HRW
phê phán công an VN 'bạo hành' ( côn đồ )
Cập nhật: 10:33 GMT -
thứ ba, 16 tháng 9, 2014
Biểu tình đá đảo công an và
đảng cộng sản tại Hà Nội
HRW nhận định tình
trạng công an bạo hành đang 'tràn lan' ở Việt Nam
Nạn công an bạo hành
ở Việt Nam có một phần căn nguyên là do lực lượng này từ lâu đã xác
định mình là ‘công cụ chính trị để bảo vệ chế độ chống lại các
thế lực thù địch’, Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW), đặt ở Mỹ, nhận
định trong bản phúc trình vừa công bố hôm thứ Ba ngày 16/9.
Đây là lần đầu tiên
HRW ra phúc trình về tình hình bạo lực của công an Việt Nam đối với
những người bị giam giữ dưới tiêu đề ‘Công (bất) an: Những cái chết
trong trại giam và sự bạo hành của công an Việt Nam’.
Các bài liên quan
- HRW chỉ trích thông tư Bộ Công an VN
- HRW thúc Úc ép VN cải thiện nhân quyền
- Thông tư 28 cho thấy điều gì?
Chủ đề liên quan
Bản phúc trình thuật
lại trường hợp 14 nạn nhân mất mạng và bốn người chết không rõ
nguyên do, sáu người được cho là ‘tự tử’ và bốn người nữa chết ‘vì
bệnh’. Tất cả đều xảy ra trong trại tạm giam hay đồn công an.
Nguyên nhân bạo hành
Theo phân tích của
HRW, yêu cầu bảo vệ chế độ khiến công an Việt Nam đặt nặng yếu tố
‘trung thành với chế độ’ trong việc tuyển dụng và đào tạo lực
lượng. Điều này khiến công an Việt Nam ‘không được chuyên nghiệp hóa
một cách thật sự’.
Một nguyên nhân quan
trọng nữa, theo HRW, là việc lực lượng công an cấp xã, phường ‘thiếu
được đào tạo’ về luật pháp và nghiệp vụ.
“Có trường hợp có
những người dân được trao sắc phục và vũ khí để làm công tác trật
tự trị an ở địa phương,” ông Phil Robertson, phó giám đốc khu vực châu
Á của HRW, bình luận trước báo giới trong buổi công bố bản phúc
trình ở Bangkok.
Ông Trịnh Xuân Tùng
đã tử vong sau khi bị đánh trong một đồn công an ở Hà Nội
Hơn nữa, nền pháp lý Việt Nam vẫn chưa đủ mạnh và không
đề cao nguyên tắc ‘suy đoán vô tội’ đối với các bị can khiến công an
bắt người ‘dựa trên nghi vấn mơ hồ’ rồi dùng biện pháp ‘đánh đập để
buộc nhận tội’.
Và khi đối tượng bị
bắt giam ở đồn công an thì luật sư bào chữa hay người trợ giúp pháp
lý ‘hầu như không đóng vai trò gì trong quá trình tạm giữ và lấy
lời khai’, theo báo cáo của HRW.
Tổ chức này cũng
chỉ ra rằng chính quyền Việt Nam ‘không có ý chí nghiêm túc và có
hệ thống để trừng phạt những công an viên bạo hành’.
Theo HRW thì công an
phạm tội chỉ bị ‘kỷ luật nội bộ nhẹ’, ‘hiếm khi bị hạ bậc hay
buộc ra khỏi ngành’. Bị truy tố hay kết án ‘lại càng hiếm hơn nữa’
và nếu có bị xử thì ‘chỉ nhận mức án nhẹ hay án treo’.
Một nguyên nhân khác
của tình trạng công an Việt Nam bạo hành là ‘thiếu hệ thống giám
sát, kiểm tra chéo... khả dĩ hạn chế sự lạm quyền của công an’,
phúc trình của HRW viết.
Ngoài ra, việc báo
chí bị chính quyền kiểm soát và kiểm duyệt đã khiến họ đưa tin về
các vụ bạo hành của công an ‘chưa đầy đủ, thiếu chiều sâu và không đi
đến truy cứu trách nhiệm’.
Công an Việt Nam được
xem là lực lượng bảo vệ chế độ
Ông Robertson cho rằng có một số vụ lúc đầu báo chí
Việt Nam nói nhiều nhưng ‘sau đó chìm nghỉm’ mà ông cho rằng có thể
có sự đe dọa của công an.
“Ở Malaysia có khoảng
12 trường hợp (cảnh sát bạo hành) mỗi năm và tất cả những vụ việc
đều được báo chí nói nhiều,” ông so sánh và cho biết đó là lý do
số vụ cảnh sát bạo hành ở Malaysia được nắm rõ.
‘Khủng hoảng nhân
quyền’
“Chúng tôi đã nhận
thấy có một cuộc khủng hoảng nhân quyền trong công tác thường ngày
của lực lượng công an Việt Nam,” ông Robertson nói tại buổi họp báo,
“Chúng tôi tin rằng những gì chúng tôi đưa ra hôm nay chỉ là phần nổi
của tảng băng chìm.”
Theo vị phó giám đốc
châu Á của HRW thì tổ chức này đã ghi nhận các trường hợp công an
bạo hành ở 44 trong số 58 tỉnh thành của Việt Nam nhưng họ không thể
thống kê chính xác con số các vụ việc.
Ông Robertson cho biết
nạn nhân là ‘những nông dân, doanh nhân, tiểu thương, sinh viên và những
thành phần khác bị công an bắt... và cuối cùng đã chết hay bị thương
do bị đánh đập’ và họ thường chỉ phạm những tội thông thường như
‘cãi lộn với hàng xóm, chạy xe quá nhanh hay ăn cắp vặt’.
Công an đánh người
thường bị mức án nhẹ
“(Công an) đánh đập bằng tay, chân, dùi cui, giày hay đôi
khi là bất cứ thứ gì họ có được chẳng hạn như roi hay cán chổi,”
ông nói.
