Việt
Nam: Nhân viên mặc thường phục tấn công các nhà vận động nhân quyền
26/1/2014
(New York) – Hôm nay, Tổ Chức Theo Dõi Nhân Quyền phát biểu rằng
chính quyền Việt Nam cần ngay lập
tức chấm dứt bạo lực nhằm vào các nhà vận động nhân quyền. Trong tháng Giêng
năm 2015, các blogger hàng đầu đã bị công an mặc thường phục áp chế và đánh
đập.
Tổ Chức Theo Dõi Nhân Quyền tuyên bố rằng các vụ tấn công đó đã vi phạm
các quyền cơ bản và phải truy cứu trách nhiệm tất cả những cá nhân tham gia vào
các vụ tấn công nói trên, nhằm vào các nhà hoạt động nhân quyền và các blogger,
về những hành vi bạo lực, đe dọa và sách nhiễu của họ.
“Có những câu hỏi nghiêm túc được đặt ra khiến chính quyền Việt
Nam phải trả lời,” ông Brad Adams,
Giám đốc Ban Á Châu của Tổ Chức Theo Dõi Nhân Quyền nói. “Có phải giờ đây chính
quyền có chính sách đưa côn đồ đi cùng với công an để trừng phạt những người
không lập tức tuân lệnh họ?”
Ngày 21 Tháng Giêng, một
nhóm 12 nhà hoạt động nhân quyền và blogger đi từ Hà Nội xuống Thái Bình để
thăm ông Trần Anh Kim, một
tù nhân chính trị mới được thả ngày mồng 7 Tháng Giêng sau khi mãn hạn 5 năm 6
tháng tù vì bị cho là có liên hệ với một đảng chính trị bị chính quyền cấm.
Những người đi thăm gồm có nhà địa vật lý
Nguyễn Thanh Giang, nghệ sĩ điện ảnh Nguyễn Thị Kim Chi, cựu biên tập viên Nguyễn Lê
Hùng , cựu tù nhân chính
trị Nguyễn Vũ Bình, các blogger Nguyễn Tường Thụy và J.B Nguyễn Hữu Vinh; và các nhà hoạt động nhân
quyền Trần Thị Nga, Trương Minh Tam, Trương Văn Dũng, Nguyễn Thanh Hà, Bạch Hồng
Quyền và Ngô Duy Quyền.
Ngay sau khi những người
đến thăm vừa rời nhà Trần Anh Kim, xe của họ bị ba công an phường Trần Hưng
Đạo, nơi ông Kim sống, chặn lại. Ba người này yêu cầu mọi người về công an
phường. Khi họ từ chối với lý do không làm gì sai trái, một nhóm côn đồ, rõ
ràng có biểu hiện đang phối hợp với công an, lên xe và tấn công họ. Blogger nổi tiếng
J.B Nguyễn Hữu Vinh bị lôi khỏi xe, đánh đập và gây thương tích. Khi đến công an
phường, ông nhổ ra máu. Nghệ sĩ điện ảnh Nguyễn Thị Kim Chi bị vỡ kính. Những
người khác như Nguyễn Tường Thụy, Trần Thị Nga, Ngô Duy Quyền, Bạch Hồng Quyền
và Trương Minh Tam cũng bị đánh đập.
Việc chính quyền rõ ràng
đã sử dụng côn đồ để
tấn công những người vận động nhân quyền đang gia tăng ở
Việt Nam. Chỉ ba ngày trước khi xảy ra vụ ở Thái Bình, nhà hoạt động tôn giáo
Nguyễn Hồng Quang, mục sư của một nhánh Tin lành Mennonite độc lập ở Thành phố
HCM bị những kẻ côn đồ lạ mặt tấn công. Mục sư Quang phải vào bệnh viện vì bị
gãy mũi và một số thương tích khác. Riêng trong năm 2014, có ít nhất 22 nhà
hoạt động và blogger cho biết họ bị người lạ đánh đập. Chưa có ai bị bắt hay
truy tố về các vụ tấn công này.
Sau khi trở về Hà Nội
vào ngày 21 tháng Giêng năm 2015, blogger Nguyễn Tường Thụy, một trong những
nạn nhân của vụ hành hung, viết trên trang Facebook của mình, “Việt khủng bố
của ‘vương quốc’ Thái Bình và những cấp chỉ đạo với mục tiêu làm cho chúng tôi
sợ hãi sẽ không bao giờ thành công. Không có một bạo lực nào có thể làm cho chúng
tôi không dám đến với TNLT Trần Anh Kim hoặc bất cứ TNLT nào khác.”
