Vụ xét xử dân oan Dương
Nội: 2 anh em đấu tranh đòi công lý cho cha mẹ
Anh em Trịnh Bá Phương (trái) và Trịnh Bá Tư có mặt ở Hà Nội đêm
trước phiên tòa, 24/11/14
·
·
·
Tin liên hệ
26.11.2014
HÀ NỘI—
Tại Việt Nam, nhà nước sở hữu đất đai và cho dân chúng thuê trong
một thời gian có giới hạn. Trong bối cảnh nền kinh tế của đất nước đã phát
triển, vấn đề ai là người có quyền canh tác hay khai thác đất đai vẫn là một
vấn đề khó khăn, với những cuộc biểu tình lẻ tẻ về các vụ tịch thu đất đai bất
hợp pháp, thường được dân địa phương gọi là "cướp đất." Thông tín
viên Marianne Brown của Đài VOA tường trình từ Hà Nội, nơi vụ án mới nhất đối
với dân oan đi khiếu kiện nêu bật những vấn đề còn tồn đọng trong chế độ này,
bất chấp sự theo dõi sát của quốc tế.
Tuần này một nhóm người đã tụ tập gần một tòa án ở ngoại ô Hà Nội
để ủng hộ 4 nhà hoạt động về quyền đất đai tại phiên phúc thẩm của những người
bị bắt hồi đầu năm nay khi họ phản đối một vụ bị cáo buộc là chiếm đoạt đất
đai. Những người này bị tuyên những án tù từ 12 đến 20 tháng về tội gây rối
trật tự công cộng.
Cả cha lẫn mẹ của anh Trịnh Bá Phương, 31 tuổi, đều bị mang ra xét
xử. Mặc dù tòa đã giảm án cho cha của anh bớt 3 tháng, anh Phương nói rằng anh
cảm thấy rất thất vọng về quyết định này. Anh Phương nói anh tin rằng phiên tòa
là một "công cụ để đàn áp và chiếm đất." Anh nói:
“Bọn anh đứng trên vĩa hè thì họ cứ bảo là đi chỗ khác không được
đến đây, thì bọn anh nói cái này là tòa công khai mà, tôi nghe được trên TV,
đài báo nói là công khai, chúng tôi đến nghe thôi.., nhưng mà họ đuổi, thì bọn
anh nói là tôi đứng đây nghĩ một tí vì tôi đi bộ qua tôi đứng nghĩ một tí thì
họ gọi cảnh sát đến bắt tất cả lên xe và đưa về đồn”
Anh Phương cho biết lần đầu tiên chính quyền địa phương loan báo
kế hoạch thu hồi đất là hồi năm 2008. Số tiền bồi thường quá thấp, và 356 gia
đình từ chối tiền bồi thường này. Anh nói rằng các giới chức chính phủ đã không
thật tâm thương lượng với cư dân.
Những băng video được cho là quay những vụ dùng vũ lực chiếm đất
hồi tháng tư đã được phát tán rộng rãi trên các phương tiện truyền thông xã
hội, với hơn 150.000 lượt xem trên YouTube.
Trong một băng video, một nhóm đông người đội nón lá chạy băng qua
một cánh đồng bị những người đàn ông mặc đồng phục cảnh sát màu xanh lá cây,
với băng tay màu đỏ, đuổi theo.
Em trai của Trịnh Bá Phương là Trịnh Bá Tư, 25 tuổi.
Anh Tư nói rằng nhiều nông dân bây giờ đang gặp khó khăn về kinh
tế bởi vì họ không có phương tiện để kiếm sống từ mảnh đất của họ.
Các cuộc biểu tình dưới hình thức này không mới mẻ gì, và trong
nhiều trường hợp là điển hình của các vấn đề kinh niên về quyền sử dụng
đất đai ở Việt Nam, nơi mà nhà nước duy trì quyền sở hữu đất đai, nhưng cho
phép nông dân thuê trong một thời gian hạn chế. Bên thuê không thương lượng
trực tiếp với những nhà phát triển địa ốc, và mặc dù giá cả trên nguyên tắc
phải dựa trên giá thị trường, điều đó thường không xảy ra trên thực tế.
