ĐIỂM
BÁO
Vì hoà bình và dân
chủ, châu Âu phải hậu thuẫn Đài Loan
Đăng ngày: 15/09/2020 - 14:35
11
phút
Tỉnh thức trước chính sách ương ngạnh một chiều của Trung
Quốc, châu Âu đoàn kết lên giọng với Bắc Kinh; chiến thắng biểu tượng của phe
Navalny trong cuộc bầu cử đầy gian lận tại Nga; Loukachenko « nộp mình »
cho Putin; Covid-19 bùng lên trong mùa khai giảng đại học tại Pháp: Đây là những
chủ đề nóng trên báo Pháp hôm nay 15/09/2020.
Nóng theo
nghĩa đen là tựa chính trên trang nhất của La Croix: "Nước Mỹ bị lửa
táp", từ California cho đến bang Washington, bầu trời đầy than khói, Los
Angeles gần như chết ngạt.
Tại châu
Âu, thượng đỉnh Liên Âu và Trung Quốc qua truyền hình hôm thứ Hai 14/09/2020 được
bình luận qua nhiều góc độ với cùng một nhận định: Châu Âu đoàn kết, cứng rắn với
Bắc Kinh và phải làm như thế để bảo vệ quyền lợi của mình trước một « đối
thủ toàn diện ».
Le Figaro
với bốn tựa lớn : « Khi châu Âu thức tỉnh... », « Châu Âu
lên giọng với Trung Quốc », Chiến tranh với Washington, Bắc Kinh tán tỉnh
Bruxelles » nhưng « 27 thành viên châu Âu siết chặt hàng ngũ đối đầu ».
Nhật báo
kinh tế Les Echos cho biết thêm « phản ứng cứng rắn của châu Âu bắt đầu có
kết quả » cụ thể là trong tiến trình đàm phán hiệp định bảo vệ đầu tư.
Quan hệ châu Âu-Trung Quốc-Đài Loan: Gió xoay chiều ?
Trong khi
đó, Le Monde đăng nguyên văn lời kêu gọi: « Châu Âu phải ủng hộ Đài
Loan ». Tác giả là tập thể chuyên gia và nghị sĩ châu Âu có tiếng
tăm, trong đó có nhiều vị từng thuộc xu hướng « thông cảm » với Bắc
Kinh.
Nhưng tại
sao Liên Âu phải « chống lưng » cho Đài Loan trong khi cam kết với Bắc
Kinh chỉ công nhận có một nước Trung Hoa ?
Theo các
tác giả, châu Âu cần phải xét lại chính sách đối với Đài Loan và quan hệ giữa
Hoa Lục và hải đảo. Từ lâu nay, châu Âu theo đuổi mục tiêu duy trì « cân bằng
giữa nguyên tắc "dân tộc tự quyết, giải quyết xung khắc qua biện pháp ôn
hòa" và nguyên tắc "một nước Trung Hoa" và "một quốc gia
hai chế độ" » theo tuyên truyền của Cộng Hoà Nhân Dân Trung Hoa.
Thế nhưng,
thái độ hung hăng của Bắc Kinh trong thời gian gần đây đặt châu Âu và thế khó xử
nếu không điều chỉnh chính sách.
Trung Quốc phá hoại nguyên trạng
Cho đến
nay, chính sách cúa châu Âu đối với Đài Loan dựa trên bốn từ : Duy trì
nguyên trạng. Châu Âu không bao giờ khuyến khích Đài Loan độc lập, luôn từ chối
đàm phán thỏa thuận mậu dịch tự do, cũng không ủng hộ Đài Loan gia nhập một tổ
chức quốc tế kể cả Tổ Chức Y Tế Thế Giới. Châu Âu chỉ xem Đài Loan là một « thực
thể » vì lý do thực dụng, từ cấp visa cho đến quan hệ thương mại. Nhưng « nguyên
trạng » đã bị phá hoại và hết còn ý nghĩa chính đáng vì một tay Trung Quốc.
