Monday, July 6, 2015

Những bài viết có ý nghĩa...Giải thể chế độ Cộng sản, con đường phát triển tất yếu của Việt Nam!

Giải thể chế độ Cộng sản, con đường phát triển tất yếu của Việt Nam!
 Đức Thánh Cha Phaolô VI, trong thông điệp “Phát triển các dân tộc” (Populorum Progressio, 1967), đã từng viết: “Một sự phát triển đích thực đối với mỗi người cũng như đối với mọi người, là đi từ những điều kiện ít xứng với con người đến những điều kiện xứng với con người hơn. 

Sống trong những điều kiện ít xứng với con người: trước tiên là những kẻ sống trong hoàn cảnh thiếu thốn về vật chất như thiếu ăn, thiếu mặc, thiếu thốn về tinh thần như sa đọa vì ích kỷ quá độ. Sống trong những điều kiện ít xứng với con người còn là những kẻ bị cơ cấu của xã hội đè nén: những cơ cấu do sự lạm dụng sở hữu, lạm dụng quyền hành, bóc lột nhân công cũng như buôn bán gian lận tạo nên. 

Xứng với con người hơn, có nghĩa là làm cho con người từ nghèo đói đến no đủ, loại trừ các tệ đoan xã hội, mở rộng được kiến thức, hấp thụ được văn hóa. Xứng với con người hơn còn có nghĩa là kính trọng nhân phẩm của người khác hơn, hướng về một tinh thần nghèo khó, mưu cầu ích chung, quyết tâm hòa bình.

 Xứng hợp với con người hơn, còn có nghĩa là con người nhìn nhận những giá trị tối cao và nhìn nhận Thiên Chúa là nguồn gốc và cùng đích của mọi giá trị” (số 20-21).

Những lời trên cho thấy sự phát triển cá nhân và tập thể chủ yếu bao gồm các mặt kinh tế, chính trị, văn hóa, giáo dục, tâm linh hay tôn giáo… Trước đó, công đồng chung Vatican II, trong Hiến chế Mục vụ (1965), Tuyên ngôn Giáo dục (1965) và Tuyên ngôn Tự do tôn giáo (1965), đã xác định chi tiết các mặt cần phát triển này. 

Đây là ánh sáng giúp chúng ta, những Kitô hữu, soi chiếu hoàn cảnh mình muốn xem xét và là những chỉ dẫn giúp chúng ta cải thiện hoàn cảnh này. Cụ thể, đó là hoàn cảnh đất nước Việt Nam hôm nay, một đất nước đang sống dưới ách độc tài của đảng Cộng sản, trong khuôn khổ của chế độ Cộng sản và trong bầu khí của chủ nghĩa Mác-Lênin duy vật vô thần.

 1. PHÁT TRIỂN MẶT CHÍNH TRỊ
 Công đồng Vatican, trong Hiến chế Mục vụ số 73-76, đã nói đến việc phát triển đời sống cộng đoàn chính trị qua những điểm như sau:
 a- Ý thức về nhân phẩm buộc đi tìm một chế độ chính trị biết bảo đảm nhân quyền: “Nhờ ý thức mãnh liệt hơn về phẩm giá con người, ngày nay tại nhiều nước trên thế giới, người ta cố gắng thiết lập một thể chế chính trị pháp lý để bảo vệ hữu hiệu hơn quyền lợi của cá nhân trong đời sống công cộng, chẳng hạn quyền được tự do hội họp, tự do lập hội, tự do phát biểu ý kiến và tự do tuyên xưng tín ngưỡng cách riêng tư hoặc công khai: vì việc bảo đảm những quyền lợi của con người là điều kiện thiết yếu để người công dân, với tư cách cá nhân hay đoàn thể, có thể tham gia cách tích cực vào đời sống và vào guồng máy quốc gia” (Hiến chế Mục vụ, số 73b).

 Nhìn vào hoàn cảnh Việt Nam hôm nay, chúng ta thấy gì? 

Trước hết, trên lý thuyết, Hiến pháp 1992 khẳng định nơi điều 4: “Đảng Cộng sản Việt Nam, đội tiên phong của giai cấp công nhân Việt Nam, đại biểu trung thành quyền lợi của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của cả dân tộc, theo chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội”. Trên thực tế, guồng máy quốc gia hiện đang nằm trong tay 15 ủy viên trung ương và nhất là 15 ủy viên bộ chính trị đảng CS. Mọi quyền tự do hội họp, tự do lập hội, tự do phát biểu ý kiến và tự do tuyên xưng tín ngưỡng đều bị đảng bóp nghẹt.

 Tháng 9 năm 2000, ông Nguyễn Vũ Bình, biên tập viên Tạp chí Cộng sản, đã viết đơn xin thành lập đảng Dân chủ để thực thi quyền tự do lập hội, tự do phát biểu ý kiến mà tham gia cách tích cực vào đời sống và vào guồng máy quốc gia. Đã không được chấp thuận, ông còn bị buộc thôi việc (đầu năm 2001) và đến ngày 25 tháng 09 năm 2002 thì bị bắt giam và bị gán cho tội làm gián điệp.

 Tháng 5-2003, cũng trên Tạp chí Cộng sản, một cựu giáo sư Học viện Chính trị, trong bài viết “Chủ quyền quốc gia và nhân quyền”, đã dằn mặt các nhà đấu tranh dân chủ như sau: “Ở Việt Nam, các lực lượng thù địch đang tiến hành chiến lược ‘diễn biến hòa bình’ mà vấn đề nhân quyền được coi là nội dung quan trọng của chiến lược đó. 

Dưới chiêu bài bảo vệ nhân quyền, chúng tiến hành các hoạt động phá hoại về tư tưởng, vu cáo, công kích chế độ và sự lãnh đạo của Đảng ta. Nhân danh kẻ bảo vệ nhân quyền, chúng khuyến khích, tập hợp, hỗ trợ cho bọn phản động, bọn cơ hội, bất mãn phát triển lực lượng, hình thành lực lượng đối lập và các tổ chức phản động hòng gây mất ổn định chính trị” (Điện Thư của Câu lạc bộ Dân chủ Việt Nam, số 3, tháng 5-2003). Rõ ràng là một kiểu trấn áp chính trị, tiêu diệt nhân quyền!

 Tông huấn “Giáo hội tại Á châu” số 8 đã đề cập điều này rồi: “Tại Châu Á ngày nay tình hình chính trị rất phức tạp, với đủ mọi ý thức hệ từ những hình thức chính phủ dân chủ đến những hình thức cai trị thần quyền. Các chế độ độc tài quân sự và các ý thức hệ vô thần hiện diện rất nhiều...”.  

 b- Bảo đảm việc tham gia của nhiều người vào chính trị, tôn trọng dân thiểu số cũng như kẻ có ý kiến khác mình: “Song song với tiến bộ về văn hóa, kinh tế và xã hội, nhiều người còn mãnh liệt khao khát đảm nhận một trách nhiệm lớn hơn trong việc tổ chức cộng đoàn chính trị. Nhiều người đã ý thức được mối quan tâm mỗi ngày một lớn là phải bảo vệ quyền lợi của các dân tộc thiểu số trong một quốc gia… Hơn nữa, càng ngày người ta càng tôn trọng những người có tư tưởng hay tôn giáo khác với mình. Đồng thời một sự cộng tác rộng rãi hơn cũng được thiết lập để mọi công dân có thể thực sự được hưởng những quyền lợi của con người chứ không riêng gì một số người được ưu đãi” (Hc Mục vụ, số 73c).

 Trong thực tế Việt Nam, muốn tham gia trách nhiệm tổ chức cộng đoàn chính trị, chỉ có một cách độc nhất là vào đảng CS. Tất cả mọi chức vụ công quyền quan trọng (và béo bở) đều nằm trong tay 2 triệu đảng viên giành giật nhau chí choé, ai mạnh thế và mạnh tiền thì được. 

Kể ra trong quốc hội và các hội đồng nhân dân, cũng có nhiều người ngoài đảng, nhưng họ không hề nằm ngoài sự chọn lựa và sự khống chế của đảng (đúng ra của vài lãnh đạo đảng). Cái chính quyền không được dân bầu, chẳng được dân phục đó khiến nền chính trị CHXHCN Việt Nam ngày càng bế tắc, hỗn độn, ngột ngạt. Vụ T4, Tổng cục II hiện thời với những màn đấu tranh sống mái trong nội bộ đảng CS là một bằng chứng. 

Thủ tướng CS Phan Văn Khải, trước chuyến đi Mỹ hạ tuần tháng 6-2005  rồi, đã lệnh cho bộ công an thả 3 tù nhân lương tâm (Phạm Hồng Sơn, Nguyễn Vũ Bình, Nguyễn Khắc Toàn) để làm quà lót tay cho Hoa Kỳ, nhưng cuối cùng bất lực, không thể hành quyền như bao vị nguyên thủ quốc gia tại các nước dân chủ, vì bộ công an nhận chỉ thị từ một quyền lực khác. “Trong Trung ương đảng thiếu hiền tài, lùn trí tuệ, nghèo nhân đức, nên đã xảy ra không biết bao nhiêu là tội lỗi, là bệnh hoạn đủ các kiểu” (Trương Triệu Vũ, được dẫn trong Thư của Gs Nguyễn Thiện Tâm 4-2005).