Theo một phúc trình đệ trình lên Quốc hội vào tháng Mười năm 2012,
số đơn khiếu nại liên quan đến việc thu hồi đất và bồi thường chiếm tới 70% tất
cả các hồ sơ khiếu nại nộp cho các cơ quan chính phủ trong những năm từ 2004
đến năm 2011.
Ông Jonathan London, một nhà phân tích các vấn đề Việt Nam thuộc
Đại học Thành phố Hồng Kông, phát biểu:
"Nhà nước Việt Nam cho đến nay đã không giải quyết những
nguyên nhân gốc rễ của những vụ tranh chấp này, và trong bối cảnh không có
những giải pháp về mặt thể chế để xử lý vấn đề này, những vụ nổi dậy tự phát
của quần chúng có nguy cơ kéo dài bởi vì tất nhiên nguồn cung đất đai không
tăng, và khi mọi người bị buộc phải dời chỗ ở, hoặc khi họ cho rằng họ là nạn
nhân của những sự bất công thì hệ thống pháp luật lại không luôn luôn được coi
như một lựa chọn có hứa hẹn."
Việc sử dụng máy quay video và các phương tiện truyền thông xã hội
đã trở thành một công cụ phổ biến đối với những người phản đối, để họ nói lên
những bất mãn của họ, theo lời ông London. Ông nói:
"Người dân ở Việt Nam ngày càng quen thuộc hơn với việc phát
động các phong trào xã hội. Họ cố gắng thu hút sự chú ý tới các vấn đề, và tìm
cách đặt vấn đề trong bối cảnh của nó. Tuy chúng ta không nên phóng đại, nhưng
đây là một nỗ lực khéo léo, gây nhiều ấn tượng, của những người tương đối không
có quyền hạn bao nhiêu để gây ảnh hưởng tới những người nắm quyền lực trong
tay, mà cho đến nay đã không đáp ứng các yêu cầu của những người đi khiếu kiện.
"
Trong năm 2012 vụ trục xuất một nông dân được nhiều người kính
trọng ở huyện Tiên Lãng, người đã sử dụng bom tự chế để đẩy lùi cảnh sát,
đã được đưa lên những hàng tít lớn trên báo chí quốc tế. Một số người hy vọng
rằng việc tu chính Luật Đất đai sẽ giải quyết một số các vấn đề này.
Các quốc gia và tổ chức cấp viện cho Việt Nam nói rằng luật lệ
được sửa đổi, có hiệu lực từ tháng Bảy, sẽ gia tăng tính chất minh bạch và cải
thiện công tác quản lý đất đai, và nếu được thực hiện tốt, sẽ giúp giảm thiểu
xung đột và những sự chậm trễ trong các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng.
Ông Jairo Acuna-Alfaro, Cố vấn chính sách về cải cách hành chính
công và chống tham nhũng của Chương trình Phát triển Liên Hiệp Quốc, cho biết
dựa theo luật mới, các kế hoạch sử dụng đất sẽ được thảo luận ở cấp quận và cấp
tỉnh. Ông nói:
"Dự kiến sẽ có sự giám sát chặt chẽ hơn một chút ở các cấp
cao hơn thay vì ở các cấp thấp hơn ... Sẽ có nhiều quyền lực hơn để đưa ra
quyết định và những sự đánh giá."
Tuy nhiên, ông Acuna cho biết hãy còn quá sớm để có thể đánh
giá tác động của luật này.
Ông nói một phần của vấn đề là tự nó, đạo luật này không tạo ra
một sự khác biệt trong các trường hợp vừa kể, bởi vì nó không thay đổi động lực
của các quan chức chính phủ. Muốn làm điều đó sẽ phải dựa trên các đạo luật
khác, chẳng hạn như Luật Hình sự.
Trong khi đó hai anh em anh Trịnh Bá Phương đã trở thành thành
viên của một cộng đồng tranh đấu ở Hà Nội. Họ cho biết họ nhất định tiếp tục
đấu tranh để cha mẹ của họ được trả tự do.
No comments:
Post a Comment
Nhân quyền và bạo quyền