mạng xã hội này cho việc thảo luận chính trị và tổ chức.

Nói cách khác, các nỗ lực của nhà nước vẫn không đi đến đâu. Những nỗ lực để bóp nghẹt những sự bất bình với nhà nước như vầy chỉ sản sinh ra thêm những tác động cấp số nhân trên trong việc đối kháng mà chúng ta đã thấy tại Ukraine, Ai Cập, Tunisia, vân vân và vân vân, muôn đời và mãi mãi, amen. Đó là kết quả. Tôi không phải là thầy bói, nhưng đừng ngạc nhiên nếu bạn trông thấy các cuộc biểu tình nở rộ hàng loạt, hệ quả của phương cách độc đoán này. Và nếu nhà cầm quyền còn nghĩ đến quyền hành thì xoay chiều ngay lập tức là điều cần phải làm.
Và, dĩ nhiên, chúng ta cũng đừng để Facebook qua một bên trong vụ này. Đã đến lúc mạng xã hội khổng lồ này phải lên tiếng về việc bịt miệng có động cơ chính trị quá hiển nhiên này. Họ phải giữ lập trường ý thức hệ lỏng lẻo nếu muốn hoạt động toàn cầu, tuy nhiên cũng có những việc đi quá đà và hành vi của nhà cầm quyền Việt Nam rõ ràng là loại việc đi quá đà mà mọi người có thể dễ dàng lên tiếng để chống lại.
Dẫu cách nào đi nữa cuối cùng cũng không có biện pháp nào hữu hiệu cả. Trong tương lai gần hãy đón chờ những bài viết khác của chúng tôi hả hê về vụ này.
***
Vietnam Abusing Facebook Reporting Tools To Stifle Dissent
Timothy Geigner - Tech Dirt
Aug 1, 2014

It’s funny how strong-arming governments, theoretically able to bypass the red-tape that makes republics and democracies so slow-moving, just can’t produce that kind of nimble posture when walking back their attempts to thought-control the internet. 

Time and again, we find examples of governments taking Orwellian measures against their own people on internet sites and social media networks, finding them to be far less useful than they’d thought, and then merely inching away from those attempts rather than outright reversing them. Ukraine recently served as an example of this, when they attempted to track and creep-out protesters via text messages and police action, before then walking back the text message portion and then finally succumbing to regime-changing revolution.

Vietnam appears to be in the process of learning the same lesson. The country that likes to style themselves a free society apparently employs so-called "opinion shapers" in their government ranks. Those folks’ job is to scour the 25 million Vietnamese Facebook users to find anyone critical of the government and then report their accounts to Facebook, which appears to be complying by shutting down the accounts. This, by the way, is the scaled back version of the government interference
With 25 million Vietnamese users, Facebook is the social network in the country. Since Facebook took off in Vietnam in 2009, authorities have tried unsuccessfully to restrict its explosive growth and role as a medium for free expression. Early attempts by authorities to block Facebook did not succeed and only encouraged netizens to learn how to circumvent and became versed in civil disobedience.
Go figure. You try to clamp down citizens’ use of the internet and all that does is make them really good at getting around your attempts to block them. That’s the norm, not the exception. But rather than learn their lesson, the government just went with the heavy-handed account shutdown approach, apparently aided by a compliant Facebook. And just so we’re clear, we’re talking about normal grievances here, not terrorists.
In 2013, 30-year old Dinh Nhat Uy was the first Vietnamese activist known to be arrested for his activities on Facebook. He was convicted for “abusing democratic freedoms” through status updates calling for the release of his younger brother who also used social media to express dissent. Uy’s arrest sparked widespread attention but did not temper enthusiasm for using the social network for political discussion and organizing.

In other words, it still isn’t working. Again, this kind of attempt to stifle public grievances with the government is only going to produce the kind of multiplier effect on dissent that we saw in Ukraine, in Egypt, in Tunisia, etcetera, etcetera, forever and ever, amen. That’s how this works. I’m not prognosticator, but don’t be surprised if you see protests in Vietnam spring up en masse as a result of this heavy-handed approach. And if the government plans on sticking around, a rather abrupt about-face on all this is severely warranted.
And, oh by the way, let’s not leave Facebook out of this, either. It’s about time the social media giant began taking a stance on this kind of obvious political silencing. They have to keep ideological stances pretty loose, assuming they want to continue operating world-wide, but there is such a thing as going a bridge too far and the Vietnamese government’s actions certainly seem like the kind of thing that would be easy to stand against.
Either way, none of this will end up working. Expect gloating posts from us in the not-too-distant future.
Tech Dirt
DienDanCTM

