Tôi đã khóc dưới trời thu Hà Nội – Phần 2: Phải chăng nước Bạch Đằng
Giang ngày nay đã nhạt phai màu máu giặc?
Tôi đã khóc dưới trời thu Hà Nội – Phần 2: Phải chăng nước Bạch
Đằng Giang ngày nay đã nhạt phai màu máu giặc?
Nguyễn Thượng Long
Sáng 11-5-2014, trên vườn hoa trước cửa Đại sứ quán Trung Quốc tại
Hà Nội, tôi đã tham gia thành công cuộc biểu tình phản đối Trung Quốc lắp đặt
trái phép giàn khoan HD 981 vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam với khẩu
hiệu: “Đằng giang tự cổ huyết do hồng!” (Sông Bạch Đằng từ xưa máu còn đỏ!). Đây là vế đối của Thám hoa Giang
Văn Minh đáp lại lời thách đối vừa xấc xược vừa ngạo mạn của vua nhà Minh là
Sùng Trinh: “Đồng trụ chí kim đài dĩ lục” (Cột đồng nay đã rêu phong) lần ông
Thám đi sứ sang Trung Quốc năm 1637.
Nhiều nhà báo trẻ thuộc lề đảng hôm đó thấy tôi phấn hứng với biểu
ngữ đó đã hỏi tôi: “Vì sao bác lại chọn biểu ngữ này?”. Tôi bảo: “Tôi là thầy
giáo già, chẳng còn sức để đuổi ai, đánh ai …được nữa, tôi chỉ muốn nhắc nhở
thế hệ trẻ hôm nay đừng sống vô cảm, hãy nhớ về một thời hào hùng của ông cha
và cũng muốn nói với người Trung Quốc rằng: Đừng quên, chúng tôi sống được đến
ngày nay sau cả nghìn năm Bắc thuộc là nhờ ý chí quật cường, phẩm chất vốn có
của dân tộc chúng tôi”.
Việc đưa ra được thông điệp như thế làm cho một ông già nhàu nát
như tôi bỗng như lâng lâng sống lại những ngày hào hùng của một thời trai trẻ
đã qua, tưởng như không còn gặp lại.
Nhưng niềm vui ngắn chẳng tầy gang, tất cả đã đổ nhào khi cuộc
biểu tình vào ngày 18-5-2014 chưa kịp đến. Ngay từ những ngày 16, 17- 5, điện
thoại của tôi đã ngập những tin nhắn cảnh báo về những cuộc biểu tình trái phép
theo tinh thần nhắc nhở của ông Nguyễn Tấn Dũng. Tôi đã vội nghĩ ông Dũng là
một nhà lãnh đạo có bản lĩnh, rất phân minh giữa biểu tình yêu nước với bạo
loạn lật đổ, nhưng hình như tôi đã nhầm, ông Dũng không đạt được tầm vóc đó.
Tối 17-5-2014, vợ chồng tôi phải đón tiếp một đoàn công tác tổng hợp, dẫn đầu
là một vị lãnh đạo Mặt trận tổ quốc có phong cách làm việc rất chỉn chu. Họ đến
với gia đình tôi trước là thiện chí thăm nom trong cụm dân cư nhưng phần chính
yếu là để trao tôi lời thỉnh cầu tôi không tham gia cuộc biểu tình yêu nước dự định
sẽ nổ ra ở Hà Nội, Sài Gòn và các thành phố lớn khác vào sáng 18-5-2014. Theo
vị trưởng đoàn, đây là thời điểm nhạy cảm, rất có thể cuộc biểu tình đó sẽ bị
kẻ xấu kích động thành bạo loạn lật đổ chế độ. Đáp lại thịnh tình đầy lo lắng
của vị trưởng đoàn, tôi tuyên bố ghi nhận tất cả và vẫn bảo lưu quyết định tham
gia biểu tình vào sáng hôm sau vì: Tôi đi không vì lời kêu gọi của ai hết mà
theo tiếng gọi của lương tâm tôi, vì trách nhiệm công dân lúc Tổ quốc lâm nguy,
sơn hà nguy biến. Tôi nói với họ rằng trong đời sống chính trị thời hội nhập,
việc xâm nhập lẫn nhau bởi những người khác chính kiến là bình thường. Phát
hiện ra những nguy cơ, đẩy lùi những nguy cơ xấu, ảnh hưởng tới đại cục là trách
nhiệm của công an, của an ninh… Các vị ăn lương từ tiền thuế của nhân dân, các
vị phải làm việc này. Không thể nhân danh vì đại cục mà làm lẫn lộn tình cảm
yêu nước thuần tuý trong đại đa số người dân với những nguy cơ này nọ mới xảy
ra ở Bình Dương, Hà Tĩnh… Cuộc viếng thăm của đoàn công tác tổng hợp đã sớm kết
thúc sau những đối thoại rất sòng phẳng và ôn hoà, mọi người lục tục ra về còn
tôi thì hối hả chuẩn bị cho cuộc xuống đường vào sớm 18-5.
