Wednesday, December 18, 2013

Để bớt những vụ chết người đáng tiếc trong tay công an


Để bớt những vụ chết người đáng tiếc trong tay công an

Hồn Nhiên
13/12/2013 07:30 (GMT + 7)

TT – Cần sớm tổ chức việc giáo dục và tuyên truyền rộng nội dung Công ước của Liên Hiệp Quốc về chống tra tấn mà Việt Nam vừa ký kết để bớt xảy ra những vụ việc đáng tiếc.

1
Đã có những cái chết tức tưởi và những vụ khởi tố bắt giam nhân viên công lực, mà lẽ ra không được phép xảy ra, như vụ mới nhất xảy ra hôm 27-11 vừa qua ở Đắk Lắk khi hai công dân, bị nghi là đã bắt trộm bò của một công dân khác, nên bị công an xã triệu tập làm rõ. 

Không rõ điều tra như thế nào mà một công dân khai nhận đã trộm bò, trong khi một công dân khác không chịu nhận dẫn đến việc hai công an viên thượng cẳng chân hạ cẳng tay đến đầu giờ chiều thì gia đình công dân này được báo là thân nhân của họ đã chết tại bệnh viện. 

Công an tỉnh đã khám nghiệm tử thi người thiệt mạng. 10 ngày sau, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Đắk Lắk đã khởi tố, bắt tạm giam 4 tháng hai công an viên liên quan về hành vi giết người.

Vụ này na ná vụ một công dân khác, lần này ở Hà Nội, vì bị nghi là liên quan đến một vụ trộm xe gắn máy và do không xuất trình được giấy tờ tùy thân và giấy tờ xe nên bị công an huyện mời về trụ sở. Theo cáo trạng của Viện Kiểm sát, trong lúc lấy lời khai, cho rằng công dân này không khai báo nên cán bộ điều tra đã xông vào tát, sau đó một số công an khác chạy đến đấm và đạp… Ít phút sau, công dân nọ gục xuống… 

Ngày 10-4 năm nay, Tòa án nhân dân TP Hà Nội đã mở phiên xử bảy công an liên quan trên. Hội đồng xét xử nhận xét các cựu công an này biết việc dùng vũ lực đánh người là không được phép nhưng vẫn thực hiện.

Sau những vụ như vụ này, công luận đã bức xúc bình phẩm nhiều. Có ý kiến nêu ra hai vấn đề: “Không hiểu rằng công an có được học nghiệp vụ về hỏi cung không, hay nghiệp vụ hỏi cung là vậy sao? Bao giờ thì thay đổi được?”.
Trong bối cảnh mới vừa ký kết Công ước của Liên Hiệp Quốc về chống tra tấn và trừng phạt hoặc đối xử tàn nhẫn, vô nhân đạo hoặc làm mất phẩm giá” (gọi tắt là Công ước chống tra tấn) hôm 7-11 vừa qua, có thể thử nêu giả thiết sau: nếu như công ước trên đã được học tập rộng rãi, sâu sắc trước và sau khi ký,và rằng đại đa số nhân viên các ngành liên quan đã được biết, hiểu đủ và đúng tinh thần công ước đó, có lẽ vụ công dân ở Đắk Lắk phải thiệt mạng hôm 27-11 đã có thể tránh khỏi.

Tin rằng đây không phải là một giả tưởng mà là một niềm tin, do lẽ chính báo Nhân Dân (ngày 8-11-2013) khi loan tin ký kết công ước này đã nhấn mạnh “đây là văn kiện quốc tế quan trọng về quyền con người, nhằm ngăn ngừa các hành vi tra tấn”, và đề xuất “tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền để nâng cao nhận thức, thúc đẩy xây dựng các cơ chế bảo vệ nạn nhân…”.

