Hoa Kỳ thúc giục Việt Nam trả tự do cho Tạ Phong Tần
Người Việt
WASHINGTON (NV). - Hoa Kỳ kêu gọi nhà cầm quyền CSVN trả tự do cho
bà Tạ Phong Tần, một nhà báo tự do và blogger nổi tiếng bị cầm tù vì viết bình
luận thời sự đả kích chế độ độc tài.
Hoa Kỳ kêu gọi nhà cầm quyền CSVN trả tự do cho bà Tạ Phong Tần,
nhà báo tự do, blogger đang bị bỏ tù với bản án 10 năm. (Hình: CLBNBTD) Nhân dịp ngày Tự Do Báo Chí Thế Giới 5-3 sắp
đến, Bộ Ngoại Giao nêu tên 12 nhà báo, bloggers nổi tiếng trên thế giới đang bị
một số nhà cầm quyền độc tài bỏ tù chỉ vì người ta sử dụng quyền tự do ngôn
luận để bầy tỏ ý kiến cá nhân trước các vấn đề liên quan đến thời sự của quốc
gia.
Một trong những người được Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ nêu tên và yêu cầu
phải trả tự do năm nay là bà Tạ Phong Tần của Việt Nam, hiện đang bị giam giữ
tại nhà tù tỉnh Thanh Hóa với bản án 10 năm tù.
Trong cuộc họp báo và vận động trả tự do cho các nhà báo, bloggers
đang bị cầm tù, ông Jeff Rathke, phó phát ngôn viên Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ hôm
28/4/2015 kêu gọi nhà cầm quyền CSVN “trả tự do ngay lập tức” cho bà Tạ Phogn
Tần và “để cho tất cả mọi người Việt Nam tự do diễn đạt quan điểm chính trị cả
trên internet cũng như trong các sinh hoạt thông tin báo chí khác”.
Ông Rathke nhắc lại rằng năm 2013, bà Tạ Phong Tần từng được Bộ
Ngoại Giao Hoa Kỳ vinh danh là một trong 10 người phụ nữ can đảm trên thế giới
nhân Ngày Phụ Nữ Quốc Tế 8 Tháng Ba.
Hồi Tháng Ba vừa qua, Tổ chức Bảo vệ Ký Giả Quốc Tế (CPJ) cũng đã
kêu gọi chế độ Hà Nội trả tự do cho bà trong chiến dịch “Tháo còng báo chí”.
Chiến dịch “Tháo còng báo chí” của tổ chức CPJ có sự hợp tác của
phân khoa báo chí đại học tiểu bang Maryland. Sinh viên đã vẽ kiểu, sản xuất và
bán các vòng đeo tay mang tên các nhà báo bị cầm tù nói trên cũng như đã mở
chiến dịch vận động tài chính để thực hiện dự án này. Toàn bộ số tiền thu được
sẽ bỏ vào quỹ của tổ chức vô vị lợi CPJ.
Bà Tạ Phong Tần, năm nay 46 tuổi, bị nhà cầm quyền bắt giam từ
Tháng 9-2011 và kết án 10 năm tù với quy chụp “Tuyên truyền chống nhà nước”
trong phiên tòa ngày 24/9/2012 cùng một vụ với nhà báo tự do Nguyễn Văn Hải,
bút danh Điếu Cày, và nhà báo tự do Phan Thanh Hải, bút danh Anhbasaigon. Cả ba
bị cáo buộc là các thành viên sáng lập tổ chức “Câu lạc bộ Nhà báo Tự do” phổ
biến các bài viết chống phá chế độ, đòi hỏi tự do ngôn luận.
Phan Thanh Hải bị kết án 4 năm tù và 3 năm quản chế nhưng được thả
ngày 1/9/2013. Bogger Điếu Cày bị kết án 12 năm tù nhưng được thả ra theo áp
lực của chính phủ Hoa Kỳ, bị trục xuất ra khỏi Việt Nam và đến Mỹ ngày
21/10/2014. Chỉ còn bà Tạ Phong Tần vẫn bị giam giữ.
