Wednesday, January 14, 2015

Một Lễ Giáng Sinh nhọc nhằn nhưng đong đầy tình thương



Một Lễ Giáng Sinh nhọc nhằn nhưng đong đầy tình thương 

04/01/2015

+ Anphong Nguyễn Hữu Long Giám mục Phụ tá Hưng Hóa

Phải nhìn nhận anh em H’Mông rất đáng phục, họ đứng chờ chúng tôi trong gió lạnh cắt da, sương sa ướt dầm mà không khó chịu hay phàn nàn một tiếng.

Nhiều người muốn biết về chuyến mục vụ lễ Giáng Sinh của tôi với anh em H’Mông tại bản Huổi Thủng 1, liệu tôi có đến được với họ như đã định không, có gặp khó khăn không ? Tôi sẽ thuật lại chuyến mục vụ này, như món quà đầu năm mới, tặng anh chị em của tôi trong đức tin.

Đầu tháng 12, Tòa Giám Mục Hưng Hóa đã gửi văn thư đến chính quyền tỉnh Điện Biên và hai huyện Nậm Pồ, Mường Nhé, đăng ký lịch trình Giáng Sinh tại đây, theo đó tôi sẽ thăm và dâng lễ cho giáo dân tại các bản Huổi Thủng 1, Na Cô Sa, Nậm Chẩn, Nà Bùng, Nậm Vì, Mường Nhé. Số giáo dân tại các giáo điểm này là hơn 1.400 người, gồm 1.333 người H’Mông, và 80 người Kinh. Họ sống rải rác cách xa nhau từ 3-150 cây số, vì đường núi vòng vèo, quanh co. Đặc biệt đây là lần đầu tiên có lễ Giáng Sinh tại các bản H’Mông xa xôi cách trở này.


Không biết mấy giờ thì Đức cha "nó" đến 


Ngày 16.12, huyện Mường Nhé trả lời chỉ chấp thuận cho làm lễ ở Mường Nhé của người Kinh, còn Nậm Vì của người H’Mông thì bị từ chối, vì nơi đây “còn phức tạp về an ninh trật tự”!

Hôm sau, huyện Nậm Pồ trả lời “không đồng ý chấp thuận” cho dâng lễ ở một điểm nào, vì hai lý do sau : Một, tại huyện Nậm Pồ “chưa có cơ sở tôn giáo được công nhận”, nên “việc tổ chức các nghi lễ tôn giáo là không đúng với qui định của pháp luật” (trích dẫn điều 11,1 Pháp lệnh Tín Ngưỡng tôn giáo); Hai, “Huyện Nậm Pồ là huyện biên giới, tình hình an ninh trật tự còn tiềm ẩn những yếu tố phức tạp như : các loại tội phạm về ma túy, hình sự, vượt biên trái phép…”

Những lý do viện ra để từ chối, theo tôi, không thích đáng và không thuyết phục, vì ở đâu mà chẳng có những tệ nạn xã hội, và cả nước có hàng ngàn cây số biên giới, tại sao những chỗ khác không cấm ; còn lấy lý do “chưa có cơ sở tôn giáo”, thì ở điều 11,2 Pháp lệnh tín ngưỡng có dự trù trường hợp tổ chức nghi lễ tôn giáo ngoài cơ sở đã được công nhận (Tòa Giám Mục đã 4 lần gửi văn thư đăng ký sinh hoạt tôn giáo tại các tỉnh Sơn La, Lai Châu, Điện Biên, nhưng đến nay vẫn chưa được chấp nhận). Vì thế, Tòa Giám Mục đã gửi văn thư thứ hai yêu cầu xét lại quyết định trên, “để bà con giáo dân thuộc các địa bàn trên được đáp ứng nguyện vọng chính đáng của mình trong dịp đại lễ Giáng Sinh”.


