Human Rights Watch và Ủy Ban Bảo Vệ Nhà Báo yêu cầu Việt Nam trả
tự do cho những nhà tranh đấu ôn hòa
Đăng ngày 13-01-2015
Đông Nam Á : Lên án vòng vo vụ tấn công báo Charlie Hebdo
Các nhà báo Charlie
Hebdo giới thiệu báo ra ngày 14/01, số đầu tiên sau vụ khủng bố tấn công tòa
soạnREUTERS
Sau tấn công giết hại
các nhà báo của tuần báo châm biếm Pháp Charlie Hebdo, ngày 07/01/2015, chính
quyền nhiều nước Đông Nam Á đã lên án hành động này. Thế nhưng, Đông Nam Á là
nơi mà quyền tự do báo chí và ngôn luận bị kiểm duyệt mạnh mẽ nhất. RFI xin
giới thiệu bài viết của chuyên gia Zach Abuza, trên báo mạng Philippines
Rappler, ngày 13/01/2015.
Các chính phủ ở Đông Nam
Á đã nhanh chóng lên án vụ tấn công vào trụ sở tòa soạn tuần báo châm biếm Pháp
Charlie Hebdo và vụ giết hại 12 người. Họ lên án điều mà họ miêu tả như là một
« hành động khủng bố » và chia buồn với các nạn nhân. Thế nhưng, không
một vị lãnh đạo hoặc chính phủ nào nói đến cuộc tấn công thực sự, đó là cuộc
tấn công vào tự do báo chí, bất kể bạn cho rằng Charlie Hebdo có nội dung hay
hoặc dở. Điều này không gây ngạc nhiên tại một vùng mà trong nhiều năm qua, ở
trong tình trạng u ám về chỉ số tự do báo chí, hạn chế tự do ngôn luận và tự do
internet.
Không một chính phủ
nào ở Đông Nam Á được giới quan sát quốc tế đánh giá là tôn trọng tự do báo
chí. Phóng viên Không Biên giới xếp các nước Đông Nam Á nằm trong nhóm
đứng thứ ba, tính từ dưới lên trên, trong bảng xếp hạng của tổ chức này, bao
gồm những nước hạn chế nhất quyền tự do báo chí. Theo Ủy ban Bảo vệ các Nhà
báo, trong năm 2014, 28 nhà báo đã bị bắt giữ, chiếm hơn 10% trong tổng số các
vụ bắt giữ nhà báo trên thế giới (220 vụ), cao hơn năm 2013 với 19 vụ.
Tương tự,
báo cáo thường niên về Tự do Internet của tổ chức Freedom House đánh giá chỉ
Philippines là có tự do internet. Cam Bốt, Indonesia, Malaysia, Miến Điện và
Singapore được đánh giá là có « tự do bán phần » trong khi Thái
Lan và Việt Nam được đánh giá là « không
có tự do ». Chỉ có Malaysia được nâng hạng trong năm 2014
; tất cả các nước khác đều bị tụt hạng.
Họ đã phản đối quá nhiều
Trong một bức thư gửi
Thủ tướng Pháp, tướng Prayut Chan Ocha, người lãnh đạo cuộc đảo chính đã gửi
lời chia buồn tới các nạn nhân và đã « lên án hành động khủng bố này ».
Cho dù có nhắc tới tuần báo Charlie Hebdo, ông không hề nói gì đến việc tấn
công vào quyền tự do báo chí. Cùng ngày, chính phủ Thái Lan đưa ra một dự luật
cho phép gia tăng khả năng kiểm duyệt và dò xét tất cả các trao đổi thông tin,
mạng xã hội. Năm 2014, chính quyền quân sự đã bắt giữ 2 nhà báo, trong đó có
một người phụ trách biên tập chỉ vì đã đăng một bài bị coi là vi phạm luật Khi
Quân hà khắc và cổ hủ (điều 112 Bộ Luật Hình sự).
Cuối tháng 12 vừa qua,
Thủ tướng và Bộ trưởng Quốc phòng đã bày tỏ sự ủng hộ với đề xuất đóng cửa các
cơ quan truyền thông phê phán chính phủ và ông Prayut đã cáo buộc nhiều cơ quan
truyền thông phá hoại chương trình « hòa
giải », khi cho đăng các bài chỉ trích mạnh mẽ. Chính quyền quân sự đã họp
kín với lãnh đạo các cơ quan truyền thông để cảnh cáo họ. Kể từ cuộc đảo chính
hồi tháng 05/2014, chính quyền Thái Lan đã xét xử 20 người bị cáo buộc vi phạm
điều 112 Bộ Luật Hình sự, nhiều hơn cả số vụ trong suốt 5 năm qua.
