Saturday, August 29, 2015

Kinh nghiệm đấu tranh cho tự do tôn giáo tại Tam Tòa



Kinh nghiệm đấu tranh cho tự do tôn giáo tại Tam Tòa
Lữ Giang

Một cuộc đấu tranh cho quyền tư do tôn giáo của giáo dân Tam Tòa thuộc thành phố Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình, có nhiều lúc rất gay cấn, đã kéo dài từ năm 2008 đến 2011 với sự tham gia của nhiều tổ chức đấu tranh cũng như các cơ quan truyền thông trong và ngoài nước, đặc biệt trang nhà vietcatholic.net của Linh mục Trần Công Nghị và hai đài phát thanh quốc tế là Đài Á Châu Tự Do (RFA) ở Mỹ và Đài BBC ở Anh đã góp phần rất tích cực.
Kết quả, Ủy Ban Nhân Dân (UBND) tỉnh Quảng Bình đã đồng ý cấp cho giáo xứ Tam Tòa một khu đất ở phường Nam Lý trong thành phố Đồng Hới để xây cất một nhà thờ Tam Tòa mới. Công việc xây cất đang được Tòa Giám Mục Giáo Phận Vinh cho tiến hành và cần sự giúp đỡ của các nhà hảo tâm ở trong cũng như ngoài nước. Chúng tôi xin tóm lược lại vài nét lịch sử của cuộc đấu tranh cho tự do tôn giáo tại Tam Tòa để chúng ta rút kinh nghiệm.
TAM TÒA TRONG CHIẾN TRANH
Sau Hiệp Định Genève 1954, đa số giáo dân Tam Tòa và các vùng quanh thành phố Đồng Hới đã di cư vào miền Nam. Trong chiến tranh, thành phố Đồng Hới đã bị san bằng. Nhà thờ Tam Tòa bị oanh kích 48 lần và trận bom ngày 11.2.1965 đã phá sập nhà thờ, chỉ còn lại cái tháp chuông với chi chít vết đạn mà chúng ta thường thấy khi đến gần.
Trong chiến tranh Việt Nam, quân đội Hoa Kỳ đã dội xuống Việt Nam khoảng 7,8 triệu tấn bom đạn. Riêng Quảng Bình, vì nằm sát vĩ tuyến 17, nên ngay khi chưa có “Sự kiện tàu USS Maddox” ở Vịnh Bắc Việt, Hoa Kỳ đã oanh tạc thành phố Đồng Hới từ ngày 8 đến 11.2.1964. Sau khi xảy ra “Sự kiện tàu USS Maddox” ngày 2 và 4.8.1964, kể từ ngày 5.8.1964 Hoa Kỳ bắt đầu oanh tạc và pháo kích liên tục vào Quảng Bình, ngày cũng như đêm, rất ít khi ngừng nghỉ, cho đến ngày 15.8.1973 mới chấm dứt. Tài liệu về chiến tranh Việt Nam cho biết trong thời gian từ 5.8.1964 đến 15.8.1973, tức trong 9 năm, các máy bay Hoa Kỳ đã oanh kích Quảng Bình khoảng 80.000 phi vụ, trong đó có 2.172 phi vụ bằng máy bay chiến lược B.52, với hơn 1,5 triệu tấn bom đạn, trong khi đó các tàu chiến của Mỹ từ Thái Bình Dương đã bắn vào Quảng Bình trên 140.000 quả pháo.
1.- Tại sao Hoa Kỳ phải san bằng Quảng Bình?
Có hai lý do chính:
Lý do thứ nhất là vì Quảng Bình là cửa ngõ để quân đội Bắc Việt chuyển quân, võ khí, vật liệu, ống dẫn dầu… qua Lào rồi từ đó theo đường Tây Trường Sơn đi vào miền Nam. Tại Quảng Bình, Cộng quân đã thiết lập 3 con đường giao thông giữa Việt Nam và Lào:
- Đường 16 từ làng Ho ở xã Lâm Thủy, huyện Lệ Thủy đi qua Ban Dong thuộc tỉnh Muang Kham Mouan (Khăm Muội) ở Lào, khúc gần quốc lộ 9.
- Đường 12A nối liền xã Hoá Sơn, huyện Tuyên Hoá, qua Khe Ve, Cổng Trời, vượt đèo Mụ Gịa… đến tỉnh Khăm Muội. Đèo Mụ Giạ cao khoảng 480m, dài khoảng 20m, có nhiều rừng rậm và khe suối. Cộng quân đã lập một đường ống dẫn dầu đi qua ngã này. Nhiều sử gia không biết rõ địa danh đã đổi đèo Mụ Giạ thành đèo “Mụ Già”! Đây là con đường giao thông chính giữa miền Bắc và Lào lúc đó.
