Sunday, February 1, 2015

“Làm việc thiện là cái tốt đợi lệnh cho phép




VRNs (30.01.2015) – Nghệ An – Cha JB. Nguyễn Đình Thục và giáo dân vượt 200 cây số mang quà tết đến cho đồng bào dân tộc ở Con Cuông, nhưng chính quyền xã cấm dân nhận quà.

Với tinh thần bác ái, yêu thương và giúp đỡ người nghèo dân tộc ở vùng núi phía Tây xứ Nghệ, nhân dịp tết sắp đến, sáng ngày 28.01.2015, một đoàn từ thiện gồm có cha JB Nguyễn Đình Thục và khoảng 20 giáo dân thuộc giáo xứ Song Ngọc, giáo phận Vinh đã vượt qua gần 200 cây số đến với bản Đan Lai thuộc xã Môn Sơn, huyện Con Cuông.

Các thành viên trong đoàn tận mắt chứng kiến cuộc sống khổ cực, nghèo đói của người dân ở nơi đây và cùng xác nhận đây đúng là nơi đang cần sự giúp đỡ, chia sẻ của mọi người hơn cả.

Đây là vùng biên giới, nên đoàn đã qua đồn biên phòng Môn Sơn để xin phép và được ông Mạnh, trưởng đồn trực tiếp dẫn đoàn vào khu vực đó để phát quà. Tuy nhiên khi đoàn đến gặp người dân thì họ có ảnh mắt khác lạ đối với chúng tôi.
Đồn biên phòng
Đồn biên phòng Môn Sơn

Sau khi tìm hiểu, chúng tôi biết là dân nghèo đã bị cán bộ xã xuống nói trước, răn đe không được nhận quà với lý do có thể bị người khác lừa. Một người dân trong bản Đan Lai nói: “Từ sáng sớm đã có 4 hay 5 đoàn của xã đến và nói với chúng tôi là không được nhận quà người lạ, và muốn nhận quà thì phải được xã cho phép.”

Cha JB Nguyễn Đình Thục đã gọi trực tiếp cho bà Hà, chủ tịch xã Môn Sơn thì được bà trả lời: “Tôi đang cho phó chủ tịch xuống nói chuyện và làm việc trực tiếp với các anh”.
Cha Thục, ông Mạnh và giáo dân cùng đi với cha
Ông Mạnh và giáo dân đi làm từ thiện đợi lệnh cho phép

Khoảng một tiếng rưỡi sau, ông Tuấn, phó chủ tịch xã và ông Hiến, trưởng công an xã đến để gặp cha Thục. Hai ông cho biết rất đồng tình và ủng hộ việc đoàn phát quà.

Ông Hiến nói: “Làm việc thiện là cái tốt chúng tôi cám ơn”.
Sau khi bàn bạc thêm, hai ông đã đồng ý cho chúng tôi phát quà. Nhưng được một lúc thì theo chỉ đạo của cấp trên là chúng tôi phải chờ bên Mặt trận xã đến cùng phát quà cho dân. Ông phó chủ tịch xã nói: “Quà do Mặt trận nhận và phát quà cho dân”.

Sau đó, ông Đức, Mặt trận xã đến trực tiếp gặp cha Thục và đồng ý cho đoàn được phát quà cho người dân. Liền đó, chúng tôi chuẩn bị quà để phát vì dân cũng đã tập trung rất đông và lâu để chờ được nhận quà. Nhưng khi bắt đầu thì cấp trên lại cho lệnh ngừng việc phát quà, chờ Huyện xuống.

Dân trao đổi những bức xúc với các thành viên đoàn từ thiện.
Dân trao đổi những bức xúc với các thành viên đoàn từ thiện.

Cha JB Nguyễn Đình Thục hỏi “Tại sao lại ngừng việc phát quà?” Ông Đức nói đang chờ Huyện vào để giải quyết. Cha Thục lấy điện thoại gọi cho ông Hoài, huyện Con Cuông. Cha Thục hỏi “Lý do chúng tôi làm việc bác ái, phát quà là đúng hay sai và khó khăn là ở chỗ nào?” ông Hoài trả lời “Làm việc bác ái phải đăng ký”.

Sau đó ông Hoài chuyển máy cho ông Hùng, trưởng Công an huyện Con Cuông

Cha Thục trình bày sự việc với ông Hùng.