Phản tỉnh nửa vời

Ðảng viên CS Nguyễn Ðăng Trừng bị khai trừ, một bài học cho những
đảng viên CS phản tỉnh nửa vời
 
Thiện Ý - VOA

Ngày 30-7, ông Trần Văn Nam, Ủy viên Ủy ban Kiểm tra Thành ủy TP HCM – đã công bố Quyết định số 3030 – QĐNS/TU về việc thi hành kỷ luật đảng viên Nguyễn Đăng Trừng, Bí thư Đảng đoàn, luật sư Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP HCM.
Sau khi đọc bản tin trên mạng internet, chúng tôi không ngạc nhiên mà chỉ tiếc là ông Nguyễn Đăng Trừng đã không hành động như người bạn đồng môn chí thân Lê Hiếu Đằng, cũng là đồng chí hoạt động nằm vùng cho Việt cộng và trở thành một trong những thủ lãnh hàng đầu của cái gọi là “Phong trào thanh niên, sinh viên, học sinh đấu tranh chống Mỹ-Ngụy” (Sau đây xin gọi tắt “Phong trào”).

Lê Hiếu Đằng đã “phản tỉnh” trước khi qua đời một thời gian ngắn, tuy muộn màng, nhưng dứt khoát bằng hành động tự thú sai lầm và công khai tuyên bố quyết định ra khỏi đảng Cộng sản Việt Nam (CSVN), cùng một số hành động sau đó. 

Trong khi Nguyễn Đăng Trừng, theo chỗ chúng tôi được biết, cũng đã “phản tỉnh” từ lâu như Lê Hiếu Đằng và hầu hết các đảng viên được kết nạp qua “Phong trào”, nhưng vẫn giấu mặt, để giờ đây bị khai trừ khỏi đảng. Đã thế, điều gây thắc mắc cho mọi người quan tâm, là không biết luật sư Nguyễn Đăng Trừng nghĩ sao, có toan tính gì mà lại gửi văn thư số 135D/ĐLS ngày 1-8-2014 “Về việc yêu cầu thu hồi quyết định kỷ luật”?

I/- ĐÔI NÉT VỀ LUẬT SƯ NGUYỄN ĐĂNG TRỪNG

Luật sư Nguyễn Đăng Trừng sinh năm 1942 tại Quảng Ngãi, học luật tại Đại học Luật khoa Sài Gòn cùng với người em trai là Nguyễn Đăng Liêm, cả hai đều được Việt cộng móc nối tham gia “Phong trào” và được bí mật kết nạp vào đảng CSVN. Nguyễn ĐăngTrừng, từng là Chủ tịch Ban Đại diện Sinh viên đoàn Luật khoa và Chủ tịch Tổng Hội Sinh viên Sài Gòn. Trong biến cố Tết Mậu Thân 1968, Nguyễn Đăng Trừng cùng Lê Hiếu Đằng tham gia “Liên minh các Lực lượng Dân tộc Dân chủ và Hòa bình” của Luật sư Trịnh Đình Thảo như một lực lượng chính trị quần chúng hổ trợ cho cái gọi là cuộc “Tổng tiến công và nổi dậy” trên khắp các thành thị Miền Nam để cướp chính quyền. Vì tham gia Liên minh này, Nguyễn Đăng Trừng và một số cựu sinh viên luật nằm vùng khác cũng như nhiều sinh viên nằm vùng ở các phân khoa khác đã lộ mặt nên phải trốn vào bưng, sau khi làm cuộc “Tổng tiến công” mà không thấy nhân dân nổi dậy (mà chỉ thấy nhân dân bỏ chạy khi VC đến) nên đã bị thảm bại.

Sau 30-4-1975 cả hai anh em Trừng và Liêm đều trở thành sĩ quan công an tại Thành phố HCM. Theo một công an là cấp dưới của Nguyễn Đăng Trừng phạm tội tham ô bị nhốt chung phòng với người viết ở Sở Công an Thành phố khoảng năm 1979-1980, thì lúc đó Trừng mang cấp bậc Đại úy công an Đội trưởng KT.2 (Phòng bảo vệ kinh tế).

 Người công an này cho biết ông Trừng rất thanh liêm, điển hình là tem phiếu cấp mua xăng dùng không hết thì trả lại, không đem bán lại kiếm thêm tiền “cải thiện” (đời sống vốn khó khăn lúc bấy giờ) như phần đông cán bộ công nhân viên khác. Ông Trừng chỉ có tật hay nổi nóng với cấp dưới….

