Một tổ chức
xã hội dân sự bị đàn áp suốt 50 năm qua như thế nào?
LS Nguyễn Lệnh
Cựu HĐS Hội HĐVN
Hội Hướng Đạo Việt Nam (HĐVN) được thành lập hợp pháp ngày
7/2/1946 là một tổ chức xã hội dân sự có mục đích huấn luyện thanh thiếu niên
về ba phương diện: đức, thể, thực theo tôn chỉ “không hoạt động và cổ động
chính trị”, dựa trên một hệ thống tự giáo dục tiến bộ gọi là “Phương pháp Hướng
đạo”.
Các chứng cứ pháp lý còn lưu giữ đã chứng minh rằng Hội HĐVN vẫn
hoạt động hợp pháp từ khi thành lập 7/2/1946 cho đến năm 1965 như: Thẻ đại biểu
của ông Phạm Ngọc Try là đại biểu của Đoàn đại biểu Hội Hướng đạo Việt Nam ghi
ngày 9/4/1957 tham dự Đại hội Thành lập Hội Liên Hiệp Thanh niên Việt Nam; Thẻ
đại biểu của ông Phạm Ngọc Try là đại biểu của Đoàn đại biểu Hội Hướng đạo Việt
Nam ghi ngày 18/12/1961 tham dự Đại hội Toàn quốc Hội Liên hiệp Thanh niên Việt
Nam Lần thứ 2; và Văn bản ngày 5/2/1965 của Hội nghị Huynh trưởng Hướng đạo
sinh miền Bắc tổ chức tại Hội quán ở Hàng Trống, Hà Nội gởi các anh chị Huynh
trưởng và các bạn Tráng, Thiếu, Ấu Hướng đạo sinh Trung, Nam bộ.
Theo quy định tại Điều thứ 12 của bản Điều lệ Hội HĐVN thì Đại Hội
đồng – hay còn gọi là Hội nghị Huynh trưởng Hướng đạo sinh, “một
năm họp một lần”. Những năm tiếp theo sau năm 1965, Hội nghị Huynh
trưởng Hướng đạo sinh miền Bắc không còn được tiếp tục tổ chức hằng năm mà theo
lời kể lại của các lão huynh trưởng là do “lệnh cấm ở trên”. Do đó, chỉ có thể
xác định được là Hội HĐVN hoạt động bình thường từ năm 1946 đến 1965 – được tổng
cộng là 19 năm.
Còn từ năm 1965 đến 1975, Hội HĐVN 1946 đã không thể tổ chức
Hội nghị Huynh trưởng Hướng đạo sinh hằng năm theo Điều lệ. Chỉ có lời giải
thích (thiếu chứng cứ) của các huynh trưởng là do “lệnh cấm ở trên”. Tuy nhiên,
nếu nhìn vào lý lịch và thành tích của các huynh trưởng lãnh đạo Hội HĐVN,
chúng ta phải thừa nhận rằng chỉ có lệnh cấm ở cấp “tối cao” của Đảng CSVN mới
khiến cho tổ chức xã hội dân sự này phải “im hơi lặng tiếng” suốt 10 năm
(1965-1975).
Xin được kể ra tên một số Huynh trưởng Hướng Đạo sinh trong Hội
HĐVN 1946 nổi tiếng như: Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Tạ Quang Bửu, BS. Phạm Ngọc
Thạch, LS.Thái Văn Lung, KS. Kha Vạn Cân, BS. Nguyễn Văn Thủ, Mai Chí Thọ,
Nguyễn Cơ Thạch, Văn Cao, Thế Lữ, Nguyễn Đình Thi, Hoàng Quý, Lưu Hữu Phước,
Phan Huỳnh Điểu, Tôn Thất Tùng, Hoàng Đạo Thúy, Trần Ngọc Chụ, Phạm Ngọc Try…
Đối với những Huynh trưởng này thì “kỷ luật đảng” có uy lực trực tiếp và có hiệu
lực hơn “quyền tự do tổ chức và hội họp” được quy định tại Điều 10 Hiến pháp
1946 và Điều 25 Hiến pháp 1959. Hội HĐVN đã thật sự bị đàn áp ngầm nên không
thể tổ chức Hội nghị Huynh trưởng HĐS trong suốt 10 năm. Các hội viên bị tước
mất quyền hội họp và lập hội được Hiếp pháp và pháp luật quy định dù không có
một văn bản của cơ quan, tổ chức nào công khai cấm đoán.