Đức cha đến trong vòng vây của nhiều người

Ở xã Na Cô Sa, chính quyền lập trạm canh để kiểm soát người ra vào, và cấm người công giáo không được tổ chức lễ Giáng Sinh. Hai nữ tu được gửi tới giúp giáo dân Mường Nhé và Nậm Pồ trong dịp lễ cũng bị trục xuất khỏi địa bàn xã. Dù biết sẽ gặp khó khăn, nhưng chúng tôi quyết định vẫn cứ đến.

Tại Tòa Giám Mục Hưng Hóa, những ngày trước lễ, phái đoàn chính quyền các tỉnh theo thông lệ đến chúc mừng, trong đó có đoàn Công an thành phố Hà Nội. Họ ngỏ ý muốn đi thăm và tặng quà cho bà con nghèo. Đức cha chính đã đề nghị họ đến Huổi Thủng. Thế là đồng thuận ngày 24.12 này, đoàn sẽ đến với giáo dân H’Mông ở Huổi Thủng.

Sáng thứ bảy 20.12, chúng tôi lên đường đi Điện Biên bằng đường bộ. Đoạn đường dài 750 cây số, mất 12 tiếng đồng hồ, lộ trình Sơn Tây - Hòa Bình - Sơn La - Điện Biên. Trên đường đi, chúng tôi có cảm tưởng giống như Mẹ Maria ngày xưa nong nả đi thăm gia đình Dacaria, hôm nay chúng tôi cũng đi lên miền núi đem Chúa đến với anh chị em H’Mông.

Chúa nhật 21.12, chúng tôi dâng lễ tại Điện Biên cho giáo dân người Kinh. Thứ hai 22.12, đi Mường Nhé, cách Điện Biên 200 cây số. Đoàn chúng tôi gồm 8 người : tôi và cha Bình, hai thầy, hai nữ tu, hai tài xế. Chúng tôi đến chào chính quyền huyện, nhân tiện để biết họ có thay đổi quyết định trước ? Rốt cuộc là không được làm lễ cũng không được đến thăm Nậm Vì, do tình hình ở đây tế nhị ! Sau khi trao đổi khá lâu giờ mà không kết quả, với ước mong lần sau sẽ được, chúng tôi đồng ý không đến Nậm Vì trong chuyến mục vụ này.

Tối hôm đó, chúng tôi đã cử hành lễ Giáng Sinh tại Mường Nhé, bài đọc thì lấy lễ Vọng, nhưng kết lễ thì đã viếng máng cỏ, hát mừng Chúa ra đời rồi, vì chỉ được dâng lễ ở đây hôm nay thôi ! Vậy là năm nay Chúa ra đời ở Mường Nhé trước mọi nơi trên thế giới, phải “sinh non” mất ba ngày !

Ngày 23.12, chúng tôi không biết làm gì, ở Mường Nhé thì đã xong việc rồi, đi Nậm Vì thì không được, đến Huổi Thủng thì theo lịch trình là ngày mai. Thế là cha Bình đề nghị đi thăm A Pa Chải, là nơi xa nhất của tổ quốc, nằm ở ngã ba biên giới Lào-Việt-Hoa, nơi mà “một con gà gáy, cả ba nước đều nghe” ! Vào các ngày 3, 13, 23 mỗi tháng đều có chợ phiên ở đây, người dân ba nước qua lại trao đổi hàng hóa với nhau. Khi biết chúng tôi có ý đi A Pa Chải, chính quyền tỏ ra quan tâm, đề nghị cho một anh cán bộ đi theo, để lỡ có chuyện gì rắc rối thì đứng ra bảo đảm. Nhưng sau mới biết anh này có nhiệm vụ đưa chúng tôi đi và về đúng lộ trình, không đi lộn vào đường dẫn đến Nậm Vì.

Sau đoạn đường gần 70 cây số đường núi ngoằn nghèo, toàn rừng rậm, độ cao đến gần 2.000 mét, chúng tôi đến A Pa Chải, nơi dân tộc Hà Nhì và Mông sinh sống. Chợ phiên không có gì đặc sắc, hàng hóa không nhiều, vì đây không phải cửa khẩu quốc tế, buôn bán chỉ là “tiểu ngạch”.

