Thursday, March 9, 2017

Nguyễn Viện: Văn chương, Chính trị & Tôi



  •  
  •  
LTS: 3.3.2017 – ngày Nhà văn thế giới vừa qua, Văn đoàn Độc Lập tổ chức lễ trao giải Văn Việt lần 2. Trong số những nhà văn đoạt giải kỳ này có Nguyễn Viện, với tác phẩm “Nhảy múa để chết”.
Trong văn Nguyễn Viện có những bóng ma, có dục tình, có chiến tranh, những cơn mộng mị và nhiều thứ khác… nhưng xuyên suốt các tác phẩm là những đau đáu về thân phận con người… Con người được tái hiện qua ngòi bút của một nhà văn có chính kiến.
Được sự cho phép của tác giả Nguyễn Viện, chúng tôi gởi đến quí độc giả bài phát biểu “Văn chương, Chính trị & Tôi” của nhà văn, đọc nhân dịp nhận giải.
——————————
Kính thưa quí vị,
Quả thực, đây là một vinh dự cũng khá bất ngờ, khi tôi được đứng đây để bày tỏ sự cảm ơn trân trọng với Văn đoàn Độc Lập trong việc quyết định trao giải văn chương cho một tác phẩm cách tân như tiểu thuyết “Nhảy Múa Để Chết” và một tác giả “ngoài luồng”, như tôi.
Trong một dịp hiếm hoi như thế này, tôi cũng xin được phép thưa cùng bạn đọc, những người đồng hành với văn chương.
Thưa quí vị,
Vào tuổi tôi, để nói về văn chương, có lẽ cũng không thể nào không nói về cuộc đời. Lẽ sống và cách sống.
Ở đây, tôi không hề có tham vọng khái quát một chân lý. Mà tôi chỉ muốn nói về tôi, cuộc đời tôi và con đường tôi tới với văn chương.
Tại sao tôi đã viết và viết như tôi viết?
Năm 1975, khi miền Nam được giải phóng, tôi sống ở Sài Gòn và tròn 26 tuổi. Lúc ấy, tôi cũng đã bắt đầu viết văn. Từ một Sài Gòn tự do đến một Sài Gòn được giải phóng, con đường văn chương của miền Nam nói chung, của tôi nói riêng bị chặt đứt bằng một án kết “đồi trụy phản động”. Đó cũng là cách một nền văn học bị chôn vùi.
Cuộc đời tôi cũng như những người dân miền Nam bước vào một cuộc sóng gió mới với những giá trị khác, xa lạ và phản văn minh. Tôi tưởng như sẽ vĩnh viễn rời bỏ trang giấy và chữ nghĩa, bởi tôi không phải là ngọn cỏ ngả theo chiều gió.
Nhưng cuộc đời hay mỗi con người dường như vẫn có cách đi riêng để hoàn thành cái số phận của mình.
Con đường vòng của tôi đi qua những ngày trốn tránh, sau khi một vài người bạn tôi bị bắt đầu năm 1979 bởi những ý hướng chính trị cho một xã hội nhân bản. Có những ngày, tôi không biết sẽ có gì bỏ vào bụng để sống, cũng như những đêm không biết có tìm được chỗ nào để ngủ. Rồi cũng đến lúc tôi bị bắt, cuối năm 1980. Khi ấy, tôi và một số người bạn khác đang nung nấu một giải pháp đấu tranh dân chủ mà tôi gọi là “đấu tranh trong điều kiện hợp pháp”.
Năm đầu tiên, tôi bị nhốt trong trại giam Đại Lợi (quận Tân Bình, Tp. HCM). Năm thứ hai, tôi bị đưa đi lao động cưỡng bức ở Củ Chi.
Cho đến khi tôi tự ý bỏ về năm 1982, tôi chưa bao giờ bị xét xử hay kết án. Vì thế, tôi cũng không biết chính xác tôi bị tù vì tội gì.
Đấy là một ngã rẽ quan trọng nhất trong đời tôi. Tuy thời gian không nhiều, nhưng những trải nghiệm nó mang lại thì vô giá. Tôi đã sống và hành động trực tiếp với suy nghĩ của mình về xã hội và lịch sử.