Bà Tần đã bị chuyển qua ba nhà tù khác nhau từ Bình Dương, Đồng
Nai đến Thanh Hóa. Bà đã tuyệt thực nhiều lần phản đối sự đối xử ác nghiệt và
trái luật của cai tù CSVN.
Việc nhà cầm quyền Việt Nanm kết án bà Tạ Phong Tần, ông Nguyễn
Văn Hải và ông Phan Thanh Hải không những đã bị chính phủ Hoa Kỳ, các tổ chức
bảo vệ nhân quyền quốc tế đả kích mạnh mẽ, mà còn bị Văn phòng Cao ủy Nhân
quyền Liên Hiệp Quốc lên án.
Năm 2011 bà Tạ PhongTần cũng đã cùng 7 nhà đấu tranh dân chủ khác
được tổ chức Theo Dõi Nhân Quyền (Human Rights Watch) trao tặng giải thưởng
nhân quyền Hellman Hammmett. (TN)
Nguồn: Người Việt
Thuwojng nghị sĩ Chris Smith (giữa) trong một phiên
họp năm 2012 về vấn đề nhân quyền tại Việt Nam.
Washington cần gia tăng sức ép để Việt Nam cải thiện về nhân quyền
trước khi đẩy mạnh hợp tác kinh tế và thương mại song phương. Đó là nội dung
một dự luật trình lên Quốc hội Hoa Kỳ ngày 30/04/2015.
Đúng vào lúc Việt Nam kỷ niệm 40 chấm dứt chiến tranh, các dân
biểu Mỹ thuộc cả hai đảng Cộng Hòa và Dân Chủ đã trình lên Quốc hội dự luật
mang tên "Luật về Nhân Quyền Việt Nam 2015".
Gắn liền vấn đề nhân quyền với Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình
Dương TPP, dự luật khuyến cáo chính quyền Washington trong tiến trình đàm phán
với Hà Nội, « đừng vì
những lợi ích kinh tế, thương mại mà quên những hồ sơ nhậy cảm, như nhân quyền
».
Dân biểu Christopher Smith của đảng Cộng Hòa giải thích :" Hạ viện Mỹ cần nhanh chóng
thông qua dự luật về nhân quyền Việt Nam 2015", vì trong năm
nay, Hoa Kỳ và Việt Nam có triển vọng kết thúc đàm phán về hiệp định TPP.Hiệp
định đó mở ra triển vọng đem lại nhiều lợi ích thương mại cho phía Việt Nam.
Washington cũng đang tăng cường hợp tác về an ninh với chính quyền Hà Nội.
Christopher Smith là chủ tịch tiểu ban đặc trách về vấn đề nhân
quyền, trực thuộc Ủy ban đối Ngoại của Hạ viện Mỹ. Ông ghi nhận : « tình trạng nhân quyền tại quốc gia
này còn rất tồi tệ ». Dân biểu Mỹ kết luận : « Đảng Cộng sản không phải là tương
lai của Việt Nam (…) người Mỹ không thể bảo lãnh cho những hành vi tra tấn, bắt
giam phóng viên, các nhà lãnh đạo tôn giáo, giới bảo vệ người lao động, các
tiếng nói bảo vệ dân chủ hay bảo vệ quyền tự do trên mạng ».
Theo bảng xếp hạng về tự do nhân quyền của tổ chức Phóng viên
Không Biên giới, cho tới giữa tháng 2/2015 có tới 34 blogger của Việt Nam đang
bị bắt giữ.
Dự luật vừa được đại biểu Quốc hội Mỹ, Christopher Smith trình lên
Hạ viện đã được đảng Dân Chủ ủng hộ. Dự luật này không nhắm vào các hoạt động
hợp tác mang tính nhân đạo, các chương trình hợp tác khắc phục hậu quả chất
động da cam hay phòng chống HIV.