 Quyền lợi của các dân tộc thiểu số tại Việt Nam có được bảo vệ hay không? Xin hãy nhìn vào những cuộc biểu tình của người Thượng Tây nguyên năm 2001 rồi 2004, những cuộc trốn chạy của hàng ngàn cư dân sắc tộc qua xứ Chùa tháp, những cuộc bắt bớ tín đồ Tin lành phái Mennonite ở Daklak... Xin hãy nghe tiến sĩ Lê Đăng Doanh trong bài tham luận nổi tiếng tháng 11-2004: “Từ năm 1996, người ta đã viết… là cứ ào ạt lên (Tây Nguyên) lấy đất như thế thì chắc chắn sẽ dẫn tới một xung đột trong xã hội không thể nào giải quyết được… Mình có đối xử với người dân tộc bình đẳng như anh em đâu!”.

 Còn những ai có chính kiến khác với đảng và nhà nước thì trước tiên kẻ đối thoại với họ sẽ là công an, tiếp đến nơi trú ngụ của họ sẽ là nhà tù, thanh danh chính nghĩa của họ sẽ là bị bêu xấu xuyên tạc, số phận các tác phẩm của họ sẽ là bị thu giữ hay cấm phổ biến, tương lai vợ con họ sẽ là đuổi việc và đuổi học... (Trần Độ, Phạm Quế Dương, Trần Khuê, Nguyễn Vũ Bình, Phạm Hồng Sơn, Đỗ Nam Hải, Nguyễn Chính Kết, Thích Huyền Quang, Thích Quảng Độ v.v…)

 c- Lên án chế độ xâm phạm quyền tự do và chỉ tìm kiếm ích lợi riêng: “Người ta lên án bất cứ thể chế chính trị nào, như hiện có ở một vài nước, nếu nó ngăn cản quyền tự do công dân hoặc tín ngưỡng, nếu nó làm gia tăng con số nạn nhân của tham lam và của tội ác chính trị, nếu nó làm cho việc cai trị đi lệch đường, thay vì mưu cầu công ích lại phục vụ cho một tập đoàn hay chính những người cầm quyền” (Hc Mục vụ 73d). “Khi công quyền vượt quá quyền hạn của mình mà đàn áp công dân, lúc đó chính công dân cũng không nên từ chối những gì khách quan xét thấy phù hợp với đòi hỏi của công ích. Họ được phép bênh vực quyền lợi của riêng mình cũng như của đồng bào chống lại những lạm dụng của công quyền” (Hc Mục vụ số 74e).

 Giáo sư Nguyễn Thiện Tâm, trong “Bản cáo trạng” lừng danh phổ biến cuối tháng 4-2005, đã mở đầu với lời nhận định của một lão thành cách mạng: “Trong lịch sử Việt Nam chưa bao giờ có chính quyền nào hung bạo, mất hết tính người như chính quyền CS hiện hành. Chủ nghĩa CS là thảm họa lớn nhất của nhân loại, hơn cả thảm họa sóng thần, động đất”. Trong phần kết thúc, giáo sư tái khẳng định: “Bản chất của Lê Duẩn, Lê Đức Thọ, Lê Đức Anh, Lê Khả Phiêu, Phạm Thế Duyệt, Trương Tấn Sang, Nguyễn Hà Phan, Đặng Vũ Chính, Nguyễn Chí Vịnh cũng như đám lãnh đạo CS từ trước đến nay đều vốn thế (tức là bản chất phản bội, bịp bợm, mất nhân cách, thậm chí là tay sai cho ngoại bang vài thập kỷ trước như Lê Đức Anh). Bọn chóp bu Đảng đã hư hỏng tới mức dị ứng với tất cả những gì là trí tuệ, là lẽ phải, là lương tâm, là đạo đức (vì bản chất CS chóp bu là  tàn bạo, bịp bợm, tham ác và chúa đểu)”.

 Hội đồng Giám mục VN, trong bức thư gởi Quốc hội và các Hội đồng Nhân dân tháng 10-2002, đã theo tinh thần Công đồng ở điều trên mà mạnh mẽ lên án: “Cơ chế xin-cho (khuyết tật hiện hữu của xã hội VN) là một cơ chế bất công và tha hóa con người vì… biến những quyền tự do của công dân thành những thứ quyền mà Nhà Nước nắm trong tay và ban bố lại cho người dân dưới dạng những cái phép, đồng thời biến Nhà Nước từ một tổ chức có chức năng phục vụ công ích trở thành một chủ nhân ông nắm các quyền tự do của người dân và ban phát các phép tự do lại cho họ thường theo sự tùy tiện chủ quan hơn là theo những tiêu chuẩn khách quan. Như thế cơ chế xin-cho vừa đi ngược lại công ích và xóa đi các quyền tự do của người dân, vừa bôi đen hình ảnh của một Nhà Nước của dân, do dân và vì dân. Đó là điều làm tha hóa con người”. 

 d- Tìm ra nhiều cơ cấu chính trị-pháp lý để mọi công dân cộng tác vào đời sống cộng đoàn: “Tìm ra nhiều cơ cấu chính trị-pháp lý là điều phù hợp với bản tính con người, vì nhờ đó tất cả mọi công dân, không phân biệt ai, có thể mỗi ngày một có cơ hội tham gia cách tự do và tích cực vào việc thiết lập nền tảng pháp lý của cộng đoàn chính trị, vào việc điều hành quốc gia, vào việc xác định mục tiêu và phạm vi của những cơ quan khác nhau cũng như vào việc lựa chọn người cầm quyền. Vậy mọi công dân cần phải nhớ tới quyền lợi và đồng thời là bổn phận của họ trong việc tự do sử dụng lá phiếu của mình để mưu cầu công ích. Để việc cộng tác của các công dân có ý thức trách nhiệm đem lại kết quả trong đời sống chính trị thường ngày, cần phải có một quy chế pháp lý thiết định. Quy chế pháp lý này giúp phân phối hợp lý các nhiệm vụ và các cơ quan công quyền đồng thời giúp bảo vệ cách hữu hiệu quyền lợi của công dân mà không lệ thuộc vào ai” (Hc Mục vụ số 75ab).

 Thế nhưng, trong chế độ CS Việt Nam, nhờ điều 4 Hiến pháp, “đảng CS là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội, nghĩa là quản lý trọn vẹn đất nước. Nói cách khác, Đảng chủ trương toàn trị, tức là cai trị vẹn toàn những gì có trên đất nước Việt Nam, nắm trong tay mọi quyền lực: quyền lực lập pháp là Quốc hội, quyền lực tư pháp là Viện kiểm sát và Tòa án, quyền lực hành pháp là Chính quyền hay Nhà nước, quyền lực vũ khí là quân đội và công an, quyền lực công luận là báo đài, và quyền lực đạo đức tinh thần là tôn giáo. Tất cả phải trở thành công cụ trong tay của Đảng, được Đảng dùng để cai trị đất nước và nhân dân” (Phát biểu của Lm Nguyễn Hữu Giải nhân cuộc gặp giữa Ban Tôn giáo tỉnh Thừa Thiên với Giáo phận Huế ngày 20-02-2004).

 Tiến sĩ Lê Đăng Doanh cũng đã phải kêu trời: “Nhược điểm lớn nhất trong thể chế chính trị của chúng ta là gì? Là chế độ đảng trị, chuyên chế và mất dân chủ rất nặng nề… Đảng phải tôn trọng luật pháp, hoạt động trong luật pháp, không đứng trên luật pháp, không đứng ngoài luật pháp… Phải coi pháp luật là công cụ chủ yếu để kiềm chế, kiểm soát những người có chức, có quyền chứ không phải pháp luật là công cụ chủ yếu để đè nén quần chúng. Pháp luật phải tạo ra sự tự do của quần chúng… Một điều nữa là cơ chế lựa chọn, bầu cử nhân sự. Hiện nay Đảng là lãnh đạo, nhưng ông lãnh đạo tối cao ấy lại không phải trực tiếp do dân bầu ra; dân không được chọn cái ông ấy nhưng mà lại phải coi ông ấy là ông tối cao!” (Tham luận 11-2004).

 Vụ hai hiệp định về lãnh thổ và lãnh hải năm 1999 và 2000, vì do trung ương đảng CS lén lút thậm thụt ký với Trung Quốc, không thông báo, bàn hỏi, báo cáo kết quả với nhân dân, không dựa trên sức mạnh và sự đồng lòng của nhân dân, đã đem lại biết bao tai hại lâu dài và khốc liệt về danh dự, uy tín, an ninh, tài sản cho toàn thể đất nước.

 2. PHÁT TRIỂN MẶT KINH TẾ
 Trong Hiến chế Mục vụ số 64-66, công đồng Vatican đã nói đến việc phát triển đời sống kinh tế xã hội qua những điểm như sau:
 a- Phát triển kinh tế để phục vụ con người: “Mục đích căn bản của sản xuất không phải chỉ là gia tăng sản lượng, lợi tức hoặc quyền lực, nhưng chính là phục vụ con người, dĩ nhiên là con người toàn diện. Tuy nhiên, phải duy trì đúng cấp bực giá trị của các nhu cầu vật chất cũng như những đòi hỏi của đời sống tinh thần, luân lý, tu đức và tôn giáo. Phải phục vụ tất cả mọi người, mọi đoàn thể, mọi chủng tộc và mọi miền trên thế giới. Bởi thế, hoạt động kinh tế, mặc dù theo phương pháp và luật lệ riêng, nhưng vẫn phải nằm trong giới hạn của trật tự luân lý” (Hc Mục vụ số 64).

