A lô! Lương tri có nghe tôi rõ không?
Tạp ghi Huy Phương
Blogger Mẹ Nấm (trái) tại phiên tòa ở Nha Trang, bị tuyên án 10
năm tù. (Hình: STR/AFP/Getty Images)
Nhân chuyện có tình trạng gian dối của người sản xuất hiện nay ở
Việt Nam, như chuyện hai chuồng lợn, hai luống rau, một để ăn, một để bán; rồi
bơm hóa chất vào tôm, dùng thịt ôi làm ruốc, Bộ Trưởng Y Tế Nguyễn Thị Kim Tiến
đã phát biểu: “Phải kêu gọi lương tri của người sản xuất để
họ không vì lợi nhuận mà cố tình làm trái pháp luật, bất chấp tính mạng, sức
khỏe người tiêu dùng.”
Lương tri là gì? Có lương tri không? Lương tri ở đâu? Ai là người
đứng ra kêu gọi lương tri? Để tôi ra đường bắc loa gọi lớn tìm lương tri về, vì
đất nước này, lương tri đi vắng đã lâu: “A lô! Lương tri nghe tôi rõ không? Có
người đang kêu gọi lương tri!”
Lương tri được xem như là cái trí thức người ta
vốn biết, không cần phải suy nghĩ và học tập mới biết. Như vậy, nói chung đó là
bản chất vốn có của con người, biết phải trái, biết thiện ác. Nếu định nghĩa
như vậy, thì hiện nay con người cộng sản trong
nước không có lương tri, vì đảng được nuôi dưỡng bằng giáo điều, sách lược,
cương lĩnh, đường lối, qui định, phương hướng… Những điều này đã giết chết
con người Việt Nam vốn chơn chất, đôn hậu, hiền lành.
Kêu gọi lương tri, lương tri ở đâu mà kêu gọi? Lương tri ở trong
mỗi người, nhưng từ ngày theo đảng, con người đã đánh mất lương
tri.
Liệu nếu có lương tri, nhà cầm quyền hiện nay có xử một người đàn
bà yêu nước, chỉ biết tranh đấu bằng lời nói và cây bút, 10 năm tù như một tội
phạm giết người cướp của như thế không. Nếu nói đến lương tri đúng nghĩa thì Mẹ
Nấm, một người đàn bà yếu đuối, có mẹ già con dại, là một công dân có lương tri
và bọn ngồi trên bàn xử án, hay những nhân vật quyết
định bản án cho Mẹ Nấm từ trung ương xuống là những
người hoàn toàn không có lương tri.
Là công dân có lương tri ai cũng phải có lòng ái quốc, thương
nước, yêu nòi. Người yêu nước có lương tri phải hành động. Mẹ Nấm chính là một
con người như thế. Nhưng nhà cầm quyền Việt Nam hôm nay chính là những người
thiếu lương tri, nên mới đem những người ái quốc ra tòa xét xử và cầm tù họ.
Đảng Cộng Sản Việt Nam kết tội nhiều nhà tranh đấu cho nhân quyền là làm gián
điệp, dựa thế lực ngoại bang, theo thế lực thù địch, diễn tiến hòa bình. Nhưng
nếu những viên chức cao cấp ở Việt Nam ngày nay vẫn tuyên
truyền đem chính nghĩa cho kẻ thù, tâng bốc bọn ngoại xâm, thì tội ấy kết là
tội gì?
Một người có chút lương tri không thể nào có những câu nói, vùa
ngu dốt, vừa ngược ngạo, vừa vô liêm sỉ như những người cộng sản hôm nay:
-“Đào mộ tổ tiên của tôi thì được, nhưng giật đổ tượng Lê-nin là
thiếu văn hóa.” (Tiến Sĩ Vũ Minh Giang – Đại Học Quốc Gia Hà Nội)
-“Từ ngày còn bé, tôi đã được học, Hoàng Sa, trường Sa là của
Trung Quốc rồi.” (Giáo Sư Nông Lập Phu)
-“Xin đừng vì vài cái đảo nhỏ ở Biển Đông mà làm mất đi tình hữu
nghị láng giềng tốt đẹp giữa hai nước, bởi nếu không có đảng Cộng Sản Trung
Quốc chống lưng, đảng ta sẽ không thể tồn tại cho đến ngày hôm nay. (Võ Thị Thu Thủy, phó chủ tịch UBND Quảng Ninh.)