HRW cho biết bản phúc
trình này dựa trên những thông tin họ thu thập được từ báo chí chính
thống của Việt Nam, từ thông tin của những nhà báo tự do, những
blogger độc lập và từ các hãng thông tấn truyền thông nước ngoài.
Tuy nhiên, HRW đã
quyết định không phỏng vấn thêm các nạn nhân và nhân chứng do ‘lo sợ
họ sẽ bị công an trả thù’.
Ông Robertson cho biết
HRW đã viết thư cho Bộ Công an và các cơ quan liên quan của Việt Nam để
nhờ xác nhận và trả lời một số vấn đề nhưng ‘họ đã không trả
lời’.
HRW kêu gọi nhà chức
trách Việt Nam ‘không khoan dung với tình trạng bạo hành của công an’,
‘đào tạo đầy đủ cho công an ở mọi cấp’, ‘lắp camera giám sát ở các
phòng giam và phòng xét hỏi’, ‘tạo điều kiện cho các bị can tiếp
xúc luật sư’ và ‘đảm bảo quyền tự do đưa tin của các nhà báo’.
Ngoài ra, HRW còn
khuyến nghị Việt Nam nên có một cơ quan độc lập để xem xét và điều
tra các khiếu nại về việc bạo hành của công an.
“Các tổ chức Liên
Hiệp Quốc và các nhà tài trợ quốc tế giúp Việt Nam xây dựng nền pháp
trị không nên cho phép những hành động như thế này tiếp diễn,” thông
cáo báo chí của HRW viết.
Việt Nam chưa phản ứng về
báo cáo của HRW. Nhưng những phúc trình trước đây của HRW đều bị chính phủ Việt
Nam bác bỏ và phê phán.
HRW thúc Úc ép VN
cải thiện nhân quyền
Cập nhật: 10:36 GMT
- thứ bảy, 26 tháng 7, 2014
Blogger Nguyễn Hữu Vinh,
chủ blog Anh Ba Sam, bị bắt hồi tháng Năm năm nay.
Tổ chức Tổ chức
Theo dõi Nhân quyền (HRW) thúc giục Australia gây sức ép với chính phủ Việt Nam
trong phiên đối thoại nhân quyền song phương được lên lịch ngày 28/07/2014.
Thông cáo ra ngày 24/07
của HRW kêu gọi Australia gây sức ép Hà Nội để thực hiện điều họ gọi là 'những
bước cải thiện cụ thể bao gồm các hành động như khẩn trương phóng thích toàn bộ
tù nhân chính trị và chấm dứt hạn chế các quyền tự do ngôn luận, nhóm họp, lập
hội và tự do tôn giáo.’’
Các bài liên quan
Chủ đề liên quan
Trong phúc trình HRW gửi
tới Bộ Ngoại giao và Thương mại Australia, Tổ chức Theo dõi Nhân quyền khuyến nghị
Australia cần thúc ép chính phủ Việt Nam đạt được những tiến bộ trong ba lĩnh
vực chính được quan tâm nhiều nhất, là tù nhân chính trị, cản trở quyền tự do
tôn giáo và cưỡng ép lao động trong các trung tâm cai nghiện ma túy.
HRW mô tả hiện có khoảng
150 đến 200 nhà hoạt động và bloggers đang phải ngồi tù ở Việt Nam "chỉ vì
đã thực hành các quyền cơ bản của mình."
Bà Elaine Pearson, Giám
đốc phụ trách Australia của HRW được dẫn lời nói “Qua cuộc đối thoại này, hai
bên nên cùng xác lập rõ ràng những mốc cụ thể cần cải thiện trong các lĩnh vực
chính như tự do ngôn luận, tự do tôn giáo và tự do lập hội.”
Trong nửa đầu năm 2014,
nhà chức trách Việt Nam thả một số tù nhân chính trị Tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ, Đỗ
Thị Minh Hạnh, Lư Văn Bảy, Nguyễn Hữu Cầu, Nguyễn Tiến Trung và Vi Đức Hồi
nhưng có thêm ít nhất 14 nhà hoạt động hoặc phê phán chính quyền bị kết án tù,
trong đó có các blogger nổi tiếng Trương Duy Nhất và Phạm Viết Đào, thông cáo
cho hay.
''Thiên lệch''
Một trong các blogger có
nhiều độc giả là Nguyễn Hữu Vinh (bút danh Anh Ba Sàm) bị bắt giữ hồi đầu tháng
Năm cùng “trợ lý’’ và bị truy tố tội danh “lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm
phạm lợi ích nhà nước.”
Trả lời BBC hôm 22/7,
Luật sư Hà Huy Sơn, bào chữa cho blogger Nguyễn Hữu Vinh nói thông tin về việc
ông sắp được trả tự do là "chưa có cơ sở".
Vào ngày 20/06/2014,
Việt Nam tuyên bố chấp nhận 182 trong tổng số 227 khuyến nghị về nhân quyền
trong đó Hà Nội bác bỏ những đề nghị cụ thể về thả tù nhân và bỏ án tử hình.
Đại diện của Việt Nam
tại Liên Hiệp Quốc, Đại sứ Nguyễn Trung Thành nói Việt Nam chấp nhận 182 đề
nghị và ghi nhận 45 ý kiến nhưng không đồng ý làm theo những ý kiến đó.
Ông Thành cũng chỉ trích
những ý kiến "thiên lệch" và "vô văn cứ" của một số đại
diện các tổ chức dân sự và nhân quyền tại phiên họp hôm 20/6, và nói những
người này không hiểu rõ tình hình Việt Nam và thậm chí "có dụng ý
xấu".
Hồi tháng Hai năm nay,
227 khuyến nghị của các nước đã được đưa ra tại phiên Kiểm định Định kỳ Phổ
quát về nhân quyền diễn ra bốn năm một lần ở trụ sở Liên Hiệp Quốc tại Thụy Sĩ.
