Thursday, September 29, 2016

Hai năm sau cách mạng Dù : Nghị trường Hồng Kông hứa hẹn sóng gió


http://news.memehk.com/img/post/12147_2015-11-19_112815.jpg

Hồng Kông kỷ niệm 2 năm phong trào cách mạng Dù

mediaBa phút im lặng nhân kỷ niệm 2 năm phong trào Dù vàng, Hồng Kông, 28/09/2016.REUTERS/Bobby Yip
Hôm nay 28/09/2016, hàng trăm người biểu tình che dù màu vàng đã dành 3 phút mặc niệm trước trụ sở chính quyền Hồng Kông nhân kỷ niệm 2 năm phong trào đòi dân chủ, yêu cầu Bắc Kinh chấp nhận bầu cử phổ thông đầu phiếu thật sự.
Vào mùa thu 2014, hàng chục ngàn người biểu tình đã làm tê liệt nhiều khu phố ở Hồng Kông trong suốt hơn 2 tháng để đòi bầu cử theo thể thức phổ thông thật sự khi bầu lãnh đạo hành pháp vào năm 2017 và đòi những cải tổ dân chủ khác. Thế nhưng Bắc Kinh đã dứt khoát không đáp ứng những yêu sách đó.
Vào đúng 17 g 58, giờ địa phương, hôm nay, những người tham gia lễ kỷ niệm đã dành 3 phút mặc niệm, vì đó là lúc mà cách đây đúng hai năm, cảnh sát Hồng Kông đã bắn hơi cay vào người biểu tình, những người này đã dùng những cây dù để chống hơi cay.
Ngày kỷ niệm phong trào được mệnh danh là “ cách mạng dù ” diễn ra vào lúc ngày càng có nhiều người dân Hồng Kông cảm thấy rằng Bắc Kinh đang tăng cường kiểm soát đặc khu hành chính này, được giao trả cho Trung Quốc vào năm 1997. Theo dự kiến, Hồng Kông vẫn được hưởng các quyền tự do cho đến năm 2047, theo nguyên tắc “ Một quốc gia, hai chế độ ”. Thế nhưng nhiều người dân Hồng Kông nay nhận thấy là các quyền tự do đó đang bị đe dọa bởi sự can thiệp của Bắc Kinh.


Hai năm sau cách mạng Dù : Nghị trường Hồng Kông hứa hẹn sóng gió

mediaQuan điểm đòi độc lập với Trung Quốc ngày càng được nhiều người Hồng Kông ủng hộ.Ảnh : Reuters

Hồng Kông kỷ niệm hai năm ngày bùng nổ phong trào đòi dân chủ Ô/Dù Vàng (28/09/2014) đúng vào dịp Nghị Viện mới chuẩn bị nhóm họp, với nhiều thành viên vốn là các lãnh đạo của phong trào nói trên. Theo nhiều nhà quan sát, các dân biểu trẻ tuổi và có xu hướng đòi độc lập với Trung Quốc có thể khiến chính trường Hồng Kông rất khó dự báo trong những tháng tới.

Bầu cử Hội Đồng Lập Pháp Hồng Kông đầu tháng 9/2016 - cuộc bầu cử quan trọng nhất kể từ phong trào đòi dân chủ mùa thu 2014 - cho phép các dân biểu “nổi loạn” bước vào vũ đài chính trị, trong lúc dân chúng đặc khu càng ngày càng cảm thấy Bắc Kinh siết chặt kiểm soát đối với vùng đất cựu thuộc địa của Anh Quốc. Một khu vực vốn được hưởng các quyền tự do mà dân chúng Hoa lục chưa từng biết đến, thể theo nguyên tắc “một quốc gia, hai chế độ”, cho đến năm 2047.

Tuy nhiên, trên thực tế, cử tri Hồng Kông cho đến nay vẫn không có cơ hội trực tiếp bầu ra người đứng đầu chính quyền, do các ngăn cản từ Bắc Kinh. Cuộc phản kháng kéo dài 79 ngày năm 2014, còn gọi là phong trào Chiếm lĩnh trung tâm hay phong trào Ô/Dù Vàng, có mục tiêu đòi hỏi quyền này. Bất chấp phong trào được huy động rất mạnh mẽ, đông đảo dân chúng đặc biệt là giới trẻ tham gia và chủ yếu diễn ra một cách ôn hòa, chính quyền Bắc Kinh đã không lùi một phân.