Ông Hùng, trưởng công an huyện Con Cuông trả lời: “Theo Nghị đinh 34, cụ muốn phát quà khu vực dân tộc biên giới thì phải đăng ký với chính quyền địa phương, và muốn phát quà phải đăng ký Mặt trận tổ quốc xã nếu chưa đăng ký thì trao cho mặt trận tổ quốc xã trao lại cho người dân”.

Cha Thục hỏi: “vậy chúng tôi có được phát quà tiếp hay không?” Ông Hùng trả lời: “Cụ muốn phát quà thì phải thông qua Mặt trận xã và giao cho Mặt trận xã phát cho người dân”. Cùng nghe cuộc đối đáp có đầy đủ các ban ngành, ông Chủ tịch mặt trận và đầy đủ người dân.

Cha Thục hỏi tiếp: “Bây giờ có ông Đức mặt trận, tôi muốn trực tiếp với Mặt trận xã phát quà trực tiếp và ghi vài tấm hình lưu niệm có được không? Ông Hùng trả lời: “Vậy cụ cứ giao quà cho Mặt trận, cụ không được trực tiếp phát để bảo đảm an toàn cho cụ”.

Liệu những quy định và quyết định này vì dân nghèo vùng núi ?

Sau đó, ông trưởng thôn gặp và trao đổi với cha JB Nguyễn Đình Thục. Ông nói: “Bây giờ chúng tôi nhận quà và phát cho bà con, các anh cứ về”. Cha Thục đồng ý và đề nghị: “Vậy cũng được, tuy nhiên các ông phát cho chúng tôi chụp một vài tấm ảnh làm kỷ niệm”.

Ông trưởng thôn nói rằng: “Cấp trên chỉ đạo Mặt trận nhận quà và khi phát quà không được quay phim chụp ảnh”.
Trước tình cảnh đó, cha JB Nguyễn Đình Thục và mọi người không chấp nhận. Cuối cùng chúng tôi phải đưa quà về trong khi người dân đang rất cần và chờ đợi để được phát quà.

Dân nghèo đợi ngoài nắng, quà đã sẵn, nhưng các quy định đã không cho người nghèo được nhận quà. Quy định này có vì ai, và vì cái gì?
Dân nghèo đợi ngoài nắng, quà đã sẵn, nhưng các quy định đã không cho người nghèo được nhận quà. Quy định này có vì ai, và vì cái gì?

Bà Lý giáo xứ Song Ngọc nói “Đây có phải chính sách vì dân của đảng hay không, khi muốn làm từ thiện mà phải khó khăn hơn cả đi xin ăn vậy? Anh Các giáo xứ Song Ngọc nhận xét: “Chính quyền thế này thì không biết bao giờ người dân ở đây mới hết nghèo khổ?”

Con Cuông là một huyện nằm ở phía Tây xứ Nghệ, ở đây có nhiều dân tộc sinh sống. Cuộc sống người dân ở đây hết sức khó khăn. Con Cuông là nơi tự do tôn giáo bị bóp nghẹt. Đỉnh điểm là vụ đàn áp tôn giáo năm 2012 tại đây và cha JB Nguyễn Đình Thục cũng là nạn nhân trong vụ việc đó. Chính quyền ở đây rất khắt khe với người dân, đặc biệt là người Công giáo.

Đến bao giờ chính sách mới thay đổi cho dân được nhờ?




VRNs (28.01.2015) – Sài Gòn – Xóa bỏ án tử hình được quy định tại Điều 6 ‘Công ước Quốc tế về những quyền Dân sự và Chính trị’ mà Nhà nước VN là một thành viên đã tham gia ký kết vào năm 1982. ‘Mọi người có quyền sống” được quy định rõ trong Điều 19 Hiến Pháp VN 2013. Tuy vậy, nhà cầm quyền VN vẫn chưa có động thái nào trong việc hủy bỏ án tử hình.

Chính vì lý do đó, ba tổ chức Xã hội Dân sự ở VN là Diễn Đàn Xã Hội Dân Sự, Văn Phòng Công lý và Hòa Bình DCCT Sài Gòn và VietNam UPR Working Group đồng tổ chức buổi tọa đàm “Xóa bỏ hình phạt tử hình – Tiến tới xã hội văn minh”, tại DCCT Sài Gòn, vào sáng ngày 27.01.2015.