Các tác giả
đưa ra một danh sách rất dài, xin trình bày sơ lược : Trước hết là mô hình « một
quốc gia hai chế độ » đối với Hồng Kông. Bắc kinh đã chà đạp hiệp định quốc
tế năm 1984. Dân Hồng Kông không muốn bị đảng Cộng Sản cai trị thế mà Bắc kinh
đáp trả bằng áp bức. Đây là một bằng chứng giúp Đài Loan và cộng đồng quốc tế
thấy rõ thế nào là lòng chân thành của Trung Quốc. Mô hình « nhất quốc lưỡng
trị » đã bị dân Đài Loan cực lực tẩy chay, góp phần vào chiến thắng vẻ
vang của tổng thống Thái Anh Văn hồi tháng Giêng.
Điểm cốt
lõi thứ hai là trong khi châu Âu luôn nhấn mạnh đến « giải pháp thương lượng
và hòa bình » thì Bắc Kinh ngày càng xa một giải pháp hoà bình. Trong khu
vực, đảng Cộng Sản Trung Quốc tự xưng là « hiện thân » của Nhà nước
Trung Quốc, tự quyền đóng cọc biên giới, độc đoán quyết định ai là người Trung
Hoa, bất chấp luật quốc tế, và quyền tự do của mỗi con người.
Trung Quốc
dùng sức mạnh quân sự để đe dọa: Biên giới Ấn độ, Biển Đông, biển Hoa
Đông, chà đạp lên cả Hiến Chương Liên Hiệp Quốc. Ai không đồng ý với định nghĩa
của Bắc Kinh ai là người Trung Quốc, cái gì là của Trung Quốc thì sẽ bị trừng
phạt, gây áp lực kinh tế. Châu Âu không thể không biết.
Trong khi
đó, Đài Loan ngày nay trở thành một « thực thể » dân chủ, đa nguyên.
Châu Âu phải gia tăng đối thoại với giới dân chủ Đài Loan, kể cả các tác nhân chính
trị cao nhất (chính phủ). Đài Loan phải được yểm trợ gia nhập các tổ chức quốc
tế như Tổ Chức Y Tế Thế Giới, làm quan sát viên cũng được, truyền thông Đài
Loan, tiếng quan thoại, phải được hội nhập vào hệ thống vệ tinh châu Âu hầu làm
suy yếu tình trạng độc tôn của Trung Quốc.
Đã đến lúc
châu Âu phải đương cự lại cái gọi là « đòi hỏi chính đáng » của Bắc Kinh.
Nếu không, châu Âu sẽ tiếp tay đưa người dân Đài Loan vào bàn tay của đảng Cộng
Sản Trung Quốc.
Biện chứng pháp
Theo các
chuyên gia và nghị viên châu Âu, đây không phải là chủ nghĩa « xét lại ».
Châu Âu ủng hộ « nguyên trạng » nhưng theo một diễn tiến hợp lý
và « biện chứng » : Bởi vì Trung Quốc đe dọa nghiêm trọng « nguyên
trạng » cho nên châu Âu cũng phải thay đổi chính sách đối với Đài Loan để
duy trì ổn định. Trung Quốc phải tôn trọng quyền sống của Đài Loan.
Châu Âu phải
khuyến cáo rõ ràng với Trung Quốc là nếu dùng vũ lực thì sẽ lãnh hậu quả nghiêm
trọng, kể cả bị cắt đứt quan hệ chính trị và kinh tế với các nền dân chủ châu
Âu, không khuất phục thái độ áp đặt của Trung Quốc.
Châu Âu thức tỉnh
Le Monde
cũng có một bài phóng sự dài về vụ « 12 thanh niên Hồng Kông tranh đấu cho
dân chủ bị giam tại Hoa lục ». Chiếc thuyền vượt biển sang Đài Loan bị tuần
duyên Trung Quốc chận bắt. Thân nhân không biết số phận của con cái mình ra
sao.
Cũng theo
Le Monde, ngành công nghệ cao của Trung Quốc bị đe dọa vì các cú đấm điếng người
của Donald Trump. Những đại tập đoàn Hoa Vi, Tiktok … bị Mỹ trả đũa.