- Đường 20 xuất phát từ cửa rừng Phong Nha lên Cà Roòng, chọc thủng núi đá vôi của Trường Sơn, nối liền với đường 128B ở ngã ba Lùm Phùm ở Lào, có chiều dài 123km. Đây là con đường mới được Cộng quân làm thêm sau khi đường 12A không còn xử dụng được.
Nói một cách vắn tắt, đây là ba con đường nối liền đoạn đường Đông Trường Sơn trên đất tỉnh Quảng Bình với đoạn đường Tây Trường Sơn trên đất tỉnh Muang Kham Mouan để đưa quân, vũ khí và vật liệu vào Nam nên Mỹ phải phá bằng mọi giá.
Lý do thứ hai là Mỹ coi Quảng Bình như là nơi để trút hết tất cả các bon đạn còn lại từ thế Thế chiến II và thí nghiệm những vũ khí mới. Sau này Mỹ cũng đã làm như vậy ở Afghanistan.
Ngày 12.4.1966, Đèo Mụ Giạ là điểm đầu tiên ở miền Bắc bị pháo đài bay B-52 ném bom. Kể từ đó B-52 đã kết hợp với các oanh tạc cơ khác và pháo binh ở các chiến hạm ngoài biển san bằng tỉnh Quảng Bình. Thành quách, nhà cửa, đường sá, cầu cống… đều được phá sạch. Sông ngòi được thả đầy thủy lôi.
Vì tỉnh Quảng Bình có chiều ngang chỉ có 50km, nên khi bị máy bay Mỹ oanh kích, không còn nơi nào cho dân chúng ẩn nấp, chính quyền phải thực hiện những cuộc di tản được đặt tên là Ca để đưa dân đến các tỉnh khác ở miền Bắc. Chúng tôi thấy có 9 cuộc di tản từ Ca-1 đến Ca-9.
2.- Tại sao tháp nhà thờ Tam Tòa còn lại?
Danh từ quân sự của Pháp thường gọi những dấu tích được chừa lại sau các trận oanh kích như tháp nhà thờ Tam Tòa là Point Relais, có nghĩa là “điểm giao hàng”.  Máy bay Mỹ từ Thái Bình Dương vào, từ Thái Lan qua hay từ Đà Nẵng ra, cứ thấy “điểm giao hàng” là trút bom đạn xuống. Nhưng sau chiến tranh, cái “điểm giao hành” đó đã trở thành cột trụ của niềm tin tôn giáo đứng vững.
TAM TÒA KHI QUẢNG BÌNH ĐƯỢC TÁI THIẾT
Sau chiến tranh, khi tái thiết lại thành phố Đồng Hới, nhà cầm quyền đã dùng khu bên trái tháp nhà thờ làm hải cảng và khu bên phải làm công viên Nhật Lệ, chỉ chừa lại một khoản đất nhỏ sau tháp chuông nhà thờ. Nhiều giáo dân ở các vùng trong thành phố đã tụ tập lại và mong muốn tái lập giáo xứ Tam Tòa, nhưng vì không còn nhà thờ nên mọi sinh hoạt phụng vụ phải được tạm thời tổ chức tại nhà một giáo dân là nhà ông Nguyễn Công Lý, ở số 58 đường Nguyễn Du, cách nhà thờ cũ khoảng 200m.
Từ năm 1850 đến tháng 5/2006, giáo xứ Tam Tòa thuộc quyền quản lý của Giáo phận Huế. Kể từ ngày 15.5.2006 các giáo xứ ở phía nam sông Gianh (trong đó có Tam Tòa) đã được đặt dưới quyền quản trị của Giáo Phận Vinh. Đức Giám Mục Giáo Phận Vinh đã cử Linh mục Lê Thanh Hồng vào làm quản xứ Sen Bàng và các xứ còn lại từ Đồng Hới trở vào, trong đó có giáo xứ Tam Tòa.
Thánh lễ bên ngoài Nhà thờ Tam Tòa tháng 2/2009 (ảnh VietCatholic)
Ngày 26.3.1997, UBND tỉnh Quảng Bình đã tự động ra quyết định đưa khu nhà thờ Tam Tòa cũ vào danh mục di tích lịch sử. Sau nhiều cuộc tranh đấu gay cấn ở trong cũng như ngoài nước, và nhiều cuộc thương lượng, ngày 23.10.2008 UBND tỉnh Quảng Bình và Tòa Giám Mục Vinh đã ký một bản ghi nhớ, trong đó UBND tỉnh đồng ý cấp đất để giáo dân Tam Tòa xây cất nhà thờ ở một nơi khác và yêu cầu Tòa Giám Mục “chọn nơi nào thuận lợi cho giáo dân và làm tăng thêm vẽ đẹp của Thành phố”.