Trở lại vụ ở Đắk Lắk hôm 27- 11, tức 20 ngày sau khi công ước được ký, nếu như hai công an viên nọ đã sớm được giáo dục ngay về công ước này thì họ đã có thể biết và hiểu rằng “tra tấn có nghĩa là bất cứ hành vi nào qua đó cố tình gây ra đau đớn hay đau khổ nghiêm trọng, bất kể vật chất hay tinh thần, nhắm vào một người nhằm mục đích thu được từ người ấy hay một người thứ ba thông tin hay tự khai…”. (điều 1, khoản 1 công ước) và có lẽ công dân nọ đã không phải chết vì… công dân kia đã khai nhận, sao công dân nọ lại không chịu nhận? 

Thậm chí công dân đã chịu khai nhận kia cũng sẽ không khai nhận nếu như bản thân công dân ấy cùng các công an viên nọ đều biết và hiểu rằng: “Mọi lời khai được xem là kết quả của sự tra tấn sẽ không được viện dẫn như là chứng cứ trong mọi tiến trình xét xử nào, ngoại trừ việc dùng như là chứng cứ chống lại một ai đã tra tấn để lấy lời khai đó” (điều 15 công ước).

Có thể tin chắc rằng công ước này đã được ký vì muốn nhằm tiến đến chấm dứt những hành vi phi pháp và đáng tiếc đó. Việc ngày 9-12, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Đắk Lắk đã khởi tố, bắt tạm giam các công an viên này về hành vi giết người là một minh chứng cho ý muốn thay đổi đó. 

Có thể tin rằng sẽ sớm tổ chức học công ước này, không nhất thiết học thuộc lòng cả 33 điều của công ước mà Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc đã thông qua cách đây đúng 29 năm, vào ngày 10-12-1984, mà chỉ cần biết, hiểu, nhớ và tuân thủ hai điều 1 và 15 căn bản nêu trên; và nhờ đó sẽ bớt xảy ra những vụ việc thương tâm và đáng tiếc tương tự.
DANH ĐỨC

TRAO TRỌN NIỀM TIN – CÓ NÊN KHÔNG?

Nguyễn Văn Thạnh
Xã hội càng văn minh, càng hiện đại thì con người càng phải tin nhau. Xã hội mất niềm tin là mất tất cả: khi đó mọi giao dịch kinh tế, mọi hoạt động sống đều khó khăn. Kinh tế học cho ta thấy chi phí giao dịch trong xã hội khi mất niềm tin sẽ tăng vọt. Sống trong nghi ngờ luôn làm chúng ta lo âu, mệt mỏi.
Xã hội cần niềm tin nhưng trao trọn niềm tin, có nên không?
Tôi xin tiếp tục câu chuyện ngày 10.12.2013, tại trụ sở công an Phường Hòa Minh-Quận Liên Chiểu-Tp Đà Nẵng. Để có thể theo dõi câu chuyện, các bạn mới xin đọc trước bài này.
Khi tôi mang đơn trình báo bị đánh và bị cướp, một công an viên (hiện tôi không còn nhớ tên) tiếp tôi, anh ta nhận đơn và lay ra một tờ giấy để lập biên bản, rồi anh ta lấy ra một tờ khác để lấy lời khai của tôi. 

Anh ta hỏi tôi một số câu hỏi và tôi trả lời. 

Tình tiết làm việc giống như một vụ đánh, cướp thật sự. 

Khi chúng tôi làm việc được một nửa thời gian thì viên Trung Tá Nguyễn Đắc Mười đến đứng bên cạnh. Nói thật, lúc đó tôi cố gắng trả lời cho xong “vở kịch” chứ trong lòng chán nản vô cùng. Tôi biết chân tướng sự việc nó như thế nào rồi.

Sau khi hỏi đáp xong, chép mỏi cả tay, anh công viên hỏi tôi còn nói gì nữa không? Tôi trả lời không. Anh ta bảo, chúng tôi sẽ điều tra, khi nào bắt được vụ nào đó ăn cướp, trong quá trình điều tra, nếu có tìm ra đường dây và nếu thu hồi được máy tính bảng thì sẽ gọi anh lên. 

Nghe đến đây, trong lòng tôi buồn tê tái và chán nản vô cùng. Như trong bài viết trước, tôi biết đó là câu chuyện vô vọng. Họ đâu có ngu mà đi tóm được kẻ đánh tôi, cướp đồ của tôi.

