Thư ngỏ gửi
Anh Nguyễn Đình Cống
Ngụy Hữu Tâm
Ngày 1-4-2016, “ngày nói dối theo truyền thống Tây
phương” em có viết lá thư, không đùa mà thật, gửi Anh Nguyễn
Đình Cống. Nay xin phép Anh được viết tiếp lá thứ hai.
Hà Nội, ngày 07/01/2017
Anh Cống thân mến!
Cho phép em
viết một lá thư nữa cho Anh, sau ngót 10 tháng.
Tình hình thế giới và tình hình nước ta trong năm 2016 vừa qua có
quá nhiều biến động khôn lường.
Vào năm 2017 càng như vậy, và càng ngày càng khó lường hơn nữa. Là
những trí thức ít nhiều có quan tâm tới chính trị – đó là nghĩa vụ công dân của
mỗi người mà nhà văn Đức Bertoldt Brecht từng nhắc nhở trước nay cả trăm năm –
em nghĩ chúng ta không chỉ phải làm việc đó, mà còn có nhiệm vụ phải có chính
kiến và phổ biến nó, nhất là ở thời đại thông tin, số hóa và tự động hóa như
thế này. Em thiết nghĩ không phải vậy là chúng ta làm chính trị theo ý nghĩa
xấu xa của nó, mà hoàn toàn chỉ là chúng ta đang làm nghĩa vụ công dân của
mình.
Ngày 03/01/2017 vừa qua, Anh có
cho đăng bài “BÀN VỀ TỰ DIỄN BIẾN VÀ TỰ CHUYỂN HÓA”. Xin cám ơn
Anh về một bài hết sức hay vì nó súc tích, cô đọng vì chứa đựng nhiều suy nghĩ.
Một bài đầy trí tuệ, kỹ càng về mặt học thuật vì do một giáo sư viết, mà hết
sức may mắn là vị giáo sư này, dẫu tiếng Nga cũng như gió vì cũng từng học Nga
Xô về, cũng là giáo sư về ngành
Xây dựng, nhưng lại là giáo sư ngành Kỹ thuật Xây dựng chứ không phải
là Xây dựng Đảng, mà cứ cho
là Xây dựng một Đảng rất hay như Đảng Dân chủ của Obama hay Đàng Cộng hòa của
Trump bên Mẽo, chứ xin đừng là bất cứ cái đảng cộng sản lạc điệu, tàn bạo và khốn khổ nào mà cả thế giới văn minh đều lên án!
Chẳng hạn lão Ủn của Bắc Hàn hay lão Xi của Tàu Khựa.
Là bạn đọc thường xuyên của báo lề trái nên em đã xem kỹ bài này
và xin phép không góp thêm ý gì, vì nó quá ư đầy đủ rồi. Thế nhưng em vốn là
cán bộ nghiên cứu thực nghiệm nên với một bài lý thuyết như thế này, em chỉ xin
phép được bổ sung thêm về mặt thực nghiệm hay nói rõ hơn bởi khái niệm xã hội
học và chính trị học là thực tế.
Qua đó vấn đề sẽ sinh động hơn nhiều.
Trước hết em xin cám ơn Anh vì đã nhắc tới các Cụ mà em xin gọi là
những nhà Dân chủ Việt Nam tiền bối, mà trong các Cụ ấy, ở đây em xin đặc biệt
nhắc tới Cụ Trần Huy Liệu. Nhân đây em cũng xin được thắp những nén hương cho
các Cụ. Riêng Cụ Trần Huy Liệu, em chưa từng có dịp tiếp xúc vì cụ thuộc hàng
cha chú lại khác ngành chuyên môn.
Vào đầu những năm 60, rồi 64-68 bị gián đoạn
vì em đi học đại học, sơ tán trên Đại Từ, Thái Nguyên, và cuối những năm 60,
đầu 70 thế kỷ trước. Khi ấy thì em cũng đã là “cán bộ nghiên cứu”. Em rất hay
tới ngôi biệt thự xinh xắn ở 18 Phan Huy Chú (mà nay nếu em không nhầm thì vẫn
đứng tên gia đình Cụ Trần Huy Liệu) vì vốn chơi thân với Trần Thành Công, con út
của Cụ Trần Huy Liệu (với bà Cả), mà nhân đây em cũng xin được thắp nén hương
cho bạn. Đã rất nhiều đêm chong đèn tán chuyện với bạn Công trên căn gác xép
căn nhà này mãi. Thế mà bạn ấy ra đi đến nay cũng đã trên ba năm rồi. Phải
chăng ở đời, những người tài năng chết sớm, còn lại là những lão già bảo thủ,
kém cỏi, lưu manh, nhất là ở giới chính trị gia, còn bọn trẻ thì toàn lũ “con
em cháu cha”, mất dạy, em xin miễn bàn.
