Sunday, June 15, 2014

Một người dân chết bất thường sau khi ở trụ sở công an


Một người dân chết bất thường sau khi ở trụ sở công an

THE KIM NHUNG SHOW: Trò chuyện cùng mẹ nhà tranh đấu Đỗ Thị Minh Hạnh


Bà Đoàn Thị Lý (vợ ông Toàn) kể lại sự việc với phóng viên.


Dân Việt
 - Trong khi công an cho gia đình biết nạn nhân bị chết do sốc thuốc (sốc ma túy) thì gia đình bức xúc cho rằng cái chết này có nhiều khuất tất, yêu cầu các cơ quan chức năng điều tra, làm sáng tỏ.

Đi bình thường, về thành xác không hồn

Nạn nhân trong trong vụ việc này tên là Trần Đình Toàn (54 tuổi; trú tại phường Lộc Hạ, thành phố Nam Định).

Theo người nhà ông Toàn kể lại, thì vào trưa 11.6, sau khi ăn cơm, nghỉ ngơi xong, ông Toàn có nhận được điện thoại bảo ra ngoài chở khách. Theo người nhà ông Toàn, trước khi rời khỏi nhà, sức khỏe của ông Toàn vẫn bình thường. 

Đến hồi 13h15 cùng ngày, có 1 cán bộ CA cùng ông tổ trưởng dân phố đến hỏi lý lịch và nghề nghiệp của gia đình em trai tôi, từ vợ con đến các anh chị em ruột, mà không hỏi han gì đến em trai tôi” - ông Trần Đăng Ninh (anh trai ông Toàn) viết trong đơn đề nghị gửi các cơ quan CA đề nghị làm rõ vụ việc. 

Đơn kể tiếp: Đến 16h30 cùng ngày, một cán bộ CA đến gia đình thông báo ông Toàn chết do sốc thuốc và báo gia đình xuống nhận xác. 

Gia đình chúng tôi và họ hàng, làng xóm rất bất ngờ và sửng sốt khi nghe tin này, vì thực tế em tôi chưa từng nghiện. Vào lúc 17h, chúng tôi xuống nhà xác bệnh viện tỉnh nhưng công an không cho gia đình vào gặp em tôi. Đến tận 19 giờ mới cho gia đình vào nhận xác.

Khi thay quần áo cho em tôi, gia đình phát hiện vết bầm tím trên ngực. Gia đình có thắc mắc thì các anh công an có trả lời: “Nếu gia đình có ý kiến gì thì sẽ khám nghiệm tử thi”. 

Vết thâm trên ngực ông Toàn. Ảnh do người nhà chụp lại sau khi nhận xác ông Toàn.

Nhưng lúc đó em trai giáp tôi là ông Trần Đình Khang cùng vợ ông Toàn là bà Lý quá bối rối nên không quyết định được việc mổ tử thi và đưa em trai tôi về. Nhưng lúc này công an có bảo bà Lý ghi theo lời đọc của các anh công an là em tôi bị mắc các bệnh về tim, gan và các bệnh mãn tính khác và bảo em dâu tôi ký vào” - đơn đề nghị kể tiếp sự việc. Ông Trần Đình Khang (anh trai ông Toàn) thì kể lại: Bên phía CA cho biết: vào khoảng hơn 12 giờ ngày 11.6, CA phường Hạ Long thấy ông Toàn chở một người đi trên xe, nghi ngờ ông Toàn có ma túy trong người, nhưng kiểm tra không phát hiện ra. “Sau đó, CA có đưa em tôi về đồn. Họ bảo lúc này em tôi có biểu hiện mệt mỏi, ho khạc nên đã gọi taxi đưa em tôi vào bệnh viện” - ông Khang kể. 

Chết vì nguyên nhân gì?

Gia đình và họ hàng ông Toàn không tin rằng ông Toàn chết do sốc thuốc (sốc ma túy). Gia đình ông Toàn cho biết, tuy ông Toàn đã phải bị giam 2 năm vì tàng trữ chất ma túy, nhưng ông Toàn không phải là người nghiện ma túy. 

 
Đám ma ông Trần Đình Toàn diễn ra trong chiều 12.6.

Khi đưa xác ông Toàn về vào tối 11.6, cả gia đình, họ hàng ông Toàn rất bất bình đã lên CA phường Hạ Long để chất vấn tại sao ông Toàn chết.

Đồn CA phường Hạ Long và anh Toán (phó CA thành phố Nam Định) có trả lời cho gia đình biết là ông Toàn bị bắt lúc 12h30 ngày 11.6. Trong lúc hỏi cung thì ông Toàn lên cơn khó thở và đưa vào bệnh viện đa khoa tỉnh cấp cứu và đến 15 giờ cùng ngày thì ông Toàn tử vong”- ông Trần Đăng Ninh cho biết. Một người nhà của nạn nhân bức xúc: “CA nói là ông Toàn chết do sốc thuốc, nhưng trong khi họ kiểm tra ông Toàn thì ông đi xe máy, nếu sốc thuốc thì làm sao điều khiển được xe máy. Chẳng nhẽ ông Toàn sốc thuốc ngay trong trụ sở Công an phường, trước mặt các anh CA được hay sao?”. 