Trong thông cáo của
mình, HRW mô tả “Hành động bác bỏ các khuyến nghị trọng yếu về nhân quyền của
Việt Nam trong phiên Kiểm điểm Định kỳ Phổ quát mới đây trước Hội đồng Nhân
quyền Liên Hiệp Quốc ở Geneva” thể hiện điều họ gọi là “sự thiếu thiện chí cải
thiện thành tích nhân quyền của mình.”
“Việt Nam cũng cần chấm dứt việc lạm dụng trong
các trung tâm cai nghiện ma túy, nơi những người bị cho là có sử dụng thuốc gây
nghiện bị quản chế tới nhiều năm mà không qua một quy trình pháp lý thích hợp,
bị buộc lao động cưỡng ép mà không được trả lương hoặc được trả mức lương rất
thấp, và bị các cán bộ trung tâm tra tấn và ngược đãi”, thông cáo nói thêm.
Bạo hành trong tù xảy ra tại 44 trên 58 tỉnh
Việt Nam (DR)
Tổ chức Human Rights
Watch ( HRW ) tố cáo tình trạng bạo hành của công an Việt Nam đối với những người
bị câu lưu, giam giữ, thậm chí gây tử vong, đang xảy ra khắp các vùng của Việt
Nam. Trong bản báo cáo được công bố
tại Bangkok, hôm nay, 16/09/2014, Human Rights Watch nêu lên một số vụ điển
hình về nạn bạo hành của công an Việt Nam khiến những người bị giam giữ tử vong
hoặc chấn thương nặng, tính từ tháng 08/2010 đến tháng 07/2014.
Theo ghi nhận của tổ chức HRW, nạn bạo hành trong tù xảy ra tại 44
trên tổng số 58 tỉnh của Việt Nam, trải khắp các vùng ở Việt Nam và ở cả năm
thành phố lớn.
Báo cáo của HRW nhận định, nguyên nhân do phía công an đưa ra để
giải thích những cái chết của những người bị giam thường khiến người ta nghi
ngờ và có cảm tưởng về sự bao che có hệ thống. Chính công an cho biết là hàng
chục người, trước đó khỏe mạnh về thể chất lẫn tinh thần, đã tự tử bằng cách
treo cổ hoặc bằng những các khác.
HRW cũng cho biết, “con
số những người được cho là chết vì bệnh tật trong khi giam giữ lớn đến mức đáng
ngạc nhiên, dù nhiều người trong số họ đang trẻ khỏe, trong độ tuổi 20 và 30.
Tình trạng bị chấn thương trong thời gian bị công an giam giữ cũng thường xuyên
được ghi nhận ở khắp các địa phương trong cả nước.”
Báo cáo của tổ chức HRW cũng ghi nhận là báo chí trong nước đưa
tin về những sự vụ này “một
cách không đồng đều, gây ra những mối quan ngại nghiêm trọng về tác động tiêu
cực của tình trạng báo chí bị chính quyền kiểm soát.”
Cho nên, ông Phil Roberson, phó giám đốc đặc trách châu Á của HRW,
đề nghị Việt Nam “nên để
cho báo chí làm công việc điều tra và đưa tin về những vụ lạm quyền của chính
quyền”. Ông Robertson cho rằng : "Báo chí độc lập có thể giúp đưa ra ánh sáng những vụ
việc dễ bị ỉm đi.”
Tổ chức HRW cũng kêu gọi chính quyền Việt Nam ngay lập tức đưa ra
chính sách không dung thứ đối với hành vi bạo hành của công an, huấn luyện tốt
hơn cho công an ở tất cả các cấp, đặc biệt là cấp xã, và lắp đặt hệ thống máy
ghi hình ở những nơi thẩm vấn và tạm giam.
Theo HRW, chính quyền Việt Nam cũng cần tạo điều kiện tăng cường
vai trò của trợ giúp pháp lý đối với những nghi can và người bị tạm giữ, đồng
thời bảo đảm tự do ngôn luận của nhà báo và trên mạng internet.
HRW cũng đề nghị chính quyền Việt Nam thành lập một ủy ban độc lập
để xem xét và điều tra tất cả các khiếu tố về bạo hành của công an một cách
nhanh chóng, vô tư.
Toà án VN 'không nhân
danh công lý'
Luật sư Ngô Ngọc Trai
Bài tham gia Diễn đàn BBC
Tiếng Việt
Cập nhật: 09:45 GMT -
thứ sáu, 25 tháng 7, 2014
Câu nói của Chủ tịch
Sang bộc lộ ra một vấn đề của tư pháp Việt Nam
Trong buổi làm việc với
cán bộ tòa án nhân dân tối cao hôm 15/7, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã phát
biểu: Tòa án phải mang lại công lý cho mọi người.
Câu nói này bộc lộ đằng
sau đó cả một vấn đề to lớn của hệ thống tư pháp.
Các bài liên quan
- Xử án ở Việt Nam 'còn nhiều oan sai'
- 'Thả tù nhân nhưng không đổi lập trường’
- Bản chất tòa án từ vụ Phú Yên?
Chủ đề liên quan
Có một điều ít người
biết đó là lâu nay tòa án chưa bao giờ đem ‘công lý’ đến cho mọi người.
Đây chỉ là lối nói ẩn dụ
muốn gây sự chú ý, và vấn đề cũng đáng phải chú ý thật vì: Từ ‘công lý’ hoàn
toàn vắng bóng trong nền tư pháp Việt Nam.
Có thật vậy không?
Tìm hiểu qua gần trăm
bản án và quyết định của tòa án thì thấy không có một từ ‘công lý’ nào.
Tìm hiểu một số bản cáo
trạng của viện kiểm sát và bản kết luận điều tra của cơ quan điều tra thì cũng
không thấy từ ‘công lý’.
Xét một số văn bản luật
quan trọng quy định việc xét xử thì thấy: Bộ luật tố tụng hình sự, bộ luật tố
tụng dân sự, luật tố tụng hành chính đều không có từ công lý.
