18/12/2013
Trại giam K3, Xuyên Mộc – Bà Rịa – Vũng Tàu – Lần thăm
Kha đầu tiên
Đinh Nhật Uy
13/12/2013. Tôi lên trại tạm giam công an Tỉnh Long An thì nhận
được tin báo rằng Đinh Nguyên Kha đã chuyển đi đến trại giam Bộ Công An tại
Xuyên Mộc - Bà Rịa - Vũng Tàu vào ngày 11/12/2013. Gia đình tôi không nhận được
bất kỳ một thông báo nào khác từ Kha hay từ nhà giam. Tôi chỉ biết hỏi thăm những
gia đình tù nhân khác để có thêm chi tiết trang bị cho chuyến đi Xuyên Mộc vài
ngày sắp tới.
15/12/2013. Tối, tôi và chị đã chuẩn bị đầy đủ mọi thứ cần thiết
cho chuyến thăm nuôi đầu tiên tại khu trại giam xa xôi, hẻo lánh. Bản đồ từ dẫn
đường từ Google được in ra giấy. Hai chị em nhìn nhau như muốn nói: “đường đi
chua loét”.
16/12/2013. 5h sáng chúng tôi khởi hành bằng xe máy. Trời âm u,
gió lạnh cóng cả đôi bàn tay. Phóng xe trên quảng đường dài nhưng không mệt
mỏi, vì tâm trạng bồn chồn, nôn nao muốn gặp lại người em đang đơn độc ở nơi xa
xăm khắc nghiệt. Rừng cao su nối tiếp trùng trùng bao bọc lấy con đường nhựa
hẹp teo loang lỗ bùn lầy. Mưa lất phất, mây xám dầy đặc làm không gian thêm ảm
đạm.
Vì không biết Kha bị đưa đến phân khu nào thuộc trại giam Xuyên
Mộc, nên tôi đành phải đi hỏi và nhờ xác minh từng phân khu. Chạy dọc theo tỉnh
lộ 764 đến Sông Ray, tôi đến một phân khu nằm men theo con lộ. Tôi vào hỏi thăm
để xác minh thì họ bảo rằng không có ai tên Đinh Nguyên Kha cả. Họ hướng dẫn
tôi đi tiếp đến khu K1 để biết thông tin.
Tiếp tục theo tỉnh lộ 764 rồi đến tỉnh lộ 328, tôi đến được phân
khu K1 trại giam Xuyên Mộc. Làm thủ tục tại phòng bảo vệ, tôi được hướng dẫn đi
bộ vào sâu bên trong hơn 300 m đến nhà thăm gặp. Tại đây, tôi tiếp tục hỏi thăm
về tù nhân chính trị Đinh Nguyên Kha. Một cán bộ trại giam già trả lời rằng: ”Ở
đây không nhốt tù chính trị, lên khu K3 hỏi đi”.
Tôi đi ngược ra cổng bảo vệ và
nhờ anh này hướng dẫn đường lên phân khu K3. Theo tỉnh lộ 328, cách khu K1
khoảng 5 km, tôi tìm gặp khu K3. Rẽ vào con đường nhỏ ngoằn ngoèo, đi thêm 3 km
nữa, tôi đến được khu K3.
10h30. Khu trại K3 hẻo lánh, nằm giữa rừng cao su bạt ngàn, lạnh
ngắt. Phòng thăm nuôi vắng tanh, đếm được khoảng 5 người. Chị tôi đi vào bàn
làm thủ tục gặp mặt. Một cán bộ nữ cau có đòi hỏi thăm nuôi phải có “sổ thăm nuôi”
thì mới làm được thủ tục. Nhưng chúng tôi chỉ mới đi lần đầu tiên thì làm gì có
sổ. Tranh luận một ít phút, một anh cán bộ trung úy trẻ đến giải quyết và hướng
dẫn chúng tôi ra nghế đá ngồi chờ. Khoảng 10 phút sau, anh này đề nghị chúng
tôi giao chứng minh thư để làm thủ tục.
Làm thủ tục xong, khoảng 5 phút sau,
Kha được dẫn ra, trên người khoác nguyên bộ đồ “tút”. Ba chị em gặp nhau hớn
hở, Kha cười nhe răng khoe cả lợi. (“Tút” :Đồ phạm nhân sọc trắng đen – trong
trại giam, chúng tôi hay gọi vui bộ đồ này theo đồng phục đội bóng Juventus –
và chỉ những người tù đang thi hành án).