Có hơn 40 người tham dự buổi tọa đàm này, đặc biệt có sự hiện diện của Quý Chức sắc trong Hội Đồng Liên Tôn, gia đình tử tù Nguyễn Văn Chưởng từ Hà Nội vào Sài Gòn, gia đình tử tù Hồ Duy Hải từ Long An lên, đại diện Phái Đoàn Liên Minh Châu Âu là ông Juan Zaratiegui Biurrun, đại diện Lãnh sự quán Úc tại Sài Gòn bà Felicity Sims, đại diện Lãnh sự quán Hoa Kỳ tại Sài Gòn là ông Garrett Harkins, đại diện Lãnh sự quán Đức tại Sài Gòn là bà Leonie Radosta, Bác sĩ Đinh Đức Long, Giảng viên Phạm Minh Hoàng…

Phần đầu buổi tọa đàm, Blogger Phạm Lê Vương Các chia sẻ về một ký ức liên quan đến Hội đồng Thi hành án bắn một tử tù ngay trước đám đông. 

Vụ việc xảy ra vào năm 2003, tại Đồng Tháp – quê nhà Blogger này. Blogger Vương Các ngậm ngừng nói, Hội đồng Thi hành án dẫn tử tù này vào một bãi đất trống tại một nghĩa trang. Ở đó, đã dựng sẵn một cây cột để trói người tử tù này vào, bên cạnh đó có một cái hòm để chôn cất. Người tử tù được kết liễu cuộc đời bằng những phát súng của các tay súng trong đội Thi hành án.

“Họ xử tử công khai nhằm răn đe người dân không được vi phạm pháp luật. Đây là một hành động dã man, không có tính  người, bởi tính mạng con người là một điều thiêng liêng do Tạo hóa dựng, nên cần được bảo vệ một cách tuyệt đối.” Blogger Vương Các nhận định.

Tiếp đến, đại diện gia đình Hồ Duy Hải là bà Nguyễn Thị Rưỡi – Dì ruột của anh Hải tóm tắt lại vụ án của cháu bà và bà nhấn mạnh: “bản án phúc thẩm số 281/2009/HSPT của TAND Tối cao tại Tp.HCM là một bản án gây oan trái cho cháu của tôi vì: Thứ nhất, việc xét xử phiến diện, thiếu khách quan, bất chấp kết quả giám định khoa học, bỏ qua tình tiết ngoại phạm của Hải.

 Thứ hai, kết luận trong bản án không phù hợp với các tình tiết khách quan của vụ án. Thứ ba, vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng, làm sai lệch hồ sơ vụ án. Thứ tư, áp dụng pháp luật không đúng, xét xử sai tội danh.” Bà Rưỡi nói rằng: “Những nguyên nhân trên vừa dẫn đến việc kết tội oan cho Hồ Duy Hải, đồng thời bỏ lọt kẻ phạm tội thực sự.” Bà Rưỡi nói thêm: “Điều 10 Bộ Luật Tố Tụng Hình sự không cho phép các cơ quan tố tụng dựa vào lời khai của bị can, bị cáo để kết tội, mà phải căn cứ những chứng cứ ‘khách quan, toàn diện, đầy đủ’ để chứng minh bị can, bị cáo có hoặc vô tội, nhằm tránh tình trạng dùng nhục hình, mớn cung, ép cung, bức cung, dẫn đến oan sai.” Bà Rưỡi quả quyết: “Hồ Duy Hải vô tội”.

Cùng cảnh ngộ với gia đình Hồ Duy Hải, song thân tử tù Nguyễn Văn Chưởng đã lặn lội từ Bắc vào Sài Gòn tham dự buổi tọa đàm. 

Ông Nguyễn Trường Chinh – Bố của Nguyễn Văn Chưởng kể lại vụ án và dẫn chứng một số tình tiết quan trọng không được các cơ quan tố tụng xem xét, điều tra làm rõ như: nhiều nhân chứng xác nhận, tối ngày 14.07.2007, Chưởng có mặt tại quê là Hải Dương, còn Thiếu tá Nguyễn Văn Sinh bị giết chết tại Hải Phòng, cách quê của Chưởng khoảng 40km. 