 Trong một xã hội Mác-xít duy vật, vô thần vốn lấy kinh tế làm hạ tầng cơ sở (trong khi coi văn hóa, tôn giáo… là thượng tầng kiến trúc) như tại Việt Nam hiện nay, rõ ràng việc phát triển kinh tế không nhắm phục vụ cuộc sống con người toàn diện. Chế độ đề cao việc giải quyết cái ăn cái mặc của xã hội mà coi thường chuyện nhân quyền, vì thâm ý là phục vụ lợi ích của đảng CS. Đúng như Hòa thượng Quảng Độ tố cáo trong Thông điệp gởi Ủy hội nhân quyền LHQ tháng 4-2005: “Nhà cầm quyền CS quả quyết rằng chúng tôi không cần có tự do, họ cho rằng mở cửa thị trường là đủ đáp ứng mọi nhu cầu của quần chúng”. Mọi sự đều được nhìn dưới lăng kính kinh tế. 

Trước hết, đó là định nghĩa con người như “một vốn quý”, một định nghĩa hạ giá nhân phẩm cách thê thảm. Những giá trị văn hóa, tinh thần, tôn giáo nếu được để cho phát triển cũng chỉ vì lợi nhuận, chỉ vì kinh tế thị trường thôi. Tài sản văn hóa vô giá do triều Nguyễn để lại Huế đã bị phế bỏ trong hơn 20 năm trời (sau 1975) và chỉ được trùng tu từ “ngày mở cửa”, nhằm thu hút khách du lịch. Chùa Hương ở Bắc và đền Núi Sam ở Nam là những chốn hành hương bị kinh doanh hóa đến độ nhếch nhác hỗn độn. Đồi Vọng Cảnh Huế, thắng cảnh vừa hữu tình vừa linh thiêng, nay đang có nguy cơ bị tàn phá để xây một khách sạn nhằm thu lợi nhuận cho kẻ cầm quyền. Nhà nước cho các tôn giáo xây dựng những điện thờ nguy nga, tổ chức những lễ hội linh đình cũng không ngoài mục đích kiếm chác (có khi nặn bóp) tiền bạc của giáo đồ và giáo hội. 

 Còn thứ đạo đức kinh doanh tại Việt Nam bây giờ là rút ruột công trình, là làm dối làm ẩu, là chụp giựt kiếm ăn, là lọc lừa bóc lột. Vụ hải cảng Thị Vải, nhà máy lọc dầu Dung Quất, khu chung cư Thanh Xuân, cơ sở dầu khí Trịnh Vĩnh Bình, hệ thống sân golf làng Kim Nỗ, khu vui chơi giải trí Thiên An-Thủy Tiên và hàng ngàn dự án bỏ dở khác (nhà máy đường, nhà máy ximăng…) vẫn sờ sờ ra đó như những vết nhơ bôi lên bộ mặt chế độ. 

 Mới đây, trong chuyến đi Hoa Kỳ, tại khách sạn May Flower ngày 21-6-2005, phó thủ tướng CSVN Vũ Khoan đã tuyên bố rằng từ đây ông (và bằng hữu) sẽ di chuyển bằng phi cơ Boeing 787, liên lạc bằng điện thoại di động Motorola, đánh golf và chơi quần vợt với gậy và giày của hãng Nike… Đại đa số người dân Việt Nam nghèo khổ mong được Nhà nước sang Mỹ để mua những thứ đó về dùng ư? 

Những hàng cao cấp đó là để phục vụ mọi người Việt Nam ư? 

Ngoài ra, như ai cũng biết, nền kinh tế thị trường với cái đuôi “định hướng xã hội chủ nghĩa” thực chất chỉ nhắm mang lại lợi nhuận cho cán bộ và đảng viên CS. Họ đang là những người giàu nhất nước, có hàng triệu, thậm chí hàng tỷ đôla!!

 b- Phải phát triển kinh tế dưới sự kiểm soát của con người: “Con người phải kiểm soát sự phát triển kinh tế; không được khoán trắng nó cho sự định đoạt của một thiểu số hoặc của những tập thể nắm trong tay quyền lực kinh tế quá lớn, hoặc của một cộng đoàn chính trị hay một số quốc gia giàu mạnh… 

Không thể chỉ bỏ mặc việc phát triển cho sự diễn tiến gần như máy móc của hoạt động kinh tế cá nhân hay cho một mình chính quyền mà thôi. Do đó phải tố giác những sai lầm của các học thuyết đang nhân danh một thứ tự do ngụy tạo để ngăn cản những cải tổ cần thiết; cũng phải tố giác những học thuyết đòi hy sinh quyền lợi cá nhân và đoàn thể cho tổ chức sản xuất tập thể”  (Hc Mục vụ số 65ab).

 Đây ta hãy lại nghe lời chất vấn của giáo sư Nguyễn Thiện Tâm: “Xin các vị tự hỏi: tại sao chủ nghĩa cộng sản bị toàn thế giới lên án và từ bỏ, mà Việt Nam mình lại cứ phải xã hội chủ nghĩa?… Xin thưa: lý do thật đơn giản: theo tối kiến vĩ đại của Lê Duẩn là làm chủ tập thể. Làm chủ tập thể là của tập thể (của nhà nước), không ai thực sự làm chủ, tức là kho vàng của toàn xã hội bỏ ngỏ không khóa, mạnh ai nấy múc. Chả thế mà Võ Văn Kiệt xây dựng đường cao thế Bắc-Nam chi hàng ngàn tỷ đồng không cần thông qua quốc hội. Các nhà khoa học Việt Nam tầm cỡ quốc tế can ngăn, y bỏ ngoài tai, miễn sao thực hiện bằng được kể kiếm chác. 

Thất thoát nhiều đến mức không tổng quyết toán chi phí công trình… Đó, hậu quả làm chủ tập thể! Tối kiến của Lê Duẩn vô học hại dân, hại nước như vậy, chẳng những không ai rút ra bài học kinh nghiệm lại cứ giở giọng đểu: “Quản lý tập thể, làm chủ tập thể!” để lừa dân, để vơ vét thật nhiều của dân”. 

 Vơ vét kiểu này cũng là công trình của 3 tổng công ty độc quyền (do một số đảng viên cao cấp nắm giữ) đang làm mưa làm gió tại Việt Nam: bưu điện, điện lực, cấp thoát nước… khiến cho chi phí điện, điện thoại, điện tín, internet của VN thuộc vào hạng đắt nhất thế giới, còn nước trong hay đục, sạch hay nhơ cấp cho dân thì tùy tiện! Cảnh sát hải quan và cảnh sát giao thông (gồm những cán bộ đảng viên có máu mặt và bà con của họ) cũng đang lộng hành, ngang nhiên đòi tiền mãi lộ (nhờ đó có người thu nhập 200 triệu mỗi tháng), đẩy giá thành hàng hóa lên cao, khiến sản phẩm Việt Nam không thể cạnh tranh với nước ngoài. 

 Tông huấn “Giáo hội tại Á châu” số 8.2 cũng nhận định: “Các Nghị Phụ có lưu ý chúng ta về tình trạng tham nhũng phổ biến có mặt ở các cấp chính quyền và xã hội. Quá nhiều khi dân chúng cảm thấy bất lực không thể tự bảo vệ mình trước những nhà chính trị, những viên chức tòa án, các nhà hành chánh và các quan chức tham ô”.
 Hiến chế Mục vụ số 65c còn nói thêm: “Người công dân nên nhớ rằng bổn phận và quyền lợi của mình là tùy khả năng mà đóng góp vào việc phát triển thực sự cộng đoàn mình. Chính quyền cũng phải công nhận bổn phận và quyền lợi này. Nhất là những miền còn kém mở mang, càng phải cấp bách tận dụng mọi tài nguyên; do đó, những người để tài sản của mình không sinh lợi, hoặc không trợ giúp cộng đoàn mình những phương tiện vật chất và tinh thần cần thiết là gây nguy hại trầm trọng cho công ích”.

 Ý thức được bổn phận và quyền lợi nói trên, hàng trăm ngàn công dân VN nghèo khổ mỗi năm ra nước ngoài để lao động hoặc lập gia đình. Hiện nay tại Đài Loan, có khoảng 80.000 cô dâu Việt lấy chồng Đài; trên 40.000 công nhân VN lao động tại các công ty, cơ xưởng, nhà máy; và trên 60.000 người Việt giúp việc trong các gia đình hay các viện dưỡng lão. Thế nhưng trong số hơn 180.000 người này, đã có không ít trường hợp vì tai nạn này hay tai nạn nọ hoặc bệnh tật… đã qua đời. Như nhiều cô dâu Việt vì uất ức, vì chịu hết nổi những khổ nhục, đã ôm con ngồi bên xe môtô, đổ xăng vào người, châm lửa tự thiêu; nhiều cô dâu cùng với con uống thuốc trừ sâu hay nhảy lầu tự tử… Như một số công nhân Việt, do bị bóc lột trong công xưởng, đã trốn ra ngoài lao động “chui”. Đến khi gặp tai nạn thì hoàn toàn bị bỏ mặc bởi công ty môi giới hai nước, dẫu họ đã đóng hàng ngàn mỹ kim trước cho những công ty này (theo VietCatholic News 29-4-05). 

