Saturday, December 2, 2017

Thêm một phiên toà vô đạo

Thêm một phiên toà vô đạo

 
Ngày 30.11.2017, trong một phiên xử phúc thẩm (*) tránh tranh tụng với luật sư và chỉ sau 15 phút « nghị án », toà án tỉnh Khánh Hoà đã xử y án 10 năm tù cho blogger Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, người có tội duy nhất là lên tiếng (một cách hoà bình) chống tội ác của Formosa và đồng bọn đối với môi trường sống của người Việt.
Trong mục « Thấy trên mạng », Diễn Đàn đã đưa nhiều tin tức về phiên toà bỉ ổi và bản án vô đạo này cùng với phản ứng của dư luận trong và ngoài nước. Để bạn đọc tiện lưu lại và theo dõi các tin tức đó, chúng tôi xin đăng lại dưới đây toàn văn bài viết Chuyện của Quỳnh của bà Nguyễn Tuyết Lan, mẹ cô và một số phản ứng chung quanh phiên toà (chúng tôi cũng cố gắng đưa đường dẫn về các bài gốc, hoặc các trang Facebook, ít khả năng bị tường lửa hơn một số trang khác).
D.Đ.

(*) Xem các thông tin về vụ xử sơ thẩm ngày 29,6,2017 trong bài Chúng ta là Mẹ Nấm..., và tóm tắt của trang Luật Khoa tạp chí về quá trình hoạt động của chị: HIểu về Mẹ Nấm trong 5 phút.
Mẹ Nấm hiên ngang trước toà

