Thẩm phán Tối cao: Cao
mà tối nên... sụp!
13/05/2020
Thẩm phán Bùi Ngọc Hòa – thành viên HĐTP của TATC, một trong những người tham gia phiên Giám đốc thẩm vụ án Hồ Duy Hải, vừa thay mặt cả TATC lẫn HĐTP - giải thích thêm về lý do HĐTP bác kháng nghị của Viện Kiểm sát Tối cao, giữ nguyên bản án chung thẩm (1).
Song những ý kiến của ông Hòa không có gì mới và quan trọng hơn, ông Hòa chỉ khẳng định HĐTP cũng như TATC không sai. Tuy đang là thẩm phán của cấp cao nhất, đại diện cho cơ quan xét xử cấp cao nhất, biện minh về phán quyết bị chỉ trích kịch liệt nhất từ trước đến nay nhưng ông Hòa không phản biện.
Đã có rất nhiều người phân tích phán quyết Giám đốc thẩm của HĐTP TATC sai như thế nào và nguy hại ra sao, trong số này có ông Nguyễn Quang Lộc, một thẩm phán kỳ cựu của TATC, trước khi nghỉ hưu đã từng đảm trách vai trò Chánh Văn phòng TATC một thời gian dài. Xin tham khảo nhận định của ông Lộc…
***
Về vụ án Hồ Duy Hải
Nhiều bạn bè , đồng nghiệp, học trò hỏi tôi về vụ án Hồ Duy Hải. Quả thật tôi không được nghiên cứu hồ sơ vụ án , chỉ nghe qua các luồng thông tin đa chiều nên không dám có ý kiến gì về việc kết tội đối với bị cáo Hải.
Tuy nhiên, qua theo dõi phiên toà Giám đốc thẩm của Hội đồng Thẩm phán TANDTC (Tòa án Nhân dân Tối cao) tôi xin nêu một số ý kiến về thủ tục tố tụng hình sự theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015. Xin nói trước là những ý kiến của tôi không nhằm chỉ trích ai mà trên tinh thần xây dựng , thượng tôn pháp luật mà thôi.
1/ Về thành phần Hội đồng Giám đốc thẩm
Điều 53 Bộ luật tố tụng hình sự quy định “Thay đổi Thẩm phán, Hội thẩm”
1. Thẩm phán, Hội thẩm phải từ chối tham gia xét xử hoặc bị thay đổi khi thuộc một trong các trường hợp:
...c / Đã tham gia xét xử sơ thẩm hoặc phúc thẩm hoặc tiến hành tố tụng vụ án đó với tư cách là Điều tra viên, cán bộ điều tra, Kiểm sát viên, Kiểm tra viên, Thẩm tra viên, Thư ký Toà án.
Đây là quy định của Phần thứ nhất “Những quy định chung” của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015, được coi như là nguyên tắc xuyên suốt quá trình giải quyết vụ án hình sự từ sơ thẩm, phúc thẩm, giám đốc thẩm, tái thẩm. Như vậy người nào đã tiến hành tố tụng vụ án đó với tư cách là người tiến hành tố tụng thì phải từ chối tham gia xét xử vụ án hoặc bị thay đổi. Việc ký quyết định không kháng nghị vụ án hoặc trả lời khiếu nại bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của những người tiến hành tố tụng hình sự cũng chính là đã tiến hành tố tụng vụ án.
Vì thế, tôi cho rằng ông Nguyễn Hoà Bình phải từ chối tham gia xét xử Giám đốc thẩm vụ án Hồ Duy Hải vì ông Bình đã ký quyết định không kháng nghị vụ án này với tư cách là Viện trưởng VKSNDTC (Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao).
Sở dĩ luật quy định như vậy để bảo đảm tính vô tư , khách quan , tránh áp đặt ý muốn chủ quan của người ngồi xét xử vụ án.