Bloger Điếu Cày đã qua mặt Nguyễn Phú Trọng được Tổng Thống Obama
tiếp tại Tòa Bạch Ốc nhân ngày Tự Do Báo Chí Thế Giới. Trong khi TT Obama
thẳng thừng từ chối tiếp tổng bí thư Trọng tại Tòa Bạch Ốc.
Tổng Thống Obama hội luận với Bloger
Điếu Cày tại Tòa Bạch Ốc nhân dịp
ngày Tự Do Báo Chí Thế Giới
Trinity
Hồng Thuận
Sáng nay ngày 1/5/2015, nhân dịp Tự Do Báo Chí Thế Giới, Tòa Bạch
Ốc đã tổ chức một bữa hội luận bàn tròn với các nhà báo / blogger từng bị bắt
bớ, cầm tù và được Hoa Kỳ vận động trả tự do. Cuộc hội luận có sự có mặt của
Tổng Thống Obama cùng ba nhà báo là anh Điếu Cày Van
Hai Nguyen (Việt Nam), Simegnish
'Lily' Mengesha (Ethiopia), Fatima Tlisova (Nga).
Trong buổi hội luận, Tổng thống Obama đã nhấn mạnh rằng tự do báo
chí đóng vai trò sống còn của một nền dân chủ. Những nhà báo phải có quyền cho
người dân một nước biết sự thật về quốc gia của mình, về chính quyền của mình.
Điều này sẽ giúp cho một quốc gia trở nên tốt đẹp hơn, và giúp cho người đứng
đầu một đất nước như ông trở nên đáng tin cậy hơn. Thật là đáng buồn khi có
nhiều nơi trên thế giới, quyền tự do báo chí bị tấn công bởi nhà cầm quyền vì
họ muốn che dấu sự thật. Nhiều nhà báo bị sách nhiễu, thậm chí bị thủ tiêu.
Những tiếng nói độc lập bị ngăn cản, những người bất đồng chính kiến bị buộc
phải im lặng. Trong đó có Việt Nam, là quốc gia hiện đang bị thế giới và Hoa Kỳ
lên án về tự do báo chí.
Cũng trong phần trình bày của mình, blogger Điếu Cày đã chia sẻ về
tình hình tự do báo chí tại Việt Nam, sự bắt bớ, trù dập đối với những blogger,
những cây bút muốn nói lên chính kiến của mình. Ông cũng gởi đến Tổng thống
Obama danh sách một số tù nhân lương tâm hiện đang bị cầm tù.
Cũng xin được nhắc lại, vào năm 2012, cũng nhân dịp Ngày Tự do Báo
chí Thế giới, tổng thống Barack Obama đã công khai nhắc đến blogger Điếu Cày
trong khi ông đang phải chịu bản án 12 năm trong lao tù Cộng sản. Trong khi nói
về những nhà báo đang bị giam cầm, Tổng thống Obama đã kêu gọi mọi người
"không được phép quên những người khác như blogger Điếu Cày, người bị bắt
vào năm 2008 trong đợt trù dập rộng lớn đối với hoạt động báo chí công dân tại
Việt Nam."
Blogger Điếu Cày trả lời
RFA ngay sau khi gặp TT Obama tại Nhà Trắng
Nam Nguyên, phóng viên RFA
2015-05-01
Tù nhân lương tâm Điếu Cày Nguyễn Văn Hải và phóng viên Nam Nguyên
tại trụ sở RFA vào ngày 1/5/2015.
RFA
Tù nhân lương tâm Điếu Cày Nguyễn Văn Hải vào sáng ngày 1/5/2015
đã có vinh dự đến Nhà Trắng ở Thủ đô Washington cùng hai nhà báo Nga và
Ethiopia thảo luận bàn tròn với Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama về tình trạng tự
do báo chí cũng như các vấn đề dân chủ nhân quyền. Ngay sau khi rời Nhà Trắng,
Blogger Điếu Cày đã dành cho phóng viên Nam Nguyên cuộc phỏng vấn đặc biệt tại
trụ sở RFA.