Còn có vụ hàng chục cô gái Việt bị cha con chủ công ty lao động Trung Hữu (Đài Loan) hãm hiếp, hàng ngàn nữ công nhân bị bán vào các động mãi dâm. Thế nhưng ông Trần Đông Huy, trưởng ban quản lý lao động VN tại Đài Loan chẳng hề giúp đỡ, lại còn cản trở các nạn nhân tố cáo những vụ cưỡng hiếp, buôn người như thế (theo Canh Tân số 13, 6-2005). Người ta cũng biết thêm rằng hàng tỷ đôla do quan chức CSVN tham nhũng đều được đem gởi ở ngân hàng ngoại quốc hay vất vào những cuộc ăn chơi sa đọa, chứ chẳng đầu tư để sinh lợi cho nước cho dân (nếu có thì chỉ vào những khách sạn, khu giải trí cao cấp…)

 c- Phải chấm dứt những chênh lệch lớn lao trên bình diện kinh tế xã hội: “Để thỏa mãn những đòi hỏi của công bằng và lẽ phải mà vẫn tôn trọng quyền lợi cá nhân và đặc tính của mỗi dân tộc, cần phải hăng hái nỗ lực để sớm chấm dứt những chênh lệch kinh tế lớn lao hiện nay và còn gia tăng mai ngày… Trong nhiều vùng, việc sản xuất và bán nông phẩm đang gặp nhiều trở ngại trầm trọng. Do đó cần phải nâng đỡ nông dân tăng gia và tiêu thụ được sản phẩm, lại phải thực hiện những cuộc cải tổ và canh tân cần thiết hầu thâu được lợi ích tương ứng. Như thế, họ sẽ không mãi ù lì trong thân phận công dân hạ đẳng, như vẫn thường thấy” (Hiến chế Mục vụ số 66a).

 Những chênh lệch kinh tế lớn lao như vừa nói đã được chính Hội đồng GMVN, trong thư gởi Quốc hội, lên tiếng tố cáo: “Cơ chế xin-cho là nguyên nhân làm thất thoát 50% các nguồn thu vào công quỹ, và làm thất thoát 50% phần còn lại khi phải chi ra cho công ích. Điều này có nghĩa là 5% hoặc 7% dân số là những người có thế lực và quyền lực thì hưởng 75% từ công quỹ quốc gia (trong con số 75%, có 50.000 tỷ đồng/năm của riêng ngành xây dựng), phần còn lại của dân số là hơn 70 triệu dân chỉ hưởng được 25%. 

Thực tế này tạo ra một tình trạng bất công trầm trọng trong xã hội và không ngừng làm gia tăng hố sâu cách biệt giàu nghèo trong lòng một dân tộc. Chính vì thế mà tham nhũng một cách có hệ thống quy mô trong xã hội ngày nay không những là một quốc nạn, song còn là một tội ác đối với đất nước và dân tộc”. 

 Tông huấn “Giáo hội tại Á châu” số 7 cũng cảnh báo: “Về phương diện phát triển kinh tế, ta phải nhìn nhận tình hình trên lục địa Á châu quả là có rất nhiều khác biệt… Một số quốc gia đang sống trong cảnh bần cùng, được xếp vào số các nước nghèo nhất trên địa cầu… Tình trạng nghèo đói triền miên và việc bóc lột con người đang là những vấn đề đáng quan ngại nhất. Tại Châu Á có hằng triệu người bị áp bức từ bao thế kỷ nay cứ phải đứng bên lề xã hội về mặt kinh tế, văn hóa và chính trị… Trong quá trình phát triển ấy, chủ nghĩa duy vật và chủ nghĩa tục hóa đang lấn lướt, nhất là tại các khu vực đô thị. Những ý thức hệ này đang làm xói mòn các giá trị truyền thống, xã hội và tôn giáo, đe dọa các nền văn hóa Á châu, gây thiệt hại tới mức không lường được…”

 Còn Bản cáo trạng của Nguyễn Thiện Tâm thì viết: “Vừa qua ở Hà Nội, một loại VIP có tên tuổi đua nhau bán nhà: Hoàng Thao Nguyên, thứ trưởng Công an bán nhà 73 Trần Hưng Đạo 6000 cây vàng, hai nhà của Nguyễn Thanh Bình, Nguyễn Văn Trân, đều là ủy viên trung ương, chỉ bán một phần nhà đã một vị 39 tỷ, một vị 40 tỷ. Rồi Vũ Xuân Chiêm, trung tướng hậu cần, thì bán nhà với giá 7200 cây vàng, còn tụi quan khác bán nhà với giá 10 đến 20 tỷ thì nhiều…”. Giáo sư còn tâm sự: “Sáng nay tôi vừa vào Bệnh viện Mắt trung ương… Ra đến quầy thuốc cổng viện thấy một bà già khóc, tôi dừng lại hỏi thăm thì bà nói: “Tôi từ Hà Bắc xuống nhưng không khám được lại phải về ông ạ! Là vì tôi thấy bệnh nhân nông thôn đến đây đều lắc đầu nhăn mặt. Ở quê tôi, một mớ rau có 100 đồng mà ở đây thì vài lọ nhỏ mắt bằng đầu ngón tay đã hơn 200 ngàn đồng, ông tính xem là mấy nghìn mớ rau mồ hôi nước mắt?”
 
Tiến sĩ Lê Đăng Doanh, trong bài Tham luận nói trên, cũng vạch trần hiện trạng nông nghiệp nói riêng và hiện trạng kinh tế nói chung của đất nước: “Nông nghiệp đã nghèo, đất lại kém đi, nhưng mỗi một năm thêm một triệu miệng ăn. Lấy đâu ra mà ăn? Chênh lệch, đói nghèo là ở chỗ ấy. Chúng ta về quê xem, có tiến bộ khoa học kỹ thuật nào để tạo ra việc làm? Lao động thật vất vả, mỗi một ngày lao động làm trên 8m2 đất thì có cái gì để mà giàu có được! Về kinh tế, tính theo sức mua thì chúng ta xếp thứ 130/175, nhưng nếu xếp theo tỷ giá thì chúng ta xếp thứ 149/203 nền kinh tế. Tức là sau ngần ấy năm phát triển, sự thực chúng ta vẫn là một nước nghèo. Chỉ số phát triển con người thuộc loại trung bình, năm 2004 xếp thứ 112/177. Và với 40 tỷ GDP thì nền kinh tế Việt Nam chỉ bằng 0,36% nền kinh tế toàn cầu thôi…”

 3. PHÁT TRIỂN MẶT VĂN HÓA
 Trong Hiến chế Mục vụ số 59, công đồng Vatican đã nói đến việc phát triển đời sống văn hóa qua những điểm như sau:
 a- Văn hóa phải nhắm giúp nhân vị nên hoàn hảo toàn diện: “Giáo hội nhắc nhủ mọi người: văn hóa phải nhằm đạt được sự hoàn hảo toàn diện của nhân vị, lợi ích của cộng đoàn và của toàn thể xã hội nhân loại. Do đó, phải tôi luyện tâm hồn làm sao để phát triển khả năng tuân phục, thấu triệt, chiêm ngưỡng, phán đoán riêng tư, lại phải có thể phát huy ý thức tôn giáo, luân lý cũng như xã hội” (Hc Mục vụ số 59a), vì “theo nghĩa tổng quát, chữ “văn hóa” chỉ tất cả những gì con người dùng để trau dồi và phát triển các năng khiếu đa diện của tâm hồn và thể xác… làm cho đời sống xã hội, đời sống gia đình cũng như đời sống chính trị trở thành nhân đạo hơn… giúp cho nhiều người và toàn thể nhân loại tiến bộ hơn” (Hc Mục vụ số 53b).

 Thế nhưng, vừa mới lên nắm quyền, đảng CS Việt Nam đã vội vàng xây dựng một nền “văn hóa của sự tàn bạo”, điển hình bằng cuộc Cải cách Ruộng đất (1953 và1956) rồi cuộc Tàn sát Tết Mậu thân (1968). Qua 2 cuộc đổ máu kinh hoàng này, CS đã phạm những tội ác tầy trời: tàn sát thường dân vô tội, phá hoại truyền thống tốt đẹp ngàn năm của đất nước, tiêu hủy đạo lý luân thường của dân tộc, chà đạp những giá trị tinh thần của tổ quốc. Sự kiện đó khiến nhà thơ Nguyễn Chí Thiện, một nạn nhân của những vi phạm nhân quyền do CSVN gây ra, đã bảo rằng phải hàng triệu năm tổ tiên loài người mới tiến từ trạng thái vượn lên trạng thái người, nhưng chế độ CSVN chỉ trong mấy năm đã đẩy người Việt ngày nay lui về trạng thái vượn!