Ông Bình ngồi xét xử, lại là Chánh án Toà án nhân dân Tối cao chủ tọa phiên toà làm cho người ta đặt câu hỏi về tính Khách Quan, Vô Tư của phán quyết?!
2/ Về thành phần triệu tập đến phiên toà
Điều 383 BLTTHS quy định:
...2/ Trường hợp xét thấy cần thiết hoặc có căn cứ sửa một phần bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật, Toà án phải triệu tập người bị kết án, người bào chữa và những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến kháng nghị tham gia phiên toà giám đốc thẩm; nếu họ vắng mặt thì phiên toà giám đốc thẩm vẫn được tiến hành.
Rõ ràng là Hội đồng Giám đốc thẩm đã xét thấy cần thiết (chứ không phải là có căn cứ để sửa án) nên đã triệu tập người bào chữa cho bị cáo và xét không cần thiết phải triệu tập bị cáo và những người tham gia tố tụng khác ra toà.
Theo quy định tại Điều 386 BLTTHS thì... “Trường hợp người bị kết án ,người bào chữa, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến kháng nghị có mặt tại phiên toà thì những người này được trình bày ý kiến về những vấn đề mà Hội đồng giám đốc thẩm yêu cầu... Kiểm sát viên, người tham gia tố tụng tại phiên toà giám đốc thẩm tranh tụng về những vấn đề liên quan đến việc giải quyết vụ án. Chủ tọa phiên toà phải tạo điều kiện cho Kiểm sát viên, người tham gia tố tụng trình bày hết ý kiến, tranh luận dân chủ, bình đẳng trước tòa”.
Tại phiên toà Giám đốc thẩm này, luật sư của bị cáo chỉ được trình bày ý kiến mà không có tranh tụng. Việc Hội đồng Giám đốc thẩm không cho phép luật sư tham gia đầy đủ phiên toà rõ ràng là vi phạm pháp luật. Có lẽ Hội đồng Giám đốc thẩm sửa sai bằng việc lai triệu tập lại khi vị luật sư này đã buộc phải trở về thành phố Hồ Chí Minh trong tâm trạng “Bắc thang mà hỏi ông trời!”. Có lẽ đây cũng là trường hợp hy hữu trong lịch sử của nền tư pháp XHCN?! Không biết có còn vụ án nào học theo không?
3/ Về kháng nghị của Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao
Hội đồng Giám đốc thẩm cho rằng kháng nghị của VKSNDTC trái pháp luật nên không được chấp nhận. Vậy kháng nghị đó trái pháp luật nào? Kháng nghị khi mà Quyết định số 639/QĐ- CTN ngày 17/5/2012 của Chủ tịch Nước bác đơn xin ân giảm án tử hình của Hồ Duy Hải đang có hiệu lực pháp luật? Luật nào quy định? Không có quy định nào về vấn đề này trong BLTTHS.
Thực tế thì Hồ Duy Hải không làm đơn xin ân giảm án tử hình, vậy Chủ tịch nước xét đơn của ai để ra quyết định bác đơn?
Khi Hội đồng Giám đốc thẩm cho rằng kháng nghị trái pháp luật tức là không cần xem xét về nội dung của vụ án thế mà phiên toà vẫn diễn ra trong ba ngày. Thông thường khi xét xử phúc thẩm hoặc giám đốc thẩm HĐXX (Hội đồng Xét xử) phải xem xét ngay đến cơ sở của trình tự tố tụng này là Kháng cáo, Kháng nghị. Một kháng cáo hoặc kháng nghị đã không hợp pháp thì không có phiên toà.
4/ Về cái được gọi là “sai sót trong tố tụng hình sự của vụ án này”
Tôi không đồng ý với cách gọi như vậy mà phải nói thẳng đó là những vi phạm nghiêm trọng quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự mới đúng bản chất của sự việc. Vậy các vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng hình sự trong vụ án có làm thay đổi nội dung, bản chất của vụ án không?
