Trách nhiệm oan sai ở vụ Huỳnh
Văn Nén?
Luật
sư Trần Vũ Hải
- 7
tháng 12 2015
Đến nay tòa án đã xác định ông Huỳnh Văn Nén bị kết tội oan trong
cả hai vụ án giết người xảy ra tại xã (nay là thị trấn) Tân Minh, huyện Hàm
Tân, tỉnh Bình Thuận trong các năm 1993 và 1998, còn gọi là vụ án Vườn Điều và
vụ án Bà Bông.
Trước đó 8 người bên gia đình vợ ông Nén được minh oan từ cuối năm
2005 trong vụ án Vườn Điều, được bồi thường oan sai 1,4 tỷ đồng, không tính ông
Nén và chị vợ đã mất trước đó.
Những người bị oan này đã có đơn tố giác cựu điều tra viên Cao Văn Hùng và những người tiến hành tố tụng khác có những hành vi xâm phạm
hoạt động tư pháp khi điều tra, truy tố xét xử vụ án này từ năm 2006.
Trước đó tháng 8/2004 các luật sư Phạm Hồng Hải, Trần Vũ Hải, Bùi
Đức Trường đã có đơn tố giác ông Cao Văn Hùng về những hành vi sai lệch hồ sơ
và cố ý truy cứu trách nhiệm hình sự người không có tội. Nhưng các đơn tố giác
này đều chưa được giải quyết.
Nay ông Huỳnh Văn Nén và những người bị oan trong gia đình vợ ông
Nén tiếp tục yêu cầu các cơ quan pháp luật xử lý nghiêm những người gây oan sai
cho họ trong cả hai vụ án trên, kể cả truy cứu trách nhiệm hình sự.
Truy cứu trách nhiệm
Theo chúng tôi những tội danh có thể áp dụng để truy cứu trách
nhiệm hình sự những người gây oan sai này là:
- i)
tội truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 293 Bộ luật hình sự (BLHS);
- ii)
tội ra bản án trái pháp luật theo Điều 295 BLHS;
- iii)
tội ra quyết định trái pháp luật theo Điều 296 BLHS;
- iv)
tội dùng nhục hình theo Điều 298 BLHS;
- v)
tội bức cung theo Điều 299 BLHS;
- vi)
tội làm sai lệch hồ sơ vụ án theo Điều 300 BLHS;
- vii)
tội lạm quyền trong khi thi hành công vụ theo Điều 282 BLHS.
Chúng tôi đánh giá hậu quả gây ra thuộc trường hợp đặc biệt nghiêm
trọng vì gây oan cho rất nhiều người và nhà nước phải bồi thường hàng tỷ đồng
cho những người bị oan.
Thời hiệu đã hết?
Theo một số người, do việc tiến hành tố tụng gây oan sai trong cả
hai vụ án này đã diễn ra từ trên 10 năm trước, riêng đối với vụ án bà Bông diễn
ra từ 15 năm trước, nên có thể thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự đối với
những người gây oan sai đã hết, tức không thể tiến hành truy cứu trách nhiệm
hình sự đối với họ.
Đúng là đối với các tội danh theo các Điều 293, 295, 296, 298,
299, 300 BLHS trong các trường hợp phạm tội gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng,
thuộc các trường hợp tội phạm rất nghiêm trọng và theo Điều 23, khoản 2, tiết
c, của Bộ luật Hình sự (BLHS), thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự là 15 năm.
Theo khoản 3 của Điều 23 trên, thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự được tính
từ ngày tội phạm được thực hiện.
Vậy đối với những tội phạm có tình tiết đặc biệt nghiêm trọng định
khung thì thời hiệu tính từ khi người phạm tội có hành vi vi phạm hay tính từ
khi có hậu quả đặc biệt nghiêm trọng?