Tiếp đến là sự kiện xảy ra cho Hội HĐVN vào ngày 2 miền đất nước
Việt Nam được thống nhất 30/4/1975. Ngày thống nhất đất nước những tưởng sẽ mang
lại sự thống nhất cho 2 Hội HĐVN của 2 miền Nam, Bắc nhưng trên thực tế đã xảy
ra điều ngược lại. Hội HĐVN ở miền Nam được tự do hoạt động từ 1953 đến 1975,
có số hội viên tính đến ngày 31/12/1974 là 14.432 người, trong đó có 2.204
huynh trưởng. Vào ngày thống nhất đất nước, Hội HĐVN ở miền Nam này đã bị chính
quyền mới do Đảng CSVN lãnh đạo tịch thu trụ sở hội ở số 18 Bùi Chu, Q.1, Sài Gòn
mà không có căn cứ pháp lý gì và cũng không xác lập chứng từ gì liên quan đến
việc tịch thu tài sản của một tổ chức xã hội dân sự hoạt động hợp pháp. Đây là
sự đàn áp đầu tiên có tính công khai của Đảng CSVN và chính quyền mới đối với
Hội HĐVN. Sự đàn áp công khai qua cách tịch thu hội sở đã báo hiệu cho những hành
vi đàn áp ngấm ngầm hoặc công khai về sau đối với các hội viên Hội HĐVN. Do bị
tước mất tài sản và tư cách pháp nhân, các hội viên phải tìm chỗ sinh hoạt ở
những nơi công cộng, những cơ sở tôn giáo hay địa điểm tư nhân. Và dù các hội
viên Hội HĐVN sinh hoạt ở bất cứ nơi đâu sau ngày 30/4/1975, chính quyền vẫn
công khai hay ngấm ngầm bức hiếp, đàn áp và tước đoạt quyền tự do hội họp, lập
hội mà họ đã được pháp luật công nhận trên cả 3 miền đất nước Việt Nam từ năm
1932 với các tên hội khác nhau là: Hội Hướng Đạo Bắc kỳ (thành lập 28/9/1932),
Hội Hướng Đạo An Nam (tức Hội Hướng Đạo Trung kỳ, thành lập 15/12/1932) và Tổng
cuộc Hướng Đạo Nam kỳ (thành lập 24/7/1932). Xin kể ra sau đây một số trường hợp
tiêu biểu mà các hội viên Hội HĐVN bị chính quyền đàn áp được ghi lại trên tư
liệu hoặc theo lời kể của nhân chứng cụ thể:
– Trường hợp của huynh trưởng Trần Văn Hợp là Đạo trưởng Đạo Xuân
Hòa thuộc Châu Gia Định của Hội HĐVN 1953: Năm 1980, Trưởng Trần Văn Hợp phục
hoạt Đạo Xuân Hòa, được coi là đơn vị HĐ phục hoạt đầu tiên của Hội HĐVN sau
năm 1975. Trưởng Trần Văn Hợp đã bị chính quyền mời làm việc rất nhiều lần vì
“hoạt động Hướng Đạo” nhưng chỉ xin kể ra lần bị mời làm việc đáng nhớ nhất là
vào ngày 23/2/1995. Trong cuốn Kỷ yếu 50 năm (1957-2007) Gia đình Hướng Đạo
Xuân Hòa – trang 46, kể lại chuyện các huynh trưởng bị CA Tp.HCM mời làm việc
liên tục từ ngày 23/2/1995 vì đã tổ chức Trại Họp bạn ở Suối Tre, Xuân Lộc,
Long Khánh. Xin trích: “Anh Trần Văn Hợp đã bị cơ quan CA
làm việc liên tục trong 2 tuần lễ, anh NGH cũng mất 4 ngày, anh BVH 1 ngày và
TNC 1 buổi”.
– Trường hợp các em Ấu sinh (tuổi từ 5 đến 10) phải chui vào “nhà cốt”
hay “ngoài nghĩa địa” để được sinh hoạt Hướng đạo có thể là trường hợp chưa
từng xảy ra ở bất cứ quốc gia, vùng, lãnh thổ nào có tổ chức Hướng đạo từ trước
tới nay. Xin được trích dẫn biên bản cuộc họp ngày 23/4/2004 tại Giáo xứ Tân
Định, Quận 3, Tp.HCM, để có thể thấy được hình ảnh tội nghiệp của các em Ấu
sinh Hướng đạo theo đạo Công giáo bị bức hiếp, đàn áp như thế nào qua lời của
một nữ huynh trưởng HĐ và một Linh mục huynh trưởng HĐ thuộc Gia đình Hướng đạo
Xuân Hòa : (Trang 106 và 109
Tài liệu GHX sưu tầm)
“Trưởng Võ Thanh Thủy: Chúng
con đại diện cho Đạo Biển Đông rất đồng tình với Trưởng Đức và Trưởng Hiến.