Trước hết là "quyền tự quyết"
Thất bại trong cuộc chiến trên đường phố, kể từ đó, phong trào đòi dân chủ chuyển hướng sang vận động tranh cử. Trong cuộc bầu cử vừa qua, ít nhất 5 nhà chính trị có quan điểm Hồng Kông tự trị hay đòi độc lập, đã đắc cử. Tất cả các tân nghị sĩ đều đã từng tham gia phong trào 2014. Vào thời điểm phong trào phản kháng bùng nổ hai năm trước, đòi độc lập cho Hồng Kông vẫn còn là một khẩu hiệu tranh đấu xa lạ đối với giới dân chủ, thậm chí là một điều kiêng kỵ. Phong trào Dù Vàng đã sản sinh ra cả một thế hệ chính trị gia hết sức trẻ. 

Trước thềm phiên họp đầu tiên của Nghị Viện mới – nhóm họp vào giữa tháng 10/2016, AFP phỏng vấn các tân nghị sĩ đòi tự trị và một số nhà phân tích.

Theo ông La Quán Thông (Nathan Law), 23 tuổi, dân biểu trẻ tuổi nhất, quan điểm của ông và đảng Demosisto là không trực tiếp đòi độc lập cho Hồng Kông, nhưng đòi quyền tự quyết cho người Hồng Kông, và “độc lập là một trong các khả năng”. Còn ông Chu Khải (Eddie Chu), 38 tuổi (sinh ra tại Hoa lục), nổi tiếng với cuộc chiến chống lại nạn thôn tính địa ốc tại Hồng Kông, cũng cho rằng “cần phải lấy lại quyền tự quyết”, bởi mọi khả năng đòi dân chủ khác đã thất bại. Dân biểu Chu Khải nhấn mạnh là “giữa thay đổi Hiến pháp và tìm kiếm độc lập, tất cả các giải pháp đối với tôi đều có thể chấp nhận được”.

Nghị sĩ Chu Khải là một trong những người phải trả giá đắt nhất cho cuộc chiến đòi quyền tự quyết cho người dân Hồng Kông. Sau khi đắc cử với số phiếu kỷ lục (hơn 84.000), ông Chu Khải đối mặt với nhiều đe dọa sát hại. Hiện tại ông phải rời sống cùng gia đình dưới sự bảo vệ của cảnh sát.

Ngoài dân biểu trẻ nhất và rất nổi tiếng La Quán Thông và ông Chu Khải, AFP giới thiệu một gương mặt khác trong số các nghị sĩ mới có lập trường đòi tự quyết : cô Du Huệ Trinh (Yau Wai-ching), sinh năm 1991. Du Huệ Trinh cũng là người đã thật sự trưởng thành về chính trị qua phong trào Ô/Dù Vàng 2014, mặc dù trước đó người sinh viên tiếng Hoa này cũng đã ý thức được về nguy cơ của nạn tẩy não trong giáo dục Hồng Kông, do ảnh hưởng ngày càng gia tăng của Hoa lục.

Du Huệ Trinh vốn là thành viên của nhóm Youngspiration/Thanh niên Tân Chánh, tức phong trào chính trị bảo vệ bản sắc và lợi ích của cư dân địa phương chống lại các ảnh hưởng từ Hoa lục với làn sóng nhập cư, du lịch. Du Huệ Trinh là tin rằng Hồng Kông độc lập sẽ giúp cho cư dân thành phố có thể tự mình giải quyết các vấn đề quan trọng nhất trong đời sống của họ.

Tranh đấu trên nghị trường hay tiếp tục xuống đường ?
Cho đến nay, chính quyền Trung Quốc thường xuyên đe dọa không khoan thứ cho việc tranh luận về chủ đề độc lập “ở bên trong hay bên ngoài Nghị Viện”. Trong cuộc bầu cử vừa qua, mặc dù được cử tri ủng hộ rất cao, nhưng rút cục phe dân chủ chỉ giành được 30 trên tổng số 70 ghế nghị sĩ, do cơ chế bầu cử với hai nhóm đơn vị bầu cử - một cho các đơn vị dân cư, một cho các ngành nghề - rất có lợi cho phe thân Bắc Kinh.

Cho dù trước mắt các dân biểu phe dân chủ tỏ ra nhún nhường, nhưng theo các nhà phân tích, có nhiều khả năng đụng độ sẽ quyết liệt tại nghị trường. Theo nhà chính trị học Joseph Chang, “các dân biểu đòi độc lập sẽ sử dụng mọi vấn đề thích hợp để khẳng định một cách rõ ràng lập trường của họ” và năm đầu tiên của Nghị Viện mới sẽ “khó khăn và hỗn loạn”.

Tất cả các thành phần thân Trung Quốc, ủng hộ việc duy trì nguyên trạng chế độ chính trị Hồng Kông sẽ hợp sức chống lại quan điểm đòi độc lập, trong khi các tân nghị sĩ chủ trương tự quyết sẽ có thể bị chính phe dân chủ - gồm nhiều thành viên thuộc thế hệ lớn tuổi - phản đối (*).