 Đó cũng là thứ văn hóa của sự dối trá lường gạt, được khai dựng bằng việc Hồ Chí Minh viết cuốn “Những mẫu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ Tịch” (1948) để ca ngợi chính mình dưới bút hiệu Trần Dân Tiên. Ca ngợi mình cách trâng tráo vô liêm sỉ như là “lãnh tụ vĩ đại”, “cha già dân tộc kính yêu”, “người con trung thành nhất của tổ quốc”!?! Trò dối trá này còn tiếp tục đến hôm nay, chẳng hạn qua màn lừa gạt UNESCO năm 1990 để mong tổ chức này tôn vinh HCM nhân 100 năm sinh nhật của ông ta. May nhờ sử gia Olivier Todd, nhà báo Jean-Francois Revel và nhiều học giả người Việt hải ngoại mà trò hề này bị vạch trần. Tuy thế báo chí và giáo khoa CSVN vẫn khẳng định có sự kiện tôn vinh ấy để nhồi sọ nhân dân. Đúng như sử gia Gérard Tongas, người đã chọn ở lại miền Bắc sau 1954 để hợp tác với CS (7 năm), sau đó chán ngán bỏ về Pháp, đã khẳng định trong cuốn “North Viet Nam Today”: “Đối với Việt cộng, những danh từ văn hóa, giáo dục và dạy học chỉ có một nghĩa là nhồi sọ. Tại Bắc Việt, một người có văn hóa tương đối hay có giáo dục, có chút học vấn là người đã bị liên tục nhồi nhét ý thức hệ Mácxít Lêninít, là kẻ không còn suy nghĩ cho riêng mình mà chỉ biết chấp nhận toàn bộ như sách thánh những khái niệm được nhồi nhét vào đầu một cách có hệ thống bằng một thứ tuyên truyền cẩn thận, khéo léo dần dần” (theo Minh Võ, Hồ Chí Minh: Nhận định và tổng hợp, Tiếng Quê Hương xuất bản tại Hoa Kỳ, chương 23).

 Chính cái thứ “văn hóa” vừa gian dối vừa tàn bạo đó (thực ra không đáng gọi tên văn hóa) đã đẻ ra những nhà lãnh đạo CS có lối cư xử trịch thượng, dọa nạt, trơ trẽn, kiểu ăn nói lấp liếm, ngụy biện, “lưỡi gỗ”, như người ta thường thấy qua nhiều cuộc phỏng vấn, đặc biệt gần đây tại Hoa Kỳ; đã đẻ ra những quan tòa chỉ biết theo chỉ thị của đảng, nói lấy nói được, chà đạp luật pháp cách thản nhiên, đặc biệt trong những phiên tòa tôn giáo chính trị; đã đẻ ra những sản phẩm tinh thần mang tính rập khuôn, giáo điều, lên gân và xa rời cuộc sống. Như mới đây có ba bộ phim, mỗi phim tốn từ 13 đến 14 tỷ đồng mà quay xong thì đắp chiếu, bởi lẽ chẳng mấy ai thèm xem. Vốn thu hồi lại mỗi phim, theo báo chí, khoảng chừng 50 triệu. Đó là các phim “Thoát hiểm ở Hong Kong”, “Ký ức Điện Biên” và “Giải phóng Sài gòn”. Tệ hơn nữa, cái thứ văn hóa đó còn đẻ ra những hành vi phi nhân thất đức, chưa hề thấy trong lịch sử dân tộc, như san bằng mộ nạn nhân Mậu Thân tại Huế, mộ chiến sĩ VNCH tại Biên Hòa trước đây, như đòi phá vỡ bia kỷ niệm nạn nhân vượt biên tại đảo Bidong và Galang gần đây.  

 b- Con người phải được tự do về văn hóa, nghĩa là tự do nghiên cứu, suy nghĩ, phát biểu và tự do thông tin: “Tất cả những điều vừa trình bày cũng đòi hỏi cho con người có thể tự do đi tìm chân lý, phát biểu, phổ biến ý kiến mình và được tự do hành nghề tùy sở thích, miễn là tôn trọng công ích và trật tự luân lý; sau hết, những điều ấy cũng đòi cho con người phải được thông tin chính xác về những biến cố xảy ra thuộc đời sống công cộng” (Hc Mục vụ số 59d).
 Một điều hiển nhiên là tại Việt Nam, nhà nước nắm trong tay mọi phương tiện truyền thông, mọi cơ quan báo chí, mọi cơ sở in ấn xuất bản. Hơn 600 tờ báo tại VN đều nằm dưới sự quản lý chặt chẽ của ban Văn hóa-Tư tưởng trung ương. Ai muốn vào quán café-internet để gởi điện thư, vào trang mạng thì phải trình chứng minh nhân dân, và tất cả những gì họ đọc, gởi hay nhận qua máy vi tính đều phải lưu lại 30 ngày cho công an đến kiểm duyệt. Ai truy cập internet tại nhà thì hơn 3000 bức tường lửa luôn sẵn dàn chào. Sau Hiệp định Thương mại Việt-Mỹ, những sản phẩm văn hóa CS từ quốc nội được bán tha hồ tại Hoa Kỳ, nhưng khốn cho ai trong nước lưu giữ băng hình, đĩa CD, sách báo của đồng bào hải ngoại. 

Bác sĩ Phạm Hồng Sơn, chỉ vì dịch và phổ biến trên internet tập tài liệu “Dân chủ là gì?” mà đã lãnh án nhiều năm tù với tội danh gián điệp. Vụ Trung Quốc bắn chết 9 ngư dân Thanh Hóa, chỉ có hai tờ Thanh Niên và Tuổi Trẻ đăng tin và bình luận nhưng chỉ vài số rồi im. Vụ hai Hiệp định lãnh thổ và lãnh hải Việt Trung thì chẳng một tờ báo nào dám loan, nếu không muốn bị “xơi tái”. Báo chí nay có nói nhiều đến nạn tham nhũng trong tầng lớp cán bộ cao và thấp, nhưng các vị trong bộ Chính trị, toàn tay tổ tham nhũng (Lê Đức Anh gởi ngân hàng Thụy sĩ tới 2 tỷ 215 triệu USD và 7 tấn vàng, theo Gs Nguyễn Thiện Tâm) đều là những bậc “thánh nhân, cần kiệm liêm chính, chí công vô tư” và “bất khả xâm phạm” đối với báo chí. Riêng nhân vật Hồ Chí Minh, thì dù đã có hàng trăm cuốn sách vạch trần những xấu xa tội lỗi trong cuộc sống và ngôn hành của ông, nhưng đảng vẫn quyết duy trì một hào quang thánh thiện, công chính để bảo vệ “thần tượng” giả tạo này. Đảng còn trâng tráo dựng lên cái gọi là “tư tưởng Hồ Chí Minh” do hoảng hốt trước sự phá sản của “đỉnh cao trí tuệ loài người” là chủ nghĩa Mác-Lênin.
 Nhà nước độc quyền giáo dục, bộ Giáo dục-Đào tạo độc quyền phát hành toàn bộ sách giáo khoa. Tác phẩm của các tôn giáo đều qua sự kiểm duyệt gắt gao của ban Văn hóa tỉnh và nhà xuất bản Tôn giáo. Số đầu sách in ra mỗi năm của mỗi tôn giáo chỉ đếm trên đầu ngón tay. Các văn sĩ, thi sĩ, nhạc sĩ, kịch tác gia muốn in tác phẩm thì trước hết phải gia nhập hội nhà văn, hội nghệ sĩ, hội nhạc sĩ do đảng thành lập và lãnh đạo. Nhân dân miền Nam liền sau 1975 còn đau xót và hãi hùng nhớ đến chiến dịch “đốt sách (gọi là) đồi trụy phản động” do CS chủ xướng. Thật chẳng khác chi thời Tần Thủy Hoàng! Sách của các văn gia và học giả đối kháng như Dương Thu Hương, Phạm Thị Hoài, Bùi Ngọc Tấn, Trần Khuê, Trần Độ, Nguyễn Thanh Giang, Phạm Quế Dương, Nguyễn Văn Trấn, Hà Sĩ Phu… thường bị tịch thu hay cấm chỉ.  

 c- Văn hóa cần được tự do, không bị cưỡng ép thành công cụ bởi thế lực cầm quyền: “Vì trực tiếp phát sinh từ xã hội tính và lý trí của con người nên văn hóa luôn cần được tự do đúng mức để phát triển, cũng như cần có quyền hợp pháp để hành động độc lập theo các nguyên tắc riêng. Do đó, văn hóa có quyền được tôn trọng và được hưởng một quyền bất khả xâm phạm nào đó”… “Bổn phận của công quyền không phải là qui định một hình thức văn hóa nhân loại đặc thù nào, nhưng là tạo những điều kiện và phương tiện thuận lợi để phát triển đời sống văn hóa trong toàn thể dân chúng, cả trong những thành phần thiểu số của quốc gia. Do đó, phải hết sức tránh sao để văn hóa khỏi bị sai lạc mục đích cá biệt của mình và khỏi bị cưỡng ép làm công cụ cho các thế lực chính trị hay kinh tế” (Hc Mục vụ số 59b và 59e).