Chúng con thấy rằng chúng con sinh hoạt rất là khổ sở, có những lúc chúng
con phải chui vào nhà cốt để sinh hoạt. Phải mặc thường phục, thậm chí phải
chế ra các loại áo thung thêu hoa Bách hợp nho nhỏ. Chúng con chơi trong các
giáo xứ được các cha xứ ủng hộ”.
“Linh mục Trần Văn Hộ: … Các
nơi chơi lén, như Liên đoàn của chị Tâm sinh hoạt
tại giáo xứ Hòa Bình của tôi tại khu vườn ngoài
nghĩa địa,
nhưng tôi nhắc chị Tâm nếu cho các em đeo phù hiệu thì tôi biết ăn nói làm sao,
còn chơi cứ việc chơi. Nhưng chị Tâm nói, thỉnh thoảng phải làm như vậy các em
mới thích. Nói vậy chứ tôi vẫn ủng hộ. Thực tế tôi cũng bị mời làm việc để hỏi
tôi có phải Tuyên úy HĐ không. Tôi vẫn trả lời có, và tôi cũng nói cho họ biết
tôi đã tham dự lễ truy điệu cụ Hoàng Đạo Thúy, Đại tá Quân đội Cụ Hồ là một
Trưởng cao cấp trong Hội HĐVN.”
– Trường hợp 2 Tráng sinh Hướng đạo ở thành phố Qui Nhơn, tỉnh
Bình Định, tên HNS và NVT, đã bị CA đến tận nhà buộc phải làm “Giấy cam kết” không
được sinh hoạt Hướng Đạo nữa.
– Trường hợp đàn áp của CA đối với sinh hoạt Hướng Đạo xảy ra gần
đây nhất và có quy mô lớn nhất từ trước đến nay là vụ Trại Hợp Lực 2015 kỷ niệm
85 năm HĐVN, được tổ chức tại Khu du lịch Bửu Long, Biên Hòa vào các ngày từ 16
– 19/7/2015, với số lượng trại sinh đăng ký họp bạn là 2.017 HĐS từ khắp các
tỉnh, thành ở VN. Các huynh trưởng trong Ban tổ chức trại đã làm đầy đủ những
thủ tục hành chính và pháp lý như: lập danh sách 2.017 trại sinh có nộp bản sao
giấy CMND hoặc giấy cho phép dự trại của trại sinh dưới 18 tuổi, mua bảo hiểm
tai nạn cho các trại sinh, ký kết hợp đồng dân sự với Ban Giám đốc khu du lịch
Bửu Long để được đảm bảo an ninh và được cung ứng các dịch vụ cần thiết cho
trại…
Trong ngày đầu tiên 16/7/2015, các trại sinh từ khắp nơi đến đất trại gần
đông đủ để dựng lều và làm sân khấu chính tại trung tâm đất trại với tinh thần
hoan hỷ, chuần bị cho lễ khai mạc vào sáng ngày 17/7/2015. Nhưng bất ngờ, ngay
trong đêm 16/7/2015, một lực lượng CA mặc thường phục đã đột nhập Khu du lịch
Bửu Long nên bị anh em bảo vệ Khu du lịch ngăn chận. Lực lượng CA đã khống chế
anh em bảo vệ và lệnh cho tất cả trại sinh phải nhổ trại. Khi Ban Giám đốc Khu
du lịch Bửu Long đứng ra thương lượng mới được lực lượng CA đồng ý cho các em
rời khỏi đất trại trong ngày 17/7/2015 nhưng không được làm lễ khai mạc trại.
Ban Giám đốc Khu du lịch sau đó đã xin lỗi Ban tổ chức trại và đề nghị được hủy
hợp đồng dân sự đã ký giữa 2 bên.
Các huynh trưởng trong Ban tổ chức Trại Hợp
Lực đã không thể cầm được nước mắt khi nhìn cảnh các em Thiếu sinh và Tráng
sinh của mình hoảng sợ rời đất trại trước khi khai mạc mà không hiểu lý do vì
sao? Ban tổ chức trại phải gỡ một vài tấm băng rôn Trại Hợp Lực mang qua một
địa điểm vắng vẻ ở Vườn Xoài (Đồng Nai), treo tạm trên hàng rào để các huynh
trưởng đại diện cho HĐVN cùng với khoảng 30 em HĐS đón chào ông Jose Rizal C.