Nội dung, bản chất của vụ án phải được các cơ quan tiến hành tố tụng hình sự chứng minh bằng chứng cứ được thu thập một cách khách quan, toàn diện , đầy đủ để xác định sự thật của vụ án. Đó thuộc trách nhiệm của các cơ quan tiến hành tố tụng. Đây là quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự (Điều 15, Điều 85, Điều 86 BLTTHS).
Rõ ràng là trong vụ án này, việc điều tra đã có quá nhiều vi phạm nghiêm trọng trình tự thủ tục tố tụng hình sự từ khám nghiệm hiện trường, thu giữ vật chứng, dấu vết, nhận dạng vật chứng, mua cái không phải là vật chứng để cố tình hợp pháp hoá vật chứng... Khi mà các cái gọi là chứng cứ được thu thập trái pháp luật, không đúng quy định của pháp luật và lại được sử dụng như là chứng cứ buộc tội thì không ổn vì đó không phải là chứng cứ. Vì thế nó không có sức thuyết phục, không đủ để chứng minh tội phạm và đương nhiên nó làm ảnh hưởng hoặc thay đổi nội dung , bản chất của vụ án.
Sẽ là một tiền lệ và nguy hiểm hơn là án lệ cho các vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng hình sự nói riêng và phát luật tố tụng nói chung. Đáng quan ngại!
5/ Về cái kết của vụ án này
Theo quy định của Chương XXXVII của BLTTHS “Thủ tục xem xét lại quyết định của Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao” thì vẫn còn có những người sau có thể yêu cầu, kiến nghị , đề nghị xem xét lại quyết định giám đốc thẩm của Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân Tối cao:
- Ủy ban thường vụ Quốc hội yêu cầu
- Ủy ban Tư pháp của Quốc hội kiến nghị
- Viện trưởng VKSNDTC kiến nghị
- Chánh án Toà án nhân dân Tối cao đề nghị
Tuy nhiên xem ra chỉ là một phần ngàn của tia hy vọng mà thôi . Dù sao thì cũng vẫn hy vọng cho dù là vô vọng!
Ôi ! 17 cánh tay hoá ra chập lại thành một và chỉ một mà thôi!!!
Sau khi ông Lộc giới thiệu nhận định vừa dẫn trên trang facebook của ông (3), rất nhiều cá nhân và diễn đàn điện tử đã giới thiệu nhận định này (3) vì hai lý do: Thứ nhất, gọn gàng, xác đáng và thứ hai, đó là nhận định của người từng là thẩm phán kỳ cựu của TATC. Chỉ tiếc là chưa rõ vì sao ông Lộc tự xóa nhận định này (4)…
***
Theo Luật Tổ chức Tòa án nhân dân 2014 (5), TATC là cấp cao nhất của hệ thống xét xử tại Việt Nam và HĐTP là cơ quan cao nhất của TATC. HĐTP không chỉ giám đốc thẩm, tái thẩm các bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật nhưng bị kháng nghị mà còn đảm nhận nhiều trọng trách khác: Ban hành nghị quyết hướng dẫn các tòa án trên toàn quốc áp dụng pháp luật. Tổng kết và công bố án lệ để các tòa án trên toàn quốc nghiên cứu, áp dụng trong xét xử. Góp ý cho các dự thảo quy phạm pháp luật.
Bộ luật vừa kể qui định, HĐTP chỉ có từ 13 (tối thiểu) đến 17 thành viên (tối đa). Những thành viên này là Chánh án TATC, các Phó Chánh án TATC và Thẩm phán Tối cao. Thẩm phán Tối cao là ngạch cao nhất trong bốn ngạch thẩm phán (Sơ cấp – thẩm phán các tòa quận, huyện. Trung cấp – thẩm phán các tòa tỉnh, thành phố. Cao cấp – thẩm phán các tòa cấp cao của khu vực. Tối cao – thẩm phán TATC). 17 thành viên HĐTP TATC vừa tham gia Giám đốc thẩm vụ án Hồ Duy Hải là toàn bộ thẩm phán hiện có của TATC.