Điều 112 cũng như Luật
về tội phạm tin học, đã được sử dụng để bịt miệng tất cả những tiếng nói đối
lập với chính quyền quân sự. Bất kể ai, kể cả thường dân, bị cáo buộc phạm tội
Khi Quân, đều bị đưa ra tòa án binh xét xử, nơi mà bị cáo không có quyền kháng
án. Truyền thông Thái Lan ở trong tình trạng vừa bị kiểm duyệt vừa tự kiểm
duyệt mạnh mẽ.
Bộ Thông tin và Truyền
thông Thái Lan đã đóng cửa 1200 website bị coi là vi phạm luật Khi Quân, đi kèm
với việc bắt giữ những nhà hoạt động phản đối cuộc đảo chính vì họ đã đăng tải
các thông điệp trên mạng xã hội. Bộ này còn có khả năng trong vòng 30 giây đóng
cửa bất kỳ website nào bị cáo buộc vi phạm. Giờ đây, chính phủ còn giao trách
nhiệm cho các nhà cung ứng dịch vụ internet theo dõi các website và trao cho họ
quyền đóng cửa bất kỳ website nào bị cáo buộc vi phạm điều 112 mà không cần
lệnh của tòa án.
Trong một thông điệp
đăng trên Twitter, Thủ tướng Malaysia Najib Razak đã lên án vụ tấn công. « Chúng
ta phải đấu tranh một cách đúng mực chống lại tư tưởng cực đoan ». Theo
thông cáo của chính phủ Malaysia, « không có gì biện minh cho việc cướp đi
sinh mạng của những người vô tội ». Thế nhưng, cũng không hề có câu nào
nói đến việc bảo vệ quyền tự do ngôn luận. Điều này cũng không ngạc nhiên.
Phóng viên Không Biên giới xếp Malaysia đứng thứ 147 trong tổng số 180 nước về
quyền tự do báo chí.
Mặc dù vào tháng 11/2014, Thủ tướng Najib hứa bãi bỏ Luật
chống nổi loạn có từ thời thực dân, nhưng ông không chỉ vẫn giữ nguyên nghị
định mà còn dựa vào văn bản này để gia tăng các vụ truy tố mang mục đích chính
trị. Hơn 10 trường hợp bị cáo buộc nổi loạn đã được đệ trình lên tòa, đa số
nhắm vào các chính trị gia đối lập và các nhà hoạt động trẻ, cũng như nhắm vào
một giáo sư luật vì đã đưa ra ý kiến với tư cách là một chuyên gia. Thứ hạng về
tự do báo chí của Malaysia tiếp tục xuống thấp, trong lúc có khoảng 1500 giáo
lệnh hạn chế mạnh mẽ tự do ngôn luận.
Phó Thủ tướng Singapore
Teo Chee Hean đã lên án vụ tấn công, nói rằng « thật là buồn khi nhìn thấy
tư tưởng cực đoan dẫn đến bạo lực và đổ máu ». Thế nhưng, Singapore cũng
có một vài đạo luật hạn chế tự do báo chí nhất trong khu vực. Nước này bị Phóng
viên Không Biên giới xếp hạng thứ 150 trong tổng số 180 quốc gia và thường
xuyên sử dụng các luật chống vu cáo, bôi nhọ, để bịt miệng truyền thông và đối
lập chính trị ; chính phủ chưa bao giờ thua kiện trong các vụ xét xử về tội vu
cáo, kể cả khi kiện các hãng thông tấn lớn của phương Tây.
Vài ngày sau khi lên án
khủng bố, một tòa án của Singapore đã ra lệnh cho một blogger phải chi 28 000
đô la Singapore án phí trong vụ Thủ tướng kiện vu cáo. Không có gì ngạc nhiên
là blogger này thua kiện.
Tương tự, Ngoại trưởng Indonesia
Retno Marsudi cũng lên án vụ tấn công và chia buồn. Tuy là một trong những nước
có tự do báo chí nhất trong khu vực (xếp hạng thứ 132 trên 180), Indonesia vẫn
chưa thoát ra khỏi tình trạng tồi tệ của những năm 2009-2011 và số vụ tấn công
các nhà báo vẫn còn rất cao và ít bị truy tố. Những cáo buộc từ bỏ tôn giáo
nhắm vào lãnh đạo báo Jakarta Post gần đây, cho dù sau đó bị bãi bỏ, cho thấy
những điều đạt được tại Indonesia còn rất mong manh. Trên internet cũng vậy,
Indonesia vẫn chỉ được xếp hạng « tự
do bán phần » và đứng hàng thứ ba về mức độ thâm nhập internet thấp trong
khu vực.