Bộ luật hình sự, Bộ luật
dân sự hay luật tổ chức tòa án cũng không có từ công lý.
"Dường như có một
sự mặc cảm tâm lý gượng gạo không được tự nhiên khi sử dụng từ công lý"
Do không có điều kiện để
khảo sát hết, nhưng hình như từ ‘công lý’ không được sử dụng trong các văn bản
tư pháp, từ kết luận điều tra, cáo trạng đến bản án đều không dùng từ công lý.
Thực tế trong 9 năm hành
nghề luật sư, đã làm việc tại hàng trăm phiên tòa và không biết bao nhiêu buổi
làm việc với điều tra viên, kiểm sát viên, thẩm phán tôi đều không thấy họ nhắc
đến hai từ ‘công lý’.
Nhưng vì sao từ công lý
lại không được nhắc đến trong các văn bản tố tụng và hiếm khi được nói ra từ
miệng các cán bộ tư pháp thì hình như mọi người đều chưa nhận ra lý do.
Ngoài xã hội thì sao?
Tòa án thuộc hệ
thống tư pháp 'không được quyền' mạnh hơn bên hành pháp
Xem xét báo chí thì thấy
cũng ít khi sử dụng từ công lý hoặc có bài nhắc đến thì hóa ra là những sự vụ
chẳng lấy gì làm lớn lao hay nghiêm túc.
Những bài báo viết về
các vụ án đa phần chỉ viết một chiều không công tâm khách quan, lời lẽ thì nặng
phần đả kích nên khi từ công lý được nhắc đến thì lại thấy kệch cỡm sáo rỗng.
Dường như có một sự mặc
cảm tâm lý gượng gạo không được tự nhiên khi sử dụng từ công lý.
Những cơ quan ngôn luận
lớn như Đài truyền hình, đài tiếng nói đôi khi cũng lớn tiếng kêu gọi thực thi
công lý nhưng là trong các vụ kiện quốc tế khi Việt Nam đòi bồi thường về chất
độc màu da cam hay các vụ kiện về cá basa.
Người dân khi có việc
liên quan tới tòa án thì cũng chẳng bao giờ thấy nói đến công lý. Trong đời
sống thường nhật nếu có ai nhắc đến công lý thì luôn kèm theo sự cảm thán.
Chẳng thế mà trong đời
sống đã có một câu nói tới nay đã thành quen thuộc đó là: Công lý chỉ là một
diễn viên hài.
Câu nói đã phản ánh sự
thất vọng đối với nền tư pháp vắng bóng công lý song cũng kết hợp với yếu tố
hài để xoa dịp nỗi oán thán vì trong làng nghệ sĩ hài Việt Nam có một người tên
là Công lý.
Vậy phải chăng nền tư
pháp Việt Nam không có khả năng đem lại công lý?
Điều đó không hẳn đúng,
nhưng rõ ràng có một sự rất bất bình thường khi từ công lý bị chối bỏ không
được sử dụng trong nền tư pháp.
Điều này có liên quan
thế nào với việc hệ thống tòa án lâu nay hoạt động yếu kém biểu hiện qua các tệ
trạng như xử án oan sai, tình trạng chạy án, nhận hối lộ, nhũng nhiễu đương sự
bằng cách kéo dài thời gian giải quyết án.v.v.
Nữ thần công lý
Chúng ta biết rằng hệ
thống pháp luật Châu Âu với một lịch sử lâu đời đã tạo nên biết bao thành tựu
cho nhân loại, trong đó nhiều khái niệm, hình tượng và chế định pháp lý giờ đã
trở thành phổ quát cho toàn thế giới.
Nhiều khái niệm và chế
định pháp lý của pháp luật Việt Nam là sản phẩm vay mượn từ hệ thống pháp luật
Châu Âu.
Tòa án nước ngoài nhân
danh công lý để xét xử nhưng tòa án ở Việt Nam thì không
Nhưng có những hình
tượng pháp lý mặc dù đã là phổ quát nhưng lại gặp khó khăn khi du nhập vào Việt
Nam, ví như hình tượng Nữ thần công lý.
Nữ thần công lý là hình
tượng một người phụ nữ có một dải băng che mắt mang ý nghĩa tránh sự chi phối
ảnh hưởng từ bên ngoài để giữ sự công tâm khách quan, một tay cầm cán cân để
phân định đúng sai phải trái, tay kia cầm thanh gươm biểu tượng của quyền uy
tòa án.
Nữ thần công lý có nguồn
gốc từ thời văn minh La Mã, là hình tượng tín ngưỡng mang yếu tố tâm linh được
tôn vinh và hy vọng đem đến công lý cho con người.
Niềm tin công lý theo đó
xuất phát từ niềm tin tôn giáo, là thuộc tính tâm hồn được khơi nguồn từ một
thực thể mang tính thần thánh, trong khi đó ở Việt Nam chính thể hiện tại là vô
thần.
Đây là chướng ngại lý
giải vì sao hình tượng nữ thần công lý không được phổ biến ở Việt Nam và từ
‘công lý’ không được nhắc đến trong nền tư pháp.
Nhân danh gì?
Hệ thống tòa án được
thiết kế trên cơ sở học hỏi hệ thống tòa án Phương Tây, nhưng một số khái niệm
hay hình tượng do không phù hợp nên khó vận dụng vào Việt Nam như hình tượng nữ
thần công lý.
Điều này dẫn đến là khi
bị khuyết thiếu những thành tố để cấu thành nên một hệ thống hoàn chỉnh thì
người ta đã xoay sở để có được thành tố phù hợp đắp vào chỗ còn thiếu.
Ví như vấn đề tòa án xét
xử nhân danh cái gì?
Tòa án nước ngoài nhân
danh công lý để xét xử nhưng tòa án ở Việt Nam không nhân danh công lý, thay
vào đó tòa án nhân danh nhà nước hay nhân danh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa
Việt Nam.
Nhưng sự bù đắp kiểu này
lại gây ra những bất cập mà nếu mổ xẻ ra sẽ cho thấy những điều vô lý.