Trừ Chánh án TATC được Quốc hội bầu và có nhiệm kỳ tương ứng với nhiệm kỳ Quốc hội, những thành viên còn lại của HĐTP trở thành Thẩm phán Tối cao do Chánh án TATC đề nghị Quốc hội phê chuẩn. của Chánh án TATC (6). Bốn năm sau khi Luật Tổ chức Tòa án nhân dân 2014 có hiệu lực, giữa năm ngoái, Quốc hội Việt Nam thông qua một… nghị quyết đặc biệt: Tạm… hoãn áp dụng yêu cầu về kinh nghiệm xét xử ở vị trí Thẩm phán cao cấp (tối thiểu năm năm) khi chọn Thẩm phán Tối cao cho tới 1/2/2022.
Sở dĩ ông Nguyễn Hòa Bình, Chánh án TATC, xin Quốc hội khóa 14 điều chỉnh lịch làm việc của Kỳ họp thứ 7 (tháng 6 năm 2019) để thông qua một nghị quyết ngoài kế hoạch, tạm… ngưng áp dụng tiêu chuẩn về kinh nghiệm xét xử ở vị trí Thẩm phán cao cấp để có thể tiến cử các cá nhân làm Thẩm phán Tối cao cho Quốc hội phê chuẩn theo Luật Tổ chức Tòa án nhân dân 2014 là vì thiếu người hội đủ điều kiện này để… quy hoạch làm… lãnh đạo TATC (6)!
Tuy phủ nhận tam quyền phân lập (tạo lập sự độc lập giữa hoạt động của lập pháp, hành pháp, tư pháp) nhưng hệ thống chính trị Việt Nam vẫn dùng nhiều cách đề cao vai trò của Thẩm phán Tối cao, kể cả dùng Quốc hội ban hành… nghị quyết tạm… hoãn áp dụng tiêu chuẩn về kinh nghiệm xét xử ở vị trí Thẩm phán Cao cấp đối với lựa chọn – phê chuẩn Thẩm phán Tối cao vì hoạt động của HĐTP nói riêng và bộ máy xét xử nói chung tác động rất lớn đến chính trị và xã hội.
Đó cũng là lý do cần phải ngẫm nghĩ, tại sao các Thẩm phán Tối cao trong HĐTP TATC lại “nhất trí” khi đưa ra phán quyết như đã biết lúc xem xét vụ án Hồ Duy Hải theo thủ tục Giám đốc thẩm? Vì sao các Thẩm phán Tối cao cùng chọn con đường tự hủy về mặt nghề nghiệp, khiến uy tín HĐTP nổ tung và làm uy tín TATC tan nát. Vì sao “ổn định chính trị” vẫn là tiêu chí hàng đầu mà các Thẩm phán Tối cao lại cùng vung tay, tạo ra thảm họa chính trị lớn đến như vậy?
Rất khó tin khi cho đó là ngu dốt nhưng giải thích vì hèn thì cũng khó tin. Thẩm phán ngạch Tối cao mà hèn thì… tư pháp xã hội chủ nghĩa là gì hỡi Trời?
Chú thích
(1) https://tuoitre.vn/giam-doc-tham-vu-ho-duy-hai-thanh-vien-hoi-dong-tham-phan-noi-gi-20200512083517584.htm
(2) https://www.facebook.com/loc.nguyenquang.9619
(3) Nguyễn Văn Quynh
|
|
(6)
https://thanhnien.vn/thoi-su/quoc-hoi-dong-y-ha-tieu-chuan-tham-phan-toa-an-toi-cao-trong-3-nam-1091296.html
Trân Văn
|
__._,_.___
No comments:
Post a Comment
Nhân quyền và bạo quyền