Như vậy, chưa biết cụ thể nguyên nhân cái chết của ông Toàn là do sao, nhưng có rất nhiều câu hỏi trong vụ việc này:

- Tại sao CA không thông báo ngay cho gia đình ông Toàn tình trạng của ông Toàn, mà chỉ cử cán bộ CA xuống hỏi han thông tin về gia đình ông Toàn?

- Tại sao lại ngăn cản, không cho gia đình ông Toàn vào ngay trong nhà xác để nhận mặt ông Toàn?

- Tại sao CA nói đưa nạn nhân vào cấp cứu, nhưng khi người nhà nạn nhân vào bệnh viện hỏi thì bệnh viện cho biết là không có ai như vậy vào cấp cứu?...

Tất cả những điều trên khiến nhiều người không khỏi nghi ngờ cái chết của ông Toàn có sự khuất tất, mờ ám? Để làm rõ thông tin về vụ việc, chiều 12.6, nhóm phóng viên đã tìm đến trụ sở CA phường Hạ Long. Tuy nhiên, ông Nguyễn Xuân Đô- trưởng CA phường- đã từ chối làm việc với các phóng viên với lý do phải có ý kiến cho phép làm việc của CA thành phố. 

Một phóng viên trong nhóm đã gọi điện để liên hệ công việc tới ông Trần Phú Hà - Trưởng CA thành phố Nam Định - nhưng ông Hà không bắt máy.

Phóng viên này đã nhắn tin nêu nội dung vụ việc đề nghị CA thành phố làm việc để cung cấp thông tin, nhưng sau đó cũng không nhận được phản hồi của ông Hà.





LS Lê Công Định: Vài ký ức nhân kỷ niệm 5 năm ngày tôi bị bắt, 13/6/2009


Lê Công Định - Luôn tự nhắc nhở rằng hàng triệu gia đình đồng bào miền Nam từng mất tất cả vào ngày 30/4/1975, nên tôi nghĩ số phận mình cũng vậy, ngày 13/6/2009 quả thật là một biến cố “30 tháng 4” của gia đình tôi. Sáng thứ Bảy cuối tuần hôm đó, đến văn phòng muộn, tôi mở máy tính cá nhân, chuẩn bị viết lại bài phát biểu vào tháng trước tại buổi hội thảo của Câu Lạc Bộ Nguyễn Văn Bình do Đức Cha Phaolô Nguyễn Thái Hợp chủ trì, vừa nâng ly cà phê espresso yêu thích lên định uống, thì một tốp nhân viên an ninh hùng hổ xông vào phòng, yêu cầu tôi đứng yên và đọc lệnh bắt tạm giam.

Trong đầu tôi liền vang lên ý nghĩ : “Điều phải đến đã đến rồi đây!” Thật ra, tôi đã đoán biết mình sẽ bị bắt, nhưng quyết định không lẩn tránh và chấp nhận vào tù. Trước khi anh Trần Huỳnh Duy Thức bị bắt vào ngày 24/5/2009, chúng tôi đã gặp nhau, anh Thức nói anh linh cảm ba chúng tôi sẽ bị bắt. Anh muốn tôi và anh Lê Thăng Long tránh đi để còn giúp đỡ nhiều người, nhưng tôi bảo tất cả chúng ta phải đi cùng nhau dù ở đâu, “không thành công cũng thành nhân”! 

Thức cảm động xiết tay tôi, anh nhắc nhở nhiệm vụ của tôi với tư cách một luật sư là phải chứng minh rằng hệ thống pháp luật này chỉ bảo vệ sự lãnh đạo của một nhóm người thiểu số, nên người dân cần phải bất tuân để thay đổi sự bất công của nó. Từ biệt Thức, tôi ra về lòng nặng trĩu, không biết ngày mai sẽ ra sao và tôi có cơ hội chứng minh điều đó hay không. Vào ngày 4/6/2009, nhận tin đến lượt anh Long sau khi anh Thức đã bị bắt, tôi biết ngày tự do của mình không còn bao lâu.

Sau khi đọc lệnh bắt giam, các nhân viên an ninh lập tức kiểm tra máy tính cá nhân của tôi. Họ mừng rỡ phát hiện bản “Tân Hiến Pháp” vì có lẽ đó là bằng chứng sáng giá nhất của một “kế hoạch lật đổ nhà nước CHXNCN Việt Nam”. Tôi thoáng nghĩ ngay đến sự nguy hiểm của tài liệu này, vì không biết họ sẽ suy diễn trong tưởng tượng đến đâu. Thật ra, nguồn gốc của tập bản thảo bỗng chốc trở nên danh tiếng đó lại hết sức giản dị, bởi đấy chỉ đơn thuần là công trình học thuật cá nhân của tôi mà thôi, không một mưu tính chính trị nào ẩn giấu bên trong, như đã được cơ quan an ninh và hệ thống truyền thông nhà nước thổi phồng.