Trong bài
châu Âu tỉnh thức, Le Figaro phân tích thêm : Chủ nghĩa đế quốc của Tập Cận
Bình và phản ứng vùng dậy theo bản năng của Donald Trump đã giúp cho châu Âu hết
mù lòa vì thị trường Trung Quốc. Khủng hoảng Covid-19 tiếp theo đánh thức châu Âu
ra khỏi cơn mê.
Châu Âu mà
chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đối diện ngày hôm qua, không những thấy rõ mục
tiêu bành trướng của anh Cộng Sản khổng lồ, mà còn ý thức được sức mạnh của
chính mình để đương cự lại: Kiên quyết đòi Trung Quốc mở cửa thị trường theo thế
đối đẳng. Con đường tơ lụa hay ngoại giao khẩu trang không còn đủ sức che giấu chính
sách đối ngoại hung hăng của đế quốc đỏ.
Do vậy,
châu Âu đặt một loạt điều kiện: Cạnh tranh công bằng, tôn trọng luật quốc tế,
chấm dứt nạn gián điệp đánh cắp công nghệ và tuyên truyền. Áp lực trên hồ sơ nhân
quyền, Hồng Kông, Tân Cương được đưa vào đối thoại giữa hai đại cường.
Cũng theo
Le Figaro, gió đã đổi chiều trong quan hệ Bắc Kinh-Bruxellles : Mệt mỏi vì
thái độ của Trung Quốc, vụ đại dịch, chiến lược đế quốc của Hoa Vi, đàm
phán dai dẳng trên nhiều hồ sơ mà không đi đến đâu, hành động vi phạm nhân quyền
liên tục của Bắc Kinh, 27 thành viên châu Âu quyết định đoàn kết đối đầu
với Trung Quốc. Hơn ai hết, châu Âu phải tự lực, tự cường vì không có ai trợ
giúp.
|
Liên
Âu đề nghị Trung Quốc chấp nhận cho ‘‘quan sát viên độc lập’’ tới Tân Cương
Đăng ngày: 15/09/2020 - 13:01
5
phút
Trong cuộc thượng đỉnh qua cầu truyền hình giữa chủ tịch
Trung Quốc và các lãnh đạo Liên Hiệp Châu Âu, hôm qua 14/09/2020, Liên Âu đã trực
tiếp nêu ra quan ngại về tình trạng nhân quyền bị chà đạp tại nhiều nơi ở Trung
Quốc. Liên Âu đề nghị Bắc Kinh chấp nhận « các quan sát viên độc lập »
đến khu vực Tân Cương, nơi chính quyền Trung Quốc bị tố cáo tổ chức các đàn áp
quy mô lớn nhắm vào cộng đồng thiểu số Duy Ngô Nhĩ.
Trả lời
báo giới sau hội nghị qua cầu truyền hình với chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình,
chủ tịch Hội Đồng Châu Âu Charles Michel cho biết, trong cuộc hội đàm với lãnh
đạo Trung Quốc, Liên Âu nhấn mạnh « vấn đề nhân quyền cần phải rất được
chú ý », và việc cử quan sát viên độc lập đến một số khu vực tại Tân Cương
để làm sáng tỏ tình hình tại đây là « một trong những điểm quan trọng ».
Điểm được
giới quan sát đặc biệt chú ý là, trước thượng đỉnh Liên Âu – Trung Quốc hôm
qua, 27 thành viên Liên Âu đã thống nhất chuyển đến Bắc Kinh thông điệp :
không thể duy trì các quan hệ kinh tế và thương mại song phương, nếu chính quyền
Trung Quốc không chấp nhận thảo luận về các vấn đề chính trị và nhân quyền.
Chính quyền
Bắc Kinh bị cáo buộc giam giữ hơn một triệu người Duy Ngô Nhĩ trong các trại cải
tạo tại Tân Cương, khu tự trị xa xôi nằm ở vùng tây bắc Trung Quốc, giáp biên
giới các nhiều nước Trung Á. Đây là điều mà Bắc Kinh thường xuyên bác bỏ. Đề xuất
cử « một phái đoàn quốc tế với quan sát viên độc lập », dưới sự chủ trì
của Cao ủy Nhân quyền Liên Hiệp Quốc, tới khu vực này, đã từng được ngoại trưởng
Pháp nêu ra hồi tháng 7.