Nam Nguyên: Trước hết thay mặt quí khán thính giả của Đài Á Châu Tự Do xin cảm
ơn tù nhân lương tâm Điếu Cày Nguyễn Văn Hải. Thưa ông chuyến trở lại
Washington lần này của ông thật nhiều ý nghĩa, cách đây 3 năm Tổng thống Hoa Kỳ
Barack Obama đã nhắc tới ông trong diễn từ nhân ngày Quốc tế Tự do báo chí…dẫn
tới việc ông được ra khỏi nhà tù và sang Mỹ. Hôm nay ngày 1/5/2015 ông Điếu Cày
Nguyễn Văn Hải đã được dự buổi hội luận báo chí cùng Tổng thống Hoa Kỳ Barack
Obama tại Tòa Bạch Ốc. Thưa ông có thể chia sẻ cho khán thính giả đài ACTD về
sự kiện đặc biệt hiếm có vừa nêu.
Điếu Cày: Thưa
anh Nam Nguyên thưa quí vị khán thính giả, đây cũng là nỗ lực không ngừng nghỉ
của Tổng thống Obama cũng như của Chính phủ Hoa Kỳ đã đưa tôi ra khỏi nhà tù và
được sang Hoa Kỳ. Lần này gặp Tổng thống thì Tổng thống có thảo luận với ba nhà
báo về vấn đề tự do báo chí quốc tế, trong đó có tôi và một nhà báo của Nga
cùng 1 nhà báo của Ethiopia. Lần gặp này thì tôi cũng gởi lời tri ân sâu sắc
đến Tổng thống và Chính phủ Hoa Kỳ đã quan tâm và nhờ thế tôi đã được tự do và
ra khỏi nhà tù. Ngày hôm nay tôi cũng trình bày với Tổng thống về những vấn đề
tự do báo chí, tự do ngôn luận ở Việt Nam và vấn đề tù nhân lương tâm, sau đó
thì tôi cũng đưa ra một danh sách những bạn bè cần được Tổng thống quan tâm
giúp đỡ.
Nam Nguyên: Ông có thấy có sự trùng hợp nào hay không, khi TT Hoa Kỳ gặp gỡ
ông cũng đúng vào dịp Quốc tế Tự do báo chí và Việt Nam thì vừa bị Ủy hội Hoa
Kỳ vê Tự do tôn giáo quốc tế đề nghị đưa trở lại vào danh sách quốc gia cần đặc
biệt quan tâm. Sự trùng hợp này theo ông có mang ý nghĩa gì đặc biệt ?
Cựu tù nhân chính trị, blogger Điếu Cày Nguyễn Văn Hải (bìa trái)
vào lúc 10:55 sáng ngày 1 tháng 5 theo giờ miền đông Hoa Kỳ, có cuộc hội luận
với tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama (giữa) cùng với các nhà báo nước ngoài khác
từng bị bắt bớ. AFP PHOTO.
Điếu Cày: Tôi
nghĩ rằng, đầu tiên Tổng thống cũng như Chính phủ Hoa Kỳ đặc biệt quan tâm tới
tự do báo chí cũng như tự do tôn giáo ở Việt Nam. Mới cách đây hai ngày vào
sáng 28 tôi có gặp Thượng Nghị sĩ Durbin (*nhân vật thứ nhì trong đảng Dân Chủ)
và trong buổi gặp này tôi cũng có trình bày tự do báo chí tự do ngôn luận và
một số vấn đề liên quan đến tù nhân lương tâm; thì cùng trong ngày Bộ Ngoại
giao Hoa Kỳ lên tiếng yêu cầu Chính phủ Việt Nam phải thả ngay tù nhân lương
tâm Tạ Phong Tần, đó là một trong những thành viên của Câu lạc bộ Nhà báo Tự do
chúng tôi. Hôm nay khi tôi gặp Tổng thống Hoa Kỳ thì tôi cũng không biết rằng
những chuyện này có trùng hợp với nhau hay không. Nhưng mà đó cũng là những
điều mà bạn bè và anh em trong nước rất mong muốn và những nỗ lực của anh chị
em trong nước cũng như của cộng đồng với Câu lạc bộ Nhà báo Tự do nó đã có
những kết quả nhất định.