Xin dông dài đôi chút về quá khứ học hành của tôi. Năm 1989 tôi tốt nghiệp Trường Đại Học Pháp Lý Hà Nội (chi nhánh TPHCM), tiền thân của Trường Đại Học Luật TPHCM bây giờ. Tiếng là một cử nhân luật, vừa 21 tuổi đời, nhưng khi đọc các chứng thư công chứng của Phòng Chưởng Khế Sài Gòn trước 1975 và đọc hai bản Hiến Pháp của nền Đệ Nhất và Đệ Nhị Cộng Hòa từ 1955 đến 1975 tại miền Nam Việt Nam, tôi chỉ đủ sức hiểu một cách mơ hồ, nếu không muốn nói là chẳng hiểu gì cả. Tôi nhận ra trường luật XHCN đã trang bị cho sinh viên kiến thức và phương pháp nghiên cứu nhầm lẫn. Từ đó, tôi dành nhiều thời gian và công sức tự ép mình vào một quá trình tự đào luyện lại môn luật học theo hệ thống phương Tây.

Đối với thư tịch tiếng Việt, trong nhiều năm trời tôi tìm đọc tất cả các sách và tạp chí về luật do Trường Đại Học Luật Khoa Sài Gòn và các định chế tư pháp của Việt Nam Cộng Hòa xuất bản. Tôi cũng trau dồi vốn tiếng Pháp và tiếng Anh để đọc các sách luật in ở nước ngoài. Bắt chước cụ Nguyễn Hiến Lê, để tổng kết kiến thức tự đào luyện của mình, tôi quyết định viết xuống những gì học được. Tuy nhiên, thay vì viết sách như cụ Nguyễn, tôi bắt tay soạn thảo các bộ luật quan trọng nhất của một quốc gia, đó là các bản Tân Hiến Pháp, Tân Dân Luật, Tân Thương Luật và Tân Dân Sự Tố Tụng, theo tên gọi của tôi. Cùng với các bộ luật, tôi viết sách chú giải nội dung và trình bày lý do vì sao từng điều luật được soạn thảo theo hướng này, mà không phải hướng khác, tất cả là 4 quyển sách.

Do kiến thức và kinh nghiệm của tôi được bồi đắp thêm nhiều từ việc học hành và làm việc hằng ngày, nên theo thời gian tôi đã liên tục sửa chữa bản thảo của 4 bộ luật và 4 quyển sách ấy. Công việc cần mẫn lặng lẽ như vậy được tiến hành trong 20 năm, từ 1989 đến 2009, nhưng tôi vẫn chưa ưng ý về bản thảo cuối cùng, một phần vì tính cầu toàn của tôi từ nhỏ, một phần vì vẫn định bụng sẽ có ngày mang ra nhờ giới học thuật chuyên môn phê bình và bổ túc.

Đến lúc bị bắt, trong máy tính cá nhân của tôi vẫn còn lưu trữ bản thảo của 4 bộ luật và 4 quyển sách dang dở ấy. Tuy nhiên, đối với cơ quan an ninh, chỉ bản “Tân Hiến Pháp” mới có giá trị của một “kế hoạch lật đổ” nên họ chỉ in ra bản thảo này và buộc tôi ký tên xác nhận. Tôi đã yêu cầu được chép lại nội dung của các tài liệu không liên quan đến vụ án, vì đó là những tài liệu riêng của tôi, song họ bác bỏ với sự so sánh buồn cười như sau: một căn nhà dùng làm địa điểm hành nghề mại dâm, thì khi bị niêm phong, các đồ đạc bên trong, cùng với cái giường, cũng phải bị tịch thu (!?). Tất nhiên, cuối cùng tôi đành thúc thủ trước lập luận trí tuệ như vậy và ... nhớ hoài. Bây giờ ngẫm nghĩ vẫn tiếc công sức của 20 năm tràn đầy nhiệt huyết dành cho một nền luật pháp trong mơ mà không sao làm lại được.

Tháng 8/2009 bản “Tân Hiến Pháp” bị mang đi giám định cùng với các tài liệu khác của tôi. Biên bản kết luận “giám định văn hóa” nhận định đại ý như sau: nội dung của bản “Tân Hiến Pháp” thuần túy có tính chất học thuật với các quan điểm pháp lý thường thấy ở các nền pháp luật phương Tây, tuy nhiên do tài liệu này được một nhà chính trị như Lê Công Định sử dụng, nên mưu đồ và tác hại về mặt chính trị cần phải được các cơ quan an ninh xem xét và xử lý. Xin miễn bình luận về cái gọi là “giám định” đó.