Có vẻ như rất buồn cười, nếu tôi bảo rằng, nằm trong tù (dù lớn hay nhỏ) sẽ thật sự bình an. Vâng, vì đấy là chỗ ta đã ở cuối đường.
Và cũng rất lâu sau khi ra tù, tôi mới dám về nhà. Vì tôi vẫn là một công dân không biết thuộc về đâu.
Như tôi đã nói, cuộc đời có cách thu xếp của nó. Tôi đi qua những khúc quanh mới của một anh thợ vẽ (tranh lụa), một tay đứng chợ trời, một người buôn bán, một người quản lý sản xuất, một nhà báo… và cuối cùng là một nhà văn, như tôi hôm nay.
Hiển nhiên, cuộc đời không chỉ là cơm áo gạo tiền. Cuộc sống cần phẩm giá, và tự do, với tôi là phẩm giá thiết yếu đầu tiên và cuối cùng cho một sinh mệnh con người.
Vì thế, bi kịch của tôi là không thể im lặng, dù biết mọi điều mình nói và làm, hay viết cũng chẳng có gì quan trọng. Tôi vừa yêu văn chương và cũng rất ghét văn chương. Cũng như tôi cho rằng cho dù có sống như một loài cừu thì con người vẫn là một sinh vật chính trị, bởi thế tôi cũng ghê tởm chính trị. Nó làm con người ngộ nhận.
Nhưng tôi tự nghĩ, phải chăng ý nghĩa của cuộc sống là được nói và viết những điều mình nghĩ, làm những gì mình thích và cho là đúng?
Và như thế, ý nghĩa của cuộc sống phải chăng cũng chính là sự thể hiện một ý chí tự do? Tuy nhiên, sống trong bất cứ một chế độ cộng sản nào, như tất cả chúng ta đều biết, thì thể hiện một ý chí tự do dưới nhãn quan của độc tài toàn trị, một công dân có ý thức trách nhiệm và nhân phẩm sẽ luôn bị đồng hóa với kẻ bị coi là âm mưu “chống phá chính quyền”. Vì thế, cho tới hôm nay tôi vẫn bị quy chụp một cách phản động là “phản động”, bị an ninh mời làm việc và giám sát, bởi những phát biểu độc lập của mình về những oan trái của đời sống người dân, những bất công xã hội, sự thiếu vắng quyền con người và sự tồn vong của đất nước. Đó cũng là lý do tôi chưa bao giờ thoát được nỗi ám ảnh bị sỉ nhục của một người tù nô lệ.
Sau 30.4.1975, tôi đã tuyệt vọng về số phận mình. Và tôi đã mất rất nhiều năm sống trong sự cùng cực vô ích.
Đến bây giờ, cái cảm giác về sự vô ích vẫn chưa mất đi, mặc dù tôi không còn cùng cực nữa.
Tôi không có ảo tưởng gì về tác động của văn chương phản kháng của mình đối với chế độ, ngoài việc giữ liêm sỉ cho ngòi bút và lương tri một con người, cũng như bổn phận một công dân.
Đối với tôi, văn chương đơn giản là một cách thế ở đời. Và chính trị, cũng bình thường không kém, là cách để con người hướng đến một lương tâm công chính.
Xin cám ơn quí vị và bạn đọc.
Kính chúc Văn đoàn Độc Lập vững mạnh và tiếp tục xứng đáng như một diễn đàn tự do và có trách nhiệm.
3.3.2017



__._,_.___

Posted by: Dien bien hoa binh 

No comments:

Post a Comment

Nhân quyền và bạo quyền

VTV-[Trang Lê Mới Nhất] chửi từ nhà ra phố, Trọng Lú sợ vỡ mật

https://www.youtube.com/results?search_query=Trang+L%C3%AA+%28B%C3%A0+Ngo%E1%BA%A1i%29

Featured Post

Lisa Pham Vấn Đáp official-16/1/2025

Popular Posts

My Blog List