Ở ngã ba đường vào Nậm Vì có năm sáu gia đình công giáo từ Hà Nam lên sinh sống, chúng tôi được mời dùng bữa cơm trưa. Tội nghiệp những anh chị em này, để giữ đức tin, họ chỉ có cách hàng năm vào lễ lớn như Giáng Sinh và Phục Sinh trở về quê dự lễ, con cái đến tuổi học giáo lý thì gởi về đó học, chịu bí tích rồi trở lên.

Buổi tối ở Mường Nhé, giáo dân lại tập trung nhà ông trùm Thiệp đọc kinh, viếng Máng Cỏ. Các em thiếu nhi biểu diễn một chương trình ca múa mừng Chúa Giáng Sinh, đơn sơ dễ thương và hào hứng. Nhiều người muốn ngày mai đi Huổi Thủng để được dự lễ nữa, nhưng chúng tôi can ngăn, vì đường xá hiểm trở, lại chưa biết liệu có vượt qua được các trạm gác không.

Sáng sớm 24.12, khi trời còn mù sương, chúng tôi đã lên đường. Xe của đoàn Công an Hà Nội đi tặng quà đã đến Mường Nhé đúng hẹn, và chúng tôi cùng đi. Đến ngã ba Quảng Lâm, chừng 40 xe gắn máy của anh em H’Mông đã chờ sẵn, không phải để dẫn đường hoặc chào đón chúng tôi đâu, mà là để chở quà tặng vào bản. Quà này đã được chở từ Hà Nội và Điện Biên đến từ chiều hôm qua. Phải nhìn nhận anh em H’Mông rất đáng phục, họ đứng chờ chúng tôi trong gió lạnh cắt da, sương sa ướt dầm mà không khó chịu hay phàn nàn một tiếng.

Trên đường vào xã Na Cô Sa, chúngtôi thấy các anh an ninh đứng rải rác để quan sát, có dừng xe nhưng không ngăn cản. Chúng tôi đến nơi lúc gần 8 giờ. Tiếp chúng tôi là anh phó chủ tịch. Sau màn chào hỏi, anh nghiêm nghị nói : “Các bác vào thăm giáo dân, chúng tôi không có ý kiến, nhưng yêu cầu hai điều : Một, sau khi gặp giáo dân, yêu cầu các bác rời xã, không ở lại qua đêm ; Hai, không đồng ý cho giáo dân ở nơi khác đến dự lễ, chỉ giáo dân Huổi Thủng mà thôi”. Tôi lên tiếng : “Chúng tôi làm lễ xong cũng 9 giờ tối rồi, lúc đó làm sao mà đi ra, vì đường đèo nguy hiểm, sương đêm dày đặc, một bên là núi, một bên là vực thẳm, lỡ mất mạng thì sao. Vả lại, tôi là công dân, có giấy tờ đầy đủ, sao không được ở qua đêm ở đây. Còn yêu cầu thứ hai cũng vô lý. Chúng tôi đăng ký làm lễ ở các bản để giáo dân khỏi phải đi xa tốn kém, các anh không chấp nhận, giờ lại cấm giáo dân không được đến dự lễ. Vậy thì các anh không tôn trọng tự do tôn giáo rồi !” Cha Bình thêm vào: “Nếu không cho chúng tôi ngủ ở nhà dân thì bố trí cho chúng tôi một phòng ở cơ quan, chúng tôi trải chiếu ngủ ít tiếng đồng hồ rồi sáng sớm mai trở ra”. Anh phó chủ tịch cho biết không có phòng. Tôi lại hỏi : “Lệnh này do ai ra, xin cho biết”, anh trả lời : “Do cấp trên”. Tôi muốn cho biết là ai để liên hệ trực tiếp, nhưng anh không nói. Vậy đó, cấp trên thì đổ là cấp dưới không nghe, cấp dưới lại đổ là cấp trên ra lệnh. Thấy có nói nhiều cũng không lay chuyển được, lại không muốn mất thời giờ quý báu, nên chúng tôi rời ủy ban xã để đi gặp giáo dân.