Tương tự, quyển sách “Con đường Việt Nam” thực ra chỉ mới được phác họa trong suy nghĩ của anh Thức, rồi nhân gặp tôi và anh Nguyễn Sĩ Bình, được mang ra bàn luận để xem ai có thể đóng góp gì thêm giúp nó phong phú hơn. Chúng tôi dự định rằng quyển sách đó chỉ mang tính chất nghiên cứu và đề xuất những giải pháp xử lý khủng hoảng kinh tế-xã hội để chính phủ tham khảo, và vì thế sẽ chỉ xuất bản trong nước. Đến khi chúng tôi bị bắt, một chữ của quyển sách cũng chưa được viết xuống, nhưng cơ quan an ninh đã vội vã suy diễn và thổi phồng lên thành một “kế hoạch lật đổ”, như thể nó đã được viết và in ra trong một âm mưu chính trị xấu xa và đang được thi hành trên thực tế thì bị các chiến sĩ an ninh với nghiệp vụ điều tra tài tình phát hiện.

Tất nhiên, trong các buổi làm việc ban đầu, tôi đã bác bỏ sự gán ghép và suy diễn của điều tra viên theo hướng “suy đoán có tội”, thay vì “suy đoán vô tội”, đối với bản “Tân Hiến Pháp” và ý tưởng về quyển sách “Con đường Việt Nam”. Sau đó, khi nhận ra sự cố tình lý sự cùn, tôi quyết định không tranh cãi nữa, để họ mặc sức áp đặt và dựng lên một câu chuyện hài hước như những gì đã diễn ra, vì tôi biết rõ sẽ đến một ngày chúng tôi phải nói ra sự thật với bằng chứng còn đó trên giấy trắng mực đen về sự gán ghép và suy diễn vụng về như vậy.

Sau khi khám xét hai văn phòng làm việc và nhà riêng của tôi, đoàn xe dài đưa tôi về trại tạm giam B34 trên đường Nguyễn Văn Cừ lúc 9 giờ tối thứ Bảy. Ngoài đường, phố xá vẫn tấp nập dòng người đi chơi đêm cuối tuần. Sài Gòn vẫn lung linh ánh đèn như tự bao giờ, nhưng với tôi cuộc đời đã lật sang một trang mới. Lúc xuống xe đi vào khu buồng giam, nhớ lời Thiền sư Thích Nhất Hạnh, tôi đi chậm rãi, ý thức từng bước chân, giữ nhịp thở sâu, đều đặn, dù toàn thân đã rã rời.

Cả ngày chưa ăn, tôi xin nước uống. Các điều tra viên mang một hộp cơm thịt kho đến đưa tôi ăn, nhưng tôi lắc đầu từ chối. Các anh lại mang ra một hộp sữa mời tôi uống thay cơm, tôi cũng từ chối. Tâm trạng ngổn ngang nhiều ý nghĩ đã cản trở tôi nuốt trôi bất cứ thứ gì lúc đó. Ngay đêm ấy người ta tiến hành buổi thẩm vấn đầu tiên, kéo dài đến sau 12 giờ khuya. Vào buồng giam tôi được phát một manh chiếu, tấm mùng và chiếc gối, tất cả đều dơ bẩn, mà tôi chẳng buồn quan tâm. Loay hoay tìm cách giăng mùng, vì không một dụng cụ và dây treo tường nào được cho phép trong buồng giam, nên đến gần 3 giờ sáng tôi mới ngả lưng, nhưng trằn trọc mãi đến tận sáng hôm sau. Quả là “ngày dài nhất” trong cuộc đời ngắn ngủi!

Nằm vắt tay lên trán suy nghĩ, bỗng nhớ lời ba tôi dặn lúc sinh thời. Ông thường nói câu “anh hùng vị quốc vong thân” thời nay không còn đúng nữa, người tài phải biết sử dụng tài năng cho dân, cho nước, vì vậy phải biết quý trọng và gìn giữ tấm thân mình. Trong tôi như bừng lên ngọn lửa soi đường, giúp tôi đối phó hữu hiệu vụ án hung hiểm này trong nhiều tháng năm sau đấy. Thế là ngay ở đêm đầu tiên tôi đã làm bài thơ thứ nhất trong tù, như sau:

Chết là hết, tang bồng nhẹ gánh,
Khỏi sống nhìn hệ thống phi nhân.
Song cha dặn người còn, nước giữ,
Bậc anh tài vị quốc lưu thân.


Rồi nghĩ về gia đình. Sự chia tay đầy nước mắt của vợ tôi lúc chiều tối, khiến tôi đau đớn. Ý nghĩ rằng chính mình đã phá hỏng tương lai của vợ, khiến lòng càng thêm dằn vặt khôn tả. Và bài thơ thứ hai đã ra đời lúc gà gáy sáng:

Dấn thân giúp nước chưa tròn nợ,
Chuốc họa vô thân, vợ chẳng nhờ.
Kẻ ở người đi muôn cách trở,
Nghẹn ngào Hạng Vũ biệt Ngu Cơ ...