Nếu tòa án nhân danh
nước cộng hòa thì không ổn, vì đất nước mặc dù cao quý nhưng không có tinh
thần, không có tâm hồn nên đất nước không được cho là thực thể có khả năng đoán
định đúng sai đem lại công lý.
Nếu nhân danh nhà nước
thì cũng không ổn, vì nhà nước chỉ là sản phẩm công cụ của con người, có thể
trở thành một bên đương sự đối trọng với người dân.
Trong hệ thống pháp luật
đã có một luật là Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước, vậy khi Nhà nước có
sai phạm và trở thành một bên đương sự thì làm sao Nhà nước vừa là người phán
quyết đem lại công lý vừa là đương sự được?
Hệ thống tư pháp là sản
phẩm vay mượn từ bên ngoài nhưng các chế định pháp lý đã bị uốn chỉnh sao cho
phù hợp với thực tế trong nước, nhưng vì nhiều nguyên do khác nhau nó trở thành
một hệ thống không hoàn chỉnh.
Nền tư pháp đã rất kém trong việc đảm bảo công lý và xử lý tội
phạm"
Bài toán khó
Nhà nước đã nhận ra
những điều bất cập của hệ thống tư pháp nên đã có chủ trương sửa đổi cải cách
tư pháp và Chủ tịch nước là Trưởng ban chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương.
Chủ tịch nước yêu cầu
tòa án phải mang lại công lý cho mọi người, đây có thể là một ẩn ý sâu xa chứa
đựng một chủ trương lớn.
Theo đó trách nhiệm nặng
nề được giao cho tòa án làm sao hóa giải các mâu thuẫn để đưa hình tượng nữ
thần công lý vào hệ thống tư pháp vốn không theo tôn giáo nào.
Tức là nội hóa một triết
thuyết pháp lý quan trọng của thế giới.
Nhưng tòa án có thể biến
khó thành dễ bằng việc sử dụng chữ ‘công lý’ trong các bản án để đem ‘công lý’
đến cho mọi người.
Nếu muốn tòa án còn làm
được gì hơn thế, đem đến công lý thực chất cho mọi người thì phải nâng cao vị
thế chính trị và mở rộng quyền hạn pháp lý cho tòa án.
Nhưng vấn đề là một khi
tòa án lớn quyền thì lại là mối đe dọa đối với các chủ thể khác.
Lâu nay quyền tư pháp
yếu hơn rất nhiều so với quyền hành pháp.
Chính phủ đã thụ hưởng
sự an toàn từ một nền tư pháp yếu.
Nền tư pháp đã rất kém
trong việc đảm bảo công lý và xử lý tội phạm.
Chủ trương cải cách tư
pháp đã có nhưng việc này khó thể thành công nếu vẫn chối bỏ ‘công lý’ và quyền
tư pháp vẫn bị kìm giữ trong tình trạng yếu kém như lâu nay.
Xử án ở Việt Nam
'còn nhiều oan sai'
Luật sư Ngô Ngọc Trai
Bài tham gia Diễn đàn BBC
Tiếng Việt
Cập nhật: 14:27 GMT -
thứ hai, 14 tháng 7, 2014
Vụ án Nguyễn Thanh Chấn được xem là ví dụ của án
oan sai
Ngày 24/6 Quốc
hội Việt Nam thông qua nghị quyết về chương trình hoạt động giám sát năm 2015,
một nội dung chuyên đề được lựa chọn giám sát là tình hình oan sai trong việc
giải quyết các vụ án hình sự.
Kêu oan thường có hai
loại
Các bài liên quan
Chủ đề liên quan
Mỗi loại có tính chất
mức độ nghiêm trọng khác nhau và quá trình xử lý giải quyết cũng khác nhau.
Loại thứ nhất, oan vì bị xử
nặng. Theo đó đúng là bị cáo có hành vi phạm tội, bị cáo thừa nhận nhưng họ cho
rằng tòa tuyên án quá nặng, mức án không tương xứng với hành vi, xử như thế
cũng là oan và họ xin giảm nhẹ hình phạt.
Thường bị cáo bị xử oan sẽ
làm đơn kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt để tòa phúc thẩm xem xét. Nếu tòa phúc
thẩm giữ nguyên bản án sơ thẩm cho rằng xử như thế là đúng rồi không oan thì
thực tế bị cáo thường buông xuôi không kêu oan nữa mà cam chịu chấp nhận.
Loại thứ hai, bị cáo kêu
oan vì cho rằng mình không thực hiện hành vi phạm tội, cơ quan điều tra đã bắt
nhầm người và yêu cầu được giải quyết minh oan.
Những trường hợp này bị
cáo rất cương quyết và rất bức xúc, trong mọi dịp gặp gỡ với những người tiến
hành tố tụng và người tham gia tố tụng họ đều kêu oan và mong được giúp đỡ minh
oan. Trong mọi trường hợp họ đều theo đuổi việc kêu oan tới cùng kể cả sau khi
đã ra tù.
Nhưng không phải trường
hợp kêu oan nào cũng được may mắn xem xét giải quyết, lý do là việc kêu oan
phải trình ra được các chứng cứ hoặc cơ sở thuyết phục, điều này muốn có được
thì phải nhờ luật sư giỏi có chuyên môn sâu.
Các cơ quan tư pháp cấp
cao muốn xét lại sự việc thì lại phải nghe báo cáo từ cấp dưới mà nhiều khi
những người báo cáo lại chính là người đã giải quyết án.
Vậy lãnh đạo phải tin ai
giữa một bên là thuộc cấp của mình đã được đào tạo bài bản về chuyên môn nghiệp
vụ và quá trình giải quyết đã được sàng lọc kiểm soát qua nhiều cơ quan khác
nhau, với một bên là tội phạm với bản chất thường bị cho là gian manh xảo
quyệt?