Tại nhà ông Vàng A Mang, nơi mà bà con giáo dân xum họp đọc kinh các chúa nhật, giáo dân đã chờ sẵn. Phái đoàn Công an Hà Nội đem quà phát cho bà con. Món quà giá trị gồm 250 bì thư, mỗi bì thư 300.000 đồng, 500 áo ấm, 250 lịch tường của báo An ninh Thủ đô. Vì bà con tập trung không đầy đủ, nên đoàn chỉ phát tượng trưng rồi làm biên bảo giao tất cả cho chúng tôi, sau đó đoàn ra về. Còn quà của chúng tôi là 250 phích nước (bà con H’Mông chưa biết dùng nước sôi, họ quen uống nước lạnh từ suối dẫn về) và 1.700 phần bánh kẹo, dư cho mọi người, kể cả người không có đạo. Không quên món quà thiêng liêng là lịch Lòng Chúa thương xót với tấm hình nổi ba chiều rất đẹp và chuỗi mân côi tặng cho các gia đình.


Ôi đẹp quá!

Chúng tôi bắt tay ngay vào việc : hai dì tập hát, hai thầy bắt lại điện, các ông chức việc lo phát quà, cha Bình rửa tội cho 18 dự tòng lớn bé, hợp thức hôn phối cho 12 cặp vợ chồng, còn 89 người thêm sức thì để dành thánh lễ tối nay, sau đó cha lại đi xức dầu bệnh nhân ; còn tôi thì giải tội mệt nghỉ, giải tội lòng lành thôi, chứ tôi chưa biết một tiếng H’Mông nào ! Đại đa số xưng tội lần đầu. Vậy là nội trong một ngày, chúng tôi cử hành tới 6 bí tích, chỉ thiếu Truyền Chức Thánh thôi !

Các em thiếu niên cũng tự chuẩn bị một chương trình ca múa mừng Chúa Giáng Sinh. Đây là lần đầu tiên giáo dân H’Mông ở đây có lễ Giáng Sinh, và là lần thứ tư có thánh lễ, nên dễ đoán được sự háo hức và niềm vui của mọi người, đến nỗi họ bảo nhau hùn tiền mua một con bò con, làm cơm ăn mừng cả bản. Thú thật có lúc tôi cảm thấy mệt quá, muốn tìm một chỗ nằm nghỉ, mà chỗ nào cũng có người, sau cùng đánh liều ngả mình trên chiếc giường, nhưng không tài nào nhắm mắt được. Cũng vì muốn “mang vào mình mùi chiên” ! Tôi lại cảm thương cha Bình, sức khỏe của cha không dồi dào, nếu cứ thế này thì kiệt lực mất !

18 giờ. “Bữa nay lạnh, mặt trời đi ngủ sớm” (Xuân Diệu). Bóng đêm dần buông, bà con tụ tập đông đảo, háo hức chờ đợi chương trình ca múa mừng Chúa Giáng Sinh. Không gian Huổi Thủng tối nay như bị chọc thủng bởi tiếng đàn hát cao vút thinh không, bởi điệu múa nhịp nhàng của các em thiếu niên, giữa một đám người đứng ngồi như nêm, lặng thinh và say sưa theo dõi với ánh mắt vui tươi. Chương trình phong phú, nào các cô bé No-en với vũ điệu Jingle Bell, nào thanh nữ Maria với nét mặt thánh thiện qua bài “Từ lúc Mẹ nói lời Xin Vâng”, nào các màn đồng diễn nhịp nhàng. Lại có những bài hát bằng tiếng H’Mông mà không biết làm sao các em tập được, còn tôi thì nghe như vịt nghe sấm, chỉ biết vỗ tay tán thưởng mà thôi !