Lê Công Định
Facebook LS Lê Công Định


Tòa Phúc thẩm đã lén lút xử kín nhà văn Phạm Viết Đào


P.V.K (Blog Nguyễn Xuân Diện) - Hôm thứ Hai đầu tuần (9/6/2014) Tòa phúc thẩm đã lén xử KÍN và y án Sơ thẩm, tức là án tù 15 tháng cho nhà văn Phạm Viết  Đào. Tòa không báo cho vợ con ông biết, nên cả vợ và con đều không có mặt, cũng không có luật sư, vì ông tự bào chữa.

Trước đó 1 tuần, vợ và con ông đã liên hệ với Tòa để hỏi về lịch phiên xử phúc thẩm nhưng tòa không trả lời, bảo cứ chờ. Bất ngờ, ngày 9/6 tòa lén lút xử mà không báo cho gia đình, đến hôm nay vợ con ông vào thăm bác mới biết chuyện đó.

Phạm Viết Đào là một nhà văn, một blogger yêu nước, với tinh thần chống Tàu rất quyết liệt. Ông đã thu thập hồ sơ về chiến tranh Biên giới 1979 và phỏng vấn nhiều tướng lĩnh, sĩ quan, binh lính tham gia chiến trường, nhằm cung cấp cho hậu thế những hiểu biết chân thực về cuộc chiến tranh này. Em trai ông là một Liệt sĩ hy sinh trong cuộc chiến tranh Biên giới.

Trong giờ phút Tổ quốc lâm nguy, xin cùng nhớ tới Nhà văn - Blogger yêu nước, Phạm Viết Đào! 

Mong ông giữ gìn sức khỏe!

P.V.K


Công an & côn đồ cùng chiến tuyến khủng bố người dân


Công An đi trước côn đồ theo sau đập phá Hội Thánh Tin Lành Mennonite



Đoàn Huy (Danlambao) - Từ ngày 09/06/2014 đến khuya 12 /06 / 2014 Hội Thánh Tin Lành Mennonite chi hội Bến Cát - Bình Dương tại đường D10 - Phường Thới Hòa. Các Mục sư, tín đồ và học viên liên tục bị sách nhiễu bắt bớ, đánh đập... Nhưng đỉnh điểm là vào lúc 21 giờ 15 đêm 12/06/2014 công an và côn đồ đều có mặt bao vây Hội Thánh, cơ quan công quyền ra lệnh cho cắt điện, cúp nước... Bên trong hội thánh có trẻ em, phụ nữ mang thai đều ở trong không khí sợ hãi bao trùm... chỉ ít phút sau là một trận mưa “đá xanh” ném thẳng tay vào nơi hoạt động tôn giáo do Mục Sư Hồng Quang cai quản. 90 % cửa kính bị vở, các thanh sắt khung cửa bị biến dạng do bị công an và côn đồ cưa, phá hoại…

Nhiều người dân chứng kiến vô cùng bất bình và ngao ngán và tự hỏi đây là bọn “Tà quyền” chứ không phải là “chính quyền” bởi trước khi họ hành động là lệnh cho cắt điện để người dân không nhận diện được mặt mủi thế nào.... chỉ có những kẻ làm việc gian tà mới có những hành động như thế. 

Trong video cho thấy nhiều phụ nữ bị đánh đập bị thương ở mặt, vỡ môi, công an Bình Dương còn lăng mạ các Mục Sư bằng cách không cho mặc áo (cỡi trần), hai tay đưa lên đầu như bắt được tù binh trong trận chiến... khi dẫn giải lên đồn công an giam giữ. 

Người dân Bình Dương còn nhớ rất rõ cách đây một tháng những kẻ gây bạo loạn đốt phá các công ty nước ngoài ngày 13/05/2014, những âm thanh đập phá hội Thánh Mennonite và cái cảnh công an đi trước côn đồ theo sau... tiếng xe máy gầm rú rất giống nhau.



Những bài học trong chốn lao tù (Phần 1)


Nguyễn Trung Tôn (Danlambao) - Ra khỏi nhà tù Cộng sản được hơn một năm nay; bận rộn với cuộc sống gia đình nên tôi cũng không có thời gian để viết lại những câu chuyện mà tôi đã trải qua trong nhà tù. Hôm nay lưng tôi bị đau do bệnh thoái hóa đốt sống lại hành hạ. Nằm trên giường suy nghĩ về quá khứ, hiện tại và tương lai của bản thân gia đình và đất nước. Những ký ức chốn lao tù bỗng trở lại trong tôi. Tôi cố ngồi dạy ghi lại những sự kiện đáng nhớ của mình làm lưu niệm cho bản thân và những ai muốn tìm hiểu về một phần xã hội Việt Nam hiện tại ở chốn nhà giam. 