“Chính quyền không có lý gì
để sử dụng côn đồ đe dọa và đánh đập những người lên tiếng phê bình ôn hòa,”
ông Adams nói. “Bất chấp những hành vi hành hung, sách nhiễu và bỏ tù, các nhà
hoạt động và blogger vẫn sẽ tiếp tục lên tiếng. Họ xứng đáng và cần được quốc
tế ủng hộ.”
Bất khuất: Đặng Xuân Diệu
“Em ơi! Sự chịu đựng cái khát bao giờ cũng lớn hơn cái khát.
Và chính trong lúc này kẻ thù còn chết khát hơn ta…
Chúng không thể nào đánh thuốc độc tất cả thi ca, triết học, tôn giáo, những trái tim và những vườn hồng.
Kẻ tuyệt vọng thảm sầu ngày nay không phải là chúng ta, mà chính là chúng nó...”
Chế Lan Viên
Ông Chế Lan Viên, cách đây hai mươi năm, tôi – một cô bé yêu và say mê văn học Cách Mạng. Đầu giường tôi nằm là những tập văn thơ của ông và Tố Hữu, tôi thuộc nằm lòng hầu hết những tác phẩm của ông và của những người na ná như ông với sứ mệnh đầu độc lịch sử và các thế hệ. Tôi còn nhớ mình đã rơi nước mắt như thế nào khi hoàn tất bài luận về bài thơ Bất Khuất của ông, bài văn của tôi đã được Thầy giáo cho điểm cao, được đọc to trước cả lớp và tôi vẫn còn nhớ như in cảm giác xúc động nghẹn ngào trước tiếng vỗ tay vang dội của
bè bạn khi bài văn kết thúc…
Hai mươi năm sau, tôi – một người phụ nữ hèn mọn “xin được mượn” lại bài thơ của ông –
cũng là bài Bất Khuất để tố cáo sự bất nhân, tàn ác, vô nhân đạo của những người “đồng chí” với ông đang sống và cầm tù những người yêu nước, những tù nhân lương tâm vô tội và, tôi ước mình có quyền để được tôn vinh sự quả cảm, không khuất phục của những tù nhân lương tâm trước sự đau thương các ông đã giáng lên đầu họ và lên đầu dân tộc này!
Tôi đã lặng người, phải cố gắng kìm nén sự run rẩy xúc động khi nghe Cô Kim Liên nhắc lại lời của Đinh Nguyên Kha trong buổi thăm tù vào ngày 24/01/2015 vừa qua: “Mẹ ơi, con tuyệt thực để phản đối sự bất công, sự tàn ác của họ đối với tù nhân. Con không xót thân con, con xót xa cho anh Diệu, xin mẹ hãy kêu gọi mọi người cứu giúp anh ấy. Anh Diệu bệnh nặng nhưng chúng không cứu chữa, chúng bỏ mặc anh, con sợ anh ấy không qua khỏi”…
Chế Lan Viên, giá như ông có thể nghe thấy lời tôi oán rủa ông và bè lũ các ông nhưng thật ra tôi phải cám ơn ông vì ông đã viết quá đúng về bản chất của CS – bản chất loài lang sói. Các ông muốn người tù ấy phải chịu khuất phục, phải chấp nhận mặc áo tù, phải thừa nhận mọi tội lỗi do các ông gán ghép và ép buộc, phải cúi đầu thừa nhận chiến thắng và quyền lực của các ông…nhưng cho đến phút này đây, ai đang “chết khát” hơn ai? Ai mới là kẻ thua cuộc? Một lực lượng hùng hậu nắm trong tay quyền sinh sát nhưng tại sao lại không thể khuất phục được một tù nhân chịu mặc áo tù? Ai mới là kẻ “tuyệt vọng thảm sầu” khi bất lực trước sự cứng cỏi của một tù nhân ốm yếu không còn sức tự vệ, ai đang điên cuồng tức giận trước ý chí kiên cường của một tù nhân với trái tim không thể bị “đánh thuốc độc”? Đặng Xuân Diệu không chịu khuất phục vì anh ấy nắm trong tay chính nghĩa. Anh ấy và những tù nhân lương tâm khác mới xứng đáng với những ngữ nghĩa trong bài BẤT KHUẤT của ông. Cho dù anh có chết thì vẫn là “chết trong tư thế của người”! Cho dù các ông cố giết anh ấy bằng đòn thù, bằng sự hèn hạ của các ông thì chẳng khác nào chính tự tay các ông đã trao cho anh ấy vũ khí để “giết bọn giết người tốt nhất”. Một Đặng Xuân Diệu nằm xuống, sẽ có hàng ngàn Đặng Xuân Diệu khác đứng lên. Cái chết của anh ấy sẽ làm minh chứng cho tội ác và sự thất bại của các ông. Cái chết của những tù nhân lương tâm không hề vô ích. Nó sẽ là lời cảnh tỉnh, là tiếng thét kêu gọi lòng trắc ẩn của tất cả những ai còn đang do dự, còn đang vô tâm trước vận mệnh đất nước và sinh mạng của đồng bào mình.