Điều đó có thể hơi bi
quan tiêu cực, vì thực tế cũng đã có những trường hợp việc kêu oan được quan
tâm lắng nghe và giải quyết minh oan.
Ví dụ trường hợp ông
Nguyễn Thanh Chấn ở Bắc Giang bị ngồi tù oan 10 năm, ngần ấy thời gian tù oan
cũng là ngần ấy thời gian ông Chấn và gia đình liên tục kêu oan và cuối cùng
được minh oan. Ở Bắc Giang còn có vụ án Hàn Đức Long có cơ sở oan sai rõ ràng
mà bị cáo và gia đình cũng đã liên tục kêu oan tròn 9 năm nay.
Chiếc xe không phanh
Các cơ quan tiến hành tố
tụng tham gia giải quyết một vụ án hình sự gồm Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát
và Tòa án. Khởi điểm của một vụ án hình sự là hoạt động điều tra, oan hay không
cơ bản cũng xuất phát từ cơ quan này. Để đảm bảo hoạt động điều tra đúng pháp
luật tránh nhầm lẫn sai sót, luật đã quy định Viện kiểm sát là cơ quan giám sát
hoạt động điều tra.
Viện kiểm sát có vai trò
kiểm sát điều tra, mối quan hệ giữa hai cơ quan là cân bằng và kiểm soát. Vai
trò của viện kiểm sát giống như vai trò của chiếc phanh hãm, giúp cho hoạt động
điều tra dừng lại trước sai sót.
Nhưng thực tế lâu nay,
vì nhiều lý do khác nhau viện kiểm sát đã không làm tốt vai trò kiểm soát ngăn
chặn của mình.
Vô hình chung, vì
những lý do không có gì liên quan đến công tác chuyên môn mà chỉ do các vấn đề
đời sống thường nhật đã làm vô hiệu hóa mối quan hệ cân bằng kiểm soát lẫn nhau
giữa các cơ quan, vai trò của chiếc phanh hãm bị mất tác dụng."
Hầu như ở tất cả các huyện ở Việt Nam, người ta
bố trí xây dựng trụ sở các cơ quan công an, viện kiểm sát và toàn án ở rất gần
nhau, nhiều trường hợp là liền kề nhau. Dẫn đến cán bộ của các cơ quan này biết
rất rõ về nhau.
Số lượng nhân sự thì
cũng có hạn, ví dụ một tòa án huyện có khoảng 5 thẩm phán, 5 thư ký và vài ba
nhân viên hành chính tạp vụ. Một viện kiểm sát huyện có khoảng 5 đến 7 kiểm sát
viên. Theo thời gian công tác và thông qua các sinh hoạt đoàn thể địa phương,
qua các dịp lễ tết hoặc ma chay hiếu hỉ, các điều tra viên, kiểm sát viên và
thẩm phán có điều kiện biết rõ về thói quen sở thích, về công việc của vợ con,
các vấn đề gia đình.v.v.
Đây là một nguyên nhân
khiến cho các cán bộ tư pháp nể nang, xuê xoa, dĩ hòa vi quý trong công tác mà
nhiều trường hợp pháp luật bị gạt sang một bên, dẫn đến bao che bảo vệ nhau
trước các sai phạm.
Vô hình chung, vì những
lý do không có gì liên quan đến công tác chuyên môn mà chỉ do các vấn đề đời
sống thường nhật đã làm vô hiệu hóa mối quan hệ cân bằng kiểm soát lẫn nhau
giữa các cơ quan, vai trò của chiếc phanh hãm bị mất tác dụng.
Quyền tư pháp yếu
Quốc hội đã chọn chuyên
đề giám sát oan sai trong tố tụng hình sự, dù sao cũng hy vọng sẽ có thêm nhiều
trường hợp kêu oan được minh oan.
Tuy nhiên tình trạng oan
sai không thể được giải quyết chỉ trong một kỳ họp quốc hội, do vậy cần đưa ra
được các chính sách mới để tạo hiệu quả lâu dài.
Một giải pháp là cần
nâng vị thế chính trị của Viện kiểm sát và Tòa án lên bằng việc để Chánh án tòa
án nhân dân tối cao và Viện trưởng viện kiểm sát nhân dân tối cao làm ủy viên
Bộ chính trị. Ở địa phương thì nâng Viện trưởng viện kiểm sát và Chánh án tòa
án lên thành Ủy viên thường vụ tỉnh ủy, huyện ủy thay vì ủy viên thường như
hiện nay.
"Viện kiểm sát tối
cao và Tòa án tối cao không có chân trong Bộ chính trị, trong khi một bộ thuộc
Chính phủ như Bộ quốc phòng hay Bộ công an đều có chân trong cơ quan cao nhất
này."
Thực tế lâu nay, quyền
lực tư pháp yếu và yếu rất nhiều so với các thiết chế khác trong hệ thống chính
trị. Viện kiểm sát tối cao và Tòa án tối cao không có chân trong Bộ chính trị,
trong khi một bộ thuộc Chính phủ như Bộ quốc phòng hay Bộ công an đều có chân
trong cơ quan cao nhất này.
Về số lượng có mặt trong
Ban chấp hành Trung ương thì chỉ có Viện trưởng Viện kiểm sát tối cao và Chánh
án tòa án tối cao là Ủy viên trung ương, tức là mỗi cơ quan chỉ có một đại
diện. Trong khi tất cả các thành viên Chính phủ gồm 27 người đều là Ủy viên
Trung ương, hay 6 thứ trưởng Bộ công an cũng đều là ủy viên trung ương. Bộ quốc
phòng có 19 người trong Trung ương Đảng.
Vị thế chính trị yếu như
thế nên các cơ quan tư pháp không có được quyền hạn pháp lý lớn mạnh. Và khi
quyền tư pháp không mạnh thì nó không có khả năng chứng tỏ pháp luật nghiêm
minh, không cổ vũ được sức mạnh niềm tin của người dân vào hệ thống tư pháp.