Sáng ngày 15/1/2011, tôi bị Cơ quan cảnh sát điều tra công an huyện Nam Đàn và Cơ quan an ninh điều tra tỉnh Nghệ an bắt về công an huyện Nam Đàn với lý do không đăng ký tạm trú qua đêm. Khi về tới Công an huyện thì họ không hề đề cập gì tới việc tôi qua đêm mà không đăng ký tạm trú. Họ tiến hành lấy lời khai của tôi cho tới 21h đêm thì trao cho tôi một lệnh tạm giữ với thời hạn 3 ngày. Tôi ngơ ngác, không hiểu lý do gì mà tôi bị tạm giữ? Bởi lẽ qua một ngày Công an lấy lời khai của tôi, tôi đâu có gì để mà khai với họ, ngoài việc tôi vào Nghệ an để đón cháu Đức con chị Hồ Thị Bích Khương ra nhà tôi để đi học tiếp vì cháu về quê thăm bà nội vào dịp nghỉ học cuối kỳ. Tôi không làm gì vi phạm luật pháp tại Nghệ An. Tôi được một chiến sỹ Cảnh sát mang hàm trung sĩ, tên Hà dẫn vào buồng giam. 

Tôi hỏi Hà: Công tắc điện buồng ở đâu? Lối đi vệ sinh chỗ nào?

Cậu ta mở cửa đẩy tôi vào trong và nói: Cứ vào sẽ biết.

Cánh cửa buồng giam đóng lại. Trời tối như mực, một mình một buồng giam và lúc đó đã khoảng 21h 30 nên các tù nhân ở các buồng khác đã phải đi ngủ. Tôi mò mẫm lấy tay để lần xem đâu là nơi nằm, nơi đi vệ sinh. Vì buồng giam không dược lắp điện, tôi phải sử dụng hết tất cả các giác quan của mình để biết chỗ năm là một bục xi măng cáo khoảng 50 cm. Hạ lưng xuống nền xi măng lạnh buốt lưng, với thời tiết gần tết nhiệt độ xuống khoảng 9 hay 10 độ c. Lạnh quá không chịu nỗi. Tôi đứng ra gần cửa hé mắt ra khe hở của cánh cửa sắt buồng giam và gọi lớn “Chú Hà ơi mang cho anh cái chăn để đắp chứ, lạnh thế này anh không chịu được”.

Một lát sau cậu Hà mang cho tôi một cái ruột chăn bông cũ. Cậu bảo tôi: “Anh đắp tạm cái này, nếu lạnh thì mai tôi đưa thêm”. Đêm đầu tiên ở tù tuy hơi lạnh, nhưng tôi vẫn ngủ rất ngon, bởi sau một ngày bị công an thay nhau xét hỏi. Sáng hôm sau là Chúa nhật nên vừa mới mờ sáng tôi đã tỉnh dậy và cầu nguyện, tôi hy vọng rằng hết 3 ngày tạm giữ thì công an sẽ phải thả mình ra. Rồi cứ thế thời gian trôi qua cũng thật nhanh. Chiều ngày 17/1 tức ngày thứ 2 trong tuần. Tôi thấy họ mở buồng giam và đưa tôi lên phòng lấy cung. Tại đây họ cho tôi xem những thứ mà họ đã thu giữ của gia đình tôi vào sáng ngày hôm đó. Gồm máy tính, băng đĩa, máy in và nhiều vật dung khác. Họ bắt đầu khai thác máy tính của tôi. In các bài viết của tôi có trong máy tính và yêu cầu tôi ký vào. Tôi đồng ý ký tên vào những bài viết đó vì đấy đúng là những bài tôi đã viết. Sau khi lấy ra hàng loạt bài viết và kiểm tra nội dung hơn 200 đĩa DVD, VCD thu giữ tại nhà tôi xong. Họ tiếp tục trao cho tôi một lệnh tạm giữ thứ 2 với thời hạn 3 ngày rồi tiếp tục đưa tôi trở lại buồng giam. Tôi không còn bỡ ngỡ như trước nữa vì đã “quen” với buồng giam này.

Thấm thoát thời gian trôi, chiều ngày 22/1 Cơ quan CSĐT huyện Nam Đàn dùng xe của cơ quan đưa tôi và chị Hồ Thị Bích Khương xuống Trại tạm giam Công an tỉnh Nghệ An. Lần đầu tiên trong đời tôi bị Công an dùng Còng số 8 còng tay lại. Tôi không biết rằng thế là tôi chuẩn bị tới một môi trường sống mới. Tới cổng trại giam Công an bắt chúng tôi ngồi đợi mãi cho tới khi một Trung tá an ninh điều tra tỉnh Nghệ An, tên là Văn, mang tới và đưa cho chúng tôi ký vào quyết định khởi tố của họ đối với chúng tôi. Tôi xem quyết định đó thì biết là mình bị khởi tố theo điều 88 của BLHS. Tôi vui vẻ ký vào mà không hề phản đối gì, còn chị Hồ Thị Bích Khương thì cương quyết không ký. Tuy nhiên dù ký hay không thì họ vẫn cứ giam. Trời sắp tối tôi được một đại úy quản giáo tên Nguyễn Văn Thành dẫn từ cổng trại vào nhà giam. Đi cùng với quản giáo này có thượng sĩ Vi Văn Sơn, cán bộ phụ trực trại. Tôi phải đi trước họ một mét họ đi sau và thúc giục đi nhanh lên.

