Thân
Hữu Việt Tân Úc Châu
HUMAN RIGHTS DAY 2016: TỰ DO CHO BLOGGER
"ANH BA SÀM"
(Hình: Blogger "Anh Ba Sàm" Nguyễn Hữu Vinh)
Blogger "Anh Ba Sàm" tên thật là Nguyễn Hữu Vinh (sinh
năm 1956) là một người bất đồng chính kiến ở Việt Nam. Ông từng là công an và
đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam, từng công tác ở Ủy ban Việt kiều Trung ương.
Ông bị nhà cầm quyền Việt Nam bắt giữ và phạt tù 5 năm với cáo buộc vi phạm Điều
258 Bộ Luật Hình sự, do do đăng tải các bài viết tiết lộ nhiều sự thật rùng
mình của CSVN trên mạng Internet.
Nguyễn Hữu Vinh là con trai út của ông Nguyễn Hữu Khiếu
(1915-2005), một lão thành cách mạng của cộng sản Việt Nam, từng là ủy viên
trung ương Đảng CSVN trong 2 khóa, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa, Bộ trưởng
Bộ Lao động , đại sứ Việt Nam tại Liên Xô.
Nguyễn Hữu Vinh học trung học tại trường Trung học phổ thông Chu
Văn An, Hà Nội. Sau đó ông theo học Đại học An ninh nay là Học viện An ninh Hà
Nội. Sau khi hoàn thành khóa học, ông được ngành Công an trao quyết định là sĩ
quan Công an. Được ít năm, ông xin chuyển khỏi ngành Công an, sang làm việc ở
Ban Việt kiều Trung ương.
Sau khi bỏ việc nhà nước vào giữa thập niên 1990, Nguyễn Hữu Vinh
theo học luật. Năm 2000, ông thành lập Công ty Điều tra và Bảo vệ - VPI, là công
ty thám tử tư đầu tiên ở Việt Nam.
Ông Vinh thường trú tại số phường Trung Tự, quận Đống Đa, Hà Nội.
Thành lập từ ngày ngày 9 tháng 9 năm 2007, blog Ba Sàm, tự gọi là
Cơ quan ngôn luận của THÔNG TẤN XÃ VỈA HÈ, là một trang web đăng tin nổi tiếng,
có tiếng nói trái ngược với tuyên truyền của báo chí chính thống của CSVN, với
mục tiêu: khai dân trí, đồng thời tận dụng tối đa các tiện ích của Internet để
mang tri thức đến cho mọi người". Bắt đầu từ những bài báo và bài dịch đầu
tiên của Nguyễn Hữu Vinh trên blog Yahoo!360, cho đến sau này là các bài điểm
tin những tin tức hàng ngày trên hệ thống WordPress và sự đóng góp bài vở của
rất nhiều biên tập viên, cộng tác viên. Ngoài ra còn các trang Việt sử ký hay
Chép sử Việt gồm nhiều tư liệu và tham luận.
Tính từ năm 2009 đến nay, theo CSVN công bố, trang mạng anhbasam
đã đăng tải hàng trăm ngàn bài viết. Nhưng trên thực tế các bài trên trang mạng
này đều có đánh số, hiện tại tính đến ngày 12/3/2016 có tổng cộng là 7,450 bài.
Ngoài ra, từ ngày 1/10/2012, ông Nguyễn Hữu Vinh đã hoàn toàn rút lui, không
còn điều hành trang Ba Sàm nữa.
Các bài viết nổi tiếng của ông Vinh bị CSVN coi là "sai trái"
bao gồm: "Dừng lấy phiếu tín nhiệm là một bước lùi", "Tín nhiệm hay
còn ai tín nhiệm nữa", "Không còn Đảng, không còn mình - Không còn Đảng,
mình vẫn còn", "Khởi công xây dựng mộ treo thứ hai cho Hồ Chí Minh",
"Ủng hộ Thủ tướng thay đổi thể chế"...