Nam Nguyên: Dạ một vấn đề chúng tôi ghi nhận, sự kiện một tù nhân lương tâm
Việt Nam như ông Điếu Cày Nguyễn Văn Hải đây…bước thẳng vào Nhà Trắng thảo luận
vối Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama, đó là một sự kiện rất là đặc biệt và xảy ra
trước chuyến đi Hoa Kỳ dự kiến của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và cũng có
những lời đồn đoán ông Obama cũng có thể sẽ sang thăm Việt Nam vào cuối năm?
Ông nhận định gì, nó có thể mang ý nghĩa gì?
Điếu Cày: Tôi
nghĩ rằng đây là thời điểm rất thích hợp và rất quan trọng đối với anh chị em
đấu tranh dân chủ ở trong nước, cũng như là anh chị em làm báo ở trong nước là
bởi vì trước cuộc gặp đó, chúng tôi trong cuộc gặp ngày hôm nay cũng có đưa ra
thỉnh nguyện với Tổng thống là trong cuộc gặp sắp tới Tổng thống nên lưu ý Tổng
Bí Thư Nguyễn Phú Trọng của Việt Nam về vấn đề tự do báo chí, tự do ngôn luận
và tù nhân lương tâm và những điều luật mà Việt Nam đang sử dụng để đàn áp tự
do báo chí, tự do ngôn luận nên bãi bỏ. Bởi vì nó không phù hợp với những công
ước mà Việt Nam đã tham gia ký kết, trong đó Hoa Kỳ và Việt Nam cùng là những
thành viên của tổ chức đó.
Nam Nguyên: Cho đến ngày hôm nay thì ông Điếu Cày Nguyễn Văn Hải đã từ nhà tù
Việt Nam sang Hoa Kỳ được 6 tháng, cuộc đấu tranh cho dân chủ nhân quyền Việt
Nam qua không gian mạng như ông từng nói đã thực tế khởi sự chưa. Ông có gặp
khó khăn gì không về tình trạng cư trú, phương tiện làm việc….ông có thể chia
sẻ với khán thính giả của Đài RFA.
Điếu Cày: Vâng,
khó khăn thì bao giờ cũng khó khăn nhất là một tổ chức khi mới thành lập thì
gặp vô cùng nhiều khó khăn và chúng tôi nguyện luôn vượt qua những khó khăn đó
để hoàn thành nhiệm vụ của mình. Cụ thể là chúng tôi đã thành lập được Câu lạc
bộ Nhà báo tự do ở hải ngoại và đang tiến hành xây dựng trang web cũng như
nhiều hoạt động của Câu lạc bộ đang hướng tới cũng là vấn đề thúc đẩy quyền tự
do báo chí, tự do ngôn luận ở trong nước và tìm cách đưa ra những bảo vệ, tìm
cách truyền tải thông tin đến các tổ chức quốc tế để bảo vệ anh em làm báo ở
trong nước và điều đó như các bạn thấy đến bây giờ chúng tôi đã đạt được những
kết quả nhất định. Và chúng tôi cũng mong muốn rằng trong tương lai chúng tôi
sẽ nhận được nhiều sự hỗ trợ hơn nữa để hoàn thành những nhiệm vụ mà chúng tôi
đang làm. Tất nhiên những khó khăn chúng tôi gặp phải nó cũng là những vấn đề
mà rất nhiều những tổ chức khi mới thành lập gặp phải. Tôi mong muốn nhận được
sự giúp đỡ, đặc biệt sự giúp đỡ của anh em trong giới truyền thông.