Về thượng
đỉnh hôm qua, thông tín viên Pierre Bénazet từ Bruxelles cho biết thêm :
« Nhân cuộc họp
thượng đỉnh chủ yếu bàn về kinh tế, theo quan điểm của Trung Quốc, Liên Hiệp
Châu Âu đã nhấn mạnh nhiều đến các chủ đề chính trị. Căng thẳng với Đài Loan,
trấn áp ở Hồng Kông, ức hiếp người Duy Ngô Nhĩ, người Tây Tạng : Việc đề cập
đến các chủ đề như vậy chắc chắn đã không làm chủ tịch Trung Quốc hài
lòng. Theo chủ tịch Hội Đồng Châu Âu Charles Michel, Liên Hiệp Châu Âu cần bảo
vệ không chỉ các lợi ích, mà cả các giá trị của mình.
Chủ tịch Hội Đồng Châu Âu Charles Michel giải
thích : ‘‘Cuộc thượng đỉnh này không phải là một thượng đỉnh mang tính
nghi thức. Đây là một thượng đỉnh có nội dung thực chất, với các luận điểm được
đưa ra nhằm mục tiêu thúc đẩy việc thực thi các giá trị mà chúng tôi tin tưởng.
Chúng tôi không khoan nhượng. Chúng tôi khẳng định Nhà nước pháp quyền, nhân
quyền, phẩm giá của con người, cũng như việc bảo vệ các nhóm thiểu số là các chủ
đề cần được đề cập đến’’.
Về mặt kinh tế và thương mại, Liên Hiệp Châu Âu
vui mừng với một thỏa thuận được ký kết bên lề thượng đỉnh, theo đó Bắc Kinh thừa
nhận các tên gọi (chỉ dẫn) địa lý được bảo hộ của Liên Âu. Tuy nhiên, Liên
Âu cũng thừa nhận rằng còn nhiều việc phải làm trước khi đạt được mục tiêu có
đi có lại trong việc thâm nhập thị trường. Liên Hiệp Châu Âu yêu cầu Trung Quốc
dỡ bỏ các rào cản và cho phép các doanh nghiệp châu Âu thâm nhập vào thị trường
Trung Quốc, với các điều kiện cạnh tranh công bằng, ví dụ như với quy định về bảo
hộ đầu tư. Tuy nhiên, mục tiêu ban đầu có được một lộ trình để tiến tới một thỏa
thuận về lĩnh vực này, từ đây đến tháng 12, hiện vẫn còn là vấn đề để ngỏ, sau
thượng đỉnh ».
Bộ Ngoại
Giao Mỹ hôm qua ra thông báo sẽ không cho phép nhập khẩu một loạt hàng hóa, có
nguồn gốc từ vùng Tân Cương Trung Quốc. Washington cáo buộc Bắc Kinh sử dụng
« các lao động người thiểu số Duy Ngô Nhĩ bị cưỡng bức ». Các cơ quan
hải quan Mỹ ban hành bốn quy định mới cấm nhập vào Mỹ các mặt hàng vải, quần
áo, linh kiện tin học hay hàng mỹ phẩm, sản xuất tại các nhà máy ở Tân Cương.
|
Hiệp định đầu tư Trung
Quốc – Liên Âu : đôi bên cùng không vội
Đăng ngày: 15/09/2020 - 12:42
Phần âm thanh 09:35
20
phút
Tại thượng đỉnh bất thường giữa Liên Hiệp Châu và Trung
Quốc lãnh đạo đôi bên tuyên bố vẫn theo đuổi mục tiêu đạt được thỏa thuận về đầu
tư song phương vào cuối năm 2020. Nhưng không chắc đây vẫn còn là ưu tiên của
Bruxelles và Bắc Kinh, khi Liên Âu xem « Trung Quốc là một đối thủ có hệ
thống ».
Dịch
Covid-19 đã phá hỏng kế hoạch ngoại giao của thủ tướng Angela Merkel. Bà muốn lợi
dụng cương vị chủ tịch luân phiên châu Âu mời chủ tịch Trung Quốc đến Leipzig dự
thượng đỉnh đặc biệt với lãnh đạo của toàn khối Liên Hiệp Châu Âu tạo đà cho đối
thoại Âu-Trung. Một trong những trọng tâm của sự kiện là thúc đẩy họp tác kinh
tế giữa Liên Âu với đối tác thương mại quan trọng thứ nhì của mình.