Pangilinan, Giám đốc Văn phòng Hướng Đạo Thế giới – Khu vực Á châu Thái Bình
Dương (APR) đến thăm trại Hợp Lực 2015 kỷ niệm 85 năm HĐVN theo lời mời trước
đó của Phong trào HĐVN. (1)
Có thể thấy rõ, trong hầu hết những hành vi và những lần đàn áp
hoạt động của các hội viên Hội HĐVN đều do CA thực hiện. Dù không có tiếng súng
nổ ra nhưng lực lượng CA vẫn dễ dàng đàn áp những thanh thiếu niên VN chỉ có
ước muốn được huấn luyện về 3 phương diện: đức, thể, thực, theo hình thức và
phương pháp tiến bộ của Phong trào Hướng Đạo Thế giới – một phong trào xã hội
dân sự phi chính trị đã phát triển 100 năm qua ở hơn 200 quốc gia, vùng lãnh
thổ và ở VN được trên 85 năm.
Còn nếu muốn biết Đảng CSVN đã công khai đàn áp, ngăn cấm quyền
hội họp, lập hội của hội viên Hội HĐVN như thế nào thì có thể căn cứ vào nội dung
của 2 Thông báo của Ban Bí thư TW Đảng CSVN như sau:
1/ Thông báo số 143-TB/TW ngày 20/4/2004 của Ban Bí thư Trung ương do ông Phan Diễn ký:
Tại điểm số 2 của Thông báo 143, Ban Bí thư Trung ương đã giao cho
“các tổ chức, cơ quan, đoàn thể, ban ngành có liên quan ở trung ương và cấp ủy
của các địa phương…” đề ra biện pháp giải quyết vấn đề. Xin trích:
“2. Giao Ban Dân vận Trung ương theo hướng trên đây chủ trì, phối hợp với Mặt
trận Tổ quốc Việt Nam, Bộ Nội vụ, các đoàn thể, các ban ngành có liên quan và
cấp ủy của các địa phương có các tổ chức hướng đạo đang hoạt động chuẩn bị đề
án tổng thể để giải quyết vấn đề này trình Ban Bí thư vào cuối quý II năm 2004.
Đề án cần đánh giá rõ tình hình và đề ra biện pháp giải quyết cụ thể, phù hợp
với từng địa phương, đơn vị, mà trọng tâm là Tp. HCM…”.
Có thể nhận thấy “biện pháp giải quyết” của Ban Bí thư nêu trên
chẳng khác “lưới trời” được tung ra để ngăn cấm, đàn áp quyền hội họp, lập hội
của các hội viên Hội HĐVN.
Tuy nhiên, sau 4 năm, việc thực hiện Thông báo số 143 của hệ thống
tổ chức Đảng CSVN và chính quyền VN “còn
nhiều hạn chế”, “chưa thật sự kiên quyết”, “giải quyết vấn đề hướng đạo chưa
mang lại kết quả như mong muốn” nên Ban Bí thư TW đã cho ra đời
tiếp Thông báo số 157-TB/TW ngày 20/5/2008.
2/ Thông báo số 157-TB/TW ngày 20/5/2008 của Ban Bí thư Trung ương do ông Trương Tấn Sang ký. (2)
Thông báo số 157 có tất cả 7 điểm nhằm “tiếp
tục thực hiện nghiêm chủ trương” ngăn cấm hoạt động Hướng đạo trong
Thông báo số 143 bằng những “kế hoach cụ thể”. Xin
trích dẫn nội dung này:
“3. Ban cán sự đảng Chính phủ chủ trì, phối hợp với Ban Dân vận Trung ương,
Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí
Minh, các đoàn thể, ban, ngành có liên quan và các tỉnh ủy, thành ủy có hoạt
động hướng đạo, lập kế hoạch cụ thể thực hiện chủ trương ‘không tái lập tổ chức
hướng đạo’…”
Trong Thông báo số 143 thì “lưới trời” được Ban Bí thư giao cho
“Ban Dân vận Trung ương chủ trì”; còn trong Thông báo số 157 thì “lưới trời” được
Ban Bí thư chuyển giao cho “Ban cán sự đảng Chính phủ chủ trì”. Chính phủ có
binh lực trong tay nên sẽ “thực hiện nghiêm chủ trương” hơn Ban Dân vận “còn
nhiều hạn chế”, “chưa thật sự kiên quyết”, “giải quyết vấn đề hướng đạo chưa
mang lại kết quả như mong muốn”. Người xưa có câu “dùng dao mổ trâu
để giết gà”; còn trong trường hợp này có thể ví như “dùng dao mổ khủng long để
giết gà” !!!
Dẫu sao đi nữa, trong Thông báo số 157 của Ban Bí thư đã ghi nhận “nét
đẹp sáng ngời”, “điểm son chói lọi”, “chân lý không thể phủ nhận” của tổ chức
hướng đạo dù tổ chức xã hội dân sự này đã bị Đảng CSVN đàn áp suốt 50 năm qua.