Chuyện của Quỳnh


Lúc 7 giờ 10 phút sáng nay, 30/11/2017, tôi cùng cô Trịnh Kim Tiến đến trụ sở Tòa án tỉnh Khánh Hòa để dự phiên phúc thẩm xử con gái tôi Nguyễn Ngọc Như Quỳnh (blogger Mẹ Nấm).
Khi vừa đến trước cổng tòa thì chúng tôi lập tức bị chặn lại bởi lực lượng đông đảo gồm công an giao thông, công an chống bạo động và quản lý đô thị…
Mặc dù đã trình bày rằng tôi là mẹ ruột của Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, hôm nay đến tham dự phiên tòa của con gái tôi, nhưng họ vẫn dứt khoát không cho vào. Không kìm được nỗi uất ức, tôi buộc lòng phải xô đẩy thanh chắn hàng rào và thét lớn: ”Sao nói xử công khai nhưng các ông lại không cho tôi vào? Tôi là mẹ ruột của Nguyễn Ngọc Như Quỳnh”.
Trong lúc đang giằng co, lôi kéo thì một cán bộ an ninh tỉnh tên Lâm xuất hiện. Ông ta chấp thuận để tôi đi vào tham dự phiên tòa nhưng phải có sự kèm cặp chặt chẽ từ lực lượng an ninh.
Vào đến cổng tòa án, tôi bắt đầu phải trải qua những thủ tục kiểm tra an ninh nghiêm ngặt giống như phiên xử sơ thẩm hồi tháng 6. Tiếp đến, họ áp giải tôi vào đúng căn phòng mà trước đó tôi đã phải ngồi nghe họ kết án Quỳnh tại phiên sơ thẩm, nghĩa là tôi chỉ được nhìn con qua màn hình và chỉ được nghe qua chiếc loa không rõ tiếng.
Lúc 7 giờ 50 phút, phiên tòa phúc thẩm chính thức bắt đầu. Âm thanh duy nhất mà tôi có thể nghe được rõ tiếng là của chủ tọa phiên tòa, nhưng khi các luật sư, kiểm sát viên và Quỳnh phát biểu thì âm thanh trở nên lúc được, lúc không.
Khi đến phần tranh tụng, ba vị luật sư là Nguyễn Hà Luân, Nguyễn Khả Thành và Hà Huy Sơn đã thực hiện rất tốt công việc bào chữa cho Quỳnh. Các luật sư chỉ ra những vi pham tố tụng nghiêm trọng trong quá trình xét xử, đồng thời đưa ra những luận cứ khẳng định việc làm của Quỳnh đều là những quyền cơ bản của công dân và quyền con người đã được ghi rõ trong hiến pháp…
Thêm vào đó, hai luật sư nguyễn Khả Thành và Nguyễn Hà Luân đã nêu lên những vi phạm trong quá trình tố tụng, nhất là việc giám định tư tưởng và giám định văn hóa được ghi trong cáo trạng.
Các luật sư cũng yêu cầu phải được đối chất với những giám định viên này, gồm 3 người sau đây:
1. Nguyễn Thọ: Người giám định những bài viết của Quỳnh, được ban Tuyên giáo tỉnh Khánh Hòa đóng dấu chứng nhận.
2. Lê Minh Hương: Người giám định những bài viết của Quỳnh, được sở Văn hóa Thông tin tỉnh Khánh Hòa đóng dấu chứng nhận.
3. Hoàng Chi Chi: Người giám định các bài viết của Quỳnh, được báo Khánh Hòa chứng nhận.
Tuy nhiên, chủ tọa phiên tòa phúc thẩm là ông Vũ Thanh Liêm đã viện lý do các giám định viên - người thì bận đi tiếp xúc cử tri, người thì bận đi công tác nên không có mặt tại tòa để tham gia đối chất
Khi chủ tọa phiên tòa hỏi đại diện Viện kiểm sát có muốn tranh tụng với các luật sư hay không thì người này trả lời một cách lí nhí rồi lờ đi.
Được nói lời sau cùng, con gái tôi Nguyễn Ngọc Như Quỳnh khẳng khái nói: “Nếu làm lại từ đầu, tôi vẫn chọn con đường này. Một đất nước nếu muốn phát triển và cường thịnh thì phải biết lắng nghe tiếng nói đa chiều…” Nói đến đây thì lập tức chủ tọa phiên tòa bèn ngắt lời và yêu cầu Quỳnh phải nói lại, Quỳnh cũng cũng lập lại những lời trên. Đến lần thứ ba, một viên thẩm phán hỏi:
- Có phải bị cáo đã làm đơn kháng cáo để xem xét lại bản án không?
Quỳnh trả lời:
- Đúng! Tôi thấy tôi không có tội nên đã làm đơn yêu cầu hội đồng xét xử xem xét lại bản án sơ thẩm.
Viên thẩm phán này liền nói “Như thế là đủ” rồi tuyên bố nghị án. Khoảng 15 phút sau, họ trở ra và tuyên bố y án sơ thẩm 10 năm tù giam đối với con gái tôi.
Lúc 11 giờ 15 phút, phiên tòa kết thúc, tôi ra về với lòng phẫn uất tột cùng. Tôi không hề hy vọng sẽ có giảm án, nhưng tôi thất vọng vì bao nhiêu công sức của gia đình, của con gái tôi và các luật sư đã không được hồi đáp bằng một cuộc tranh tụng sòng phẳng về mặt pháp lý, mà thay vào đó chỉ là những thủ đoạn quy chụp một cách vô căn cứ.
Bước ra khỏi phiên tòa trong nỗi thất vọng và uất ức tràn trề, tôi cùng Trịnh Kim Tiến và bạn bè của Quỳnh đã hô to: “Phản đối phiên tòa bất công”, “Con tôi vô tôi”, “Phản đối phiên tòa bịt miệng những người đòi công lý”…
Ngay lập tức, tất cả chúng tôi bị những người an ninh thường phục xông vào đánh đập thô bạo. Trong lúc hỗn loạn, tôi đã bị họ đánh rất mạnh vào mặt và đầu. Trịnh Kim Tiến cũng bị bọn chúng đạp mạnh từ phía sau khiến cô ngã lăn xuống đất, rồi hàng chục viên an ninh Khánh Hòa – gồm cả nam lẫn nữ - xông đến tung những cú đá rất mạnh vào đầu và sườn của Tiến.
Em trai tôi vội chạy đến đỡ đòn cho cả tôi và Tiến thì cũng bị họ đánh hội đồng không hề nương tay. Cô Trần Thị Thu Nguyệt, cháu Nguyễn Peng cũng bị đánh như kẻ thù. Sau đó, họ bắt rất nhiều người lên xe mặc cho tiếng kêu gào vô vọng của tôi.
Khi viết lại những dòng này, khắp người tôi vẫn còn cảm thấy rất đau đớn, càng đau đớn hơn khi những kẻ đánh đập tôi hôm nay cũng chỉ đáng tuổi con, cháu của mình.
Một ngày rất buồn trong cuộc đời tôi!
Nguồn : FB của tác giả. Trên trang này, bạn đọc có thể đọc nhiều bài khác liên quan.