Ngày 05/05/2014, công an CSVN đã khám xét khẩn cấp và bắt ông
Nguyễn Hữu Vinh.Cùng bị bắt với ông Vinh có bà Nguyễn Thị Minh Thúy, nguyên là
nhân viên cũ của ông Vinh tại công ty Điều tra và Bảo vệ – VPI, để lại hai con
(sinh đôi) mới 7 tuổi ở lại nhà. Bà Thúy cũng được xem là người trực tiếp quản
lý trang anhbasam từ năm 2012.
Theo cáo trạng của CSVN, ông Nguyễn Hữu Vinh đã có hành vi đăng
tải các bài viết trên mạng Internet có "nội dung xấu, thông tin sai lệch
làm giảm uy tín, mất lòng tin trong nhân dân về cơ quan Nhà nước, tổ chức xã
hội, công dân, quy định tại Điều 258 Bộ Luật Hình sự nước Cộng hòa xã hội chủ
nghĩa Việt Nam".
Trong một cuộc phỏng vấn với đài RFI, nhà báo Phạm Đoan Trang nhắc
tới một giả thuyết, cho rằng việc bắt Anh Ba Sàm là để ngăn chặn trước phe
chống Trung Cộng trong nội bộ CSVN và tâm lý chống Trung Cộng trong người dân.
Hai luật sư cùng bảo vệ ông Nguyễn Hữu Vinh là luật sư Nguyễn Minh
Long (đoàn Luật sư Hà Nội) và luật sư Trịnh Minh Tân (đoàn luật sư Sài Gòn).
Đến tháng 10 năm 2014, luật sư Hà Huy Sơn đã tham gia bào chữa cho ông Vinh và
bà Thúy.
Ông Sơn cho là, người ta bắt anh Nguyễn Hữu Vinh nhưng không có
chứng cứ hợp pháp để cáo buộc anh ấy vi phạm điều 258 của bộ luật hình sự.
Tổ chức theo dõi nhân quyền (Human Right Watch) yêu cầu thả ông
Vinh, coi việc bắt giữ này là vi phạm nhân quyền, quyền tự do ngôn luận.
Trước đó, ông Vinh đã từng bị bắt khẩn cấp lần đầu vào tháng
7/2012.
Sau khi ông Vinh bị bắt, đã có 51 người đồng ký tên vào Yêu cầu
trả tự do cho Nguyễn Hữu Vinh, trong đó có giáo sư Chu Hảo, tiến sĩ Lê Đăng Doanh,
tiến sĩ Nguyễn Quang A, tiến sĩ Hà Sĩ Phu… Yêu cầu này được gửi đích danh cho
ông bộ trưởng Công an CSVN Trần Đại Quang.
Ngày 30 tháng 10 năm 2014, công an CSVN công bố bản kết luận điều tra
về trường hợp ông Nguyễn Hữu Vinh và bà Nguyễn Thị Minh Thúy. Nội dung bản cáo trạng
không đề cập tới các hoạt động của ông Vinh tại trang điểm tin Ba Sàm mà chỉ
nêu ra các hoạt động của ông Vinh và bà Thúy tại hai trang blog Dân Quyền và
Chép Sử Việt. Theo đó, ông Vinh và bà Thúy đã vi phạm điều 258 BLHS: lợi dụng
các quyền tự do, dân chủ để chống phá nhà nước.
Bản kết luận nói ông Vinh và thư ký của mình từ tháng 9 năm 2013
cho đến thời điểm bị bắt đã đăng tổng cộng 24 bài viết trên hai trang "Dân
quyền" và "Chép sử Việt" - vốn thuộc "quyền quản lý, sử
dụng" của ông Vinh. Tuy nhiên, phía công an thừa nhận "không có điều
kiện xác minh, làm rõ nguồn gốc, tác giả của 24 bài viết nói trên" do các
bị can "không chịu khai báo".
Trong tháng 10 và 11 năm 2014, bà Lê thị Minh Hà, vợ của Anh Ba
Sàm Nguyễn Hữu Vinh đã có mặt tại Đức, gặp các vị dân biểu nước này nhằm vận
động kêu gọi trả tự do cho ông, và Ủy ban Nhân quyền Quốc hội Liên bang Đức đã
mở một cuộc điều trần về tình hình nhân quyền tại Việt Nam và về trường hợp của
ông.