Nhưng các nhân chứng này đã bị ép cung, bức cung, mớm cung trong quá trình điều tra và không được triệu tập tham dự phiên tòa sơ thẩm và phúc thẩm với tư cách là người làm chứng; Trong cả hai phiên tòa sơ thẩm và phúc thẩm, Chưởng yêu cầu 4 điều: thứ nhất, Hội Đồng xét xử đưa các nhân chứng được vào bên trong phiên tòa nhưng bị Tòa bác bỏ. Thứ hai, 

Chưởng tố cáo các cơ quan điều tra đã dùng nhục hình tra tấn để ép cung và bắt Chưởng nhận tội, do đó Chưởng yêu cầu được cởi áo trước Tòa để minh chứng các vết thương trên cơ thể Chưởng đã bị hành hung nhưng Tòa cũng bác bỏ. Thứ ba, Chưởng yêu cầu đưa ra biên bản chấn thương được lập giữa Cơ quan Cảnh sát điều tra với trại tạm giam Trần Phú – Hải Phòng, bởi vì Chưởng bị hành hung dã man trong quá trình điều tra và có thể chết sau đó. Thứ tư, Chưởng yêu cầu giám định lại các cuộc gọi trong điện thoại của Chưởng, xác minh “tọa độ” nơi Chưởng có mặt là ở Hải Dương, không phải ở Hải Phòng, đây là  chứng cứ ngoại phạm chứng minh Chưởng vô tội.”

Ông Nguyễn Trường Chinh ngậm ngùi: “Gia đình tôi đã đi kêu oan suốt 8 năm nay, tài sản của gia đình đã kiệt quệ nhưng gia đình tôi có thể làm lại được. Còn tính mạng con người đã mất thì không thể nào lấy lại được, nên tôi sẽ đấu tranh đến cùng để VN bãi bỏ án tử hình, cũng như đi kêu oan cho con trai tôi và Hồ Duy Hải.”
Ông Nguyễn Văn Chinh, bố tù nhân Nguyễn Văn Chưởng
Ông Nguyễn Trường Chinh, bố tù nhân Nguyễn Văn Chưởng
Kế tiếp là phần trình bày của đại diện các  Lãnh sự quán nước ngoài tại Sài Gòn. Họ nói về việc các nước Phương tây ủng hộ hủy bỏ án tử hình. Điều này được nhấn mạnh trong chính sách ngoại giao của mỗi nước đối với nhà cầm quyền VN.

Đại diện Phái Đoàn Liên Minh Châu Âu là ông Juan Zaratiegui Biurrun, Cố vấn Chính trị, Ban Chính trị, Báo chí và Thông tin, phát biểu với đại ý: Sau chiến tranh thế giới thứ 2, các nước Liên Minh Châu Âu nhận thấy án tử hình không nên có và cần hủy bỏ, do đó họ đã loại bỏ. Hủy bỏ án tử hình là một trong những điều kiện để được tham gia vào EU. Bỏ án tử hình là một nội dung quan trọng trong cuộc đối thoại nhân quyền giữa VN và EU hiện nay.

Đại diện Lãnh sự quán Úc tại Sài Gòn bà Felicity Sims, Lãnh sự phụ trách Thương mại và Kinh tế, phát biểu với đại ý: Nước Úc đã bỏ án tử hình từ vài thập niên trước vì không phù hợp với các chính sách liên quan đến quyền con người. Nước Úc cổ võ bỏ án từ hình trong chính sách ngoại giao với các nước trên thế giới. 

Trong mối bang giao với nhà cầm quyền VN, Nước Úc đã khuyến nghị họ tạm dừng án tử hình trong kỳ Kiểm điểm Định kỳ Phổ Quát vào năm 2014. Tạm dừng án tử chỉ là bước đầu trong việc tiến tới yêu cầu Nhà nước VN hủy bỏ án tử hình, cũng như khuyến khích Nhà nước VN tham gia ký kết Nghị định bổ sung Thứ hai của ‘Công ước quốc tế về các Quyền Dân sự và Chính trị’ về việc xóa bỏ án tử hình.

Đại diện Lãnh sự quán Hoa Kỳ tại Sài Gòn là ông Garrett Harkins, Viên chức Chính trị, phát biểu với đại ý: Chúng tôi đang hợp tác với chính phủ VN về các dự án Luật để giúp VN có một hệ thống pháp luật tốt hơn.