Chúng tôi cho rằng, phải tính từ khi xác định có hậu quả đặc biệt
nghiêm trọng. Ví dụ từ khi nhà nước phải đền bù tiền oan sai hoặc khi những
người này được minh oan. Như trong vụ án Vườn Điều những người bị oan được minh
oan từ cuối năm 2005 và được đền bù từ 2006. Vậy thời điểm có tình tiết hậu quả
đặc biệt nghiêm trọng tính từ năm 2006.
Riêng đối với ông Huỳnh Văn Nén, được minh oan từ 28/11/2015 nhưng
đến nay chưa được bồi thường, mức bồi thường dự kiến sẽ lên hàng chục tỷ đồng.
Như vậy đối với những hành vi phạm tội của những người gây oan cho Huỳnh Văn
Nén cũng chưa phải tính thời hiệu, nói cách khác họ có thể bị truy cứu trách
nhiệm hình sự về các tội danh trên, thuộc trường hợp gây hậu quả đặc biệt
nghiêm trọng.
'Lạm quyền khi thi hành công vụ'
Tất nhiên có thể có quan điểm khác chỉ tính thời hiệu khi có hành
vi vi phạm xảy ra.
Trong trường hợp theo quan điểm này, theo tôi có thể áp dụng tội
danh lạm quyền khi thi hành công vụ theo Điều 282 BLHS đối với ông Cao Văn Hùng và ông Đinh Kỳ Đáp (Phó thủ trưởng cơ quan điều tra công an tỉnh
Bình Thuận tại thời điểm năm 2000).
Hai ông này đã hai lần xác minh đơn tố cáo của ông Nguyễn Phúc
Thành, theo đó hai kẻ khác chứ không phải ông Huỳnh Văn Nén đã giết người, cướp
của trong vụ án bà Bông.
Hai ông này đã làm trái công vụ khi thực hiện xác minh vì vụ án
này đã có bản án có hiệu lực, thuộc thẩm quyền giải quyết của Toà án nhân dân
tối cao và Viện kiểm sát nhân dân tối cao.
Lẽ ra các ông này phải báo cáo các cơ quan này hoặc cấp trên (Bộ
công an) để có hướng giải quyết. Đồng thời hai ông này đã “phá án” được thành
tích trước đây nên không thể khách quan, vô tư khi xác minh.
Thực tế, theo như trình bày của ông Nguyễn Phúc Thành, ông Hùng đã đe dọa ông Thành ép rút đơn, không có động thái nào để xác minh những chi
tiết trong đơn tố cáo của ông Thành như lái xe ôm tên là Nghĩa và cửa hàng mà
kẻ gây án bán nhẫn và cướp của của bà Bông, tự ý kết luận đơn tố cáo của ông
Thành là không có cơ sở.
Chính hành vi này đã khiến việc giải oan cho những người bị oan bị
chậm trễ, mà lẽ ra đã được làm rõ ngay từ năm 2000.
Tội lạm quyền thi hành công vụ theo Điều 282 BLHS trong trường hợp
gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng thì bị phạt tù từ 10-20 năm tức thuộc trường hợp
tội phạm đặc biệt nghiêm trọng, thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự là 20
năm.
Do việc gây oan sai cho nhiều người gây bức xúc trong nhân dân,
làm mất uy tín cho các cơ quan pháp luật, có thể đền bù oan sai hàng chục tỷ
đồng, tất yếu các cơ quan pháp luật có thẩm quyền phải xử lý nghiêm những kẻ đã
gây oan sai.
Nhân dân đang mong chờ cơ quan điều tra của Viện kiểm sát nhân dân
tối cao sớm khởi tố vụ án hình sự để truy cứu trách nhiệm hình sự những kẻ đã
gây ra 2 đại án oan sai tại Bình Thuận.
Bài
viết thể hiện văn phong và quan điểm riêng của tác giả, một luật sư đang làm
việc tại Việt Nam.
__._,_.___
No comments:
Post a Comment
Nhân quyền và bạo quyền