Ngày 27 tháng 10 năm 2015, trả lời phỏng vấn của BBC, bà Hà, vợ
của Anh Ba Sàm cho biết Sức khỏe Anh Ba Sàm đáng “lo ngại” và bà không thể gửi
thuốc vào cho ông Vinh.
Ông Hà Huy Sơn – luật sư của ông Vinh - cho biết: “Mới nhất đây là
ngày 22/10/2015, cơ quan an ninh điều tra của Bộ Công an đã ra kết luận điều
tra bổ sung lần thứ tư".
Mặc dù đầu tháng 1 năm 2016 (hơn 1 năm rưỡi sau khi bị bắt) tòa án
CSVN ở Hà Nội đưa ra thông báo: phiên tòa xét xử vụ án Nguyễn Hữu Vinh và
Nguyễn Thị Minh Thúy sẽ diễn ra từ lúc 8:30 ngày 19 tháng 1 năm 2016. Tuy
nhiên, chỉ vài ngày sau đó Tòa án nhân dân Thành phố Hà Nội lại đưa ra một
thông báo khác để tạm hoãn phiên tòa và dời "sang một ngày khác".
Đến tháng 3 năm 2016, tòa án ra thông báo ngày xử mới là ngày 23
tháng 3 năm 2016. Tại phiên tòa, ông Nguyễn Hữu Vinh bị tuyên phạt 5 năm tù với
cáo buộc "bôi nhọ, xuyên tạc sự thật Nhà nước"
Nhà cựu ngoại giao Mỹ David Brown viết trên tờ Asia Sentinel cho
là, bản án này cho thấy cái cách mà nhà cầm quyền mới xử sự các vụ nhân quyền
sẽ không khác gì chính quyền cũ.
Nghị sĩ Đức Martin Patzelt có mặt trước tòa án vào ngày xử, ông
không được vào tham dự với lý do đã có đại diện của EU, viết: "những nhà
hoạt động nhân quyền trẻ tuổi này thể hiện một tiềm năng quý giá cho tương lai
Việt Nam. Khắp nơi trên thế giới đã cho thấy, phát triển kinh tế mà không có sự
phát triển đồng thời của dân chủ thì sẽ đi vào ngõ cụt. Những người trẻ này
không hề là sự xấu hổ, và càng không phải là tội phạm. Họ chính là lợi nhuận
cho đất nước. Đàn áp họ, nhà cầm quyền đã tự làm hại mình.
GS.TS. Nguyễn Minh Thuyết, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa,
Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội CSVN phê bình cách
vận hành phiên tòa, trên danh nghĩa là công khai, lại hạn chế rất nhiều người
vào dự, cả một nghị sĩ Đức đặc biệt bay sang để dự phiên tòa.
Sau phiên xử sơ thẩm, ông Nguyễn Hữu Vinh và bà Nguyễn Thị Minh
Thúy đã nộp đơn kháng cáo. Cả ông Vinh và bà Thúy đều cho rằng bản án sơ thẩm
là không có căn cứ, gây oan sai cho hai bị cáo. Vì vậy cả hai kháng cáo toàn bộ
bản án sơ thẩm và đề nghị tòa án cấp phúc thẩm tuyên hai bị cáo không phạm tội.
Ngày 22 tháng 9 năm 2016, phiên tòa phúc thẩm tại Hà Nội đã y án
sơ thẩm với ông Nguyễn Hữu Vinh (5 năm tù) và bà Nguyễn Thị Minh Thúy (3 năm
tù).
Có sáu luật sư tham gia phiên phúc thẩm gồm Trần Quốc Thuận, Trần
Văn Tạo, Trần Đình Triển, Trần Vũ Hải, Hà Huy Sơn và Nguyễn Hà Luân. Còn luật
sư Trần Vũ Hải nói ông bị chủ tọa đuổi ra khỏi phiên xử vào những giây phút
cuối của phiên xử.
__._,_.___
No comments:
Post a Comment
Nhân quyền và bạo quyền