Tiến Sĩ Alan Phan, người có kinh nghiệm với xã hội Trung Quốc dưới
thời Cộng Sản, đã nêu lên những hình ảnh thiếu lương tri của đất nước này, và
Việt Nam là một bản sao tuyệt hảo:
-Trung Quốc có bao nhiêu giáo sư đại học “luồn
cúi quyền lực” hoặc “tham lợi bán điểm?”
-Có bao nhiêu người làm nghề chữ nghĩa vì chút
tiền mà đưa tin giả, tô vẽ hỗ trợ bọn tham quan?
-Có bao nhiêu “nhà văn” viết tiểu sử cho lũ sâu mọt quốc gia?
-Có bao nhiêu “nhân sĩ nổi tiếng” vì áo quan đung đưa trước mắt
mà vứt bỏ nguyên tắc?
-Có bao nhiêu kẻ biên soạn cái gọi là “Sổ tay danh nhân,” “Sổ
tay nghệ thuật gia?”
– Có bao nhiêu thầy thuốc làm nghề “môi giới dược phẩm?”
– Có bao nhiêu thầy cô tìm mọi cách đào tiền trong túi học trò?
– Có bao nhiêu “nhà kinh tế học” vì “tiền thưởng” của bọn tài
phiệt mà đứng trên danh nghĩa chức vị uy quyền nói ra những lời lẽ hoang đường?
– Có bao nhiêu tên lưu manh văn hóa biến bọn trùm xã hội đen
thành doanh nhân?
Trở về câu chuyện bà Nguyễn Thị Kim Tiến ở đầu bài, người đã kêu
gọi lương tri của những người sản xuất thực phẩm, nhưng chính bà, nếu có lương
tri, đã từ chức từ lâu ngay từ vụ 108 trẻ em chết trong đợt dịch sởi năm 2014,
vì Bộ Y Tế cố giấu những thông tin về bệnh sởi, “vì những nguyên nhân chưa rõ
nguyên nhân!”
Trong những địa hạt khác, bọn cầm quyền vô lương tri muốn lấy tiền
thuế của dân, xây tượng đài Hồ Chí Minh 1,400 tỷ đồng ở Sơn La (xin nhớ 1 tỷ
đồng Việt Nam = $40,000) trong khi dân chết phải bó chiếu mang về nhà. Giáo Sư
Ngô Bảo Châu đã thẳng thắn cho rằng đây là một ý tưởng “không thần kinh thì cũng khốn nạn!”
Nếu chúng ta là những người có lương tri, chúng ta đứng về phía
dân tộc hay đứng về phía bọn tư bản Formosa. Nếu một nhà cầm quyền có lương
tri, nỡ nào thấy ngư dân trong vùng biển quê nhà, phải chịu đòn bởi ngoại xâm,
mà không mở miệng nói được một lời phản đối. Công an có đặc quyền xâm phạm an
ninh của quốc dân, tướng lãnh được ân sủng của đảng, đặc lợi ngập mặt, hành động
theo lợi lộc, chứ không phải hành động theo lương tri.
Kẻ sĩ có lương tri lấy làm đau lòng khi thấy đồng bào tứ tán, tha
phương cầu thực, phụ nữ đánh mất phẩm giá, đạo lý suy đồi, nhân tâm ly tán.
Chúng ta đòi hỏi, kêu gọi gì ở những kẻ bần cùng, nghèo đói trồng
rau bẩn, bán thịt ôi mà quên nói đến nhà cầm quyền đầy quyền lực, đang bán
nước, bán rừng, bán biển, cho thuê cả tổ quốc. Những kẻ dựa vào thế lực được
đảng bao che, phá rừng, lấp hồ xây nhà cao, cửa rộng, bịt mắt che tai, thì lương
tri nằm ở đâu?
Bà Nguyễn Thị Kim Tiến muốn kêu gọi lương tri, nhưng chính bà cũng
không biết lương tri là gì, lương tri ở đâu. Nếu biết hẳn bà đã thấy hổ thẹn
khi còn tại vị ở cái ghế, liên quan đến mạng sống của người dân trong bao nhiêu
năm nay, mà không biết liêm sỉ, biết xấu hổ. Cả cái bộ máy cai trị đất nước này không có lương tri, sá gì một mụ đàn
bà tay chân, công cụ của đảng.
Lương tri nằm trong lòng mỗi người, đâu có xa xôi gì mà phải kêu
gọi.
Mẹ Nấm lãnh bản án 10 năm tù giam, cũng chỉ vì bà là người của lương tri sống
giữa một bầy thú! Vì đã là con người, ai cũng phải có lương tri!
__._,_.___
No comments:
Post a Comment
Nhân quyền và bạo quyền