 Nhà sử học cộng sản Trần Quốc Vượng có viết: “Khác với các giai cấp từng giữ vai trò lãnh đạo xã hội Việt Nam, giai cấp vô sản rất chú trọng lãnh đạo các phương diện của  văn hóa. Quán triệt và vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác-Lênin, Đảng ta đã có một quan điểm đúng đắn về văn hóa, đồng thời có một phương pháp lãnh đạo đúng đắn đối với văn hóa. Quan điểm ấy là sự kết hợp những nguyên tắc cách mạng với những truyền thống tốt đẹp của dân tộc” (Cơ sở văn hóa Việt Nam, Nhà xb Giáo dục, 2004, tr. 201). Lưu Hữu Phước, nguyên bộ trưởng văn hóa CS, có lần phát biểu: “Văn hóa cũng là một mặt trận”. Nói thẳng ra, nhà nước CS luôn coi văn hóa như là một công cụ trong tay mình, sử dụng văn hóa để củng cố quyền lực của đảng cũng như duy trì sự tồn tại của chế độ chứ không hề nhắm phát huy những giá trị tinh thần của dân tộc, như Hòa thượng Quảng Độ nhận định: “Với chủ trương nắm giữ quyền hành bằng mọi giá, nhà cầm quyền Hà Nội tàn phá đất nước và tiêu hủy bản sắc văn hóa Việt Nam”. Chính vì thế, ngoài việc thiết lập Ban Văn hóa-Tư tưởng Trung ương như chúa tể tuyệt đối hướng dẫn mọi hoạt động văn hóa văn nghệ, kiểm soát mọi tâm tình tư tưởng, xác định mọi nội dung thông tin trên khắp đất nước (thậm chí muốn cả trên kiều bào, qua Nghị quyết 36), đảng CSVN còn lập ra Hội Nhà văn (từ 1957), Hội Nghệ sĩ Tạo hình (1957), Hội Nghệ sĩ Sân khấu (1957), Hội Điện ảnh (1969), Hội Nhạc sĩ (1957), Hội Kiến trúc sư (1948), Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh (1965) để đưa tất cả các nhà văn hóa VN vào tròng của mình. Chỉ có vào đó thì những người này mới có thể in ấn phổ biến tác phẩm (đã được đảng xét duyệt) và mới có lương tiền để sống.

 Chính nền văn hóa độc quyền đó đã khiến VN trong 30 năm nay chẳng có một tác phẩm văn học nào ra hồn. Chỉ nổi tiếng và thực sự có giá trị là tác phẩm của những nhà văn đối kháng. Bộ Bách khoa Từ điển Việt Nam, công trình cấp quốc gia, gồm 4 tập dày khoảng 4000 trang, chứa hàng trăm, nếu không muốn nói hàng ngàn lỗi. Điểm đặc biệt nữa là bộ sách này có nhiều từ và mục tôn giáo, thế mà trong ban biên tập chẳng hề hiện diện một linh mục hay đại đức nào!

 Do đó Hội đồng GMVN, trong Thư gởi Quốc hội nói trên, đã buộc lòng nhắc nhở: “Chính quyền tạo điều kiện cho các cá nhân và tập thể công dân sử dụng các quyền của con người. Trong các quyền đó, phải kể đến quyền bình đẳng, quyền và bổn phận chu cấp cho các nhu cầu vật chất, tinh thần và tâm linh của cuộc sống con người, gia đình và tập thể, quyền sáng kiến và tham gia các hoạt động phát triển xã hội, thăng tiến con người và gia đình, cả việc củng cố nền tảng pháp lý của cộng đoàn chính trị trong một quốc gia. Dành cho mình độc quyền hay một quyền hành quá lớn trong các lĩnh vực của đời sống gia đình và xã hội, đó là con đường dẫn đến chuyên chế và độc tài, quan liêu và bao cấp, áp bức và bất công”.
 4. PHÁT TRIỂN MẶT GIÁO DỤC
 Trong Tuyên ngôn Giáo dục và Hiến chế Mục vụ, công đồng Vatican đã nêu lên những mục tiêu và khía cạnh giáo dục như sau:
 a- Đào tạo con người nhằm đạt tới cùng đích của họ cũng như thiện ích của các đoàn thể: “Tất cả mọi người, không phân biệt chủng tộc, giai cấp và tuổi tác, do nhân phẩm, đều phải được hưởng một nền giáo dục đáp ứng với sứ mệnh riêng, phù hợp với cá tính của từng phái, thích nghi với văn hóa và truyền thống dân tộc, đồng thời mở rộng sự hợp tác huynh đệ với các dân tộc khác… Vậy nền giáo dục chân chính là  việc đào tạo con người, nhằm đạt tới cùng đích của mình cũng như lợi ích của những đoàn thể mà họ là thành viên” (Tn Giáo dục số 1a). 

 Thế nhưng, Luật giáo dục năm 1999 của CSVN khẳng định: “Mục tiêu (giáo dục) nhằm đào tạo con người VN phát triển toàn diện…. trung thành với lý tưởng chủ nghĩa xã hội” (điều 1); “Luật quy định nền giáo dục VN là nền giáo dục xã hội chủ nghĩa… lấy chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng” (điều 2). Điều đó có nghĩa CS không nhắm tạo nên những công dân rồi đây “sẽ thực thi sứ mệnh riêng của mình, đạt tới cùng đích riêng của mình”, nhưng là nặn ra những thần dân cho đảng, có sứ mệnh tối thượng và mục đích tối hậu là làm theo những gì đảng nói hay không nói về những gì đảng làm. Do đó mà đảng độc quyền giáo dục, độc quyền sách giáo khoa; các tôn giáo chỉ được thí chút ân huệ là “giữ trẻ”. Do đó mà “hồng hơn chuyên”, kiến thức và lập trường chính trị quan trọng hơn hiểu biết và khả năng chuyên môn. Trong 4 năm đại học thì đã có 2 năm học đại cương vô bổ với những môn liên quan đến triết học, kinh tế, chính trị Mác-Lênin, chủ nghĩa xã hội, lịch sử đảng… hai năm còn lại học chuyên ngành rất sơ sài. Nói cách khác, tại VN, trước khi xây dựng nền giáo dục, đảng cầm quyền đã có sẵn ý thức hệ Mác-Lênin. Thành thử đảng đã đề ra đường lối giáo dục theo ý thức hệ ấy. Đường lối giáo dục do đó nặng về chính trị, nhẹ về nhân bản nhân sinh. Đảng ấn định tiêu chuẩn chính trị trong việc chọn thày giáo và mục tiêu chính trị trong việc dạy học trò. 

Thày giáo là cán bộ, phải làm theo chỉ thị, được đánh giá theo lòng trung thành chứ không theo tài năng. Hiện nay mọi hiệu trưởng các cấp đều phải là đảng viên, để bảo đảm an ninh chính trị và tư tưởng. Đội thiếu nhi tiền phong, đoàn thanh niên cộng sản là những đoàn thể chính thức và duy nhất trong học đường. Mọi học sinh lớp 12 nay muốn thi lên đại học phải vào đoàn đã. Thành thử tuyển sinh theo lý lịch, theo giai cấp. Chương trình giáo dục và sách giáo khoa đồng nhất trên cả nước, không tư nhân nào được biên soạn riêng. Đảng kiểm soát kỹ càng mọi sinh hoạt giáo dục qua trường sư phạm (của nhà nước), qua trường đào tạo cán bộ giáo dục, qua bí thư đoàn, bí thư đảng vốn nắm “quyền sinh sát”, qua hệ thống phòng giáo dục mà thậm chí tới tận huyện (Thời VNCH, mỗi tỉnh chỉ cần một ty tiểu học và mỗi miền chỉ cần một nha trung học, còn giáo khoa thì tự do biên soạn theo chương trình của bộ Giáo dục. Thế mà nền giáo dục vẫn tốt đẹp).

 Lối chính trị hóa đường hướng giáo dục và cộng sản hóa mục tiêu giáo dục như thế đã dẫn đến những hậu quả tai hại, đặc biệt ở bậc đại học: 1- Người tài năng bị loại bỏ, người ít tài được trọng dụng. 2- Người ít tài có mặc cảm trước người nhiều tài nên dèm pha, chụp mũ; mặt khác tuyệt đối trung thành làm theo chính sách, đường lối, không sáng kiến, tạo ra phe phái, bè đảng. 3- Loại bỏ sinh viên tài năng, kỳ thị trong tuyển sinh, tạo ra bất công mà không thấy, làm thui chột tinh hoa của xã hội mà chẳng hay. 4- Trình độ chung giảm sút. 5- Chụp mũ chính trị cho bất kỳ sáng kiến, đề nghị nào có khả năng phá chuẩn mực. 6- Chương trình nguyên mẫu; thầy không sáng kiến, lại sợ làm sai nên buộc học trò cũng làm y theo; trò học vẹt, học theo ý của thầy, không được có ý kiến; tất cả đều theo bài mẫu, văn mẫu. 7- Mắc chứng tự hào không nền tảng vì chỉ biết có cái nhìn của mình, trở thành cực đoan trong suy nghĩ  vì không biết cái nhìn của người khác. 8- Khó lòng cải tiến cách thi cử. Việc này ảnh hưởng đến cách dạy và cách học. Do đó dạy thêm và học thêm tràn lan (theo bài “Bản phân tích về việc giáo dục. Nguyên do tạo nên tình trạng hiện nay”. Không rõ tác giả).