Quãng đường từ cổng trại vào buồng giam không xa, nhưng cũng đủ để tôi vừa đi vừa ngắm quang cảnh xung quanh lúc hoang hôn với những cành cây trơ trụ lá vì tiết trời giá lạnh. Nhưng những cành cây đó đang lu lú nhữngbúp non để đón chờ mùa xuân sắp tới. Không gian đó làm cho tôi có thêm nghị lực và ấp ủ những tia hy vọng cho Việt Nam một ngày mai tươi sáng. Tiếng thượng úy Vi Văn Sơn cắt ngang dòng suy nghĩ của tôi: “Đi nhanh lên! Ông đá chết mẹ mày bây giờ” Thú thật lần đầu tiên tôi bị công an quát mắng như vậy. Tôi giật mình và bước nhanh hơn tới nhà giam A la. Quản giáo Nguyễn Văn Thành mở cửa buồng giam số 9 đưa tôi vào đó. Quản giáo dặn với vào: “Giao cho Toàn thằng này nhé! Chỉ dẫn cho nó!”

Cánh cửa buồng giam đóng lại, tôi bước vào buồng giam. Đập vào mắt tôi là 3 người tù đầu cắt trọc, họ nhìn tôi chăm chăm. Xác định họ ít tuổi hơn mình nên tôi cất tiếng “Chào các chú”.

Một người trong bọn họ hỏi tôi: “Mày chào ai vậy? Chưa bao giờ đi tù à?”

Tôi bảo: “Chưa! Tôi bị bắt lần đầu.”

Người này nói tiếp: Thằng Rùa lấy cho nó bộ quần áo cho nó thay đi. Thằng này mày đi tắm đi rồi thay quần áo lên đây tao nói chuyện.

Cảm giác có chuyện chẳng lành, tôi nói: “Thôi ạ trời lạnh lắm, để trưa mai ấm hơn tôi sẽ tắm”.

Người này nói tiếp: “lạnh cũng phải tắm, ở tù mà không tắm rửa sạch sẽ thì ghẻ lở không chịu được đâu”.

Biết không thể từ chối nên tôi đành phải tắm. Tôi cởi quần áo ra tắm, nhưng vẫn mặc quần lót như ở nhà. Cậu ta nói: “Cởi hết ra! Trong này toàn đàn ông cả phải cởi truồng mà tắm. Tắm xong quạt người cho khô mới mặc quần áo, nếu không sẽ bị hâm và lở loét đấy.”

Tôi nghe theo họ, cởi hết đồ và tắm. Nói thật là vừa lạnh vừa xấu hổ nên tôi tắm qua loa rồi mượn quần áo mặc vào.

Khóa học đầu tiên trong tù dành cho tôi bắt đầu khai giảng. Họ bảo tôi ngồi lên bục xi măng, gần phía hố vệ sinh rồi bắt đầu… Người có uy nhất trong buồng lên tiếng: “Mày tên gì? Quê ở đâu? Bị bắt tôi danh gì? Tại sao bị bắt? Công an nào bắt?”

Tôi lần lượt trả lới các cậu hỏi của người này. Cậu ta tiếp lời: “May phúc cho mày đấy. tao cũng quê ở Nam Đàn, nhà tao gần công an huyện đấy. Tao bị chúng nó bắt giam ở đó, tao treo cổ tự tử mà bị đứt dây nên không chết. Chúng sợ tao làm lần nữa nên chuyển gấp xuống đây. Thôi ít nhiều gì chúng ta cũng cùng là nạn nhân của công an Nam Đàn nên tao tha cho mày, không làm “thủ tục” nhập buồng, nhưng về “Lý thuyết” thì phải học.”

Cậu ta bắt đầu giới thiệu các thành viên trong buồng giam: “Tao giới thiệu để mày biết Tao tên là Trần Thế Toàn. Buồng trưởng buồng này. Bới vậy vào đây mọi thứ mày đều phải hỏi ý kiến tao mới được làm. Còn đây là thằng Lâu Vả Rùa nó là người Lào bị bắt về tôi buôn bán heroin, đã giam ở đây gần một năm. Nó có thể nhẹ thì bị tùtrung thân, nặng thì bị tử hình, còn đây là thằng Thò Gà Hùa người HMong ở Quế Phong cũng tội buôn bánheroin, nhẹ thì 20 năm, nặng thì trung thân. Buồng giam này là buồng giam đặc biệt dành cho những đối tượng trọng án, nên được lắp bóng điện và có “Mắt mèo” theo dõi.”

Toàn đưa tay chỉ về hướng Camera trên tường và nói tiếp: Vì có nó nên mọi hoạt động trong buồng đều bị theo dõi.