Mặc dầu đã có sự thỏa thuận như trên, việc cấp đất vẫn bị trì hoản. Vì không được cấp đất, ngày 20.7.2009, giáo dân đã tự động đến dựng một cái lán tạm trên nền đất cũ của nhà thờ Tam Tòa. Công an đã được huy động đến đàn áp bằng dùi cui, gậy gộc, lựu đạn hơi cay, và dùng xe kéo đổ sập ngôi lán mà giáo dân vừa dựng lên. Họ đã bắt đi hàng chục người và sau đó quyết định truy tố 7 người. Một số giáo dân và linh mục đã tụ tập lại khu nhà thờ cũ để cầu nguyện, nhưng bị ngăn cản và đàn áp dã man.
2009_08_16_TamToa2_Tranthanh
Sáng Chúa Nhật 26.7.2009 tại nhà thờ của 18 sở hạt trên tổng số 19 giáo hạt trong Giáo phận Vinh, giáo dân các giáo xứ đã đổ về giáo hạt mình để thể hiện tình liên đới, hiệp thông cầu nguyện cho Tam Tòa. Theo số liệu báo cáo từ các giáo hạt, số giáo dân tham dự lễ sáng hôm 26.7.2009 gần 250.000 người. Giáo dân thuộc nhiều nơi trong nước cũng như hải ngoại đã cùng hiệp thông với giáo dân Giáo phận Vinh.
Một thông cáo của Tòa Giám Mục Vinh ở Xã Đoài cho biết, riêng tại Tam Tòa, Đồng Hới, có 7 linh mục trong hạt Đồng Troóc và hơn 500 giáo dân đã đi về nền nhà thờ Tam Tòa để dâng lễ. Nhưng một lực lượng khoảng trên 3.000 người, trong đó gồm có công an, cảnh sát, dân quân và dân địa phương đã dùng vũ lực ngăn cản, đánh đập.
Ngày 30.7.2009, vào lúc 10 giờ, ông Nguyễn Đức Thịnh, Vụ Phó Vụ Công Giáo, và bà Đào Thị Đượm, Chuyên viên Công giáo thuộc Ban Tôn Giáo Chính Phủ, đã tới Tòa Giám Mục gặp và trao đổi với linh mục Võ Thanh Tâm, Tổng Đại Diện Giáo phận Vinh cùng với linh mục Phạm Đình Phùng, Chánh văn phòng Tòa Giám Mục Xã Đoài. Tại cuộc gặp này, Đại diện Ban Tôn Giáo Chính Phủ muốn nghe những ý kiến từ Giáo phận Vinh.
Lúc 18 giờ ngày 30.7.2009, Tòa Giám Mục nhận được tin từ người nhà của các nạn nhân cho biết: Công An Quảng Bình đã thả thêm 4 giáo dân bị bắt giữ từ ngày 20.7.2009. Hiện còn 3 giáo dân bị giữ. Còn ông Nguyễn Công Lý bị mang đi ngày 26.7.2009 đã được thả sau đó.
Tối ngày 14.8.2009, nhân ngày lễ vọng Lễ Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời, Tòa Giám Mục Vinh đã tổ chức Buổi Thắp Nến Hiệp Thông cầu nguyện cho giáo xứ Tam Tòa. Giáo dân Giáo phận Vinh đã quy tụ về đông đảo, Từ khắp các nẻo đường trong giáo phận, nhất là từ hai tỉnh Hà Tỉnh và Nghệ An, khoảng 200.000 người đã liên tiếp đổ về Toà Giám Mục Vinh, một số mang theo cờ Vatican hay băng cầu nguyện cho Tam Tòa. Tất cả đã diễn biến trong trật tự. Giáo dân tại nhiều nơi khác ở trong nước cũng như trên thế giới cũng đã tổ chức những buổi thắp nến để hiệp thông với Giáo Phận Vinh.
Trước một cuộc đấu tranh cho một nguyện vọng chính đáng ngày càng bùng nổ lớn và lan rộng, nhà cầm quyền đã tìm cách giải quyết vấn đề đất cho giáo xứ Tam Tòa. Việc tìm một khu đất thích hợp để xây nhà thờ trong thành phố không phải là dễ dàng, nhưng rồi ước muốn của giáo dân Tam Tòa cũng đã được đáp ứng. Trong cuộc phỏng vấn ngày 30.1.2011 của cô Thanh Trúc, phóng viên Đài Á Châu Tự Do, Linh mục Lê Thanh Hồng cho biết chính quyền đã đưa ra những địa điểm cho Tòa Giám Mục Vinh lựa chọn, có những điểm có diện tích rộng nhưng ngoài thành phố và xa giáo dân. Ngài nói:
Đất rộng mà xa dân thì sinh hoạt cũng khó khăn. Cho nên sau khi cân nhắc chọn lựa thì đó là một trong những điểm có thể dễ dàng qui tụ giáo dân hơn cả.
“Trong hồ sơ đầu tiên thì bản thiết kế qui hoạch tổng thể khuôn viên nhà thờ là 9.600 mét vuông. Sau khi nộp hồ sơ đó rồi thì địa điểm họ cho mình chọn lựa 9.600 mét vuông qui hoạch thì không đủ mà chỉ khoảng chừng sáu ngàn rưỡi trở lại. Mình phải làm lại hồ sơ khác 6.200 mét vuông, nghĩa là phù hợp với diện tích và địa điểm mình đã chọn do thành phố quí hoạch.”
NIỀM TIN TÔN GIÁO Ở QUẢNG BÌNH ĐANG BÙNG NỔ
Khu đất được cấp cho giáo xứ Tam Tòa hiện nay nằm ở Phường Nam Lý, trên đường Thống Nhất, cách ngã ba đường Trần Hưng Đạo và đường Thống Nhất khoảng 500m về phía nam. Đường Trần Hưng Đạo là con đường lớn chạy dài từ cầu Mụ Kề cũ (tức chân cầu bắc qua sông Nhật Lệ hiện nay) đến gần ga Thuận Lý cũ. Ga này nay được đổi tên là ga Đồng Hới. Như vậy khu nhà thờ mới cách khu nhà thờ cũ khoảng 2,5km về phía tây nam và cách ga Đồng Hới về phía đông khoảng 500m. Đây là một khu sầm uất và rất tiện lợi cho việc đi lại.
Dân số tỉnh Quảng Bình hiện nay khoảng 846.950 người. Hầu hết giáo dân trong tỉnh đã quay trở lại giáo xứ của mình và số giáo dân đang bùng nổ lớn. Năm 1995, số giáo dân ở Quảng Bình khoảng 75.000 người, chia thành 25 giáo xứ, làm thành hạt Bình Chính. Mặc dầu còn nghèo khó, họ đã xây lại nhà thờ, các cơ sở giáo dục và bác ái. Nay giáo dân Quảng Bình đã tăng đến 110.000 người, chia thành 37 giáo xứ, làm thành 4 giáo hạt là Hướng Phương, Minh Cầm, Hòa Ninh và Nguồn Son. Các giáo xứ ở phía nam Quảng Bình đang được phục hồi.
Thành phố Đồng Hới, trung tâm của Quảng Bình, có khoảng 170.000 dân, nhưng vì chưa xây dựng lại được nhà thờ Tam Tòa, nên số giáo dân quy tụ chỉ khoảng 1500 người. Ngày Chúa Nhật và các ngày lễ họ phải đứng bên ngoài một nhà nguyện nhỏ của tư nhân ở đường Nguyễn Du để tham dự thánh lễ. Vì thế trong thư ngõ đề ngày 26.5.2015, Đức Giám Mục Nguyễn Thái Hợp và Linh Mục Trần Văn Thành, quản nhiệm mới của giáo xứ Tam Tòa, đã kêu gọi quý Đức Cha, quý Cha, giáo dân và các nhà hảo tâm trong cũng như ngoài nước rộng tay giúp đỡ để Đồng Hới sớm có một thánh đường làm chứng cho niềm tin chắc rằng “cửa hỏa ngục sẽ không bao giờ thắng nổi”.
Chúng tôi mong rằng các giáo dân và các nhà hảo tâm trong cũng như ngoài nước, tiếp tay với Tòa Giám Mục Vinh và các giáo dân nghèo khó ở Quảng Bình, xây dựng lại nhà thờ Tam Tòa và các cơ sở giáo dục, văn hóa và bác ái để làm cho quê hương ngày càng tươi đẹp hơn.
Ngày 27.8.2015
Lữ Giang


Ghi chú:
Mọi đóng góp xin gởi về Tòa Giám Mục Vinh, Xã Ðoài, Nghi Diên, Nghi Lộc, Tỉnh Nghệ An, Việt Nam. Chi phiếu đề Đức Giám Mục Nguyễn Thái Hợp với ghi chú “Xây nhà thờ Tam Tòa”

Liên lạc:
Lm. Phêrô Trần Văn Thành,
Nhà Nguyện Tam Tòa
58 Nguyễn Du, Đồng Hới, Quảng Bình, Việt Nam
Tel: 0907928692 - 0917837576




__._,_.___

Posted by: Lu Giang 

No comments:

Post a Comment

Nhân quyền và bạo quyền

VTV-[Trang Lê Mới Nhất] chửi từ nhà ra phố, Trọng Lú sợ vỡ mật

https://www.youtube.com/results?search_query=Trang+L%C3%AA+%28B%C3%A0+Ngo%E1%BA%A1i%29

Featured Post

🔥 Bản Tin Trong Ngày-22/11/2024

Popular Posts

My Blog List