Các ông nói đúng, “Phép lạ ngày nay là ở trong tay những người đi chân đất, trái tim trần. Phép lạ là những người chết khát lại hoá thành ra suối…” Nếu các ông muốn thế giới quyền lực của các ông sụp đổ một cách nhanh chóng thì hãy tiếp tục tàn ác với đồng bào mình nữa đi. Hãy đẩy người dân sâu hơn vào sự tận cùng, tận khổ; Hãy dồn người dân vào cái ngưỡng tận cùng của sức chịu đựng và bùng nổ… Lúc ấy, tôi tin phép lạ lập tức sẽ xảy ra và nên nhớ, người tạo ra phép lạ tận diệt các ông sẽ là chính các ông chứ chẳng phải ai khác…
P/S: Những câu thơ tôi để trong ngoặc kép là câu thơ được trích trong bài thơ Bất Khuất. Hiện nay Đinh Nguyên Kha, Nguyễn Hoàng Quốc Hùng, Trần Vũ Anh Bình, Đặng Xuân Diệu đều đang tuyệt thực trong tù. Tính mạng của anh Diệu thật sự nguy cấp vì anh đang bệnh rất nặng và không được cứu chữa. Những tù nhân tuyệt thực chỉ duy trì được mạng sống bằng nước và những hộp sữa bán trong tù với cái giá cắt cổ. Nếu họ không được thường xuyên thăm nuôi, hỗ trợ và không có sự lên tiếng, tạo sức ép, làn sóng bất bình của cộng đồng thì mạng sống của họ chẳng còn bao lâu nữa…Please!
Nguồn: https://www.facebook.com/permalink.php?story_fbid=10203568327513255&id=1367142784&substory_index=0
VRNs (27.01.2015) – Sài Gòn –
Trên danh nghĩa, Liên đoàn lao động Việt Nam là tổ chức bảo vệ quyền lợi hợp
pháp của giới công nhân Việt Nam, nhưng trên thực tế, tổ chức này luôn đứng về
giới chủ lao động, ăn lương của giới chủ nên không bảo vệ lợi ích của người lao
động. Từ thực tế đó, lợi ích chính đáng của người công nhân bị xâm phạm: lương
không đủ sống, phải làm việc trong điều kiện không an toàn, bị đuổi việc bất cứ
lúc nào….
Gần đây, tại Việt Nam đã ra đời tổ chức có tên gọi là “Liên Đoàn
Lao Động Việt Tự Do”, gọi tắt là Lao Động Việt. Trên website chính
thức của tổ chức này cho biết: “LĐV là liên minh giữa một số nhóm trong và
ngoài Việt Nam hoạt động trong lãnh vực lao động.” Mục đích của tổ chức
nhằm đòi “quyền lợi chính đáng cho người lao động”, như vấn đề tiền lương, điều
kiện làm việc…
Logo chính thức của Tổ
chức Lao Động Việt. Ảnh: laodongviet.org
Cô Đỗ Thị Minh Hạnh, là một trong những người đã đi tiên phong
trong tổ chức này để lên tiếng, dấn thân bảo vệ cho lợi ích của người công nhân
tại Việt Nam. Cô Hạnh đã bị chính quyền kết án 7 năm tù giam hồi tháng 10 năm
2010. Tháng 6 năm 2014, cô được trả tự do và tiếp tục hoạt động trong tổ chức
Lao Động Việt nhằm bảo vệ quyền lợi cho người lao động.