Trong tâm trạng uể oải, tôi xem lại, ký vào các biên bản làm việc, tôi hỏi còn phải làm gì nữa không? 

Anh công an viên trả lời hết, anh có thể đi về. Tôi nói: tôi có thể có một một tờ biên nhận hay tờ biên bản gì để làm bằng chứng cho việc tôi trình báo không? 

Anh công an viên bảo không. 

Anh nói tiếp “chúng tôi đã tiếp nhận đơn trình báo của anh, tôi sẽ trình báo lên lãnh đạo để cho người điều tra, làm rõ vụ việc, nếu có kết quả thì sẽ liên lạc với anh”. 

Tôi nhìn lên ông Trung Tá Nguyễn Đắc Mười, nãy giờ vẫn đứng bên cạnh quan sát chúng tôi làm việc. 

Tôi hướng về phía ông và nói “vậy tôi chỉ còn cách trao trọn niềm tin cho các anh?”. Ông ta bảo “đúng vậy, nhưng tôi biết riêng anh sẽ không tin đâu”. Vừa nói ông vừa cười hờ hờ có vẻ tràn đầy tự tin.

Nghe ông nói vậy tôi còn chỉ biết cười chua chát, nụ cười nở trên một khuôn mặt chán nản, não lòng. 

Tôi ra về, ngoài đường dòng người tấp nập ngược xui. Mấy ai trong số họ biết rằng, công dân Việt Nam khi đến làm việc chỉ có cách trao trọn niềm tin cho cơ quan công an. 

Không có một chứng tích, chứng từ gì chứng minh họ đã đến cơ quan công an làm việc trình báo, như hoàn cảnh hiện tại của tôi.

Một đôi trẻ trông có vẻ hạnh phúc, cô gái ôm sát, có vẻ âu yếm bạn trai, chạy xe chầm chậm qua tôi, họ vừa thông thả đi, vừa nói cười ríu rít. Bao quanh họ như một bầu không khí tràn ngập hạnh phúc của tình yêu. Rồi đây, như bao cuộc tình khác, sau một thời gian tìm hiểu, yêu đương, tin cậy nhau, có thể họ sẽ kết hôn với nhau. Tôi không biết họ có đủ hiểu nhau, tin nhau để có thể “trao trọn niềm tin” mà không làm giấy đăng ký kết hôn không? (Giả sử luật không bắt buộc họ đăng ký kết hôn).

Câu chuyện trao trọn niềm tin không chỉ xảy ra khi tôi làm đơn trình báo cho công an phường Hòa Minh. Sau khi tôi bị kẻ lạ mặt đeo báo, lạng lách, lấy cớ đụng xe để đánh tôi, tôi làm đơn trình báo lên giám đốc công an Tp Đà Nẵng. Người tiếp nhận đơn báo của tôi cũng nói là “đã tiếp nhận, sẽ chuyển lên lãnh đạo”. Như lần trước, tôi cũng chỉ còn cách trao trọn niềm tin rồi đi về trong bất lực.

Trong blog này, tôi có nêu ra câu hỏi “là công dân, chúng ta có quyền gì?”. Bàn về quyền công dân, sẽ có nhiều quyền và cũng còn đầy tranh cãi. 

Tuy nhiên, tôi nghĩ một trong những quyền đầu tiên của công dân là quyền nghi ngờ. Công dân có quyền nghi ngờ cơ quan nhà nước dối trá, tráo trở; không làm tốt, hoàn thành trách nhiệm được giao.

Theo các bạn, quyền trên có chính đáng không?

Mong nhận được tranh luận từ cách bạn.
Nguyễn Văn Thạnh
Email: thanhi
Bài tiếp: Đưa tư duy kỹ sư vào vấn đề xã hội.

No comments:

Post a Comment

Nhân quyền và bạo quyền

VTV-[Trang Lê Mới Nhất] chửi từ nhà ra phố, Trọng Lú sợ vỡ mật

https://www.youtube.com/results?search_query=Trang+L%C3%AA+%28B%C3%A0+Ngo%E1%BA%A1i%29

Featured Post

Lisa Pham Vấn Đáp official-16/1/2025

Popular Posts

My Blog List