Sau này chúng tôi được biết thêm, Nguyễn Đăng Trừng cùng em trai là Trung úy Công an Nguyễn Đăng Liêm (từng giữ chức Trưởng Công an Cảng Sài Gòn) đều bị thuyên chuyển ra khỏi ngành công an. Nguyễn Đăng Trừng thì thuyên chuyển qua giữ chức Phó Đoàn bào chữa viên nhân dân Thành phố HCM (lúc đó chưa có quy chế luật sư đoàn) mà Trưởng đoàn là Triệu Quốc Mạnh, một Thẩm phán công tố Việt Nam Cộng Hòa, cũng là một đồng môn luật khoa hoạt động nằm vùng cho Việt cộng. Năm 1989 Đoàn Luật sư Thành phố HCM được thành lập, một thời gian sau, Triệu Quốc Mạnh được cử làm Khoa Trưởng trường luật đầu tiên tại Sài Gòn để đáp ứng với chính sách “Mở cửa”, Nguyễn Đăng Trừng lên thay làm Chủ nhiệm đoàn Luật sư Thành phố HCM cho đến ngày bị khai trừ khỏi đảng, trước khi tổ chức Đại hội Đoàn Luật sư TP HCM nhiệm kỳ VI (2013-2018).

Lý do Nguyễn Đăng Trừng bị khai trừ khỏi đảng CSVN theo Quyết định khai trừ ngày 30-7-2014 là vì “Theo Kết luận của Ban Thường vụ Thành ủy TP HCM, từ năm 2012, đảng viên Nguyễn Đăng Trừng - Bí thư Đảng đoàn, Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP HCM – trong lãnh đạo, điều hành hoạt động của Đảng đoàn đã có khuyết điểm, vi phạm, xem nhẹ vai trò lãnh đạo của Đảng đoàn đối với hoạt động của Đoàn Luật sư TP HCM, không tổ chức cho Đảng đoàn thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Đảng đoàn theo Quy chế làm việc đã ban hành. Thực hiện công tác phân công, bổ nhiệm, đề bạt một số cán bộ tại Đoàn Luật sư TP HCM vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ trong công tác cán bộ của Đảng, vi phạm Quy chế làm việc của Đảng đoàn. Chỉ đạo chuẩn bị nhân sự Đại hội Đoàn Luật sư TP HCM nhiệm kỳ VI (2013-2018) không đúng quy trình, thiếu công khai, minh bạch, phong cách lãnh đạo thiếu dân chủ, độc đoán…”

Như vậy là quá rõ, tóm gọn lý do Nguyễn Đăng Trừng bị khai trừ là vì đã thực hiện nhiệm vụ Chủ nhiệm Đoàn Luật sư Thành Phố HCM một cách tùy tiện theo sáng kiến cá nhân, ra ngoài sự lãnh đạo của Đảng.

II/- MỘT BÀI HỌC CHO CÁC ĐẢNG VIÊN CỘNG SẢN PHẢN TỈNH NỬA VỜI

Ls Nguyễn Đăng Trừng là một đồng môn Luật khoa Sài Gòn, không xa lạ với người viết, song không phải là bạn, càng không phải là “đồng chí” về mặt lý tưởng, vì ngay từ thời tuổi trẻ đến nay người viết vẫn đứng trên lập trường Quốc gia Dân Tộc, kiên trì đấu tranh cho lý tưởng tự do, dân chủ. Trong khi đồng môn Nguyễn Đăng Trừng cho đến lúc này bề ngoài vẫn tỏ ra trung thành với lý tưởng cộng sản, thể hiện qua thực tế vẫn đứng trong hàng ngũ của đảng CSVN, dù bị khai trừ vẫn gửi thư yêu cầu lãnh đạo đảng bộ Thành phố HCM rút lại quyết định khai trừ.

Thế nhưng, theo nhận định của chúng tôi, Ls Nguyễn Đăng Trừng cũng như cố Luật gia Lê Hiếu Đằng và hầu hết các đảng viên đảng CSVN nói chung, các đảng viên được kết nạp vào đảng qua “Phong trào” trước năm 1975 nói riêng, nhờ thực tế đều đã lần hồi “phản tỉnh” từ lâu.

Nhưng tất cả chỉ là sự “phản tỉnh nửa vời và còn giấu mặt” vì không dám công khai nói lên sự phản tỉnh của mình và không dám có những hành động cụ thể, tích cực tiếp theo để cải sửa những sai lầm của đảng CSVN, để chứng tỏ một sự phản tỉnh hoàn toàn.Vì vậy, về mặt khách quan, người ta cho rằng họ là những kẻ vì sợ bị bộ máy chuyên chính trấn áp, sợ tù tội, sợ mất đặc quyền, đặc lợi vốn dành cho giai cấp cán bộ đảng viên, nên đã chọn thái độ “mũ ni che tai” hay “ngậm miệng ăn tiền”. 