19 giờ tối, bắt đầu thánh lễ mừng Chúa Giáng Sinh. Như lần trước, chúng tôi giải tội tập thể để mọi người có thể đón Chúa vào lòng đêm nay, trong hoàn cảnh rất hiếm thấy. Điện bỗng dưng bị cúp. Không sao, cha Bình đã khôn ngoan dự liệu 550 cây nến, nhưng ngần ấy cũng chẳng đủ để mỗi người một cây. Ánh nến lung linh vừa rọi sáng khung trời Huổi Thủng đang chìm trong bóng đêm dày đặc, vừa sưởi ấm những tấm thân đang co ro vì giá lạnh núi rừng Tây Bắc đêm nay. Ôi linh thiêng thay ! Lời ca “Đêm đông lạnh lẽo Chúa sinh ra đời…” được hát lên cách chân thành, hẳn đủ để sưởi ấm Hài Nhi Giêsu trong máng cỏ, mỉm cười vẫy chào đám người đang hăm hở đón Ngài ngự đến nơi biên giới này ; còn họ, họ cũng đang được sưởi ấm bằng tình yêu nồng nàn của Chúa từ trên cao. Trong bài giảng, tôi quảng diễn lời thiên sứ nói với các mục đồng : “Đừng sợ, này tôi báo cho anh em một tin mừng”. Anh em đừng sợ vì mình nghèo hèn, khốn khổ ; đừng sợ vì mình chưa được tự do tôn thờ Chúa như các nơi khác ; đừng sợ những người làm khổ mình. Trái lại, anh em hãy vui mừng vì Chúa giáng sinh để ở với anh em. Hãy vui vì mình có Chúa ở đây, lúc này, và mãi mãi. Có Chúa rồi thì anh em không buồn nữa, không khổ nữa, không ở trong bóng tối nữa, mà ở trong ánh sáng như ngọn nến trong tay ! Anh em hãy thương những người không biết Chúa, không có Chúa, không đón nhận và tin Chúa. Họ mới là những kẻ u buồn vì còn ở trong bóng tối.


Ánh nến lung linh thay điện 

Sau thánh lễ, chúng tôi phát quà cho mọi người, cả những người không đến dự lễ được cũng có phần. Chúng tôi vui vì có một số anh em đến từ các bản xa xôi. Có người bị chặn đường đuổi về, nhưng rồi họ lại đi đường vòng, cố để được đến dự lễ. Tôi thầm nghĩ : Ở những nơi được tự do giữ đạo, nhiều người chẳng còn tha thiết dự lễ đêm nay ; còn ở đây, nơi không được tự do giữ đạo, thì người ta lại gắn bó với Chúa đến thế ! Chúa ơi, ở đây Chúa buồn hay vui ?


Kẹo đây con, chia ra cho mọi người


10 giờ đêm. Sương đã phủ dầy, lạnh cóng người rồi. Và cũng đến lúc phải từ giã bà con H’Mông. Thật não lòng. Tôi nói với họ : “Tôi muốn ở lại đêm nay với anh chị em cho trọn niềm vui Giáng Sinh, nhưng chính quyền không cho. Tôi đành tạm biệt anh chị em. Tôi không hỏi anh chị em có muốn tôi sẽ lại đến đây, vì tôi biết mọi người đều muốn. Vậy thì tôi sẽ trở lại với anh em vào lễ Phục Sinh tới”.

Tôi buông vội những bàn tay đang giơ ra để níu tôi, và cũng nhác thấy những cụ già và em bé giơ tay quẹt nước mắt. Có phải họ buồn quá đến không khóc được ? Và tôi sải rộng bước chân để mau đến chiếc xe đã nổ máy chờ tôi, ngậm ngùi nghĩ rằng mình được ngồi trong xe ấm nệm êm, còn họ lát nữa đây sẽ lầm lũi đi trong bóng đêm và gió lạnh trở về nhà, không như các mục đồng Bêlem xưa, sau khi gặp Chúa Hài Đồng, đã ra về ca hát hân hoan !