Nhân đây em cũng xin nhắc lại câu Anh Trần Xuân Hoài nói với em đã
lâu rồi, khi anh ấy đang còn là “sếp” trực tiếp của em ở Viện Vật Lý, nhất là
về những bạn học mất trên chiến trường, giọng đầy nét thật sự khiêm nhường:
“Bọn mình không phải là lũ giỏi giang gì đâu, chẳng qua là vì những thằng giỏi
hơn mình rất nhiều đều đã mất sớm cả rồi!/ … Mà bạn Công cũng thật sự hết sức
có tài.
Cùng lứa thiếu sinh quân, học ở Dresden, CHDC Đức với em cuối
những năm 50, đầu những năm 60, rồi tốt nghiệp công nhân kỹ thuật về nước. Cùng
bắt đầu làm ở Ủy ban khoa học Nhà nước, 39 Trần Hưng Đạo, vừa mới thành lập.
Vừa đi làm vừa học ban đêm các lớp cấp III, ba năm trong hai năm, ở Trường Bổ
túc văn hóa của Ủy ban khoa học Nhà nước, rất vất vả. Thế mà do đam mê, Công
lại còn phải học vẽ, rất tốn thời gian và công sức. Em cứ nghĩ, chắc bạn ấy
trượt thi tốt nghiệp phổ thông mất thôi. Thế mà Công vẫn tốt nghiệp, chẳng
những thế còn thi đỗ Cao đẳng Mỹ thuật, vốn khó thế.
Khi em học Lý Tổng hợp thì Công học Hội họa ngành Sơn dầu, rồi
Công được đặc cách tốt nghiệp để đi
B, là hoạ sĩ chiến trường. Em có xem những bức tranh mặt trận Quảng Trị của
bạn ấy, rất đẹp, hết sức ấn tượng – em cũng vốn đam mê hội họa và cũng biết ít
nhiều về tranh mà!
Sau này chuyển qua ngành Nhiếp ảnh, Công cũng là một nghệ sĩ nhiếp
ảnh rất tài ba. Hành nghề nhiếp ảnh, lại vốn là họa sĩ chuyên nghiệp, chuyện
vẽ, chụp ảnh nuy là bình
thường, dù là thời đó. Cũng chẳng có chuyện gì xảy ra…
Thế nhưng rồi có mâu
thuẫn gia đình, Công bị cậu cháu ruột tố giác vẽ, chụp ảnh khỏa thân. Đang là hoạ sĩ quân
đội, tất nhiên là quân nhân, Công bị đưa ra trước Tòa án binh. Chuyện lên đến
tận tai Cụ Trường Chinh, khi
ấy đang ở trong Tứ trụ Triều đình, vốn là bạn cũ của Cụ Trần Huy Liệu.
Chắc Anh
biết, theo lịch sử thì Cụ Trần Huy Liệu vốn Quốc dân đảng, trong nhà tù Côn
đảo được Cụ Trường Chinh cảm hóa cộng
sản, đang đúng thành sai, rồi cuối cùng muốn đi đúng đường thì bị quy chụp, con trai
Cụ còn khổ hơn nhiều, nhưng mọi thứ là do… số phận mà!
Em cũng đang dần mê tín đây, theo quy luật cho các nhà vật lý về
già mà! Lại nói tiếp. Cụ Trường
Chinh muốn giang tay cứu vớt con bạn. Cụ nhắn Công, khi ra Tòa, hãy cam đảm
nhận tội, Tòa sẽ xem xét giảm án. Thế nhưng Công, vốn có cái khí phách của
người cha, kiên quyết không nhận có tội – mà tội gì kia chứ khi một họa sĩ vẽ nuy? Thế là mất nhiều năm tù tội
trên Sơn Tây, sau đó ra tù thì vẫn mang cái tiếng vốn đã ngồi tù, lận đận với
cuộc đời dù hết sức có tài. Mất sớm là phải. Chữ tài đi liền với chữ tai mà,
Anh Cống ạ!
Anh vừa nói chuyện lý thuyết, em nói chuyện thực tế, mà hơn nữa là
lịch sử nữa kia. Mặt được và chưa được của các Cụ. Chuyện đã qua lâu rồi, nhưng
vẫn bổ ích, để soi rọi cho ngày nay. Đã lầm đường ngót nghét cả gần thế kỷ, thế
mà nay vẫn có nhiều kẻ không muốn thay đổi, chỉ vì quyền lợi ích kỷ của một lũ
cầm quyền đang tâm bán nước.
Thư đã dài, em xin dừng bút – à quên, bấm ngắt con chuột.
Em xin chúc Anh dồi dào sức khỏe và xin gửi Anh lời chào thân mến!
Nhất là lễ mừng Năm Mới 2017 vừa qua đi ít
ngày! Nhân đây em cũng xin kính chúc Anh và gia đình một năm an khang, thịnh
vượng.
N. H. T.
Tác giả gửi BVN.
__._,_.___
No comments:
Post a Comment
Nhân quyền và bạo quyền