Phát ngôn viên Bộ
Ngoại giao Việt Nam đã lên án vụ tấn công là « dã man và không thể chấp nhận được »,
còn Chủ tịch Trương Tấn Sang, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng thì gửi điện chia buồn
tới các đồng nhiệm Pháp. Thế nhưng, Việt Nam lại là nước hạn chế quyền tự do
báo chí nhất trong vùng, đứng thứ 174 trên 180 nước, theo phân loại của Phóng
viên Không Biên giới. Hiện nay, tại Việt Nam, có 19 nhà báo và blogger bị giam
giữ, trở thành nhà tù đứng hàng thứ 5 trên thế giới đối với các nhà báo.
Nội trong một tháng,
từ tháng 11 đến tháng 12 năm 2014, Việt Nam đã bắt giữ 3 blogger, cáo buộc họ theo
những điều khoản mơ hồ về an ninh quốc gia trong Bộ Luật Hình sự và tội « lạm dụng các quyền tự do dân chủ ».
Thật khôi hài, vào giữa năm 2014, chính quyền Việt Nam đã đóng cửa trang web
Haivl.com, một tạp chí châm biếm trên mạng rất nổi tiếng.
Việc tấn công các blogger và các hạn chế chung những tiếng nói của giới trí
thức sẽ còn gia tăng trong năm nay, trước khi có Đại hội đảng Cộng sản lần thứ
12, sẽ được tổ chức vào đầu năm 2016.
Và trong lúc Philippines
rất có tự do báo chí, thì việc không trừng phạt các vụ tấn công nhắm vào nhà
báo lại làm cho nước này trở thành một trong những quốc gia có số nhà báo bị
giết hại nhiều nhất trên thế giới, bị giới quan sát hạ thứ bậc hàng năm trong bảng
xếp hạng về tự do báo chí. Phóng viên Không Biên giới xếp Philippines ở thứ 149
trên 180.
Cùng ngày xẩy ra vụ tấn công tòa soạn tuần báo Charlie Hebdo, có một
nhà báo Philippines bị bắn chết và đây là vụ thứ 172, kể từ năm 1986. Vụ tấn
công tòa soạn Charlie Hebdo chỉ là vụ có số nhà báo bị giết hại đứng hàng thứ hai
trên thế giới, xếp sau vụ thảm sát ở Maguindanao, hồi tháng 11/2009, với 58
người bị giết chết trong đó có 32 nhà báo. Các nhân chứng bị sát hại và tại
Philippines, không một ai bị kết án vì đã giết một nhà báo.
Sự im lặng liên tục
của chính phủ về việc không trừng phạt những kẻ phạm tội nói lên nhiều điều.
Đã đến lúc lãnh đạo các
nước cần phải lên tiếng mạnh hơn việc lên án hành động khủng bố. Charlie Hebdo
bị tấn công do sứ mệnh châm biếm của họ và buộc chúng ta phải đặt câu hỏi với
các chính phủ, về các chính sách, tôn giáo và ý thức hệ. Các nhà báo đã bị giết
vì đã làm công việc của mình. Việc tấn công vào tự do ngôn luận là không thể
chấp nhận được và không thể biện minh, không thể nhân danh tôn giáo, tư tưởng
hoặc ý thức hệ chính trị. Không có gì có thể đứng trên các quyền chỉ trích,
chất vấn, cho dù có thể bị coi là là bất kính hoặc sở thích tồi tệ.
Tại Đông
Nam Á, các nhà báo đang bị tấn công trong lúc họ không làm gì ngoài việc cung
cấp thông tin, tạo các cuộc tranh luận về các chính sách công và buộc các chính
phủ phải có trách nhiệm hơn. Đây chính là điều mà các chính phủ ở Đông Nam Á
cần lên án. Chúng ta không thể cho phép các chính phủ lên án bạo lực để biện
minh cho việc kiểm soát chặt chẽ hơn internet và truyền thông, đồng thời kìm
hãm tự do ngôn luận và tự do internet.
__._,_.___
No comments:
Post a Comment
Nhân quyền và bạo quyền