Nhưng về mặt chủ quan, để biện minh cho thái độ này thì cho đây là sự chọn lựa khôn ngoan, phù hợp với thực tế khi mà tương quan lực lượng vẫn chưa cân sức giữa đảng và chế độ độc tài toàn trị CS tại Việt Nam với các lực lượng chống đảng và chế độ. Nghĩa là “tình thế cách mạng chưa chín muồi” nên các đảng viên dù phản tỉnh vẫn giấu mặt chờ thời, để có “vỏ bọc đảng viên” thực hiện “đấu tranh nội bộ” chống lại những sai trái của Đảng, dù không đạt hiệu quả cao, nhưng an toàn và ít nhiều góp phần thúc đẩy Đảng lùi dần về phía dân chủ, tạo ra “tình thế cách mạng chín muồi”. Đây là cách biện minh của những đảng viên CS phản tỉnh nửa vời. Phải chăng Nguyễn Đăng Trừng cũng đã và đang thực hiện theo cách biện minh này?

Cách biện minh trên có phải chỉ là ngụy biện để che đậy thực chất hèn nhát của các đảng viên CS dù phản tỉnh vẫn không giám công khai nói lên và chứng tỏ sự phản tỉnh của mình bằng hành động? Để có câu trả lời chính xác, đề nghị các đảng viên CS sản phản tỉnh nửa vời và còn giấu mặt hãy đọc lại lời của cựu đảng viên Lê Hiếu Đằng sau khi phản tỉnh đã Viết trong những ngày nằm bịnh như lời trăn trối với các đồng chí cùng cảnh ngộ trước khi nhắm mắt, rằng “ … Tôi muốn nhắn anh chị em đảng viên trong đảng còn tâm huyết thì không có thời điểm nào thuận lợi bằng thời điểm này để tỏ thái độ để đấu tranh. Nếu bây giờ cứ nói tình hình lúc này chưa chín muồi, hoặc là chưa đúng lúc, thì bao giờ mới đúng lúc, mới chín muồi? Chính mình phải tác động để tình hình chín muồi chứ không lẽ ngồi chờ sung rụng à? Quan điểm ấy rất là tiêu cực, mọi người phải tích cực lên, đấu tranh mạnh mẽ, kể cả không sợ bắt bớ tù đày.. .. Tôi hy vọng nhân sỹ trí thức đừng có đặt vấn đề chưa chín muồi hoặc là chưa đúng lúc. Chín muồi là do tác động của xã hội dân sự. Xã hội dân sự mạnh lên thì sẽ có tác động. Mà muốn xã hội dân sự mạnh thì nhân sỹ trí thức phải làm.Vậy thôi.” Nguồn Bô Xít VN

Vậy thì, từ sự kiện đảng viên CS Nguyễn Đăng Trừng bị khai trừ khỏi đảng, những đảng viên CS phản tỉnh nửa vời và còn giấu mặt cần rút ra bài học kinh nghiệm gì?

Theo thiển ý, để tránh tình trạng bị “bắn sẻ” như đảng viên Nguyễn Đăng Trừng (khai trừ từng đảng viên phản tỉnh, phản đảng) hay “phản tỉnh lẻ tẻ” chẳng có hiệu quả gì, cần thiết phải có sự liên kết “phản tỉnh tập thể” cùng lúc của tất cả các đảng viên đã và đang “phản tỉnh nửa vời và còn giấu mặt”.

 Vì chỉ có như thế mới tạo được sức mạnh và sức nặng tổng hợp đủ vô hiệu hóa lực lượng bảo vệ nền chuyên chính vô sản (bảo vệ Đảng), tạo ra được “Tình thế cách mạng chín muồi”, buộc được “bộ não xơ cứng của đảng” phải chuyển đổi theo ý nguyện của nhân nhân và chiều hướng có lợi cho dân cho nước.

Nguồn: http://www.voatiengviet.com/content/dang-vien-cs-nguyen-dang-trung-bi-khai-tru/2411231.html








No comments:

Post a Comment

Nhân quyền và bạo quyền

VTV-[Trang Lê Mới Nhất] chửi từ nhà ra phố, Trọng Lú sợ vỡ mật

https://www.youtube.com/results?search_query=Trang+L%C3%AA+%28B%C3%A0+Ngo%E1%BA%A1i%29

Featured Post

Bản Tin cuối ngày-19/11/2024

Popular Posts

My Blog List