Sau một đêm ngủ lơ mơ đầy ác mộng, tôi bước ra đường thì nhanh
chóng lọt vào giữa một tốp các nhân viên công lực mặc thường phục. Sau này,
những người dân tốt bụng nơi tôi ở nói với tôi rằng họ đã vây quanh nhà tôi
suốt cả đêm 17-5. Cuộc đôi co giữa tôi và họ lập tức diễn ra căng thẳng nhưng
ôn tồn. Tôi vẫn quyết tâm đòi quyền tham gia biểu tình yêu nước như một điều vô
cùng thiêng liêng và chính đáng. Những người ngăn chặn tôi vẫn không đưa ra
được lí luận gì khác ngoài những điều họ đã nói với tôi tối hôm qua, rằng có
nguy cơ biểu tình yêu nước sẽ biến thành bạo loạn tràn lan không kiểm soát
được, đe doạ sự tồn tại của chế độ. Nghe những lập lí hết sức lỏng lẻo, nhìn
những gương mặt rất trẻ của những người đang vây quanh tôi, trong đó có người
tôi biết, có người tôi không biết, tôi buồn đến nao lòng. Người Trung Quốc mà
nhìn thấy, nghe thấy cuộc đối thoại dằng co này thì họ mừng đến thế nào? Sẽ làm
gì có sự di dời dàn khoan HD 981 ra khỏi vùng đặc quyền 200 hải lí của Việt
Nam. Nếu tất cả người Việt Nam cùng cúi mặt xuống trước ngoại bang như những người
này, biển Đông của Mẹ Việt Nam nay mai sẽ còn nhức nhối, đau đớn hơn nhiều bởi
những giàn khoan X, giàn khoan Y khác nữa.
Cuộc dằng co nhanh chóng lên đến đỉnh điểm, tôi nói trong uất ức:
Giặc đã chính thức vào nhà rồi, người này, người này vì cấp trên, vì lương
tháng mà phải như thế, còn người này, người này còn trẻ như thế, sao không đi
với biết bao thanh niên, sinh viên yêu nước mà lại ở đây ngăn chặn tôi? Sao các
cháu còn trẻ mà lại chọn cách sống thúc thủ, vị kỉ, yếm thế đến thế? Quay lại
các nhân viên công lực mà tôi biết chắc chắn họ là áo giáp, là lá chắn, là
thanh kiếm của đảng, tôi bảo hãy nói với cấp trên rằng:
- Không thể vì sự cố Bình Dương và Hà Tĩnh. Sự cố bạo loạn ở nơi
đó là do Hán gian hay lại là do Việt gian, đến lúc này vẫn chưa có kết quả phân
định cuối cùng thì đừng vội mượn cớ đó để phủ nhận tất cả các cuộc biểu tình
chỉ vì lòng yêu nước. Việc ngăn chặn thành công tôi, một ông già ngót 70 ngay
trước ngưỡng cửa của cuộc biểu tình yêu nước không phải là chiến tích danh giá
gì đâu. Nay mai có được khen, được thưởng, được thăng quan tiến chức, nhớ đừng
cho tôi biết. Tôi có thể thông cảm các vị vì chuyện áo cơm, tiền bạc, còn về
lòng yêu nước, tôi không có tiếng nói chung với các.
Tôi chẳng còn một chút hào hứng nào để dằng co với họ, khi mà họ
“chỉ biết còn đảng còn tiền”. Trong trạng thái bức xúc đã lên đến đỉnh điểm,
tôi – một ông già thân cô, thế cô – choáng váng vì những điều không lí giải nổi
và cuộc đôi co, dằng co giữa tôi với họ đã kết thúc bất ngờ khi tôi quyết định
nói lớn:
- Tôi thất vọng về tất cả mọi người! Hãy đi đi, đừng đứng trước
mặt tôi nữa!
Tôi quay trở về nhà và ngã vật xuống giường trong cơn tăng-xông
huyết áp đến mức có thể đột quỵ. Qua trang mạng Bauxite, tôi biết nhiều trí
thức, nhân sĩ ở Hà Nội và Sài Gòn sáng hôm đó cũng rơi vào tình cảnh tương tự
tôi và bài viết này ra đời là một sản phẩm bất đắc dĩ. Nếu các nhà lãnh đạo
Việt Nam có vô tình đọc được những dòng chữ này, hãy trả lời tôi câu hỏi: Có
phải với không ít người trong số các vị, hôm nay nước sông Bạch Đằng không còn
đỏ màu máu giặc nữa?
Khai bút ngày 18-5-2014, hoàn thiện tháng 9-2017
N.T.L
(Tác giả gửi BVN)
__._,_.___
No comments:
Post a Comment
Nhân quyền và bạo quyền