Trong tình thế đứng giữa hai làn đạn như vậy, theo nhiều nhà quan sát, đông đảo cử tri cho rằng các tân nghị sĩ đòi tự quyết sẽ tập trung vào một loạt các vấn đề xã hội bức thiết đối với Hồng Kông, như vấn đề làm sao để người dân Hồng Kông có được chỗ ở với giá cả không quá cao.

Tuy nhiên, nhìn chung đạt được một đồng thuận trong lĩnh vực này cũng không phải là một điều dễ dàng. Theo nhà phân tích chính trị Willy Lam, rất có thể là, nếu các đòi hỏi dân chủ không tạo nên chuyển biến tại Hội Đồng Lập Pháp, các tân nghị sĩ một lần nữa sẽ kêu gọi xuống đường.

Lễ tuyên thệ : Dịp thể hiện thái độ không thần phục
Còn trên nghị trường, một trong những dịp đối đầu đầu tiên giữa phe thân Trung Quốc và các nghị sĩ đòi tự quyết là lễ tuyên thệ nhậm chức ngày 12/10.

Theo báo South China Morning Post, trong một cuộc họp báo hôm qua, Văn phòng Nghị Viện Hồng Kông cảnh báo các nghị sĩ không được thay đổi lời tuyên thệ chính thức. Một viên chức của văn phòng này nhấn mạnh, theo Luật cơ bản Hồng Kông (được coi là Hiến pháp Hồng Kông), trong tuyên thệ nhậm chức, người dân biểu mới phải đọc nguyên văn, không được thêm bớt từ nào.

Cho đến nay, ít nhất hai dân biểu tuyên bố sẽ tuyên thệ theo cách riêng trong buổi lễ 12/10. Đó là hai nghị sĩ La Quán Thông và Lương Tụng Hằng (tức Sixtus "Baggio" Leung Chung-hang). Nghị sĩ La Quán Thông không cho biết ông sẽ làm gì, trong khi đó ông Lương Tụng Hằng – cũng là một người ủng hộ độc lập – cho biết ông sẽ có “các cử chỉ mang tính biểu tượng” để bày tỏ thái độ phản đối việc tuyên thệ, mà ông buộc phải thực hiện. Nghị sĩ Lương Tụng Hằng cũng cho biết thêm, có thể ông sẽ nói “Tôi tuyên thệ trước nhân dân Hồng Kông”.

Theo truyền thống, nếu đọc sai lời tuyên thệ, dân biểu Hồng Kông thường được yêu cầu đọc lại. Bên cạnh đó, dân biểu được điều 77 của Luật cơ bản bảo vệ, khiến họ không thể bị truy tố cho dù có đưa ra các tuyên bố trái ngược với lời tuyên thệ. Trong cuộc trả lời họp báo hôm qua, Văn phòng Nghị Viện Hồng Kông cũng nêu ra khả năng dùng đến điều 79 "Hiến pháp", cho phép đưa vụ việc ra trước Nghị Viện. Dân biểu xâm phạm lời tuyên thệ có thể bị trừng phạt, nếu hai phần ba nghị sĩ yêu cầu. Tuy nhiên, khả năng này khó xảy ra, bởi hiện tại phe thân Bắc Kinh chỉ kiểm soát 40 trên 70 ghế, tức không hội đủ hai phần ba.
-----
(*) Tuy nhiên, cũng theo nhà báo Karen Cheung (Hong Kong Free Press), dường như đa số các nghị sĩ trẻ thuộc phe dân chủ truyền thống (không đòi tự quyết) nay không còn tin vào giải pháp "chuyển giao dân chủ" - một hy vọng hình thành từ những năm 1980, theo đó chính quyền Bắc Kinh sẽ cải cách chính trị sau khi chuyển đổi kinh tế, và sẽ thiết lập nền dân chủ tại Hồng Kông (bài "Two years after the Occupy protests, Hong Kong’s Legislative Council sees a generational shift in politics", đăng tải trên trang Opendemocracy.net, ngày 27/09/2016).

__._,_.___

Posted by: Dien bien hoa binh 

No comments:

Post a Comment

Nhân quyền và bạo quyền

VTV-[Trang Lê Mới Nhất] chửi từ nhà ra phố, Trọng Lú sợ vỡ mật

https://www.youtube.com/results?search_query=Trang+L%C3%AA+%28B%C3%A0+Ngo%E1%BA%A1i%29

Featured Post

Lisa Pham Vấn Đáp official-16/1/2025

Popular Posts

My Blog List