Tổng thống Mỹ cổ vũ cho nhân quyền và dân chủ tại Việt Nam
Cảnh thanh niên chờ vào Trung Tâm Hội Nghị Mỹ Đình (Hà Nội) để nghe tổng thống Mỹ Obama nói chuyện ngày 24/05/2016.Reuters
Nhân ngày thứ hai trong chuyến công du Việt Nam, một nước cựu thù do một đảng duy nhất cầm quyền, tổng thống Mỹ Barack Obama vào hôm nay, 24/05/2016, đã nhiệt thành cổ vũ cho mối quan hệ Mỹ-Việt, một nền dân chủ và tự do cho Việt Nam. Theo hãng tin Pháp AFP, thông điệp của ông Obama đã được đón nhận nồng nhiệt với từng tràng pháo tay vang vội hội trường.
Sau khi gặp các nhà lãnh đạo Việt Nam, thông báo bỏ cấm vận vũ khí, chứng kiến nghi lễ ký kết các hợp đồng thương mại hơn 11 tỷ đôla Mỹ, ăn bún chả, uống bia ở ngoài phố và tiếp xúc với một nhóm nhà hoạt động nhân quyền, tổng thống Mỹ Barack Obama đã dành thời giờ để cổ vũ cho giá trị của tự do, dân chủ trước cử tọa 2000 người trong đó có các nhà lãnh đạo Việt Nam.
Trong thông điệp ứng khẩu tại Trung tâm hội nghị quốc gia Mỹ Đình, Hà Nội, và được trực tiếp truyền hình vào sáng nay trước khi lên đường vào Sài Gòn, tổng thống Barack Obama thẳng thắn đề cập đến một số vấn đề vẫn bị chính quyền Việt Nam xem là điều nhạy cảm hay cấm kỵ.
Trong bối cảnh hàng loạt ứng cử viên độc lập bị ngăn chận không được tham gia cuộc bầu cử quốc hội hai ngày trước, tổng thống siêu cường số một bằng giọng nói nhiệt thành khẳng định « Bảo đảm các quyền (tự do dân chủ) không phải là mối đe dọa cho đất nước. Khi các ứng cử viên được tranh cử tự do thì đất nước được ổn định hơn, vì tiếng nói của người dân được tôn trọng ».
Tại một nước mà báo chí bị kiểm duyệt và chỉ đạo chặt chẽ, tổng thống Barack Obama nhấn mạnh đến quyền tự do báo chí : báo chí đuợc tự do, dân sẽ tin vào chế độ. Khi báo chí tự do, phóng viên và blogger mới có thể tố cáo những vụ tham ô hay lạm quyền. Những người cầm quyền buộc phải trả lời về trách nhiệm của họ và như thế tạo ra niềm tin nơi dân chúng.
Do một sự trớ trêu của lịch sử, tổng thống Mỹ biết rõ Việt Nam kỳ vọng vào sức mạnh và ủng hộ của kẻ thù cũ trước tham vọng bá quyền của láng giềng « liền núi liền sông ». Không gọi tên Trung Quốc nhưng tổng thống Barack Obama cảnh cáo thái độ « nước lớn hiếp đáp nước nhỏ » tại Biển Đông.
Ông nhấn mạnh đến mối quan hệ mỗi ngày mỗi tốt đẹp với Việt Nam, ông ý thức những khó khăn do quá khứ để lại nhưng bây giờ hai nước cùng nhìn về tương lai. Khen ngợi thành quả « phi thường » chống nạn nghèo đói, tổng thống Mỹ kêu gọi thanh niên Việt Nam « tự mình quyết định tương lai của mình ».
Theo nhận xét của AFP, thông điệp nhiệt thành của tổng thống Mỹ đã được giới trẻ Việt Nam nhiệt tình ủng hộ. Một sinh viên đại học ngoại thương bày tỏ : "Tôi rất ấn tượng. Tôi sung sướng được thấy tận mắt tổng thống Mỹ. Một giấc mơ đã thành hiện thực. Từ trước đến nay, tôi không bỏ sót thông điệp nào của tổng thống Obama…qua YouTube. Tôi đồng ý với tổng thống Mỹ về nhân quyền, tôi có quyền nói lên những gì tôi nghĩ."
Cũng theo AFP, trước đó, tổng thống Obama đã gặp một số đại diện của xã hội công dân và than phiền là có một số nhà họat động được mời nhưng « không đến được ». Luật sư Hà Huy Sơn, thường biện hộ cho các thành viên bảo vệ nhân quyền, cho biết ông bị công an ngăn chận. Họ nói ông đi đâu cũng được trừ đến Sứ Quán Mỹ. Mạng xã hội loan tin tiến sĩ Nguyễn Quang A, nhà báo Đoan Trang bị câu lưu. AFP cũng không liên lạc được với hai nhà họat động này.
Trong khi đó, nữ ca sĩ Mai Khôi, một trong những nhà hoạt động dân chủ tiếp xúc được với tổng thống Mỹ cho rằng « đây là sự kiện quan trọng, chứng tỏ sự hiện hữu của phong trào vì xã hội dân sự độc lập tại Việt Nam đã được chính thức công nhận ».
Khoảng một trăm ứng cử viên độc lập, cũng như ca sĩ Mai Khôi, bị chế độ dùng hình thức hiệp thương dàn dựng để gạt ra khỏi danh sách ứng cử viên và tiếp tục gây khó dễ.
Tuy nhiên, có một dấu hiệu cho thấy Hà Nội đã tiến bộ hơn Bắc Kinh : diễn văn của tổng thống Mỹ được truyền hình trực tiếp chứ không bị cắt xén như ở Trung Quốc.
Sáng nay, dân chúng Hà Nội lại có dịp biểu dương lòng mến mộ đối với tổng thống Mỹ. Hàng ngàn người đứng dọc hai bên đường dẫn về phi trường Nội Bài, tiễn chân phái đoàn tổng thống vào Sài Gòn, một thành phố đầy dấu ấn lịch sử trong quan hệ Mỹ-Việt và cũng là lá phổi, là thủ đô kinh tế của Việt Nam.
__._,_.___
No comments:
Post a Comment
Nhân quyền và bạo quyền