Phòng thăm gặp rộng khoảng 40 m vuông, ba dãy bàn kê sát vào nhau,
người tù và người nhà ngồi đối diện, tay có thể trao tay. Dưới sự giám sát của
3 cán bộ trại giam, chúng tôi trò chuyện thân mật, vui vẽ, bình thường.
- Sao em trai, chuyển lên hồi nào mà không lời từ giã vậy?
- Họ chuyển em đi lúc 3h sang ngày 11/12/2013. Em có nhờ cán bộ
nhắn dùm gia đình mình là em chuyển đi Xuyên Mộc. Không ai nhắn lại cho anh hả?
- Không, anh chẳng nhận được tin gì cả, ngày 13/12/2013 anh lên
thăm em mới biết em chuyển lên đây. Lần mò đã mới biết em ở nơi này.
- Ở đây, tình hình ăn ở và sinh hoạt như thế nào?
- Sức khỏe em tốt, tự tập thể dục đều đặn nên không bị béo phì. Em
bị nhốt chung với anh Cường (Nguyễn Ngọc Cường). Phòng giam cách ly, chỉ có 2 anh
em ở chung. Còn anh Thức (Trần Huỳnh Duy Thức) thì bị nhốt 1 mình. Ở đây, anh
Thức bị coi là nguy hiểm nhất đó (Kha cười).
- Sao em biết các anh đó vậy?
- Mỗi sáng, các anh em khu giam cách ly được ra phơi nắng. Em nhìn
thấy được các anh ở phòng xung quanh. Anh Cường và các anh nơi đây dạy em rất nhiều
điều hay và em học hỏi được rất nhiều từ họ.
- Vậy ở đây có khoảng bao nhiêu tù chính trị mà em biết?
- Dạ khoảng hơn 10 người. Anh Trí, anh Hùng, anh Tuấn và nhiều anh
khác nữa. Khu giam cách ly này, họ nhốt riêng tù chính trị.
- Em không thắc mắc rằng hôm nay đi thăm nuôi mà không có Mẹ?
- Em biết Mẹ và bác Huỳnh đi Mỹ vận động nhân quyền nên em không
hỏi. Thông tin trong này em cũng “update” liên tục thông qua các anh lân cận. Không
bị lỗi thời đâu.
- Vậy thì hiện giờ em suy nghĩ như thế nào về trường hợp của mình
và các anh em tù chính trị khác?
- Anh Cường và anh Thức đã dạy cho em biết phải cứng cỏi và luôn
đặt niềm tin vào sự tiến triển dân chủ của Việt Nam hiện tại. Em và các anh không
sợ ngồi tù đâu, vì nó sẽ kết thúc sớm trong nay mai. (Kha cười).
Chị tôi kể về những khó khăn vấp phải trong suốt thời gian mà cả
hai anh em tôi đều phải “nhập kho”. Rồi kể về những niềm vui, lòng tự hào về
anh em tranh đấu.
Chị tôi và Kha nói về cuộc sống gia đình, trao đổi về vấn đề
gửi nhận đồ thăm nuôi. Đến đây Kha chợt nhớ gì đó và ngắt lời. Kha nhờ cán bộ
trại giam đưa cho tôi một bao màu trắng chứa đồ của Kha:
- Đồ này bị trả về gia đình, ở đây họ không cho sử dụng những thứ
này.
- Sao sách dạy kỹ thuật, tạp chí, tự học anh văn và bộ luật hình
sự mà trả lại?
- Ở trại này không cho
đọc sách và không cho gửi sách vào nữa. Cả lá thư cháu My gửi vào họ cũng trả
lại luôn, mấy tấm hình nữa . Không hiểu sao nữa, tại sao trại Long An cho mà ở
đây không cho? Cũng là trại của Bộ Công an hết mà, không lẽ có một thế lực nào
khác ngăn cấm ha? Anh phải liên lạc Cục Quản lý phạm nhân giúp em, yêu cầu có
văn bản trả lời nhé. Em đang thắc mắc và bực bội lắm.
- Cái gì cũng vậy, phải qua một thời gian dài tranh đấu mới đạt
được kết quả. Anh sẽ làm rõ vấn đề này.
Đến đây, cán bộ trại giam giao cho tôi bao đồ của Kha, và Kha ký
biên bản giao nhận. Thời gian thăm nuôi
cũng đã hết. Khoảng 30 phút,
tôi biết được em trai của mình đã tiến bộ lên rất nhiều. Hãnh diện về em.
Chúng tôi chia tay và gửi lời thăm sức khỏe đến các anh. Hẹn gặp
lại.
Đ.N.U.
Nguồn: facebook.com
Nhãn: Nhân
quyền
No comments:
Post a Comment
Nhân quyền và bạo quyền