Toàn bảo tôi: Trong này có luật riêng là ba không ba có. Mày phải biết nghe chưa? Ba không là:Không nghe, không thấy, không biết. Cán bộ có hỏi gì chuyện trong buồng cũng phải trả lời trước sau như một. Tất cả phải bắt đầu từ chữ “Không”. Ba có là: Có mắt như mù, có tai như điếc, có mồn như câm. Như vậy không được nhìn việc của người khác, không nghe lén chuyện của người khác, không hớt lẻo chuyện của người khác với bất kỳ ai. Tóm lại không phải việc của mình thì không tò mò làm gì.

Nói xong Toàn hỏi lại tôi: Đã nhớ chưa?

Tôi trả lời: Nhớ rồi!

Toàn nhắc lại: Nhớ rồi mà còn vi phạm thì đừng trách đấy nhé.

Toàn nói: Ở trong này người ta không gọi nhau theo tuổi đời mà gọi nhau theo tuổi tù. Ai ở đây lâu hơn thì là bề trên, ai vào sau là bề dưới. Cán bộ quản giáo thì tù phải gọi họ bằng ông, tù nhân vào sau phải gọi tù nhân vào trước bằng anh. Đó là luật bất thành văn nhưng ai cũng phải tuân thủ.

Toàn cho tôi biết thêm: Để vào nhập buồng thì các tù nhân phải qua thủ tục Thông tai, Thông ngực, Cuốc chim. Nhưng phúc cho mày là mày không phải vào buồng “Vệ sinh” nên không phải nếm mùi, vào đây gặp tao, tao cho qua là phúc ba đời đấy.

Nghe Toàn nói tới đây, mặc dù chưa biết thông tai, thông ngực, cuốc chim là gì nhưng tôi thầm cảm ơn Chúa là mình đã thoát được những thủ tục này. Toàn tiếp tục dạy tôi một bài học nữa trước khi đi ngủ: Trong buồng giam không được đi đại tiện ban đêm. Sáng mai khi mở cửa buồng rồi thì mọi người thay phiên nhau để đi đại tiện, nên phải tập cho quen đi, đi tiểu thì tự do nhưng phải đi tiểu kiểu của phụ nữ để nước tiểu không văng ra ngoài làm hôi khai trong buồng.

Vậy là buổi học đầu tiên trong vòng 30 phút kết thúc, nhưng đối với tôi vô cùng giá trị và tôi ơn Chúa vô cùng vì được gặp Trần Thế Toàn, một người “thầy” nhiệt tình, tận tụy chu đáo đối với tôi. Lúc này Toàn nói: Thôi hôm nay chỉ nói tới đây thôi, mai sẽ tiếp tục. Tôi thấy Toàn bảo Hùa: “Bắt đầu đi em” Hùa lấy chiếc khăn tắm vắt lên dây mắc màn, cố ý che chiếc Camera lại, Toàn móc trong người ra một tở giấy báo và một nhúm thuốc lào cùng một cái bật lửa. Toàn cuốn thuốc như cái loa kèn dài, dùng bật lửa nhưng không có ga. Hùa lấy bông xé thật tơi đưa cho Toàn cả hai người lúi húi bật lửa.

Toàn hỏi tôi, Có hút thuốc không? Tôi nói, Tôi không hút. Toàn bảo phải tập đi, vào đây chỉ có điếu thuốc làm vui thôi, mà thuốc là hàng cấm đấy, nhưng vẫn có để dùng, không hút thuốc thì sao biết được giá trị của nó trong chốn lao tù. Tôi nói, trước đây tôi có hút, nhưng từ khi làm Mục sư tới giờ tôi đã bỏ. Toàn khuyến khích: Vào đây rồi thì cứ hút cho vui, ở đây thì sư với sải gì nữa, hút cho vui, sau về lại bỏ cũng được. Mà mày không hút là phụ lòng tốt của tao đấy. Mày thích tao đối xử tử tế với mày hay thích tao dùng “luật”? Thấy Toàn nói vậy tôi tặc lưỡi kéo một hơi. Đã lâu không hút thuốc, nay hút lại làm tôi say chóng cả mặt. Hút xong điếu thuốc chúng tôi bắt đầu vào giấc ngủ.

Một ngày trôi qua ở chốn lao tù cũng thật nhiều kỷ niệm. Tôi sẽ cố gắng viết tiệp những câu chuyện tiếp theo trong thời gian tới.

(Còn nữa)

Thanh Hóa, ngày 13/6/2014

Nguyễn Trung Tôn
ĐT: 0162.8387.716




No comments:

Post a Comment

Nhân quyền và bạo quyền

VTV-[Trang Lê Mới Nhất] chửi từ nhà ra phố, Trọng Lú sợ vỡ mật

https://www.youtube.com/results?search_query=Trang+L%C3%AA+%28B%C3%A0+Ngo%E1%BA%A1i%29

Featured Post

Lisa Pham Vấn Đáp official 30/4/2024

Popular Posts

My Blog List