Nguyễn Tuyết Lan



Bài liên quan:


Tường thuật của nhà báo Phạm Đoan Trang : Y án với Mẹ Nấm, đánh và bắt người ủng hộ 
Tường thuật của Trịnh Kim Tiến về vụ đàn áp sau phiên toà  : Anh là ai? Kỳ 1  và  Kỳ 2, kèm theo video quay cận cảnh CA đánh phụ nữ dã man bên ngoài phiên tòa Mẹ Nấm - YouTube
Phản ứng của Luật sư Hà Huy Sơn, một trong ba luật sư bào chữa cho Mẹ Nấm : "nặng hơn án giết người";  và của các nhà hoạt động nhân quyền :  “Đàn áp, bỏ tù không làm chúng tôi nản lòng!”
Bình luận của bloggẻr Hiệu Minh : "Mẹ Nấm đi tù và Phương Uyên du học Mỹ
Nếu phải đi trở lại, tôi vẫn đi đường này. Lời cuối của Nguyễn Ngọc Như Quỳnh trước Tòa phúc thẩm 30/11/2017 cũng là câu mở đầu  bài thơ Ballade de celui qui chanta dans les supplices của nhà thơ CS Pháp Louis Aragon trong kháng chiến chống phát xít Đức. Nhà thơ Hoàng Hưng đã đưa lên FB của anh bản dịch toàn văn bài thơ của Aragon sau khi đọc tường thuật của bà mẹ của Như Quỳnh :  Bài ca của người hát trong hình ngục.
Sau cùng, không thể quên, chỉ mấy ngày trước đó, toà án tỉnh Hà Tĩnh đã tuyên án 7 năm tù giam và 3 năm quản chế cho anh Nguyễn Văn Hoá, một thanh niên 22 tuổi, cũng chỉ vì "tội" đưa lên mạng xã hội những tin tức có thật nhưng không vừa ý đảng cộng sản: những cuộc biểu tình của dân chúng Hà Tĩnh phản đối Formosa xả thải đầu độc biển miền Trung. Xem tin tổng hợp trên VOA 27.112017. Theo bản tin này, "Trên bảng Chỉ số Tự do Báo chí Thế giới 2017 do tổ chức Phóng viên Không Biên giới (RSF) thực hiện, Việt Nam xếp gần chót, ở vị trí 175 trên 180 quốc gia được khảo sát".
__._,_.___

Posted by: Dien bien hoa binh 

No comments:

Post a Comment

Nhân quyền và bạo quyền

VTV-[Trang Lê Mới Nhất] chửi từ nhà ra phố, Trọng Lú sợ vỡ mật

https://www.youtube.com/results?search_query=Trang+L%C3%AA+%28B%C3%A0+Ngo%E1%BA%A1i%29

Featured Post

Bản Tin cuối ngày-19/11/2024

Popular Posts

My Blog List