Do hoàn cảnh
dịch bệnh, cuối cùng hôm 14/09/2020 thượng đỉnh đã phải họp qua cầu truyền
thình và thu gọn giữa một bên là chủ tịch Ủy Ban Châu Âu Ursula Von Der Leyen,
chủ tịch Hội Đồng Châu Âu Charles Michel và thủ tướng Đức Angela Merkel đại diện
cho 27 thành viên của Liên Âu và bên kia là chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.
Trong cuộc
họp báo kết thúc hội nghị, Bruxellesghi nhận « một số tiến bộ » nhưng
vẫn còn rất nhiều việc phải làm để cho ra đời hiệp định đầu tư song phương –
Comprehensive Agreement on Investment (CAI). Liên Âu một lần nữa nhấn mạnh
đòi hỏi phía Trung Quốc tôn trọng nguyên tắc bình đẳng.
Chủ tịch Ủy
Ban Châu Âu thông báo đã đạt được một số tiến bộ với Trung Quốc trên ba điểm :
« Ứng xử của các công ty Nhà nước Trung Quốc, chuyển giao công nghệ và chính
sách trợ cấp cho các công ty quốc doanh ». Bất đồng vẫn tồn tại trên hai vế :
việc « mở cửa thị trường nội địa Trung Quốc cho các doanh nhân châu Âu và
dư thừa sản xuất » của các doanh nghiệp Trung Quốc. Thủ tướng Đức cho rằng
tất cả tùy thuộc vào « quyết tâm chính trị » của các bên.
CAI nhiễu sóng vì virus corona và vế chính trị
Chủ tịch Ủy
Ban Châu Âu đã tránh đi sâu vào chi tiết liên quan đến những điểm vừa nêu nhằm
để ngỏ khả năng CAI vẫn là các đích các bên nhắm tới.
Có điều, đối
thoại giữa Bruxelles và Bắc Kinh ngày càng phức tạp vì nhiều hồ sơ chính trị khác
từ luật an ninh quốc gia mà Hoa Lục đã áp đặt với đặc khu hành chính Hồng Kông
đến những bằng chứng ngày càng nhiều về chính sách đàn áp thiểu số Duy Ngô Nhĩ
tại Tân Cương, tình hình đang nóng lên tại Tây Tạng … Trên những điểm nhậy
cảm này chủ tịch Hội Đồng Châu Âu cảnh báo Bruxelles sẽ không « nhắm mắt
làm ngơ ».
Trở ngại kinh tế chưa thể vượt qua
Nhưng quan
trọng hơn cả là châu Âu không còn cả tin vào Trung Quốc như trước đây theo phân
tích của chuyên gia Antoine Bondaz thuộc Quỹ Nghiên Cứu Chiến Lược FRS của Pháp :
« Điểm
hết sức quan trọng là lập trường của châu Âu về Trung Quốc đang thay đổi rất
nhanh và những bức xúc của châu Âu đối với Bắc Kinh đã thêm dồn dập. Điều này
thể hiện một cách rõ ràng trên hồ sơ kinh tế mà đây là trọng tâm của thượng đỉnh
Âu-Trung lần này. Liên Âu quá mệt mỏi trước những hứa hẹn trống rỗng của Bắc
Kinh. Trung Quốc cam kết nhiều nhưng thực hiện thì không bao nhiêu.
Giờ đây Bruxelles mạnh mẽ đòi Bắc Kinh tôn trọng
nguyên tắc đối đẳng, có qua có lại và đòi các doanh nghiệp châu Âu phải được đối
xử bình đẳng trên nhiều lĩnh vực. Thí dụ như mở của thị trường của đôi bên cho
các doanh nghiệp của nhau, về chính sách trợ giá cho các công ty quốc doanh hay
liên quan tới vai trò trung tâm của các doanh nghiệp nhà nước Trung Quốc trong
các hoạt động kinh tế. Liên Âu và Trung Quốc đã đàm phán từ trước về tất cả những
điều khoản này nhưng câu hỏi vẫn là đôi bên có thể ký kết được thỏa thuận đầu
tư hay không ? Cần nói thêm là đàm phán đã kéo dài từ quá lâu rồi, từ năm
này qua năm khác ».