Để thấy được sự yếu kém
của hệ thống tư pháp Việt Nam có thể đối chiếu với động thái tư pháp ở một số
quốc gia. Ví như trường hợp nước Thái Lan, mới đây Tòa án nước này đã phế truất
Thủ tướng đương nhiệm và tiến hành điều tra về các sai phạm.
Hoặc như ở nước Pháp vừa
đây đã tạm giữ để thẩm vấn cựu Tổng thống Nicolas Sarkozy và điều tra về hành
vi lạm dụng ảnh hưởng khi còn đương nhiệm. Hay như nước láng giềng Philippines
năm 2012 đã bắt cựu bà Arroyo là cựu Tổng thống từ năm 2001 đến 2010.
Vai trò của thiết chế
giám sát
Muốn giảm tránh sai sót
oan sai thì phải tăng cường giám sát và củng cố các thiết chế giám sát. Đặc
biệt là cần khai phóng tiềm năng hoạt động của thiết chế Hội đồng nhân dân, đây
là một kho năng lượng vô cùng to lớn mà bấy lâu nay đã bị làm cho suy yếu lãng
phí.
Lâu nay đại biểu hội
đồng nhân dân hầu hết hoạt động kiêm nhiệm vì vậy thiết chế này bị suy yếu rất
nhiều so với tiềm năng. Nếu đại biểu hội đồng nhân dân được hoạt động chuyên
nghiệp sẽ tạo áp lực giám sát mạnh mẽ lên các thiết chế chính quyền, thúc đẩy
hiệu năng của các cơ quan này, giúp giải quyết tốt các vấn đề đời sống xã hội
trong đó bao gồm cả tình trạng oan sai.
Ngoài ra điều này sẽ
giúp giảm tải áp lực công việc cho Quốc hội và các cơ quan tư pháp trung ương.
Lâu nay hầu như không thấy trường hợp kêu oan nào gửi đơn kêu cứu nhờ giúp đỡ
tới đại biểu hội đồng nhân dân.
"Nếu giới luật sư
được chính quyền tôn trọng sẽ giúp cho hội luật sư phát triển, từ đó nâng cao
vị thế của thiết chế luật sư bên cạnh các thiết chế tư pháp khác, góp phần vào
việc xử lý tình trạng oan sai trong tố tụng hình sự."
Một thiết chế giám sát
khác có khả năng ngăn ngừa oan sai đó là tổ chức luật sư. Đây là lực lượng có
vai trò đối trọng giám sát các hoạt động của cơ quan tiến hành tố tụng. Giới
luật sư cũng có tác dụng như phanh hãm giúp cho cỗ máy tư pháp dừng lại trước
nguy cơ gây nạn.
Chính quyền cần giúp đỡ
tổ chức luật sư lớn mạnh, ủng hộ việc nâng cao các tiêu chí tổ chức hoạt động
của hội luật sư. Ủng hộ việc bầu cử phải dân chủ minh bạch không áp đặt về nhân
sự. Ủng hộ nguyên tắc những người giữ vai trò lãnh đạo phải là những người có
thâm niên kinh nghiệm hành nghề, có uy tín trong giới luật sư, có tâm huyết với
nghề nghiệp.
Liên đoàn luật sư Việt
Nam được thành lập năm 2009 là tổ chức ở cấp độ toàn quốc của giới luật sư Việt
Nam, trước đó mấy nghìn luật sư hoạt động theo các đoàn luật sư mỗi tỉnh..
Ngay khi thành lập năm
2009, chính quyền đã cơ cấu để mấy người hầu như chưa bao giờ hành nghề luật sư
lại đứng đầu tổ chức hành nghề luật sư cả nước, đứng trên cả những luật sư với
mấy chục năm kinh nghiệm hành nghề.
Đó thực sự là việc làm
coi thường thiếu tôn trọng của chính quyền đối với giới luật sư. Nó khiến cho
nhiều luật sư cũng tự hạ thấp mình khi cam chịu chấp nhận sự trái ngang đó.
Việc làm áp đặt của
chính quyền gây hại cho cả giới luật sư và xã hội. Đối với giới luật sư thì
những người chưa từng nhỏ một giọt mồ hôi lên các trang tài liệu hồ sơ, chưa
từng khóc thầm khi chứng kiến những trái ngang của cơ chế thì không có được khả
năng vạch đường tìm lối để nghề luật sư phát triển.
Đối với xã hội thì do
thiếu chuyên môn và trình độ cho nên đứng trước các vấn đề pháp lý nổi cộm
trong đời sống xã hội, rất hiếm khi thấy có tiếng nói của những người đứng đầu
tổ chức luật sư.
Tổ chức luật sư thực sự
là một thiết chế giám sát giúp giảm tránh oan sai. Nếu giới luật sư được chính
quyền tôn trọng sẽ giúp cho hội luật sư phát triển, từ đó nâng cao vị thế của
thiết chế luật sư bên cạnh các thiết chế tư pháp khác, góp phần vào việc xử lý
tình trạng oan sai trong tố tụng hình sự.
'Oan mà chết thì không
chịu được'
Cập nhật: 11:20 GMT -
thứ ba, 29 tháng 4, 2014
Dương Chí Dũng trước
sau vẫn nói mình 'bị oan'
Phiên tòa phúc thẩm
các vụ án ‘Tham ô’ và ‘Cố ý làm trái’ ở Vinalines vẫn chưa có án
và phải đợi đến hơn một tuần nữa mới có phán quyết cuối cùng, báo
chí trong nước dẫn thông báo của tòa cho biết.
Trong khi đó, các bị cáo
chủ chốt của vụ án là Dương Chí Dũng, cựu chủ tịch Hội đồng Thành
viên, và Mai Văn Phúc, cựu tổng giám đốc Vinalines, đều một mực kêu
oan.
Kéo dài hơn dự kiến
Các bài liên quan
- 'Thêm bằng chứng trong vụ Vinalines'
- LS Triển nói về vụ phúc thẩm Vinalines
- Đề nghị giữ án tử hình ở vụ Vinalines
Chủ đề liên quan
Hiện liệu các bị cáo
Dũng và Phúc có bị giữ nguyên án tử hình hay là sẽ được giảm án
đang là vấn đề được dư luận quan tâm.