Sau đó, đến phần trình bày của Ts Nguyễn Quang A, thuộc tổ chức Diễn Đàn Xã Hội Dân Sự. Ts Nguyễn Quang A cho biết: Việt Nam đã nhận được gần 30 khuyến nghị liên quan tới việc xóa bỏ hình phạt tử hình trong kỳ Kiểm điểm Định kỳ Phổ Quát vào năm 2014. Đây là nhóm khuyến nghị lớn nhất trên tổng số các nhóm khuyến nghị UPR về quyền con người. Điều này cho thấy việc duy trì hình phạt tử hình tại VN đã thu hút và nhận được sự quan tâm rất lớn của cộng đồng quốc tế.

Nhưng ngay sau đó, nhà cầm quyền VN đã bác bỏ phần lớn các khuyến nghị xóa bỏ áp dụng án tử hình ngay lập tức, trong tương lai gần, trong đó có việc từ chối tham gia Nghị định bổ sung Thứ hai của Công ước quốc tế về các Quyền Dân sự và Chính trị về việc xóa bỏ án tử hình, nhưng đã chấp nhận một số ít các khuyến nghị như: tiếp tục giảm phạm vi áp dụng hình phạt tử hình (143.89 của Bỉ); Tiếp tục cải cách hướng đến từ bỏ hoàn toàn hình phạt tử hình, bao gồm việc tăng tính minh bạch xung quanh việc sử dụng hình phạt tử hình (143.95 của New Zealand)…

Tiếp sau đó, Luật gia Lưu Vũ trình bày về ‘những lý lẽ’ ủng hộ không bỏ án tử hình và bỏ án tử hình.

Trong phần trình bày, Luật gia Lưu Vũ đưa ra các quan điểm của những người ủng hộ không bỏ án tử hình: nhằm ngăn chặn những kẻ sát nhân tiềm tàng; Ngăn chặn tái phạm tội; Người Nhật ủng hộ duy trì án tử hình vì họ cho rằng, người làm việc tốt đáng nhận được điều tốt, còn kẻ ác đáng bị trừng trị. Điều đó giúp cho người tốt tin tưởng vào cuộc sống hơn…

Luật gia Lưu Vũ tiếp tục chia sẻ quan điểm của những người ủng hộ bỏ án tử hình bởi vì: mạng người và quyền sống là quý giá không ai được xâm phạm; Người vô tội có thể bị kết án tử hình do những sai sót hay khiếm khuyết trong hệ thống tư pháp; Án tử hình là một biện pháp trả thù kẻ ác chứ không phải là thực thi công lý…

“Án tử hình không có tác dụng răn đe người khác phạm các tội nghiêm trọng” Luật gia Lưu Vũ nhấn mạnh.

Trong phần thảo luận, Giảng viên Phạm Minh Hoàng đặt vấn đề, làm thế nào để thuyết phục dân chúng nhận ra án tử hình không làm giảm tội phạm, mà ngược lại có xu hướng gia tăng tội phạm trong một đất nước duy trì án tử hình?

Để trả lời câu hỏi này, Ts Nguyễn Quang A nói rằng, chừng nào bộ máy tuyên truyền, bộ máy báo chí vẫn còn sự quản lý của nhà cầm quyền thì người dân sẽ khó thay đổi nhận thức… Thế nhưng, chúng ta vẫn còn có các công cụ khác, ví dụ như phanh phui càng nhiều trường hợp bị oan sai, để người dân hiểu rõ hơn những người vi phạm pháp luật chính là người thực thi pháp luật trong các cơ quan công quyền. Ts Quang A cũng nhấn mạnh đến quyền sống của con người cũng được quy định tại Điều 19 Hiến Pháp 2013 là một bằng chứng thuyết phục nhà cầm quyền và người dân hủy bỏ án tử hình.

Cũng với nội dung câu hỏi trên, Blogger Vương Các cho biết thêm, theo khoản 2, Điều 6 ‘Công ước Quốc tế về những quyền Dân sự và Chính trị’ quy định: “Trong các quốc gia chưa bãi bỏ hình phạt tử hình, toà án chỉ được tuyên án tử hình đối với những tội hình sự nghiêm trọng nhất chiếu theo luật pháp áp dụng trong thời gian phạm pháp và không trái với những điều khoản của Công Ước này và của Công Ước Ngăn Ngừa và Trừng Phạt Tội Diệt Chủng. Hình phạt tử hình chỉ có thể được thi hành chiếu theo một bản án chung thẩm của một tòa án có thẩm quyền.”