 b- Đào tạo những người nam nữ không những có văn hóa mà còn có nhân cách vững mạnh: “Phải tổ chức việc giáo dục những người trẻ thuộc bất cứ thành phần nào trong xã hội, làm sao để đào tạo được những người nam và nữ không những tài giỏi về văn hóa mà còn có một tâm hồn cao thượng, bởi vì thời đại chúng ta đang khẩn thiết đòi phải có những người như vậy” (Hc Mục vụ số 31).
 Thế nhưng, dù có chỉ số thông minh không thua kém gì các nước khác, học sinh và sinh viên Việt Nam lại bị tụt hậu rất xa về mọi lãnh vực so với thanh niên nước ngoài. Trong cuộc hội thảo về đề tài “Hội nhập quốc tế thanh niên” ngày 5-6-2004, chính Trưởng ban Quốc tế kiêm Bí thư trung ương đoàn Thanh niên CS Hồ Chí Minh đã phải thú nhận là thanh niên Việt Nam đang “tụt hậu từ A đến Z” so với thanh niên trong khu vực và thế giới. Trong khi đó thì Giám đốc Trung tâm Giáo dục tổng hợp Trung ương đoàn Thanh niên, qua những số liệu của bộ Kế hoạch và Đầu tư khảo sát về trình độ giáo dục tại 12 nước lân cận trong khu vực Á châu, cũng cho biết một thực tế bi đát khác là chỉ số chất lượng giáo dục của VN đứng hạng chót hay áp chót trong danh sách những nước này. Năm ngoái, Trung Quốc có ra một tài liệu liệt kê 500 trường đại học tốt nhất trên thế giới. Riêng Hoa Kỳ đã có 171 trường, Việt Nam ta lọt sổ!
 Về đạo đức trong giới học sinh, sinh viên, giáo chức VN thì vô số bài viết đã ghi nhận lắm chuyện đau lòng. Ví dụ gần trường cấp hai thường có những điểm chơi điện tử, bi da mà ở đó không thiếu thuốc lá, heroin. Học sinh cấp ba thì có mốt tụ tập ăn nhậu, chui vào động “lắc”, mua sắm thời trang và phá thai chùng lén. 

Sinh viên thì ngoài những tài này còn rành việc đút lót và mua chuộc giảng viên trong chuyện thi cử. Giảng viên đại học thì biết nịnh trên lừa dưới, còn khả năng chuyên môn bất cần. Đậu cao học và tiến sĩ chỉ là chuyện phải đạo với nhau, chưa có ai rớt trong vụ này hết. Bởi thế trong mỗi lớp cao học hay nghiên cứu sinh thì chỉ có 2-3% là học thiệt, còn lại là học giả. Nhiều tiến sĩ, giáo sư VN một chữ ngoại ngữ bẻ đôi cũng không biết. Hỏi ra thì mới hay: nghiên cứu thì thuê người khác làm giúp, còn bằng ngoại ngữ thì mua. Cuối cùng, những con người ưu tú - những tiến sĩ đương đại này được tống ra xã hội, được chèn vào các cơ quan nhà nước ở trung ương và địa phương, để sau đó đất nước có được những đống rác bảo thủ, quan liêu và băng hoại (theo Lý Đợi, Sự băng hoại bốc mùi từ sự thơ của chúng ta).

 c- Phát triển những năng khiếu, khai tâm về những phương tiện, giúp sẵn sàng đối thoại, tạo lương tâm ngay thẳng, giúp nhận biết và yêu mến Thiên Chúa: “Phải giúp trẻ em và thanh thiếu niên phát triển điều hòa những năng khiếu thể xác, luân lý và tinh thần, ý thức dần dần trách nhiệm cách rõ rệt hơn, nhờ luôn cố gắng trau dồi đúng mức đời sống cá nhân và theo đuổi sự tự do chân chính, với lòng can đảm lướt thắng mọi trở ngại. Phải tích cực và thận trọng giáo dục chúng về phái tính tùy từng lứa tuổi. Ngoài ra, phải huấn luyện cho chúng biết tham dự đời sống xã hội, để sau khi được chỉ dẫn đầy đủ về những phương tiện cần thiết và thích hợp, chúng có thể tích cực dấn thân vào những đoàn thể khác nhau của cộng đoàn nhân loại, sẵn sàng đối thoại với người khác cũng như hăng say hoạt động để góp phần thực hiện lợi ích chung… Trẻ em và thanh thiếu niên có quyền được hướng dẫn trong việc phê phán những giá trị luân lý theo lương tâm thẳng thắn, tự ý chấp nhận cùng tuân giữ những giá trị ấy và nhận biết yêu mến Thiên Chúa cách hoàn hảo hơn” (Tuyên ngôn Giáo dục số 1bc).

 Đây xin hãy nghe phần mở đầu “Bản kiến nghị chấn hưng, cải cách, hiện đại hóa giáo dục” của một nhóm 23 nhà giáo, nhà khoa học, nhà văn hóa, đứng đầu là giáo sư Hoàng Tụy, gởi tới Thủ tướng CSVN, do báo Tuổi Trẻ phổ biến đầu năm học 2004-2005: “Chưa bao giờ tình hình giáo dục trở nên bức xúc như hiện nay. Về cả ba phương diện dân trí, nhân lực và nhân tài, những bất cập đều quá rõ: 1- Dân trí thấp, biểu hiện trên lối sống và suy nghĩ, tập quán, tác phong, tư tưởng, ý thức… Đạo đức bị xói mòn, thói gian dối, thiếu trung thực đang tác động nặng nề đến mọi mặt của đời sống xã hội. 2- Nhân lực không đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế. Yếu kiến thức, kém kỹ năng thực hành, ít khả năng xoay xở, thiếu đầu óc tưởng tượng và năng lực sáng tạo, đó là những đặc trưng chất lượng lao động khiến sức cạnh tranh rất thấp. 3- Nhân tài tuy không đến nỗi quá thiếu nhưng phát hiện và bồi dưỡng kém, thiếu cơ hội và điều kiện phát triển. Chất xám bị lãng phí nghiêm trọng dưới nhiều hình thức khác nhau”.

 Rồi với việc độc quyền mọi cấp giáo dục (chỉ cho tôn giáo dạy mẫu giáo), độc quyền mọi sách giáo khoa, kèm theo chủ trương vô thần đấu tranh, đường lối đạo đức cách mạng (đạo đức xã hội chủ nghĩa), CSVN đang tìm cách tiêu diệt ý thức về tôn giáo, cảm thức về Thiên Chúa, xuyên tạc kiến thức về Giáo hội, tri thức về luân lý nhân bản trong các giờ giảng dạy, trong các sách giáo khoa, đặc biệt là môn ngữ văn, lịch sử và công dân giáo dục (ở bậc đại học là các sách nghiên cứu). Song song đó, CS tìm cách cướp lấy ngày chủ nhật (là ngày học giáo lý) của học sinh (qua chiêu bài học thêm), thậm chí còn cướp lấy ngày lễ Giáng sinh (đề ra thi cử). Trong bộ Bách khoa Từ điển Việt Nam thì CS cố ý viết sai các từ tôn giáo và trình bày sai các khái niệm tôn giáo cũng chỉ vì mục đích nói trên. 

 5. PHÁT TRIỂN MẶT TÔN GIÁO
 Từ Tuyên ngôn Giáo dục số 1c như ta vừa thấy trên, công đồng Vatican II đã mở ra ý tưởng phát triển về tôn giáo trong xã hội loài người. Nhưng chính trong Tuyên ngôn về Tự do tôn giáo mà công đồng sẽ đề cập vấn đề này cách chi tiết hơn.
 a- Tự do tôn giáo là quyền của con người và phải được cơ cấu pháp lý của xã hội chấp nhận: “Công đồng tuyên bố con người có quyền tự do tôn giáo. Quyền này hệ tại việc con người không bị chi phối vì sự cưỡng bách của cá nhân, đoàn thể xã hội hay của bất cứ quyền bính trần gian nào khác. Với ý nghĩa đó, trong lãnh vực tôn giáo, không ai bị ép buộc hành động trái với lương tâm, cũng không ai bị ngăn cấm hành động theo lương tâm, dù cho đó là hành động riêng tư hay công khai, một mình hay cùng với người khác, trong những giới hạn chính đáng. Hơn nữa, Công đồng còn tuyên bố rằng tự do tôn giáo thực sự được xây dựng trên phẩm giá con người, một phẩm giá đúng như lời Thiên Chúa mạc khải và chính lý trí cho biết được. Quyền tự do của con người trong cơ cấu pháp lý của xã hội phải được chấp nhận là một quyền lợi dân sự” (Tuyên ngôn Tự do Tôn giáo số 2a).