Tuy nhiên, công chúng
sẽ phải đợi đến ngày 7/5 thì theo dự kiến mới biết được bản án.
Trước đó, phiên tòa
vốn dự kiến chỉ diễn ra trong ba ngày đã kéo dài đến năm ngày.
Hiện không rõ lý do
vì sao mà phán quyết bị hoãn nhiều ngày nhưng đối với các vụ án quan
trọng ở Việt Nam Tòa án thường có sự chỉ đạo của chính quyền và
của Đảng.
Các ông Dũng và Phúc
bị cáo buộc mỗi người nhận tiền lại quả 10 tỷ đồng từ thương vụ
mua ụ nổi 83M của Nga – điều mà các bị cáo này một mực bác bỏ từ
phiên tòa sơ thẩm cho đến nay.
"Nếu trong trường
hợp Hội đồng Xét xử buộc phải quyết thì bị cáo chỉ xin để cho bị cáo được
sống, nếu có tội mà chết thì bị cáo chấp nhận nhưng oan mà chết thì không chịu
được."
Dương Chí Dũng nói
lời cuối trước Tòa
Riêng bị cáo Trần
Hải Sơn, cựu tổng giám đốc Công ty sửa chữa tàu biển của Vinalines,
đã nhận tội và nói sẽ cố gắng ‘bồi thường thiệt hại’.
Lời khai của ông Sơn
chính là một trong các căn cứ quan trọng để Tòa xác định các bị
cáo tội tham ô. Bị cáo Sơn khai đã tự tay giao tiền cho các ông Dũng
và Phúc.
Trong khi đó, báo
Thanh niên tường thuật rằng đại diện Ngân hàng Hàng hải mà Trần Hải
Sơn khai đã rút tiền để đưa cho Dương Chí Dũng và Mai Văn Phúc nói
trước tòa rằng họ vẫn chưa truy ra được giao dịch rút tiền này của
bị cáo Sơn.
Ngoài ra các chứng
cứ khác được luật sư đưa ra như thời gian ông Dũng bay từ Hà Nội vào
Thành phố Hồ Chí Minh để chứng minh ông Dũng không nhận tiền của ông
Sơn tại một khách sạn ở thành phố này đều bị tòa bác.
Theo tường thuật của
Tuổi Trẻ thì để bào chữa cho mình, bị cáo Dũng còn lập luận rằng
ông không thể tự đem số tiền nhiều tỷ đồng qua các cửa kiểm soát để
lên máy bay về Hà Nội.
‘Quýt làm cam chịu’
Khác với các bị cáo
còn lại, Trần Hải Sơn đã nhận tội
Trong lời cuối cùng
tại Tòa, Dương Chí Dũng và Mai Văn Phúc đều một mực cho rằng mình
‘bị kết tội oan’.
“Nếu trong trường hợp
Hội đồng Xét xử buộc phải quyết thì bị cáo chỉ xin để cho bị cáo được sống,
nếu có tội mà chết thì bị cáo chấp nhận nhưng oan mà chết thì không chịu
được," bị cáo Dũng được Tuổi Trẻ dẫn lời nói và yêu cầu Tòa
tránh để xảy ra trường hợp ‘quýt làm cam chịu’.
Tờ Thanh niên còn dẫn
lời Dương Chí Dũng nói thêm rằng việc cho ông một con đường sống là
‘món quà mà Đảng, nhà nước, nhân dân dành cho bị cáo cho những thời gian, thành
tích đã cống hiến của bị cáo để chứng kiến ngày mọi việc được làm rõ;.
Mai Văn Phúc cũng bác
bỏ cáo trạng của Viện kiểm sát và nói ‘Viện kiểm sát chỉ căn cứ lời
khai của Sơn để buộc bị cáo 2 tội danh’.
“Bị cáo về nhận chức đã
làm hết sức mình để củng cố và phát triển tổng công ty và đã được ghi nhận.
Nhưng sự việc đáng tiếc này vẫn xảy ra, bị cáo thấy rằng khi bị cáo về họ đã
sắp đặt sẵn và gần như xong xuôi hết rồi,” ông Phúc được dẫn lời nói.
Riêng bị cáo Trần Hải
Sơn nói: “Quá trình điều tra, xét xử, bị cáo đã nhận thức được sai phạm và
mong muốn thời gian tới gia đình bị cáo sẽ khắc phục hậu quả.”
Đời Mồ Côi
Em sinh ra đã không hề biết mẹ
Hàng ngày Em theo chị để ăn xin
Ngày đầu đường đêm ghế đá công viên
Sống lay lắt nhờ đồng tiền thiên hạ.
Nhiều khi đói sữa thay bằng nước lã
Hai chị em vật vã dạ cồn cào
Dế ve Sầu nướng lót dạ đêm thâu
Mong trời sáng xin cơm thừa hàng quán.
Cha chết sớm mẹ bị người ta bán
Sang bên Tàu vào động bán dâm
Nhà cửa ruộng nương
Đảng qui hoạch chẳng bồi thường
Nghe người nói cán bộ phường chia chác
Mình sống được nhờ tấm lòng cô bác
Nín đi nào chị sẽ hát ầu ơ
Mất mẹ cha đời đói rét bơ vơ
Đừng khóc nữa em thơ xin hãy hiểu.
Chuyện xui xẻo đẩy đưa đời cô lựu
Chị bị tông xe nằm ngất bên đường
Khi mọi người đưa chị đến nhà thương
Chị đã chết từ trên đường nhập viện.
Kẻ tông chị là đảng viên say xỉn
Sợ liên quan chúng đã biến vào đêm
Hết họ hàng giờ chỉ còn mình em
Nên ánh mắt mới buồn lên đến thế.
No comments:
Post a Comment
Nhân quyền và bạo quyền