Những khúc
mắc quan trọng nhất mà Liên Hiệp Châu Âu và Trung Quốc vẫn chưa san bằng được
sau gần 30 vòng đàm phán như ông Bondaz vừa trình bày, cũng là nguồn gốc gây
nên cuộc chiến tranh thương mại Mỹ -Trung.
Trước mắt
Bắc Kinh không có dấu hiệu nhượng bộ chính quyền Trump trên tất cả những điểm từ
chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp nhà nước, đến vấn đề cưỡng bức chuyển giao
công nghệ hay vai trò trọng yếu của các tập đoàn quốc doanh Trung Quốc … vậy
không lẽ ông Tập Cận Bình đã dễ dàng nhượng bộ các đối tác châu Âu ?
Nhiều nhà
bình luận hoài nghi về thực chất trong thông báo của Bruxelles hôm
14/09/2020 khi nêu bật những tiến bộ đã đạt được với Bắc Kinh.
Trung Quốc kém « hấp dẫn » trong mắt
châu Âu
Trả lời
báo Libération ngày 13/09/2020 nhà kinh tế Michel Fouquin thuộc trung tâm
nghiên cứu CEPII (Trung Tâm Nghiên Cứu về Triển Vọng Kinh Tế và Thông Tin Quốc
Tế) của Pháp giải thích trong hoàn cảnh hiện tại rất khó để các công ty châu Âu
mua lại các tập đoàn Trung Quốc trong khi đó Trung Quốc đã tham gia trực tiếp,
thậm chí làm chủ nhiều tập đoàn then chốt của châu Âu. Đây là một điểm mà
Bruxelles không còn chấp nhận nữa nhất là trong bối cảnh thị trường Trung Quốc
có phần kém hấp dẫn so với hồi 2013 khi đôi bên khởi động đàm phán về một hình
định đầu tư song phương.
Chuyên gia
Antoine Bondaz cho rằng đây là thời điểm để Liên Âu áp đặt trở lại luật chơi của
mình với một đối tác thương mại dù rất nặng ký như Trung Quốc. Ông giải thích :
« Liên
Âu cần ý thức được là đang có trong tay nhiều phương tiện để gây sức ép với
Trung Quốc. Tôi cho rằng Bruxelles thiếu tự tin, đánh giá thấp về khả năng của mình,
nhưng lại đánh giá quá cao về thực lực của đối phương. Ở thời điểm này Trung Quốc
đang cần châu Âu, cần thị trường của châu Âu. Quan hệ giữa Bắc Kinh với Mỹ, Úc,
Canada đang rất căng thẳng và cũng không tốt đẹp gì hơn với Anh Quốc. Rõ ràng
chỉ còn lại có châu Âu.
Hơn bao giờ hết Trung Quốc đang cần đến khối này,
từ mặt mậu dịch đến các hợp tác nghiên cứu, khoa học .. Vậy tại sao Liên Âu
không tận dụng thời cơ này để đánh đổi lấy những gì mà Bruxelles từ lâu nay vẫn
trông đợi ở Bắc Kinh ? Năm ngoái tổng trao đổi mậu dịch của Pháp với Trung
Quốc chỉ bằng 10 % so với giữa Pháp và toàn khối Liên Âu. Điều đó có nghĩa là Trung
Quốc tuy là một bạn hàng quan trọng nhưng không có trọng lượng đối với Pháp như
là đối với một số những quốc gia khác, như là Hàn Quốc, Úc và nhất với Đài Loan
chẳng hạn ».
Tính toán của Trung Quốc
Thế còn về
phía Trung Quốc thì sao ? Cề mặt chính thức trong vòng công du năm nước
Liên Âu cuối tháng 8/2020 ngoại trưởng Vương Nghị vẫn hy vọng CAI hoàn tất
trong năm nay. Nhưng thực tế cho thấy quan tâm hàng đầu của Trung Quốc hiện tại
có lẽ là giải quyết xung đột về kinh tế (và trên nhiều hồ sơ khác nữa) với Mỹ.