Kế đến, Quý Chức sắc trong Hội Đồng Liên tôn chia sẻ quan điểm về án tử hình dưới góc độ Giáo lý của mỗi Tôn giáo.

Cha Antôn Lê Ngọc Thanh chia sẻ: “Theo Giáo lý Công giáo, con người được Thiên Chúa tạo dựng nên và theo hình ảnh của Ngài, nên mạng sống của con người là quan trọng nhất. Về bản luật trong 10 điều răn thì Điều thứ 5 nói rõ ‘cấm giết người’, nghĩa là cấm giết người dưới bất cứ hình thức nào… 

Giáo lý Công Giáo cũng xác nhận, giết người dưới bất cứ hình thức nào đều là phạm tội và không được phép, bởi vì con người được quyền sống hạnh phúc và làm cho người khác hạnh phúc, chứ không được tước đoạt mạng sống của người khác. Từ năm 1995, Giáo hội Công giáo vận động các quốc hội, chính phủ các quốc gia hủy bỏ án tử hình. Riêng tại VN, các Giám mục và Linh mục nói nhiều vấn đề này trên tòa giảng. Nhưng cho đến bây giờ, Hội Đồng Giám Mục vẫn chưa có văn thư chính thức đề nghị nhà cầm quyền VN hủy bỏ án tử hình.”

Ngài Chánh trị sự Hứa Phi, thuộc Hội thánh Đại đạo Tam kỳ phổ độ Cao Đài Tòa thánh Tây Ninh, trình bày, tước đoạt mạng sống con người đi ngược lại với tôn chỉ Giáo lý Đạo Cao Đài bởi vì Giáo lý Cao Đài thực thi nhân nghĩa, yêu thương… Nền giáo dục ở VN từ năm 1975 cho đến nay bị suy đồi khiến giới trẻ không nhận thức được điều nào đúng, điều nào sai. Nhiều bản án của các tù nhân không riêng gì bản án tử có nhiều uẩn khúc, bởi một số người muốn duy trì để lợi dụng cai trị người khác… Ông cũng yêu cầu nhà cầm quyền hủy bỏ án tử hình.

Còn Mục sư Nguyễn Mạnh Hùng, quản nhiệm Hội Thánh Tin Lành Mennonite tại Bình Dương, nhấn mạnh, nếu duy trì án tử hình sẽ tạo thêm những con người có khả năng giết người, bởi vì một cán bộ thi hành án tử cho một tử tù sẽ tạo thêm một con người có khả năng giết người -chính là cán bộ. Do đó Mục sư Nguyễn Mạnh Hùng mạnh mẽ kêu gọi nhà cầm quyền bỏ án tử hình.

Dân oan Trần Thị Nga, sống tại Hà Nam vào Sài Gòn tham dự tọa đàm, phát biểu: Trước hết đấu tranh cho nền tư pháp, hành pháp và lập pháp được độc lập. Nếu không, sẽ còn nhiều án oan ở VN. Bà Nga nói thêm, nên cải thiện nền giáo dục để giới trẻ ý thức được đâu là quyền và nghĩa vụ của họ.
Một khách mời của buổi tọa đàm là Bác sĩ Đinh Đức Long chia sẻ, xóa bỏ án tử hình sẽ là một bước đường khá chông gai. Nhưng trước hết, VN cần phải có một xã hội tam quyền phân lập thì mới có khả năng giúp VN xóa bỏ án tử hình.

Một bạn trẻ tên là Trần Hoàng Hận thuộc nhóm No U Sài Gòn đặt một câu hỏi đáng quan tâm: “Liệu những người thực thi pháp luật có thực sự bình an trong tâm hồn khi họ ra quyết định kết án tử hình và thi hành án tử đối với một tử tù?”.

Hiện nay, trong xã hội VN, vẫn còn nhiều tranh cãi giữa các quan điểm ủng hộ và chống đối án tử hình, nhưng trong xu thế chung của nhân loại, những người ủng hộ hủy bỏ án tử hình tin tưởng rằng  việc xóa bỏ hoàn toàn án tử đang dần chiếm ưu thế trong một xã hội nhân bản và văn minh.