Vừa qua, nhờ việc lên tiếng của Tổ chức Lao Động Việt, một số công
nhân tại công ty Diamond (Bình Dương) đã đòi lại được lợi ích chính đáng của
mình.
VRNs giới thiệu với các bạn Bản tin của Tổ chức Lao Động Việt về
vụ việc: “Công ty Diamond đuổi 138, chưa bồi thường, nay “nhận lại 4″
LĐV* 26/01/2015 – Sau 5 tháng phối hợp trong và ngoài VN, Lao Động
Việt vừa đạt được một kết quả nhỏ ở công ty may mặc Diamond: Trong số 138 công
nhân bị đuổi việc hồi tháng 7/2014 thì nay 4 công nhân đã được việc lại, và LĐV
đang cùng một số tổ chức tây phương tiếp tục tranh đấu đòi Diamond trả tiền bồi
thường đúng đắn cho mọi người.
Đuổi sấc sược, vô lý
Nhắc lại, cuối tháng 7/2014, công ty Diamond gọi công nhân vô
phòng họp (coi Hình) để thông báo đuổi việc: “138 công nhân nghỉ việc từ bây
giờ. Ngày mai đừng quay lại, có quay lại cũng không được lương. Nếu ký tờ tình
nguyện nghỉ việc sẽ được 1 tháng lương, không ký thì không được bồi thường đồng
nào”.
Sau khi một số công nhân cho Lao Động Việt hay, trong nước thì LĐV
phỏng vấn họ và một số công nhân khác, ngoài nước thì LĐV lên tiếng với Puma,
là công ty Đức mua hàng của Diamond. Bản tin 05/8/2014 của LĐV trên
laodongViet.org, cộng với 3 lần cập nhật sau đó, đã trình bày chi tiết vụ này.
Không chịu bồi thường
LĐV yêu cầu Puma đòi Diamond làm 2 điều chính. Một là trả tiền bồi
thường cho mọi công nhân theo đúng Điều 38 và 49 của Bộ Luật Lao Động của VN –
Điều 38: Phải báo trước 1 tháng rưỡi, nếu không thì trả 1 tháng rưỡi lương;
Điều 49: Phải bồi thường 1 tháng lương cho mỗi năm làm việc. Hai là khi xây lại
nhà máy khác (thay cho nhà máy bị cháy vào tháng 5) thì cho các công nhân này
cơ hội làm việc lại, với mức lương không kém lương cũ.
Puma viết thư đến LĐV nói rằng nhà nước địa phương (kể cả công đoàn
nhà nước!) đã miễn cho Diamond không cần phải bồi thường.
“Đã nhận lại 4 công nhân”
Trước thái độ vô lý đó (vì Bộ Luật Lao Động không có điều khoản
nào cho phép UBND địa phương hay công đoàn nhà nước được xóa quyền của người
lao động), nên LĐV mời vài nhóm tây phương cộng tác để lên tiếng – là nhóm
Clean Clothes Campaign (CCC), và nhóm Inkota ở Đức, cùng quốc gia với Puma. Trước
đây, từ năm 2010, LĐV đã từng cộng tác với Inkota để điều tra về điều kiện làm
việc ở một số công ty.
Nay Puma vừa viết thư đến Inkota, CCC, và Lao Động Việt, nói:
Diamond đã viết thư mời 138 công nhân nói trên xin việc lại, và có 4 người đã
trở lại làm, là các cô Bích, Mai, Yến, Lộc, với lương bằng lúc trước.
LĐV nhắn với công nhân Diamond
Trong nước, Lao Động Việt đang tìm lại các công nhân bị đuổi việc
để hỏi coi trên đây có đúng sự thật hay không. Ở hải ngoại, LĐV cũng đang cùng
các nhóm bạn tìm cách đòi Diamond trả tiền bồi thường đúng luật.
Vậy LĐV xin các bạn công nhân ở Diamond liên lạc với chúng tôi qua
email (chao@laodongViet.org), qua
Facebook (facebook.com/laodongViet), hoặc qua số điện thoại mà trước đây các
bạn đã có.
No comments:
Post a Comment
Nhân quyền và bạo quyền