Ngoài ra,
trong bài viết đăng trên Blog của Viện Nghiên Cứu Montaigne Paris từ tháng
4/2019, Mathieu Duchâtel giám đốc trung tâm châu Á của Viện đã cảnh báo
chớ « lạc quan thái quá » về một hiệp định đầu tư song phương với
Trung Quốc.
Chuyên gia
Pháp đã đưa ra những điểm chính như sau : tại Bắc Kinh các nhà bình luận
Trung Quốc khá tin tưởng vào khả năng đạt được một thỏa thuận với châu Âu đồng
thời phân biệt rõ ràng tầm nhìn « ngắn hạn » và « dài hạn ».
Trong một tài liệu lưu hành nội bộ được ông Duchâtel trích dẫn cho thấy ngay từ
2018 Bắc Kinh đã ý thức được là ngày càng có nhiều yếu tố gây nhiễu quan hệ
song phương, tức là đàm phán về CAI bước vào giai đoạn gay go hơn bởi một số yếu
tố.
Các yếu tố
đó gồm : điều kiện để doanh nghiệp châu Âu tham gia thị trường của Trung
Quốc, chuẩn mực về phát triển bền vững vốn Liên Âu rất gắn bó, các điều khoản về
trách nhiệm của các doanh nghiệp đối với xã hội, và sau cùng là danh sách những
lĩnh vực Bắc Kinh xem là nhậy cảm chưa thể mở cửa cho các công ty nước ngoài.
Tuy nhiên giới chuyên gia Trung Quốc tin tương là vẫn có thể tìm ra những
giải pháp để hóa giải từng điểm một những trở ngại vừa nêu. Nhưng vế chuyển
giao công nghệ là một ngoại lệ. Phía Trung Quốc thậm chí xem đây lầ điều « không
tránh khỏi » nhưng không đề xuất bất kỳ một giải pháp nào để trấn an đối
phương.
Lợi dụng thời cơ và áp đặt luật chơi của kẻ mạnh
Điểm thứ
nhì giám đốc trung tâm châu Á Quỹ Nghiên Cứu Chiến Lược Pháp nêu bật trong bài
viết đó là Bắc Kinh muốn nhanh chóng đạt được một hiệp định với Liên Âu đề
phòng Bruxelles thiên về các giải pháp bảo hộ mậu dịch gắt gao hơn. Chính sách
đó sẽ đe dọa trực tiếp đến dự án Một Vành Đai Một Con Đường của Trung Quốc.
Mathieu
Duchâtel trích dẫn nghiên cứu của một chuyên gia thuộc Viện Khoa Học Xã Hội tại
Bắc Kinh theo đó phương tiện tốt nhất đề đối mặt với chính sách bảo hộ của Liên
Âu là : « bắt các doanh nghiệp châu Âu hợp tác với Trung Quốc để phía
châu Âu tự điều chỉnh thái độ ». Chuyên gia Trung Quốc này tin tưởng, sẽ đạt
được mục đích đó bởi « Châu Âu cần vốn của Trung Quốc ».
Một thành
viên khoa đặc trách châu Âu cũng của Viện Khoa Học Xã Hội tại Bắc Kinh được
chuyên gia Pháp trích dẫn thẳng thừng cho rằng mấu chốt trong cuộc đọ sức giữa
Trung Quốc với Liên Âu nằm ở chỗ áp « đặt các chuẩn mực » của
mình với đối phương và chỉ có hai phương tiện để đạt đến đích : một là « tận
dụng thời cơ và hai là áp dụng luật chơi của kẻ mạnh »
Mathieu
Duchâtel trong bài viết « Vers un accord d’investissement avec
l’UE : un optimisme surjoué ? » kết luận : đó
là định hướng trong tất cả các bài phân tích từ phía Trung Quốc liên quan đến
đàm phán đang diễn ra với Liên Hiệp Châu Âu để hướng tới một thỏa thuận đầu tư
song phương.
|
__._,_.___
No comments:
Post a Comment
Nhân quyền và bạo quyền