VRNs (22.01.2015) – Sài Gòn – Thông Tấn Xã Việt Nam dẫn lời Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định hôm 20/1, Chính phủ Việt Nam trước sau như một, tôn trọng và đảm bảo quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của người dân, thực hiện theo đúng Hiến pháp và pháp luật của một quốc gia độc lập.

Ông Dũng đưa ra phát biểu trên trong cuộc tiếp đón một giới chức Vatican, Đức Hồng y Fernando Filoni, Tổng trưởng Bộ Loan báo Tin mừng cho các dân tộc tại Trụ sở Chính phủ chiều 20/1.
ĐHY Filoni đang có chuyến thăm và làm việc tại Việt Nam kéo dài một tuần, bắt đầu từ hôm 20/1.

Vị lãnh đạo Việt Nam nói với người đứng đầu Bộ Truyền giáo Vatican rằng, quan hệ Việt Nam-Vatican chưa lúc nào tốt như thời điểm hiện tại và triển vọng phía trước là hết sức tốt đẹp, mặc dù không ít thăng trầm.

Tiep BT Vantican
Đức Hồng Y Fernando Filoni và Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng

Ông Dũng cũng khẳng định, tất cả các tôn giáo ở Việt Nam đều được tạo điều kiện thuận lợi để hoạt động.

Bình luận trên đưa ra giữa lúc Giám mục Giáo phận Kontum cáo buộc giới chức trách tỉnh Kontum đã ‘chậm trễ’ trong ‘việc đáp ứng yêu cầu xây dựng một nhà thờ mới’ ở xứ Đăk Jâk, huyện Đăk Glei.

Đức cha Micae Hoàng Đức Oanh cho biết trong cuộc phỏng vấn hôm 17/1, “tôi xin phép xây dựng nhà thờ [Đăk Jâk] và phục hồi giáo xứ [được thành lập từ 1957], nhưng xin miết cũng không được.”

“Do nhu cầu tôn giáo đông đảo và bà con cứ ngồi ngoài mưa nắng …cho nên bà con giáo dân đã tự dựng nên một cái nhà nguyện tạm.” Tuy nhiên, giới chức trách lại “yêu cầu gỡ nhà thờ tạm” trong khi họ vẫn chưa “đáp ứng yêu cầu lâu năm là cho xây dựng một nhà thờ mới để thay thế.”

Phái viên Liên Hiệp Quốc (LHQ) về tự do tôn giáo hồi tháng Tám đã phê phán việc luật pháp cho phép chính quyền “nhiều không gian để quy định, giới hạn, hạn chế hay cấm việc thực hành tự do tôn giáo hay tín ngưỡng”.

Ông Heiner Bielefeldt nói mặc dù Việt Nam đã có “một số chuyển biến tích cực”, nhưng ông tin rằng “vi phạm nghiêm trọng…là thực tế” ở Việt Nam “và kinh ngạc thấy phạm vi của tự do tôn giáo vẫn còn rất hạn chế và không rõ ràng”.

Hà Nội luôn phủ nhận những cáo buộc cho rằng Việt Nam vi phạm quyền tự do tôn giáo, và sách nhiễu, đàn áp những nhà hoạt động cổ xúy cho quyền tự do tôn giáo.’

Trong cuộc gặp với Đức Thánh Cha Phanxicô hồi tháng Mười tại Vatican, ông Dũng được Vietnamnet dẫn lời cho biết, Việt Nam đang không ngừng hoàn thiện chính sách tôn trọng và bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo chính đáng của người dân.

Đài tiếng nói Hoa Kỳ cho biết, Việt Nam và Vatican cho tới nay chưa có quan hệ ngoại giao chính thức. Đôi bên đã lập ra Nhóm Công tác hỗn hợp đàm phán để bình thường hóa quan hệ và đã trải qua 5 vòng đàm phán.


No comments:

Post a Comment

Nhân quyền và bạo quyền

VTV-[Trang Lê Mới Nhất] chửi từ nhà ra phố, Trọng Lú sợ vỡ mật

https://www.youtube.com/results?search_query=Trang+L%C3%AA+%28B%C3%A0+Ngo%E1%BA%A1i%29

Featured Post

Bản Tin buổi sáng-20/11/2024

Popular Posts

My Blog List