Nam Nguyên: Nhiều khán thính giả của Đài chúng tôi có thắc mắc về tình trạng
cư trú của ông ở Hoa Kỳ bây giờ đã được chính thức chưa, cũng như việc cần phải
có phương tiện thì ông mới có thể hoạt động được.
Điếu Cày: Vâng,
về thủ tục cư trú thì vẫn phải làm thủ tục cư trú như người khác phải làm và
tôi nghĩ tôi cũng nhận được sự quan tâm giúp đỡ từ Bộ Ngoại giao và các vị như
Thượng Nghị sĩ Durbin vừa rồi cũng đã quan tâm.
Nam Nguyên: Ông từng tuyên bố bản thân đã trở thành một thành viên của cộng
đồng người Việt hải ngoại chống cộng và tôn trọng lá cờ vàng biểu tượng của VNCH.
Điều này có làm ông mất đi sự ủng hộ của những người hoạt động dân chủ ở Việt
Nam, nhưng thiết thân với lá cờ Đỏ hay không. Có sự hòa giải nào đối với những
người anh em của ông ở trong nước hay không?
Điếu Cày: Thưa
anh Nam Nguyên, câu hỏi này quả thực là rất nhạy cảm nhưng mà có vấn đề cốt lõi
là những giá trị dân chủ mà chúng ta theo đuổi, đó là sự tự nguyện tiếp nhận
những vấn đề mà như tôi nói về biểu tượng, nếu mà tôi có tiếp nhận lá cờ vàng
tôi đã là một phần của cộng đồng ở hải ngoại. Như vậy cũng như những người ở
trong nước vẫn còn một số người chấp nhận lá cờ đỏ, thì đấy là sự tiếp nhận của
mỗi người mà tôi tôn trọng họ thì họ cũng phải tôn trọng tôi và tôi nghĩ rằng
đấy là một trong những vấn đề của dân chủ.
Nam Nguyên: Trước khi kết thúc cuộc phỏng vấn thì xin hỏi ông, cái bảng này là
thế nào?
Điếu Cày: Thưa
anh mỗi người đến (Nhà Trắng) tham dự đều có một cái bảng tên trước chổ ngồi,
Nhà Trắng đã quyết định gọi tôi là Điếu Cày (cười)
Nam Nguyên: Hình như ông ngồi ngay bên cạnh Tổng thống Barack Obama?
Điếu Cày: Vâng
tôi ngồi bên phải Tổng thống và nhà báo Ethiopia ngồi bên trái còn nhà báo Nga
thì ngồi đối diện.
Nam Nguyên: Tổng thống có nói điều gì riêng với ông Điếu Cày không?
Điếu Cày: Tôi
có nói với Tổng thống là ở Việt Nam rất nhiều người ngưỡng mộ Tổng thống, nhất
là các bạn trẻ Việt Nam và tôi cũng là người ngưỡng mộ Tổng thống và tôi ngưỡng
mộ Tổng thống vì cái tác phong nhanh nhẹn năng động của ông ấy và đặc biệt là
việc Tổng thống sử dụng truyền thông rất tốt trên các mạng xã hội và đó là điều
tôi ngưỡng mộ. Tôi muốn Tổng thống gởi một thông điệp đến các bạn trẻ bên Việt
Nam. Tổng thống có nói riêng với tôi rằng: ‘Tôi hứa với ông rằng trong chuyến
đi Việt Nam sắp tới tôi sẽ có thông điệp tới các bạn trẻ Việt Nam.”
Nam Nguyên: Một lần nữa thay mặt quí khán thính giả của Đài Á Châu Tự Do xin
cảm ơn tù nhân lương tâm Điếu Cày Nguyễn Văn Hải đã đến Đài RFA để trả lời
phỏng vấn ngày hôm nay.
Điếu Cày: Xin
cảm ơn anh Nam Nguyên và cảm ơn quí vị khán thính giả.
http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/dieu-cay-discusses-hr-w-obama-at-wh-nn-05012015165455.html
No comments:
Post a Comment
Nhân quyền và bạo quyền