Đó là sự ghi nhận tại điểm số 4 của Thông báo số 157. Xin trích:
“4. Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh và Hội Liên hiệp Thanh niên
Việt Nam phối hợp với Bộ Giáo dục và đào tạo nghiên cứu, đổi mới nội dung,
phương pháp giáo dục, rèn luyện thanh niên, thiếu niên, nhi đồng: tiếp thu có
chọn lọc hình thức, phương pháp hướng đạo trong giáo dục và hoạt động của thanh thiếu
niên;…”
Vậy “phương pháp hướng đạo” là gì mà Ban Bí thư TW đã phải “dùng
dao mổ khủng long để giết gà” nhưng lại muốn lấy những quả “trứng vàng” của con
gà bị giết để đặt vào bụng gà của nhà mình? Xin được trích dịch nội dung về
“phương pháp hướng đạo” trong Hiến chương của Tổ chức Thế giới Phong trào Hướng
Đạo (WOSM) được đưa vào bản Dự thảo Điều lệ Hội HĐVN (14/02/2014) như sau:
“ Phương pháp Hướng Đạo
là một hệ thống tự giáo dục tiến bộ bằng cách:
- Giữ Lời Hứa và Luật Hướng Đạo.
- Học hỏi bằng thực hành.
– Tổ chức theo hàng đội tự quản
dưới sự hướng dẫn của huynh trưởng để biết dấn thân, khám phá tiến bộ và nắm
được các kỹ năng sống; biết phát huy chí khí, tính tự lực và tinh thần trách
nhiệm; biết tạo lập sự tin cậy, khả năng hợp tác và lãnh đạo.
– Tham gia những sinh hoạt hào hứng
theo sở thích bằng các trò chơi ngoài trời tiếp xúc với thiên nhiên, những hoạt
động hữu ích cho cộng đồng, những công tác xã hội thiện nguyện.”
Tự giáo dục tiến bộ bằng cách giữ Lời Hứa và Luật Hướng Đạo chính
là nền tảng của “phương pháp hướng đạo”. Lời hứa và Luật Hướng đạo được ghi tại
Điều thứ 5 trong bản Điều lệ của Hội HĐVN 1946 như sau:
“Điều thứ 5: Hướng đạo sinh sau khi đã hiểu rõ luật hướng
đạo và đã được huấn luyện đến trình độ thực hành luật ấy sẽ tuyên lời hứa sau
đây:
Lời hứa Hướng đạo Việt Nam.
Tôi xin đem
danh dự hứa rằng:
Trung thành
với Tổ quốc,
Giúp đỡ mọi
người không cứ lúc nào,
Tuân theo
Luật Hướng đạo.
Luật Hướng đạo
1. Hướng đạo sinh trọng danh dự, ai cũng có thể tin được lời nói của
hướng đạo sinh.
2. Hướng đạo sinh trung thành với Tổ quốc, cha mẹ, với người cộng sự.
3. Hướng đạo sinh có bổn phận giúp ích mọi người.
4. Hướng đạo sinh là bạn khắp mọi người, coi hướng đạo sinh nào cũng
như ruột thịt.
5. Hướng đạo sinh lễ độ và liêm khiết.
6. Hướng đạo sinh yêu thương các giống vật.
7. Hướng đạo sinh vâng lời cha mẹ và huynh trưởng mình.
8. Hướng đạo sinh gặp nỗi khó khăn vẫn vui tươi.
9. Hướng đạo sinh tằn tiện của mình và của người
10.
Hướng đạo sinh trong sạch từ tư tưởng, lời nói
đến việc làm”.
Hơn 50 năm qua, những hội viên của Hội HĐVN dù bị đàn áp, ngăn cấm
thực hiện quyền hội họp, lập hội bằng những hình thức khác nhau nhưng các huynh
trưởng và đoàn sinh luôn tự giáo dục bằng “phương pháp hướng đạo” và giữ vững
“tinh thần trọng pháp” bởi vì họ tin rằng “Luật
pháp là thứ duy nhất có thể mang lại sự công bằng cho mọi người”.
4/2016
N.L.
(1) Trại Hợp Lực 2015 (16 -19/7/2015) – kỷ niệm 85 năm HĐVN, tại
Bửu Long Biên Hòa:
(2) Thông báo số 157-TB/TW ngày 20/5/2008 của Ban Bí thư Trung ương
Tác giả gửi BVN
__._,_.___
No comments:
Post a Comment
Nhân quyền và bạo quyền