 Câu cuối cùng này cho thấy một xã hội muốn phát triển thực sự phải công nhận quyền tự do tôn giáo thực sự chứ không phải thứ quyền tự do tôn giáo ngoài vỏ, phải chấp nhận nó như một quyền lợi dân sự chứ không phải như thứ ân huệ hay kiểu tạm dung của nhà nước. Thế nhưng, việc CSVN ban hành lần lượt Sắc lệnh 234 của Hồ Chí Minh năm 1955, nghị quyết 297 của Hội đồng bộ trưởng năm 1977, nghị quyết 24 của Bộ chính trị năm 1990, nghị định 69 của Hội đồng bộ trưởng năm 1991, chỉ thị 379 của Thủ tướng năm 1993, chỉ thị của Bộ chính trị năm 1998, nghị định 26 của Thủ tướng năm 1999, nghị quyết của Ban chấp hành trung ương năm 2003, Pháp lệnh Tôn giáo của Quốc hội năm 2004, Nghị định Tôn giáo của Chính phủ năm 2005 ­ việc Nhà nước thành lập lần lượt Ủy ban Liên lạc Công giáo rồi Ủy ban Đoàn kết Công giáo (để lũng đoạn Giáo hội Công giáo), Giáo hội Phật giáo Việt Nam (1994, để loại trừ Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất), các Hội thánh Cao đài Tiên Thiên (1995), Minh Chân đạo (1996), Tam kỳ phổ độ (1997) (để loại trừ Hội thánh Cao đài chân chính), Giáo hội Phật giáo Hòa Hảo quốc doanh (để loại trừ Giáo hội Phật giáo Hòa Hảo thuần túy), Hội thánh Tin lành miền Nam Việt Nam (để loại trừ các Hội thánh Tin Lành khác như Mennonite, Phúc âm….) đều cho thấy tự do tôn giáo tại Việt Nam như thế nào, xây dựng trên cái gì và được cơ cấu pháp lý của xã hội công nhận ra sao.
 Bởi thế mà tông huấn “Giáo hội tại Á châu” số 23.3 phải lên tiếng: “Giáo Hội ý thức rằng tại nhiều nơi của Châu Á làm chứng một cách thầm lặng bằng cuộc sống vẫn là con đường duy nhất để loan báo Nước Thiên Chúa. Đó là những nơi còn bị cấm loan báo công khai, tự do tôn giáo bị phủ nhận hay bị hạn chế một cách hệ thống”. 

 b- Chính quyền không được ép buộc hay ngăn cản việc hành đạo, trái lại phải nhìn nhận và nâng đỡ đời sống tôn giáo:  “Vì việc hành đạo, tự bản chất, trước hết ở tại những hành vi ý chí tự do bên trong, hướng con người thẳng tới Thiên Chúa. Những hành vi này không thể bị một quyền bính thuần nhân loại nào ép buộc hay ngăn cản. Đàng khác, chính bản tính xã hội của con người đòi họ phải diễn tả những hành vi tôn giáo bên trong ra bên ngoài, thông truyền cho nhau trong lãnh vực tôn giáo, tuyên xưng đạo của mình dưới hình thức cộng đoàn. 

Vậy chối bỏ quyền tự do hành đạo của con người nơi xã hội, trong trường hợp trật tự công cộng vẫn được bảo đảm, tức là nhục mạ con người và trật tự mà Thiên Chúa đã ấn định cho con người… Bởi vậy, quyền bính dân sự, vì mục đích riêng biệt là phục vụ công ích trần thế, nên phải nhìn nhận và nâng đỡ đời sống tôn giáo của công dân”. (Tuyên ngôn Tự do tôn giáo số 3).

 Tất cả chúng ta đều biết những quyền tự do dân chủ đều có tính toàn cầu, bất khả phân, liên lập và liên quan với nhau. Do đó, theo giải thích của luật gia Nguyễn Hữu Thống, muốn truyền giáo và hành đạo, ngoài quyền tự do tôn giáo, các cá nhân và hội đoàn còn phải được hưởng quyền tự do tư tưởng, tự do phát biểu, tự do hội họp, tự do lập hội (thành lập Giáo hội). Tự do tôn giáo gồm hai quyền: 1) Quyền thành lập Tôn giáo và Giáo hội dành cho công dân (Hiến pháp Hoa Kỳ gọi là Establishment Clause). 

Nghĩa là nhà nước không được thành lập những Giáo hội nhà nước, Giáo hội quốc doanh để tước đoạt tư cách pháp nhân của các Giáo hội dân lập đã hoạt động từ trước, như Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, các Giáo hội Cao Đài, Hòa Hảo và các Hội thánh Tin Lành v.v... 2) Ngoài ra nhà nước không được can thiệp, kiểm soát hay giám sát các Giáo hội trong các sinh hoạt tôn giáo. 

Đó là Quyền tự do Truyền giáo và Hành đạo (Hiến pháp HK gọi là Free Exercise Clause). Quyền này cho các Giáo hội được sinh hoạt tự trị. 

 Do đó, nếu vì thiện ý nhìn nhận và nâng đỡ đời sống tôn giáo mà Nhà nước đưa ra một đạo luật tôn giáo nào đó, thì đạo luật này phải dành cho công dân quyền tự do thành lập tôn giáo và dành cho các Giáo hội quyền sinh hoạt tự trị. Vì thế chế độ đăng ký, chấp thuận hay “xin-cho” phải bị hủy bỏ. Chỉ khi nào có sự vi phạm luật pháp, hiến chương, điều lệ hay nội quy, lúc đó nhà cầm quyền mới can thiệp. Thế nhưng, Pháp lệnh Tôn giáo 2004 được ban hành nói là để bảo đảm tự do tôn giáo, kỳ thực nó vẫn theo đường lối cố hữu là tiêu diệt tôn giáo theo chủ thuyết và đàn áp tôn giáo trong chính sách. 

Bởi lẽ đối với Cộng Sản, tôn giáo là thuốc phiện mê dân. Điều này dễ dàng nhận ra qua chủ trương tuyên truyền bêu xấu tôn giáo trong đảng, đoàn, công an, quân đội, trường học, giáo khoa, báo chí cũng như qua việc không cho các tôn giáo lên tiếng “trên quảng trường đường phố”, thậm chí còn trên xa lộ thông tin. Bởi đó VN rơi vào một cơn khủng hoảng đạo đức ngày càng trầm trọng nơi đủ mọi giới thì cũng chẳng có gì là lạ!

 Thành ra, dù có ký thêm một thỏa ước về tự do tôn giáo với Hoa Kỳ đầu tháng 5-2005, có cử ban Tôn giáo sang Vatican cuối tháng 6-2005 để bàn thảo việc thiết lập bang giao, nhưng bao lâu còn giữ chế độ độc tài Mác xít vô thần, CSVN vẫn không bao giờ thực tâm nhìn nhận và nâng đỡ đời sống tôn giáo của công dân.

 c- Các quyền của cộng đoàn tôn giáo cần phải được Nhà nước tôn trọng: “Các cộng đoàn tôn giáo phải được (quyền) tự do để hoạt động theo những quy luật riêng, công khai phụng thờ Đấng Tối Cao, giúp đỡ các tín hữu trong việc thực thi đời sống tôn giáo, nuôi dưỡng họ bằng giáo lý, phát triển các tu hội, trong đó các phần tử cộng tác với nhau để tổ chức đời sống riêng theo những nguyên tắc tôn giáo của họ… quyền đòi các cơ quan lập pháp, hành pháp dân sự không được ngăn cản việc chọn lựa, đào tạo, bổ nhiệm và thuyên chuyển các viên chức riêng của mình, việc liên lạc với giáo quyền và những cộng đoàn tôn giáo ở những nơi khác trên hoàn cầu, việc thiết lập các cơ sở tôn giáo cũng như thu hoạch và quản trị những tài sản thích hợp… quyền công khai giảng dạy và minh chứng đức tin của mình bằng lời nói và bằng chữ viết mà không bị cấm cản…. (quyền) không bị ngăn cản trong việc tự do biểu lộ các hiệu năng riêng của giáo thuyết mình trong việc tổ chức xã hội và làm cho toàn thể sinh hoạt nhân loại được sống động… quyền tự do hội họp hay thành lập những hiệp hội giáo dục, văn hóa, từ thiện và xã hội do cảm thức tôn giáo thúc đẩy” (Tuyên ngôn Tự do tôn giáo số 4).


 Nhưng nghiên cứu kỹ Pháp lệnh tôn giáo, người ta thấy CSVN đang quấn quanh cổ các Giáo hội một sợi xích sắt năm vòng. Đó là: a) siết chặt cương vị của tôn giáo; b) siết chặt nhân sự của tôn giáo; c) siết chặt hoạt động của tôn giáo; d) kiểm soát tài sản của tôn giáo; e) kiểm soát liên lạc của tôn giáo (xin xem bài “Sợi xích sắt năm vòng” của chúng tôi). Chính vì thấy rõ hoàn cảnh này, một hoàn cảnh gây nguy hại cho việc phát triển đất nước Việt Nam, mà trong bức thư gởi Hội đồng GMVN đi “ad limina” ngày 22-1-2002, Đức Gioan-Phaolô II đã tóm gọn các số 3-4 này của Tuyên ngôn Tự do tôn giáo: “Thiện ích rất quý giá là tự do tôn giáo… vừa có liên quan tới cá nhân cũng như tới các cộng đồng tôn giáo. Đối với các cá nhân, tự do tôn giáo bảo đảm quyền tuyên xưng đạo và thực hành đạo của mình mà không bị cưỡng bách, quyền được giáo dục theo các nguyên tắc đức tin của mình, quyền theo ơn gọi tu trì và thực hiện những hành vi, tư cũng như công, nói lên quan hệ nội tâm nối kết con người với Thiên Chúa và với anh chị em đồng bào và đồng loại. 

Đối với các cộng đồng tôn giáo, tự do tôn giáo bảo đảm các quyền cơ bản như: tự quản, cử hành việc phụng tự công cộng mà không bị hạn chế, giảng dạy công khai đức tin của mình 

No comments:

Post a Comment

Nhân quyền và bạo quyền

VTV-[Trang Lê Mới Nhất] chửi từ nhà ra phố, Trọng Lú sợ vỡ mật

https://www.youtube.com/results?search_query=Trang+L%C3%AA+%28B%C3%A0+Ngo%E1%BA%A1i%29

Featured Post

Bản Tin cuối ngày-19/11/2024

Popular Posts

My Blog List