Lần đầu tiên các ông già Noel nhí xuất hiện trên sân khấu Huổi Thủng 


Trên đường từ bản ra quốc lộ, tôi thấy có những anh an ninh đứng bên đường chờ xe chúng tôi đi qua, để chắc chắn rằng chúng tôi thật sự đã rời đi. Tội nghiệp cho các anh ấy, vì chúng tôi mà phải chịu rét mướt đêm khuya. Ra đến ngã ba Quảng Lâm, một toán công an chặn xe chúng tôi, ngỡ là họ kiểm tra giấy tờ, nhưng thật là họ đếm xem chúng tôi có ra đủ 2 xe 8 người không.

Chúng tôi đi suốt đêm, trả lại 200 cây số, để về đến Điện Biên lúc 4 giờ sáng, mắt cay xè vì ngủ gà ngủ gật. Trên đường về, tôi liên tưởng đến thảm cảnh Thánh Gia trốn qua Ai Cập giữa đêm khuya, chúng tôi cũng đang được phúc chia sẻ nỗi niềm ấy với Chúa, khác chăng ngày xưa Chúa ở trên lưng lừa, còn chúng tôi trên chiếc xe hơi, Chúa mon men đường đá gồ ghề, còn chúng tôi lăn bánh trên đường nhựa bon bon !

Nghĩ về anh em H’Mông, tôi cảm thấy mến thương họ vì bản chất hiền lành, cam chịu mọi cảnh ngộ của kiếp sống lầm than. Chắc chắn Chúa phải bù đắp cho họ, bằng tình yêu thương bao la của Ngài, bằng phúc thiên đàng hứa ban cho những ai nghèo khổ bất hạnh. Phải chăng vì thế mà tôi thấy họ luôn vui tươi, bình an.

Tôi cũng nghĩ về những người đang đại diện nhân dân, với hai chữ “Chính quyền” trên vai. Hôm nay họ đã làm một điều bất công với anh em H’Mông khi ngăn cản không cho mừng lễ Chúa Giáng Sinh ; và với chúng tôi, khi không cho nghỉ qua đêm tại bản mà phải ra đi giữa đêm khuya khoắt. Nhưng thật sự lòng tôi không oán hận họ, tôi đã cầu nguyện như Chúa Giêsu : “Lạy Cha, xin tha cho họ, vì họ không biết việc họ làm. Mà dẫu họ biết việc họ làm, thì con cũng không oán hận họ. Con vui vì được theo chân Chúa. Con vui vì cuối cùng đã được dâng lễ Giáng Sinh với anh chị em H’Mông. Cái giá phải trả không đắt lắm. Và giả như cứ phải trả cái giá thế này để được đến với anh chị em H’Mông, thì con sẵn lòng chứ không sờn lòng. Lạy Chúa, con tạ ơn Chúa đã cho con một lễ Giáng Sinh nhọc nhằn nhưng đong đầy tình thương”.

Tôi không quên cám ơn hai cha Phạm Thanh Bình, Nguyễn Văn Thành, và những người đã đồng hành cả thể lý, tinh thần, thiêng liêng với tôi trong hai chuyến mục vụ mùa Vọng và Giáng Sinh vừa qua tại Điện Biên, Lai Châu, Lào Cai ; cám ơn anh chị em giáo xứ Lào Cai và nhiều người khác đã chia sẻ tấm lòng với anh em H’Mông. Các bạn đều góp phần đong đầy tình thương Chúa đến với những anh em này.


Ô, Ô, Đức cha “nó” ngồi xem như mình này!!!


No comments:

Post a Comment

Nhân quyền và bạo quyền

VTV-[Trang Lê Mới Nhất] chửi từ nhà ra phố, Trọng Lú sợ vỡ mật

https://www.youtube.com/results?search_query=Trang+L%C3%AA+%28B%C3%A0+Ngo%E1%BA%A1i%29

Featured Post

Lisa Pham Vấn Đáp official-16/1/2025

Popular Posts

My Blog List